Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

NHÀ ĐẤT


     “Tấc đất, tấc vàng ; người sinh sôi, đất không nở ; muốn giầu nhanh thì kinh doanh nhà đất”. Đó là những câu nói quen thuộc ở Việt Nam, không chỉ trong cơn sốt nhà đất, mà hầu như ngày nào cũng được nghe. Nghe riết rồi qúy đất, thèm nhà ; nghe hoài rồi nghiền nhà, “ngáo” đất lúc nào không hay. Nghiền đến độ bất chấp đạo đức, danh dự, miễn sao có đất. “Ngáo đất” như  “ngáo đá” đến mức không còn biết ân sâu nghiã nặng, tình ruột rà mẹ cha, anh em, miễn sao có thêm được tấc nhà.
    Người ta cần đất để sống. Đất là điều kiện quan trọng, không thể thiếu để  khai sinh một quốc gia. Vợ chồng mới cưới cũng phải nghĩ đến đất để xây dựng tổ ấm, sinh sống, tồn tại. Có đất mới có nhà, vì đất cưu mang nhà, nên đất với nhà như thuyền với nước. Nước lên thì thuyền lên : nhà lên giá thì đất được mùa ; đất sôi giá, thì nhà theo đất xả ga.        
    Cuộc đời mỗi người thường bắt đầu từ nhà bảo sanh, rồi nhà cha mẹ, nhà trường, nhà thờ, nhà vợ, nhà chồng, nhà thương, nhà dưỡng lão. Ai đi tu thì có nhà dòng, nhà chùa thay nhà chồng, nhà vợ, nhưng ít ai thoát  khỏi nhà quàn, nhà xác, nhà tang lễ, ở cuối đường đời, trừ những người chết tan xác vì tai nạn máy bay, hoặc mất xác vì chiến tranh, bom đạn.
    Dù biết rõ cuối đường đời, giầu nghèo, sang hèn, ai cũng chỉ còn lại một chút đất để chôn, để gửi gắm tấm thân chờ phân hủy thành đất, nhưng không mấy người đứng vững trước cám dỗ của nhà đất. Xã hội Việt Nam hôm nay, dù có che đậy, giấu diếm thế nào đi nữa, cũng không thể chối cãi một hiện trạng đáng buồn trong chuyện nhà đất. Buồn vì nhiều người bị chiếm đất, chiếm nhà, nên không nhà ở, không đất sống. Buồn vì nhiều gia đình tan nát, do những tấc đất phân chia không đều. Buồn vì huynh đệ tương tàn do tranh giành từng ô vuông đất, từng phân ly nền nhà có khi chỉ lớn bằng bàn tay. Buồn vì láng giềng tuyệt giao, bạn bè xa nhau biền biệt chỉ vì tham mà thất tín, thất trung, lừa đảo, tiếm đoạt nhà đất của nhau. Và buồn nhất là không ai còn dám tin ai trong chuyện nhà đất, bởi nhờ đứng tên là mất luôn tên đất, tên nhà ; nhờ trông đất, giữ nhà là mất ngay quyền trở lại trong nhà, trên đất. Một xã hội say đất, say nhà đã biến con người của xã hội ấy thành những kẻ không còn nhận ra một giá trị nào cao hơn, đáng giá hơn nhà đất. Nhà đất trở thành ước mơ, hoài bão, lý tưởng, nên chẳng lạ gì, xã hội chúng ta sống hôm nay không còn tìm được nhiều tâm hồn cao thuợng, vì một số không nhỏ chỉ còn biết vô cảm cúi gằm mặt tìm đất.
    Sáng nay đi đám tang, tôi chợt miên man nghĩ ngày mình chết và không biết ngày ấy, ai sẽ tổ chức tang lễ cho mình, người sống sẽ chôn mình dưới đất hay sẽ thiêu trong lò? Miên man thế thôi, chứ thực ra, tôi không quan tâm gì đến hậu sự của mình, vì chết rồi, ai muốn làm gì thì làm, ngay cả những người thân quen, nếu không ai chịu gánh vác chuyện chôn cất, thì cũng sẽ có người không thân quen làm phúc đem chôn, chỉ vì để lâu thối rữa, sẽ mất vệ sinh chung. Nhưng điều tôi suy nghĩ nhiều hơn cả, chính là thái độ của tôi hôm nay đối với nhà đất. Nếu đất sẽ là thân xác tôi sau khi đã phân hủy ; và chỉ cần một ô nhỏ hình chữ nhật làm nhà đặt quan tài, thì việc gì bây giờ tôi phải háo đất, ngáo nhà, nghiền nhà đất, đói khát nhà đất đến độ điên cuồng sát phạt người khác, hoặc “lao tâm lao lực” tranh giành, đấu đá vì vài gang đất, vì vài phân nền nhà. Tôi cũng nghĩ, nếu ngày mai khi già nua, đau yếu, thì dù đất có lớn, nhà có to bao nhiêu, tôi cũng nằm yên một chỗ, và chỗ ấy sẽ rất nhỏ, bởi đất càng to tôi càng tủi, bởi không lết đi được xa ; nhà càng lớn tôi càng buồn, vì không còn sức vẫy vùng, lên xuống.
    Cũng sáng nay, khi ném nắm đất xuống mộ phần, tôi chợt nhớ mấy câu thơ của nhà thơ Như Nhiên :
                        “Đại gia bất động sản,
                         Chết nằm dưới cỏ xanh,
                         Mới biết mình của Đất,
                         Đất không phải của mình”         
    Rồi bùi ngùi nhớ anh, người bạn có tâm hồn đơn sơ, hiền lành, và nếp sống giản dị, nghèo khó. Bỗng lòng tôi rộn ràng niềm an ủi, khi nhớ Lời Đức Giêsu trong Bài Giảng Trên Núi : “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất hứa là phần gia nghiệp” (Mt 5,3-4).
Vâng, như người bạn qúa cố, tôi và bạn, chúng ta sẽ được Nuớc Trời làm Nhà, và Đất Hứa làm gia nghiệp, nếu chúng ta không bị điên vì say mê nhà đất, điên vì “nghiền, ngáo” nhà đất đến nỗi quên cả đức Công Bình phải giữ và đức Yêu Thương phải thực hiện.
    Jorathe Nắng Tím