Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2020

HUẤN LUYỆN CON TỰ LẬP


Một trong những niềm vui lớn của cha mẹ và của cả nhà là những lúc bé chập chững đi. Cả gia đình bao quanh bé, người vỗ tay tán thưởng, người hò hét khích lệ. Ai cũng đóng góp niềm vui để giúp bé bước thêm một bước. Ai cũng góp chung hy vọng cho bước chân của bé mỗi ngày thêm vững hơn. Và hạnh phúc của mọi người là thấy bé bước đi một mình.
Đi được một mình là ước mơ của cha mẹ và mọi người khi em bé tập đi. Đó cũng là hình ảnh của ước mơ lớn nhất, và sau cùng của cuộc đời làm cha mẹ khi mong cho con chóng lớn và tự lập được trong đời. Tự lập là tự mình đứng vững trên đôi chân mình. Tự lập là tự mình bước đi bằng đôi chân mình. Tự lập là không còn cần tay vịn, người khác dắt đi, hay phải bồng ẵm.
Vì thế, nỗi lo âu của cha mẹ có con cái tàn tật là không biết sau này khi mình không còn có mặt trên cõi đời này nữa, thì ai sẽ là người lo cho con, vì con không thể một mình bước đi trên đường đời, và không thể tự lập trong cuộc sống . Nỗi khổ ấy sẽ đeo đẳng những cha mẹ này cho đến chết…Với những cha mẹ bình thường khác, chuẩn bị cho con cuộc sống tự lập là mục đích của giáo dục và đích tới của  ước mơ.
Người ta có thể chuẩn bị cho con nhiều thứ như nhà cửa, tiền bạc, nghề nghiệp… Có những đứa con được cha mẹ chuẩn bị cả chồng, vợ tương lai. Tục “tảo hôn”: lấy chồng, cưới vợ cho con khi tuổi còn qúa nhỏ đã nói lên điều này. Tất cả chuẩn bị cho ngày con đứng một mình, “ra riêng”, tự xoay xở.
Nhưng những chuẩn bị đó tuy quan trọng nhưng không thay thế những  chuẩn bị tâm lý quan trọng hàng ngàn lần hơn. Đó là chuẩn bị cho con tinh thần trách nhiệm để biết nhận trách nhiệm trước gia đình, xã hội khi tự trách nhiệm đời mình và trách nhiệm trên những người thuộc về mình. Trách nhiệm là ấn dấu của người trưởng thành. Người không trách nhiệm không thể là người trưởng thành, vì trưởng thành là đứng được một mình, tự quản, tự quyết, tự lập. Trách nhiệm đời mình là biết mình là ai, có vai trò nào trong cuộc đời và đâu là ý nghiã, mục đích của cuộc sống? Trách nhiệm là tự mình trả lời về mọi chọn lựa, việc làm của mình và tự mình gánh vác những hậu qủa của lựa chọn và hành động đó. Người có trách nhiệm không lệ thuộc người khác, mặc dù luôn cần người khác tương trợ. Người có trách nhiệm không đổ lỗi cho người khác, mặc dù luôn cần cộng tác với mọi người. Người có trách nhiệm không dựa vào người khác, mặc dù luôn tin tưởng, tín nhiệm ở mọi người. Người có trách nhiệm không lợi dụng người khác, mặc dù luôn nhận người khác là thầy, là bạn.
Đào tạo cho con sau này trỏ thành người có trách nhiệm là tập cho con bước đi trên đôi chân của  chính mình, chứ không để con mãi bước trên đôi chân của cha mẹ. Có nhiều cha mẹ giầu có nghĩ rằng: chẳng việc gì con cái phải tự lo, tự lập, vì chúng đã sẵn có gia sản kếch sù mình để lại và có sống đến đời cháu chắt, của cải ấy vẫn còn. Những cha mẹ ấy lại một lần nữa lầm lẫn sự trưởng thành của con người chỉ hệ tại ở khả năng vật chất. Họ đã quên hay không biết rằng: sự trưởng thành  hệ tại ở tinh thần tự lập; nói đúng hơn là tình trạng “ tự lập của tinh thần”. Ngôn ngữ tâm lý của tình trạng tự lập tinh thần thường được phiên dịch là  tinh thần trách nhiệm. Bởi cả hai đi đôi với nhau: không thể tự lập, nếu thiếu trách nhiệm; cũng như không thể trách nhiệm, nếu còn lệ thuộc, chịu sự bảo hộ của người khác.
Như em bé cố gắng tập đi từ một tuổi, cha mẹ cũng tập cho con tự lập từ bé bằng những cố gắng nho nhỏ  của cả hai bên: cha mẹ và em bé:
a.   Cha mẹ cố gắng ghìm mình đừng làm hết mọi việc cho con, vì quá thương con, nhưng để em tập đương đầu với những khó khăn mà em có thể tự mình giải quyết. Can thiệp bất cứ lúc nào khi con cần là không giúp con tập tự mình giải quyết những khó khăn sau này. Thói quen ỷ lại sẽ lớn dần và sau này khi đã lớn, em  sẽ không tự lập và tự trách nhiệm được.
b.   Có những rủi ro mà cha mẹ phải để con tự mình đối phó để con biết động não, biết huy động ý chí để vượt qua. Ngăn chặn và tránh cho con mọi rủi ro trong cuộc đời là điều không thể có. Vì không thể có, nên cha mẹ phải tập cho con ngay từ nhỏ lòng can đảm để  dám đối diện với rủi ro.
c.     Chấp nhận mất thời giờ khi để  con tự làm một số việc trong khả năng của con, nghiã là không vì sợ mất thời giờ của mình mà làm hết mọi việc thay con.
d.   Trao cho con công tác và tin vào khả năng thực hiện tốt công tác của con.
e.    Để con hoàn thành một mình từ đầu đến cuối công việc của con và chỉ cho con ý kiến khi được hỏi.
f.     Dậy con biết vui vẻ chấp nhận thành qủa cũng như hậu qủa không như ý của mọi công việc do mình chọn và thực hiện.
Với những hướng dẫn mang tính thực hành trên, cha mẹ sẽ dần dần giúp con tự lập, khởi đầu trong những việc nhỏ và chọn lựa dễ, sau sẽ lớn hơn, khó hơn, hầu giúp em không bỡ ngỡ, sợ sệt khi phải một mình chọn lựa và quyết định sau này trong đời sống.
Phương châm của giáo dục là : không có gì không cần được chuẩn bị, tập tành. Tự lập là bước rất quan trọng để đạt tới trưởng thành, nên càng cần được chu đáo chuẩn bị và chuyên chăm tập tành. Cha mẹ thương con, không chỉ thương cho ăn cho mặc, mà con cho con khả năng tự lập, tự trách nhiệm cuộc đời mình.
Và hạnh phúc đích thực của con cái, như em bé đang tập đi là đứng vững một mình và đi được một mình giữa tiếng reo hò vui mừng, sung sướng của cha mẹ và  mọi người.