CÓ MẸ ĐỒNG HÀNH
Đã
là con thì phải có mẹ, bởi không mẹ làm sao có con. Vì thế, từ trên Thánh Giá, khi
thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu
rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của
anh” (Ga 19,26-27). Kể từ giờ phút ấy, gia đình thiêng liêng của Đức Giêsu chính
thức thành hình và các môn đệ đi theo Ngài được vinh dự và hạnh phúc có Đức
Maria làm Mẹ.
Lời
trăn trối của Đức Giêsu ở giờ hấp hối mang một tầm quan trọng không thể chối
cãi đã nói lên ý muốn của Đức Giêsu, đó là những
ai muốn đi theo Ngài đều phải trở nên con của Đức Maria, Mẹ Ngài, vì họ là anh
em của Ngài.
Ân
huệ qúa lớn lao, và vinh dự qúa cao cả, nhưng rất tiếc không phải ai cũng nhận
ra ân huệ và vinh dự đó!
Khi
ký thác thánh Gioan, tông đồ trẻ tuổi nhất và được thương mến nhất làm con của
Mẹ mình, Đức Giêsu đã muốn các môn đệ của Ngài được Mẹ mình yêu thương, dậy dỗ,
bao bọc, chở che và đồng hành, như chính Ngài đã được tình yêu và cuộc đời Đức
Mẹ cưu mang, nuôi lớn, dậy dỗ, nâng đỡ, ủi an.
1.
Người
môn đệ của Đức Giêsu được Đức Mẹ đào tạo ở trường Nadarét:
Chúng
ta đừng lầm tưởng: vì là Thiên Chúa, nên Đức Giêsu không cần được nuôi dưỡng, giáo
dục như một người bình thường, nghiã là được nuôi nấng, giáo dục từ tấm bé đến
tuổi thiếu niên, thanh niên rồi trưởng thành, lập thân như bao nhiêu người
khác. Chúng ta cũng không được coi thánh gia ở Nadarét chỉ là bung xung, một bề
ngoài được dàn dựng để Đức Giêsu Thiên Chúa có một gia đình như mọi người, và vai
trò làm cha mẹ của thánh Giuse và Đức Maria chỉ là ngụy tạo.
Nghĩ
như thế không những sai lạc, mà còn chối từ Nhân Tính của Đức Giêsu, bởi Ngài vừa
là Thiên Chúa vừa là con người, vừa mang Thiên Tính vừa mang Nhân Tính, nên ở
Bêlem Ngài cũng được sinh ra, và ở Nadarét, Ngài cũng được nuôi nấng, chăm nom,
giáo dục, khuyên răn, uốn nắn như bao con trẻ khác, để “ngày càng thêm khôn
ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghiã đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52).
Vì
thế, trong suốt ba mươi năm ở Nadarét, Đức
Giêsu đã được thánh Giuse và Đức Mẹ đào tạo nhân bản để trở thành người tử tế:
tử tế khi thân thiện, hồn nhiên, cởi mở; tử tế khi sống công bằng, bác ái; tử tế
khi dễ thương, dễ gần; tử tế khi ân cần giúp đỡ; tử tế khi chịu đựng, thứ tha;
tử tế khi trân trọng người khác tôn giáo, khác chính kiến, khác mầu da tiếng
nói, khác trình độ, hoàn cảnh; tử tế khi cảm thương người yếu thế, đau bệnh,
nghèo khổ, tội lỗi; tử tế khi cảm thông
những cay đắng thất bại, những nghiệt ngã bế tắc, những quay quắt bi
thương của những phận người hẩm hiu.
Trong
suốt ba mươi năm, Ngài đã học “hiền lành và khiêm nhường tận đáy lòng” với Mẹ;
học âm thầm tận tụy làm việc, và hy sinh quên mình vì hạnh phúc của người khác
với Cha; học đơn sơ, giản dị trong mái ấm có cha mẹ là những người có tâm hồn
phó thác, tuyệt đối tin tưởng ở Thiên Chúa; học nhẫn nại, chịu khó với công việc
vất vả để nuôi sống gia đình của Cha và tinh thần chu toàn bổn phận trong từng
việc nhỏ của Mẹ.
Trong
suốt ba mươi năm, Ngài đã học “yêu mến Thiên Chúa và vâng theo Thánh Ý” với cha
mẹ Ngài là những người chỉ một lẽ sống duy nhất là: thực hiện thánh ý Thiên
Chúa trong suốt đời mình.
Vâng,
nếu Đức Giêsu đã trưởng thành nhân bản và lớn lên trong Đức Tin nhờ được cha mẹ
đào tạo, huấn luyện ở Nadarét, thì người môn đệ cũng không thể ra ngoài quy
trình đào tạo này, và việc đào tạo phải được đặt dưới sự hướng dẫn từ ái của
chính Đức Maria, Mẹ của Đức Giêsu, cũng là mẹ của các môn đệ Ngài.
2.
Người
môn đệ của Đức Giêsu được Đức Mẹ củng cố niềm tin ở Cana:
Phép
lạ ở tiệc cưới Cana hôm đó chắc chắn đã không xẩy ra, nếu không có sự hiện diện
và can thiệp của Đức Maria, bởi chính Đức Giêsu đã khẳng định khi trả lời Đức Mẹ:
“Giờ của con chưa đến” (Ga 2,4).
Nhưng
đi với Đức Mẹ, đức tin của người môn đệ sẽ được củng cố bằng tin như Đức Mẹ khi
ngài nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Bởi
có tin mãnh liệt, có tin vững vàng, Đức Mẹ mới dám nói với các gia nhân như vậy,
mặc dù Đức Giêsu chưa hứa gì với Mẹ, cũng không tỏ ra thái độ nào cho thấy Ngài
sẽ làm phép lạ.
Ở
bên Đức Mẹ, người môn đệ sẽ hiểu thế nào là đức tin phó thác, khi hoàn toàn tín
nhiệm và đặt để đời mình trong tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, để từ khởi
điểm đường đời đã là “đi theo Thầy”
thì suốt hành hình và đến tận cây số cuối cùng của đời người cũng sẽ chỉ là “Thầy ở đâu thì con xin được ở đó với Thầy”.
Vì
thế, ở bên Mẹ, luôn có Mẹ trong đời sống, đức tin của người môn đệ sẽ từng ngày
lớn lên, khởi sắc, mà không sợ thui chột, nhạt phai, úa tàn.
3.
Người
môn đệ của Đức Giêsu được Đức Mẹ đồng hành trên đường Thánh Giá:
Theo
Tin Mừng kể lại, thì trên đường Thánh Giá đã không có một bóng môn đệ thuộc
Nhóm Mười Hai, trừ Gioan: Giuđa sau khi nhận tiền “chỉ điểm” đã đi thắt cổ tự tử,
Phêrô kín đáo theo đến dinh thượng tế Caipha thì bỏ cuộc khi chối Thầy, các môn
đệ khác thì tránh mặt, ẩn mình vì sợ người Do Thái truy lùng, bắt bớ.
Sở
dĩ Gioan đã đi hết đường Thánh Giá với Đức Giêsu, vì ông đã không rời Đức Mẹ nửa
bước. Là người môn đệ được Đức Giêsu thương mến đặc biệt, Gioan biết mình phải
làm gì trong lúc Thầy chịu khổ nạn và đóng đinh, và ông đã thay Đức Giêsu ở sát
bên Đức Mẹ để phụng dưỡng, nâng đỡ Đức Mẹ trong giờ phút vô cùng tang thương,
bi đát.
Cũng
nhờ ở với Đức Mẹ, không rời xa Đức Mẹ, Gioan đã không vấp ngã, không phản bội,
không chối Thầy, cũng không bỏ trốn. Cũng nhờ bám chặt Đức Mẹ, đi với Đức Mẹ,
Gioan đã đến được đỉnh đồi Canvê, và đứng ngay dưới chân Thánh Giá của Thầy
mình để tận mắt chứng kiến và tận cùng chia sẻ đau đớn thân xác và đau khổ tinh
thần của Thầy. Cũng nhờ yêu mến và tận tình phụng dưỡng Đức Mẹ, Gioan đã được
vinh dự thay mặt các môn đệ Đức Giêsu, và đại diện Giáo Hội nhận ân huệ cao qúy
“làm con
của Đức Maria”.
Thực
vậy, đời người môn đệ là đời từ bỏ của Thánh Giá: từ bỏ chính mình, từ bỏ mọi sự.
Đó là cuộc đời không giữ cho mình một sự gì, không tìm kiếm vinh quang, không tích
trữ cho mình một kho tàng nào khác ngoài Đức Giêsu chịu đóng đinh; là cuộc sống
không để ăn rễ vào “của cải, vật chất,
tiện nghi, hưởng thụ”, nhưng toàn thân, toàn tâm, toàn ý “tìm kiếm Nước Thiên
Chúa và đức công chính của Người” (Mt 6,33), và để ngày mai lo cho ngày mai, vì
“ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).
Cũng
chính vì đời môn đệ là đường Thánh Giá,
và không ngừng phải từ bỏ mọi sự và cả chính mình, nên người môn đệ hôm nay cũng
có khả thể bỏ cuộc, trốn chạy, tránh né, kể cả phản bội như Giuđa, Phêrô và các
môn đệ của Nhóm Mười Hai năm xưa, vì qủa thực con đường Từ Bỏ rất cam go, và đường
Thánh Giá luôn đẫm nước mắt, nhuộm máu đào, nên thiếu Tình Mẹ bao bọc, người
môn đệ sẽ dễ “lây nhiễm vi trùng thế tục”; thiếu Ơn Mẹ phù trợ, người môn đệ sẽ
dễ lạc đường, vấp ngã; thiếu Nguồn Hy Vọng là Mẹ, người môn đệ sẽ dễ nản chí,
thất vọng, bỏ cuộc.
4.
Người
môn đệ của Đức Giêsu được Đức Mẹ đồng hành trên đường loan báo Tin Mừng Phục
Sinh:
Như
đã có mặt với Con mình trên từng cây số trên đường truyền giáo năm xưa, Đức
Maria cũng tiếp tục đồng hành với từng môn đệ Đức Giêsu trên đường truyền giáo
hôm nay, cho con người thời đại, để giữa những đe dọa của thế lực trần gian, của
ma qủy, người môn đệ vẫn đứng vững; trước những thử thách, gian truân, nhà truyền
giáo vẫn bình an tiến bước trên đường đến với muôn dân; bên cạnh những con người
luôn rình rập hãm hại, người được sai đi vẫn yêu thương, tha thứ.
Có
Đức Mẹ, nhà truyền giáo sẽ thấy nắng hạn không qúa chói chan, khắc nghiệt, và
mây đên, bão tố, sấm chớp không qúa dữ dội kinh hoàng, vì ở bên Mẹ, người môn đệ
luôn được che chở, giữ gìn…
Jorathe
Nắng Tím