Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2019

BIẾN CỐ ĐAU BUỒN MÙA GIÁNG SINH

Giáng Sinh là lễ của niềm vui Cứu Độ, khi  Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thế, nhập thể để cứu con người khỏi chết đời đời; Giáng Sinh là ngày hân hoan, hạnh phúc, khi Tin Mừng : Thiên Chúa yêu thương loài người được loan báo. Vì thế Giáng Sinh rất vui, vì là mùa của Tình Yêu ; Giáng Sinh rất mừng, vì là mùa của Sự Sống !
Nhưng một biến cố tang tóc, đau buồn đã xẩy ra giữa mùa Giáng Sinh vui mừng. Biến cố đã làm nghẹn ngào tiếng hát : Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm của các thiên thần (Lc 2,14), bởi Thiên Chúa vừa mới sinh ra, chưa kịp được mọi người vinh danh, thì kẻ ác tâm đã lấy đi nhiều mạng sống vô tội ngay  tại Bêlem, nơi Thiên Chúa hạ sinh làm người ; biến cố đã làm khựng lại chân sáo phấn khởi, hân hoan vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa của các mục đồng (Lc 2,20), sau khi gặp được Hài Nhi  bọc tã, đặt nằm trên máng cỏ (Lc 2,16), bởi  hàng trăm hài nhi vô tội ở Bêlem và vùng lân cận đã bị giết chết oan uổng (x. Mt 2,16-18) ; biến cố đã làm hoa mắt các đạo sĩ trên đường từ Bêlem trở về xứ sở, khi nghe tin các hài nhi dưới hai tuổi ở Bêlem, nơi các vị vừa rời gót đã bị thảm sát theo lệnh của Hêrôđê, người đã khôn khéo dặn dò các vị : xin qúy ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cùng đến bái lậy Người (Mt 2, 8) ; biến cố đã làm thánh Giuse và Đức Maria  mất ăn mất ngủ, và ngay trong đêm phải đưa Hài Nhi Giêsu trốn sang Ai Cập (Mt 2,14) theo như lời thiên sứ  khẩn báo trong giấc mộng (Mt 2,13) ; và biến cố  đã lấy đi sự sống vừa nẩy mầm của hàng trăm trẻ thơ hoàn toàn trong trắng, ngây thơ, không can dự gì đến chuyện của người lớn, không biết gì đến chuyện triều đình, quốc gia, không liên quan gì đến chuyện ngai vàng, quyền lực, để  niềm đau, nỗi khổ  cùng với máu vô tội dâng cao ngút trời, làm chết ngất bao trái tim, tan nát bao cuộc đời ở Bêlem và vùng lân cận như Tin Mừng Mátthêu mô tả : Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ : tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa (Mt 2,18).
Vâng, tác giả của biến cố tang tóc, đau thương giữa mùa Giáng Sinh hồng phúc chính là Hêrôđê, vua dân Do Thái (x. Mt 2,16). Ông là vua, nên khi nghe có vua dân Do Thái sắp sinh ra, ông đã hỏang hốt, lo sợ mất ngai vàng, và tham vọng quyền lực đã thúc đẩy ông đi đến quyết định giết hết các trẻ thơ dưới hai tuổi.
Thủ đọan thật tinh vi, khi ra lệnh giết hết các trẻ thơ từ hai tuổi trở xuống ở Bêlem và các vùng lân cận, để bảo đảm trăm phần trăm việc thủ tiêu Hài Nhi Giêsu, vị vua tương lai của dân Do Thái. Theo tính toán thâm độc này, sẽ không có bất cứ xác suất dù nhỏ đến đâu, cũng như không còn bất cứ kẽ hở nào để lọt Hài Nhi Giêsu, đối tượng phải khẩn trương tiêu diệt.
Là vua, và tự cho mình là Sao, nên khi biết có Vì Sao Cứu Thế vừa xuất hiện ở Bêlem, trên lãnh thổ của mình đang trị vì, Sao Vua Hêrôđê đã quay cuồng, điên đảo tìm truy diệt cho kỳ được Vì Sao lạ, có tiềm năng đối đầu, đối kháng. Và ông đã thần tốc ban lệnh tiêu diệt Vì Sao lạ bằng ra lệnh tàn sát tất cả trẻ thơ trong vùng.
Dưới con mắt của phàm nhân, Hêrôđê là người nhìn xa trông rộng đã bao quát được cả thời gian và không gian để Hài Nhi Giêsu, vua tương lai của dân Do Thái không thể thoát khỏi bàn tay sát thủ của ông. Với suy tính của loài người, Hêrôđê là người khôn ngoan, khi thấy  trước, lường xa những bất trắc, nguy cơ cho ngai vàng, bằng cách diệt ngay lập tức và  tận gốc mọi mầm mống  bạo loạn, chiếm quyền, cướp ngôi. Trong tầm nhìn của con người, Hêrôđê là người biết tính toán, sắp đặt, khi không để bất cứ  bất ngờ bất lợi nào gây ảnh hưởng xấu đến uy quyền và vinh quang của mình. Tóm lại, ông là con người hoàn hảo, ông vua tuyệt vời, lãnh tụ tài giỏi. Ông có tất cả những điều kiện thành công theo kiểu thế gian, và như thế gian đòi hỏi, nhưng ông thiếu một điểm rất quan trọng để thành người, đó là lòng nhân ái.
Thực vậy, không phải tất cả những ai thành công là thành nhân, không phải cứ công thành danh toại là thành người, không phải cứ đạt địa vị cao, chỗ đứng tốt là người tốt và cao thượng. Bằng chứng là trước mắt chúng ta, không biết bao nhiêu người thành đạt mà gian ác ; không ít người làm lớn mà tầm thường, đáng kinh tởm , và được mấy người  nắm giữ vị thế cao ngất ngưởng trong thế gian mà nhân ái, dễ thương. 
Như Hêrôđê, làm vua  đáng lẽ để lo cho dân hạnh phúc, quốc gia phú cường, nhưng ông lại thủ đọan, nham hiểm ra lệnh giết cả những công dân bé bỏng, vô tội, tuổi đời chưa qúa hai năm, vì tham vọng cá nhân và  cơn giận điên cuồng. Rất nhiều người thế giá khác cũng đã dùng quyền, dùng tìền, dùng ảnh hưởng của mình để  tiêu diệt người khác không kém dã man, tàn bạo như Hêrôđê.
Hôm nay, Giáng Sinh về, chúng ta không quên biến cố tang tóc, đau thương đ xẩy ra ở Bêlem và vùng lân cận vào mùa Giáng Sinh cách đây hơn hai ngàn năm, và qua đó, chúng ta nhận ra:
1.   Tội ác là do chính con người gây ra :
Biến cố thảm sát hằng  trăm trẻ thơ vô tội được Tin Mừng Mátthêu tường thuật chi tiết chắc chắn chống lại ý muốn của Thiên Chúa, vì Ngôi Lời  giáng sinh cốt đem sự sống cho con người, và làm cho sự sống con người đạt giá trị linh thánh, và tuyệt đối, khi chính Thiên Chúa đã tự nguyện mang lấy sự sống con người ấy.
Cũng vì Thiên Chúa làm người như chúng ta, sống sự sống của loài người  chúng ta, mà sự sống con người không còn bị coi là rẻ rúng, tầm thường, vô vị, không giá trị, không ý nghiã. Trái lại, sự sống ấy được nâng cao, được tuyệt đối tôn trọng và giữ gìn, bảo vệ, để  không ai có quyền hủy hoại sự sống ấy, dưới bất cứ hình thức nào, dù là sự sống của mình hay của người khác, bởi sự sống thuộc về một mình Thiên Chúa, và chỉ một mình Thiên Chúa có quyền trên sự sống, sự chết của con người.
Do đó, khi có tội ác chống lại sự sống, thì chắc chắn tội ác ấy phát sinh từ gian ác, bạo lực của con người, như Cain đã giết chết em mình là Aben, và như Hêrôđê đã ra lệnh thảm sát hằng trăm trẻ thơ vô tội.
2.   Đau khổ là hậu qủa của tội ác :
Ở đâu có tội ác, ở đấy có đau khổ, cũng như ở đâu có tình yêu, ở đó có Thiên Chúa, và ngược lại : khi có phúc đức của lòng nhân ái thì có bình an, và có Thiên Chúa thì có niềm vui thiên đàng, nên phần lớn đau khổ là do chính anh em gây ra cho ta, hoặc chính ta gây ra cho anh em.
Nếu Cain không ghen tức và không giết em mình, thì Aben đã được sống, và cả Cain cũng không bị Thiên Chúa phạt, đến nỗi phải đau đớn than thân trách phận : Hình phạt dành cho con qúa nặng không thể mang nổi. Đây, hôm nay Ngài xua đuổi con khỏi mặt đất. Con sẽ phải trốn tránh để khỏi giáp mặt Ngài, sẽ phải lang thang phiêu bạt trên mặt đất, và bất cứ ai gặp con sẽ giết con (St 4, 13-14) ; nếu Hêrôđê không ra lệnh giết các em bé, thì cha mẹ các em đâu phải chết ngất vì khổ đau, khi con không còn nữa ; nếu cậu thanh niên mười tám tuổi bốn tháng Nguyễn Hữu Tình không vì tự ái khi bị bà chủ trách mắng vì biếng nhác công việc, và bê tha bia rượu đã nhẫn tâm giết hết  năm người của gia đình bà chủ, thì  chẳng ai phải chết, và không bao giờ có bản án tử hình khắc nghiệt cho chính bản thân.
3.   Tội ác và đau khổ vẫn có mặt trong thế giới loài người cho đến tận thế :
Đau khổ lớn nhất của con người là sự chết, và sự chết đã theo tội lỗi vào thế gian, nên bao lâu còn con người thì còn tội lỗi, bao lâu còn tội lỗi, bấy lâu còn đau khổ, sự chết. Vì lẽ đó, Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu loài người ra khỏi tội lỗi để con người được hạnh phúc ngay ở đời này, khi tội lỗi không còn khống chế những con người biết mở lòng đón nhận ơn sủng cứu độ của Ngôi Lời Thiên Chúa (x. Rm 5,12-19).
Điều này cũng có nghiã : Tội ác và đau khổ vẫn có mặt trong thế giới loài người, chứ không tự động biến mất, khi Ngôi Lời xuống thế, bởi Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của mỗi người để mỗi người tự chọn hoặc Thiên Chúa hoặc thế gian, hoặc gian ác hoặc nhân hậu, hoặc làm người thiện tâm hoặc làm người ác tâm, hoặc thuộc về Thiên Chúa hoặc thuộc về Satan, hoặc sống hoặc chết, hoặc lên thiên đàng hoặc xuống hoả ngục.
Khi Tin Mừng được loan báo Đấng Cứu Thế đã sinh ra, các thiên thần đã cho chúng ta biết : Bình An của Thiên Chúa chỉ dành cho những người thiện tâm, những người được Thiên Chúa thương. Thiện tâm hay được Thiên Chúa thương chính là những người có lòng tốt, có ý ngay lành, có nhân ái, có bác ái - yêu thương, có từ bi - hỉ xả. Họ là những người sống chân thật với tấm lòng vị tha, biết cảm thông và giúp đỡ, dám rộng lượng và khoan dung, bởi ơn An Bình của Ngôi Lời nhập thể không tuôn đổ bừa bãi trên thửa đất cằn khô của ganh ghét, trong những  trái tim sào huyệt của thủ đọan, mưu mô ác độc, ở những góc tối kiêu căng của quyền lực, danh vọng, nơi những con người ích kỷ, tham vọng, hãm hại tha nhân.
Thực vậy, xuống thế giữa thế giới loài người đầy tội ác và đau khổ, Thiên Chúa làm người đã trở nên Ơn Cứu Độ, Ơn Bình An cho tất cả những ai tội lỗi, đau khổ biết chạy đến và tin ở Ngài. Ngài chính là nơi nương náu cho tội nhân, chốn ủi an của người bất hạnh, đau khổ (x. Mt 5, 3-12), đồng thời cũng là Tiếng Gọi để mọi người đi theo Ngài lên đường loan báo Tin Vui cho toàn thể nhân loại : Hôm nay Thiên Chúa thương loài người, hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em (Lc 2,11), hôm nay đoàn chiên bơ vơ, ngơ ngác có Mục Tử nhân lành đến ở cùng và hiến mạng sống cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10, 10). Và chỉ nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, con người mới ra khỏi  vùng tăm tối của tội ác và thung lũng nước mắt khổ đau.
Để chạy đến với Đức Giêsu, tin Đức Giêsu và theo Đức Giêsu, chúng ta phải trở nên những con người thiện tâm, tức có lòng nhân ái, là điều kiện thiết yếu để được Thiên Chúa làm người thương và ban tràn đầy ơn Giáng Sinh của Ngài, ơn giải thoát khỏi cạm bẫy của tội ác và hậu qủa khổ đau, khi có Chúa là Chúa Chiên lành, có Nước Trời là gia nghiệp, có Lòng Thương Xót là bến đỗ hạnh phúc, Bình An.  
Ước gì thế giới sẽ giảm nhanh, thưa dần những biến cố tang tóc, đau thương hằng ngày làm nhói tim, đứt ruột, khi tội ác không ngừng lan rộng, hoành hành. Và điều ước ấy luôn đợi chờ sự cộng tác của mọi người thiện tâm trong việc loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ, Đấng đến để cho thế gian được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).
Jorathe Nắng Tím   

GIÁNG SINH VỀ, ĐỪNG HOANG MANG, SỢ HÃI !

Hơn lúc nào hết, trong những ngày này, qua báo chí, và các phương tiện truyền thông, dư luận thế giới xôn xao, kể cả hoang mang về nhiều sự việc liên quan đến Giáo Hội như cách chức Hồng Y, Giám Mục phải ra toà vì bao che tội ấu dâm của nhiều linh mục, giáo phận phải bán cơ sở mục vụ để bồi thường cho các nạn nhân bị lạm dụng, nhất là biến cố Hội Đồng Giám Mục Đức quyết định đi đến cùng tiến trình đặt lại nhiều vấn đề trong Giáo Hội, trong đó có vấn đề luân lý tình dục, độc thân linh mục, và kiểm soát lạm dụng quyền bính trong Giáo Hội.
Riêng người viết, trước những sóng gió tưởng chết đến nơi, thì hoàn toàn ngược lại : không xôn xao, cũng chẳng chao đảo, hoang mang, sợ hãi, nhờ dựa vào những suy nghĩ đơn sơ xin được mạo muội chia sẻ với Bạn:
1.   Thiên Chúa táo bạo trong tình yêu :
Không kể đã táo bạo trong tình yêu khi tự nguyện xuống làm người, Thiên Chúa của Đức Giêsu còn táo bạo trong tình yêu khi thành lập Nhóm Mười Hai Tông Đồ, là rường cột của Hội Thánh.
Đức Giêsu đã táo bạo lập một nhóm mà nhìn vào với đôi mắt thế gian, chúng ta thấy đó là một nhóm bình thường, không có gì nổi trội : bình thường vì đa số là dân đánh cá, thuyền chài, không được ăn học đến nơi đến chốn ; không có gì nổi trội, vì  hầu hết các vị đều nghèo hoặc chỉ đủ ăn, không ai thuộc giai cấp đại gia, giầu sang, phú qúy, trừ Mátthêu nhờ làm nghề thuế vụ ; một nhóm bết bát thấy rõ khi thường xuyên hục hặc tranh giành chỗ cao chỗ thấp, bên trái bên phải, vinh quang này, danh giá nọ trong vương quốc của Thầy, mà các vị cứ tự vẽ ra, rồi hù dọa, đấu đá, kéo bè kéo cánh thách thức, khích bác nhau (x. Mc 10, 35-40) ; bết bát, khi anh quản lý của nhóm có tên Giuđa thoạt nghe tình hình căng thẳng đã vội lén lút đi đêm với đối phương và bán Thầy mình với giá rẻ mạt ba chục bạc (x. Mc 14,10-11), rồi anh trưởng nhóm Simôn Phêrô năng nổ tuyên bố trung thành Thưa Thầy, bỏ Thầy, chúng con biết theo ai ? Chỉ Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời (Ga 6,68), hoặc dõng dạc, trịnh trọng tuyên xưng : Thầy là Đức Kitô (Mc 8,29), nhưng khi Thầy bị bắt, bị tra vấn, hỏi cung bên trong dinh Thượng Tế Caipha thì chẳng ngại ngùng chối phăng : Tôi không biết người này là ai (x. Mc 14,66-71) ; một nhóm  bết bát, khi Thầy yếu nhược, nhục nhằn kéo lê Thánh Giá mà không một tông đồ dám lại gần, kề vai vác đỡ ; cả đến khi chết, tháo xác xuống rồi, cũng không tìm đâu ra bóng dáng các vị, ngoại trừ  Gioan nép mình kín đáo bên Đức Mẹ.
Tuy bình thường và bết bát như thế, nhưng Nhóm Mười Hai vẫn được Đức Giêsu yêu thương vô cùng và đến cùng (Ga 13,1). Ngài không bỏ ai, không khai trừ người nào, nhưng trung tín trong tình yêu dành cho từng vị. Chính tình yêu táo bạo của Ngài đã biến đổi các vị, và làm cho các vị nhận ra Thầy mình đích thực là Đấng Cứu Độ giầu lòng thương xót, và kết qủa là tất cả các vị, trừ Giuđa, đã trung thành và chết để làm chứng Thầy mình là Thiên Chúa, Đấng đến trong thế gian để cứu chuộc nhân loại. 
Vì thế, chúng ta có lý do tin rằng : Thiên Chúa có đường lối riêng của Ngài, khi táo bạo chọn những con người chẳng mấy gì sáng giá, và thành lập một Nhóm nòng cốt chẳng có gì đáng tin tưởng, kỳ vọng. Thế mà Giáo Hội của Ngài vẫn trường tồn với những con người bất toàn, yếu đuối ấy, chỉ vì nền tảng của Giáo Hội đã không là các ông, nhưng là Tình Yêu táo bạo của Thiên Chúa trên các ông.
Đây cũng là lý do để chúng ta yên lòng và không hoang mang khi những người lãnh đạo trong Giáo Hội xem ra bất xứng hay yếu đuối cách này cách khác. Chúng ta đừng quên chính Đức Giêsu đã chọn các vị, như đã chọn Nhóm Mười Hai rất bình thường và bết bát ngày xưa, để làm chứng cho mọi người : tình yêu táo bạo của Thiên Chúa, và sức mạnh, khôn ngoan của Ngài được thể hiện trong yếu đuối, tầm thường, bết bát của con người.  
2.   Thiên Chúa kiên nhẫn trong giáo dục :
Có lần Đức Giêsu thốt lên : Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin ! Tôi còn phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa ? (Mc 9,19), khi thấy các tông đồ không đủ xác tín. Ngài còn tỏ ra ngao ngán trước tính khí nóng nẩy, háo thắng, tham vọng, kiêu căng như Tin Mừng kể lại : các ông cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả (Mc 9,34) ; các ông  xin lửa từ trời xuống thiêu hủy một làng người Samari, vì họ không tiếp rước các ông (x. Lc 9,51-53), hoặc nhỏ nhen, cục bộ và bực tức, khó chịu vì : có người nhân danh Thầy mà trừ qủy (Mc 9,38), rõ ràng nhất là chuyện tông đồ trưởng Phêrô đã giận dữ sử dụng bạo lực khi rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ của Thượng tế tên là Mankhô khi Đức Giêsu bị bắt (x. Ga 18,10). Trong bất cứ đề nghị mang tính tham vọng,  bạo lực, thiếu bác ái, huynh đệ  nào của các tông đồ, Đức Giêsu đều dậy các tông đồ phải nhân hậu, bao dung, quảng đại, cởi mở, và hiền lành, khiêm nhường.
Điều đáng chú ý ở đây là sự kiên nhẫn trong giáo dục của Đức Giêsu. Bằng chứng là Ngài không loại bỏ những thành viên “khó bảo, khó dậy, khó đào tạo”, nhưng nhìn vào thiện chí đổi mới của các ông và ơn đổi mới của Thiên Chúa. Ngài  nhẫn nại trông cậy vào Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ đến sau Ngài để tiếp tục giáo dục, chỉ dậy, nhắc bảo, đổi mới các tông đồ, như Tin Mừng Gioan đã ghi lại : sau khi trách Philípphê : Thầy ở với anh em đã lâu, thế mà anh Philiphê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói : ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’… (Ga 14,9), Đức Giêsu đã khẳng định : Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dậy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga 14,26).  
Thực vậy, cũng với tình yêu táo bạo và trung tín, Đức Giêsu đã tin tưởng vào sự đổi mới của những con người hôm nay còn đang rất bất xứng, bệ rạc, và ban cho họ ơn Chúa Thánh Thần để từng ngày nhận ra tình yêu của Ngài dành cho họ, và họ sẽ được đổi mới bởi tình yêu táo bạo và trung tín này.
Thế nên ngày chịu chức, ngày tấn phong, ngày tuyên khấn không được coi như đích đến, hay tột điểm của thánh thiện, vì như các tông đồ phải chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống, các vị mới “toàn tâm toàn ý” mãnh liệt xác tín sứ vụ tông đồ, và hết mình thực hiện sứ vụ đó một cách qủa cảm bằng lên đường truyền giáo khắp nơi, cho dù phải hy sinh chính mạng sống mình.
Do đó, phê phán với ác ý để làm mất uy tín, hạ thấp danh dự những người của Giáo Hội thiết tưởng là việc không nên làm, nhưng phải tránh, nếu chúng ta tin vào đường lối giáo dục mầu nhiệm của Thiên Chúa đối với những người Chúa chọn. Vấn đề còn lại là các vị ấy có ý thức mình chưa hoàn thiện để không kiêu căng, tự phụ, phách lối, cao ngạo, cửa quyền, trịch thượng, khinh mạn, loại bỏ người này người nọ, nhưng từng ngày học với Chúa bài học hiền lành và khiêm nhường (x. Mt 11,29), để trở nên mục tử tốt lành (x.Ga 10), vị thượng tế biết cảm thương như thánh Phaolô viết : Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối ; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy (Dt 5, 1-3), đồng thời, giáo dân tức đoàn chiên của các vị cũng phải  ý thức : không ai có quyền xét đoán, lên án ai (x. Mt 7,1-5), vì  tất cả mọi người đều có thể được đổi mới, và Thiên Chúa kỳ vọng ở cố gắng đổi mới của mỗi người, bởi Thiên Chúa có đường lối giáo dục nhiệm mầu riêng của Ngài đối với từng người, và ban đủ ơn cho những người có thiện chí trên đường đi theo và phụng sự Ngài.
Với ý thức: mình cần được trở nên tốt hơn, và không có quyền xét đoán, lên án ai, chúng ta thực sự làm chứng tình yêu táo bạo, lòng kiên nhẫn không gì sánh được trong công trình đào tạo con người của Thiên Chúa, nhờ đó, chúng ta không bực dọc, bất mãn trước thiếu sót, kể cả tội lỗi của những tông đồ, môn đệ Đức Giêsu, đồng thời giúp chúng ta biết thương cảm, chia sẻ, nâng đỡ, cầu nguyện cho các vị, cũng như các vị luôn cầu nguyện cho chúng ta.  
3.    Thiên Chúa dùng tất cả để huấn luyện chúng ta thành những “kẻ lưới người”  thiện nghệ :
Mục tiêu của Ơn Gọi tông đồ là các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở nên những kẻ lưới người như lưới cá (Mc 1,17).
Với mục tiêu này, Đức Giêsu đã trực tiếp huấn luyện các tông đồ, để các ông trở nên những ngư phủ thiện nghệ đánh cá người trong cung cách hiền lành và khiêm nhường (Mt 11,29) của người đầy tớ trung tín và tận tụy phục vụ (x. Mt 24,45) với nếp sống Bát Phúc (x. Mt 5,3-12), bằng tinh thần cầu nguyện, phó thác, nhất là đời sống hy sinh của mục tử nhân lành sẵn sàng hiến mạng sống vì đoàn chiên (x. Ga 10).
Để đạt mục tiêu trên, nghiã là để được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu (Rm 8,29), người  đi theo Ngài được Ngài dẫn dắt qua mọi nẻo đường : có nẻo đường thênh thang, nhưng cũng có nẻo đường lầy lội, quanh co, dốc đá, hiểm trở ; có nẻo đường thơ mộng, lãng mạn, nhưng cũng có nẻo đường chán ngán, thất vọng ; có nẻo đường đầy hoa thơm cỏ lạ, nhưng cũng có nẻo đường hoang vu, đầy cạm bẫy ; có nẻo đường ngập tràn tình cảm đạo đức, nhưng cũng có nẻo đường khô khan, nguội lạnh, hoang vắng ; có nẻo đường thánh thiện, ngát hương thiêng nhân đức, nhưng cũng có nẻo đường  ngã qụy, giập vùi lê lết ; có nẻo đường hướng đạo người khác, nhưng cũng có nẻo đường yếu đuối, đáng thương ; có nẻo đường khấp khởi mừng reo chiến thắng, ngày về vinh quang, nhưng cũng có nẻo đường cô thân, thất bại, tủi buồn, lầm lũi. 
Và trên tất cả mọi nẻo đường, với mọi tình huống, tâm trạng, Thiên Chúa luôn có mặt như người Cha nhân hậu giầu lòng thương xót, chậm bất bình, rất khoan dung, nên không một chi tiết nào, dù dơ bẩn đến đâu, không một mầu sắc nào, dù xám xịt, đen ngòm cỡ nào, mà không được Thiên Chúa dùng để tạo nên tác phẩm tuyệt vời của Tình Yêu, bởi từ bàn tay và trái tim yêu thương vời vợi, Thiên Chúa vẽ được những chữ thẳng trên những hàng kẻ cong, biến những tội lỗi thành cơ hội để huấn luyện tâm tình thống hối, biết ơn, và sử dụng chính những ngang ngược, kiêu căng, ngạo mạn, để dạy bài học khiêm tốn, bao dung, nhân hậu với người khác. Xác tín điều này, thánh Phaolô đã qủa quyết với tín hữu Rôma : Chúng ta biết rằng : Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định (Rm 8,28).
Vì thế, sẽ không có lý do để chúng ta phê phán người khác đang khi họ còn trên đường và chưa đến đích, bởi tất cả chúng ta đều là lữ khách trên đường về, là môn sinh đang được đào tạo, huấn luyện để trở nên môn đệ đích thực và xứng danh trong chương trình Cứu Thế của Đức Giêsu. Đó cũng là lý do không cho phép chúng ta hoang mang, chao đảo, bất mãn trước những thiếu sót, khuyết điểm, kể cả tội lỗi của người khác trong Giáo Hội, dù họ là ai, ở phẩm trật nào, nắm giữ trách nhiệm  quan trọng đến đâu. Trái lại, với niềm tin vào chương trình đào tạo táo báo yêu thương và kiên nhẫn đến cùng của Thiên Chúa, chúng ta giúp nhau tránh những vấp ngã, chia sẻ với nhau những phương cách đối phó, giải quyết, mà không bôi bác, làm tổn thương nhau, vì trên hết và trước hết, tất cả chúng ta là chi thể của một Thân Thể duy nhất với đòi hỏi quan trọng nhất là Hiệp Nhất trong Đức Ái.  
Giáng Sinh về, xin ơn Bình An của Ngôi Lời nhập thể ở trong tâm hồn những người anh em đang lo âu cho tương lai, tiền đồ của Giáo Hội, hay bất mãn, bực bội, thất vọng vì những “linh tinh, lôm côm, rắc rối” gây ra cho Giáo Hội bởi chính những người của Giáo Hội, khi tin rằng Đức Giêsu yêu Giáo Hội như Hiền Thê dấu ái và không ngừng đào tạo, đổi mới, thánh hoá tất cả chúng ta, những con người ngu muội, yếu đuối, tội lỗi thuộc về Giáo Hội ấy, bởi cho những con người tầm thường, bết bát, tội lụy là tất cả chúng ta, mà Đức Giêsu đã lập Giáo Hội của Ngài trên nền tảng các Tông Đồ.
Jorathe Nắng Tím