Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2020

COVID-19 và GIỮ ĐẠO

Chưa bao giờ một vi khuẩn bé tí teo, mới cuối năm ngoái còn “vô danh tiểu tốt” bỗng trở thành mối đe dọa toàn cầu, khi làm mọi người hoảng loạn, hoang mang, do sức công phá kinh khủng nhanh chóng và tàn bạo.  
Sức công phá vũ bão không những đang làm rối loạn, điên đảo toàn bộ sinh hoạt  của con người trong các lãnh vực sức khỏe, giáo dục, chính trị, kinh tế, xã hội… mà còn làm đảo lộn sinh hoạt tâm linh, hoạt động thờ phượng của các tôn giáo trên khắp địa cầu.
Vì lệnh cấm tập trung, hội họp do sợ bị lây nhiễm, các nhà thờ bị đóng cửa, thánh lễ không được cử hành cho cộng đoàn, các lớp giáo lý tạm ngưng, nhiều giáo phận cho phép xưng tội tập thể, và ngay tại Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng thay đổi hầu như toàn bộ sinh hoạt mục vụ của Ngài, và chấp hành những biện pháp ngăn chặn virút đại dịch được chính quyền Ý ban bố.
Đứng trước sức xâm lấn ngạo mạn, ngang ngược của Covid-19, và những biện pháp mục vụ được đưa ra bởi các đấng bản quyền, không ít người tín hữu đã có những cảm nghĩ  trái chiều.
Có người cho rằng những biện pháp như đóng cửa nhà thờ, hạn chế sinh hoạt tông đồ giáo dân, ngưng các lớp giáo lý, chỉ cho phép rước lễ bằng tay… là những hành động biểu lộ một đức tin yếu kém, một tinh thần nhu nhược chạy theo chỉ đạo, hướng dẫn của thế gian, thế quyền, mà không biết lợi dụng cơ hội khó khăn, thử thách của dịch bệnh để làm chứng đức tin, sống tinh thần qủa cảm, anh dũng, bất khuất của tiền nhân Tử Đạo.
Có người cho rằng chính lúc này, hơn bao giờ hết, Giáo Hội phải chứng tỏ là Giáo Hội của Đức Kitô, Giáo Hội có Chúa Kitô, một Giáo Hội vượt trên tất cả đe dọa, dù đe dọa đó đến từ đâu, và điều phải làm là kiên cường sống chết, liều lĩnh hi sinh với những gì Giáo Hội đang là, đang có, mà không cần phải thay đổi, thích nghi cho phù hợp. Hơn nữa, những kiểu cách “chạy theo xu hướng thế tục”, răm rắp tuân hành chỉ thị của thế quyền sẽ chỉ làm giảm thiểu lòng tin của người tín hữu vào ơn phù trợ của Thiên Chúa.
Thực ra, không chỉ ở Việt Nam, mà ngay giữa thánh đô Rôma, sau khi lệnh đóng cửa các nhà thờ trong toàn giáo phận Rôma của Đức Giám Qủan Rôma, cũng có những phản ứng tương tự, không chỉ từ thành phần tín hữu, mà còn từ một vị hồng y có thế giá. Ở Pháp cũng không tránh được tình trạng này, khi một giám mục giáo phận lên tiếng không đồng ý với việc đóng cửa nhà thờ, hạn chế các sinh hoạt phụng vụ của các giáo phận khác.
Đứng trước đại dịch và những quyết định của các đấng bản quyền, người viết, với tư cách một tín hữu xin được chia sẻ với Bạn một vài suy tư:
1.   Giáo Hội là Mẹ luôn che chở, bảo vệ sự sống của con mình:
Nếu nhìn Giáo Hội là một cơ chế cứng cỏi, một cơ cấu hành chánh chặt chẽ, một pháo đài giáo lý mang tính phòng thủ, chiến đấu, chúng ta sẽ không thể hiểu được ý nghĩa cũng như giá trị của những quyết định mục vụ trước những đe dọa chính sự sống của giáo dân do Covid-19 mang lại.
Khi quyết định đóng cửa nhà thờ, ngưng các sinh hoạt phụng vụ, Giáo Hội hành xử như người mẹ yêu thương con, bằng tình mẫu tử bao la, và với quyền bảo vệ bằng bất cứ giá nào sự sống của đàn con, vì chỉ một mình mẹ là người đã cho các con sự sống.
Khi quyết tâm bảo vệ sự sống của đoàn chiên, Giáo Hội xác tín: Thiên Chúa là Sự Sống, là Thiên Chúa hằng sống, là Đấng ban sự sống cho muôn loài, nên sự sống là món qùa qúy báu con người nhận được từ Thiên Chúa. Vì lẽ đó, Thiên Chúa luôn trân trọng và gìn giữ sự sống mà người đã ban cho nhân loại.
Khi chọn Ápraham làm tổ phụ dân riêng, Thiên Chúa đã ban cho ông Isaác, con trai duy nhất khi ông và vợ ông đã luống tuổi (x. St 17,15-19), để ông biết: Thiên Chúa từ nay ông tôn thờ là Thiên Chúa của sự sống, Thiên Chúa ban sự sống. Ngài còn đi xa hơn, khi cho thiên sứ đến ngăn tay ông, không để  ông  làm tổn thương sự sống của con trai Isaác, khi ông vâng lời đem Isaác lên núi, giết đi làm của lễ tế Giavê Thiên Chúa, như tập tục tế sống con người cho các thần trong các tôn giáo ngẫu thần thời đó (x. St 22). Một lần nữa, Thiên Chúa mặc khải cho ông và dân riêng: Ngài không muốn của lễ dâng Ngài là mạng sống con người, vì sự sống con người là điều qúy giá trước mặt Ngài, bởi do chính Ngài đã trao ban.   
Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu cũng đã khẳng định: Ngài không để kẻ trộm, người chăn chiên thuê hay sói rừng hãm hại hay lấy đi mạng sống của chiên Ngài, nhưng cứng rắn qủa quyết : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành, Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11).
Chúa chiên nhân lành là Đức Giêsu không giống như “kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy” (Ga 10,10), hay như “người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán lọan” (Ga 10,12). Nhưng Ngài “tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18), để “cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10,10).
Như thế, mục đích hy sinh của Mục Tử nhân lành là chiên của ông được sống và sống dồi dào. Dồi dào đây là được no nê, ấm áp, được yêu thương, cưng chiều, được hạnh phúc, bình an.
Hình ảnh Mục Tử nhân lành là Giáo Hội với các Đấng Bản Quyền với quyền yêu thương, chăn giắt. Sở dĩ là quyền yêu thương chăn giắt, vì chăn giắt không yêu thương sẽ không là mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước, nhưng sẽ chỉ được gọi là kẻ chăn thuê, hay tên ăn trộm.  
Do đó, quyết định của Mục Tử trước những nguy hiểm đe doạ sự sống của đoàn chiên, như đại dịch Covid 19 đang đe doạ tính mạng của mọi người phải được hiểu là quyết định xuất phát từ tình yêu mục tử đối với đoàn chiên, từ bổn phận bảo vệ đoàn chiên khỏi nguy cơ bị giết hại, và chúng ta hãy tín thác vâng phục thi hành, với lòng yêu mến, biết ơn.
2.   Phải thận trọng phân định giá trị của Lề Luật và giá trị của Con Người :
Khi bực bội, khó chịu trước những quyết định đóng cửa nhà thờ, hạn chế thời gian cử hành phụng vụ, hoặc các biện pháp khác nhằm tránh lây nhiễm và bảo vệ tính mạng cho cộng đoàn, chúng ta vô tình rơi vào tinh thần vị luật của các luật sĩ qúa khích và Pharisêu cực đoan bảo thủ ngày xưa đã phản bác, bắt bẻ Đức Giêsu khi Ngài chữa người bị bệnh bại tay trong ngày sabát là ngày cấm làm việc theo luật Môsê (x. Lc 6,6-10 ; Mc 3,1-6)   
Trả lời họ, Đức Giêsu khẳng định: ưu tiên luôn dành cho con người, cho sự sống và hạnh phúc của con người. Cũng như khi các môn đệ bứt lúa để  ăn vì đói, khi băng qua một cánh đồng trong ngày sabát, Ngài đã lên tiếng bênh vực các ông trước lời khiển trách nặng nề của những người Pharisêu vị luật: con người có giá hơn Lề Luật, bởi “ngày sabát  được tạo ra cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabát. (Mc 2,27).
Thực vậy, hạnh phúc của con người đang sống là điều lành, việc tốt con người phải làm cho nhau, và được đặt thành ưu tiên, bởi đó chính là vinh danh đích thực  của Thiên Chúa (x. Mt 12,9-14 ; Lc 6,6-10); đồng thời là đòi hỏi của Giới Luật mới Yêu Thương.  
     Nay Covid-19 ập tới, đe dọa tính mạng của con người, thì luật đi lễ ngày Chúa Nhật, cũng như nề nếp sinh hoạt phụng vụ, tất cả đều có thể được thay đổi, đình chỉ, tạm ngưng, vì lợi ích chung của đoàn chiên. Và điều này không được hiểu như hành vi bất tuân lệnh Thiên Chúa, hay vi phạm giới luật của Ngài.
Thái độ bất mãn với giáo quyền trong việc đình chỉ sinh hoạt phụng tự cũng nói lên tinh thần gắn bó sai lệch của chúng ta vào những nghi thức bên ngoài, mang nặng tính phô trương, biểu dương lực lượng, để rồi đức tin bị “điều kiện hoá” bởi những hình thức không luôn cần thiết, mà không ăn rễ sâu, nhờ đời sống nội tâm cầu nguyện, và thực hiện Đức Ái, trong khi cầu nguyện thì không bị lệ thuộc bất cứ hoàn cảnh nào, và Đức Ái thì không thế lực, chướng ngại, sức mạnh nào có thể hạn chế, ngăn chặn.
3.   “Thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật”.
Đức Giêsu, bên bờ giếng Giacóp đã chẳng nói với người phụ nữ Samari: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hoặc tại Giêrusalem… Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những người thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,21-26).
Nói như thế không có nghiã chúng ta phủ nhận Giáo Hội hữu hình, chối từ giáo phận, phủ nhận giáo xứ, nhà thờ, và rút lui vào “cái tôi”, co cụm, một mình khép kín với thần khí và sự thật.
Hoàn toàn không, vì Giáo Hội là một gia đình, một cộng đồng yêu thương, đoàn lữ hành đang cùng bước đi, nên Gắn Bó, Hiệp Thông với Đầu là Đức Giêsu và với nhau là những chi thể của Thân Thể mầu nhiệm là đòi hỏi tiên quyết.
Là người Kitô hữu trong Giáo Hội, chúng ta không lên thiên đàng cô đơn, cô độc, lủi thủi một mình, nhưng lên với nhau, cùng nhau lên, cùng nhau về Nước Trời, cùng nhau thực hiện hành trình về Nước Thiên Chúa, dưới sự lãnh đạo của Đức Giêsu, Mục Tử và sự cộng tác của các Đấng Bậc được Thiên Chúa tuyển chọn để quản trị, chăm nom, dẫn giắt đoàn chiên được trao phó.  
Do đó, Hiệp Thông là yếu tính của Giáo Hội, Hiệp Nhất là đòi hỏi của người Kitô hữu, nên trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, người tín hữu phải gắn bó, hiệp nhất, hiệp thông với tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội, vì đức tin của Giáo Hội là hiệp nhất, hiệp thông.
Chính vì có hiệp nhất trong Giáo Hội mà chúng ta mới thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật được, cũng không phải lệ thuộc vào một đền thánh, đền thờ hữu hình ở một nơi chốn nào. Chính nhờ đức tin hiệp thông của Giáo Hội, mà chúng ta được hoàn toàn dự phần, được trọn vẹn tham dự vào sức sống và tình yêu của Giáo Hội, là Hiền Thê yêu dấu của Đức Giêsu, trong những hoàn cảnh không thể  đến nhà thờ, không thể sinh hoạt phụng tự, không thể cử hành  thánh lễ…
Vâng, Covid-19 đặt chúng ta, những người Kitô hữu vào một hoàn cảnh mà phần đông chưa bao giờ thấy. Ở vào hoàn cảnh đặc biệt này, chúng ta cần hiểu biết chính xác ý nghiã và giá trị đức tin của các quyết định từ các đấng bản quyền, để không ai, không thế lực thần dữ nào có thể lợi dụng tình thế hầu làm suy yếu ở chúng ta đức tin, và lòng tin tưởng, tín nhiệm ở Mẹ Hội Thánh.
Bởi trong những thời khắc khủng hoảng, thời điểm tinh thần dễ bị chao đảo, lung lay, ma qủy nhất định sẽ không bỏ qua cơ hội đánh phá Đức Ái giữa đoàn chiên và Mục Tử trong Giáo Hội, bằng khủng bố tinh thần Hiệp Nhất, và triệt hạ tinh thần Hiệp Thông bằng dấy lên ngọn lửa kiêu căng, bất tuân phục.  
Hiệp cùng Hội Thánh Việt Nam và toàn cầu, chúng ta xin Chúa cứu thế giới khỏi đại dịch Covid-19 nguy hiểm, và  ban bình an cho tất cả mọi người trên thế giới.
Lời cầu nguyện chân thành ấy chắc chắn sẽ đẹp lòng Chúa gấp bội, nếu chúng ta cùng nhau cầu nguyện trong tinh thần hiệp thông với Giáo Hội và tinh thần Vâng Phục của đoàn chiên biết và lắng nghe tiếng Mục Tử của mình, những mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước: biết rõ chiên mình, gọi tên từng con, “mang vào mình mùi chiên”, và sẵn sàng hi sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,15).
  Jorathe Nắng Tím

MÙA CHAY TRUYỀN GIÁO (9)


                                           Suy Niệm 9 : KHỦNG HOẢNG
Thiên Chúa gọi ai là muốn họ đi theo Ngài cả cuộc đời, nên không có Ơn Gọi hợp đồng, Sứ Mạng thời vụ, như hợp đồng lao động ba tháng, một năm hay khế ước thời vụ sáu tháng, vài tuần của công nhân trong các xí nghiệp. Nhưng gọi ai, chọn ai, sai ai, Ngài giữ người ấy ở lại và đi với Ngài đến cùng, không bao giờ sa thải, đuổi việc, bỏ rơi họ, như Lời Hứa với các môn đệ : “Thầy ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Nhưng có Chúa ở cùng và đồng hành cho đến tận thế không có nghiã nhà truyền giáo không còn vất vả, cực nhọc, chịu đủ điều vu khống bất công, và nhận về mình mọi thua thiệt. Bằng chứng là có Đức Giêsu trên thuyền, mà “cuồng phong vẫn nổi lên, sóng lớn vẫn ập vào, đến nỗi thuyền đầy nước” (Mc 4,37) như sắp chìm làm các môn đệ lo sợ, hốt hoảng kêu cứu : “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi…” (Mc 4,38).
Có Chúa ở cùng mọi nơi, mọi lúc không đồng nghiã với tránh được mọi đe dọa, cạm bẫy hiểm nguy của thế gian, ma qủy, vì Đức Giêsu đã khẳng định : “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước…. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15, 18.20).
Có Đức Giêsu hiện diện không có nghiã khổ đau lánh mặt, thử thách trốn đi, vì chính Đức Giêsu đã qủa quyết con đường dành cho những ai muốn đi theo Ngài là con đường Từ Bỏ: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,38). Ngài còn đề nghị những ai đi theo Ngài : “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).
Vì thế mà đời truyền giáo không mấy khi “sóng yên biển lặng”, và nhà truyền giáo nhiều lúc rơi vào bế tắc : “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, khi nhiều biến cố không ngờ, nhiều sự việc ngoài ước tính, nhiều tình huống éo le, nhiều hoàn cảnh khó xử, nhiều vấn đề chưa từng nghe bất ngờ xẩy đến tạo nên tình trạng khủng hoảng ở nhà truyền giáo.
Khủng hoảng như Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu, khi “cảm thấy hãi hùng, xao xuyến” và “buồn đến chết được” (Mc 14,33-34) trong tột cùng của cô đơn và lo sợ trước con đường Thánh Giá sắp phải vượt qua ; khủng hoảng như Con Thiên Chúa rướn mình nức nở giờ hấp hối trên Thánh Giá : “Lậy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?” (Mc 15,35), trong “thinh lặng lãng quên” của Cha mình.
Môn đệ không hơn Thầy, “tôi tớ không hơn ch ” (Ga 15,20), nên nhà truyền giáo cũng trải qua những cơn khủng hoảng đức tin trong đời người môn đệ trước những vấn đề nhiêu khê của chính Giáo Hội, những thiếu sót của anh em, và những yếu đuối của chính mình; nhà truyền giáo cũng phải “ba chìm, bẩy nổi, chín lênh đênh” giữa biển đời, vì sóng gió “dữ tợn” không ngừng nổi dậy từ mọi phía của nhiều thế lực đối kháng.
Khủng hoảng như Nhóm Mười Hai những ngày Đức Giêsu lên Giêrusalem để chịu nạn và chịu chết. Các ông đã rơi vào tình trạng khủng hoảng dữ dội, kinh hoàng, vì chỉ trong mấy ngày, Đức Giêsu và nhóm môn đệ các ông đã đi từ vinh quang của ngày vào thành thánh được dân chúng đón rước long trọng đến thảm cảnh đường Thánh Giá, và bản án tử hình : đóng đinh ô nhục trên đỉnh đồi Gôngôtha như một phạm nhân trọng tội.
Chính vì khủng hoảng mà Phêrô đã ngã lòng chối Thầy, Giuđa đã rơi vào tuyệt vọng đi thắt cổ, các môn đệ khác, trừ Gioan đã “ba chân bốn cẳng” trốn chạy tự lo thân. Cũng vì khủng hoảng mà hai môn đệ đã rời Giêrusalem, ở đó vừa xẩy ra “chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá” (Lc 24,19-20). Và chuyện này là một sụp đổ “toàn tập”, một thất bại toàn phần, một tính toán sai lầm không thể cứu vãn đã đưa các ông vào cơn lốc khủng hoảng toàn diện, ở đó niềm hy vọng coi như tắt lịm như các ông thú nhận : “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ítraen”, nhưng nay thì hoàn toàn thất vọng vì “đến nay là ngày thứ ba rồi” (Lc 24, 21), mà chưa thấy gì … sáng sủa.
Cũng chính vì khủng hoảng do những biến cố qúa bất ngờ, dồn dập và khủng khiếp, mà các môn đệ sợ người Do Thái, nên “đóng kín cửa” khi Đức Giêsu phục sinh hiện đến, và Tôma trở nên cứng lòng không tin anh em đã gặp Thầy (x. Lc 20,19-29).
Thực vậy, người môn đệ trên đường truyền giáo sẽ không tránh được khủng hoảng đủ loại, đủ kích cỡ, đủ mức độ : có những khủng hoảng từ bản thân, khủng hoảng do cộng đoàn, khủng hoảng từ bề trên, khủng hoảng từ Giáo Hội, khủng hoảng do người khác. Và vì khủng hoảng, nhà truyền giáo dễ rơi vào những tâm trạng : xao xuyến - nghi nan, lo âu - hoảng sợ, bất mãn - phản loạn.  
Xao xuyến - nghi nan khi thấy khoảng cách qúa xa giữa lý tưởng và thực tế ; cách biệt qúa lớn giữa những gì đã học, đã nghe và những gì đã thấy, đã trải nghiệm. Đứng trước thử thách nặng nề và khủng hoảng qúa lớn, nhà truyền giáo có thể nghi nan chính mình, nghi nan chọn lựa dấn thân của mình, nghi nan ơn gọi, sứ vụ của mình, nghi nan đức tin của mình, nghi nan tình huynh đệ của anh em với mình, nghi nan tổ chức, cơ chế của Giáo Hội, nghi nan luôn cả Lời Hứa của Thiên Chúa, và vì nghi nan nên bất an, xao xuyến.
Từ bất an, xao xuyến đến lo âu, hoảng sợ, con đường không dài, và nhà truyền giáo bị lạc vào tình trạng mất phương hướng, vì mất điểm tựa, mất nhiệt huyết vì mất niềm tin, mất thăng bằng vì không còn quân bình tự nhiên cũng như siêu nhiên. Thảm trạng lo âu, hoảng sợ ở nhà truyền giáo làm đời sống của các vị trở nên héo úa, tàn tạ, không còn sức sống để truyền lửa cho ai, không còn hy vọng để chuyển ban ánh sáng tình yêu cho người nào, và người bất hạnh thứ nhất, nhiều nhất chính là nhà truyền giáo, vì tự cho mình là người đã mất tất cả, khi bỏ tất cả đi theo Chúa.
Sau cùng là tình trạng bất mãn, phản lọan được coi như hậu qủa có thể phát sinh từ những cơn chấn động khủng hoảng trầm trọng, khi nhà truyền giáo tự coi mình là nạn nhân của một hệ thống sai lầm, của một “chọn lựa” ngây thơ bị người khác khéo léo dụ dỗ, đẩy đưa. Nhà truyền giáo sẽ rơi vào tình trạng này khi nghi nan, xao xuyến, lo âu, hoảng sợ trong tâm hồn không kịp được be bờ, hóa giải, giảm bớt độ căng thẳng, bởi khi bị dồn vào đường cùng mà không đường thoát thân, bị đẩy lên cao chót vót mà không còn đường xuống, người ta phải thoát ra bằng “đường máu” là phản loạn vì bất mãn.
Thực vậy, nhà truyền giáo vì cho đi tất cả, cho đi cả cuộc đời, tính mạng, nên rất nhậy cảm với những gì bất công đối với mình, nhậy cảm trước những ai bất trung, bất tín với mình, nhất là nhậy cảm với những người bất cần và vô ơn với mình. Chỉ một o ép bất công của bề trên, chỉ một việc làm “đâm sau lưng, đánh lén” của đồng nghiệp, chỉ một thái độ “vắt chanh bỏ vỏ” của bề trên, bề ngang hay bề dưới cũng đủ làm tâm hồn vốn đa cảm, nhậy bén của nhà truyền giáo se thắt đọan trường.
Đó là lý do nhiều nhà truyền giáo đã ngã gục trước những phản bội, chơi xấu của anh em ; đã bỏ cuộc khi bị đối xử không tử tế ; đã nản chí nản lòng khi việc làm của mình không được nhìn nhận, bởi nhà truyền giáo không đủ “lì lợm” như “đám côn đồ anh chị”, không “cố đấm ăn xôi” như đám con buôn trục lợi bằng mọi giá, dù có phải “luồn trôn” thiên hạ, chỉ vì tâm hồn nhà truyền giáo thanh cao, và nhà truyền giáo luôn biết tự trọng.
Trường hợp môn đệ Giuđa tuyệt vọng đi thắt cổ cũng được xếp vào tình trạng bất mãn, phản loạn này, khi đám thượng tế và kỳ mục “vắt chanh bỏ vỏ” đã từ chối nhận lại ba mươi đồng bạc mà họ đã trả cho ông theo “hợp đồng phản bội, chỉ điểm” bắt Đức Giêsu, khi trả lời ông : “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh !” mặc dù ông đã hết lời năn nỉ họ : “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan” (Mt 27,4-5).
Như thế, khủng hoảng có thể được coi như cơm bữa của nhà truyền giáo trên đường truyền giáo, vì hơn ai hết, nhà truyền giáo có nhiều tương quan, và càng nhiều tương quan càng nhiều khả thể làm phát sinh khủng hoảng, càng nhiều liên đới càng dễ rơi vào phức tạp, nhiêu khê, bởi hễ có “hoạt” thì có “động”, có “động” mới “va chạm”, và có “chạm” mới thấy “đau”, mà có nhà truyền giáo nào đã được sai đi để nằm lì hưởng thụ, an dưỡng?
Vâng, Đức Giêsu đã không nhận lời xin của Phêrô trên núi Tabor, sau khi ông thấy Ngài biến hình sáng láng : “Lậy Ngài, chúng con ở đây thật hay ! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” (Mt 17,4), nhưng Ngài đã muốn Thầy trò cùng xuống núi tiếp tục “con đường đời thường” nhiều thách đố, chông gai, cạm bẫy ; cũng như trước khi chia tay các môn đệ, Ngài đã cầu nguyện với Chúa Cha cho các ông: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần”, mặc dù “Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian” (Ga 17,15-16).
Tuy không lấy các môn đệ ra khỏi thế gian, nhưng Đức Giêsu luôn có mặt, và đồng hành với các ông trên đường truyền giáo để nhắc nhở các ông phải chuyên chăm lắng nghe Lời  Chúa và chuyên cần cử hành Thánh Thể để vượt qua mọi khủng hoảng, như đã dậy hai môn đệ đang khủng hoảng nặng nề trên đường từ Giêrusalem về  Emmau, sau biến cố tử nạn kinh hoàng, khủng khiếp của Ngài, vì chỉ có Lời Chúa và Mình Máu Chúa mới ban lại ơn Bình An phục sinh cho “tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề”, mới có sức cho “tâm hồn được nghỉ ngơi bồi dưỡng”, bởi chỉ Lời Chúa, Mình Máu Chúa là chính Chúa mới làm cho ách đau thương trên đường loan báo Tin Mừng của chúng ta trở nên êm ái, và gánh nặng  rao giảng Nước Thiên Chúa cho muôn dân trở nên nhẹ nhàng (Mt 11,28-30).
Jorathe Nắng Tím