Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

Mùa Chay - Mùa Sống Đạo

Những năm vừa qua, trong cơn sốt bất động sản, nhiều cảnh mếu máo, khóc cười tang thương khi anh chị em trong nhà thưa kiện nhau ra tòa, con cái lừa gạt cha mẹ để chiếm đoạt nhà cửa, đất đai. Người ta “canh me”, cưỡng chế để giành sổ đỏ, tráo đổi giấy tờ, mạo nhận chữ ký, áp lực người này, mua chuộc người kia để chiếm nhà tổ, chiếm đất hương hoả. Xã hội điên đảo bởi những thủ đoạn, cạm bẫy ngay trong gia đình và niềm tin, tình nghĩa, trung thành, chân thật chỉ còn là những sáo ngữ, không còn hợp thời, không nhắc nhở, cảnh cáo được ai.

Tin Mừng thánh Mátthêu kể lại một cuộc cưỡng chiếm tương tự, không phải chiếm nhà, đoạt đất, nhưng chiếm hẳn cả trang trại lớn có vườn nho, có hầm ép rượu và chung quanh được rào dậu kiên cố, cẩn thận (Mt 21,33). Kẻ chiếm đoạt không phải con cái hay anh chị em trong gia đình, nhưng là những người làm vườn. Làm vườn mà âm mưu chiếm đoạt trang trại của chủ thì thật gan cùng cóc tía, uống quá đô thuốc liều. Làm công mà toan tính cướp trắng sự nghiệp của chủ thì thật không còn gì tồi tệ, đốn mạt hơn. Mấy anh làm vườn gian ác đã lần lượt vừa bắt bớ, đánh đập vừa tra tấn, hành hình, xử tử các gia nhân, sứ giả của ông chủ gửi đến để thu hoa lợi. Đến lượt chính con trai ông chủ, mấy anh làm vườn hung dữ cũng ra tay giết luôn, vì nghĩ rằng: giết được người thừa kế, chúng ta sẽ chiếm trọn gia tài (Mt 21,34-39).



Những người làm công đã chiếm gia sản của ông chủ vì tham lam; đã dùng phương sách khủng bố để thực hiện việc cưỡng chiếm vì gian dối, tàn ác. Gian dối khi không trung tín với chủ, không tôn trọng giao kèo làm việc, không ở đúng vị trí làm công như khế ước quy định. Lòng tham được ủng hộ bởi gian ác, gian ác được thúc đẩy bởi lòng tham đã biến những người làm công vốn thật thà, tận tụy, chân chất, đơn sơ thành những tên cướp hung bạo, khát máu. Những bàn tay chai sạn, gân guốc, cần cù của lao động chân chính nay đã biến thành những bàn tay sát nhân, bàn tay lý hình, bàn tay hung thần vấy máu. Tâm hồn nhân ái, bộc trực, hồn nhiên, vui vẻ của những “Hai Lúa” đã biến chất thành tâm địa lưu manh, nham hiểm, ác độc. Bả đất đai, ruộng vườn, nhà cửa đã biến dạng con người, thoái hoá tâm hồn. Giấc mộng làm chủ đã thay lòng đổi dạ người làm công hiền lành và không ai ngờ những anh làm vườn hôm qua nay mang “lòng lang dạ thú”.

Cũng như Giuse, con ông Giacóp trong Cựu Ước đã bị các anh bán cho người lái buôn chỉ vì Giuse được cha thương nhất. Lòng ganh ghét đã thúc đẩy các anh phải đề phòng thằng em vì nghĩ rằng sẽ có ngày nó nắm đầu mình; hơn nữa còn Giuse, gia tài không khéo sẽ về hết trong tay nó, nên tốt hơn cả là xoá tên nó khỏi sổ đời (St 37,3-4.12-13a.17b-28). Abel đã bị anh là Cain giết cũng chỉ vì của lễ của Abel được Thiên Chúa nhận. Chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt quyền làm chủ là hệ quả của lòng tham và ganh ghét cố hữu của con người. Rơi vào hố sâu của lòng tham, ganh ghét, ai cũng sẽ hành động một cách gian ác, hung bạo như Cain, các anh của Giuse và những người làm vườn được kể trong Kinh Thánh.



Câu chuyện chiếm trang trại được Đức Kitô cắt nghĩa rõ ràng: trang trại là Nước Trời, những người làm vườn là dân được Thiên Chúa chọn. Thay vì phát triển trang trại, làm vườn nho thêm hoa lợi; thay vì vui vẻ, đoàn kết, yêu thương chung sức làm việc, thay vì vun xới cho chủ và nghe lời chủ, những người làm vườn đã gian dối, âm mưu làm ngược lại: đóng cửa vườn, bắt giết người, không làm sinh lợi hoa mầu, chiếm đoạt trang trại làm của riêng, phản nghịch chủ. Và tất nhiên, những người làm vườn bất trung, hung dữ, tham lam, ích kỷ, gian dối đã bị tiêu diệt hoặc đuổi ra khỏi trang trại và ông chủ trao trang trại cho những người làm vườn mới (Mt 21,40-43).

Nếu có ai trong chúng ta bạo gan, uống sẵn thuốc liều lên tiếng: “Những người làm vườn gian ác đó là chính chúng ta”, thì không biết bạn sẽ phản ứng thế nào…?

Giáo phận, xứ đạo, họ đạo, hội đoàn nơi ta đang có mặt như thành viên chính là trang trại - Nước Trời. Nước Trời được trao cho ta cũng như trang trại được trao cho những người làm vườn. Được trao để làm lớn rộng, sinh sôi nảy nở thêm; được trao để chia sẻ, nối vòng tay lớn với mọi người; được trao để thu về hoa lợi dồi dào. Nước Trời không được trao để khư khư giữ riêng; không được trao để cổng khoá kín, tường xây cao, không cho ai qua lại, ra vào; không được trao để một mình hưởng lợi, một mình tung hoành, một mình múa gậy nhố nhăng; không được trao để chiếm làm của riêng, để chạy sổ đỏ với tên mình. Nước Trời được trao cho ta, nhưng Nước Trời không thuộc quyền ta sở hữu, vì ta chỉ là người làm công cho Nước Trời. Nước Trời cũng không do ta lập, như trang trại thuộc về ông chủ, nên kế hoạch lớn của Nước Trời, mầu nhiệm thẳm sâu của Nước Trời không thuộc thẩm quyền của ta, vì ta chỉ là người làm công phải làm những gì ông chủ muốn, ông chủ dặn. Nước Trời có hiến chương, luật pháp như trang trại có kỷ cương, kỷ luật, ta không có quyền vi phạm, xóa bỏ hay thay đổi kỷ cương, hiến pháp, vì người làm công không có quyền của chủ và chỉ thi hành những gì luật định. Nước Trời có tổ chức nhân sự riêng của Nước Trời, như trang trại có người đại diện chủ điều hành, thanh tra, ta không có quyền truất phế, đảo chánh, chiếm đoạt chức vị, vì người làm công chỉ biết tuân phục chủ và chu toàn bổn phận làm vườn.



Nếu lần lượt kể những khuôn mặt làm công trong trang trại Nước Trời hôm nay, ta sẽ ít nhiều giật mình vì có nhiều đột xuất, bất ngờ:

Có khuôn mặt khư khư giữ Đạo và không hiểu truyền giáo là gì. Với những người này, Nước Trời là của riêng, là kho tàng chỉ dành cho những người có Đạo như họ. Hơn thế nữa, trong số những người có Đạo chưa hẳn tất cả đều được phúc có Đạo trọn vẹn, hoàn hảo như họ. Họ mơ một Thiên Đàng chỉ có họ, gia đình họ và một số người họ thích, họ thân. Nhìn quanh trong nhà thờ, họ thấy ai cũng bất xứng, kém cỏi lòng đạo, khô khan, nhếch nhác, chỉ có họ là “số một” và bằng mọi giá họ phải giữ Đạo, không để Đạo lọt sang tay người khác. Việc truyền giáo với họ vì thế chỉ là chuyện “giời ơi”, chuyện “hồn ai nấy lo”.





Có khuôn mặt hung hăng hơn: không chỉ giữ đạo cho mình, họ còn giữ để Đạo khỏi bị người ngoài đạo gây ảnh hưởng xấu. Họ coi Đạo là một đồ vật mà người không rửa tay sờ vào sẽ làm dơ bẩn. Tránh cho Đạo khỏi mọi nguy cơ biến thái, họ đào hầm chôn Đạo thật kỹ, rào dậu thật kín để không ai vào Đạo được. Nỗi lo âu, sợ hãi Đạo bị ô nhiễm, lây bệnh đã làm họ rùng mình khi thấy Đạo bung ra mọi nơi, đến với mọi người, tìm gặp mọi dân tộc. Họ ngao ngán lắc đầu chờ ngày Đạo tàn vì những cánh cửa Đạo cứ mở toang, chẳng biết đề phòng gió độc, hơi độc từ bên ngoài và Đạo trở thành một ám ảnh sợ hãi đè nặng tâm hồn và ức chế nỗi lo âu của họ.

Có khuôn mặt độc tài muốn nắm Đạo trong tay và dần dần biến Đạo thành một tổ chức như các tổ chức trần tục khác. Đạo với họ là thành trì, pháo đài có sức mạnh trần thế vì dựa vào quyền lực, tiền bạc, số đông. Cần số đông, họ truyền giáo kiểu tuyển quân; cần tiền, họ ki cóp dưới chiêu bài dâng cúng lo việc thờ phượng; cần quyền lực, họ không từ bất cứ một thủ đoạn mưu mô nào. Đạo trở thành sự nghiệp họ phải đạt và Đạo là thành quả của chính họ, bởi ở đây họ có tất cả: tiền, tình, tài.

Có khuôn mặt độc ác: ở trong Đạo nhưng phá Đạo. Đạo là phương tiện vinh thân, là địa đạo cất giấu những ý đồ đen tối. Thần dữ mượn tay họ để chia rẽ, phá hoại. Ma quỷ dùng nhãn hiệu Đạo của họ để phá Đạo và nhiều người có Đạo phải khổ sở, lao đao vì họ. Chính họ là người nhúng tay tiêu diệt những sứ giả của Chúa và gây nên những phong trào chống phá, bôi nhọ làm siêu lòng, nản chí nhiều người, đồng thời chặn đường truyền giáo cũng như đường về của nhiều tâm hồn thiện chí.



Một vài khuôn mặt tiêu biểu đã phần nào nói lên tình trạng nhiều người có Đạo nhưng không sống Đạo, nhiều người có Đạo chỉ để giữ Đạo, bảo vệ Đạo, phá Đạo. Có Đạo như ý muốn của Đức Kitô, Đấng sáng lập Đạo vẫn có thể là điều nhiều người có Đạo chưa biết đến hoặc còn mù mờ lẫn lộn.

Như những người làm vườn được ông chủ tuyển chọn, người có Đạo được Thiên Chúa kêu gọi đi với Ngài, cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ nhân loại. Hơn những người làm công, người có Đạo qua bí tích Thánh Tẩy được tháp nhập vào thân thể của Đức Kitô là Giáo Hội để trở thành con cái, bạn nghĩa thiết, môn đệ, cộng tác viên được tín nhiệm, ủy quyền. Họ biết Chúa một cách thiết thân và gắn bó, gần gũi Ngài. Vì thế, đòi hỏi đầu tiên của người có Đạo là phải có Chúa, phải mang Chúa trong cuộc đời, có Chúa trong cuộc sống. Không có Chúa, không được gọi là người có Đạo, vì tên cúng cơm của người có Đạo là “Kitô hữu, người có Chúa Kitô”. Để có Chúa, người có Đạo phải liên lạc, trao đổi, hiệp thông, hiệp nhất với Chúa qua cầu nguyện, lãnh nhận các Bí Tích, tham dự tiệc Thánh Thể… Để có Chúa, người tín hữu phải đặt để đời mình trong đời Chúa, tim mình trong tim Chúa và dấn thân bước theo Ngài trên mọi nẻo đường như các môn đệ ngày xưa đã đi theo và ở gần kề đêm ngày bên Đức Kitô. Có Chúa, người có Đạo sẽ có tình yêu và trong tình yêu, không được phép phản bội, ganh ghét, tị hiềm. Trong tình yêu, không có chiếm đoạt, lật đổ, dối gian, kiêu căng, ngạo mạn. Không như những người làm công phản phúc, không tình nghĩa với chủ, người có Đạo luôn ở trong tình nghĩa với Thiên Chúa, Đấng sai họ vào làm trong vườn nho của Ngài (Ga 15,1-10).

Gắn bó với Chúa qua cầu nguyện, người tín hữu còn sống tình yêu của Chúa để yêu mến mọi người. Nếu tên gọi người có Đạo là “Người có Chúa Kitô”, thì huy hiệu của người có Đạo là “Bác ái”; bởi “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con thương yêu nhau”. Vì thế không thương yêu, không thể được gọi là người có Đạo, người có Chúa Kitô, vì Thiên Chúa là Tình Yêu và ai yêu thương thì ở trong Ngài và Ngài ở trong người ấy. Những người làm công đã không yêu thương nên không thể ở trong trang trại - Nước Trời của Thiên Chúa Tình yêu. Tình yêu như ánh sáng không ở chung với bóng tối hận thù. Mang tâm địa gian manh, hung ác, những người làm công không thể chu toàn sứ mệnh là chứng nhân tình yêu trong Nước Tình yêu của Đấng là Tình yêu. Vườn nho của Chúa là Giáo Hội với sứ mệnh làm chứng Thiên Chúa là Tình yêu sẽ chỉ trung thành với Đức Kitô, đấng sáng lập khi Giáo Hội ấy sống triệt để yêu thương. Sứ mệnh làm chứng phải bắt đầu từ chứng nhân khi họ biết yêu thương nhau và thực hiện giới luật mới Yêu thương của Nước Trời. Không yêu thương, tổ chức, hiệp hội nào rồi cũng tan hàng, giải tán. Thiếu yêu thương, xứ đạo, giáo phận nào rồi cũng hoang tàn, xơ xác. Yêu thương là sức sống và lẽ sống của người có Đạo, nên nói đến người có Đạo, người ta phải hình dung ngay một người rất yêu thương (Ga 15,12.17).



Cầu nguyện, yêu thương - bác ái chưa đủ, người có Đạo còn phải chu toàn nghĩa vụ truyền giáo. Truyền giáo là giới thiệu Đức Kitô Tình yêu nhập thể cho mọi người, là nói cho họ Tin Mừng: họ được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc. Đi Đạo mà không ra đi khỏi lòng mình, nhà mình, xứ đạo mình, giáo phận mình để giới thiệu Đức Kitô cho những người, những nơi chưa biết thì chưa được kể là người có Đạo. Có Đạo kiểu giữ khư khư Đạo cho riêng mình thì chẳng khác gì người đốt đèn rồi bỏ vào thùng đậy nắp lại, ánh sáng chẳng chiếu cho ai và đèn chẳng ích dụng gì. Đức Kitô không lập Giáo Hội cho một sắc dân, một chủng tộc hay một chủ nghĩa, Ngài lập Giáo Hội cho tất cả mọi người, ở mọi thời, khắp mọi nơi. Lệnh truyền của Ngài cho những người đi theo Ngài là “hãy đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng cho mọi người” (Mc 26,15). Loan báo Tin Mừng là đặc tính của người tín hữu, người mang Chúa Kitô. Bản chất của Tin Mừng là được san sẻ như bản chất của Tình Yêu là thông ban. Tình yêu luôn đòi chia sẻ, mở ra, đến với. Tình giữ kín, tình đóng hộp, tình nhốt lồng, bỏ rọ sẽ biến thành một thứ tình chết non, chết ngộp. Chính vì thế, khi những người làm công lười biếng muốn chiếm đoạt trang trại làm của riêng mình, họ đã đóng cổng không cho ai vào, tức là chỉ muốn Đạo của riêng mình, Nước Trời thuộc về mình. Thiếu tình yêu, bác ái, nên ý thức truyền giáo, chia sẻ Tin Mừng cứu độ với người khác cũng không còn. Mất ý thức truyền giáo, người có Đạo cũng sẽ đánh mất bản chất “có Chúa Kitô” của mình và đời sống Đạo của họ sẽ ngày càng èo uột, héo úa như thánh Phaolô đã than thở: “Khốn cho tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9,16).



Sống Đạo là sống ba căn tính của người tín hữu, người có Chúa Kitô. Đó là sống cầu nguyện, sống bác ái, sống truyền giáo. Cả ba cùng đi, cùng làm cho đời sống người có Đạo tràn đầy sức sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Cả ba gắn bó hiệp nhất, nên không thể thiếu một trong ba: có gắn bó thân mật với Chúa là Tình Yêu, ta mới yêu thương, bác ái; có yêu thương, bác ái, ta mới làm chứng được Thiên Chúa là Tình yêu.

Được gọi vào làm việc trong vườn nho Nước Trời và mang tên người có Chúa Kitô, chúng ta đừng để bị Chúa lên án, đuổi ra vì kiểu giữ đạo ích kỷ, kiểu giữ đạo tham lam, kiểu giữ đạo độc quyền, lười biếng như những người làm công thất tín, bất trung, tham lam, kiêu ngạo trong Tin Mừng. Xin cho Mùa Chay trở về với niềm vui sống Đạo: niềm vui cầu nguyện, niềm vui bác ái, niềm vui loan báo Tin Mừng để mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng: “Hỡi tôi tớ tốt lành và trung tín. Hãy vào hưởng hạnh phúc với chủ ngươi” (Mt 25,21).