Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018

KẺ TỐ CÁO (Chương IV)


Chương IV : TIN  ĐỒN,  MÔT  HÌNH THÁI CỦA XÉT ĐOÁN
    
   Tin đồn hay tiếng đồn xuất phát từ chữ Rumor, tiếng latinh, có nghiã là tiếng động rân ran, chạy khắp xa gần.Trước thế kỷ 18, người Âu châu không quan tâm đến tính khả tín của tin đồn, vì cho rằng nội dung tin đồn thường thay đổi: một tin đồn thực có thể biến thành tin đồn giả và ngược lại. Nhưng về sau, mãnh lực lan rộng và công phá của tin đồn ngày càng khủng khiếp, nhờ sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật truyền thông.Và tin đồn hầu như đã nắm giữ vai trò đáng kể hướng dẫn dư luận và thông tin đại chúng.

    Qủa thực, không mấy người trong chúng ta đã không có kinh nghiệm về tin đồn. Có những tin đồn nghe rất thích thú vì có lợi, nhưng cũng có những tin đồn nghe mà luống cuống, sợ hãi, thất kinh vì ảnh hưởng xấu đến thanh danh, gia đình, sự nghiệp. Tin đồn không có hộ khẩu, vì không ai biết tin đồn xuất phát từ đâu. Tin đồn  không có căn cước, lý lịch, vì không ai công khai  nhận mình là tác giả đã khai sinh ra tin đồn. Nhờ tính nặc danh, vô thừa nhận, vô gia cư, mà tin đồn dễ dàng lan tỏa, nhanh chóng lây nhiễm, phong phú chi tiết, công phá dữ dội. Nhờ tính "không pháp nhân", tin đồn được triệt để xử dụng để tung hỏa mù, thăm dò, xuyên tạc, đe dọa, tạo rối rắm, hoang mang, trấn áp tinh thần đối phương. Nhờ tính vô trách nhiệm, tin đồn tha hồ chống phá, thoải mái  xâm phạm, tự do làm tổn thương ngườI khác, mà không một quyền lực nào có thể xử lý.

      Tin đồn còn là chất liệu cho xét đoán, đồng thời là hành vi xét đoán, vì trong  mọi tin đồn đều đã gói sẵn một chọn lựa, một thái độ, một phán đoán, nếu không, tin đồn sẽ không còn là tin đồn, nhưng sẽ là tin thật, tin chính xác thông tin một cách khách quan về một sự việc, con người nào đó. Tin đồn ở cùng đơn vị với tin thất thiệt, nhưng ở sát tin sét đánh, tin động trời, vì hấu hết mục tiêu của tin đồn là gây chấn động toàn cầu để đánh gục, đốn hạ đối phương, hơn là xây dựng, bênh đỡ. Do đó, người ta cũng xếp những thư nặc danh, những tờ rơi tố cáo, vu khống, mạ lỵ người khác mà không ghi tên tác giả vào danh sách "những con tương cận" của tin đồn.      
     Hậu qủa của tin đồn thì vô cùng rộng lớn và tai hại, trong khi phần đông đều  đánh giá thấp tin đồn. Chưa kể với những lý luận bình dân, thô thiển như : Không có lửa làm sao có khói, đám đông đã bị tin đồn làm chao đảo và  đồng tình cvô điều kiện với những gì tin đồn đã dọn sẵn, như người lười  suy tư, làm biếng truy tìm luôn thụ động nghe theo vào những gì người khác tuyên truyền, nhồi sọ. Tin đồn thường có chủ đích làm mất uy tín, mất niềm tin, mất tình liên đới, nên gây xáo trộn, nghi ngờ, dè dặt, chia rẽ, cô lập, phủ nhận, loại trừ. 
    
     Để hiểu rõ bản chất của tin đồn hơn, ngườI viết đề nghị bạn đọc quan sát kết qủa nghiên cứu của một số nhà tâm lý Mỹ, đứng đầu là nhà tâm lý James Brandt năm 1947 về hiện tượng tin đồn :
 Nếu tin đồn được tung ra với 100 chi tiết, thì khi trở về người thứ nhất,  tin đồn sẽ chỉ còn 36. 
 
Sau một tuần, khi nhận lại tin đồn do mình tung ra, ngườI ta nhận thấy tin đồn đã được bổ xung, cắt xén, cường điệu hoặc giảm thiểu trong khoảng  từ 35 đến 42% so với tin đồn nguyên thủy. 
76%  chuyển tải tin đồn cho người chung quanh
39% khai thác, tận dụng tin đồn cho lợi ích cá nhân hoặc phe nhóm.
86% không quan tâm tìm hiểu nguồn gốc tin đồn.
79% đồng tình với tin đồn vì ích kỷ
90% thích ngóng tin đồn và 44% biến nội dung tin đồn thành sở hữu để tiện dùng khi cần thiết.
Hầu hết tin đồn đều mang nội dung tiêu cực và không mang lại hy vọng.
39% tin đồn nhằm tấn công bí mật cá nhân, gia đình, cấp lãnh đạo
17% tin đồn chĩa mũi súng vào xí nghiệp, tổ chức, cộng đồng.
5 % tin đồn có chủ đích thăm dò dư luận
39% tin đồn có ý tạo hoang mang, rối loạn, bất mãn.
17% tin đồn kéo dài trên sáu tháng.
80% kéo dài dưới hai tháng.
70% tác giả tin đồn là cá nhân.
20% tin đồn phát xuất từ một tập thể
  Nhìn vào kết qủa nghiên cứu, ta thấy:
Mức độ trung thực, đáng tin của tin đồn rất mong manh:
   Rất mong manh, vì ai cũng có thể là đồng tác giả của tin đồn, và có quyền thay hình đổi dạng tin đồn, nên tính xác thực của tin đồn không được đảm bảo. Tại sao  nói không được đảm bảo, mà không nói: tính xác thực của tin đồn không có. Thưa vì đôi khi tin đồn lại xẩy ra đúng, làm cho tin đồn trở thành tin xác thực và chính điều này làm cho tin đồn được nhiều người ngóng nghe và mãi được tồn tại trong xã hội loài người. Vì thế, cơn cám dỗ của tin đồn xem ra vẫn có khả thể trở thành cơn cám dỗ sau cùng của con người.
Liên quan đến tin đồn là số đông:

  Tuy miệng thì nói tin đồn không đáng tin, nhưng phần đông lại bị tin đồn ảnh hưởng. Thống kê cho thấy những người liên quan đến tin đồn, từ người tung ra tin đồn đến những người nghe ngóng, quan tâm, bóp méo, thêm thắt, đồng tình, tin tưởng, tận dụng, đầu tư tin đồn luôn chiếm đa số. Điều này nói lên ảnh hưởng không nhỏ của tin đồn trong sinh hoạt xã hội, đồng thời sức lan toả rộng rãi của tin đồn trong đời sống.

    Phần đông không kiểm chứng, truy tìm nguồn gốc của tin đồn :
    Không kiểm chứng do không thể kiểm chứng, vì tin đồn tự nó là vô gia cư, vô thừa nhận, nên rất khó truy tìm nguồn gốc, lý lịch và thẩm tra tính xác thực.Không kiểm chứng cũng vì lười biếng và a dua theo lời bàn, phán xét của đám đông, dư luận ; nhất là do tính ganh ghét sẵn có, và chủ trương "Mackeno = mặc kệ nó" tiềm tàng trong con người vốn ích kỷ hơn vị tha.

       Thực ra nguy hiểm của tin đồn không ở nội dung tin đồn, cho bằng ở tình trạng bị cuốn theo tin đồn và không kiểm chứng, truy tìm nguồn gốc và tính xác thực của tin đồn nơi những người đón nhận nó. Vì tin đồn tự nó là những đồn đãi vô tội vạ, những đồn thổi không  căn cứ, nền tảng, những đồn đoán không đếm xỉa gì đến hậu qủa tai hại sẽ gây ra, và hầu hết đều mang tính tiêu cực, nên tin đồn không thể được coi như những  thông tin đáng tin cậy, cao qúy, đáng trân trọng. Cái khó là người ta luôn có khuynh hướng nghe theo tin đồn và vội vàng kết án đối tượng bị tin đồn ỡ phong thần ữ. Không ít người đã là nạn nhân vô phúc của tin đồn, khi bị cấp trên, bề trên phê bình, xét đoán, xử phạt dựa theo nội dung của thư nặc danh, tin đồn, thư tố cáo dài hàng chục trang nhưng không ký tên người viết.

    Tin đồn không tha ai, nể nang ai :
    Tin đồn là một hình thức nặc danh được dùng để hạ đối thủ. Đó là phương cách hèn hạ mà  tiểu nhân thường dùng. Nó cũng  được gọi là ném đá dấu tay, khi mượn tin đồn, thư ngỏ không ký tên, thư nặc danh phỏng đoán hồ đồ, tưởng tượng ngây ngô để khích bác, châm chích, lăng mạ, vu khống, bôi bác người khác. Nó nhắm đủ đối tượng, từ chuyện riêng tư cá nhân, gia cảnh đến chuyện công ty, cộng đoàn, việc chung khu phố. Tất đều nằm trong tầm ngắm của tin đồn, và mọi người, mọi việc đều có thể bị nó tung hê, té tát, lột trần.

     Vì thế, chúng ta dễ bị sa lưới của tin đồn khi háo hức, nôn nao nghe ngóng, bình luận, thêm bớt, mà không hề nghĩ  có thể một ngày nào đó, chính mình sẽ bị đưa lên bàn mổ của tin đồn.
Tin đồn luôn là thủ đoạn và mưu mô của cá nhân hay tập thể tung tin đồn.

    Người ta không rảnh tung tin đồn, viết thư nặc danh, hay phát tán tờ rơi xuyên tạc, bôi bác cá nhân, tổ chức nào đó mà không tìm cho mình một mối lợi lớn. Chỉ cần suy nghĩ điều này, ta đã có thể nhận ra  cái tồi tệ của các phương tiện được dùng vào công tác tạo tin đồn. Tin đồn, vì thế, không thể mang tính nhân văn, tích cực, xây dựng, nhưng hầu như chỉ đáp ứng bản năng thấp hèn là kèn cựa, ganh ghét của con người. Rất ít tin đồn mang tính thăm dò (5%), nhưng hầu hết đều là mũi nhọn tấn công, đốn hạ.

   Tóm lại, tin đồn là tư tưởng sai lạc, nhận định sai lầm, quyết đoán sai trái về một người,  một tập thể, một việc mà mình không biết, hoặc không biết đủ, không biết rõ, không biết tường tận. Điều đáng trách và đáng loại trừ ở tin đồn là những sai lầm, sai lạc, sai trái ấy lại được quảng bá cho mọi người, tung lên thành cao trào quần chúng để tìm sự đồng tình, đồng loã, đồng phạm của đám đông.
      
    Vì thế, chủ trương cho tin đồn là một trò chơi vô thưởng vô phạt, không quan trọng và không ảnh hưởng nhiều là suy nghĩ ngây thơ và lạc quan qúa đáng ; bởi tin đồn trong thực tế đã làm cuống cuồng,  điên loạn, đảo lộn không biết bao nhiêu người, bao nhiêu  cộng đoàn xã hội. Tin đồn tuy như không tay không chân, nhưng điều khiển, hướng dẫn, can thiệp không ít vào những nhận định, quyết định của những người có quyền.Tin đồn xem ra không gươm không súng, nhưng  làm tổn thương không ít những người vô tội. 

   Tin đồn xem như rất hồn nhiên, khách quan, nhưng là tai ương, hiểm hoạ cho rất nhiều người không may lọt vào tim bão của nó. Vấn đề ở đây là làm thế nào để tin đồn không thống trị, lèo lái, điều khiển được  tim óc của ta và trong mọi chọn lựa, tin đồn không là nguồn thông tin, dữ liệu, cơ sở, chứng cứ, lý do được tận dụng để buộc tội người vô tội, lên án người vô can,  dập vùi người yếu đuối. Không kiên định lập trường trước tin đồn, người ta sẽ sập bẫy tin đồn một cách dễ dàng và một cách vô thức, tin đồn sẽ vô tình được đón nhận như  chủ nhân quyết định mọi nhận xét, phán đoán liên quan.
      
     Không ít những người thiện chí, có khả năng phục vụ xã hội đã phải chùn bước, bó tay, vì tin đồn vây hãm, chống phá. Không thiếu những công trình đành dở dang vì bão tố tin đồn và cuộc sống ngày càng bị đe dọa bởi những tin đồn từ thất thiệt đến thất kinh làm thất bát bao nhiêu cố gắng của cộng đồng xã hội. Thời đại thông tin mạng với nhiều thuận lợi và tiện nghi thay vì giúp con người xích lại gần nhau để cảm thông nhau hơn, đã trở thành phương tiện phục vụ những ý muốn thấp hèn của những người chỉ say mê chụp mũ, tố cáo người khác. Cứ thử lướt mạng một vài giờ, bạn sẽ thấy điều tôi chia sẻ là đúng, và điều chúng ta cần mơ ước lúc này, chính là một làn khí  trong lành, không bị tin đồn làm ô nhiễm, cho tâm hồn sảng khoái và bình an. 
Quý độc giả vui lòng đọc chương kế tiếp

IV CHÚNG TA KHÓ NHẬN RA THIÊN CHÚA QUA HÌNH HÀI CON NGƯỜI YẾU ĐUỐI




Kiếp người và đời làm người vốn nhiêu khê, phức tạp, có khi còn thê lương, khốn khổ đối với những  phận đời không may mắn. Trong thử thách, sóng gió, quẫn bách của cuộc đời, khi không còn biết bám víu vào ai, cậy dựa nơi nào thì người ta thường chạy đến Đấng thiêng liêng, với hy vọng được cứu chữa, giải thoát.


Vì thế, trong tâm thức tôn giáo, thiên chúa, thượng đế, đấng chí tôn phải là đấng toàn năng, có quyền trên tất cả, làm được mọi sự, giải quyết được mọi nhu cầu của con người. Và tín đồ của bất cứ tôn giáo nào cũng có cùng một điểm chung là khó chấp nhận thiên chúa của mình yếu hơn thiên chúa của người khác, thượng đế của đạo mình đuối hơn thượng đế của giáo phái láng giềng, đấng mình tôn thờ, cầu khẩn  thấp cơ hơn đấng trên bàn thờ của nhà hàng xóm. Đã xẩy ra nhiểu  cuộc chiến tranh tôn giáo ác liệt, đẫm máu trong lịch sử nhân loại, mà nguyên nhân là sự so sánh hơn thua, cao thấp giữa thiên chúa của  đạo này với đấng chí tôn của đạo kia.

Thế mà Thiên Chúa của Kitô giáo lại là một Thiên Chúa rất yếu đuối khi  nhập thế, nhập thể làm người yếu đuối. Duới hình hài em bé lúc sinh ta, rồi tội nhân chịu đóng đinh  chết tức tưởi, Đức Giêsu -Thiên Chúa của chúng ta, Thiên Chúa mà Phêrô đã tuyên xưng  (Mc 8,27-29), Thiên Chúa mà từ các tông đồ đến chúng ta và tiếp nối mãi đến tận thế không ngừng được rao giảng, làm chứng rất khó được nhận ra. Khó nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa vì :

1. Sự khôn ngoan của con người khác sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong yếu đuối của Đức Giêsu

Dựa vào khôn ngoan của con người, cũng như luận lý của nhân loại thì Đức Giêsu không thể là Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa gì mà yếu qúa, nghèo qúa, bé nhỏ qúa, bất lực qúa, bình thường quá, đơn sơ đến không ngờ, giản dị đến không thể tưởng :
Không nhỏ là gì khi sinh ra làm em bé, nên chẳng ai biết mà đến thờ lậy, ngoài ba đạo sĩ từ phương xa được ngôi sao lạ dẫn đường (Mt 2,1-1-12) và đám chăn cừu nghèo được thiên thần báo tin. (Lc 2,1-20). Không yếu là gì khi phải chạy trốn Hêrôđê  làm người "tỵ nạn chính trị" bên Ai Cập (Mt 2,13-18). Không  bình thường là gì khi ẩn dật ba mươi năm ở thôn nghèo Nadarét với cha mẹ sống nghề đóng ghế, đóng bàn (Mt 2,19-23). Không lang bạt như người không nhà cửa là gì khi dong duổi đó đây cùng một nhóm môn đệ loan báo Tin Mừng. Không lang bang là gì khi gần gũi, thân mật với đám dân nghèo, người tội lỗi, kẻ tật bệnh bị đời khinh chê, nguyền rủa, xa lánh, cô lập (Mt 9,11). Không thất bại là gì khi bị môn đệ Giuđa đem bán, Phêrô chối bỏ. Không nhục nhằn là gì khi một mình vác thập giá, bị đóng đinh trần truồng. Không hết thời là gì khi khát cháy cổ mà không ai cho uống, không  mất số, mất cửa mà đến cha mình còn thinh lặng bỏ rơi (Mt 27).

Thật không còn con người nào yếu đuối hơn con người của Đức Giêsu, không thân phận người nào hẩm hiu hơn thân phận người của Đức Giêsu, không cuộc đời nào trôi nổi, long đong, bấp bênh hơn cuộc đời làm người của Đức Giêsu. Ba mươi ba năm đâu phải  nhiều, so với tuổi đời của bao người khác, nhưng vất vả, cơ cực, cay đắng, phũ phàng, tệ bạc đời Đức Giêsu thì chồng chất gấp nhiều lần  đời người khác.
        
Chính vì thế, không mấy ngưới đã nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa. vì Thiên Chúa đã chọn yếu đuối để làm người, chọn thập giá để cứu độ. Chọn lựa của Thiên Chúa thật sốc với con người, bởi nếu có quyền chọn, con người sẽ không chọn yếu đuối cho thiên chúa của mình ; nếu được quyền góp ý, con người sẽ ngăn cản thiên chúa của mình cứu độ bằng khổ hình, tử nạn; nếu được quyền tư vấn, con người sẽ khuyên  thiên chúa của mình chọn trực thăng, xa lộ, xe Lexus, Mercedes để đến với nhân loại, thay vì  lết từng bước nặng nề trên đường thánh giá ; nếu được quyền đề nghị, con người đã đề nghị thiên chúa của mình sai đoàn quân thiên thần từ trời "xử đẹp" đám Biệt Phái, Luật Sĩ và tất cả những người Do Thái đã âm mưu, tiếp tay giết thiên chúa của mình ; nếu có quyền biểu quyết, toàn thể người có đạo chắc chắn sẽ giơ tay, la ó chống lại chương trình cứu độ bê bết máu, nước mắt, và mồ hôi của Đức Giêsu ; nếu có quyền bỏ phiếu, đại đa số cử tri "đạo gốc, đạo giòng" sẽ bỏ phiếu trắng không ủng hộ phương án "dùng thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ" ; nếu có quyền lên tiếng, không ít người trong chúng ta sẽ xin Đức Giêsu nên suy nghĩ lại, và thay đổi đường lối cứu thế, như Phêrô đã ngỏ lời can ngăn ; nếu có quyền thay đổi tình thế, chắc chắn chúng ta sẽ lập trình đời làm người của thiên chúa chúng ta cách rất huy hoàng, hoành tráng làm lé mắt thiên hạ, làm mê mẩn người ngoại đạo, làm cạch mặt tín đồ các tôn giáo khác.

Con người  đương thời với Đức Giêsu cũng đã can ngăn, chống đối một Thiên Chúa  yếu đuối, thua cuộc, như Phêrô đã can ngăn, và như đám đông đã chống đối ; cũng đã lên tiếng  kiến nghị không đồng tính với đường lối "yếu đuối" của Đức Giêsu khi thấy Ngài hiền lành, khiêm nhường, nhẹ nhàng với người tội lỗi, và hay chạnh lòng  trước yếu đuối, khổ đau của những người bé nhỏ, bị bỏ rơi.  Những người đương thời này cũng đã thẳng thừng bác bỏ đường lối cứu thế  của Đức Giêsu, vì  Thiên Chúa của Ngài đã không  theo mẫu mã, "đơn đặt hàng" của họ, cũng không đi theo quy trình, ước tính, nhu cầu, đòi hỏi  của tôn giáo, dân tộc họ. Sự yếu đuối của Đức Giêsu vì thế đã trở nên "cớ vấp phạm cho nhiều người" như ông già đạo đức Simêon đã tiên báo về Ngài (Lc 2,34).

Thánh Phaolô đã đối đầu với nhiều người khi rao giảng Đức Giêsu yếu đuối, chịu đóng đinh, và ngài cũng bị ném đá, đánh đòn, tù ngục vì làm người ta sốc nặng khi loan truyền Chúa chịu chết. Loan truyền Thiên Chúa chịu chết là một điều không thể tưởng tượng  đối với người không có đức tin, là một xỉ nhục, trò đuà đối với bậc khoa bảng, học thức, là ngón phù phép làm mê hoặc ngưởi nhẹ dạ. Đó là bản án cho đến hôm nay người ta vẫn dùng để công kích Đức Giêsu - Thiên Chúa làm người trong thân phận con người yếu đuối.
  
Một lần nữa, chúng ta không lạ gì khi nhiều người bị sốc vì mầu nhiệm thập giá, hay nói cách khác, nổi điên nổi khùng vì mầu nhiệm yếu đuối của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người.

Không chỉ những người chưa là Kitô hữu bị sốc, mà cả những người đã theo Đức Giêsu lâu năm, lâu đời cũng khó tránh được tình trạng thất thần này như hai môn đệ trên đường Emmau, hay như Tôma, người môn đệ từ giờ đầu đã đòi thọc  ngón tay vào dấu đinh, và bàn tay vào vết thương ở cạnh sườn Thầy mới tin Thầy mình là Thiên Chúa (Ga 20, 24-29). 
   
 Như thế, để nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa, chúng ta phải cởi bỏ cái nhìn nhân loại, luận lý nhân loại, khôn ngoan  nhân loại để đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Mầu nhiệm ấy là thánh ý Thiên Chúa muốn dùng chính yếu đuối của « con người yếu đuối » để cứu sống , giải thoát, làm cho con người trở nên mạnh mẽ trong ơn Ngài ; thánh ý ấy muốn mầu nhiệm Thiên Chúa  được mặc khải qua, và trong chính yếu đuối của con người, để con người không thể không tin rằng sức mạnh cứu độ, nguồn ơn cứu độ, hạnh phúc được sống đời đời mà con người nhận được là ở Thiên Chúa, do Thiên Chúa, từ Thiên Chúa, vì chỉ một mình Ngài mới nâng dậy được con người yếu đuối,  chỉ ơn Ngài mới vực dậy được những yếu đuối của phận người bằng Tình Yêu tuyệt đối, đời đời của Đấng là Tình Yêu đã tự nguyện trở nên yếu đuối giữa loài người yếu đuối.  

2.  Khó nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa vì Ngài tự đồng hoá mình với những người yếu đuối.
Trình thuật ngày chung thẩm trong Tin Mừng Mátthêu (Mt 25,31- 46) là một bức tranh  cực tả sự yếu đuối của Thiên Chúa trong Đức Giêsu, ở đó, Thiên Chúa đã xuống thấp tận cùng, và tự đồng hoá mình với những người hèn hạ nhất, tự nhận mình là người yếu đuối nhất : tù đầy, bệnh tật, đói khát, trần truồng, bị bạc đãi, khinh miệt, khai trừ…Thiên Chúa không còn giữ lại bất cứ một hình ảnh huy hoàng, tuyệt vời nào của Thiên Chúa, nhưng mang lấy hình hài của những con người xấu số, kém may mắn, thất bại. Tự chọn thân phận kém cỏi nhất, phận số hẩm hiu nhất, hoàn cảnh bê bết nhất, Đức Giêsu đã không dễ được người đời nhận ra, vì dung mạo, dáng dấp qúa tầm thường, qúa bết bát là những dung mạo, dáng dấp, hình hài không ai muốn nhận cho mình, cũng không muốn thân quen,  giao lưu, liên hệ, vì chẳng được ích gì, có chăng chỉ là phiền toái, rắc rối, thiệt thòi.

Đó là lý do cả những người lành và người dữ, những người được chúc phúc cũng như bị nguyền ruả đều đã không nhận ra Thiên Chúa trong người đói khát, trần truồng, tù đầy, bệnh hoạn khi còn sống. Cả hai bên trái, bên phải của Thiên Chúa đều thưa lại với Ngài : "Lậy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống ; có bao giờ thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước ; hoặc trần truồng mà cho mặc ? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù mà đến hỏi han đâu?" (Mt 25,37-39 ).
   
Không nhận ra Thiên Chúa vì ai biết được Thiên Chúa đã tự đồng hoá mình với đám nghèo hèn, "khố rách áo ôm", hết ngồi tù lại vào khám quanh năm ? Không nhận ra Thiên Chúa, vì ai dám tin Thiên Chúa "là" những người bệnh Siđa, ung thư, bại liệt, mất trí, què quặt, mù loà ? Không nhận ra Thiên Chúa, vì ai bảo Thiên Chúa "là" đám du thử du thực, không nhà cửa, quê quán, việc làm ? Không nhận ra Thiên Chúa, vì làm sao có thể tưởng tượng được : Thiên Chúa "là" người bán vé số bò lê bò càng trên đường vì tật nguyền, là em bé nhem nhuốc đang ngấu nghiến củ khoai, là người mẹ "ăn xin" ẵm con nhỏ dưới cái nắng cháy da cháy thịt của buổi trưa Sàigòn?
 
Không dễ nhìn, không dễ thấy, không dễ nhận diện, vì người nghèo có mấy ai dễ nhìn bởi có bao giờ được tươm tất sạch sẽ ?  Người tù có ai dễ thấy, vì tường nhà tù cao, cổng nhà tù kín. Người đói rét, trần truồng, đau bệnh có ai dễ được nhận diện, vì hình hài tiều tụy, kinh sợ, đâu còn tươi trẻ, xinh đẹp, khả ái, phương phi.

Đó là mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa trong Đức Giêsu, khi trở nên con người yếu đuối, bằng lột bỏ tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa của mình. Nhập thể không chỉ là hành vi xuống thế, mà còn là hành động tự lột bỏ, tự tháo gỡ, tự bôi xóa, tự làm cho mình nên trống rỗng, không còn gì. Chính mầu nhiệm này làm nên Kitô giáo, và cốt lõi của đạo công giáo là sống mầu nhiệm Thiên Chúa làm người trong tận cùng yếu đuối của con người, bằng hiện diện yêu thương, và phục vụ giữa những người bé nhỏ, yếu đuối nhất trong anh em. Thiên Chúa đã tự đồng hoá mình với những anh em bé nhỏ, yếu đuối, xấu số nhất, nên sẽ không còn không gian phân cách, lằn ranh phân ly, bảng hiệu phân biệt giữa Thiên Chúa và những con người yếu đuối, hèn mọn, bị bỏ rơi, bởi : "Mỗi lần các ngươi làm bất cứ việc gì cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25,40).

Tóm lại, yếu đuối là chọn lựa của Thiên Chúa, làm con người yếu đuối là phương án cứu thế, biến thân thành người yếu đuối là đường lối cứu độ. Đức Giêsu - Thiên Chúa làm người đã không hành xử như thông lệ cuộc đời, theo thói đời quen thuộc, nhưng vượt xa tầm hiểu biết, suy đoán của con người. Vì thế, con người chỉ có thể gặp được Thiên Chúa khi đi vào chính mầu nhiệm của Ngài, mầu nhiệm Thiên Chúa làm người yếu đuối giữa những con  người yếu đuối, tội lụy.
Quý độc giả vui lòng đọc chương kế tiếp!