Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

Thay Lời Kết (PG&CG)


TÌM VỀ GẶP GỠ
    Phần sau cùng của tập chia sẻ là tìm về gặp gỡ. Giữa Phật Giáo và Công Giáo, qua phần trình bầy sơ lược giáo lý trên, chúng ta thấy có nhiều điểm gặp gỡ:
        1.  Đời là bể khổ:
    Nếu Phật Giáo gọi đời là bể khổ, thì Công Giáo trong kinh “Lậy Nữ Vương” đã gọi “đời là thung lũng nước mắt”. Con người khổ đủ nỗi, khổ đủ kiểu, khổ đủ chuyện. Không trốn đâu hết khổ, không làm gì cho khỏi khổ. Khổ bám chặt  đời người, khổ  cột trói đời người, khổ trì kéo đời người. Chính vì thế, vào đời là bắt đầu khổ và  khổ đến nhắm mắt xuối tay  lià đời.
      2. Cuộc đời vô thường, phù du:
    Cuộc đời dưới cái nhìn của người con Phật là cuộc bể dâu, vô thường. Với người Công Giáo, cuộc đời cũng là “phù vân nối tiếp phù vân, tất cả là phù vân - Vanitas vanitatum, omnia vanitas”. 
      3.   hật Giáo cứu khổ cứu nạn, Công Giáo cũng cứu nhân độ thế.
     Đức Giêsu đến trong đời để cứu đời khỏi khổ. Ngài cứu chữa những người đau bệnh, bị qủy ám; tha tội cho tội nhân khở sở vì  gánh nặng của tội lỗi; cho  kẻ chết sống lại. Giáo lý của Ngài là Bác ái, yêu thương những người đau khổ, xấu số, bị bỏ rơi.
     Đức Phật cũng không làm khác hơn khi thương đời đau khổ, phiền não, nên đã tìm con đường giải thoát hầu giúp con người khỏi khổ.
      4.  Đối tượng là con người:
     Cả Phật Giáo và Công Giáo đều lo cho con người, lấy con người làm cứu cánh. Đức Chúa căn dặn tín hữu: "Việc gì con làm cho những người bé mọn nhất chính là làm cho Ta". Đức Phật nhắn nhủ tín đồ : "Muối biển chỉ có một vị mặn, đạo của ta chỉ có một vị là giải thoát con người".
      5.  Xây dựng một thế giới huynh đệ, hoà bình :
    Phật Giáo chủ trương sống hoà bình khi dậy tín đồ biết từ bi, hỉ xả; Công Giáo mời gọi mọi người sống yêu thương và đề cao những ai xây dựng hoà bình, "vì sẽ được gọi là con Thiên Chúa".   
   Khi nghiên cứu về các tôn giáo, thiết tưởng thái độ đầu tiên phải có chính là tôn trọng giá trị của tôn giáo mình nghiên cứu. Với lòng tôn trọng cần thiết, người ta sẽ tránh được rất nhiều sai lầm, vấp ngã khi nhận định, nghiên cứu, so sánh, chọn lựa.
Tôn giáo nào cũng nhằm giải đáp những vấn nạn về nguồn cội,  ý nghiã và tương lai của đời sống con người. Tôn giáo nào cũng muốn trình bầy một giáo lý có khả năng thuyết phục. Tôn giáo nào cũng muốn con người được hạnh phúc, an bình, thoát mọi đe dọa, lo lắng, nghi nan.
    Đến với tôn giáo, mỗi người tự trang bị cho mình một tinh thần cởi mở để có thể quan sát mà không thành kiến, suy nghĩ mà không cố chấp, so sánh mà không thiên tư, thiên vị , chọn lựa mà không độc đoán, bất công. Tâm hồn ngưởi "tầm đạo" khao khát chân lý sẽ nhận ra nơi tôn giáo con đường mình phải đi và tự nguyện dấn thân lên đường.
    Nếu vô tri đã làm con người trở thành vô tâm, thì vô tri cũng biến con người thành vô đạo.Vì thế, điều phải làm trước hết và trên hết để tìm thấy "đạo"  phải là học đạo. Học hỏi để thoát khỏi tình trạng vô tri để trở nên người có tâm, có đạo.
    Trong cuộc sống đã không thiếu những đụng độ giữa những người không cùng đạo và người ta đã không ngại phỉ báng người khác chỉ vì người khác "khác đạo" mình.
Tập chia sẻ này không có mục đích thị phi các tôn giáo, mà chỉ mong tìm về gặp gỡ, bởi Chân Lý thật chỉ có một, Tình Yêu thật chỉ có một, Hạnh Phúc thật chỉ có một và cũng chỉ duy nhất một Đấng Tối Cao, nên con người không thể không gặp nhau ở đích điểm khi cùng tìm về Chân Lý, Tình Yêu, Hạnh Phúc và Đấng Tối Cao.

Công Đồng Vaticanô II của Giáo Hội Công Giáo đã khẳng định :  
   "Con người mong đợi các tôn giáo giải đáp về những bí nhiệm tiềm ẩn trong thân phận con người, những bí nhiệm xưa nay vẫn làm tâm hồn họ phải xao xuyến sâu xa: con người là gì? Ðời người có mục đích và ý nghĩa nào? Sự thiện và tội ác là chi? Ðâu là nguyên nhân và mục đích của đau khổ? Ðâu là con đường dẫn tới hạnh phúc thật sự? Cái chết, sự phán xét, và thưởng phạt sau khi chết là gì? Sau cùng, cái huyền nhiệm tối hậu khôn tả vẫn bao trùm cuộc sống chúng ta là chi, chúng ta phát xuất từ đâu và chúng ta hướng về đâu?"...
Từ xưa đến nay, người ta nhận thấy nơi nhiều dân tộc khác nhau một cảm thức về quyền lực tàng ẩn trong vòng chuyển biến của sự vật và trong những biến cố của đời người, đôi khi còn thấy cả sự nhìn nhận một vị Thần Linh Tối Cao hay một Người Cha. Cảm thức và sự nhìn nhận đó làm cho cuộc sống họ thấm nhuần ý nghĩa tôn giáo. Phần các tôn giáo có liên quan mật thiết với tiến bộ văn hóa thì cố gắng giải đáp những vấn đề trên bằng những ý niệm cao sâu và bằng thứ ngôn ngữ ngày càng tinh tế. Như trong Ấn giáo, con người tìm hiểu mầu nhiệm thần thiêng, và diễn tả mầu nhiệm đó bằng những thần thoại phong phú bất tận cũng như bằng những nỗ lực suy tư triết lý sâu sắc. Họ tìm cách giải thoát khỏi những nỗi lo âu của kiếp người hoặc bằng những lối sống khắc khổ, hoặc bằng tịnh niệm thâm sâu, hoặc bằng việc chạy đến nương ẩn nơi Thượng Ðế với lòng mến yêu tin cậy. Phật giáo, theo nhiều tông phái khác nhau, lại nhìn nhận sự thiếu sót căn bản của cuộc đời thay đổi này và vạch ra con đường cho những người thành tâm tin cậy, hoặc đạt đến chỗ giải thoát trọn vẹn hay giác ngộ hoàn toàn, bằng những cố gắng của riêng mình hoặc bằng trợ lực của ơn trên. Cũng thế, các tôn giáo khác trên hoàn cầu đều cố công làm cho tâm hồn con người thoát khỏi những băn khoăn bằng nhiều phương thế khác nhau, bằng cách vạch đường chỉ lối, tức đề xướng những giáo thuyết và luật sống cũng như những lễ nghi phụng tự.
Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác nhau với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên Giáo Hội rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Ðấng là "đường, sự thật và sự sống" (Ga 14,6), nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình.
Vì thế, Giáo Hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Kitô giáo. (Trích Hiến Chế Nostra Aetate, bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện, Đà Lạt).

    Đại Đức Thích Minh Khương đã trả lời một giáo viên trên mạng như sau:
   "Cuộc sống là một sự lựa chọn. Tôn giáo là một sự lựa chọn. Cái nhìn thiện ác cũng là một sự lựa chọn. Không có gì phân vân về sự lựa chọn, vì đó là nhân duyên của mình. Phương đông có Văn hoá tâm Linh Hindu - Phật - Lão - Khổng, Phương Tây có Công giáo, Thiên Chúa, Tin Lành... Và các nền Văn hoá tâm Linh này trải qua hàng ngàn năm hoà quyện bên nhau đều phục vụ cho con người, do con người tạo ra, do con người làm chủ, cho nên không thể so sánh, phân ngôi thứ, vì tiêu chuẩn của các Tôn giáo đều lấy đời sống đạo đức làm gốc rễ, nên những gì chúng ta học được từ chư vị hiền nhân trong các Tôn giáo đều cao quý như nhau, vì nó đều được nói ra từ một trái tim thánh thiện, hãy cúi đầu đảnh lễ và học theo những lời dạy có tính chất bảo vệ, làm đẹp và nuôi dưỡng, tôn trọng, trách nhiệm và lẽ phải, xây dựng một đời sống an vui và hoà bình. Vậy thì thuận theo nhân duyên, chúng ta hãy tự chọn cho mình một tôn giáo để nuôi dưỡng tinh thần. Tôn giáo của Đức Đạt Lai Lạt Ma là lòng tốt. Tôn giáo của các tín hữu Kito là tình yêu Thiên Chúa, Tôn giáo của những người Phật tử tu hành nói chung là nếp sống tĩnh thức.
 Tôn giáo chỉ là bản chỉ đường, người đi chính là mình… " 

    Bên cạnh là tư tưởng của Phật sống Tây Tạng, người viết xin trích lại :
  "Trong một buổi pháp đàm về Tôn giáo và Tự do giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và nhà thần học Công Giáo Leonardo Boff, giáo sư Leonardo có đưa ra vài câu hỏi và Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời. 

“Thưa ngài Đức Đạt Lai Lạt Ma, đạo nào tốt nhất?

   Leonardo nghĩ rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ nói:

     Phật Giáo Tây Tạng hoặc Phật Giáo Phương Đông lâu đời hơn Thiên Chúa Giáo.

   Đức Đức Đạt Lai Lạt Ma dừng lại đôi chút, mỉm cười và nhìn thẳng vào mắt Leonardo.

    Leonardo rất ngạc nhiên cho câu trả lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma vì giáo sư biết câu hỏi khéo ngầm của ông. Vâng đúng thế, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời rất hay: Đạo tốt nhất là đạo giúp bạn gần gũi với Tâm. Chính Tâm này làm cho bạn thành một người tốt hơn.

Để tránh bối rối trước câu trả lời khôn ngoan của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Leonardo bèn hỏi tiếp: “Cái gì làm cho tôi trở nên tốt hơn?”

   Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lởi tiếp: “Bất cứ đạo nào khiến cho bạn trở nên từ bi hơn, nhạy cảm hơn, buông xả hơn, bác ái hơn, nhân đạo hơn, có trách nhiệm hơn và đạo đức hơn. Những tôn giáo nào khiến cho bạn trở thành như vậy thì đó là tôn giáo tốt nhất.”

   Tôi im lặng và ngay cả bây giờ tôi vẫn nhớ tới câu trả lời thật sáng suốt và không thể bẻ gảy được của Đức Đạt Lai Lạt Ma như sau:

   “Này anh bạn, tôi không quan tâm bạn có đạo hay không có đạo. Điều quan trọng đối với tôi là cách cư xử của bạn đối với bạn bè, với gia đình, với cộng đồng và thế giới.”

    “Bạn nên nhớ rằng vũ trụ sẽ dội lại những hành động và tư tưởng của chúng ta. Nhân và quả không chỉ bao gồm có hình sắc vật lý mà còn bao gồm cả tâm hồn, hễ gieo thiện thì gặt hái quả thiện; gieo ác thì bị báo ứng ác.”

    “Cha ông chúng ta đã nói chính đó là chân lý thuần túy. Bạn sẽ luôn luôn có cái mà bạn đã muốn cho người khác. Được hạnh phúc không phải là định mệnh mà là một sự lựa chọn.

    Hãy xem xét cẩn thận những tư tưởng của bạn vì chúng sẽ trở thành lời nói.

    Hãy xem xét cẩn thận những lời nói của bạn vì chúng sẽ trở thành hành động.

    Hãy xem xét cẩn thận những hành động của bạn vì chúng sẽ trở thành thói quen.

    Hãy xem xét cẩn thận những thói quen của bạn vì chúng sẽ hình thành nhân cách.

    Hãy xem xét cẩn thận nhân cách của bạn vì chúng sẽ hình thành số mệnh, và số mệnh của bạn cũng chính là cuộc đời của bạn.

    "Không có tôn giáo nào cao hơn chân lý này.”

    Kết luận bài này là Tôn giáo của tôi thật đơn giản. "Lòng tốt là Tôn Giáo của tôi".

     (Trích từ NẾP SỐNG TỈNH THỨC CỦA ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA, Tập 1, Chương 4 : Quan điểm về Đạo Phật, Tôn giáo, Xã hội, Chính trị).

Sau cùng xin ghi lại một câu của Đại Đức Thích Pháp Hoà, vị trụ trì chùa Trúc Lâm và Tây Thiên ở Canada trong pháp thoại ngày 29/1/2011:
   "Đi theo một tôn giáo mà bài xích một tôn giáo khác là sai."
    Qủa thực, không gì sai hơn khi nhân danh niềm tin để đả phá niềm tin, nhân danh tín ngưỡng để bóp chết tín ngưỡng, nhân danh từ bi, bác ái để loại bỏ bác ái, từ bi, nhân danh Thượng Đế để ngăn cấm,  hủy diệt hạnh phúc của con người. Tôn giáo đích thực phải luôn đi trên đường thao thức tìm kiếm chân lý, yêu thương, phục vụ và hết mình vì hạnh phúc của con người. 

   Học hỏi về các tôn giáo là truy tìm chân lý. Đứng trước những chân lý cao sièu, huyền nhiệm thuộc phạm vi niềm tin thì khiêm tốn là thái độ cần phải có của người truy tìm.
   Khiêm tốn trước chân lý tôn giáo sẽ giúp người tìm kiếm  đủ khôn ngoan để không rơi vào mê tín; sẽ giữ bước chân  lữ khách trên đường về Thượng Trí luôn nhẹ nhàng, thanh thoát để không a dua, cuồng tín; sẽ làm cho tâm hồn người yêu mến chân lý không ngừng mở rộng để đón nhận ánh sáng của Tình Yêu.
   Khiêm tốn trước chân lý tôn giáo cũng là thái độ sáng suốt để nhận ra : Mỗi tôn giáo có học thuyết, giáo lý riêng, có con đường giải thoát, cứu độ khác nhau; mặc dù giữa các tôn giáo có thể có nhiều điểm chung trong giáo huấn "luân lý, đạo đức làm người"; cụ thể là tôn giáo nào cũng dậy ăn ngay ở lành, tránh ác, hành thiện. Sáng suốt để truy tìm tôn giáo nào trả lời đầy đủ, trọn vẹn nhất những vấn nạn của đời con người, không chỉ nguồn gốc con người, ý nghiã đời người, mà còn đường về mai hậu trong cõi "đời đời" của con người sau cuộc sống này.
   Có khiêm tốn mới nhận ra chính xác và đón nhận chân thành chân lý được mạc khải, khám phá, cảm nhận. Có khiêm tốn mới nghe được tiếng nói ngỡ ngàng, hạnh phúc của lòng mình trước chân lý cao với nhất là Đức Tin. Thái độ cởi mở, cởi bỏ tất cả trước Đức Tin là thái độ không thể thiếu của con người thực tâm đi tìm Tuyệt Đối.
   Phật Giáo là một triết thuyết, nhưng  là "tôn giáo" với người con Phật ; tuy Đức Phật không bao giờ nhận mình là con Trời hay đấng Thiên Sai, nhưng chỉ nhận mình   "con người đã giác ngộ". Đức Giêsu thì khác: Ngài nhận mình là con Thiên Chúa xuống thế gian làm người, và người Công Giáo tôn thờ Ngài là chính Thiên Chúa.
   Như thế, Đức Phật là người đã giác ngộ đang chỉ đường giải thoát cho những con người chưa giác ngộ; trong khi Đức Giêsu là Thiên Chúa đang chỉ  cho con người đường về với Thiên Chúa là chính Ngài.
Đứng trước những con đường đuợc chỉ, mỗi người được quyền chọn cho mình một con đường để đi. Bên bờ đại dương, mỗi người có quyền bước lên một con thuyền, một con tầu, hay một canô để vượt biển. Mỗi phương tiện có mức độ an toàn khác nhau. Mỗi con đường có chiều dài ngắn, xa gần, nhanh chậm, dễ khó khác nhau. Lựa chọn là quyền lấy cái này, và bỏ một hoặc nhiều cái khác. Lựa chọn là việc làm bắt buộc của con người có lý trí và ý chí tự do. Không ai cấm con người lựa chọn, cũng như không ai làm người mà tự bản tính thiếu tự do. Nếu thiếu tự do chính là vì tự do của người ấy đã bị những con người khác tước đoạt, chiếm cứ.     
   Tự do tôn giáo hệ tại ở điều kiện thuận lợi được tự chọn cho mình một niềm tin và sống niềm tin ấy. Tự do tôn giáo nói lên nhu cầu tinh thần, nhu cầu thiêng liêng không thể thiếu của con người ; bởi không ai đã làm người mà không có linh hồn ; không ai làm người mà không khắc khoải, thao thức, hướng về một đấng Thiêng Liêng, khát khao nắm bắt Tuyệt Đối, mơ ước cập bến bờ Đời Đời, Vĩnh Cửu. Chính trong những thao thức, khắc khoải, trông ngóng, mong đợi này mà Niềm Tin tôn giáo được lớn lên.    Ngược lại, phủ nhận nhu cầu "niềm tin" nơi người khác sẽ đương nhiên trở thành một xúc phạm nặng nề, một vi phạm trầm trọng khó có thể tha thứ đối với nhân loại.
   Ước mong tập sách "Phật Giáo và Công Giào" ít nhiều đã giúp bạn cảm nhận nét đẹp thánh thiện của Tôn Giáo và gặp được Niềm Tin như giá trị  vừa nhân bản vừa siêu  nhiên mà không gì có thể so sánh, đánh đổi.