Câu
nói này có thể nghe được ở một vài nơi, nhưng thể hiện giấc mơ làm thượng đế
khi là khách hàng thì chỉ có ở Việt Nam.
Viết
vậy mà không sợ làm sốc bạn đọc, vì qủa thực chỉ ở Việt Nam, tôi mới nghe “khẩu
hiệu thương mại kỳ cục” này và thấy con người thực sự “dám” làm thượng đế.
Không
biết có phải vì thiên hạ không ngớt thần tượng và suy tôn “Khách hàng là thượng
đế”, mà đám đông ngạo mạn cho mình cái quyền “muốn làm gì thì làm” khi bỏ tiền mua
dịch vụ. Cứ nhìn thái độ kiêu kỳ đến dị hợm của những thực khách trong qúan ăn khi
dương oai cách lố bịch, ta sẽ thấy mức độ trầm trọng của những khách hàng thượng đế bệnh hoạn rất đáng thương
này: nào là “sang chảnh” làm hú hồn các em sinh viên nghèo chạy bàn mỗi tối để có
tiền đi học; nào là phách lối to miệng chửi bới khi thực đơn chưa kịp dọn; nào
là sấn sổ hùng hổ như muốn “ăn tươi nuốt sống” kẻ ăn người làm, nếu chẳng may dọn
sai món được đặt, hoặc vô ý làm rớt khăn, đổ nước; nào là sừng cồ đe dọa,
nạt nộ, phun ra đủ thứ cặn bã gớm ghiếc
của người được coi là giầu nhưng rất nghèo đạo đức làm người, khi cho mình cái
quyền vô hạn trên người khác; nào là sàm sỡ vô duyên như những người vô học, vô
văn hóa; nào là ngang ngược lý sự cùn, hãnh tiến khoe khoang từ nhà đất, địa vị
đến con cái, công danh, và vô liêm sỉ “nổ long trời, banh xác nhân dân” chung
quanh mình.
Nhưng
biết hay không biết, chủ động hay dựa dẫm, a dua khi tự khóac cho mình “mũ mão,
cân đai, y phục thượng đế”, người ta đã vô tình tự hạ thấp giá trị nhân văn của
mình:
1. Tự
hạ thấp giá trị bản thân, vì ảo tưởng:
Có
nhiều thứ lọai và mức độ ảo tưởng, nhưng ảo tưởng trở thành thượng đế vì có tiền
thì thực là ảo tưởng kinh dị ngoài sức tưởng tượng, và hết thuốc chữa. Ngoài sức
tưởng tượng, vì thụ tạo muốn làm chủ tạo, con người muốn làm thượng đế. Hai phạm
trù không thể gặp gỡ, vượt qua, khác gì con cóc sần sùi, xấu xí ở đáy giếng muốn
làm con người vĩ đại, bởi mức độ lố bịch đã vượt qúa xa “sức chịu đựng” của trí
tưởng tượng đáng lẽ phải dừng lại ở mức báo động khẩn cấp cuối cùng, khi cóc muốn
làm voi hay cọp, vì ít ra vẫn còn biết mình là động vật, đứng chung trong một phạm trù.
Cũng
như “Khách hàng là thượng đế”, dù là một cách nói để diễn tả tầm quan trọng của
công tác phục vụ khách hàng đã kệch cỡm vượt ngưỡng, và đánh mất nhân cách của người
mang ảo tưởng trở thành thượng đế khi là khách hàng. Ý nghĩ và lối cư xử kiểu “thượng
đế” vì nghĩ mình có tiền còn là một căn bệnh “hết thuốc chữa”, vì một lý do đơn
giản: đã là thượng đế rồi, thì phàm nhân nào chia sẻ, giúp đỡ được ? đã là
ông trời rồi, thì chỉ mình tự xử mình thôi, ai nào dám “cải thiện, cải hoá, cải
tạo” ông khách hàng thượng đế?
2. Tự
đánh mất nhân cách vì bộc lộ một tâm hồn nghèo nàn, rỗng tuếch:
Người
chỉ nhận mình giầu vì có của cải vật chất, và đặt tất cả giá trị đời mình trên
tiền bạc sẽ không bao giờ được coi là người sung túc, sung sướng, sang trọng, bởi
hạnh phúc không chỉ đặt trên vật chất dư thừa, mà còn hệ tại ở nhiều yếu tố khác,
mà tâm hồn giầu tình người, giầu đức hạnh, giầu lý tưởng, giầu nhiệt huyết phục
vụ, giầu qủang đại chia sẻ với người khác là yếu tố nền tảng đem lại niềm vui sống
và ý nghiã phong phú của đời làm người.
Tự
coi mình là thượng đế chỉ vì có tiền hơn người, hay tưởng mình là thượng đế khi
thiên hạ cung nghinh, tôn sùng mình vì thủ đọan thương mại, kinh doanh đều là
sai lầm đáng tiếc, bởi người mất mát, thiệt thòi sẽ không là ai khác, nhưng là
người đã dại dột giũ bỏ thân phận người để phùng mang trợn mắt ráng sức phình
to làm ông trời, một tham vọng không bao giờ có thể đạt được, vì phi lý và phi
nhân bản, để rồi rơi vào tình trạng vong thân, khi đánh mất chính nhân cách của
mình.
3.
Tự
cô lập mình vì kiêu căng:
Vì
kiêu căng, ỷ tiền, ỷ quyền đòi làm thượng đế của tha nhân, đồng loại, cũng như đòi
chiếm vị thế độc nhất vô nhị của thượng đế, mà người “khách hàng thượng đế” sẽ
cô độc, vì mất chỗ đứng giữa hàng ngũ anh em “con người” của mình, đồng thời, chẳng
bao giờ mon men tới gần được thượng đế, nói chi thay thế ngài. Chỉ riêng thái độ
thiếu nhã nhặn, trân trọng người khác, thiếu thiện cảm, tình người với người
chung quanh, thiếu tư cách, công bình với người phục vụ mình cũng đã đủ đẩy xa
những con người “ỷ tiền coi trời bằng vung, coi người khác như nô lệ” này vào bế
tắc trong tương quan lành mạnh và hạnh phúc với mọi người.
Thực
vậy, kiêu căng làm con người ảo tưởng mình là thượng đế khi được thiên hạ tâng
bốc, xông hương; kiêu căng lấy đi óc thông minh để phân định và sự khôn ngoan để
chọn lựa một thái độ sống xứng hợp nhân cách, nhân phẩm; kiêu căng kéo sập cơ đồ
“nhân bản”, kho báu nhân văn, và biến “khách hàng thượng đế” thành người “không
giống ai”, nhưng lạc lõng “dưới đất cũng như trên trời”, vì từ chối “làm người”
như phận người đang là dưới đất, và ảo tưởng trở thành thượng đế ở trên trời, một
ảo tưởng bệnh hoạn dẫn đến vong thân trầm trọng.
Ước
gì mỗi người đều hiểu rằng khách hàng
không bao giờ là thượng đế, vì thượng đế không bao giờ là khách hàng. Dẹp bỏ
được não trạng “có tiền là có quyền”, cũng như “em có quyền vì em đẹp”, cuộc sống
chung sẽ nhẹ nhàng, ấm áp tình người, bình an, và hạnh phúc hơn gấp bội, vì ai
nấy sẽ nhận ra mình đến trong cuộc đời để yêu thương, và nơi nào có yêu thương,
ở đó mọi người sẽ gặp được ở nhau niềm vui phục vụ.
Jorathe
Nắng Tím