Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

Tin Mừng Chúa Nhật 15 Thường Niên, Năm B : (Mc 6,7-13)


Đây là lần đầu tiên Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng với hướng dẫn rất chi tiết: 
1.    Chính  Đức Giêsu gọi và sai đi:
    “Ngưòi gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi”.. (Mc 6,7).
    Đức Giêsu muốn nói với các môn đệ sắp được sai đi của Ngài : “Không phải các con, nhưng chính Thầy đã chọn các con, để các con đi và sinh nhiều hoa trái” (Ga 15, 16). Đức Giêsu khẳng định ngay từ khởi điểm của ơn gọi truyền giáo:  chính Ngài đích thân gọi những người Ngài muốn và sai họ  đi. Vì thế, tông đồ phải là người được gọi và sai đi; nếu không sẽ không là tông đồ, bởi không có ai tự sai mình, đến ngay Đức Giêsu tuy là Thiên Chúa cũng đã được sai đến thế gian bởi Thiên Chúa Cha, nên Ngài có tên là Đấng Thiên Sai:  Đấng được Thiên Chúa sai đến.
      Vì được sai đi, nên người được sai sẽ thực hiện sứ vụ được trao phó bởi người sai mình, làm theo ý của Đấng sai mình, chứ không làm điều mình chọn, ý mình muốn, nếu không sẽ chẳng còn ý nghiã người được sai đi và giá trị của tông đồ, nhà truyền gáo, vị thừa sai. Để trở thành tông đồ đích thực, điều kiện thứ nhất và căn bản chính là khiêm tốn vâng phục ý của Đấng sai mình : “Này con đến để thi hành thánh ý Cha” (Dt 10,9). Tinh thần vâng phục bảo đảm sự hiện diện và ơn phù trợ của Thiên Chúa.
2.    Tính cách cộng đoàn của sứ vụ:
    “Ngài sai đi từng hai người một” (Mc 6,7) .
     Con số  2 theo truyền thống văn hoá Do Thái chỉ một nhóm người, một cộng đoàn và không nhất thiết chỉ là hai người. Sứ vụ loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu là sứ vụ của  tập thể những người tin và đi theo Đức Giêsu, tức của toàn thể Hội Thánh, nên tự bản chất, sứ vụ mang tính cộng đoàn. Không có sứ vụ tư nhân, cá nhân, đơn độc, riêng lẻ, đến ngay việc cầu nguyện, Đức Gêsu cũng đòi người  Kitô hữu cầu nguyện chung với nhau, cầu nguyện cộng đoàn - cộng đoàn cầu nguyện:  “Ở đâu có hai, ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó, giữa họ” (Mt 18,20).
      Ý thức sứ vụ truyền giáo là sứ vụ của toàn thể dân Chúa, người được sai đi sẽ tránh khỏi chủ nghiã cá nhân, độc tôn, độc quyền, độc tài, độc đoán;  sẽ không hụt chân sập hố  kiêu căng, tham quyền cố vị lúc thành công; đồng thời không rơi vào tình cảnh thất vọng, chán chường khi gặp khó khăn, thất bại trên đường sứ vụ, vì họ hành động với cộng đoàn, hoạt động chung với anh em, luôn có nhiều người chia sẻ, và chung vai gánh vác sứ vụ.Tóm lại có anh có em, có cho có nhận, tương kính, tương trợ theo tinh thần : “Tôi trồng, Apollo tưới nhưng Thiên Chúa mới  làm cho lớn lên” (1 Cr 3,6). Sứ vụ mang tính cộng đoàn còn nói lên sức sống của Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô, ở đó, tất cả các chi thể đều được thông công, hiệp nhất với nhau trong mọi sự.
3.    Các Tông đồ nhận được quyền trừ qủy và chữa lành các bệnh tật (Mc 6,7.13):
   Tin Mừng được rao giảng là Tin Mừng giải phóng, Tin Mừng cứu độ: cứu con người khỏi ách thống trị của ma qủy, và giải phóng con người khỏi sự dữ. Đức Giêsu là Thiên Chúa cứu độ, giải phóng dân Người. Khi sai các tông đồ đến với muôn dân, Đức Giêsu đã ban cho các vị quyền trừ qủy, quyền chữa bệnh  để tất cả những ai đến với các vị sẽ tin các vị là người được Thiên Chúa sai đến với quyền năng của Thiên Chúa, người thuộc về Thiên Chúa với ân sủng của Thiên Chúa, người thực hiện chương trình của Thiên Chúa với sự đảm bảo vô cùng chắc chắn của Thiên Chúa. Những phép lạ từ tay các tông đồ đều đã được thực hiện nhân danh Thiên Chúa, nhân danh Đức Giêsu, Đấng đã sai các vị đi. Các tông đồ sẽ làm chứng Đức Giêsu là Thiên Chúa qua các phép lạ được làm nhân danh Đức Giêsu, và tuyệt đối không khi nào các phép lạ đã được thực hiện nhân danh cá nhân vị tông đồ. Vì thế,  mục đích của phép lạ là làm cho chúng ta tin, như Đức Giêsu trong tiệc cưới  tại Cana đã làm phép lạ đầu tiên khi hoá nước thành rượu là để các môn đệ của Ngài tin vào Ngài (Ga 2,11).
4.    Ra đi với hành trang cần thiết tối thiểu của người lữ hành:
   Đức Giêsu căn dặn: không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo (Mc 6,8).
     Sự nghèo khó của người được sai đi đã được mô tả rất tỉ mỉ nói lên sự cần thiết của nghèo khó, như điều kiện không thể thiếu của người được sai đi. Đây không chỉ là nghèo khó vật chất, mà còn là nghèo khó tinh thần: người môn đệ được sai luôn ý thức thân phận mỏng dòn, yếu đuối của mình khi mang Lời Thiên Chúa, như kho tàng qúy giá được đặt trong bình sành dễ vỡ. Họ sẽ không tự mãn, tự phụ    có tài, có đức, có đủ khả năng, tài cán để chinh phục người khác, lôi cuốn đám đông, thánh hoá cộng đoàn, nhưng hoàn toàn bám víu vào Đấng đã sai họ đi, bởi biết mình chỉ là người được sai đi, là khí cụ, là cánh tay nối dài của Đấng đã sai họ và chỉ duy một mình Ngài mới đổi mới trái tim, thánh hoá  tâm hồn. Phương châm  của họ phải là : Đấng sai tôi phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi, và khi tôi yếu, chính là lúc Thiên Chúa  hành động và làm cho tôi được vững mạnh nhờ ơn Ngài.
       Thực vậy, tiền bạc lôm côm và của cải kềnh càng không bao giờ cho phép người được sai đi thanh thản nhẹ bước. Trước mãnh lực của đồng tiền, người ta luôn ngụy biện để có  lý do giữ riêng cho mình, làm giầu mình bằng của cải vật chất. Đức Giêsu đã nghiêm khắc cảnh báo môn đệ của Ngài : “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24). Xem ra giữa Thiên Chúa và tiền bạc không có mẫu số chung, không đội chung trời, không đạp chung đất. Và hình ảnh người được sai đi chính là người lữ hành của Sách Xuất Hành : “Lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy” (Xh 12,11) , để không bao giờ tìm cho riêng mình một chỗ hưởng thụ, xây cho mình một pháo đài an toàn, kiên cố; trái lại, họ ra đi vừa gieo vừa khóc, vất vả, nhọc nhằn (Tv 126,6).
5.    Không áp đặt niềm tin trên bất cứ ai:
     Khi căn dặn các tông đồ : Vào nhà nào, thì cứ ở đó cho đến lúc ra đi .Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ (Mc 6, 10 - 11).
     Đọc lời căn dặn có chút gì phản cảm trên, chúng ta thường bị cám dỗ hình dung ra vẻ mặt khó chịu, giận dỗi của các tông đồ khi người ta không đón tiếp tử tế, nồng hậu, như  ngày nào trên đất Samaria,  hai môn đệ là ông Giacôbê và Gioan đã thưa với Đức Giêsu : “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trờI xuống thiêu hủy chúng nó không” ? (Lc 9, 54).
     Thực ra, ý nghiã của câu này không hoàn toàn như chúng ta thường nghĩ.  Ở đây, Đức Giêsu cố ý nhấn mạnh tính tự do , tự nguyện của mọi người khi đón nhận Tin Mừng.Tin Mừng mang tính giải phóng, nên không  thể  áp đặt, khống chế, hay bắt buộc ai phải nghe theo. Tin Mừng  được rao giảng và trao ban nhưng không, vì là qùa tặng của Thiên Chúa, nên Tin Mừng đòi tự do nơi người đón nhận. Vì thế, nhà truyền giáo không có quyền ép người  khác phải tin như mình , cũng không được  dùng thủ đọan  mua chuộc người khác để họ đi theo mình. Thiên Chúa tôn trọng tự do của mỗi người, và muốn mọi người luôn là con cái tự do của Ngài.
     Một chi tiết cần lưu ý, đó là hành động giũ bụi chân khi ra khỏi nơi đã không được tiếp đón. Đây là việc làm thuộc truyền thống Do Thái, có ý làm chứng rằng mình đã đến, nay mình ra đi với thái độ và tâm tư không đe dọa, không lên án, nhưng không giao lưu nữa và tuyệt đối không khinh bỉ. Vì thế, khi giũ buị ra đi  không được hiểu là thái độ phản đối gia chủ đã không tiếp đón mình cho phải phép. Nguyên bản Hy Lạp không có nghiã phản đối, nhưng có nghiã  một chứng cứ, mà bản dịch tiếng Pháp đã giữ được  nguyên nghiã : “Ce sera pour eux un témoignage”.
     Xin Chúa cho các người Chúa đã chọn để loan báo Tin Mừng được sống  tinh thần người được sai đi với cung cách người lữ hành đơn sơ, nghèo khó để các vị có thể  đằm thắm đồng hành trong yêu thương với tất cả mọi người.
                                                                                                                       Jorathe Nắng Tím