Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018

KẺ TỐ CÁO (Chương IV)


Chương IV : TIN  ĐỒN,  MÔT  HÌNH THÁI CỦA XÉT ĐOÁN
    
   Tin đồn hay tiếng đồn xuất phát từ chữ Rumor, tiếng latinh, có nghiã là tiếng động rân ran, chạy khắp xa gần.Trước thế kỷ 18, người Âu châu không quan tâm đến tính khả tín của tin đồn, vì cho rằng nội dung tin đồn thường thay đổi: một tin đồn thực có thể biến thành tin đồn giả và ngược lại. Nhưng về sau, mãnh lực lan rộng và công phá của tin đồn ngày càng khủng khiếp, nhờ sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật truyền thông.Và tin đồn hầu như đã nắm giữ vai trò đáng kể hướng dẫn dư luận và thông tin đại chúng.

    Qủa thực, không mấy người trong chúng ta đã không có kinh nghiệm về tin đồn. Có những tin đồn nghe rất thích thú vì có lợi, nhưng cũng có những tin đồn nghe mà luống cuống, sợ hãi, thất kinh vì ảnh hưởng xấu đến thanh danh, gia đình, sự nghiệp. Tin đồn không có hộ khẩu, vì không ai biết tin đồn xuất phát từ đâu. Tin đồn  không có căn cước, lý lịch, vì không ai công khai  nhận mình là tác giả đã khai sinh ra tin đồn. Nhờ tính nặc danh, vô thừa nhận, vô gia cư, mà tin đồn dễ dàng lan tỏa, nhanh chóng lây nhiễm, phong phú chi tiết, công phá dữ dội. Nhờ tính "không pháp nhân", tin đồn được triệt để xử dụng để tung hỏa mù, thăm dò, xuyên tạc, đe dọa, tạo rối rắm, hoang mang, trấn áp tinh thần đối phương. Nhờ tính vô trách nhiệm, tin đồn tha hồ chống phá, thoải mái  xâm phạm, tự do làm tổn thương ngườI khác, mà không một quyền lực nào có thể xử lý.

      Tin đồn còn là chất liệu cho xét đoán, đồng thời là hành vi xét đoán, vì trong  mọi tin đồn đều đã gói sẵn một chọn lựa, một thái độ, một phán đoán, nếu không, tin đồn sẽ không còn là tin đồn, nhưng sẽ là tin thật, tin chính xác thông tin một cách khách quan về một sự việc, con người nào đó. Tin đồn ở cùng đơn vị với tin thất thiệt, nhưng ở sát tin sét đánh, tin động trời, vì hấu hết mục tiêu của tin đồn là gây chấn động toàn cầu để đánh gục, đốn hạ đối phương, hơn là xây dựng, bênh đỡ. Do đó, người ta cũng xếp những thư nặc danh, những tờ rơi tố cáo, vu khống, mạ lỵ người khác mà không ghi tên tác giả vào danh sách "những con tương cận" của tin đồn.      
     Hậu qủa của tin đồn thì vô cùng rộng lớn và tai hại, trong khi phần đông đều  đánh giá thấp tin đồn. Chưa kể với những lý luận bình dân, thô thiển như : Không có lửa làm sao có khói, đám đông đã bị tin đồn làm chao đảo và  đồng tình cvô điều kiện với những gì tin đồn đã dọn sẵn, như người lười  suy tư, làm biếng truy tìm luôn thụ động nghe theo vào những gì người khác tuyên truyền, nhồi sọ. Tin đồn thường có chủ đích làm mất uy tín, mất niềm tin, mất tình liên đới, nên gây xáo trộn, nghi ngờ, dè dặt, chia rẽ, cô lập, phủ nhận, loại trừ. 
    
     Để hiểu rõ bản chất của tin đồn hơn, ngườI viết đề nghị bạn đọc quan sát kết qủa nghiên cứu của một số nhà tâm lý Mỹ, đứng đầu là nhà tâm lý James Brandt năm 1947 về hiện tượng tin đồn :
 Nếu tin đồn được tung ra với 100 chi tiết, thì khi trở về người thứ nhất,  tin đồn sẽ chỉ còn 36. 
 
Sau một tuần, khi nhận lại tin đồn do mình tung ra, ngườI ta nhận thấy tin đồn đã được bổ xung, cắt xén, cường điệu hoặc giảm thiểu trong khoảng  từ 35 đến 42% so với tin đồn nguyên thủy. 
76%  chuyển tải tin đồn cho người chung quanh
39% khai thác, tận dụng tin đồn cho lợi ích cá nhân hoặc phe nhóm.
86% không quan tâm tìm hiểu nguồn gốc tin đồn.
79% đồng tình với tin đồn vì ích kỷ
90% thích ngóng tin đồn và 44% biến nội dung tin đồn thành sở hữu để tiện dùng khi cần thiết.
Hầu hết tin đồn đều mang nội dung tiêu cực và không mang lại hy vọng.
39% tin đồn nhằm tấn công bí mật cá nhân, gia đình, cấp lãnh đạo
17% tin đồn chĩa mũi súng vào xí nghiệp, tổ chức, cộng đồng.
5 % tin đồn có chủ đích thăm dò dư luận
39% tin đồn có ý tạo hoang mang, rối loạn, bất mãn.
17% tin đồn kéo dài trên sáu tháng.
80% kéo dài dưới hai tháng.
70% tác giả tin đồn là cá nhân.
20% tin đồn phát xuất từ một tập thể
  Nhìn vào kết qủa nghiên cứu, ta thấy:
Mức độ trung thực, đáng tin của tin đồn rất mong manh:
   Rất mong manh, vì ai cũng có thể là đồng tác giả của tin đồn, và có quyền thay hình đổi dạng tin đồn, nên tính xác thực của tin đồn không được đảm bảo. Tại sao  nói không được đảm bảo, mà không nói: tính xác thực của tin đồn không có. Thưa vì đôi khi tin đồn lại xẩy ra đúng, làm cho tin đồn trở thành tin xác thực và chính điều này làm cho tin đồn được nhiều người ngóng nghe và mãi được tồn tại trong xã hội loài người. Vì thế, cơn cám dỗ của tin đồn xem ra vẫn có khả thể trở thành cơn cám dỗ sau cùng của con người.
Liên quan đến tin đồn là số đông:

  Tuy miệng thì nói tin đồn không đáng tin, nhưng phần đông lại bị tin đồn ảnh hưởng. Thống kê cho thấy những người liên quan đến tin đồn, từ người tung ra tin đồn đến những người nghe ngóng, quan tâm, bóp méo, thêm thắt, đồng tình, tin tưởng, tận dụng, đầu tư tin đồn luôn chiếm đa số. Điều này nói lên ảnh hưởng không nhỏ của tin đồn trong sinh hoạt xã hội, đồng thời sức lan toả rộng rãi của tin đồn trong đời sống.

    Phần đông không kiểm chứng, truy tìm nguồn gốc của tin đồn :
    Không kiểm chứng do không thể kiểm chứng, vì tin đồn tự nó là vô gia cư, vô thừa nhận, nên rất khó truy tìm nguồn gốc, lý lịch và thẩm tra tính xác thực.Không kiểm chứng cũng vì lười biếng và a dua theo lời bàn, phán xét của đám đông, dư luận ; nhất là do tính ganh ghét sẵn có, và chủ trương "Mackeno = mặc kệ nó" tiềm tàng trong con người vốn ích kỷ hơn vị tha.

       Thực ra nguy hiểm của tin đồn không ở nội dung tin đồn, cho bằng ở tình trạng bị cuốn theo tin đồn và không kiểm chứng, truy tìm nguồn gốc và tính xác thực của tin đồn nơi những người đón nhận nó. Vì tin đồn tự nó là những đồn đãi vô tội vạ, những đồn thổi không  căn cứ, nền tảng, những đồn đoán không đếm xỉa gì đến hậu qủa tai hại sẽ gây ra, và hầu hết đều mang tính tiêu cực, nên tin đồn không thể được coi như những  thông tin đáng tin cậy, cao qúy, đáng trân trọng. Cái khó là người ta luôn có khuynh hướng nghe theo tin đồn và vội vàng kết án đối tượng bị tin đồn ỡ phong thần ữ. Không ít người đã là nạn nhân vô phúc của tin đồn, khi bị cấp trên, bề trên phê bình, xét đoán, xử phạt dựa theo nội dung của thư nặc danh, tin đồn, thư tố cáo dài hàng chục trang nhưng không ký tên người viết.

    Tin đồn không tha ai, nể nang ai :
    Tin đồn là một hình thức nặc danh được dùng để hạ đối thủ. Đó là phương cách hèn hạ mà  tiểu nhân thường dùng. Nó cũng  được gọi là ném đá dấu tay, khi mượn tin đồn, thư ngỏ không ký tên, thư nặc danh phỏng đoán hồ đồ, tưởng tượng ngây ngô để khích bác, châm chích, lăng mạ, vu khống, bôi bác người khác. Nó nhắm đủ đối tượng, từ chuyện riêng tư cá nhân, gia cảnh đến chuyện công ty, cộng đoàn, việc chung khu phố. Tất đều nằm trong tầm ngắm của tin đồn, và mọi người, mọi việc đều có thể bị nó tung hê, té tát, lột trần.

     Vì thế, chúng ta dễ bị sa lưới của tin đồn khi háo hức, nôn nao nghe ngóng, bình luận, thêm bớt, mà không hề nghĩ  có thể một ngày nào đó, chính mình sẽ bị đưa lên bàn mổ của tin đồn.
Tin đồn luôn là thủ đoạn và mưu mô của cá nhân hay tập thể tung tin đồn.

    Người ta không rảnh tung tin đồn, viết thư nặc danh, hay phát tán tờ rơi xuyên tạc, bôi bác cá nhân, tổ chức nào đó mà không tìm cho mình một mối lợi lớn. Chỉ cần suy nghĩ điều này, ta đã có thể nhận ra  cái tồi tệ của các phương tiện được dùng vào công tác tạo tin đồn. Tin đồn, vì thế, không thể mang tính nhân văn, tích cực, xây dựng, nhưng hầu như chỉ đáp ứng bản năng thấp hèn là kèn cựa, ganh ghét của con người. Rất ít tin đồn mang tính thăm dò (5%), nhưng hầu hết đều là mũi nhọn tấn công, đốn hạ.

   Tóm lại, tin đồn là tư tưởng sai lạc, nhận định sai lầm, quyết đoán sai trái về một người,  một tập thể, một việc mà mình không biết, hoặc không biết đủ, không biết rõ, không biết tường tận. Điều đáng trách và đáng loại trừ ở tin đồn là những sai lầm, sai lạc, sai trái ấy lại được quảng bá cho mọi người, tung lên thành cao trào quần chúng để tìm sự đồng tình, đồng loã, đồng phạm của đám đông.
      
    Vì thế, chủ trương cho tin đồn là một trò chơi vô thưởng vô phạt, không quan trọng và không ảnh hưởng nhiều là suy nghĩ ngây thơ và lạc quan qúa đáng ; bởi tin đồn trong thực tế đã làm cuống cuồng,  điên loạn, đảo lộn không biết bao nhiêu người, bao nhiêu  cộng đoàn xã hội. Tin đồn tuy như không tay không chân, nhưng điều khiển, hướng dẫn, can thiệp không ít vào những nhận định, quyết định của những người có quyền.Tin đồn xem ra không gươm không súng, nhưng  làm tổn thương không ít những người vô tội. 

   Tin đồn xem như rất hồn nhiên, khách quan, nhưng là tai ương, hiểm hoạ cho rất nhiều người không may lọt vào tim bão của nó. Vấn đề ở đây là làm thế nào để tin đồn không thống trị, lèo lái, điều khiển được  tim óc của ta và trong mọi chọn lựa, tin đồn không là nguồn thông tin, dữ liệu, cơ sở, chứng cứ, lý do được tận dụng để buộc tội người vô tội, lên án người vô can,  dập vùi người yếu đuối. Không kiên định lập trường trước tin đồn, người ta sẽ sập bẫy tin đồn một cách dễ dàng và một cách vô thức, tin đồn sẽ vô tình được đón nhận như  chủ nhân quyết định mọi nhận xét, phán đoán liên quan.
      
     Không ít những người thiện chí, có khả năng phục vụ xã hội đã phải chùn bước, bó tay, vì tin đồn vây hãm, chống phá. Không thiếu những công trình đành dở dang vì bão tố tin đồn và cuộc sống ngày càng bị đe dọa bởi những tin đồn từ thất thiệt đến thất kinh làm thất bát bao nhiêu cố gắng của cộng đồng xã hội. Thời đại thông tin mạng với nhiều thuận lợi và tiện nghi thay vì giúp con người xích lại gần nhau để cảm thông nhau hơn, đã trở thành phương tiện phục vụ những ý muốn thấp hèn của những người chỉ say mê chụp mũ, tố cáo người khác. Cứ thử lướt mạng một vài giờ, bạn sẽ thấy điều tôi chia sẻ là đúng, và điều chúng ta cần mơ ước lúc này, chính là một làn khí  trong lành, không bị tin đồn làm ô nhiễm, cho tâm hồn sảng khoái và bình an. 
Quý độc giả vui lòng đọc chương kế tiếp