Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

KẺ TỐ CÁO (Chương I)


Chương I
     TÊN GỌI CỦA SATAN

     Trong tập chia sẻ  “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, người viết đã mô tả chi tiết căn tính của ma qủy và trình bầy khá tỉ mỉ công việc của chúng. Ở đây, chỉ xin tóm tắt một vài nét tổng quát về ma qủy, để cùng bạn đọc dễ đi vào nội dung chính : Ma qủy, kẻ chỉ biết  tố cáo và tố cáo không mệt mỏi.
       Satan là tên để chỉ chung ma qủy. Satan có thật, được Kinh Thánh mô tả rất chi tiết. Chính Satan đã cám dỗ Đức Giêsu và câu chuyện cám dỗ được thánh Mátthêu cặn kẽ trình thuật (Mt 4,1-11) :
    Nhiều người thắc mắc : Tại sao ma qủy lại có thể hiện hình đến gần Đức Giêsu trong sa mạc, rồi làm phép lạ "đặt Người trên nóc đền thờ" (Mt 4,5), "đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy" (Mt 4,8). Như thế, phải chăng Satan cũng có quyền  làm phép lạ như Thiên Chúa ?

     Thắc mắc rất chính đáng này sẽ giúp chúng ta hiểu hơn mầu nhiệm sáng tạo và lòng tôn trọng  của Thiên Chúa đối với tất cả các thụ tạo là công trình tạo dựng rất tốt đẹp của Ngài, cho dù thụ tạo ấy, vì có tự do, đã phản bội, phản phúc, chống lại Ngài.
    Trước hết, Satan là thụ tạo của Thiên Chúa, được Thiên Chúa ban nhiều ơn lộc đặc biệt, nhưng đã kiêu căng bội phản,  như ngôn sứ Êdêkien đã gián tiếp mô tả, qua những lời bi thương dành cho vua Tyr : Ngươi là mẫu người tuyệt hảo, đầy khôn ngoan và xinh đẹp tuyệt vời. Ngươi cư ngụ tại Êđen, thửa vườn của Thiên Chúa, áo của ngươi đính toàn đá qúy : xích não, hoàng ngọc, kim cương, kim lục thạch, mã não có vân, vân thạch, lam ngọc, hồng ngọc, bích ngọc ; còn trống cơm và sáo của ngươi thì được dát vàng. Ttấ cả đều sẵn sàng, ngày ngươi được tạo dựng. Ta đặt ngươi làm Kêrúp chở che ; ngươi ở trên núi thánh của Thiên Chúa, đi đi lại lại giữa than hồng rực lửa. Đường lối của ngươi chẳng có gì đáng trách từ ngày ngươi được sáng tạo, cho tới khi tìm thấy sự bất công ở nơi ngươi. Vì làm ăn buôn bán thịnh đạt, nên ngươi chất đầy mình bạo lực và tội lỗi. Bởi thế, ta làm cho ngươi ra phàm tục, không cho ngươi ở trên núi của Thiên Chúa.

     "Hỡi Kêrúp chở che ! Ta tiêu diệt ngươi khỏi chốn than hồng rực lửa. Ngươi đem lòng tự cao vì vẻ đẹp của mình, ngươi đã để cho vẻ huy hoàng rực rỡ làm hư hỏng sự khôn ngoan của ngươi. Ta quẳng ngươi xuống đất. Ta biến ngươi thành trò diễu cợt cho các vua. Vì ngươi chồng chất tội, vì ngươi buôn bán bất lương, nên các thánh điện của ngươi đã ra ô uế" (Ed 28,12-18).
   Qủa thực, Satan đã từ "uy quyền của ánh sáng" bước qua "quyền lực của tối tăm" (Lc 22,53), khi kiêu căng chống lại Thiên Chúa.
     Như chúng ta biết, chính Thiên Chúa đã tạo dựng từ không ba loài thụ tạo: Thiên thần, loài người, và các sinh vật, thực vật, vật chất trong vũ trụ. Thiên thần là thụ tạo chỉ có linh hồn, mà không có thân xác vật chất. Vật chất như các sinh vật, thực vật khác chỉ có vật chất mà không có linh hồn. Chỉ riêng con người  vừa có thân xác là vật chất sẽ hư hao, tan biến, vừa có linh hồn thiêng liêng, bất tử. Sự khác biệt căn bản thứ nhất giữa vật chất và linh hồn là tính lệ thuộc vào "thời gian và không gian". Vật chất, như thân xác con người, cũng như bất cứ vật chất nào khác đều bị đặt vào một không gian và thời gian nhất định, nghiã là, con người với xác thân vật chất như tôi và anh chị sẽ không thể vừa ở trong qúa khứ,  vừa có mặt  ở hiện tại và tương lai, cũng như không thể có mặt ở nhiều nơi cùng một lúc. Trái lại, linh hồn thì không chịu  thời gian và không gian chi phối, nên không có qúa khứ, tương lai, mà chỉ có hiện tại tròn đầy, viên mãn, nên thời gian của linh hồn là đời đời, bởi linh hồn không bị tiêu tan, có tận cùng, phải chấm dứt  do tính phi vật chất của linh hồn.

    Ma qủy có bản tính thiêng liêng của các thiên thần, là thụ tạo thuần tinh thần của Thiên Chúa. Là thụ tạo thuần tinh thần, ma qủy không có xác thể, nên không ai thấy. Là thụ tạo thuần tinh thần, ma qủy không chịu thời gian và không gian chi phối,  nên ma qủy không chết, nhưng sống đời đời, và có thể hiện diện trước mắt ta mà ta không thấy. Điều đặc biệt hơn cả, đó là khả năng làm được các phép lạ ở ma qủy, bởi khi tạo dựng các thiên thần, Thiên Chúa đã cho các thiên thần của Ngài  năng  quyền thuộc bản tính thiêng liêng này. Trong các năng quyền đó, có năng quyền thực hiện việc lạ thường, phi thường. Đó là lý do, Satan đã cám dỗ Đức Giêsu bằng làm phép lạ "đặt Người trên nóc đền thờ" và "đem Người lên một ngọn núi rất cao". Sở dĩ Satan và bè lũ , dù bị trừng phạt và  bị trục xuất khỏi thiên đàng để bị ném xuống hoả ngục là nơi dành cho chúng và những kẻ đi theo chúng, vẫn còn làm được các phép lạ, vẫn thực hiện được những "điềm thiêng dấu lạ", vẫn lừa bịp loài người bằng những phù phép lạ lùng, kỳ diệu, là vì Thiên Chúa đã không hủy diệt bản tính thụ tạo thiêng liêng của chúng, cũng như không lấy lại những khả năng thuộc bản tính thiêng liêng, dù chúng đã phản nghịch,, nhưng tôn trọng điều tốt đẹp Ngài đã dựng nên ở thuở ban đầu tạo dựng. Sự tôn trọng hầu như tuyệt đối bản tính các thụ tạo do mình dựng nên, cho dù thế nào đi nữa, đã khẳng định chân lý : Thiên Chúa tuyệt đối tôn trọng bản tính và giá trị riêng của các thụ tạo do Ngài dựng nên, bởi khi tạo dựng, Ngài đã tạo dựng mọi loài một cách tốt đẹp. Nói cách khác, Thiên Chúa không thể tự mẫu thuẫn khi phá hủy bản tính của thụ tạo mà Ngài đã cho là tốt đẹp khi tự mình dựng nên. Thiên Chúa cũng có cùng thái độ tôn trọng đó đối với loài người. Bằng chứng là Ngài đã không hủy diệt loài người, không thu hồi ý chí, tự do và những khả năng khác của con người khi Ngài dựng nên họ, dù hai con người đầu tiên đã xử dụng tự do như qùa tặng qúy giá được ban bởi Ngài để  bất tuân phục Ngài. Thiên Chúa đã không xóa tên loài người, dù nguyên tổ loài người đã phạm tội chống lại Ngài. Trái lại, Thiên Chúa tôn trọng nhân vị,  tôn trọng nhân phẩm, tôn trọng nhân quyền, tôn trọng nhân cách, tôn trọng nhân bản, tức bản chất, bản thể của con người mà Ngài đã yêu thương tạo dựng theo đúng hình ảnh của Ngài. Quyết định không hủy diệt, cũng không tước đoạt khỏi con người sa ngã bản tính loài người vốn được tạo nên rất tốt đẹp, Thiên Chúa đã muốn nói với con người : Ngài yêu con người đến cùng mà Ngài đã dựng nên theo hình ảnh yêu thương của chính Ngài. Và vì yêu con người đến cùng, nên công cuộc cứu thế lập tức đã được khởi sự từ lời hứa : Một trinh nữ sẽ đạp dập đầu rắn độc là ma qủy, kẻ đã cám dỗ con người chống lại Thiên Chúa.
  
     Cũng từ trình thuật Đức Giêsu bị ma qủy cám dỗ qua phép lạ chúng làm, chúng ta cần phân biệt đâu là những điềm thiêng, dấu lạ của Thiên Chúa và đâu là những phép lạ, việc lạ do Satan thực hiện trong cuộc sống của chính chúng ta, và của mọi người quanh, như thánh Phaolô đã  cảnh báo : "Lạ gì đâu ! Vì chính Satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng" (2Cr 11,14). Những tiêu chuẩn để phân biệt, người viết đã chia sẻ với qúy bạn trong tập "Ơn Ngài Nhiệm Lạ" phát hành năm 2015. Điều quan trọng hơn cả là chúng ta đừng quên lời căn dặn của thánh Phêrô : "Ma qủy, thù địch của anh emn như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé" (1Pr 5,8), và  chúng ta "hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước  của ma qủy. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh qúai ác chốn trời cao… Vậy hãy đứng vững : lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an ; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa" (Ep 6,11-17). 

    Xác quyết và lời căn dặn của thánh tông đồ cũng cho chúng ta thấy rằng ma qủy không toàn năng như Thiên Chúa, vì chúng là thụ tạo có giới hạn. Chúng không toàn trí như Thiên Chúa, bởi chúng không biết tất cả mọi sự. Chẳng hạn như khi gieo vào lòng Giuđa mầm mống phản bội, chúng không ngờ rằng Giuđa đã tự ký bản án tử cho mình khi nộp Đức Giêsu cho các thượng tế. Cũng như khi thử thách Gióp, ma qủy không thể biết : trong tất cả những thử thách ấy, "Gióp đã không hề phạm tội, cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa" (G1, 22).Ma qủy cũng không thể có mặt khắp mọi nơi như Thiên Chúa : chúng chỉ rảo quanh chỗ này chỗ kia, như sư tử tìm mồi cắn xé  (x.1P 5,8) , cũng như  đã  loay hoay, xoay sở hết cách để cám dỗ Đức Giêsu, nhưng không được thì bỏ đi, chờ đợi thời cơ thuận lợi (x. Lc 4, 13). Ma qủy cũng không làmđược mọi sự như nó muốn, bằng chứng là chúng phải xin phép Thiên Chúa, như trong sách Gióp, Thiên Chúa đã cho phép ma qủy thử thách lòng trung thành, đạo hạnh của ông : Được, nó thuộc quyền ngươi, nhưng ngươi phải tôn trọng mạng sống nó" (G2,6). Chúng ta cò thấy ở nhiều nơi khác trong Kinh Thánh, Thiên Chúa đã mặc khải giới hạn của ma qủy trong mọi lãnh vực, nhất là đã củng cố đức tin cú chúng ta trong sức mạnh cứu độ của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chiến thắng ma qủy, tử thần :
  "Giờ đây, thủ lãnh của thế gian sắp bị tống ra ngoài" (Ga 12,31). Nơi Đức Kitô "tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể, và trong Người, an hem được sung mãn : Người vốn là Đầu mọi quyền lực thần thiêng.. Người đã truất phế các quyền lực thần thiêng, đã công khai bêu xấu chúng, đã điệu chúng đi trong đám rước khải hoàn của Người". (Cl 2,9.15). Và ma qủy, kẻ tố cáo, sẽ bị tống khứ ra ngoài, nhờ những người tin vào Đức Kitô. "Họ đã thắng được nó nhờ máu Con Chiên và nhờ lời họ làm chứng về Đức Kitô" (Kh 12,11), bởi chính Đức Kitô đã hoàn toàn chiến thắng tội lỗi, sự chết và ma qủy khi Ngài bị treo trên thánh giá, khi ban cho con dân Ngài sự sống : "Tôi ban cho chúng sự sống đời đời ; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi" (Ga 10,21). "Vậy còn phải nói gì thêm nữa ? Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta… Và ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô"? (Rm 8,31.35), để như thánh tông đồ dân ngoại, chúng ta tuyên xưng : « Đúng thế, tôi tin chắc rằng : cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương qủy lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đứcc Kitô Giêsu, Chúa chúng ta » (Rm 8,38- 39).
     Sau khi đã giải toả vấn nạn quyền năng có giới hạn của Satan, chúng ta liệt kê một số tên gọi của Satan được nhắc đến trong Kinh Thánh :
 Quý độc giả vui lòng đọc chương kế tiếp

KẺ TỐ CÁO (Mục Lục)


MỤC LỤC
Lời Ngỏ
Chương I: Tên Gọi Của Satan
Chương II: Satan, Kẻ Tố Cáo
Chương III: Chúng Ta Được Quyền Xét Đoán Anh Em ?
Chương IV:   Tin Đồn, Một Hình Thái Của Xét Đoán
Chương V : Chúa Thánh Thần : Đấng Ủi An và Bào Chữa
Thay Lời Kết

KẺ TỐ CÁO (Lời Ngỏ)


Lời Ngỏ
        Một trong những nguyên nhân làm xã hội điên đảo, loài người bất hạnh, gia đình tan nát, đời sống khủng hoảng, tâm hồn bấn loạn, lo âu, bấp bênh, bất ổn là hiện tượng tố cáo lẫn nhau trước tập thể, bới móc, lột trần đời tư của  nhau trước dư luận, cầy xới những bí mật của nhau trước  ống kính truyền thông.
     Sống trong một thế giới ngày càng gian dối, xảo trá, lừa gạt, con người càng hao mòn vì ảnh huởng khủng khiếp của chiến dịch Tố Cáo; làm việc trong một bầu khí ngày càng ô nhiễm vì chủ nghiã ích kỷ, vị lợi nhuận, thời cơ, thực dụng, người ta càng kiệt lực vì sức công phá kinh dị của vi trùng Tố Cáo ; có mặt trong một xã hội mà lương tâm ngày càng bị coi thường, tâm thức tôn giáo tụt hậu, ý thức tội lỗi bị tẩy xóa, bạo lực được tôn dương, thì Tố Cáo càng được nhiều người xử dụng và chọn làm kế sách tuyệt hảo để thành công ; sau cùng, thời đại càng văn minh, khoa học càng phát triển, khả năng tiêu thụ càng nhiều, khao khát hưởng thụ càng tăng tốc, thì xảo thuật Tố Cáo càng tinh vi, hiệu nghiệm trong tính phi nhân của nó. 
     Tố Cáo ngày nay đã trở thành một mốt thời trang. Bằng chứng hở ra là viết thư nặc danh  tố cáo, hơi một chút là "lên mạng" đe doạ, đụng nhẹ vào lông chân là hăm he "dậy cho biết thế nào là lễ độ", không vừa lòng vừa ý là bạt mạng, xả láng phát tán đời tư của đối phương trên "live stream", chỉ một chút xíu quyền lợi chưa kịp được đáp ứng là đơn từ, tờ rơi mạ lỵ tự do vương vãi. Nhiều người tự hỏi tại sao và từ khi nào con người ngày nay không còn có thể nói chuyện được với nhau và mất hết khả năng trao đổi, cảm thông, bởi người ta qúa dễ dàng lột trần nhau trước tập thể, phơi bầy nhau trước quần chúng, trừng trị nhau trước đám đông. Nhân phẩm của người khác không còn giá trị, bởi chính họ đã bán rẻ giá trị làm người của mình khi hồ đồ tố cáo người khác, mà lương tâm vẫn im lìm, chai đá. Người ta tố cáo nhau đơn giản đến độ không còn chút trơ trẽn, hổ thẹn với chính lương tâm trước nội dung tố cáo được dàn dựng trăm phần trăm, tự biên tự diễn đến kinh tởm. Đó là nguy cơ chúng ta đang đối diện, một nguy cơ không được quan tâm đúng mức, bởi đã mất tính nguy cơ, chỉ vì nguy cơ tràn lan, như cơn nước lũ mà người ta phải chấp nhận sống chung, nếu còn muốn sống.
    Sở dĩ người viết đặt thành vấn đề câu chuyện Tố Cáo vốn đã xưa như ngày đầu tạo dựng nhân loại, khi Ađam tố cáo vợ mình, và Evà tố cáo rắn độc Satan (x. St 3,11-13)  là vì hiện tượng tố cáo lẫn nhau không còn là chuyện bên lề, chuyện hi hữu, chuyện ít xẩy ra, nhưng đang là vi khuẩn nguy hiểm làm sốt cả xã hội, làm nhức nhối Thân Thể Đức Kitô, làm chết đứng nhiều tâm hồn thiện chí, làm tiêu tan không biết bao nhiêu niềm hy vọng mới đơm chồi. Hiện tượng Tố Cáo nguy hiểm và cần được gấp rút nhận diện, vì đây là công việc ma mãnh của Satan và bè lũ. Chúng luôn cố che mặt, hoá trang, ẩn núp  dưới muôn hình vạn trạng, và nhân danh đủ thứ cơ cấu, tổ chức, kể cả phẩm trật "có thần quyền, năng quyền, bản quyền", và các đấng bậc uy nghi, thánh thiện để tha hồ tố cáo anh em mà không ai nhận ra chúng là kẻ Tố Cáo, như Kinh Thánh đã khẳng định :  Ma qủy là kẻ tố cáo,  ngày đêm nó tố cáo anh em trước toà Thiên Chúa (Kh 12,10).