Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

Mùa Chay - Mùa Xây Nhà Thờ


Nhà thờ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của xứ đạo, là trái tim của cộng đoàn, là bộ mặt của dân xứ, là biểu hiệu của tình hiệp nhất mọi người, là dấu ấn nhiệm kỳ cha sở, là niềm tự hào của ban Hành Giáo, là kiến trúc có một không hai mang nét văn hoá dân tộc, là kỳ quan ở châu Á, Việt Nam và còn là nhiều thứ khác kể ra không xiết tùy mục tiêu và cái nhìn của mỗi người… Nhưng điều quan trọng là nhà thờ không thể thiếu cho xứ đạo và nỗi lo hàng đầu cũng như nhức nhối hàng ngày của cha sở, cha phó, quý ban hành giáo là thấy nhà thờ xứ đạo chưa có, hay xuống cấp trầm trọng: dột nát, xiêu vẹo, gió thổi bên này, mưa tạt bên kia. Rất may, nếu đền thờ Giêrusalem đã phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, nhà thờ ở Việt Nam, nếu có sẵn tiền, chỉ cần ba tháng là lên mái, sáu tháng là khánh thành. Nhanh nhất thế giới!

Đền thờ Giêrusalem trang trọng, đồ sộ, xây dựng công phu như thế mà Đức Kitô hôm nay lại đòi phá đi (Ga 2,19). Người Do Thái coi đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự và ở đâu, đi đâu cũng hướng về Giêrusalem, ở đó có đền thờ Thiên Chúa. Tuyên bố “phá đền thờ rồi tự mình sẽ xây lại trong ba ngày” chắc chắn Đức Giêsu đã làm phẫn nộ nhiều người và ngày càng lọt vào tầm ngắm của các lãnh đạo tôn giáo và họ quyết định phải diệt Ngài.



Tin Mừng chúa nhật thứ ba Mùa Chay kể chuyện Đức Kitô vào đền thờ. Ngài thấy “nào là những người buôn bán chiên bò, bồ câu, nào là những người đổi tiền bạc đang huyên náo, nhố nhăng biến nơi thờ phượng trang nghiêm thành nơi buôn bán (Ga 2,14). Và Ngài đã nổi nóng, lấy roi xua đuổi họ cùng chiên bò ra khỏi đền thờ, ném tiền bạc của họ xuống đất và lật đổ các bàn ghế của họ” (Ga 2,15). Lòng yêu mến nhà Chúa đã thôi thúc Đức Kitô hành động và làm sôi sục cơn giận trong Ngài: Ngài giận con người đã coi thường, xúc phạm, làm ô uế nhà Chúa. Ngài giận con người đã lấy nhà Chúa làm nơi trao đổi thương mại và để tiền bạc trở thành Thiên Chúa trong đền thờ. Ngài giận vì đền thờ đang bị biến chất thành nơi làm tiền và tiền bạc đang chiếm đoạt chỗ của Thiên Chúa. Đền thờ được xây dựng với mục đích thờ phượng và là nơi Thiên Chúa ngự, nhưng nay con người muốn chuyển đổi mục đích, vì thấy Thiên Chúa không quan trọng bằng tiền bạc, không giải quyết cho họ những vấn đề mới của kinh tế thị trường, không đem lại những gì họ mong đợi. Chuyển đổi mục đích của đền thờ, con người đã phế bỏ Thiên Chúa khỏi đền thờ của Ngài và xúc phạm nặng nề danh dự Thiên Chúa của Ngài. Đức Giêsu đã nổi nóng, cơn nóng của người con thấy cha mình bị xúc phạm trầm trọng, cơn nóng của tình yêu khi chứng kiến những phản bội trắng trợn, cơn giận của Thiên Chúa khi tận mắt chứng kiến con người ngạo mạn đến độ dám biến thánh đường thờ phượng thành thương trường trao đổi tiền nong, hàng hoá. Nhưng có lẽ chuyện làm Ngài đau lòng nhất là chủ trương đóng cửa nhà Chúa đối với người ngoài đạo.



Như ta đã biết, đền thờ Giêrusalem được xây để đón Đấng Thiên Chúa sai đến, Đấng sẽ quy tụ mọi dân nước thành một dân tộc thánh; vì thế khi được xây, đền thờ đã chuẩn bị sẵn khu dành cho những người ngoài Israel. Thứ tự kiến trúc rất rõ rệt: tận trong cùng là khu cực thánh để “hòm bia Giao Ước”, nơi đó chỉ có thầy thượng tế mới được vào tế lễ mỗi năm một lần; tiếp theo là khu thánh dành cho các tư tế với bàn thờ tế lễ, rồi đến khu dành cho đàn ông, sau đó là khu đàn bà và ngoài cùng là khu dành cho người ngoại giáo. Khu này rất rộng, ước chừng năm trăm mét chiều dài và một trăm năm mươi mét chiều rộng. Chính khu này đã bị biến thành chợ buôn bán chiên lừa, chim câu và các thứ hàng hoá khác dùng cho việc tế tự. Chiếm đất của người ngoại giáo trong nhà Thiên Chúa nói lên tâm địa hẹp hòi, ích kỷ, co cụm và chủ trương “Đạo pháo đài, Đạo ấp chiến lược” của những người có trách nhiệm trong đạo Do Thái. Điều này đi ngược với Hiến Pháp Nước Trời của Đấng Cứu Thế, Đấng đến với muôn dân và quy tụ toàn thể nhân loại vì vương quốc của Ngài sẽ vượt ra khỏi ranh giới Israel và bao trùm mọi thời, mọi nơi.

Nhà thờ của xứ đạo chúng ta rất có thể cũng rơi vào tình trạng chuyển đổi này mà ta không biết: tiền bạc và pháo đài.



Ta không biết vì buôn bán bây giờ tinh tế, nhanh chóng và dễ dàng hơn xưa nhiều. Người ta có thể trao đổi bằng ngân phiếu vừa nhẹ vừa gọn, bằng phong bì dúi tay vừa nhanh vừa chính xác, dịch vụ chuyển tiền qua mạng vừa an toàn vừa kín đáo… Những người Do Thái khi khởi công xây đền thờ, họ cũng đã chọn đúng mục đích và tâm hồn mọi người đều chung niềm vui, háo hức xây đền thánh Chúa ngự; nhưng mục đích thánh thiện ban đầu bị bẻ cong, trệch sang hướng thương mại, tâm hồn náo nức, sốt sắng việc nhà Chúa bị thoái hoá biến thành tâm hồn tiền bạc. Nhà thờ ta xây tưởng chỉ để cho Chúa, vì Chúa, ai ngờ ta đang xây tháp Babel vì mình, cho mình. Nhà thờ ta xây tưởng là công trình của bác ái, hiệp nhất, ai ngờ là dịch vụ làm giàu danh tiếng cá nhân, vinh dự đoàn thể, thoả mãn tự ái cục bộ, địa phương. Nhà thờ ta tưởng là nhà Thiên Chúa, nơi con cái quây quần vui vẻ, hạnh phúc, ai ngờ bị chiếm đoạt, sang tên làm nhà riêng của một nhóm, đất dụng võ của quyền lực trần tục, diễn đàn củng cố ảnh hưởng phe nhóm, toà án mắng nhiếc, lên án phe đối lập… Nhà thờ vô phúc, vô tình đã biến thành tháp Babel thiếu Thiên Chúa, vắng con người vì không có tình yêu thương.

Sách Sáng Thế kể câu chuyện tháp Babel: Sau trận đại hồng thủy, con cái của Noe sinh sôi nảy nở, nhưng tất cả vẫn nói chung một ngôn ngữ. “Xảy ra là họ tìm thấy một cánh đồng ở đất Sinêa và họ định cư ở đó. Họ nói với nhau: “Nào chúng ta hãy đúc gạch và nung lò!” Gạch họ lấy làm đá và lịch thanh làm hồ. Và nói: “Nào chúng ta xây thành quách để ở và xây tháp cao thấu trời. Chúng ta sẽ làm rạng danh chúng ta để không bị phân tán ra khắp mặt đất” (St 11,1-4).



Trình thuật viết rất rõ: tháp Babel không được xây bằng đá, nhưng bằng gạch nung, không được trát bằng ximăng, nhưng bằng chất dán gạch là hồ lịch thanh. Trong Kinh Thánh, ximăng là biểu tượng của bác ái và đá biểu tượng của những khác biệt. Ở đây, người ta không dùng ximăng bác ái làm hồ, không dùng đá đa dạng, khác nhau để xây tháp, nhưng dùng lịch thanh là chất dán có sẵn, không phải pha và gạch nung đồng bộ.

Tính đồng bộ của gạch nói lên tính độc tài, độc điệu, độc quyền. Người ta không chấp nhận những khác biệt; nghĩa là chỉ tìm những gì đồng bộ, nhất loạt, giống nhau và loại trừ những người “khác”: chỉ đồng hương, đồng khói, đồng đạo là người của ta, còn những người khác xứ, khác họ, khác làng, khác xóm, khác địa phận, khác tiếng nói, khác chủng tộc, khác ý kiến, khác quan điểm, nhất là khác Đạo, ngoài Đạo đều không thuộc về ta và không được tham gia, dự phần với ta; chỉ những ai mặc đồng phục mới được vào nhà, còn những người ăn mặc tự do phải đứng ngoài. Không chấp nhận những người không như ta, không giống ta, tháp Babel đã chỉ dành cho mình: người của mình, người giống mình, người theo mình; bằng chứng là những người chủ trương xây tháp đã khẳng định: “Chúng ta xây tháp để làm vinh danh chúng ta” (St 11,4). Vinh danh mình là mục tiêu của công trình xây tháp trong khi tháp phải tìm vinh danh Thiên Chúa. Vinh danh mình là kỳ công con người cố gắng, trong khi vinh danh Thiên Chúa mới thật sự là điều họ phải thao thức, thực hiện. Vì tìm mình, họ sẽ gặp mình khi Thiên Chúa tránh mặt và khi gặp mình, họ sẽ chẳng còn nhận ra mình, nhận ra nhau vì bỏ Thiên Chúa ra ngoài, họ đã không còn hiểu nhau dù trước đó họ nói cùng ngôn ngữ (St 11,7). Tháp Babel phải bỏ dở dang và họ tự phân tán mỗi người một phương.



Như thế, con người chỉ hiểu được mình, hiểu được nhau khi có Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu gắn bó họ. Như ximăng bác ái gắn chặt những viên đá, hòn đá, khối đá không cùng kích thước, trọng lượng, hình thể với nhau; Đức ái kết chặt những cục đá tâm hồn muôn hình muôn dạng làm nên một đền thờ kiên cố, thánh thiện. Tình yêu nối kết, hợp nhất mọi người của mọi chủng tộc, màu da, tiếng nói, trình độ, hoàn cảnh, chính kiến. Thiếu đức yêu thương như ximăng, tất cả mọi công trình sẽ sụp đổ hoặc bỏ dở dang như tháp Babel vì gạch nung đứng xa nhau, đối kháng nhau, không hiểu nhau.

Nhà thờ chúng ta xây, nếu không dùng ximăng bác ái làm hồ, không chấp nhận những viên đá khác biệt đứng cạnh nhau, ở với nhau trước sau cũng sẽ trở thành tháp Babel kiêu căng, ganh ghét. Thiếu bác ái, nhà thờ sẽ trở thành hang trộm cướp với tham ô, lũng đoạn, buôn thần bán thánh. Thiếu yêu thương, nhà thờ sẽ biến thành chốn khoe của, khoe danh, trưng bầy tước vị, trình diễn thời trang, biểu dương quyền lực. Thiếu đức ái, nhà thờ sẽ trở thành sân khấu với đủ thứ kịch bản vô duyên, lố lăng, diễn viên hợm hĩnh, ngạo mạn, coi thường người khác, phỉ báng đồng đạo. Thiếu bác ái, nhà thờ sẽ là nơi hoạnh hoẹ, chỉ trích, đe dọa, vu khống, khủng bố nhau. Thiếu yêu thương, nhà thờ sẽ là nơi chỉ còn thiên chúa tiền bạc, thiên chúa quyền lực, thiên chúa danh vọng, thiên chúa ác ôn, thiên chúa chảnh chọe.



Sở dĩ nhà thờ dễ biến thành hang trộm cướp, sân khấu nhố nhăng và toà án khủng bố mà không bị phát hiện, chống đối là vì nhà thờ được che bằng lớp sơn nhà Chúa, được ngụy trang bằng tượng Chúa to đùng, được che chống bằng uy quyền Chúa rất oai phong, lẫm liệt, được che đậy bằng vinh danh Chúa rất cao sang và được bảo vệ bằng nhan thánh Chúa rất huy hoàng, tráng lệ. Ai dám tự tiện phong toả, kiểm tra nhà thờ? Ai dám xâm phạm nơi thánh? Chính vì thế, đám trộm cướp, buôn lậu gian tham mới tìm cho được nhà thờ để núp bóng, làm ăn an toàn.

Nói như thế không có nghĩa người viết phủ nhận ý ngay lành, công sức và tình yêu của những người suốt đời thiết tha với nhà Chúa, hao mòn vì lo xây dựng nơi thờ phượng, vất vả ngược xuôi tìm kiếm phương tiện để trùng tu nhà thờ để phục vụ đời sống thiêng liêng của xứ đạo. Người viết chỉ nêu lên nguy cơ có thể xảy ra, nếu những tâm tình và công trình thánh thiện vừa kể không xây dựng trên nền tảng bác ái, điều kiện không thể thiếu để nhà thờ xứng đáng là nhà của Thiên Chúa tình yêu. Đức Ái rất quan trọng, nhưng cũng rất mong manh, mỏng dòn, cần được thận trọng gìn giữ, phát huy. Chỉ một chút lửa kiêu căng muốn tháp chuông xứ mình phải cao hơn tháp chuông xứ bên cạnh, chỉ một tia lửa khoe tài điều quân khiển tướng, chỉ một đốm lửa háo danh muốn ghi dấu ngàn năm “triều đại “ cha xứ, chỉ một tàn lửa tự mãn “ta muốn là được” đã đủ đốt cháy nhà thờ với bao công sức xây dựng, như Giêrusalem đã hoang tàn, sụp đổ đưới chân quân thù. Quân thù đe doạ hôm nay không phải Nabucodonosor đã tàn phá đền thờ ngày xưa, nhưng là tham vọng, háo danh, say mê quyền lực. Những tia lửa tham vọng, đốm lửa háo danh, tàn lửa quyền lực sẽ phá nát tình huynh đệ, tình cha con, tình đồng đạo, tình những người con cùng một Cha trên trời và biến nhà Chúa thành hang trộm cướp, ổ mánh mung, lừa đảo như Đức Kitô đã quát mắng những người buôn bán chiên bò đang làm ô uế đền thờ (Ga 2,16).



Thách thức “sẽ xây lại đền thờ trong ba ngày”, Đức Kitô muốn nói đền thờ sẽ là chính thân xác phục sinh của Ngài. Chính Ngài mới là đền thờ xứng đáng, nơi Thiên Chúa Cha ngự. Từ nay, đền thờ không còn là công trình làm bằng gạch đá, nhưng là dân Chúa thấm nhuần bác ái, yêu thuơng luôn đón nhận sự hiện diện của Đức Kitô mà sự sống lại của Ngài đã mạc khải sức mạnh cứu rỗi của ơn sủng. Giáo Hội là đền thờ Thiên Chúa khi sống mầu nhiệm “thân thể” Đức Kitô. Dân Chúa là nhà thờ khi tuyên xưng sự chết và sống lại của Đức Kitô. Nhà thờ giáo xứ, nhà thờ giáo họ là dân chúa sống động với sự hiện diện của tình yêu Đức Kitô và tình bác ái huynh đệ của mọi người, vì “nơi nào có tình yêu, ở đó có Thiên Chúa”. Nhà thờ hôm nay phải được tiếp tục xây bằng những viên đá sống động yêu thương và trét bằng ximăng bác ái, huynh đệ. Thiên Chúa khao khát ở với con người, ở trong nhà thờ của xứ đạo. Để được như vậy, Ngài tha thiết xin ta xây dựng mỗi ngày nhà thờ của Ngài ngay trong trái tim ta, bởi nhà thờ không Tình yêu là nhà thờ không có Chúa và nhà thờ đẹp nhất, nguy nga, tráng lệ nhất, nhà thờ có tháp chuông cao tới trời, nhà thờ có Chúa ngự, có anh em quây quần, xum họp là nhà thờ được xây bằng những hòn đá yêu thương, trét bằng ximăng bác ái sống động.

Mùa Chay - Mùa Sống Đạo

Những năm vừa qua, trong cơn sốt bất động sản, nhiều cảnh mếu máo, khóc cười tang thương khi anh chị em trong nhà thưa kiện nhau ra tòa, con cái lừa gạt cha mẹ để chiếm đoạt nhà cửa, đất đai. Người ta “canh me”, cưỡng chế để giành sổ đỏ, tráo đổi giấy tờ, mạo nhận chữ ký, áp lực người này, mua chuộc người kia để chiếm nhà tổ, chiếm đất hương hoả. Xã hội điên đảo bởi những thủ đoạn, cạm bẫy ngay trong gia đình và niềm tin, tình nghĩa, trung thành, chân thật chỉ còn là những sáo ngữ, không còn hợp thời, không nhắc nhở, cảnh cáo được ai.

Tin Mừng thánh Mátthêu kể lại một cuộc cưỡng chiếm tương tự, không phải chiếm nhà, đoạt đất, nhưng chiếm hẳn cả trang trại lớn có vườn nho, có hầm ép rượu và chung quanh được rào dậu kiên cố, cẩn thận (Mt 21,33). Kẻ chiếm đoạt không phải con cái hay anh chị em trong gia đình, nhưng là những người làm vườn. Làm vườn mà âm mưu chiếm đoạt trang trại của chủ thì thật gan cùng cóc tía, uống quá đô thuốc liều. Làm công mà toan tính cướp trắng sự nghiệp của chủ thì thật không còn gì tồi tệ, đốn mạt hơn. Mấy anh làm vườn gian ác đã lần lượt vừa bắt bớ, đánh đập vừa tra tấn, hành hình, xử tử các gia nhân, sứ giả của ông chủ gửi đến để thu hoa lợi. Đến lượt chính con trai ông chủ, mấy anh làm vườn hung dữ cũng ra tay giết luôn, vì nghĩ rằng: giết được người thừa kế, chúng ta sẽ chiếm trọn gia tài (Mt 21,34-39).



Những người làm công đã chiếm gia sản của ông chủ vì tham lam; đã dùng phương sách khủng bố để thực hiện việc cưỡng chiếm vì gian dối, tàn ác. Gian dối khi không trung tín với chủ, không tôn trọng giao kèo làm việc, không ở đúng vị trí làm công như khế ước quy định. Lòng tham được ủng hộ bởi gian ác, gian ác được thúc đẩy bởi lòng tham đã biến những người làm công vốn thật thà, tận tụy, chân chất, đơn sơ thành những tên cướp hung bạo, khát máu. Những bàn tay chai sạn, gân guốc, cần cù của lao động chân chính nay đã biến thành những bàn tay sát nhân, bàn tay lý hình, bàn tay hung thần vấy máu. Tâm hồn nhân ái, bộc trực, hồn nhiên, vui vẻ của những “Hai Lúa” đã biến chất thành tâm địa lưu manh, nham hiểm, ác độc. Bả đất đai, ruộng vườn, nhà cửa đã biến dạng con người, thoái hoá tâm hồn. Giấc mộng làm chủ đã thay lòng đổi dạ người làm công hiền lành và không ai ngờ những anh làm vườn hôm qua nay mang “lòng lang dạ thú”.

Cũng như Giuse, con ông Giacóp trong Cựu Ước đã bị các anh bán cho người lái buôn chỉ vì Giuse được cha thương nhất. Lòng ganh ghét đã thúc đẩy các anh phải đề phòng thằng em vì nghĩ rằng sẽ có ngày nó nắm đầu mình; hơn nữa còn Giuse, gia tài không khéo sẽ về hết trong tay nó, nên tốt hơn cả là xoá tên nó khỏi sổ đời (St 37,3-4.12-13a.17b-28). Abel đã bị anh là Cain giết cũng chỉ vì của lễ của Abel được Thiên Chúa nhận. Chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt quyền làm chủ là hệ quả của lòng tham và ganh ghét cố hữu của con người. Rơi vào hố sâu của lòng tham, ganh ghét, ai cũng sẽ hành động một cách gian ác, hung bạo như Cain, các anh của Giuse và những người làm vườn được kể trong Kinh Thánh.



Câu chuyện chiếm trang trại được Đức Kitô cắt nghĩa rõ ràng: trang trại là Nước Trời, những người làm vườn là dân được Thiên Chúa chọn. Thay vì phát triển trang trại, làm vườn nho thêm hoa lợi; thay vì vui vẻ, đoàn kết, yêu thương chung sức làm việc, thay vì vun xới cho chủ và nghe lời chủ, những người làm vườn đã gian dối, âm mưu làm ngược lại: đóng cửa vườn, bắt giết người, không làm sinh lợi hoa mầu, chiếm đoạt trang trại làm của riêng, phản nghịch chủ. Và tất nhiên, những người làm vườn bất trung, hung dữ, tham lam, ích kỷ, gian dối đã bị tiêu diệt hoặc đuổi ra khỏi trang trại và ông chủ trao trang trại cho những người làm vườn mới (Mt 21,40-43).

Nếu có ai trong chúng ta bạo gan, uống sẵn thuốc liều lên tiếng: “Những người làm vườn gian ác đó là chính chúng ta”, thì không biết bạn sẽ phản ứng thế nào…?

Giáo phận, xứ đạo, họ đạo, hội đoàn nơi ta đang có mặt như thành viên chính là trang trại - Nước Trời. Nước Trời được trao cho ta cũng như trang trại được trao cho những người làm vườn. Được trao để làm lớn rộng, sinh sôi nảy nở thêm; được trao để chia sẻ, nối vòng tay lớn với mọi người; được trao để thu về hoa lợi dồi dào. Nước Trời không được trao để khư khư giữ riêng; không được trao để cổng khoá kín, tường xây cao, không cho ai qua lại, ra vào; không được trao để một mình hưởng lợi, một mình tung hoành, một mình múa gậy nhố nhăng; không được trao để chiếm làm của riêng, để chạy sổ đỏ với tên mình. Nước Trời được trao cho ta, nhưng Nước Trời không thuộc quyền ta sở hữu, vì ta chỉ là người làm công cho Nước Trời. Nước Trời cũng không do ta lập, như trang trại thuộc về ông chủ, nên kế hoạch lớn của Nước Trời, mầu nhiệm thẳm sâu của Nước Trời không thuộc thẩm quyền của ta, vì ta chỉ là người làm công phải làm những gì ông chủ muốn, ông chủ dặn. Nước Trời có hiến chương, luật pháp như trang trại có kỷ cương, kỷ luật, ta không có quyền vi phạm, xóa bỏ hay thay đổi kỷ cương, hiến pháp, vì người làm công không có quyền của chủ và chỉ thi hành những gì luật định. Nước Trời có tổ chức nhân sự riêng của Nước Trời, như trang trại có người đại diện chủ điều hành, thanh tra, ta không có quyền truất phế, đảo chánh, chiếm đoạt chức vị, vì người làm công chỉ biết tuân phục chủ và chu toàn bổn phận làm vườn.



Nếu lần lượt kể những khuôn mặt làm công trong trang trại Nước Trời hôm nay, ta sẽ ít nhiều giật mình vì có nhiều đột xuất, bất ngờ:

Có khuôn mặt khư khư giữ Đạo và không hiểu truyền giáo là gì. Với những người này, Nước Trời là của riêng, là kho tàng chỉ dành cho những người có Đạo như họ. Hơn thế nữa, trong số những người có Đạo chưa hẳn tất cả đều được phúc có Đạo trọn vẹn, hoàn hảo như họ. Họ mơ một Thiên Đàng chỉ có họ, gia đình họ và một số người họ thích, họ thân. Nhìn quanh trong nhà thờ, họ thấy ai cũng bất xứng, kém cỏi lòng đạo, khô khan, nhếch nhác, chỉ có họ là “số một” và bằng mọi giá họ phải giữ Đạo, không để Đạo lọt sang tay người khác. Việc truyền giáo với họ vì thế chỉ là chuyện “giời ơi”, chuyện “hồn ai nấy lo”.





Có khuôn mặt hung hăng hơn: không chỉ giữ đạo cho mình, họ còn giữ để Đạo khỏi bị người ngoài đạo gây ảnh hưởng xấu. Họ coi Đạo là một đồ vật mà người không rửa tay sờ vào sẽ làm dơ bẩn. Tránh cho Đạo khỏi mọi nguy cơ biến thái, họ đào hầm chôn Đạo thật kỹ, rào dậu thật kín để không ai vào Đạo được. Nỗi lo âu, sợ hãi Đạo bị ô nhiễm, lây bệnh đã làm họ rùng mình khi thấy Đạo bung ra mọi nơi, đến với mọi người, tìm gặp mọi dân tộc. Họ ngao ngán lắc đầu chờ ngày Đạo tàn vì những cánh cửa Đạo cứ mở toang, chẳng biết đề phòng gió độc, hơi độc từ bên ngoài và Đạo trở thành một ám ảnh sợ hãi đè nặng tâm hồn và ức chế nỗi lo âu của họ.

Có khuôn mặt độc tài muốn nắm Đạo trong tay và dần dần biến Đạo thành một tổ chức như các tổ chức trần tục khác. Đạo với họ là thành trì, pháo đài có sức mạnh trần thế vì dựa vào quyền lực, tiền bạc, số đông. Cần số đông, họ truyền giáo kiểu tuyển quân; cần tiền, họ ki cóp dưới chiêu bài dâng cúng lo việc thờ phượng; cần quyền lực, họ không từ bất cứ một thủ đoạn mưu mô nào. Đạo trở thành sự nghiệp họ phải đạt và Đạo là thành quả của chính họ, bởi ở đây họ có tất cả: tiền, tình, tài.

Có khuôn mặt độc ác: ở trong Đạo nhưng phá Đạo. Đạo là phương tiện vinh thân, là địa đạo cất giấu những ý đồ đen tối. Thần dữ mượn tay họ để chia rẽ, phá hoại. Ma quỷ dùng nhãn hiệu Đạo của họ để phá Đạo và nhiều người có Đạo phải khổ sở, lao đao vì họ. Chính họ là người nhúng tay tiêu diệt những sứ giả của Chúa và gây nên những phong trào chống phá, bôi nhọ làm siêu lòng, nản chí nhiều người, đồng thời chặn đường truyền giáo cũng như đường về của nhiều tâm hồn thiện chí.



Một vài khuôn mặt tiêu biểu đã phần nào nói lên tình trạng nhiều người có Đạo nhưng không sống Đạo, nhiều người có Đạo chỉ để giữ Đạo, bảo vệ Đạo, phá Đạo. Có Đạo như ý muốn của Đức Kitô, Đấng sáng lập Đạo vẫn có thể là điều nhiều người có Đạo chưa biết đến hoặc còn mù mờ lẫn lộn.

Như những người làm vườn được ông chủ tuyển chọn, người có Đạo được Thiên Chúa kêu gọi đi với Ngài, cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ nhân loại. Hơn những người làm công, người có Đạo qua bí tích Thánh Tẩy được tháp nhập vào thân thể của Đức Kitô là Giáo Hội để trở thành con cái, bạn nghĩa thiết, môn đệ, cộng tác viên được tín nhiệm, ủy quyền. Họ biết Chúa một cách thiết thân và gắn bó, gần gũi Ngài. Vì thế, đòi hỏi đầu tiên của người có Đạo là phải có Chúa, phải mang Chúa trong cuộc đời, có Chúa trong cuộc sống. Không có Chúa, không được gọi là người có Đạo, vì tên cúng cơm của người có Đạo là “Kitô hữu, người có Chúa Kitô”. Để có Chúa, người có Đạo phải liên lạc, trao đổi, hiệp thông, hiệp nhất với Chúa qua cầu nguyện, lãnh nhận các Bí Tích, tham dự tiệc Thánh Thể… Để có Chúa, người tín hữu phải đặt để đời mình trong đời Chúa, tim mình trong tim Chúa và dấn thân bước theo Ngài trên mọi nẻo đường như các môn đệ ngày xưa đã đi theo và ở gần kề đêm ngày bên Đức Kitô. Có Chúa, người có Đạo sẽ có tình yêu và trong tình yêu, không được phép phản bội, ganh ghét, tị hiềm. Trong tình yêu, không có chiếm đoạt, lật đổ, dối gian, kiêu căng, ngạo mạn. Không như những người làm công phản phúc, không tình nghĩa với chủ, người có Đạo luôn ở trong tình nghĩa với Thiên Chúa, Đấng sai họ vào làm trong vườn nho của Ngài (Ga 15,1-10).

Gắn bó với Chúa qua cầu nguyện, người tín hữu còn sống tình yêu của Chúa để yêu mến mọi người. Nếu tên gọi người có Đạo là “Người có Chúa Kitô”, thì huy hiệu của người có Đạo là “Bác ái”; bởi “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con thương yêu nhau”. Vì thế không thương yêu, không thể được gọi là người có Đạo, người có Chúa Kitô, vì Thiên Chúa là Tình Yêu và ai yêu thương thì ở trong Ngài và Ngài ở trong người ấy. Những người làm công đã không yêu thương nên không thể ở trong trang trại - Nước Trời của Thiên Chúa Tình yêu. Tình yêu như ánh sáng không ở chung với bóng tối hận thù. Mang tâm địa gian manh, hung ác, những người làm công không thể chu toàn sứ mệnh là chứng nhân tình yêu trong Nước Tình yêu của Đấng là Tình yêu. Vườn nho của Chúa là Giáo Hội với sứ mệnh làm chứng Thiên Chúa là Tình yêu sẽ chỉ trung thành với Đức Kitô, đấng sáng lập khi Giáo Hội ấy sống triệt để yêu thương. Sứ mệnh làm chứng phải bắt đầu từ chứng nhân khi họ biết yêu thương nhau và thực hiện giới luật mới Yêu thương của Nước Trời. Không yêu thương, tổ chức, hiệp hội nào rồi cũng tan hàng, giải tán. Thiếu yêu thương, xứ đạo, giáo phận nào rồi cũng hoang tàn, xơ xác. Yêu thương là sức sống và lẽ sống của người có Đạo, nên nói đến người có Đạo, người ta phải hình dung ngay một người rất yêu thương (Ga 15,12.17).



Cầu nguyện, yêu thương - bác ái chưa đủ, người có Đạo còn phải chu toàn nghĩa vụ truyền giáo. Truyền giáo là giới thiệu Đức Kitô Tình yêu nhập thể cho mọi người, là nói cho họ Tin Mừng: họ được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc. Đi Đạo mà không ra đi khỏi lòng mình, nhà mình, xứ đạo mình, giáo phận mình để giới thiệu Đức Kitô cho những người, những nơi chưa biết thì chưa được kể là người có Đạo. Có Đạo kiểu giữ khư khư Đạo cho riêng mình thì chẳng khác gì người đốt đèn rồi bỏ vào thùng đậy nắp lại, ánh sáng chẳng chiếu cho ai và đèn chẳng ích dụng gì. Đức Kitô không lập Giáo Hội cho một sắc dân, một chủng tộc hay một chủ nghĩa, Ngài lập Giáo Hội cho tất cả mọi người, ở mọi thời, khắp mọi nơi. Lệnh truyền của Ngài cho những người đi theo Ngài là “hãy đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng cho mọi người” (Mc 26,15). Loan báo Tin Mừng là đặc tính của người tín hữu, người mang Chúa Kitô. Bản chất của Tin Mừng là được san sẻ như bản chất của Tình Yêu là thông ban. Tình yêu luôn đòi chia sẻ, mở ra, đến với. Tình giữ kín, tình đóng hộp, tình nhốt lồng, bỏ rọ sẽ biến thành một thứ tình chết non, chết ngộp. Chính vì thế, khi những người làm công lười biếng muốn chiếm đoạt trang trại làm của riêng mình, họ đã đóng cổng không cho ai vào, tức là chỉ muốn Đạo của riêng mình, Nước Trời thuộc về mình. Thiếu tình yêu, bác ái, nên ý thức truyền giáo, chia sẻ Tin Mừng cứu độ với người khác cũng không còn. Mất ý thức truyền giáo, người có Đạo cũng sẽ đánh mất bản chất “có Chúa Kitô” của mình và đời sống Đạo của họ sẽ ngày càng èo uột, héo úa như thánh Phaolô đã than thở: “Khốn cho tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9,16).



Sống Đạo là sống ba căn tính của người tín hữu, người có Chúa Kitô. Đó là sống cầu nguyện, sống bác ái, sống truyền giáo. Cả ba cùng đi, cùng làm cho đời sống người có Đạo tràn đầy sức sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Cả ba gắn bó hiệp nhất, nên không thể thiếu một trong ba: có gắn bó thân mật với Chúa là Tình Yêu, ta mới yêu thương, bác ái; có yêu thương, bác ái, ta mới làm chứng được Thiên Chúa là Tình yêu.

Được gọi vào làm việc trong vườn nho Nước Trời và mang tên người có Chúa Kitô, chúng ta đừng để bị Chúa lên án, đuổi ra vì kiểu giữ đạo ích kỷ, kiểu giữ đạo tham lam, kiểu giữ đạo độc quyền, lười biếng như những người làm công thất tín, bất trung, tham lam, kiêu ngạo trong Tin Mừng. Xin cho Mùa Chay trở về với niềm vui sống Đạo: niềm vui cầu nguyện, niềm vui bác ái, niềm vui loan báo Tin Mừng để mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng: “Hỡi tôi tớ tốt lành và trung tín. Hãy vào hưởng hạnh phúc với chủ ngươi” (Mt 25,21).

Đôi Mắt Không Yêu Thương!


    
    Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 8 Thường Niên, Năm C
    Mắt là cơ năng biểu lộ nhanh và hiệu quả nhất tình yêu ta dành cho người khác. Kinh nghiệm yêu thương cho thấy : chỉ một ánh mắt thôi cũng đã đủ gửi trao nhau trọn cuộc đời, và chỉ một cái nhìn thôi cũng có thể thay đổi cả cuộc đời nhau.
    Tin Mừng Luca không vẽ lên đôi mắt yêu thương, trìu mến, nhưng phác họa những con mắt không chút yêu thương, với những đặc điểm :
    1/ Chỉ soi mói những cái xấu nơi người khác :
    Đặc điểm dễ thấy nhất ở những con mắt không tình yêu này là chỉ moi móc, tìm tòi, "canh me" những điểm tiêu cực nơi người, mà không bao giờ nhìn vào chính mình. Những đôi mắt ấy rất nhậy bén với cái xấu, vì tự thân đã xấu, say mê điều xấu, thích sưu tầm điểm xấu nơi người khác. Những đôi mắt ấy chụp rất nhanh, nhưng không chính xác những thiếu sót, khuyết điểm nơi người chung quanh, vì con mắt ấy mờ đục do bệnh ganh ghét, kiêu căng cố hữu.
     Đức Giêsu đã phơi bầy những đôi mắt xấu, bệnh hoạn, đui chột, mờ đục vì không yêu thương khi lên tiếng khiển trách : “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới ?” (Lc 6,41).
     2/ Trơ trẽn chỉ trích và lố bịch can thiệp vào chuyện đời người khác :
      Không chỉ xâm soi những yếu kém của người, những con mắt cú vọ không yêu thương ấy còn trân tráo, vô duyên lên mặt dậy đời, lên lớp giảng luân lý, lên gân trích dẫn hết bộ luật này đến khoản luật kia với duy nhất chủ đích bôi bác mà không che chống, khinh bỉ mà không bảo vệ, đốn gục mà không nâng dậy, hủy diệt mà không cứu chữa người anh em còn thiếu sót, khuyết điểm.
     Đức Giêsu lên án những đôi mắt xâm phạm, làm tổn thương con người ấy trong Tin Mừng hôm nay : “Sao anh lại có thể nói với người anh em : Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong mắt anh ra, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em !” (Lc 6, 42).
     3/ Chỉ mang lại hậu quả tang thương, tai hại cho người khác và cho chính mình :
    Hình ảnh hai anh mù đưa nhau xuống hố trong Tin Mừng là hậu quả không thể tránh (Lc 6, 39), nếu chúng ta đi theo hướng dẫn của những đôi mắt không yêu thương này, bởi chỉ cây tốt mới cho được trái ngon, và cây xấu sẽ chỉ sinh trái độc (Lc 6, 43).
    Điều Thiên Chúa muốn cảnh giác chúng ta là phải tránh xa những đôi mắt không ánh sáng tình yêu, nhưng đui mù vì kiêu căng, tự mãn, mờ đục vì ghen tuông, đố kỵ đó, bởi chúng sẽ làm đui chột tâm hồn, làm mờ đục cuộc đời của chúng ta bằng chính sự mù loà, đui chột của chúng. Tránh xa chúng bằng không nghe lời chúng bàn, không theo đường chúng chỉ, bởi chúng có thấy gì đâu mà khuyên răn, sửa chữa; có thấy gì đâu mà dẫn lối, chỉ đường ?
     Ước gì mỗi ngày chúng ta không quên kiểm tra đôi mắt để mắt luôn trong sáng, trong sạch, hầu được chiêm ngắm Thiên Chúa và kỳ công của Ngài, trong đó con người là kỳ công tuyệt vời Thiên Chúa đã tạo dựng do tình yêu và cho tình yêu. Và như thế, với đôi mắt trong vắt tình yêu, chúng ta được chiêm ngắm chính Thiên Chúa yêu thương trong người anh em luôn được yêu thương bởi Thiên Chúa, để không bao giờ chúng ta nhìn anh em cách tiêu cực và chỉ ở những điểm tiêu cực, nhưng nhìn thấy Chúa là tình yêu, và phụng sự Chúa trong mọi người.

Jorathe Nắng Tím