Đặc
ân và vinh dự là dân riêng : dân được Thiên Chúa Giavê tuyển chọn, dân được
Thiên Chúa yêu riêng, dân được Thiên Chúa bảo vệ đặc biệt đã khiến một số không
nhỏ người dân Ítraen rơi vào tự mãn, tự phụ, kiêu căng, kỳ thị thể hiện qua cơ
cấu tổ chức tôn giáo chặt chẽ, quyền lực, chức sắc lãnh đạo tôn giáo uy quyền, độc
đoán và dân tộc khép kín, co cụm, kỳ thị, tự cô lập, cách biệt khỏi mọi dân tộc
khác, mà cả bốn Tin Mừng đều ghi lại.
Thực
vậy, những lời trách mắng kinh sư và những người Pharisêu (x. Mt 23), cũng như
những lần gặp gỡ, chữa bệnh, và tuyên dương đức tin người ngoại đạo của Đức Giêsu
bị đồng đạo, đồng bào Do Thái bực bội, khó chịu trong Tin Mừng đã cho chúng ta
cảm được phần nào bầu khí rất khép kín, kỳ thị của người Do Thái lúc bấy giờ đối
với các quốc gia lân bang, do não trạng dân riêng.
Chính
Đức Giêsu đã công khai lên án não trạng, và lối sống kỳ thị của họ, như khi kể
dụ ngôn “những người làm vườn nho sát nhân” (Mc 12,1-9). Dụ ngôn bắt đầu bằng :
“Có người kia trồng được một vườn nho ; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp
nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác rồi trẩy đi xa...” (Mc
12,1), và kết thúc : “Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn cho
người khác” (Mc 12,9), bởi vì tá điền được ông giao trông nom vườn nho của ông đã
không đón nhận bất cứ đầy tớ nào khác của ông gửi đến để thu hoa mầu, ngay cả
người con trai duy nhất của ông.
Đây
là hình ảnh của “dân riêng” kiêu căng, sở hữu đã dẫn đến bạo lực kỳ thị các dân
tộc khác. Sự thật đã được chính Đức Giêsu khẳng định trước các thượng tế và
người Pharisêu trong Tin Mừng Matthêu : “Bởi đó, tôi nói cho các ông
hay : Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban
cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt 21,43).
Vì
thế, rất hiếm những người Do Thái như cụ già Simêon đã nhận ra ý muốn cứu độ mọi
người, mọi dân tộc của Thiên Chúa, và chúc tụng Ngài khi được ẵm Hài Nhi Giêsu,
trong ngày Hài Nhi chịu phép cắt bì : “Muôn lậy Chúa, giờ đây theo lời Ngài
đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu
độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân : Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ítraen Dân Ngài” (Lc 2,29-32).
Qủa
thực, Tin Vui chúng ta chờ mong trong muà Trông Đợi là tin vui Chúa thương mọi
người, Chúa đến cứu mọi người, Chúa ban bình an cho mọi người, chứ không chỉ
cho một số người, một đoàn thể, một tổ chức, một dân riêng ; Tin Mừng chúng
ta trông mong trong Mùa Vọng là Tin Mừng Thiên Thần loan báo cho các mục đồng
trong đêm Giáng Sinh : tin Thiên Chúa được vinh danh trên các tầng trời, và
tất cả mọi người dưới thế được bình an trong ơn cứu độ của Ngài, nên sẽ không còn
một dân riêng như ốc đảo được cứu rỗi giữa đại dương các dân tộc khác bị hủy diệt,
cũng không còn một thiểu số ít ỏi được lên trời, còn bao nhiêu con người khác
phải xuống hoả ngục. Trái lại, “lòng thương xót của Chúa trải qua đời này đến đời
kia”, và ơn cứu độ sẽ đến với mọi tâm hồn, mọi nhà, mọi dân tộc.
Trong
Cựu Ước, ngôn sứ Isaia đã được Thiên Chúa chỉ dậy đế báo trước : từ dòng
dõi Đavít sẽ sinh ra Đấng cứu độ muôn dân : “Này Ta đặt Đavít làm nhân chứng
cho các dân, làm thủ lãnh chỉ huy các nước. Này, ngươi sẽ chiêu tập một dân tộc
ngươi không quen biết ; một dân tộc không quen biết ngươi sẽ chạy đến với
ngươi…” (Is 55,4-5). Quây quần quanh Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu, “dân dân lũ lượt
đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng : “Đến đây, ta cùng lên
núi Đức Chúa… Người sẽ làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân
tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cầy, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân
này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh
chiến” (Is 2,2-3.4).
Thực
vậy, niềm trông đợi của muôn dân, Tin Vui cho toàn thể nhân loại đã được thực
hiện khi “một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho
ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu,
Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình” (Is 9,5).
Nếu
ngôn sứ Isaia loan báo Tin Vui Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra từ dòng dõi Đavít, và ơn
cứu độ của Ngài trải xa đến các dân tộc, nghiã là lòng thương xót của Ngài vượt
ra ngoài biên giới, lãnh thổ dân riêng, thì ngôn sứ Giôna là ngôn sứ duy nhất
Thiên Chúa sai đến với dân ngoại ở Ninivê vào thế kỷ thứ tám trước công nguyên,
như sách các Vua đã ghi lại : “Chính vua đã thiết lập biên giới Ítraen từ
Cửa Ải Khamát cho đến biển Arava, như lời Đức Chúa, Thiên Chúa của Ítraen, đã dùng
tôi trung của Người là ngôn sứ Giôna, con ông Amíttai, quê ở Gát Khêphê, mà phán”
(2 V 14,25).
Sách
của ngôn sứ Giôna có thể được viết sau thời gian lưu đầy, khoảng giữa những năm
450 và 350 trước Công Nguyên. Nội dung cuốn sách là lòng thương xót của Thiên
Chúa dành cho dân ngoại, đặc biệt là dân ngoại ở Ninivê.
Giôna
được Thiên Chúa gọi và sai đến Ninivê, lãnh địa của dân ngoại, “một thành phố lớn,
và hô cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng đã thấu tới Ta” (Gn 1,2), nhưng
Giôna không muốn đến với dân ngoại như bài sai của Thiên Chúa, nên “trốn đi Tácsít,
tránh nhan Đức Chúa” (Gn 1,3). Ông xuống tầu trốn đi, với hy vọng khỏi phải đến
Ninivê loan báo cho dân ngoại ăn năn, sám hối để khỏi bị Thiên Chúa hủy diệt. “Nhưng
Đức Chúa tung ra một cơn gió to trên biển, và liền có một trận bão lớn ngoài khơi,
khiến tầu tưởng chừng như sắp vỡ tan” (Gn 1,4). Và chỉ đến khi Giôna bị thủy thủ
đoàn phát hiện đã “trốn đi để tránh nhan Đức Chúa”, và bị họ ném xuống biển thì
biển mới lặng, sóng mới yên và tầu mới vào được đất liền.
Phần
Giôna, “Đức Chúa đã khiến một con cá lớn nuốt ông”. Sau ba ngày trong bụng cá, ông
được cá “mửa ra trên đất liền”. Từ đây, ông đi đến Ninivê, nơi ông được Thiên
Chúa sai đến loan báo cho dân ngọai phải sám hối, ăn năn. Kết qủa là từ vua đến
dân, “người và súc vật phải khóac áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi
người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình” (Gn3,8).
“Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc
về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ. Người đã không giáng xuống nữa”
(Gn 3,10).
Tin
Vui của ngôn sứ Giôna là tin vui Thiên Chúa không bỏ dân ngoại, và đã làm mọi cách
để họ ăn năn sám hối hầu được cứu sống.
Giôna
là hình ảnh sống động của dân Do Thái hãnh tiến, kỳ thị đã không muốn ơn cứu độ
của Thiên Chúa đến với dân ngoại, nên đã kiếm cách thối lui, từ chối, trốn tránh
để không phải đến với dân ngoại như Thánh Ý và bài sai của Thiên Chúa. Thái độ ương
ngạnh, bực bội, khó chịu, và thi hành sứ vụ cách bất đắc dĩ của Giôna là thái độ
cục bộ của dân riêng Ítraen, thái độ hoàn toàn không phù hợp với “Thiên Chúa từ
bi nhân hậu, chậm giận và giầu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng họa” (Gn
4,2). Chính Thiên Chúa ấy, Thiên Chúa của dân riêng, nhưng cũng là Thiên Chúa của
dân ngoại và các dân tộc đã nói với Giôna khi ông nổi giận, bực tức “đến muốn
chết đi cho rồi” vì cây thầu dầu có bóng mát che nắng cho ông ngồi nghỉ bị héo đi
vì một con sâu cắn : “Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không
vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên ; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi
trong một đêm lại chết đi. Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ninivê, thành
phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên
phải bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?” (Gn 4,10-11). Ý Chúa muốn
nói đến hơn một trăm hai mươi ngàn em bé vô tội…
Thực
vậy, Tin Mừng chúng ta đợi chờ, Tin Vui chúng ta ngóng đợi, chính là muôn dân được
cứu rỗi, toàn thể nhân loại tội lỗi được Thiên Chúa thứ tha, xóa tội, và người được
hưởng Tin Vui ấy, đối tượng được nhận Tin Mừng ấy chính là chúng ta vốn là dân
ngoại, dân bên ngoài, dân xa lạ so với Ítraen là dân riêng, dân được tuyển chọn.
Là
dân được đón nhận Tin Mừng Chúa xót thương nhân loại, dân tộc mới được cứu rỗi,
chúng ta phải thay đổi cái nhìn đối với thế giới dân ngoại, thay đổi tâm tình với
người anh em chưa biết Chúa, thay đổi thái độ đối với anh em trong các tôn giáo
bạn, nhất là thay đổi trái tim chai đá, cằn cõi, khô héo, và thay bằng qủa tim
bằng thịt hay chạnh lòng, giầu thương xót, từ tâm, nhân hậu, quảng đại, cởi mở
với mọi người như trái tim của Đức Giêsu, Thiên Chúa Cứu Độ, Đấng chúng ta hằng
trông đợi.
Jorathe
Nắng Tím