Chẳng nói thì mọi người cũng biết : Thánh Giá là biểu tượng
của niềm tin nơi người Kitô hữu, những người
đi theo Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết trên Thánh Giá và sống lại sau ba
ngày từ cõi chết. Bên cạnh những người môn đệ này, có nhiều người không tin Đức
Giêsu, nhưng không ngại đeo Thánh Giá trên mình, vì họ gặp được ở Thánh Giá nét đẹp thanh cao của tình yêu quên mình, và dấu ấn hy sinh của một tình
yêu dâng hiến. Nhiều ngưòi khác chỉ mang
Thánh Giá như một đồ trang sức làm đẹp.
Mặc dù Thánh Giá được nhìn dưới những
lăng kính khác nhau tùy theo sự đón nhận của trái tim mỗi người, nhưng tất cả đều
gặp ở Thánh Giá một biểu tượng chung của thất bại, khổ đau, chết chóc, không khác
những người Do Thái đã coi Thánh Giá là “ô
nhục, không thể chấp nhận”, người Hy Lạp cho là
ngu xuẩn, và dân ngoại cho là điên rồ ( x. 1Cr 1,22-23)
Thực vậy, Thập giá không có gì hấp
dẫn, lôi cuốn, vì đó là dụng cụ để thi hành án tử hình : tử tội chịu hình phạt đóng
đinh trên thập giá cho đến khi tắt thở. Thập giá cũng chẳng có gì đáng tìm, đáng
nhớ, vì trên đó chỉ có nước mắt đớn đau, và hình phạt đẫm máu, nên thập giá rất
buồn, rất tủi, rất nhục, vì treo thân phận người thất bại, khổ đau, chết chóc.
Và thập giá chỉ trở nênThánh Giá từ khi Đức Giêsu chịu treo trên đó, “như ông Môsê
đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải giương cao như vậy, để
ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14 -15).
Quả thực, Thánh Giá là một mầu nhiệm
mà chúng ta không thể hiểu nổi. Hiểu sao nổi một Thiên Chúa lại chọn Thánh Giá để
cứu độ nhân loại, trong khi Ngài toàn năng có thể chọn một cách cứu độ hoàn toàn
khác, không bạo lực cực hình, không kinh hoàng đẫm máu. Hiểu thế nào được hình
phạt ô nhục dành cho tử tội bị nguyền rủa, khử trừ, vì nguy hại cho xã hội loài
người lại trở nên phương cách Thiên Chúa dùng để đem cho loài người ơn cứu sống.
Hiểu làm sao được khi Thiên Chúa chọn cái điên rồ, ngu xuẩn đối với con người để
biểu lộ sư khôn ngoan của mình (x. 1 Cr 1,17-25). Chính vì không hiểu nổi, không
hiểu thấu mà Thánh Giá trở thành cớ vấp phạm cho nhiều người. Người ta vấp phạm
vì không chấp nhận Thiên Chúa yếu đuối như thế ; vấp phạm vì phẫn nộ trước một
Thiên Chúa hoàn toàn bất lực trước bạo lực của con người ; vấp phạm vì tức giận
Thiên Chúa đã không dùng quyền năng Thiên Chúa của mình mà xuống khỏi Thánh Giá
; vấp phạm vì trách móc Thiên Chúa đã để con người đóng đinh mình ; vấp phạm vì
không thể chịu nổi một Thiên Chúa câm lặng dưới mũi giầy tàn ác của con người đang
chà đạp, nghiền nát sức mạnh Thiên Chúa của mình. Vì vấp phạm, người ta từ chối
nhận Đức Giêsu chịu đóng đinh là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ của họ.
Ở đây, chúng ta chỉ chiêm ngắm thái
độ của Đức Giêsu trước Thánh Giá, thái độ của một Thiên Chúa trước mầu nhiệm khổ
đau của con người.
1. Trước đau khổ, Đức Giêsu đã yên lặng cảm thương:
Trước những người đau khổ vì bệnh tật
đủ loại, Đức Giêsu đã không lý giải nguồn gốc của đau khổ, nhưng yên lặng cảm
thương, chạnh lòng trắc ẩn. Ngài yên lặng trước mầu nhiệm đau khổ hơn là trình bầy một cách giáo khoa về đau khổ, hay phân tích
một cách lý thuyết nguồn gốc của bất hạnh, bởi với Ngài, đau khổ là một sự dữ đang
làm khổ con người mà Ngài thương mến và
sự dữ ấy là do tội lỗi, nhưng tội lỗi đã vào thế gian và con người bắt buộc phải
chịu hậu qủa của tội lỗi ấy. Trước tình huống chẳng đặng đừng, một tình trạng sẵn
có, không thể thay đổi, thái độ yên lặng cảm thương, xót xa chạnh lòng là thái độ
xứng hợp và đem lại ủi an nhất cho người đau khổ trong cuộc.
Yên lặng của Đức Giêsu không là yên
lặng đồng loã, ủng hộ, nhưng là yên lặng tích cực, vì trong yên lặng, Ngài cảm thương thân phận, chạnh
lòng xót xa và chân tình chia sẻ tất cả
thử thách của người đau khổ. Đức Giêsu đã yên lặng tỏ lòng kính trọng niềm đau,
nỗi khổ của người mình yêu, bởi đau khổ với Ngài là một mầu nhiệm.
Là mầu nhiệm, nên người ta không thể lý giải dễ
dàng, cũng không thể cắt nghiã rành mạch,
nên mọi ngôn từ đều bất lực trước mầu nhiệm khổ đau, mọi lý thuyết đều bó tay
trước bất hạnh, chỉ có yên lặng cảm thương
của “Thiên Chúa làm người” trước con người đau khổ, bất hạnh mới nói hết được
giá trị và ý nghiã mầu nhiệm Thánh Giá của con người. Đức Giêsu đã luôn chạnh lòng
cảm thương trong yên lặng kính trọng mầu nhiệm đau khổ ấy, mầu nhiệm mà chính
Ngài đã sẵn sàng chia sẻ, dự phần, vì đó chính là Thánh Giá sinh ơn cứu độ.
2
. Trước Đau Khổ, Đức Giêsu đã yên lặng chấp nhận :
Nếu trước đau khổ của người khác, Đức
Giêsu đã yên lặng cảm thương, chạnh lòng, thì với đau khổ của mình, Ngài đã yên
lặng chấp nhận. Trong suốt cuộc tử nạn, có ai đã nghe được tiếng Ngài than thân
trách phận, ngoài lời cầu xin thống thiết với Chúa Cha ở vườn Cây Dầu và trên
Thánh Giá : “Lậy Cha nếu được thì xin cất chén đắng này cho con” (Mt 26,39), “Lậy
Cha, sao cha nỡ bỏ con?” (Mt 27, 46 ). Đức Giêsu đã yên lặng trước toà án, yên
lặng vác Thánh Giá trên đường đến nơi hành quyết, yên lặng để bị lột trần truồng,
yên lặng nằm cho lý hình đóng đinh, yên lặng chịu treo trên Thánh Giá, và yên lặng
trút hơi thở trong niềm tín thác tuyệt đối ở Thiên Chúa Cha.
Qủa thực, Đức Giêsu đã không mồm
loa mép giải tố cáo người này, lật tẩy người kia khi bị ức hiếp, hàm oan, cũng
không lên án, nguyền rủa những người nguyền rủa, lên án mình, càng không trách móc Thiên Chúa đã để đau
khổ hoành hành trong thế giới. Thái độ yên lặng ấy phát xuất từ ý thức đau khổ là
mầu nhiệm sinh ơn cứu rỗi, và thái độ chấp
nhận đau khổ là kết qủa của tinh thần vâng phục Thánh Ý mầu nhiệm của Chúa Cha.
Vì biết mình đến để hiến mạng sống cho
nhân loại được sống, Đức Giêsu đã hiểu Thánh Giá mang một giá trị cứu độ, và đau khổ là cái giá Ngài phải trả để mọi người được tha tội.
Như Đức Giêsu trước khổ đau của người
khác đã yên lặng cảm thương, chúng ta cũng không thể làm khác những gì Chúa đã
làm, bởi trước đau khổ của anh em, tất cả những lời hoa mỹ, ngôn ngữ ngoại
giao, ngôn từ đắc nhân tâm đều vô hiệu, và chỉ còn ngôn ngữ của trái tim, ngôn
từ của đồng cảm, chữ nghiã của sẻ chia được
biểu hiện bằng yên lặng mới có thể làm nhẹ nỗi đau, làm tan tủi nhục, và cất bỏ
gánh ưu phiền nặng trĩu trong tâm can người anh em bất hạnh. Chính yên lặng cảm
thương mới giúp cả ta cả người đi sâu vào mầu nhiệm đau khổ như nguồn ơn đổi mới,
trở về, cứu sống. Và cũng như Đức Giêsu đã yên lặng đón nhận khổ đau của chính mình,
chúng ta cũng phải với Ngài cam chịu đau khổ
trong yên lặng để nhận ra mầu nhiệm cứu độ trong chính đau khổ mình chịu.
Yên lặng cảm thương người đau khổ,
yên lặng đón nhận đau khổ không phải thái độ hèn nhát đầu hàng đau khổ, nhưng là
thái độ của người vượt qua đau khổ vì nhìn thấy ở đau khổ Thánh Giá của Đức Giêsu
với giá trị của mầu nhiệm cứu độ. Họ yên lặng vì được hiệp thông với đau khổ của
Con Thiên Chúa và xác tín Thánh Giá của đời họ được tháp nhập vào Thánh Giá Cứu
Độ của Thiên Chúa làm người, để rồi đau khổ được tháp nhập vào cây Thánh Giá
nguồn Sống, Tình yêu và Hy Vọng ấy sẽ sinh hoa trái là Hạnh Phúc đời đời trong
Nước Chúa.
Tóm lại, đau khổ của người khác hay đau khổ của chính ta đều
mang giá trị cứu độ, khi hiệp thông với đau khổ của Đức Giêsu, cũng như Thánh
Giá của anh em cũng như của ta đều mang lại ơn cứu độ cho ta và mọi người, nếu
các Thánh Giá to nhỏ đó được đặt trong Thánh Giá nguồn ơn Cứu Độ của Đức Giêsu.
Xin Chúa cho chúng con xác tín mầu
nhiệm của đau khổ, và giá trị cứu độ của Thánh Giá, để chúng con hiểu rằng có
những hiểu lầm, vô ơn, kể cả hình phạt chúng con phải chịu cách bất công, sẽ trở nên ơn phúc cho chúng con và
anh em chúng con, trong mầu nhiệm Thánh Giá của Chúa ; có những oan sai, vu khống chúng con bị người đời áp đặt lại là ơn bình an cho người khác và cho chúng con ; có những vô ơn, phản bội hằng ngày chúng
con phải gánh chịu do chính những người chúng con yêu thương, đùm bọc lại cần thiết cho hạnh phúc của nhiều người,
trong đó luôn có chúng con.
Và
trong mầu nhiệm Thánh Giá của Đức Giêsu, xin cho Thánh Giá chúng con
mang vác, kéo lê mỗi ngày được trở nên ơn cứu rỗi cho tất cả mọi người, đặc biệt
những người chúng con thương mến, thân
quen, nhất là những người chúng con có bổn phận thảo hiếu, đền ơn, đáp nghiã.