Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2018

Chương I CHA MẸ LÀ YÊU THƯƠNG


   Nói đến cha mẹ là nói đến yêu thương, bởi cha mẹ là chính yêu thương. Không yêu thương, cha mẹ không thể làm cha mẹ, vì đời làm cha vất vả trăm bề, đời làm mẹ lo âu ngàn nỗi sẽ dang dở, đứt đoạn, nếu không có yêu thương. Không yêu thương, cha sẽ không đủ nghị lực tần tảo kiếm gạo nuôi con, mẹ sẽ gãy gánh giữa đường sinh thành, dưỡng dục, bởi không gánh nào nặng bằng gánh mẹ cha, và không thách đố nào lớn hơn công ơn cha mẹ. Tuy không có quyền chọn cha mẹ, nhưng con cái có quyền được cha mẹ yêu thương, có quyền ở trong trái tim cha mẹ; bởi khi không được yêu thương, con cái đã bị cha mẹ tước quyền làm con, bị cha mẹ cướp quyền được yêu thương, đồng thời chính cha mẹ tự đao ngũ khỏi chức vụ cha mẹ, tự lột bỏ thiên chức làm mẹ cha, và tự phủ nhận chính sứ mạng, ơn gọi và bản sắc “đấng sinh thành” của mình.
   Như thế, không phải tất cả cha mẹ là yêu thương, hoặc cứ làm cha mẹ là yêu thương con cái; bởi đã có những đứa con bị cha từ chối, những đứa con bị mẹ bỏ rơi, những đứa con vô thừa nhận, những đứa con bị coi là tai nạn, tai họa, tai ương, tai ách. Và vấn đề được đặt ra: yêu thương có phải là bản chất, cốt lõi của cha mẹ hay có một giá trị nào khác làm nên cha mẹ?

     1. Luật Tự Nhiên

   Muôn loài đều có mẹ cha:cây con nẩy sinh từ cây mẹ, chim con, gà con, chó con, và các động vật “con” khác đều được sinh ra từ động vật “cha và mẹ”. Quan sát động vật mẹ chăm sóc con, động vật cha tần tảo kiếm mồi nuôi con, chúng ta không thể phủ nhận tình thương của cha con, mẹ con động vật, dù tình thương ấy thuộc mức độ bản năng. Qua bản năng yêu thương, chăm nom con cái, loài vật nói lên một định luật bất biến: Con cái cần cha mẹ, vì không có cha mẹ, con cái không thể tồn tại. Kinh nghiệm đó không của riêng ai, nhưng tất cả đều chung cảm nghiệm: “Con không cha như nhà không nóc, con không mẹ liếm lá đầu đường”. Nếu gấu con sơ sinh cần gấu mẹ ấp ủ, nuôi nấng, em bé cũng cần tình thương cha mẹ săn sóc, chở che, con cái cũng cần tình yêu cha mẹ nuôi lớn, cho nên người. 
   Một đứa trẻ sinh ra không được chăm sóc, vì mẹ cha không thương yêu sẽ là một người bất hạnh, vô phúc. Bao nhiêu vấn đề gia đình, xã hội đã hoàn toàn bế tắc, khi cha mẹ chối bỏ quyền và nghia vụ làm cha mẹ của mình đối với con cái. Luật tự nhiên quy định cách rất “tự nhiên” trong tâm óc mọi người: Mẹ cha là yêu thương, và có yêu thương mới là cha mẹ chính danh. Lương tâm mỗi người cũng vang vọng lề luật tự nhiên: Cha mẹ phải yêu thương con cái. Thế nên, khi không yêu thương con cái, cha mẹ vi phạm luật tự nhiên, và hậu quả là những dằn vặt khó nguôi ngoai, những ray rứt lâu dài nhức nhối.

    2. Luật “nhân đạo”, tức luật làm người
   Đạo làm người cũng là luật sống của con người. Đạo sống, luật sống ấy đòi mỗi người phải chấp hành nghiêm chỉnh những quy định đạo đức, những điều lệ nhân bản để con người không mất giá trị làm người, và chỗ đứng con người của mình trước vạn vật, và trong thế giới. 
   Đạo làm người ấy khẳng định cha mẹ phải thương yêu con cái, và con cái phải hiếu thảo với cha mẹ. Luật sống này tạo tương quan tốt đẹp và chuẩn mực hòa điệu cho hạnh phúc của đời sống con người trong gia đình, xã hội. Nhân đạo đã trở thành con đường dành cho con người đi. Con đường đó chính là lòng nhân ái, tình yêu thương, ước muốn tương trợ. Vì thế, một xã hội không nhân đạo, một cá nhân vô nhân đạo không thể được coi là người tốt, cộng đồng tốt, vì trái ngược với đòi hỏi của nhân bản, tức yếu tính, căn bản, nền tảng của con người.
   Cũng thế, người cha hành hạ con, người mẹ buôn bán con, người con khinh khi cha mẹ mình là những “hiện tượng quái đản, quái thai” phá hủy chất “nhân đạo” nơi con người, và biến họ thành những con người “phi nhân, vô nhân đạo”.

    3. Luật Tôn Giáo
   Tôn giáo nào cũng chung một giới luật: cha mẹ phải thương yêu con, và con cái phải hiếu thảo với cha mẹ. Không tôn giáo nào dậy ngược lại, vì tôn giáo là con đường đạo đức, con đường thánh thiện, và yêu thương khởi đi từ cha mẹ là con đường thánh thiện, đạo đức ấy.

   4. Các quy luật gia đình, đoàn thể, xã hội, quốc gia, quốc tế khác.
   Tất thảy đều quy định: Cha mẹ phải thương yêu con cái, và con cái phải thảo hiếu với cha mẹ. Đó là nguyên tắc bất biến, quy định không thay đổi, lề luật vinh cửu mà bất cứ định chế nhân bản nào cũng phải tuân theo. Căn cứ vào các luật nói trên, từ luật tự nhiên đến các quy định có tính thu hẹp, gom nhỏ, chúng ta không do dự khi quả quyết: Yêu thương là ơn gọi của cha mẹ. Ơn gọi ấy làm thành đời cha mẹ, cho đời cha mẹ một giá trị vô cùng và ý nghia tuyệt đối.


   a. Ơn gọi yêu thương làm thành đời cha mẹ
    Ơn gọi là lời mời vọng lên từ đáy sâu tâm hồn mang tính thúc bách, réo gọi trước một lý tưởng. Là lời mời, ơn gọi tuy thúc bách, nhưng không áp chế, ép buộc mà cần đến tự do đáp trả, tự nguyện dấn thân. Trước khi làm cha mẹ, hai người nam nữ xôn xao, rạo rực một khao khát làm vợ chồng, để rồi được làm cha mẹ sau đó. Khao khát này vựợt xa bản năng, vì mang dấu ấn của tình yêu tự hiến. Bản năng thì đơn thuần đòi hỏi thỏa mãn một nhu cầu, nên quy chiếu vào chính chủ thể, trong khi ơn gọi hướng đến đối tượng, tức ra khỏi mình để gặp gỡ tha nhân. Lứa đôi, vì thế không còn là sinh hoạt của bản năng, nhưng thuộc sinh hoạt nhân bản và thánh thiêng, vì cả hai người được kêu gọi để yêu thương, được mời vào vùng trời yêu thương, bước đi trên hành trình yêu thương. Từ đây, ơn gọi yêu thương soi chiếu, bao phủ và là thanh trì che chở, đỡ nâng đời đôi lứa. Từ tình yêu đôi lứa phát sinh tình yêu cha mẹ, cũng như ơn gọi làm vợ chồng mở ra cánh cửa vào ơn gọi làm cha mẹ.
   Như thế, cả hai ơn gọi làm vợ chồng và làm cha mẹ đều xuất phát từ khởi điểm yêu thương và nhắm đích yêu thương Từ định đề này, hôn nhân không thể được quan niệm nếu không có tình yêu, và người ta không thể là cha mẹ, nếu trái tim hoàn toàn trống vắng tình yêu hướng về con cái.



   b. Tình yêu cho đời cha mẹ một giá trị vô cùng
   
       Tình cha, tình mẹ, hay ơn cha nghia mẹ mãi mãi được ca tụng bằng tất cả những gì đẹp nhất, vi đại nhất, sâu thẳm nhất, bao la nhất… bởi tình yêu ấy là một mầu nhiệm. Người ta có thể nghi ngờ, ngần ngại trước nhiều thứ tình, nhưng tình cha mẹ thì ít ai dám đặt vấn đề, vì tình ấy nhiệm lạ vô cùng. Ai cũng có mẹ, và ai cũng cảm nghiệm tấm lòng mẹ bao la, hải hà thế nào: Mẹ chẳng than bao giờ, chỉ âm thầm, lặng lẽ chăm sóc con, lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ, và mỗi bước chân con vắng nhà, là từng thời khắc làm não lòng mẹ. Ai cũng có cha, và ơn cha không dễ phai nhòa trong tâm tưởng con cái. Tận tụy, hy sinh, quên mình đã làm hình ảnh cha cao vời, vi đại. Chính vì thế, tình cha mẹ không còn ở mức có cùng, hữu hạn, nhưng đi vào vô cùng, vô hạn, không biên giới. Nhờ là ơn gọi, tình ấy trở nên thánh thiêng. Vì là ơn gọi, tình ấy biến thành mầu nhiệm. Và đó là giá trị của tình mẹ cha, một giá trị vô cùng, nhờ đã đi vào Vô Cùng, chạm vào Tình Yêu Tuyệt Đối.


    c. Ý nghia tuyệt đối của tình cha mẹ
    Công việc vi đại nhất mà Thượng Đế làm với con người là cho con người tiếp tay với Ngài “dựng nên” những con người mới. Vì không biết chiêm ngắm con người, chúng ta không nhận ra mình và người khác là công trình tuyệt vời và mầu nhiệm. Ý nghia của ơn gọi cha mẹ cũng như giá trị của đời làm cha mẹ hệ tại ở hồng ân được tiếp tay với Thượng Đế trong công cuộc truyền ban sự sống con người. Hồng ân này biến cha mẹ trở thành những cộng tác viên trong công trình tạo dựng nối vẫn tiếp tục đến tận thế. Hãy thử nhìn xem: Có công việc nào của con người “mầu nhiệm” hơn việc sinh ra những con người mới?



   Có công trình nào mang ý nghia cao cả và giá trị lớn lao hơn công trình tạo ra những con người? Con người không là sản phẩm “vật chất”, nhưng là một thực thể kỳ diệu kết hợp vật chất và tinh thần, với khả năng vươn tới Tuyệt Đối, đi vào Vô Cùng, gặp gỡ Đấng Chủ Tạo. Những thao thức, khát vọng hướng về Tuyệt Đối nơi con người làm cho con người trở thành thụ tạo đặc biệt vượt lên trên mọi thụ tạo khác. Chỉ một khả năng tự do ở con người thôi cũng đã đủ làm cho con người vượt xa tất cả mọi thụ tạo khác để đi vào thế giới tuyệt đối, vô cùng. Xuyên suốt cuộc đời mỗi người, không ai có thể phủ nhận hay nghi ngờ tình yêu bao la, trời biển của mẹ cha; cũng không ai dám nghi tình yêu ấy tầm thường. Có thể ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, con cái hờ hững, vô tình trước công ơn cha mẹ, nhưng càng khôn lớn, khi gánh đời trĩu nặng, khi tuổi đời chồng chất, người con mới cảm nghiệm ơn sâu nghia nặng đối với cha mẹ mình. Đời người tuy ngắn, nhưng cũng đủ dài để thấy mọi sự, hiểu mọi điều, nhất là cảm nghiệm chiều sâu của tình cha mẹ, chỉ sợ lúc đó sẽ chẳng còn cha mẹ để cảm tạ. Quả thực, tình yêu cha mẹ là tình tinh ròng, tuyệt diệu. Nó là nôi sự sống, là núi đá niềm tin, là bến đỗ hy vọng, là mái ấm chở che, là cung lòng ẩn nấp, là nắng sớm hân hoan, là đêm hè thư thả, là cả bầu trời tương lai. Vì thế, sẽ rất khó cho con, nếu mẹ cha không là tình yêu, rất khổ cho con khi cha mẹ quên mình là cha me, bởi cha mẹ chỉ có duy nhất một ơn gọi yêu thương, một sứ mệnh yêu thương, một cuộc đời yêu thương.


Quý độc giả vui lòng đọc tiếp chương 2 :