Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

COVID 19 - DẤU CHỈ THỜI ĐẠI (4)

                                                       RAO GIẢNG TIN MỪNG VÀ ƠN BÌNH AN
Giữa tâm dịch Covid-19, chúng ta chung nhau một mẫu số, đó là hoảng loạn, và sợ hãi. Hoảng loạn khi “biết” virút Corona lây lan nhanh và có sức làm chết người; sợ hãi vì “không biết” mình và người thân có vô phúc rơi vào đôi tay gieo chết chóc oan nghiệt với lưỡi hái tử thần của virút không…   
Một cái “biết” làm hoảng loạn, bên cạnh một cái “không biết” làm hoang mang, nên khắp nơi con người chỉ muốn “biết và không biết” những gì làm mình an tâm; và thời nào nhân loại cũng chỉ tìm “không biết và biết” những gì đem lại cho tâm hồn và cuộc sống bốn chữ “Bình An vô sự”. Chẳng thế mà có những lúc chúng ta phải tự dối mình và làm như “không biết”, dù đã biết tai ương, thất bại, khốn khó đang tiến gần và chắc chắn sẽ xẩy ra, để níu kéo đôi phút bình an, vớt vát đôi chút bình tĩnh, để mình không gục ngã, hoặc để tạm thời trấn an người thân trong gia đình…
Thực vậy, bình an qúy giá, nên khó tìm; bình an hiếm hoi, nên vất vả mới có được. Đó là lý do Đức Giêsu đã không nói gì về Bình An trước khi chịu khổ hình và tử nạn, cũng không đề cập đến ơn Bình An khi chưa chết và sống lại. Bằng chứng là chỉ sau khi sống lại, và khi hiện ra với các tông đồ, môn đệ, Ngài mới ban cho các vị Ơn Bình An: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!. Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa (Ga 20,19-20). 
Chỉ ban Bình An sau khi đã chịu đau khổ, Đức Giêsu muốn nói cho các môn đệ: Bình An chỉ có thể trao tặng người khác, khi người trao ban Bình An đã nhọc nhằn hy sinh vì yêu thương, vì Bình An là hoa trái của Tình Yêu, nên Bình An không thể trổ hoa, kết trái ở ngoài tình yêu hy sinh, quên mình; chỉ ban Bình An của Ngài cho các tông đồ, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh: Bình An không dễ có để trao ban, bởi Bình An là chính cuộc đời được dâng hiến vì yêu thương của mình, Bình An là tình yêu bản thân, tình yêu “cái tôi” được biến thành lễ tế chuộc lỗi, xóa tội người mình yêu, và là quà tặng hạnh phúc đích thực; chỉ chúc phúc Bình An cho các môn đệ sau khi sống lại từ cõi chết với các thương tích còn nguyên trên mình, Đức Giêsu khẳng định: lời chúc Bình An chỉ có giá trị cứu rỗi, chỉ mang lại niềm vui sống lại, chỉ ban nguồn sống phục sinh, khi Bình An được cưu mang trong mồ hôi máu của buổi tối cầu nguyện ở Ghếtsêmani, lớn lên trong nước mắt của tra tấn, đòn vọt tại dinh Caipha, Hêrôđê và Philatô, nẩy mầm trên đường vác thập tự, và trổ hoa, kết trái trong nức nở vì bị bỏ rơi, trong vật vã vì khát nước, trong đau đớn vì đinh nhọn, lưỡi đòng giờ hấp hối cực kỳ tang thương trên Thánh Giá giữa hai can phạm cùng chung án tử hình đóng đinh.
Đức Giêsu còn đi xa hơn khi hiện ra với Tôma tám ngày sau, và bảo ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20,27), để qủa quyết một điều mà các môn đệ Ngài phải ghi lòng tạc dạ, đó là Bình An chỉ có thể được trao ban, hiến tặng cho người khác như Bình An thật và đến từ Đức Giêsu phục sinh, khi Bình An ấy được ươm trồng bằng máu yêu thương của chính trái tim, được nuôi lớn nhờ hy sinh của tình yêu chăm sóc, và sinh sôi nẩy nở trong chính cuộc đời dầy dạn kinh nghiệm khổ đau vì yêu thương của người môn đệ.
Do đó, sẽ không có Bình An, nếu không có Tình yêu được trao ban cùng lúc; không có Bình An đích thực nếu Tình Yêu từ trái tim người trao ban Bình An là tình yêu giả dối, lừa gạt; không có Bình An đem lại hạnh phúc, nếu tay người trao ban Bình An mang nanh vuốt của ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ; không có Bình An của Đức Giêsu được trao ban cho nhân loại từ người môn đệ vô cảm, thiếu lòng thương xót, không biết chạnh lòng; không có Bình An của Thiên Chúa, nếu nhà truyền giáo chỉ hau háu trục lợi, nhẫn tâm hy sinh người khác vì mình, và tránh né những cơ hội, hoàn cảnh phải qủang đại dấn thân, chịu thiệt thòi vì người khác.
Thực vậy, trong bất cứ thời  thuận tiện hay không thuận tiện nào, việc rao giảng Tin Mừng là bổn phận chính yếu của người Kitô hữu. Nhưng rao giảng thế nào, để Tin Mừng là Tin Mừng phục sinh, Tin Mừng Chúa đã sống lại, Tin Mừng Đức Giêsu là niềm vui ơn cứu độ của mọi người, mà không phải là Tin Mừng không vui, Tin Mừng bất an, bất ổn, Tin Mừng hoảng lọan, hoang mang, Tin Mừng đe dọa, lo sợ? 
Đã đành phải rao giảng mọi nơi, mọi lúc, bằng nhiều cách thức, phương tiện, miễn sao phù hợp; rao giảng cho người trong gia đình, láng diềng quen biết, đồng nghiệp cùng sở làm; rao giảng qua lời nói, chữ viết, nhờ các phương tiện truyền thông thời đại…, nhưng quan trọng hơn cả là rao giảng Tin Mừng bằng làm chứng đời sống người tín hữu đầy tình bác ái, trái tim người Kitô hữu có Đức Giêsu giầu lòng thương xót, nhân hậu, bao dung, và con đường Thánh Giá yêu thương gập ghềnh gian khổ, trên đó người vác ngã lên ngã xuống vì bị dập vùi; ù tai, mờ mắt vì những lên án, thị phi; te tua, tơi tả vì roi đòn, xỉ nhục với duy nhất một ước mong được yêu thương đến cùng như Đức Giêsu, để đem lại Bình An Phục Sinh của Ngài cho mọi người.
Bởi nếu Tin Mừng được rao giảng, mà thiếu yêu thương, Tin Mừng sẽ không là Tin Mừng Sống Lại với ơn Bình An của Đức Giêsu; bởi nếu Tin Mừng được loan báo mà tim người loan báo cạn khô đức ái, thì Tin Mừng sẽ không mang đến ơn Bình An của Đức Giêsu phục sinh; bởi nếu Tin Mừng được giới thiệu đến mọi người mà thiếu mão gai, đinh sắt, lưỡi đòng của Thập Giá tình yêu, thì Bình An được trao ban sẽ không là Bình An đích thực, Bình An của Đức Giêsu đã chết và sống lại, Đấng Cứu Độ, vì một lý do duy nhất: Bình An là hoa trái của Tình Yêu, và Tin Mừng chỉ đáng mừng, làm cho vui mừng, khi Thiên Chúa ban bình an cho con người đang hoảng loạn, lo sợ; khi con người  nghe được tin Thiên Chúa là Tình Yêu cứu giúp họ, và biết chắc họ được Thiên Chúa yêu thương, ban Bình An.
Vì thế, tận thâm tâm người môn đệ khi loan báo Tin Mừng, cũng như nhà truyền giáo khi rao giảng Đức Giêsu chịu đóng đinh phải sáng lên tình yêu hy sinh, quên mình, được  biểu hiện qua ý muốn và nỗ lực mưu tìm Bình An đích thực cho người được rao giảng, vì mục đích của việc loan báo Tin Mừng là trao ban Bình An của Đức Giêsu phục sinh cho người khác, bởi không bình an, Tin Mừng làm sao còn là tin mừng, tin vui, vì trong hoảng loạn, lo sợ, sầu buồn, đau khổ, con người khao khát  Bình An, đi tìm bến đỗ An Bình, chạy đến Đấng là Nguồn Bình An.   
Không quan tâm đến nỗ lực kiến tạo và đem lại Bình An cho người được loan báo, rao giảng, nhà truyền giáo sẽ làm người khác thất vọng nhiều hơn hy vọng, khi Bình An không hiện diện trong Tin Mừng, không có mặt trong “đời sống chứng nhân” của nhà truyền giáo. Nói cách khác, khi nhà truyền giáo không là dấu chỉ Bình An của Đức Giêsu phục sinh, các vị sẽ  không mang  Bình An của Đức Giêsu hiền lành và khiêm nhường vào  tâm hồn, gia đình người khác, bởi chính tâm hồn nhà truyền giáo không khao khát ơn Bình An cho chính mình và cho người mình rao giảng, cũng như không tìm kiếm Bình An như hoa trái trổ sinh từ tình yêu hy sinh.  Và chuyện buồn phải xẩy ra, tin buồn phải tới, khi  bình an vắng mặt  để nhường chỗ cho bất an, khi hoà bình vắng bóng để bàn giao cho chiến tranh, khi trái tim khô cạn tình yêu để  hận thù xâm chiếm, khi đường truyền giáo mất hướng Bình An để thay bằng  mê lộ bất an, tuyệt vọng.
Như các môn đệ đã đóng kín cửa, vì sợ người Do Thái, thế giới cũng đang đóng chặt cửa nhà mình, khóa kỹ cửa lòng mình vì sợ đại dịch Covid-19; như các môn đệ lo sợ bị người Do Thái truy lùng, bắt bớ, hàng tỷ người trên địa cầu cũng đang hoảng sợ vì tính mạng bị virút đe dọa; như các môn đệ đã khao khát bình an, con người hôm nay đang  ước mơ được sống những ngày êm ấm, an ổn, thoát nguy hiểm đại dịch, để rồi chính trong trong hoàn cảnh bất an, ở vào tình trạng bị đe dọa, và tâm trạng hốt hoảng, lo sợ, Đức Giêsu phục sinh đã đến giữa các môn đệ và ban cho các ông ơn Bình An của Ngài.
Với Đức Thánh Cha Phanxicô, tối nay (19/3/2020), lễ thánh Giuse, Đức Thánh Cha cũng nhắc đến sáng kiến 24 giờ dành cho Chúa. Ngài nói: “Thứ Sáu và thứ Bảy 20-21/03 tới đây là ngày cử hành sáng kiến 24 giờ dành cho Chúa. Đây là một sự kiện quan trọng của Mùa Chay để cầu nguyện và đến với bí tích Hòa giải (Vui lòng xem chi tiết: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-03/dtc-phanxico-cau-nguyen-thanh-giuse-virus-corona.html). Chúng ta cùng lần chuỗi cầu nguyện để nài xin Thiên Chúa cứu thế giới khỏi giông tố nguy hiểm, đưa nhân loại ra khỏi cơn lốc xoáy khủng hoảng và qua những chứng nhân Tin Mừng được Chúa sai đến, xin cho hết mọi người Ơn Bình An của Đức Giêsu phục sinh giữa tâm đại dịch.     
Jorathe Nắng Tím  

MÙA CHAY TRUYỀN GIÁO (11)


                               Suy Niệm 11: TRUYỀN GIÁO PHÒNG THỦ
Lịch sử Giáo Hội cũng như lịch sử Israel đều chung một đặc điểm là có nhiều vết xám loang lổ, những vết xám của yếu đuối, bất trung, sai lạc và lầm lỗi.
Tuy cùng là dân đựợc Thiên Chúa chọn để sống theo giáo huấn của Ngài, nhưng vì là lịch sử của con người, lịch sử được làm nên bởi con người, nên Israel cũng như Giáo Hội đã không thiếu những thăng trầm của đoàn lữ hành trên đường dài vạn dặm, những giai đọan tha thiết trung thành bên những năm tháng thờ ơ phản bội, những bình minh hạnh phúc khi Giao Ước với Thiên Chúa được tôn trọng, và những đêm đen bất hạnh khi thay thế Thiên Chúa bằng ngẫu thần.
Riêng Giáo Hội, một Giáo Hội mà sự bền vững được công khai bảo đảm bởi chính Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghiã là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18) cũng nhiều lần, nhiều cách, ở nhiều thời điểm của lịch sử đã không tránh khỏi những vấp ngã nặng nề, gương xấu tai hại, sai lầm chống lại Tin Mừng, và ngược với ý muốn của Đấng Sáng Lập.
Sống lại những chặng đường đen tối của Giáo Hội, chúng ta nhận ra một điểm khá quan trọng : một trong những nguyên nhân đã đem lại tình trạng không tốt đẹp cho Giáo Hội, đó là chủ trương một Giáo Hội phòng thủ, khi Giáo Hội dồn mọi nỗ lực củng cố hệ thống cơ cấu tự vệ, mà quên “đi ra, đi xa, đi  khắp nơi” như lệnh lên đường truyền giáo của Đức Giêsu: “Chúng ta hãy sang bờ bên kia” (Mc 4,35), “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).
Khi chỉ say mê củng cố Giáo Hội như pháo đài, với những cơ cấu tuyệt vời, hệ thống tổ chức hoàn hảo, quy chế hành chánh chặt chẽ, luật lệ nội bộ kín kẽ, thì Giáo Hội sẽ dễ bỏ quên sứ mệnh truyền giáo, và biến dần thành một Giáo Hội với khuynh hướng phòng thủ, tự vệ.  
Giáo Hội phòng thủ là một Giáo Hội “đóng kín cửa, vì sợ”: sợ người Do Thái như các môn đệ ngày xưa, sau khi Thầy bị tử hình đóng đinh, nay Giáo Hội sợ người lạ, sợ tư tưởng lạ, sợ những đổi mới của thời đại, sợ những phản biện của đám đông, sợ cả ý kiến của chính những người trong hàng ngũ của mình.  
Giáo Hội phòng thủ là một Giáo Hội khép kín trái tim vì sợ phải thương xót, vì thương xót là một việc không luôn đem lại thoải mái, lợi nhuận, nhưng luôn làm nặng lòng, đau lòng.
Giáo Hội phòng thủ là một Giáo Hội nhắm mắt vì sợ đối diện nhiều người không thích mình, bất đồng ý kiến, chống phá mình, làm mình phải nhức đầu, bực bội.
Giáo Hội phòng thủ là một Giáo Hội khoanh tay, vì sợ phải mở cửa nhà mình cho những con người bất toàn, bất hảo, bất chính thường đem đến cho mình nhiều phiền phức, rắc rối, bất lợi.
Giáo Hội phòng thủ là một Giáo Hội tự buộc chân mình, để không phải đi đâu, đến với người nào, vì ở ngoài Giáo Hội phần đông là những con người “không biết điều, không ra làm sao”, khó thương, khó bảo, khó trị.
Giáo Hội phòng thủ là một Giáo Hội bịt tai không muốn lắng nghe, vì “bảo thủ” với những gì mình có, và “cố chấp” không muốn lắng nghe “người ngoài” để khỏi bị phân tâm, rối trí, mất phương hướng, mất lập trường.   
Giáo Hội phòng thủ là một Giáo Hội “ao tù” vì không giao lưu với các con suối, giòng sông, đại dương, và ngột ngạt vì thiếu dưỡng khí trong lành, do bịt kín, đóng chặt, vì sợ lây nhiễm vi-rút do gặp gỡ, trao đổi, chung đụng.
Giáo Hội phòng thủ còn là Giáo Hội “ốc đảo”, muốn một mình sung túc, thịnh vượng, giữa đại dương bao la của thiếu thốn, nghèo nàn hay gây nhiều phiền toái.         
Vì não trạng phòng thủ, vì lối sống tự vệ, Giáo Hội sẽ biến thành một pháo đài chiến đấu, bởi người ta phải chiến đấu nên mới phòng thủ, nhắm tới cuộc chiến mới phải cẩn mật đề phòng, nên có phòng thủ tất phải có chiến đấu, có tự vệ tất phải có tấn công. 
Cũng thế, vì phải chiến đấu, người ta bắt buộc phải ở trong tình trạng phòng thủ, tự vệ liên tục ngày đêm. Và khi phải liên tục phòng thủ như thế, chuyện rời bỏ pháo đài, ra khỏi lô cốt để “qua bờ bên kia”, tức liều lĩnh, mạo hiểm ra xa, ra sâu, rời căn cứ an toàn được kiên cố xây dựng và cẩn mật bảo vệ sẽ là một chuyện rất khó thực hiện, vì ai nấy đều sợ rủi ro, nguy hiểm.
Tin Mừng Máccô làm chứng: sứ mệnh “qua bờ bên kia”, bài sai “ra xa, ra sâu” là một thách đố rất lớn: Khi thuyền các môn đệ vừa rời bến để đi qua bờ bên kia, thì “một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi đầy nước” (Mc 4,37). Và các môn đệ phải một phen thất kinh, hoảng sợ phải đánh thức Đức Giêsu dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi...” (Mc 4,38).            
Chính vì nguy hiểm, nhiều đe dọa và thường xuyên ở vào “thời không thuận lợi”, mà truyền giáo trở thành một công tác khó khăn, dễ làm “nản lòng chiến sĩ”, dù đó là bổn phận chính yếu của người chiến sĩ đức tin. Và khi truyền giáo mang về tâm trạng lo lắng vì khó khăn, sợ sệt vì nguy hiểm, hoang mang vì phải xa pháo đài an toàn, người Kitô hữu sẽ đi vào khuynh hướng thích xây dựng cơ cấu bảo vệ đức tin hơn làm chứng đức tin, mong muốn ở gần “nhà thờ” với đồng đạo hơn đến với với người chưa quen, giữa chốn xa lạ .
Vì thế, “ra đi” càng xa xôi, “ra xa” càng phức tạp, “ra sâu” càng nhiều sóng gió, người tín hữu càng muốn ở lại bờ, bám trụ cơ sở, canh gác đồn bót, bảo vệ tổng hành dinh, phòng vệ phủ toàn quyền; cũng như “lên đường” càng nhiều đe dọa, người có đạo càng ngại ngùng, do dự, vì ở nhà bảo vệ “ấp chiến lược” giáo xứ, giáo họ, giáo phận vẫn an toàn hơn, bám chặt cơ chế, tổ chức vẫn vững tâm hơn phải lên thuyền ra khơi, phải mạo hiểm lên đường.  
Cũng vì “ở bên ngoài” nhiều nguy hiểm, nhiều chống đối, nhiều lạnh lùng và “bờ bên kia” nhiều sóng gió, nhiều đe dọa, nhiều bất ngờ bất lợi, mà người tín hữu dễ bị đẩy vào tâm trạng lo ngại cho chính sự bền vững của pháo đài cơ cấu, và từ đó, tinh thần giữ đạo kiểu phòng thủ, truyền giáo kiểu tự vệ theo thời gian sẽ ăn sâu, đậm nét, sói mòn tinh thần truyền giáo đích thực, vì một ý nghĩ tiêu cực, rất sai lầm và nguy hiểm: nếu mình không cẩn thận phòng thủ, thì có ngày pháo đài đức tin kiên cố sẽ bị lung lay, sụp đổ.
Rơi vào tình trạng đức tin phòng thủ, cũng là giữ đạo kiểu tự vệ, người tín hữu sẽ không chỉ rơi vào tình trạng co cụm giữa “mình với mình, người mình với người mình, đạo mình với đạo mình”, mà còn rơi vào lối sống đức tin kiêu căng: cho mình là chính quy, chính thống, chính danh, chính thực, để độc quyền chân lý, độc đoán phán xét, độc tài cai trị. Vì thế mới có những bước chân sai lầm của “thánh chiến”, “toà án dị giáo”, “dàn hoả thiêu” làm méo mó dung mạo Đức Giêsu nhân hậu, làm sai lệch Tin Mừng cứu độ, làm thất vọng nhiều tâm hồn khắc khoải đi tìm Thiên Chúa của lòng thương xót.
Đức tin phòng thủ, tự vệ còn làm nghèo nàn, cằn cỗi, suy yếu Giáo Hội, vì thiếu sức sống của Chúa Thánh Thần, bởi Thánh Thần chỉ ban sức sống của Ngài khi cửa nhà Giáo Hội được mở ra để người tín hữu ra đi, nhà truyền giáo lên đường “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”, vì chỉ khi đó việc “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” mới có hiệu qủa (Mt 28,19).
Thực vậy, người tín hữu chủ trương lối sống đức tin phòng thủ, tự vệ không thể là người Kitô hữu như ý Chúa muốn, vì họ không sống tinh thần truyền giáo đích thực, bởi đã truyền giáo thì phải bỏ nhà ra đi, như các môn đệ bỏ mọi sự của mình, thuộc về mình mà đi theo Đức Giêsu lên đường  truyền giáo ; bởi đã truyền giáo thì không thể ở lì trong nhà, cố thủ pháo đài đức tin, nhưng phải đi ra ngoài, lao mình vào thế giới  đông người, xô bồ, hỗn tạp để gặp gỡ, làm quen và làm chng; bởi truyền giáo là đến với người khác, không để áp đặt một đức tin kiểu càn quét, xâm lăng, chiếm hữu, độc quyền, nhưng để giới thiệu bằng làm chứng với một tinh thần yêu mến, tôn trọng tự do và thái độ thân thiện, huynh đệ, bình đẳng.
Như thế, nhà truyền giáo phải tránh não trạng phòng thủ khi loan báo Tin Mừng, tránh thái độ loại trừ, tự vệ khi rao giảng Đức Giêsu, vì phòng thủ sẽ không thể hồn nhiên, thân thiện và cởi mở khi gặp gỡ; loại trừ, tự vệ sẽ dè dặt, đề phòng, ngờ vực hết mọi người, mà Tin Mừng thì phổ quát, và Đức Giêsu chịu đóng đinh là Đấng Cứu Độ duy nhất của toàn thể nhân loại.
Với não trạng phòng thủ, nhà truyền giáo sẽ mang cùng một lúc hai thái độ: một là kiêu căng, ích kỷ, vì không muốn mở ra cho ai, chia sẻ, thông ban cho người nào; hai là loại trừ, hiếu chiến, khi nhìn người khác với đôi mắt nghi ngại, thiếu tin tưởng, thân thiện, do ý nghĩ phải cẩn trọng phòng thủ để bảo vệ bằng mọi giá pháo đài đức tin, mà không tin vào đường bay không biên giới của Chúa Thánh Thần.
Thánh sử Máccô rất tinh tế khi liên tiếp thuật lại việc Đức Giêsu bảo các môn đệ “ra khơi”. Lần thứ nhất, ở chương 4, thánh sử kể: “Hôm ấy khi chiều đến, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” (Mc 4,35). Thế rồi sóng gió nổi lên, mà Ngài vẫn ngủ, cho đến khi các môn đệ hoảng hốt đánh thức dậy, Ngài đã truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” (Mc 4,39). 
Lần thứ hai lý thú hơn dưới ngòi bút của thánh sử:“Lập tức, Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bếtxaiđa trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện. Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người trên đất. Người thấy các ông phải vất vả chèo chống, vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông…” (Mc 6,45-48).
Lần trước thì Ngài cùng ở trên thuyền với các ông, nhưng lần này thì Ngài để các ông “qua bờ bên kia” mà không có Ngài. Cả hai lần biển đều không êm ả: lần trước thì sóng gió nổi lên dữ dội, lần sau thì “vất vả chèo chống vì gió ngược”. Như thế, mỗi lần “qua bờ bên kia” là phải gặp khó khăn; mỗi lần ra xa, ra sâu là phải  vất vả đối phó với nhiều rủi ro, nguy hiểm; mỗi lần ra khỏi bờ là nơi quen thuộc, an toàn, người môn đệ phải đi vào gian truân, thử thách.
Biết thế, nhưng Đức Giêsu vẫn muốn và “bắt” các môn đệ Ngài phải ra đi, phải ra xa, ra sâu, “qua bờ bên kia”, sang chỗ mới, đến nơi xa lạ, mà không cho các ông ở lì một chỗ, cắm dùi lâu, mọc rễ sâu ở một nơi quen biết, một chỗ an toàn, thuận lợi. Bằng chứng là Tin Mừng đã ghi rõ: “Lập tức, Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia” (Mc 6,45).
Điều này nói lên đòi hỏi của truyền giáo là phải đi ra khỏi nơi an toàn như pháo đài mình đã xây dựng, củng cố để được an thân, an toàn tính mạng, an hưởng cuộc sống. Trái lại, không “qua bờ bên kia”, không lập tức xuống thuyền ra khơi, cả khi trời đã về chiều, và gió ngược phải vất vả chèo chống, người theo Đức Giêsu không thể trở thành môn đệ đích thực của Ngài, vì đã là môn đệ  thì phải can đảm “qua bờ bên kia”, dù sóng gió đang đợi chờ, bão táp đang rình rập đe dọa.
Mức độ quyết liệt của Đức Giêsu khi “bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia” cũng nói lên đòi hỏi phải “mở ra, đến với, lao mình vào”, nhất là tinh thần từ bỏ tất cả, kể cả những bó buộc đôi khi được coi là cần thiết như cơ chế, bởi khi bị trói buộc qúa chặt vào cơ chế, cơ cấu, người môn đệ sẽ không đủ liều lĩnh của “hồn tông đồ” để có thể xả thân ra khơi tung lưới, mà không ngậm ngùi tiếc nuối, so đo, phân bì, ngần ngại, bởi trong mọi tình huống, phục vụ cơ cấu, xây dựng pháo đài vẫn là chỗ đứng an toàn, chỗ ở an thân, chỗ dựa an ổn mà phần đông vẫn mong đợi, tìm kiếm.  
Tuy thế, Đức Giêsu đã không “vắng mặt” trên hành trình “qua bờ bên kia” của các môn đệ được Ngài sai đi. Lần đầu Ngài có mặt và ngủ. Lần sau đích thân Ngài “đi trên mặt biển đến với các ông”. Các ông vì tưởng Ngài là ma nên hoảng hốt. Sau khi trấn an các ông : “Chính Thầy đây, đừng sợ! Người lên thuyền với các ông và gió liền lặng” (Mc 6,50-51).
Vâng, hành trình “qua bờ bên kia” dù là đường sông, đường biển, đường bộ hay đường hàng không cũng đều là đường vất vả, chông gai, nhiều cam go, thử thách mà nhà truyền giáo luôn biết trước, vì được Đức Giêsu cảnh báo. Nhiều thử thách vì đến một nơi xa lạ; nhiều cam go, vì gặp những con người mới mà không hề biết phản ứng của họ ra sao; nhiều chông gai vì sứ mệnh không dễ dàng; nhiều vất vả vì những giới hạn của chính bản thân.
Nhưng với Đức Giêsu, Đấng sai đi, nhà truyền giáo sẽ không run sợ, dù có lúc hốt hoảng, hoang mang; sẽ không thoái lui, bỏ cuộc, dù đôi khi chán nản, thất vọng; sẽ không nao núng, gục ngã, vì biết “Thầy sẽ thức dậy và ngăm đe gió và truyền cho biển: Im đi! Câm đi!” (Mc 4,39), cũng như Thầy sẽ đi trên biển đến gặp, lên thuyền và gió im hơi lặng tiếng (x. Mc 6,48.51).  
Tóm lại, nhà truyền giáo không thể nuôi chủ trương xây dựng một Giáo Hội phòng thủ, vì Tin Mừng không là sở hữu để “thủ riêng”, kho tàng cất giấu, nhưng là hạt giống phải được hào sảng gieo vãi khắp nơi, Nước Trời không là sản nghiệp của một nhóm, một đoàn thể, nhưng là Hạnh Phúc Thiên Chúa ban cho hết mọi người, và Đức Giêsu không là “của riêng” ai, nhưng là Đấng Cứu Độ của toàn thể nhân loại.
Và chỉ một tinh thần “mở tung mọi cánh cửa ra bên ngoài cho thế giới”, thái độ “không sợ hãi đến với mọi người, nếp sống đạo “không phòng thủ đức tin như củng cố một pháo đài chiến đấu”, nhà truyền giáo mới thực sự truyền giáo, vì chỉ như thế, nhà truyền giáo mới dám “xuống thuyền qua bờ bên kia, để Tin Mừng đến được với muôn dân, và Đức Giêsu trở nên “Tấm Bánh được bẻ ra” cho mọi người “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Jorathe Nắng Tím