Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2019

LINH MỤC CỦA ĐỨC GIÊSU, MỤC TỬ NHÂN LÀNH

“Hôm nay, tôi được nghe kể chi tiết những gì bạn tôi đã sống sứ vụ linh mục cho đến ngày cuối cùng : mười năm Linh Mục ngắn ngủi, nhưng chưa bao giờ tìm gì cho bản thân. Những việc làm âm thầm  cho giáo phận mà tôi nhìn thấy chỉ là một phần, phần lớn còn lại là sống cho giáo dân. Họ rất nghèo, rất khổ. Được nghe kể chi tiết từng ngày người bạn của mình đã sống nghèo, sống khó cho giáo dân ở đó thế nào, và lý do qua đời không phải vì căn bệnh ung thư, mà ngã từ trên nóc nhà xuống đất, vì đã cùng gia đình nghèo lợp lại mái tôn, tôi lặng người thương nhớ người bạn rất đáng mến, cha Đaminh, người môn đệ của Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành”.
Người viết được đọc dòng tin nhắn cảm động trên, nên dù không quen biết vị linh mục trẻ đáng kính mới qua đời, nhưng nước mắt cứ tự nhiên ứa ra ướt mặt. Người viết khóc vì thương mến con người của người nghèo, sống chết vì người nghèo, và khóc vì niềm hạnh phúc và hãnh diện về gương sống của một linh mục trẻ, thánh thiện, chết cho giáo dân nghèo mà mình yêu, như Đức Giêsu, “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).
Thực ra, không linh mục nào không ao ước và không muốn sống trọn vẹn lý tưởng tuyệt vời của ơn gọi linh mục. Những tâm tình đạo đức của thời chủng sinh, những mơ ước thánh thiện ở đại chủng viện, những thề hứa nồng nàn, sốt sắng ngày thụ phong, những ân tình thánh tưởng không bao giờ phai nhạt, những hăng say, tận tụy, quên mình, xóa mình của những tháng đầu đời linh mục, rồi những chương trình, kế hoạch hoạt động mục vụ bất kể sức người có hạn, bất chấp nguy hiểm và liều lĩnh đến độ Bề Trên phải nhắc nhở, điều chỉnh, thắng bớt lại. Tất cả là bằng chứng hiển nhiên các linh mục đã hết lòng yêu mến và muốn hết tình, hết mình phục vụ dân Chúa.
Muốn hết tình cống hiến trong vai trò thầy dậy đức tin, muốn hết mình hoạt động để chu toàn bổn phận quản trị, muốn hết lòng với sứ vụ tiên tri, và tư tế phục vụ bàn thờ. Từng đó công việc, bấy nhiêu bổn phận cũng đã đủ tiêu hao đời linh mục như lửa làm sáp nến tiêu hao, đủ làm lao tâm, lao lực con người linh mục cũng yếu đuối, dòn mỏng, giới hạn như mọi người. Đó là chưa kể bao nhiêu khó khăn, nhiêu khê, phức tạp từ các tương quan chằng chịt, bởi linh mục là người của muôn người, người của cộng đoàn, của đám đông, quần chúng ; chưa kể rất nhiều thử thách đủ thể loại, đủ kích cỡ từ hoàn cảnh, môi trường, thời cuộc, và những thách đố nội tâm không kém cam go, gay cấn.
Vì thế, linh mục rất dễ rơi vào tình trạng căng thẳng trước phê bình, chỉ trích của đám đông, dễ xuống tinh thần khi bị quần chúng cô lập, tẩy chay, hoặc vì không theo ý họ, hoặc vì không thể theo ý ai, ngoài theo ý Chúa. Và đời linh mục mãi mãi là điểm nóng của dư luận, tâm điểm của nhận định, mục tiêu của chống đối.
Đức Giêsu biết rõ những căng thẳng không thể tránh, những hoạt cảnh thế gian gây chao đảo hồn tông đồ, nên đã ân cần căn dặn: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước… Hãy nhớ  lời Thầy đã nói với anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em” (Ga 15, 18.20).    
Như thế, không phải tất cả mọi người thế gian sẽ xử tệ với các linh mục, nhưng luôn có những người kính trọng, yêu mến, vâng phục các vị, như Đức Giêsu đã qủa quyết : “Nếu họ tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em”. Nhưng họ là những người nào ?
Họ là những người nhìn thấy ở linh mục hình ảnh của Đức Giêsu “hiền lành và khiêm nhường”, hiền lành để không làm ai run rẩy, sợ hãi khi ở bên ; khiêm nhường để không ai bị tổn thương, xúc phạm khi đến gần, bởi không ít người đã bỏ nhà thờ, xa Chúa, vì linh mục đã đối xử với họ như quan lớn với thứ dân, như ông chủ với bầy tôi tớ, điều mà Đức Giêsu đặt ra với các môn đệ của Ngài như điều cấm kị : “Anh em biết, thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không đuợc như vậy : Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,25-28).
Họ là những người nhận ra ở linh mục dung mạo Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân hậu, không chấp nhất tội lỗi ai, nhưng rộng lượng, bao dung và sẵn sàng gánh hết tội trần gian, như sứ mệnh làm “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”, mà thánh Gioan Tiền Hô đã giới thiệu trước đám đông (Ga 1,29), bởi nếu qua linh mục, người của Thiên Chúa và có bổn phận giới thiệu Thiên Chúa, người ta chỉ thấy một Thiên Chúa ganh ghét, giận dữ, hung bạo, lại thêm nhỏ nhen, thù vặt, mưu đồ, thủ đọan, thích được xu nịnh, lười biếng, hưởng thụ, thì ôi thôi, sẽ không ai dám liều lĩnh tuân phục, vâng nghe và cùng với vị linh mục ấy đi gặp Đức Giêsu.
Họ là những người khao khát gặp được ở linh mục Đức Giêsu của những người nghèo, nghèo như “bà goá túng thiếu kia đã bỏ vào thùng tiền của Đền Thờ hai đồng tiền kẽm” (x. Lc 21,1-4), Đức Giêsu của những người đau yếu, tật nguyền như anh mù Batimê ở Giêrikhô (x.Mc 10,46-52) hay người bại liệt (x. Mt 9,1-8), Đức Giêsu của những người đau khổ, thất vọng, như bà mẹ thành Nain trên đường đi chôn con trai duy nhất (x. Lc 7,11-17), hay như người đàn bà ngoại tình bị bắt qủa tang sầu thảm, lo lắng trước “đường tơ kẽ tóc” của cái chết dưới làn mưa đá (x. Ga 8 2-11), Đức Giêsu của đám đông những người bé nhỏ khao khát Nước Trời vừa được Ngài làm phép lạ nuôi ăn, sau nhiều ngày mải mê đi theo và nghe Ngài giảng (x. Mt 15,32-39), Đức Giêsu của những người tội lỗi tầy đình, bị xã hội loại bỏ khỏi sổ đời, như anh gian phi cùng bị đóng đinh với Ngài (Lc 23,39-43), Đức Giêsu của mọi hạng người bị coi là hư hỏng, bỏ đi, như “những người thu thuế và quân tội lỗi” được đồng bàn với Ngài (x. Mt 9,10-13)
Nhưng ấn tượng hơn cả là rất đông người, nếu không muốn nói là tất cả mọi người đều muốn gặp được ở linh mục “Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành” : mục tử  biết và gọi tên từng con chiên ; mục tử dắt chiên đến đồng cỏ để “chiên được sống và sống dồi dào” ; “mục tử hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (x. Ga 10, 1-15). Ba đặc tính của mục tử nhân lành là biết rõ chiên, chăn dắt, nuôi nấng chiên, và sẵn sàng hiến mạng sống để bảo vệ chiên, cho chiên được bình an, hạnh phúc.
Thực vậy, linh mục là mục tử và được sai đến như chủ chăn, nên linh mục không thể trở thành một ai khác, ngoài người chăn chiên ; không thể làm con người khác, ngoài làm mục tử ; không thể sống cuộc đời khác, ngoài cuộc đời của Đức Giêsu, Chúa Chiên lành. Chẳng thế mà người ta dễ bực bội với linh mục, khi không thấy ngài thương con chiên như Đức Giêsu thuơng, không qúy chiên như Đức Giêsu qúy, không trọng chiên như Đức Giêsu trọng, bởi trái tim của linh mục đã được dâng hiến cho Đức Giêsu, để yêu mến đoàn chiên của Ngài. Người ta nói xấu linh mục cũng vì ngài không lo cho chiên được no nê, khi hờ hững với đám chiên túng thiếu, bần cùng ; lạnh lùng xa lánh những con chiên ghẻ lở, đau ốm ; thờ ơ, dửng dưng với những con chiên thiểu năng, xấu số, và cô lập, tẩy chay, xua đuổi những con chiên ngang tàng, ngược ngạo, cá biệt. Không nhận ra linh mục giống Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, người ta dễ nổi xùng, bất mãn, vì thất vọng, khi thấy linh mục không thiết tha gắn bó và chăm lo đoàn chiên, nhưng chỉ lo cho mình, và một số người thân cận, thuộc phe nhóm ; không nghĩ đến ngày mai của chiên, mà chỉ lo hiện tại vương giả của mình và người nhà ; không mang lấy mùi chiên, mà lúc nào cũng nực mùi nước hoa xa lạ ; không gần gũi chiên để cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ, nên buồn vui, thành bại, đỉnh cao hay vực thẳm của chiên hoàn toàn là “ẩn số không đáp số” của linh mục.
Sở dĩ giáo dân đòi linh mục nhiều như vậy, và dễ bực bội, khó chịu như thế, vì linh mục với họ là người chăn chiên, là mục tử nhân lành, là chủ chăn nhân hậu, như Giáo Hội khẳng định khi linh mục được sai đến, bởi chẳng Giám Mục nào sai “người chăn thuê”, hay “kẻ trộm cướp” đến với đoàn chiên của mình (x. Ga 10,1.8.10.12). Do đó, trách giáo dân khó tính, không thông cảm tưởng cũng là một điều cần xem lại, khi hình ảnh họ đợi chờ ở linh mục, cũng là điều Đức Giêsu và Giáo Hội mong muốn, đòi hỏi, chính là mục tử nhân lành “yêu thuơng, chăm sóc và hy sinh cho đoàn chiên”. Cũng vì guơng mẫu mục tử qúa quan trọng và ấn tượng, nên hình ảnh thầy dậy thông thái, và nhà quản trị khôn ngoan ở linh mục không còn là điểm chói sáng, vì thực ra, đời linh mục hệ tại ở nếp sống gương mẫu hơn ở kiến thức và tài ba, chủ yếu ở gương sáng hơn nhiều lời giảng dậy, quan trọng ở gương lành hơn tổ chức cơ cấu.     
Theo gương Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, suốt “mười năm linh mục ngắn ngủi, nhưng chưa bao giờ tìm gì cho bản thân”, vì cha Đaminh chỉ say mê, miệt mài tìm kiếm chiên lạc, chiên nghèo, chiên bệnh, chiên hoang đàng, tội lỗi, chiên bị đời ruồng rẫy, bỏ rơi và lo cho đoàn chiên có được mái nhà che nắng mưa, có được cơm sắn ngày hai bữa, có được Thiên Chúa là lẽ sống, niềm vui, có được thiên đàng ngay dưới thế khi nhận ra Đức Giêsu là “EMMANUEL – Thiên Chúa ở cùng chúng tôi”.
Vì xác tín mình là Linh Mục, tức mục tử được Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành sai đến, cha Đaminh đã tận hiến những gì mình “có”, mình “là” cho đoàn chiên nghèo, khao khát Tin Mừng, và tự nguyện “sống nghèo, sống khó cho giáo dân”, với đoàn chiên, để thực sự trở nên “Tất cả cho mọi người  - Omnia omnibus”. Cha đã không nói nhiều, dậy dỗ dài dòng bằng lời nói suông, nhưng làm chứng bằng chính đời sống của mục tử nhân lành : biết rõ và gọi tên từng con chiên ; trân trọng và yêu mến đoàn chiên ; săn sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ, gìn giữ đoàn chiên khỏi nanh vuốt của sói dữ, mưu mô của trộm cướp và kẻ chăn thuê. Gương sáng đã làm chứng cha được sai đến từ Thiên Chúa ; gương lành đã làm chứng cha đến để “chiên được sống và sống dồi dào”, để chiên được hưởng niềm vui ơn Cứu Độ, vì cha là mục tử nhân hậu : không khinh khi, nóng gắt, chửi rủa, hành hạ, làm khó chiên ; gương hy sinh đã làm chứng cha là mục tử sống chết cho đoàn chiên, vì bất cứ lúc nào, cha cũng “sẵn sàng hiến mạng sống mình vì đoàn chiên” ; gương từ bỏ tất cả danh, lợi, thú, cả những “tiện nghi tối thiểu được phép” đã làm chứng cha tự nguyện buông bỏ tất cả vì hạnh phúc của đoàn chiên. 
Qủa thực, không sống đời chứng nhân, không làm chứng Thiên Chúa là tình yêu thương xót, không muốn noi gương Mục Tử nhân lành là Đức Giêsu, không mang trái tim sục sôi tình yêu dành cho đoàn chiên, cha Đaminh không thể đến từng nhà, thăm từng người, lắng nghe từng tâm sự não lòng, thương đau của đoàn chiên nghèo, nhà ở không đủ che nắng mưa, cơm sắn không đủ no từng bữa. Cũng thế, nếu không được thúc bách mãnh liệt bởi tình yêu Đức Kitô, Mục Tử nhân lành, cha Đaminh không thể quên mình đến độ chẳng tìm gì cho mình, cũng chẳng vun vén, thu gom của cải, kết bạn với đại gia để phòng khi ốm đau, già yếu có tiền, có người giúp đỡ, phục dịch. 
Chắc chắn khi cùng đám chiên nghèo đến làm nhà cho  gia đình con chiên nào đó, cha đã muốn làm chứng Mục Tử nhân lành phải mang lấy mùi chiên, và không muốn mang mùi nào khác, đồng thời làm gương cho đoàn chiên tình bác ái, tương trợ bằng dấn thân phục vụ như đầy tớ của anh em mình, khi đích thân leo lên mái nhà. Tất nhiên khi nghe tin cha chết, vì té từ mái nhà cao, đang khi lợp tôn cho một gia đình nghèo trong xứ đạo, có người sẽ cho rằng cha lo chuyện bao đồng, cha làm công việc không dành cho linh mục, cha năng nổ thái qúa, cha liều lĩnh, thiếu khôn ngoan, cha thế này thế nọ. Trong số những người lớn tiếng hay thì thầm phê phán đó, chỉ một số ít là lương thiện, số đông còn lại phê bình cha cốt để biện minh cho đời sống “không làm chứng” của họ, hơn là thật tình thương tiếc cha. 
Như Đức Giêsu đã phải hoàn toàn xóa mình, từ bỏ tất cả để có thể hiến mạng sống cho người mình yêu, khi chịu treo trên Thánh Giá, dù bị mọi người chê bai, thách thức : “Nếu đã cứu được người khác, thì tự cứu lấy mình đi”, “Nếu ông là Vua dân Do Thái, là Đấng Kitô của Thiên Chúa”, tại sao không tự cứu mình ? (x.Lc 23,35-38), cha Đaminh cũng đã phải từ bỏ chính mình, buông bỏ tất cả, kẻ cả những “lời ra tiếng vào” của bạn hữu suốt cuộc đời làm nhân chứng, để có thể trở thành Của Lễ dâng Thiên Chúa, cho hạnh phúc được cứu độ của đoàn chiên cha chăn dắt, khi leo lên mái nhà để yêu thương, phục vụ, và từ đó ngã xuống mất mạng.             
Vâng, Thiên Chúa cần chứng nhân để sai đi, con người tìm chứng nhân để gặp Chúa, thế giới khao khát chứng nhân để vững dạ an lòng, vì chứng nhân thì đánh động, và gương sáng thì ghi khắc, ấn tượng. Nhưng tiếc thay, càng ngày chứng nhân càng hiếm hoi, khó gặp, vì phải làm chứng ngược dòng thời đại, làm chứng những giá trị mà thế giới không còn quen thuộc, ưa chuộng ; làm chứng những chân lý mà người đời không còn cho là cần thiết, có lợi ; làm chứng nhnữg sự thật mà đám đông cố tình nhắm mắt, bịt tai, để đường danh vọng, tiền bạc, bạo lực của họ không bị tắc nghẽn, cản trở.  
Nhưng dù hiếm hoi, khó tìm, Thiên Chúa vẫn tiếp tục đổi mới, và cứu thế giới nhờ những chứng nhân chấp nhận vất vả, khó nhọc, hy sinh, liều lĩnh, như cha Đaminh, một trong những linh mục là nhân chứng sống động bằng xương bằng thịt của Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, những linh mục đã và đang âm thầm làm chứng từng giây từng phút, bằng sẵn sàng sống và chết cho đoàn chiên mình yêu thương.
Jorathe Nắng Tím