Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2020

“ĐÂY LÀ CHIÊN THIÊN CHÚA”


Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 2, Thường Niên, Năm A
Tin Mừng hôm nay trình thuật cảnh Gioan Tẩy Giả giới thiệu và làm chứng những gì đã thấy ở Đức Giêsu :
Hôm sau thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói : “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”… Ông Gioan còn làm chứng : “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống, và ngự trên Người” (Ga 1,29.32).  
Lời giới thiệu và lời chứng này được vang lên ngay ngưỡng cửa từ Cựu Ước bước vào Tân Ước, và Gioan đã mang vinh dự làm người giới thiệu và chứng nhân quan trọng ở giao điểm này.
Như chúng ta biết, trong Cựu Ước, chiên Vượt Qua là con chiên mà dân Do Thái đã hiến tế và ăn trước khi trốn khỏi Ai Cập, riêng máu của Chiên đã được bôi lên cửa để làm dấu, như Đức Chúa đã căn dặn : Đêm ấy, tức đêm trốn khỏi đất Ai cập, “Ta sẽ rảo khắp đất Ai Cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai Cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai Cập : vì Ta là Đức Chúa. Còn vết máu chiên trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng họa trên đất Ai Cập” (Xh 12,12-13).
Chiên Vượt Qua của Cựu Ước chính là Chiên giải phóng, Chiên cứu độ, Chiên chịu hiến tế để gánh hết tội người khác, mà ngôn sứ Isaia đã so sánh với người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa Giavê : “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca ; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu… Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt…” (Is 53,7-8).
Điều quan trọng ở đây là Gioan Tẩy Giả đã không giới thiệu Đức Giêsu là ai khác ngoài “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”, và danh hiệu “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội” được Gioan coi như danh hiệu chính xác nhất với Đức Giêsu, cao qúy nhất và xứng hợp nhất với sứ mệnh Cứu Thế của Ngài.
Gioan đã giới thiệu vì đã nhận ra ở Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ loài người ; Gioan đã xác tín lời giới thiệu quan trọng này, vì đã thấy Đức Giêsu là Đấng đến từ Thiên Chúa để chuộc tội con người, hầu hoà giải con người với Thiên Chúa.
Khi giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, hình ảnh Chiên chịu hiến tế trong Cựu Ước, hình ảnh máu Chiên cứu dân khỏi tai ương trong đêm ra khỏi đất Ai Cập, Gioan đã nhận ra và mời gọi chúng ta cùng ngài tin nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ nhân loại ở “Hài Nhi bọc tã, nằm trong máng cỏ”, ở một Giêsu ẩn dật tại Nadarét, ở một Giêsu dong duổi trên đường đời, ở một Giêsu gần gũi, giữa những người đau ốm, tật nguyền, yếu đuối, tội lỗi, bị qủy ám.
Giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, Gioan một lần nữa nhắc nhở chúng ta : Đức Giêsu, Đấng cứu chúng ta khỏi tội và khỏi chết đang mời gọi chúng ta đi theo Ngài đến tận chân Thánh Giá trên Núi Sọ.
Jorathe Nắng Tím  

ƯỚC NGUYỆN ĐẦU NĂM CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

Tết đến, Xuân về khi giây phút Giao Thừa vừa điểm là lúc muôn lòng chung một lời nguyện ước, trăm triệu trái tim chung một lời cầu : nguyện ước năm mới tốt lành, may mắn, bình an, thịnh vượng hơn năm cũ ; cầu cho mình và thân nhân, ân nhân năm mới hồn an xác mạnh, buôn may bán đắt, gia đình hạnh phúc, công ăn việc làm hạnh thông, thăng tiến. Và giây phút nguyện cầu đầu xuân ấy luôn làm cho tâm hồn mỗi người như được chìm sâu trong thăm thẳm thiêng liêng, và hoà quyện vào mầu nhiệm của thời gian, cũng như được thoả thích bơi lội trong đại dương sự sống  kỳ diệu của toàn thể nhân loại, vũ trụ. 
Qủa thế, không mấy người bỏ qua giây phút Giao Thừa luôn được nghênh đón với tất cả trang trọng và dạt dào cảm xúc. Trang trọng vì là giây phút quan trọng của “bước chân thời gian” vượt qua từ năm cũ sang năm mới. Bước thời gian này mang nhiều ý nghiã, giá trị hơn các phút giây, ngày tháng khác trong năm, nên phải được long trọng  nghênh đón, bởi càng trân qúy giây phút  thiêng liêng của năm mới bao nhiêu, người ta càng thận trọng, chu đáo, để không chuyệch chọac, sai sót khi đón Năm Mới  bấy nhiêu, và Giao Thừa đã luôn được chào đón hoàn hảo hết sức có thể, để nhận được nhiều phúc lộc, an lành, may mắn cho năm mới từ Chúa Xuân.
Như thế, tuy không ai nói với ai, không ai bảo ai, cũng không ai lên tiếng công khai khẳng định, nhưng mọi người đều hiểu : có Chúa Xuân làm chủ mùa xuân ; có Chúa Xuân cai quản tuần hoàn của thời gian, khi cho năm mới tiếp nối năm cũ qua giao điểm thời gian là Giao Thừa ; có Chúa Xuân nắm giữ kho phúc lộc của năm mới và có quyền trao ban cho người mà Chúa Xuân muốn.
Vì thế người ta mới tha thiết cầu xin Chúa Xuân ban cho năm mới bình an; mới khẩn khoản nài xin Chúa Xuân cho năm mới may lành ; mới  mơ ước số phận của năm mới được Chúa Xuân thay đổi cho bớt hẩm hiu, tiêu điều, thê lương ; mới chúc nhau những điều tốt đẹp cho năm mới, vì tin tưởng ở quyền năng của một vị nào đó là Chúa Tể  mùa Xuân, là Đấng tạo nên mùa Xuân, và làm chủ mọi thăng trầm của Năm Mới.
Riêng với người Kitô hữu, những người mang Đức Kitô trong cuộc đời, ngoài tâm thức về giá trị của Giao Thừa, ngoài cảm nhận về ý nghiã  của năm mới, ngoài ước nguyện như bao nhiêu người đang rộn ràng, náo nức, bồn chồn, bồi hồi, thấp thỏm đón Năm Mới, với hy vọng năm mới sẽ được đổi đời, năm mới sẽ mới hơn, năm mới sẽ bỏ lại sau lưng những gì là xui xẻo, tồi tệ, xấu xa, sầu buồn, đau khổ và thay bằng những may mắn, tốt đẹp, sung sướng, hoan lạc, bình an, họ còn một việc quan trọng phải làm, một chọn lựa lớn phải quyết, một định hướng sinh tử phải xác định, đó là ước nguyện và lời cầu xin “được thuộc về Đức Giêsu”.
Bởi sẽ không còn là “người có Đức Kitô”, như danh hiệu Kitô hữu đòi hỏi, nếu lịch sử của những con người này không thuộc về Đức Kitô ; bởi sẽ không thể quan niệm một người Kitô hữu lại không có Đức Kitô cùng đi trên hành trình thời gian của năm mới ; bởi sẽ rất khó hiểu, nếu người đi Đạo của Đức Kitô lại không đi trên con đường của Đức Kitô đã vạch ra cho những ai mang danh hiệu “có Đức Kitô trong cuộc đời” ; bởi sẽ không còn ý nghiã “Kitô hữu”, nếu có những khoảnh khắc thời gian trong cuộc đời, hoặc cả thời gian cuộc đời, người “mang tên Đức  Kitô” lại bỏ quên Đức Kitô, và không đồng hành với Ngài.
Không đồng hành với Đức Giêsu khi quên xác tín điều quan trọng nhất ở giây phút Giao Thừa, mốc chốt thời gian của năm mới, là ước nguyện được thuộc về Ngài, là lời cầu xin được thuộc về Chúa trong suốt năm mới. Không bước đi với Đức Giêsu như bước đi phải có của người Kitô hữu, khi lầm tưởng Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người không phải là Thiên Chúa của thời gian, Thiên Chúa của muà Xuân, Thiên Chúa của năm cũ và năm mới, cũng như Thiên Chúa  đời đời của muôn ngàn năm cho đến tận thế, bởi “Đức Giêsu hôm qua, hôm nay, ngày mai và mãi mãi muôn đời vẫn là Đức Giêsu”.
Thực vậy, quên ước nguyện “thuộc về Đức Giêsu” khi Giao Thừa vừa điểm, người Kitô hữu sẽ phụ lòng Thiên Chúa Ba Ngôi khi quên lời Chúa Cha nói với mỗi người như đã nói với Đức Giêsu : “Đây là con yêu dấu của Ta” (Mt 3,17), cũng như Chúa Thánh Thần đã đổ ơn của Ngài trên Đức Giêsu và cho người Kitô hữu sau này, khi “đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên” Đức Giêsu khi Ngài chịu phép rửa (x. Mt 3,16).
Không cầu xin “thuộc về Đức Giêsu” ở giây phút giao niên, người Kitô hữu sẽ coi thường những lời chúc phúc của Đức Giêsu, và quên rằng chỉ có Lời Chúc Phúc của Thiên Chúa mới ban cho con người hạnh phúc đích thực, bởi ngoài Thiên Chúa, ai có thể cho người nghèo khó, kẻ hiền lành Nước Trời, ai có thể an ủi người sầu khổ, ai có thể thương xót và cứu chữa người “sa cơ, thất thế », cần được xót thương, ai có thể ban phần thưởng lớn lao cho người bị vu khống đủ điều xấu xa, và bị sỉ vả, bách hại ? (x. Mt 5,3-12).
Không nài xin “thuộc về Đức Giêsu” trước thềm năm mới, người Kitô hữu phủ nhận : Thiên Chúa là Cha ngự trên trời, và sứ mệnh của con cái trên trái đất này là làm cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,9-10).
Không ước mơ “thuộc về Đức Giêsu”, người Kitô hữu hoàn toàn từ chối tin tưởng vào Chúa quan phòng, Đấng cho lương thực hằng ngày, Đấng tha mọi tội lỗi, Đấng gìn giữ  khỏi chước cám dỗ, và mọi sự dữ, Đấng biết con người thiếu gì, cần gì và ban cho, vì Ngài là Cha nhân hậu, luôn ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Ngài (x. Mt 6, 11-13 ;  6,25-33 ; 7,7-11).      
Không chúc nhau “thuộc về Đức Giêsu” trong năm mới, những người mang danh Kitô hữu không còn nồng nàn với lời tuyên xưng của Phêrô : “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16), cũng như không còn tin nhận Đức Giêsu là lẽ sống, như các tông đồ ngày xưa đã cùng Phêrô qủa quyết : “Lậy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai ? Chỉ một mình Thầy có Lời ban sự sống. Phần chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68- 69). 
Không khát khao “thuộc về Đức Giêsu” suốt năm mới, người Kitô hữu gián tiếp phủ nhận lời Đức Giêsu nói với cô Mácta trước khi cho Ladarô, em trai cô đã chết bốn ngày được sống lại : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).
Không chọn lời chúc đẹp nhất ngày đầu năm là lời chúc “trọn vẹn thuộc về Đức Giêsu”, người Kitô hữu sẽ không “toàn tâm toàn ý” hướng về mục đích sau cùng của đời mình là Thiên Chúa, không định hướng hành trình cuộc đời mình là Nước trời, không xác tín điều kiện để nhận được vinh dự là “những người được Thiên Chúa chúc phúc, và được thừa hưởng Vương Quốc đã được Thiên Chúa dọn sẵn từ thuở tạo thiên lập địa” (x. Mt 25, 31-40).
Vâng, là người Kitô hữu, chúng ta không thể chạy đến bất cứ một con người nào, một thần thánh nào, một quyền lực nào, một sức mạnh nào, ngoài Đức Giêsu, “Thiên Chúa làm người” để bảo đảm  hạnh phúc của năm mới, để bảo đảm sự bình an trên dòng đời tương lai, để bảo đảm an toàn cho thời gian đang đến, bởi chỉ một mình Thiên Chúa của Đức Giêsu mới là Thiên Chúa làm chủ thời gian, để không giờ nào, ngày nào, tháng nào mà không thuộc quyền Ngài, không phút giây nào ở ngoài quyền cai qủan của Ngài, nên sẽ chẳng có giờ xấu, ngày xấu, tháng xấu, năm xấu, nhưng tất cả đều tốt đẹp khi quy hướng về một mình Ngài.
Chúng ta cũng không chạy đến được ai, ngoài Đức Giêsu, Đấng mà chúng ta thuộc về, để được Bình An trong năm mới, bởi chỉ một mình Đức Giêsu mới là Bình An của Thiên Chúa, mới có Bình An đích thực để “hoá giải” tội lỗi và sự dữ, hầu “hoà giải” chúng ta với Thiên Chúa và với nhau. Thuộc về Đức Giêsu, chúng ta sẽ chẳng phải lo lắng gì dù sự dữ buả vây, nguy hiểm rình rập, yếu đuối, tội lỗi chực chờ ở cửa, vì Ngài là Chiên Thiên Chúa gánh tội và xoá tội trần gian ; là Đấng Cứu Độ để giải thoát khỏi sự dữ và sự chết ; là Cha nhân hậu luôn yêu thương, che chở, chiều chuộng con cái mình, nên năm mới chắc chắn sẽ tràn đầy hoan lạc, chan chứa niềm vui,  an hoà, thịnh vượng, dù không thiếu thử thách, khó khăn, cạm bẫy, thách đố, kể cả sai phạm, yếu đuối, tội lụy, bởi đời sống là bức tranh tuyệt đẹp được dệt nên bởi đủ chất liệu, mầu sắc, miễn là được thêu dệt, tô vẽ dưới mắt Thiên Chúa, và trhuộc về Thiên Chúa, bởi “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8, 28).
Như thế, khi thuộc về Đức Giêsu, người Kitô hữu không nghi ngờ  ngày mai, không lo lắng tương lai, không do dự  khi cùng dòng  thời gian bước vào Năm Mới, nhất là không hoài nghi, ngờ vực lòng tốt của Thiên Chúa khi được sống thêm một tuổi, được cùng Ngài và nhân loại bước vào Năm Mới.
Ý thức “thuộc về Đức Giêsu” là ơn cao trọng, hồng ân lớn lao hơn bất cứ may mắn, thành qủa, phúc lộc nào khác, chúng ta nhận ra đời mình được Thiên Chúa bao phủ, hướng dẫn, độ trì, để bất cứ sự kiện, biến cố thành bại, hên xui, tốt xấu, vui buồn, sướng khổ nào xẩy ra trên dòng đời cũng nằm trong chương trình cứu độ chúng ta và nhân loại của Thiên Chúa. Và như thế, năm nào cũng là năm của Chúa, năm có Chúa đồng hành, năm được Chúa chở che, năm được Chúa thương xót, năm được sống trong Chúa, và trong năm mới nếu phải chết cũng sẽ là năm được chết với Chúa để được sống lại muôn năm với Ngài.
Đầu năm, người viết xin mến chúc qúy Bạn  được “thuộc về Đức Giêsu”, để không ai, không sự gì “có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô” (Rm 8,35), nhưng “trong mọi thử thách, chúng ta được toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,37), và được Bình An trong Đấng là “Đường, Sự Thật, và Sự Sống” (Ga 14,6) đã hứa ban Bình An của Thiên Chúa cho những ai “thành tâm thiện chí” muốn thuộc về Ngài (x. Ga 14,27, Lc 2,14 ).      
Jorathe Nắng Tím          
      Xuân 2020