“THIÊN CHÚA LẤY TÌNH CHA MÀ GIÁO DỤC”
Tuổi
trẻ là tuổi của tình yêu và tình yêu là hải đăng dẫn lối, động cơ thúc đẩy, lẽ
sống, lý tưởng của người trẻ, nên thiếu tình yêu, người trẻ không nghĩ mình có
thể tồn tại, vắng bóng tình yêu, người trẻ coi mình như đã chết. Chẳng thế mà
không ít người trẻ đã tự tử khi tình yêu đổ vỡ, đã tự hủy diệt khi mộng yêu thương
không thành, đã từ chối cuộc sống không tình yêu, dù mọi nhu cầu khác được đáp ứng
đầy đủ.
Nhưng
tuổi trẻ là thời gian cần được giáo dục để trưởng thành nhân bản, cần được đào
tạo để có thể đi trên đôi chân của mình trong cuộc sống, và riêng với người trẻ Kitô giáo cần được liên tục huấn luyện để trưởng
thành trong đời sống tâm linh, tức lớn lên trong đức tin, đức ái, đức trông cậy
là nhịp cầu gắn kết với Thiên Chúa, và là tương quan thiết thân với Đức Giêsu,
Thiên Chúa làm người.
Chính
vì cần được giáo dục giữa độ tuổi khao khát yêu thương, lứa tuổi được Tình Yêu
thu hút mãnh liệt, mà người trẻ công giáo cần bầu khí yêu thương trong giáo dục,
cần được bậc cha anh lấy tình mà dậy dỗ, cần được trưởng thành nhờ những thầy dậy
đức tin dùng tình cha mà giảng dậy, giáo huấn, đào tạo.
Thực
ra, tuổi trẻ rất dễ thương, dễ thương vì qủang đại, không tính toán, so đo, ki
bo, vun vén; dễ thương vì cởi mở, không khép kín, bảo thủ, câu nệ, thành kiến;
dễ thương vì bao dung, dễ dàng bỏ qua, tha thứ, xí xóa, “cho chìm xuống” chuyện
cũ, và cái dễ thương “đáng yêu” nhất của người trẻ là ham học hỏi, thích tìm tòi,
sẵn sàng mở lòng đón nhận kiến thức, kinh nghiệm, lời khuyên, giáo huấn của bâc
cha anh và bạn hữu.
Nhưng
tại sao chúng ta không thành công như lòng mong ước với người trẻ công giáo,
khi một trong những nguyên nhân lớn đưa đến việc bỏ đạo đi theo giáo phái chính
là sự bất mãn của các em ngay trong khi được đào tạo, giáo dục đức tin ?
Nhìn
lại công việc đào tạo đức tin của người trẻ, chúng ta có thể không tự hổ thẹn với chính mình, vì những gì
làm được, chúng ta đã làm, những cơ hội thuận tiện, chúng ta đã nắm lấy, những
kỹ năng sư phạm cần thiết, chúng ta đã xử dụng. Tuy nhiên, khi nhìn vào thành qủa,
chúng ta vẫn có chút gì để áy náy, cần phải xem lại, khi một số người trẻ mặc dù
đã qua thời gian được đào tạo vẫn lẳng lặng bỏ chúng ta nghe theo giáo lý khác,
đi theo giáo phái mới lạ.
Có
nhiều bạn trẻ sau khi bỏ Giáo Hội đã than thở: Giáo Hội giáo dục như mẹ ghẻ với
con chồng, với tâm sự buồn, vì đã không được đào tạo trong bầu khí yêu thương của
tình cha mẹ.
Thực
ra, quy trách hết cho Giáo Hội thiết tưởng là một bất công, vì ưu tư hàng đầu của
Giáo Hội là đào tạo những tín hữu tốt lành, thánh thiện, và xây dựng vững chắc
hàng ngũ tông đồ giáo dân, để Giáo Hội luôn là một Giáo Hội hiệp nhất, hiệp thông trong cầu nguyện, yêu
thương, phục vụ, và hăng hái “ra sâu ra xa” trong sứ vụ truyền giáo. Cũng cần
phải nhìn vào thái độ sẵn sàng hay không
sẵn sàng của người trẻ khi được mời gọi tham dự những chương trình đào tạo, giáo
dục đức tin, vì Giáo Hội không thể thay thế sự cộng tác tự nguyện tích cực của mỗi
người.
Tuy
thế, với thao thức làm tốt hơn mỗi ngày sứ vụ đào tạo, giáo dục đức tin của người
trẻ, thiết tưởng chúng ta thừa khiêm tốn và thiện chí để rút tỉa những kinh
nghiệm hữu ích từ những tâm sự của bạn trẻ đã trải qua cơn thử thách nặng nề.
1.
Giáo dục đức Tin không
là chuyển tải một kiến thức:
Vì
không là kiến thức, nên lớp giáo lý đức tin không là lớp học bình thường với sư
phạm bình thường, khi tương quan thầy cô - học trò chỉ là tương quan chuyển tải
kiến thức. Trái lại, đức tin là cả cuộc sống, gồm mọi chiều kích, khía cạnh cuộc
đời, bởi đức tin biến đổi toàn diện, đức tin thay đổi toàn thể, đức tin đổi mới
toàn phần, nên giữa người tin và người không tin có sự khác biệt vô cùng lớn như
đất với trời.
Chúng
ta hãy nhìn vào con người Saolô trước khi ngã ngựa trên đường Đamát và con người
Phaolô sau khi “gặp” Đức Giêsu.
Đây là hình ảnh của Saolô, con người khi chưa tin Đức
Giêsu:
· “Ông
tán thành việc giết vị tử đạo đầu tiên Têphanô” (Cv 8,1). Ông Têphanô là một
trong bẩy người được các Tông Đồ đặt tay để giúp các ngài trong việc phân phát
lương thực (x. Cv 6,1-6). Ông rao giảng Lời Chúa và bị các Thượng Tế bắt và ném
đá đến chết.
· Saolô
hăng say phá hoại Hội Thánh của Đức Giêsu: “ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn
đàn bà đem đi tống ngục” (Cv 8,3).
Trên
đường đến gần Đamát, sau khi có giấy giới thiệu “đến các hội đường ở Đamát, để
nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà thì bắt trói giải về
Giêrusalem”, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông.
Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt
bớ Ta?” Ông nói : “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Người đáp : “Ta là Giêsu mà
ngươi đang bắt bớ” (Cv 9,2. 3-4).
Sau khi “gặp Đức Giêsu”, Saolô không còn là hung thần
bắt bớ người có đạo, nhưng trở thành con người mới Phaolô, tông đồ dân ngoại:
· “Ông
cùng với các tông đồ đi lại hoạt động tại Giêrusalem. Ông mạnh dạn rao giảng nhân
danh Chúa. Ông thường đàm đạo và tranh luận với những người Do Thái theo văn hoá
Hy Lạp. Nhưng họ tìm cách giết ông” (Cv 9,28-29).
· Phaolô
hướng về dân ngoại, và bị người Do Thái phản đối, nhục mạ, ngược đãi (x. Cv 13,
44-50).
· Vì
loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu, Phaolô chịu muôn ngàn thử thách: bị truy lùng,
giam cầm, đánh đòn, bị đắm tầu, và đủ mọi gian nan khác, như ngài đã viết cho
Timôthê, môn đệ của ngài: “Anh đã thấy lòng tin, sự nhẫn nại, lòng yêu mến, sự
kiên trì của tôi; anh đã biết những cơn bắt bớ, những sự đau khổ tôi đã gặp ở
Antiôkhia, Icôniô, Lýtra, đã biết tôi chịu bắt bớ như thế nào” (2 Tm 3,10-11).
Và
người đương thời đã không thể tưởng tượng Phaolô và Saolô là một người, vì đức
tin đã hoàn toàn biến đổi ông, đến nỗi ông đã thốt lên trong niềm hạnh phúc siêu
nhiên của người tin yêu Đức Giêsu: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống,
mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
2.
Giáo dục đức tin không
là huấn luyện một khả năng, nghề nghiệp:
Quân
trường đào tạo khả năng làm lính để đánh giặc, trường sĩ quan đào tạo cấp lãnh đạo
để chỉ huy đoàn quân, trung tâm huấn nghiệp đào tạo ngành nghề để sinh sống, nhưng
trường dậy đức tin không nhắm những mục tiêu này. Bởi nếu nhắm những mục tiêu
trên, lớp giáo lý sẽ có những tiêu chí đào tạo, những tiêu chuẩn lượng giá thành
qủa như các trường lớp huấn luyện khả năng, nghề nghiệp mà không chọn “tương
quan Cha - Con giữa mỗi người với Đức Giêsu”,
đời sống kết hiệp thân mật giữa mỗi người với Thiên Chúa Ba Ngôi, đời sống hiệp
thông trong đức ái giữa mọi người trong Giáo Hội làm mục tiêu của giáo dục.
Thực
vậy, chỉ hai điểm chính yếu trên cũng đã đủ để thấy sự khác biệt giữa giáo dục đức
tin và “các giáo dục, đào tạo khác của trần thế”. Vì khác biệt căn bản này, mà
giáo dục đức tin không đi theo đường lối, kỹ năng đào tạo của người đời, nhưng
theo một sư phạm đặc biệt của Đức Giêsu. Đó là sư phạm của Tình Cha,
3. Tình Cha trong giáo dục của Thiên Chúa:
Để hiểu rõ hơn sư phạm của sứ vụ giáo dục đức tin mà
Thiên Chúa muốn chúng ta thực hiện đối với người trẻ, chúng ta được mời gọi
chiêm ngưỡng chân dung Thiên Chúa là “người Cha nhân hậu” trong Tin Mừng Luca
15,11-32 :
a.
Với tình
cha nhân hậu, người cha đã không một lời trách móc cậu con thứ hoang đàng:
Sau thời gian dài bỏ nhà đi hoang, ăn chơi trác táng,
tiêu xài hết phần gia tài được chia, cậu con thứ trở về thân tàn ma dại. Thực
ra, động cơ thúc đẩy cậu trở về là tình cảnh túng thiếu kiệt quệ “phải đi ở đợ”
và “ao ước được lấy cám heo mà nhét cho đầy bụng” mà cậu rơi vào, chứ thực ra cậu
chẳng nhớ nhung gì cha già ở nhà hằng ngày ra đầu ngõ ngóng tin con trai.
Là người thực dụng, cậu khôn khéo sắp xếp những gì phải
nói với cha khi trở về, như đã tính toán đòi cha phải chia gia tài trước đây. Vì
sợ cha nổi nóng xua đuổi, cậu đã nghĩ ra lời thú tội tuyệt vời, và tin chắc sẽ
làm cha mủi lòng: “Con thật đắc tội với Trời và với cha. Con chẳng còn đáng gọi
là con cha nữa” (Lc 15,18 -19).
Nhưng thật bất ngờ, người cha nhân hậu đã chẳng để ý đến
lời thú tội của đứa con hư hỏng, mà chỉ cuống quýt bảo đầy tớ này: “đem áo đẹp
nhất mặc cho cậu”, nói đầy tớ kia: “xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân
cậu”, và hớn hở điều động gia nhân “bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng
ta mở tiệc ăn mừng” (x. Lc 15, 11-24)
b. Với tình cha nhân hậu, người cha đã kiên nhẫn chịu đựng
và khiêm tốn “ra năn nỉ” cậu con cả:
Cậu con cả được tiếng hiếu thảo, chăm chỉ làm việc, bên
cha “tay hòm chià khóa”, nhưng vì ganh tức với em, khi cha làm tiệc linh đình mừng
con trai thứ mà ông tưởng “đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”
nên “nổi giận và không chịu vào nhà” khi từ ngoài đồng về.
Biết con trai cả đang nổi nóng vì nghĩ cha không thương
mình, người cha nhân hậu đã đích thân “ra
năn nỉ” cậu con cả nhỏ nhen, tị nạnh để cậu nguôi giận vào nhà gặp em và chung
vui với mọi người ngày em trở về.
Qủa thực, người cha nhân hậu là Thiên Chúa đã giáo dục
bằng tình cha, nhưng tình Cha được áp dụng một cách khác nhau cho mỗi người: với
người con thứ, vì biết anh lo sợ bị từ chối, bị xua đuổi, không cho vào nhà, nên
người cha đã giả điếc làm ngơ, không đếm
xỉa gì đến lời tạ tội “có cánh” của cậu;
nhưng với người con cả, vì biết lòng ganh tức đang đốt cháy anh, nên người cha đã
xóa mình, khiêm tốn “ra năn nỉ” anh.
Thực ra, ông hạ mình ra năn nỉ anh, cốt để nghe anh nói,
nghe anh giãi bầy, nghe anh trút cơn giận hơn là để nói với anh. Bằng chứng là ông
đã để người con cả tha hồ lớn tiếng, lên
giọng phân bua, trách móc, tự hào kể lể công trạng: “Cha coi, bao nhiêu năm trời
con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được
một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha, sau khi đã nuốt
hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”
(Lc 15,29-30).
Qua thái độ của người cha nhân hậu, chúng ta nhận ra đường
lối giáo dục của Thiên Chúa đặt trên Tình Cha được biểu hiện bằng:
·
Tình yêu quảng đại
bao dung khi tha thứ vô điều kiện cho cậu con thứ.
·
Tình Yêu kiên nhẫn chịu đựng tính hoang đàng,
ngược ngạo, phung phí của con thứ và tính kiêu căng, ghen tương, tị nạnh, ích kỷ
của con cả.
·
Tình Yêu khiêm
nhường và hiền lành để lắng nghe và dạy dỗ, khuyên răn.
4. Mục đích của Thiên Chúa khi lấy Tình Cha mà giáo dục:
Người cha nhân hậu là Thiên Chúa đã lấy Tình Cha bao
dung, quảng đại, kiên nhẫn chịu đựng, khiêm tốn, hiền lành để dậy các con một điều duy nhất, đó là Tình Cha của ông vô
cùng và đến cùng: vô cùng bao la, nên vô điều kiện; đến cùng nên vượt mọi ràng
buộc của không gian, thời gian. Vô điều kiện nên ông đã bất chấp “lời ong tiếng
ve” của thiên hạ khi chê ông nhu nhược không dám từ con, hoặc đuổi phắt nó đi,
mà không cho về nhà. Ông cũng chẳng sợ lối xóm, nhất là đám gia nhân chê ông hèn
yếu khi đích thân “ra năn nỉ” cậu con cả. Trái lại, vì biết rõ mục đích phải đạt,
mục tiêu phải tới, ông đã không ngại bất cứ lực cản nào. Và mục đích, mục tiêu ấy
chính là các con ông nhận ra ông yêu thương chúng vô cùng và đến cùng .
Nhận ra Tình Chúa là Tình Cha bao la hải hà, nhận biết
Thiên Chúa là Cha nhân hậu, nhận rõ Thiên Chúa là Tình Yêu, đó là mục đích của
giáo dục đức tin, là mục tiêu phải đạt trong sứ vụ giáo dục đức tin cho người
trẻ, bởi nếu Thiên Chúa là Tình Yêu, đường Thiên Chúa đi và muốn những ai theo
Ngài phải đi là đường tình yêu thì giáo dục đức tin không thể nhắm mục đích nào
khác ngoài giúp người được đào tạo nhận ra Thiên Chúa yêu thương họ vô cùng và đến
cùng .
Nhiều nhà giáo dục đức tin ngại nói về Tình Cha của
Thiên Chúa với người trẻ, vì sợ rằng người trẻ sẽ “được đà, mượn cớ” sống bê
tha, phóng đãng, vì dựa vào Thiên Chúa là tình yêu, nên sẽ không ra án, đoán phạt.
Những vị này chủ trương dùng sợ hãi hơn là tình yêu để giáo dục, sử dụng hình ảnh đe
doạ hơn thương xót để củng cố đức tin. Nhưng các vị quên một điều quan trọng là
“tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì
sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo”
(1 Ga 4,18), như thánh Gioan tông đồ đã qủa quyết. Bên cạnh là những mâu thuẫn
rất nguy hiểm khi chúng ta vừa tuyên xưng Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngôi Hai Thiên
Chúa đến và chết cho con người vì yêu, Đức Giêsu nhập thế, nhập thể để cứu những
người tội lỗi và chuộc lại những gì đã hư mất, vừa vẽ chân dung một thiên chúa
xét nét, canh me, rình rập sai phạm, lầm lỗi của con người, một thiên chúa nhớ
từng tội và không tha thứ cho ai, một thiên chúa thich trừng phạt, đầy đọa tội
nhân, dễ nổi giận và cực kỳ nhỏ mọn, khó tính.
Qủa thực, nếu giáo dục đức tin không nhắm mục đích “được
tháp nhập vào và sống tình yêu của Thiên Chúa” thì làm sao người trẻ có thể vượt
qua những mâu thuẫn ngay trong giáo lý, và tất nhiên không thể chấp nhận những điều
phi lý chúng ta cố tình cưỡng ép, áp đặt các em.
Và vì lẽ đó, người trẻ không còn muốn nghe, không còn
dám tin, bởi chính chúng ta không nắm vững giáo lý căn bản, nôi dung của Tin Mừng,
sứ điệp của Thiên Chúa, nhất là căn tính của Thiên Chúa là Tình Yêu, là Tình
Cha, là người cha nhân hậu chỉ biết yêu thương vô cùng và đến cùng con cái mình.
Vâng, Đức Giêsu đã không mặc khải chân lý nào khác hơn
chân lý: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8), và “Tình Yêu của Thiên Chúa đối
với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để
nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải
chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta và sai
Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,9-10).
Bởi thế, nếu quên mục tiêu của giáo dục đức tin là giúp
người khác tin nhận Thiên Chúa là Cha giầu lòng thương xót và sống Tình Cha Thiên
Chúa nhân hậu ấy bằng yêu thương anh em như Thiên Chúa đã yêu thương, vì đó là “giới
răn chúng ta đã nhận từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh
em mình”. (1 Ga 4,21), chúng ta vô tình để
công trình giáo dục đức tin cho người trẻ của chúng ta bị vô hiệu, và coi
như “đổ biển” công khó giáo dục của chúng ta, vì lệch đường lối giáo dục Tình
Cha của Thiên Chúa.
Và một khi chấp nhận giáo dục người trẻ bằng Tình Cha
của Thiên Chúa, như Thiên Chúa đã lấy Tình Cha của Ngài mà giáo dục, chúng ta sẽ
tránh áp đặt những phương pháp sư phạm đe loi, dọa nạt, tránh những thái độ cứng
cỏi, đanh thép, lạnh lùng, tránh não trạng vị luật, quan án trong sứ vụ giáo dục
đức tin, vì chỉ tình yêu mới thực sự thay đổi tâm hồn, chỉ tình yêu mới thực sự
hoán cải đời sống, chỉ tình cha của Thiên
Chúa mới đào tạo trái tim mỗi người biết
yêu thương anh em như Thiên Chúa yêu thương, biết thương xót anh em như Thiên
Chúa thương xót.
Ước gì người trẻ không vì sợ Thiên Chúa mà bỏ Thiên Chúa,
không vì bị đe dọa mà bỏ Giáo Hội, nhưng được lớn lên trong Tình Cha của Thiên
Chúa, được trưởng thành trong đức tin nhờ nhận ra Thiên Chúa là cha nhân hậu rất
yêu thương. Nhờ vậy, người trẻ được giáo dục sẽ không bất mãn khi được Giáo Hội
nhắc nhở, sửa trị; không bực bội khi bị khiển trách, sửa sai như lời khuyên của
thánh Phaolô: “Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dậy, chớ nản lòng khi Người
khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dậy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì
Người mới cho roi cho vọt” (Dt 12,5-6).
Về phần người giáo dục, các vị cũng được mời gọi thực
hiện sứ vụ giáo dục đức tin với Tình Cha của Thiên Chúa như Đức Giêsu đã giáo dục
các môn đệ của Ngài bằng tình yêu của người cha nhân hậu, bằng Tình Cha “yêu
vô cùng và đến cùng, yêu vô điều kiện và vượt mọi ranh giới, lực cản”.
Jorathe
Nắng Tím