Hình
ảnh ấn tượng của thánh gia ở Nadarét là cả ba Đấng đều ít nói, nhất là thánh
Giuse, người gia trưởng hầu như luôn thinh lặng. Bằng chứng là không một lời
nào của Thánh Cả đã được Tân Ước ghi lại.
Thật
khác xa với gia đình hôm nay, ở thời đại tự do ngôn luận, nhân quyền, bình đẳng,
khi cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em thi nhau nói, giành nhau nói, bịt miệng
người khác lại để một mình nói, và ít khi có “người nói người nghe”, hay một
người nói, nhiều người nghe, nhưng thường là “chẳng ai nói ai nghe”, vì ai cũng
nói, mà không ai chịu thinh lặng lắng nghe nhau.
Người
thời nay ham nói, vì nói là cách biểu hiện quyền thống lĩnh, cai trị ; nói
để thiên hạ biết mình tiền nhiều, tài giỏi, kiến thức rộng, bằng cấp cao ;
nói để hù dọa, lấn át, dụ dỗ, mua chuộc, tán tỉnh người khác ; nói để tự
khẳng định mình và bành trướng ảnh hưởng, quyền lực… Nói chung, đây là thời đại
của những con người chỉ nói, không biết thinh lặng.
Vì
nói nhiều, và không biết thinh lặng để nghe người khác, và để người khác nói,
mà gia đình liên tục cãi cọ, xào xáo, bất
hoà, đấu đá, bạo hành khi không ai chịu “nhường lời” để có thể “nhường nhịn”,
và hậu qủa là gia đình từ tình trạng ồn ào, inh ỏi tranh nhau nói bỗng biến
thành “trung tâm câm điếc”, không ai muốn nói, cũng chẳng ai muốn nghe, nhưng
phải sống chung trong bầu khí lạnh lùng, nặng nề, tẻ nhạt.
Kinh Thánh nói về người ba hoa và người biết thinh lặng : “Kẻ nhiều lời sẽ bị chán ghét”, “kẻ ba hoa thì đáng khinh chê” (Hc 20,5.8), “Người khôn ngoan biết thinh lặng chờ dịp tốt”, “Người khôn ngoan nói ít cũng gây được thiện cảm, lời hoa mỹ của kẻ ngu đần chỉ là thứ đổ đi”, “Người ghét thói ba hoa sẽ tránh được sự dữ” (Hc 20, 7.13 ; 19,6), “Người năng nói năng lỗi, ai dè giữ lời nói mới là người khôn”, “Giữ mồm giữ miệng là bảo toàn mạng sống, khua môi muá mép ắt sẽ phải thiệt thân” (Cn 10,19 ; 13,3).
Thánh Giuse là người công chính, mà người
công chính thì khôn ngoan, và người khôn ngoan thì biết sống thinh lặng như Kinh Thánh dậy.
1. Thánh
Giuse thinh lặng để cầu nguyện, và nghe được tiếng Thiên Chúa :
Thiên
Chúa không nói với con người nơi phố chợ ồn ào, huyên náo, nhưng nói trong
thinh lặng, ở nơi yên ắng như đã nói với ngôn sứ Êlia được ghi lại trong sách Các
Vua : Ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó. Có lời Đức Chúa phán với
ông : “Êlia, ngươi làm gì ở đây?”… Rồi Người nói với ông : “Hãy ra
ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa. Kià Đức Chúa đang đi qua”. Gió to
bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước
nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất,
nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa
cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu” (1 V 19,9.11-12), và
trong tiếng gió hiu hiu, nhè nhẹ, Đức Chúa đã nói với ông.
Cựu
Ước cũng kể lại cậu chuyện Thiên Chúa gọi
cậu bé Samuen giữa đêm khuya thanh tịch, khi Samuen đang ngủ trong đền thờ Đức
Chúa. Sau nhiều lần tưởng thầy cả Êli gọi, lần cuối cùng, Samuen nghe lời thầy
Êli đã thưa với Thiên Chúa khi Ngài gọi tên cậu : “Lậy Đức Chúa, xin Ngài
phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe!” (1 S 3,10).
Như
Êlia và Samuen đã nghe được tiếng Thiên Chúa ở nơi yên tĩnh, trong gió nhẹ hiu
hiu, giữa đêm khuya đền thờ, thánh Giuse cũng đã nhận ra tiếng sứ thần Chúa nói
với ngài : “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về,
vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” giữa đêm khuya cầu
nguyện, trong giấc ngủ chập chờn, vì thao thức tìm Thánh Ý Chúa, và với trái
tim thinh lặng biết tỉnh thức, chăm chú lắng nghe tiếng Chúa, ngài cũng đã kịp thời đưa Hài Nhi Giêsu và mẹ Người trốn
sang Ai Cập, thoát khỏi gươm đao của Hêrôđê, khi sứ thần hiện ra báo mộng (x. Mt 2,13-14).
Thực
vậy, nếu không tỉnh thức trong thinh lặng cầu nguyện, chắc chắn thánh Giuse đã
không nghe được tiếng sứ thần nói với ngài trong giấc ngủ, cũng như không thấy
sứ thần hiện ra trong cơn mộng, nhưng nhờ đức tin của người công chính luôn hướng
về Thiên Chúa, đức tin của người tôi tớ trung tín luôn tìm làm vui lòng ông chủ,
thánh Giuse đã biết thinh lặng để cầu nguyện, thinh lặng để lắng nghe tiếng
Chúa, thinh lặng để đón nhận Thánh Ý, khi ý thức “Thiên Chúa nói với trái tim
con người, đưa con người vào sa mạc để cùng con người thổ lộ tâm tình” (x. Hs
2,16).
Nhờ
sống thinh lặng, thánh Giuse đã không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để được nghe Chúa
nói, nhưng thao thức trong thinh lặng, đợi chờ trong thinh lặng Lời Thiên Chúa
phán bảo, truyền dạy trong suốt cuộc đời làm bạn thanh sạch của Đức Mẹ, và cha
nuôi của Đức Giêsu ở Nadarét.
2. Thánh
Giuse thinh lặng để yêu thương, phục vụ :
Sứ
mệnh của thánh Giuse là yêu thương, phục vụ và bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Maria,
mẹ Người. Sứ vụ ấy chính thức bắt đầu khi ngài nhận Đức Maria làm vợ và đưa về
nhà mình, sau khi được sứ thần Chúa hiện đến báo mộng : “Đừng ngại đón bà
Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà
sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu
dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,20-21).
Thực
vậy, thánh Giuse đã thinh lặng trước sự việc khó khăn mà ngài không thể hiểu,
cũng như tình cảnh bế tắc tưởng không thể vượt qua, khi thấy Đức Mẹ có thai, mặc
dù hai người chưa về chung sống, không chỉ để đợi chờ Thánh Ý Chúa, để nhận được
đáp số từ Thiên Chúa, có được phương án giải quyết của Thiên Chúa, mà còn thinh
lặng vì yêu thương, và để yêu thương Đức Mẹ khi không một lời tra vấn, hạch hỏi, nhưng tuyệt
đối tôn trọng, âu yếm, tế nhị, dễ thương đối với vợ mình. Và suốt đời sống gia đình, kể từ khi
đưa Đức Mẹ về nhà cho đến giờ chết, thánh Giuse vẫn một lòng yêu mến với tình
yêu sâu lắng của trái tim thinh lặng.
Ngài
thinh lặng phục vụ Đức Mẹ trên đường về Bêlem, và những ngày mới sinh
con ; ngài thinh lặng bảo vệ Đức Mẹ và Hài Nhi trên đường trốn tránh vua
Hêrôđê ; ngài thinh lặng chia sẻ “lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng dạ” với Đức Mẹ
ngày dâng con vào Đền Thờ ; và bằng thinh lặng, ngài an ủi Đức Mẹ trong những ngày lạc mất con ở
Giêrusalem ; với thinh lặng ngài biểu lộ cùng với Đức Mẹ lòng vâng phục chương trình của Thiên Chúa, mặc
dù không hiểu gì, khi Đức Giêsu trả lời : “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ
không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49).
Thánh
Giuse đã chọn thinh lặng, vì thinh lặng là ngôn ngữ tuyệt hảo của tình yêu, bởi
có người nào đã một lần tha thiết yêu mà không cảm nghiệm sự bất lực của ngôn
ngữ trước mầu nhiệm của tình yêu ; có người nào đã đắm đuối yêu, mà không thấy mình mất hết khả năng diễn đạt bằng
tiếng nói, ngôn từ trước cao vời khôn tả và sâu thẳm khôn lường của tình yêu ;
có người nào đã da diết yêu, mà không nhận mình có nhiều giới hạn trước vô cùng
và tuyệt đối của tình yêu, nên chỉ còn thinh lặng của trái tim, thinh lặng của
tâm hồn mới nói lên được những rạo rực, xôn xao, náo nức của tình đầu, cũng như
nỗi đau của mẹ dưới chân thập tự treo xác con, mới biểu lộ được khổ đau câm nín
của “ơn cha, nghiã mẹ”, mới bật thành tiếng hát, lời ru khối tình thiên thu, thần thánh.
Với
thinh lặng của trái tim đầy ắp yêu thương, thánh Giuse đã bảo vệ an toàn sự sống
của Thánh Gia, cũng như đem lại an bình, hạnh phúc cho đời sống gia đình
Nadarét, khác với những gia đình thiếu dưỡng khí tình yêu vì không ai biết trân
qúy, gìn giữ thinh lặng là điều kiện cho tình yêu gia đình được lớn lên.
Học
với thánh Giuse thinh lặng cầu nguyện, để mọi nơi mọi lúc, trong mọi tình thế,
hoàn cảnh, nhất là trong những lúc mây mù che phủ, giông tố dữ dội kéo về, mọi
người trong gia đình biết dẹp bỏ thanh âm ồn ào, náo nhiệt của thế gian, cũng
như tiếng nói oang oang nhưng vô nghiã của người đời, để lắng đọng tìm nghe tiếng
Chúa, lắng nghe Thánh Ý Ngài.
Học
với thánh Giuse thinh lặng yêu thương, để người làm chồng không ỷ quyền làm chủ,
cậy thế gia trưởng lớn tiếng chửi rủa, xỉ vả vợ mình khi không hài lòng, vừa
ý ; người làm vợ “không cả vú lấp miệng em” xối xả nguyền rủa, hồ đồ kết tội
chồng mình, khi chưa rõ nội tình, chưa thấu đáo nguyên nhân, căn cớ ; người
ở phận con cái không lao nhao đấu đá, tranh giành quyền này quyền nọ, nhưng tất
cả biết thinh lặng để nhường lời cho
Chân Lý, dành tiếng nói cho Tình Yêu.
Học
với thánh Giuse thinh lặng phục vụ, để gia đình không thiếu cơm ăn, áo mặc,
nhưng ấm no hạnh phúc, ngập tràn niềm vui, khi mọi thành viên tận tụy hy sinh,
dấn thân quên mình, quảng đại sẻ chia, vì tình yêu gia đình, mà không ai tỵ nạnh
kể công, vênh vang tự hào công trạng.
Học
với thánh Giuse biết thinh lặng trong đời sống hôn nhân nhiều thách đố, vì những
khác biệt, để vợ chồng không hơn thua nhau từng “lời ăn tiếng nói”, như đám gà ganh
nhau tiếng gáy, nhưng nhịn nhường, hoà giải bằng thinh lặng yêu thương, để Lời
Chúa ngự giữa gia đình như ánh sáng hướng dẫn, sức mạnh đỡ nâng, nguồn sống, và
bình an, hy vọng.
Jorathe
Nắng Tím