Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2019

BÌNH AN CHO NHAU !

Tin Mừng Gioan (20,19-29), và Luca (24,36) ghi lại rất rõ lời chúc Bình An của Đức Giêsu Phục Sinh, khi Ngài hiện ra với các môn đệ sau khi sống lại. 
Như quà tặng quý giá của tình yêu sau khi tự hiến làm của lễ chuộc tội mọi người trên thánh giá, Đức Giêsu âu yếm trao ban Bình An của Ngài cho các môn đệ và những người Ngài gặp: bình an của Thiên Chúa giầu lòng thương xót ban tặng những con người tội lỗi được xót thương.
Khi ban bình an cho con người, Đức Giêsu muốn nói cho con người biết : không gì quý hơn ơn Bình An của Thiên Chúa, không giá trị nào lớn hơn Bình An của Đấng Cứu Độ đã hiến mình làm của lễ giao hoà để Thiên Chúa được vinh danh và nhân loại được an bình. 
Vì thế, tiếng hát của các thiên thần trong đêm Giáng Sinh : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2,14) là lời hứa của Thiên Chúa cho con người được yêu thương và cứu độ đã được thực hiện bởi cuộc tử nạn và sự sống lại của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người.
Vì thế, ơn Bình An phục sinh là ơn vô cùng nhiệm lạ, vô cùng quý giá, vô cùng cao cả mà con người nhận được từ Thiên Chúa, bởi Bình An này thuộc về Thiên Chúa, bình an mà thế gian không ban được, như Đức Giêsu đã khẳng định với các tông đồ (x. Ga 14,27).
Và nếu là ơn Bình An của chính Chúa thì quả thực Thiên Đàng đã “chớm nở ngay dưới thế”, và “tháng năm hoan lạc trôi từ đây”, như lời của bài thánh ca “Giêsu khoan nhân” của linh mục nhạc sĩ Tiến Dũng.
Nhưng một thực tế không “hoan lạc” như thiên đàng vẫn hằng ngày làm thế giới đảo lộn, làm lòng người đảo điên vì đủ thứ làm thế giới bất an, đủ chuyện làm lòng người bất ổn. Chiến tranh lan tràn, đe dọa khắp nơi, bất hoà thống trị từ trong tâm hồn ra ngoài gia đình, xã hội. Đó là cảnh thực của nhân loại hôm nay, và nhiều người nghi ngờ ơn bình an của Thiên Chúa. 
Người ta nghi ngờ tính chân thực của ơn bình an ; nghi ngờ tính hữu hiệu của ơn bình an ; nghi ngờ tính khả tín của Lời Hứa “Thầy để lại Bình An của Thầy cho chúng con” (Ga 14,27).
Đúng vậy, người ta sẽ nghi ngờ khi không biết : Thiên Chúa không hoạt động khi thiếu sự cộng tác của con người ; không cứu độ con người khi con người từ chối ơn cứu độ ; không quyết đoán, quyết định số phận đời đời của một người nào, nếu người ấy không tự nguyện hợp tác.
Người ta sẽ mãi mãi nghi ngờ ơn bình an của Đức Giêsu phục sinh, nếu quên một điều rất quan trọng, đó là Thiên Chúa không ban ơn bình an cách máy móc tự động, nhưng đòi tâm hồn phải được chuẩn bị như thửa ruộng đã được cầy xới để đón nhận hạt giống. Tin Mừng đã kể lại dụ ngôn “Người gieo giống” như sau : “Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều ; nó mọc ngay vì đất không sâu ; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi vào đất tốt, nên sinh hoa kết quả ...” (Mt 13,3-8).
Như thế, điều kiện để nhận ơn Bình An của Đức Giêsu Phục Sinh chính là phải có tâm hồn bình an, như đất tốt cho hạt nẩy mầm, sinh hoa kết trái, nên người không yêu mến và đi tìm bình an sẽ không bao giờ đón nhận được ơn an bình của Thiên Chúa.
Một cách cụ thể để chúng ta dễ nhận ra đòi hỏi của Thiên Chúa, đó là trong thánh lễ, ngay sau khi chủ tế nhân danh Đức Giêsu ban Bình An của Chúa cho cộng đoàn, thì lập tức chính chủ tế hoặc thầy phó tế kêu gọi cộng đoàn : “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”.
“Hãy chúc bình an cho nhau” là hãy có ý nghĩ tốt đẹp về người khác, bởi khi nghĩ xấu về anh chị em mình, nhất thiết chúng ta ở trong tình trạng không bình an và đang gieo mầm ganh ghét, bất hoà.
“Hãy chúc bình an cho nhau” là không nói xấu, thêm bớt vào sự thật khách quan của một người hoặc một sự việc những thành kiến, định kiến mang tính ích kỷ, bất công, bởi chỉ trào ra ngoài sự gian ác qua cửa miệng, khi tâm hồn đã tràn đầy gian ác, mà gian ác luôn là nguyên nhân của hỗn loạn, bất an.
“Hãy chúc bình an cho nhau” là kềm chế với ý chí và ơn Chúa tất cả việc làm gây đau khổ cho người chung quanh, từ cái nhìn hằn học, khinh bỉ, đến thái độ khiêu khích, bạo hành, tấn công, bởi tâm hồn yêu mến và tìm kiếm bình an chính là tâm hồn hiền lành và khiêm nhường.
“Hãy chúc bình an cho nhau” là thực tâm muốn trao ban không chỉ ơn bình an vừa nhận được từ Chúa, mà còn trao tặng anh chị em chính bình an của tâm hồn minh, bình an do mình khao khát tìm kiếm và từng ngày nhọc nhằn, tận tụy gieo trồng, vun xới.
“Hãy chúc bình an cho nhau” là quảng đại cho đi chính bình an mình đang có, quả cảm xoá “cái tôi” đang yên ổn, an nhàn để trở nên của lễ hy sinh hiệp cùng lễ tế Thánh Giá của Đức Giêsu cho tâm hồn người anh em, cho gia đình người quen biết, cho tất cả mọi người được ơn an bình.
Quả thực, ơn bình an của Đức Giêsu chỉ ở lại với ai có tâm hồn khao khát bình an, tìm kiếm bình an như Đức Giêsu đã công bố trong Hiến Chương Nước Trời : “Phúc cho ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 9). Và những tâm hồn yêu chuông hoà bình mà Tin Mừng tuyên dương trong danh sách “những người được Cha Ta chúc phúc” (Mt 25,34) đã phải chiến đấu rất nhiều và gian khổ với chính mình để không rơi vào cạm bẫy của Satan, chuyên viên gây chia rẽ, bất hoà, sành sõi tạo rối loạn, bất an, và tinh khôn trong mưu đồ khơi dậy, châm ngòi lòng ganh ghét, tỵ hiềm, đố kị. 

Những cạm bẫy thường được Satan xử dụng là:
1.            Làm cho có chuyện khi chuyện không có:
Muốn gây bất an cho ai, cho cộng đoàn nào, ma quỷ chỉ cần dựng thành chuyện một câu chuyện không hề có. Thế là mọi người hoang mang, ngờ vực, xét đoán nhau bừa bãi; cả nhà hốt hoảng, lo âu ; nhiều người mất ăn mất ngủ vì thanh danh bị bôi nhọ, sự nghiệp bị lung lay, đời tư bị thô bạo đào bới, hạnh phúc gia đình bị trầm trọng đe dọa. Và không ai được bình an.
2.   Làm cho to chuyện khi chuyện chỉ là chuyên nhỏ cỏn con:
Người làm chuyện lớn biết làm nhỏ lại, hẹp lại, đơn giản lại một chuyện phức tạp, mà càng làm lan rộng càng đem lại hậu quả tiêu cực, bất lợi cho tất cả. Hoàn toàn khác với người làm chuyện lớn là người chỉ thích làm lớn chuyện, dù chuyện chỉ nhỏ như con kiến.
Họ là người luôn cố tình trầm trọng một vấn đề không quan trọng, làm cho rắc rối, nhiêu khê một sự việc vốn rất đơn giản, không có gì phải ầm ĩ. Và khi làm to một chuyện nhỏ, người thích làm lớn chuyện đồng thời cũng làm cho chuyện dễ trở thành khó, đơn sơ biến thành phức tạp, nhẹ nhõm trở nên nặng nề. Những người này làm nhiều người mất bình an, cộng đoàn hoảng loạn, xã hội rối ren, không chỉ vì tâm hồn thiếu bình an do không đủ quảng đại, bao dung, mà còn do tình trạng tâm lý bất ổn, bối rối vì không tự tin và không tín nhiệm người khác vì thiếu bản lãnh của họ. 

3. Phá hoại bình an như phương tiện thống trị, hoặc bất tuân phục :
Các nhà độc tài thường không cho dân được bình an, để dễ thống trị. Theo họ, khi dân được bình an là lúc dân có nhiều điều kiện và cơ hội đòi hỏi, yêu sách, nổi loạn, nên tốt hơn là liên tục tạo tình trạng bất ổn, bấp bênh để dân dồn hết tâm trí, và nỗ lực cho an toàn cá nhân, mà quên hoặc không còn khả thể nghĩ đến những chuyện khác .
Tất nhiên không chỉ các nhà độc tài ở tầm vóc quốc gia, nhưng mỗi người chúng ta cũng bị khuynh hướng thống trị đốc thúc và đôi khi cũng bị đẩy đến bờ ranh của thủ đoạn phá hoại bình an của người khác, của cộng đoàn để thủ lợi. 
Và không chỉ người có quyền biết dùng thủ đoạn phá hoại bình an của thuộc cấp để dễ sai bảo, cai trị, nhưng người dưới quyền cũng bị cám dỗ “quậy cho tanh bành” để phá người trên, khi gây ra tình trạng bất ổn, bất hoà, bất an do tinh thần bất tuân phục thúc đẩy.
Để kết luận, chúng ta có thể khẳng định : điều kiện thứ nhất để ơn bình an của Đức Giêsu phục sinh đến và cư ngụ trong cuộc đời mỗi người là tâm hồn mỗi người phải sẵn sàng đón nhận ơn bình an ấy bằng cố gắng sống an bình.
 Sống an bình khi loại bỏ khỏi tư tưởng, lời bói, việc làm tất cả những gì phá hoại bình an của mình và của người khác.
Tiếp đến là tự nguyện trở thành khí cụ bình an của Thiên Chúa, bằng biến mình thành những cánh tay nối dài của Thiên Chúa để chuyển ban ơn bình an của Đức
Giêsu phục sinh đến mọi người, như trong thánh lễ, chúng ta trao ban bình an của Đức Giêsu phục sinh cho nhau khi thân thiện cúi đầu chào nhau, hay thân ái bắt tay nhau với tâm tình và lời chúc “Bình An” của Đức Giêsu chúng ta vừa đón nhận.
Ước gì bình an của Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn mỗi người để gia đình, cộng đoàn, quê hương, thế giới được thoát cảnh ganh ghét, bạo lực, chết chóc nhưng được bình an trong trái tim của Đấng đã chết và sống lại để mọi người được hạnh phúc trong Bình An của Ngài.
Jorathe Nắng Tím