Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Cãi Lộn

Có lần người viết đã chia sẻ với bạn : một gia đình mà tất cả các thành viên đều nhận mình sai là một gia đình bình an, hạnh phúc ; trái lại, một gia đình mà các thành viên đều cho mình đúng chắc chắn là một gia đình bất an, bất ổn vì thường xuyên cãi lộn.

Có bạn không đồng ý với nghịch lý này và đặt vấn đề : tại sao cả nhà ai cũng đúng mà hậu qủa lại là cãi lộn, trong khi nhà khác, chẳng ai nhận mình đúng, chỉ nhận mình sai, mà lại ấm êm, không ai tranh cãi, mắng mỏ ai ?

Dễ hiểu thôi bạn ạ, vì ai cũng đúng, nên không ai chịu nhận mình sai, trong khi hiện trường chứng mình có điểm sai, nên phải có một hoặc nhiều người không đúng. Cũng vì cố chấp cho mình đúng, người khác sai, mà người đúng cố cãi cho “ra lẽ” cái đúng của mình, và người sai cũng cố tranh giành cho bằng được cái đúng mình không có. Thế là cãi lộn tưng bừng, khí thế ! Và đúng là cãi lộn, khi lộn xộn đúng sai, khi lẫn lộn sai đúng trong lời qua tiếng lại, và vì không ai chịu nhận mình không đúng, nên cãi lộn khó dừng, không thể ngưng cho đến khi tất cả bị xáo trộn, lộn nhào : xáo trộn bình an, lộn nhào thứ vị, khi giận dữ đến hồi cao trào sẽ chẳng ngại gọi nhau bằng mày tao, và nóng nẩy không còn được kiểm soát sẽ mù quáng xử nhau bằng bạo lực.

Sở dĩ tình trạng xấu ấy sẽ dẫn đến rất xấu, vì không có người nhận mình sai để  khiêm tốn nhận lỗi, xin lỗi, hầu mở ra con đường cần thiết cứu nguy tình thế bất ổn, bất hoà của gia đình, như “con đường máu” luôn là con đường phải có trong chiến trận, khi tất cả đã bế tắc, và không còn hy vọng chống trả, chiến đấu. Trong thực tế, nguyên nhân thứ nhất gây ra cảnh đổ vỡ của các gia đình, chính là bình an bị bế tắc, hạnh phúc không có đường ra, khi các thành viên của gia đình đều quyết tử cố thủ đến cùng “cái đúng” của mình, mà không nhân nhượng, nhịn nhường bằng khiêm tốn nhận mình có thể đã sai. 
   
 Ngược lại là sinh hoạt của một gia đình, mà ở đó ai cũng sẵn sàng và vui vẻ nhận mình không đúng, hoặc không hoàn toàn đúng, để giữ hoà khí và bình an của cả nhà. Gia đình này trước bất cứ sự kiện, biến cố hay hoàn cảnh nào đều chỉ tập trung vào một mục tiêu chung là bình an hạnh phúc của nhau. Vì thế, sẽ không có ai “đằng đằng sát khí” hay “sừng cồ” cho mình đúng, trái lại, tất cả đều chia sẻ trách nhiệm chung, chia sẻ hậu qủa chung, chia sẻ gánh nặng chung, chia sẻ thất bại chung bằng nhận mình có sai ít nhiều, sai phần nọ phần kia, sai chỗ này chỗ khác. Nhờ thế bình an không bị ngộp thở, tình yêu, và lòng tương kính không bị bức tử, bởi có nhiều lối ra để không bế tắc, nhờ nhiều người nhận mình không đúng : nhiều cửa vào để đón nắng ấm, khí lành nhờ ai cũng biết nhận lỗi, xin lỗi nhau, như lời tỏ tình có sức giải toả mọi khó khăn, hàn gắn mọi rạn nứt, xây dựng hạnh phúc, bình an.

 Xóm làng Việt Nam, tuy có gần gũi, tương trợ, nhưng cãi lộn trong nhà, ngoài xóm vẫn còn nhiều và được coi là chuyện bình thường, chuyện “nhỏ như con thỏ”. Chính vì coi cãi lộn là chuyện  bình thường và nhỏ, mà hầu như không ai quan tâm đến việc xây dựng một xã hội bình an trong nhà, ngoài ngõ, không còn cảnh chửi bới thô tục, thậm chí lột quần cởi áo, vỗ chỗ này, khoe chỗ nọ trên thân thể mình, như minh họa cho chính xác và thấm thía những lời chửi rủa rất hạ đẳng, thiếu văn hoá đang xối xả tuôn trào. Cũng vì xem chuyện cãi lộn như chuyện bình thường để giải quyết những lấn cấn, bất đồng, mâu thuẫn thường ngày giữa người này người nọ, nhà này nhà kia, mà vô tình xã hội đã dung dưỡng một cách tích cực bạo lực, bởi không chỉ súng đạn, dao búa mới là bạo lực, nhưng chính ngôn từ là bạo lực nguy hiểm nhất, bởi hầu như tất cả các bạo lực khác đều bị kích động, châm ngòi bởi bạo lực ngôn từ. Kinh nghiệm cho thấy, hai con gà đá nhau tới chết cũng chỉ vì tiếng gáy, và người ta hăng máu chém nhau đứt đầu, mất tay cũng chỉ vì “lời qua tiếng lại”, khích bác, thách thức, nhục mạ nhau. Người viết đã vô phúc chứng kiến cảnh hai thanh niên dùng vỏ bia đâm nát mặt nhau trong một quán ăn ở Sàigòn, sau mấy phút cãi lộn, vì một lý do “lãng xẹc, chẳng đâu vào đâu”.

Thượng Toạ Pháp Hoà khi được hỏi : “Thưa Thầy, con có được phép cãi lộn không?” Thượng Tọa dí dỏm trả lời : “Đã biết” lộn “rồi sao còn cãi ?”

Thánh Phaolô thì khuyên tín hữu Corintô “thà chịu bất công, thà chịu thiệt thòi” còn hơn cãi lộn, kiện cáo nhau, bởi “nguyên việc cãi cọ, kiện cáo nhau đã là một thất bại rồi” (1 Cr 6,7). 

   Ở đây, chúng ta cùng tìm xem đâu là nguyên nhân chính đưa đến cãi lộn :

1. Ghen tương và tranh chấp hơn thua :
Thánh Giacôbê đã khẳng định : “Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ xấu xa” (Gb 3,16).

2. Chiều theo tính xác thịt :
 Nghiã là hành xử theo tính khí tự nhiên, mà không để tinh thần siêu nhiên điều khiển, như tức ai là “phang” họ ngay, ghét ai là chửi bới, dập vùi họ liền mà không để tinh thần bao dung, yêu thương của Chúa soi dẫn, như Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Côrintô : “Bao lâu giữa anh em có sự ghen tương và cãi cọ, thi anh em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao ?” (1Cr 3,3).

3. Kiêu căng, tự mãn :
Đây là nguyên nhân chính gây ra cãi lộn, mà sách Châm Ngôn đã khuyến cáo : “Tự mãn, kiêu căng chỉ gây ra cãi cọ ; nghe lời khuyên nhủ thì sẽ được khôn ngoan” (Cn 13,10). Người hay cãi lộn là người tự phụ cho mình đúng, tự mãn cho mình hoàn hảo, tự kiêu coi mình biết hết mọi sự và làm đúng mọi việc. Khác với người khiêm nhường, họ luôn tìm khôn ngoan trong ý thức mình có giới hạn, nhiều khiếm khuyết, cần được chỉ dẫn, trau dồi, học hỏi.
 
Tưởng cũng nên sắm sẵn mấy chià khóa giúp chúng ta dằn cơn giận để không rơi vào tình trạng cãi lộn, khi lớn tiếng vạch tội và công khai chửi rủa, lên án anh em mình :

3.1 Tập biết thông cảm bằng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác.
Với thời gian tìm đặt mình vào hoàn cảnh của người mà ta đang muốn cãi lộn, ta sẽ tự hạ nhiệt phẫn nộ và nhớ lại Lời Kinh Thánh : “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nẩy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại hãy đối xử tốt với nhau...” (Ep 4,31-32).

3.2  Làm chứng lòng thương xót :
Cao điểm của lòng thương xót là tha thứ cho người có lỗi với mình và không trừng phạt họ như họ đáng bị trừng phạt, nhưng học với Thiên Chúa là “Đấng nhân hậu từ bi, chậm giận, lại giầu tình thương và lòng thành tín” (Tv 86,15).

3.3 Tha thứ và quên đi :
Chúng ta có thể tha thứ, nhưng khó có thể quên lỗi lầm của người được tha thứ. Sự phân biệt rành rẽ giữa tha thứ và quên đi này đã đánh lừa chúng ta và cho chúng ta cảm tưởng đã cao thượng tha thứ, để che dấu một tình trạng rất tồi tệ mới là tiếp tục nuôi hận thù, căm phẫn một cách kín đáo, vì không muốn quên. Bởi thế, không thể thứ tha mà không quên đi, bởi khi còn cố giữ trong tim, ghim trong đầu lỗi lầm của ai đó, thì hành vi tha thứ không thể thực hiện, vì Thiên Chúa muốn chúng ta không chỉ tha thứ cho anh em, mà còn phải nài xin Ngài tẩy rửa trái tim chúng ta, để không một hận thù, hờn oán nào, dù nhỏ đến đâu có thể tồn tại. Thánh Phaolô nhắc nhớ các tín hữu Do Thái : “Đừng để rễ đắng nẩy mầm trong tâm hồn, vì sẽ sinh xáo trộn, bất an”, nhưng hãy bứng hết rễ tỵ hiềm, bất hoà để được hưởng lời chúc phúc. (Dt 12,15).

3.4 Tương đối hoá và không trầm trọng vấn đề :
Hầu hết những cuộc cãi lộn đều do những chuyện rất nhỏ và vô căn cứ như : “Tôi  nghe người ta bảo : bà nói tôi thế này thế nọ ; có phải ông mới nói xấu tôi với ông X, bà Y không ? Sao cô nói sau lưng tôi ?”. Do đó, không nên tuyệt đối hóa và trầm trọng hoá bất cứ một vấn đề nào nếu mới chỉ nghe người ta nói, nghe người ta đồn, nghe người ta nói lại, mà chưa gặp gỡ, trao đổi, giải trình với đối tượng, một cách bình tĩnh và với tinh thần tôn trọng nhau và tôn trọng chân lý.
 
3.5 Không phải chỉ có điều xấu :
Tuy vô ơn hầu như thuộc bản tính của con người, nhưng không nên vì một lần quên ơn, mà cắt đứt tình nghiã đã nhiều năm được nuôi lớn. Cũng vậy, một lầm lỗi nhất thời của một người không thể quyết định toàn thể nhân cách và cuộc đời của người ấy. Ở mỗi nguời, ngay cả người bị xã hội liệt vào thành phần bất hảo cũng có những điểm tốt có thể không lộ ra, hoặc còn tiềm tàng ẩn dấu, nên thái độ quyết đoán qúa cứng rắn và vội vã là điều chúng ta cần tránh để không rơi vào bất hoà, cãi cọ vô ích.

3.6 Có đáng phải cãi lộn không ?
Chìa khoá sau cùng là tự hỏi: “Có đáng phải cãi lộn mới giải quyết được mâu thuẫn này không ? Có đáng phải xỉa xói, mạ lỵ, vì chuyện nhỏ không đáng đó không ?”

 Câu hỏi tuy ngắn, nhưng có khả năng ngăn được chuỗi dài hậu qủa không bao giờ tốt đẹp của cãi lộn.

Ước mơ của tôi cũng như của bạn là không còn phải thấy những cảnh cãi lộn nghe mà rùng mình, xem mà sợ hãi, nhan nhản xẩy ra đó đây. Đất nước chúng ta ở vùng nhiệt đới, nóng quanh năm, nên dân ta cũng dễ nóng nẩy, nổi sùng, sinh sự : chỉ hơi một chút là cãi nhau, sơ xẩy một tí là cãi lộn ; có khi chỉ vô ý nhìn thôi cũng đã đủ gây ra đấu khẩu, xô xát ngay ngã tư, đèn xanh đèn đỏ.

 Là người Kitô hữu, người của bình an, chúng ta không được cãi lộn, vì không chỉ “đã biết lộn rồi sao còn cãi” như câu trả lời khôi hài nhưng đầy ý nghiã của Thượng Tọa Pháp Hoà, mà hơn thế nữa, bất cứ cuộc cãi lộn lớn nhỏ nào cũng gây lộn xộn trong tâm hồn, lộn xộn cho gia đình, lộn xộn ngoài xã hội, bởi bản chất của cãi lộn là tội lỗi, như thánh tông đồ dân ngoại đã qủa quyết : “Anh em nổi nóng ? Chớ phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26). Chúa Giêsu cũng khuyến cáo những ai muốn theo Ngài : “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”. (Mt 5,23-24).

Chúng ta cầu nguyện cho nhau đừng bao giờ cãi lộn, nhưng được trở thành khí cụ và người gieo Bình An, với lời Kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô Assisi mà Giáo Hội sắp mừng kính:


“Lậy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lậy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ Bình An của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm ; để con đem tin kính vào nơi nghi an, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng ; để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.
 Lậy Chúa, xin hãy dậy con : tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh Thánh Ái ! Xin mở rộng lòng con. Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn An Bình”.

Jorathe Nắng Tím