Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

Mùa Chay - Mùa Đáp Trả


Lịch sử ơn cứu độ là lịch sử những mời gọi và đáp trả: Thiên Chúa lên tiếng mời gọi và con người cất lời đáp trả. Khởi từ Ápraham, Môsê, Samuen, Đức Maria, Phaolô, cho đến hàng tỉ tín hữu, chứng nhân của hôm nay và mãi mãi đến tận thế, Thiên Chúa luôn kêu gọi và chờ ở mỗi người lời đáp trả “Xin Vâng”, “Lạy Chúa, này con đây”.

Tiếng gọi của Thiên Chúa trước hết luôn mang tính cá nhân, có nghĩa là gọi “từng người” và Ngài thường gọi đích danh người đó: “Ápraham, mang con trai đi tế lễ Ta” (St 22,1-2), “Môsê, hãy đi cứu dân Ta”, “Samuen, Samuen...”, “Saolê, tại sao ngươi bách hại Ta?” Tiếng gọi nằm trong một quan hệ được xác định rõ ràng, không chung chung, mơ hồ và người được gọi nhận ra ngay tiếng gọi đó dành cho riêng mình.

Ngài cũng gọi trong chính hoàn cảnh hiện tại của người đó. Gọi Ápraham, Môsê khi họ đang chăn cừu trên sườn đồi, gọi Samuen khi cậu đang ngủ trong đền thờ, gọi các tông đồ khi họ đang vá lưới bên bờ biển, gọi Đức Maria khi người là một thiếu nữ đang lo việc nhà, gọi Saolê - Phaolô khi ông đang trên đường lùng bắt các tín hữu. Hoàn cảnh hiện tại của mỗi người là nơi tiếng gọi được gửi đến dễ dàng nhất. Thiên Chúa không tách con người ra khỏi cảnh sống thường ngày của họ khi đến gọi họ; trái lại Ngài trân trọng tình trạng hiện tại và bối cảnh sống hàng ngày của người Ngài muốn gọi. Nếu là công chức sở thuế, Ngài sẽ đến tận văn phòng thu thuế để gọi như đã gọi Mátthêu; nếu là người thông thái, hiền triết, Ngài sẽ dùng chữ nghĩa, suy tư để gọi như trường hợp của thánh Augustinô.


Tất nhiên gọi ai, Thiên Chúa muốn trao cho người ấy một sứ mạng chính xác: Ápraham được gọi để làm tổ phụ dân riêng, Môsê được gọi để đi giải phóng và cứu dân ra khỏi đất nô lệ Ai cập, Maria được gọi để làm Mẹ Đức Giêsu, Saolê được gọi làm tông đồ dân ngoại... Nhưng sứ mạng được trao thường không được tiết lộ nếu người được gọi chưa hết tình, hết mình đáp trả. Tiếng gọi chờ đợi lời đáp trả chân thành, quả cảm và dứt khoát. Thiếu lời “Xin Vâng” của Đức Maria, chương trình nhập thể của Đức Giêsu sẽ không được thiên thần Gabriel tiết lộ; thiếu “Lạy Chúa, này con đây” của Ápraham, Môsê, Samuen... công cuộc cứu độ cũng không thể thành tựu. Bởi dựng nên con người, Thiên Chúa đã không hỏi ý kiến, nhưng cứu chuộc con người, Thiên Chúa cần sự cộng tác tích cực của con người. Vì thế mà tiếng gọi cần một đáp trả, cần một chia sẻ, cộng tác, cần một liên đới thiết thân và thông cảm sâu sắc. Khi đáp trả, người được gọi đã xác tín một cách vô điều kiện, đã quyết định liều lĩnh dấn thân theo Tiếng Gọi mặc dù chưa biết được gọi làm gì, gọi đi đâu... Ở họ, chỉ một điều cần thiết là ai đang gọi họ và nếu người lên tiếng gọi là Thiên Chúa thì họ sẵn sàng “bỏ mọi sự mà theo Ngài”, không cần biết chuyện gì sẽ xảy ra. Thái độ và tâm tình chung của tất cả những người được gọi đều là tin yêu, phó thác. Họ yêu nên tin, tin nên phó thác tất cả, không tính toán, do dự, chần chừ, nghi ngại. Thiên Chúa là Đấng họ tin yêu, cũng là Đấng họ đáp trả và đi theo.


Như thế, tiếng gọi là lời mời đi vào mầu nhiệm Đức Tin. Nói đến mầu nhiệm là nói đến “những gì không biết hết, không hiểu nổi, không thấy rõ”. Người được gọi, khi đáp trả, đã lao mình vào cuộc phiêu lưu của Đức tin: Ápraham có thấy gì đâu trước lời hứa sẽ được là tổ phụ một dân đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển, trong khi đã trăm tuổi, còn vợ suýt soát chín mươi. Ông sẽ còn mù loà, tối tăm hơn nữa trước đề nghị của Thiên Chúa: “Ápraham, đem con trai duy nhất là Isaác sát tế, dâng ta”. Khiếp sợ và hãi hùng quá và Ápraham đã hoàn toàn không hiểu gì khi dắt con trai lên núi, trói lại và vung dao toan sát tế con làm của lễ dâng Thiên Chúa như ý Ngài. Môsê cũng đâu hiểu nhiều và gần như mù tịt trước sứ mạng được trao của mình: ông biết mình vừa ăn nói khó khăn, ngọng nghịu, vừa vô danh tiểu tốt làm sao dám đơn thân đối đầu Pharaon, vua Ai cập. Đức Maria càng không hiểu gì sứ mạng làm mẹ Thiên Chúa khi giữ mình đồng trinh...

Tất cả đều ẩn khuất sau đám sương mù Đức Tin dầy đặc: không chương trình cụ thể, rõ rệt; không khế ước, giao kèo chính xác từng điểm, từng mức độ; không hạch toán chi li, kỹ lưỡng... nhưng tất cả chỉ là phiêu lưu, cuộc phiêu lưu Đức Tin dựa trên uy tín của Đấng mời gọi dấn thân, nhập cuộc. Và cuộc phiêu lưu này hứa hẹn nhiều chông gai, thử thách.

Đáp trả với một niềm tin không điều kiện, người được gọi sau khi thân thưa “Xin Vâng”, “Lạy Chúa, này con đây” đã đứng dậy, lên đường theo Tiếng gọi để từ nay chính Đấng kêu gọi sẽ trực tiếp hướng dẫn từng bước, từng việc, từng nơi, từng thời điểm. Lòng tin dẫn đến niềm trông cậy phó thác tuyệt đối, không chỉ phó thác tương lai không thấy gì, mà còn ký thác cả hiện tại đầy trắc trở, vô thường. Quả thực, đứng trước nỗi lo sợ tương lai và bấp bênh của hiện tại, người được gọi đã dựa hẳn đời mình vào Thiên Chúa và chỉ biết nhắm mắt đi theo Tiếng Gọi. Người lên tiếng đáp trả từ nay phải chấp nhận nhiều thử thách, hy sinh cho niềm tin của mình ngày càng lớn mạnh, cho tinh thần phó thác của mình ngày càng dạn dĩ. Họ sẽ học bài học “liều”, vì đáp trả Tiếng Gọi là gieo mình vào đại dương của liều lĩnh. Ápraham đã phải liều giết con trai duy nhất, dù chỉ có một thằng bé để nối dòng; Môsê đã phải liều mất mạng trước tâm địa độc ác và sức mạnh bách chiến bách thắng của quân đội Ai Cập; Đức Maria đã liều mất cả cuộc đời và để lưỡi đòng suốt đời đâm thấu trái tim; các tông đồ đã liều mất hết vợ con, thuyền lưới, nhà cửa, sự nghiệp và chính mạng sống; các tín hữu theo Đức Kitô vẫn tiếp nối nhau liều mất tất cả vì đáp trả Tiếng Gọi. Liều lĩnh đáp trả là nhắm mắt theo Tiếng Gọi và sống chết với Tiếng Gọi ấy, dù không nắm vững chương trình, kế hoạch, đường lối của Đấng lên tiếng gọi.

Nhưng nếu đáp trả Tiếng Gọi để rồi chẳng biết gì, chẳng đi về đâu và nhất là chẳng biến đổi gì thì quả là người đáp trả Tiếng Gọi đã liều tận mạng, liều hết chỗ nói, liều có bằng cấp. Đúng vậy, nếu không là người trong cuộc, không là người được diện kiến, được nghe trực tiếp Đấng kêu gọi và không cảm được tận sâu thẳm lòng mình tình yêu, sức cuốn hút, hấp dẫn của Đấng kêu gọi thì khó có thể hiểu được tại sao người ta đã dám liều khi đáp trả. Nếu không gắn bó thiết tha, tình nghĩa với Đấng kêu gọi thì chẳng có ý nghĩa gì những lời đáp trả. Nếu thiếu quan hệ thân mật, khăng khít giữa Thiên Chúa là tiếng gọi và con người được gọi thì đáp trả chỉ là một công thức xã giao hời hợt. Như thế, khi gọi ai, Thiên Chúa đã yêu người ấy rất nhiều và đã đầu tư, chuẩn bị kỹ càng người ấy cho tình yêu kết hợp giữa Ngài và người ấy. Với Thiên Chúa, gọi ai là gắn bó, yêu thương suốt đời; gọi ai là ở với, ở trong, ở mãi với người ấy; nên ơn gọi là ơn được yêu thương, cưng chiều và đáp trả là đáp trả tình yêu bằng chính tình yêu. Hai nhân vị từ nay trở nên một trong tình yêu đòi hợp nhất, hai nhân vị từ nay muốn được hòa quyện trong nhau, tan biến trong nhau. Tiếng gọi và tiếng thân thưa đáp trả bây giờ chỉ còn là một tiếng: tiếng lòng của tình yêu. Và khi yêu nhau, Thiên Chúa cũng như con người đều ước mong nên một và nên giống nhau.


Muốn người được gọi trở nên giống mình, đó là điều Thiên Chúa nhắm trước tiên, trước cả sứ mạng sẽ trao cho người ấy, vì con người chỉ có thể chu toàn sứ mạng của Thiên Chúa trao, khi họ chấp nhận được biến đổi, biến hình để trở nên giống như Ngài. Giống Thiên Chúa trở thành mục tiêu của tiếng gọi và đáp trả chính là thái độ chấp nhận để Thiên Chúa biến đổi. Hầu hết chúng ta lầm tưởng: khi được kêu gọi làm việc cho Chúa, chúng ta chỉ cần hăng say làm công việc được trao là đẹp lòng Chúa và quá đủ rồi… Thực ra, điều Thiên Chúa mong muốn trước hết nơi ta, những người được gọi, chính là ngoan ngoãn để Thiên Chúa biến đổi mỗi ngày. Không chấp nhận được biến đổi, ta không thể nào thực hiện đến nơi đến chốn sứ mạng được trao, hoặc sẽ bỏ dở, hoặc sẽ làm hư, phản tác dụng. Không thiếu những người được gọi, vì lơ là với bổn phận “để Chúa biến đổi” thay vì làm sáng danh Chúa đã làm danh Chúa tối hơn và biến mất; thay vì phục vụ Thiên Chúa đã lợi dụng danh Chúa để được phục vụ; thay vì loan báo Tin Mừng đã gieo rắc tin buồn độc hại; thay vì dẫn dắt người đã làm trệch đường, sai hướng, đưa người khác xuống vực thẳm; thay vì xây dựng hoà bình đã gây hận thù, chiến tranh; thay vì yêu thương đã gây tàn ác; thay vì chữa lành đã làm tổn thương; thay vì săn sóc, chăm nom đã dập vùi, hắt hủi. Họ là những người được gọi và đã đáp trả tiếng gọi, nhưng rất tiếc, họ đã quên tiếng gọi ấy không chỉ là gọi họ cho một sứ mạng ngoại tại, mà còn gọi họ đi vào tình yêu với Đấng kêu gọi và phải được biến đổi ngày càng nên giống hơn Đấng đã kêu gọi họ. Không ý thức sự biến đổi chính mình để nên giống Đấng gọi mình là nguy cơ hàng đầu của những người tự nhận mình được Chúa gọi. Không gắn bó trong tình yêu là Chúa và để tình yêu ấy biến đổi, những người mang ơn gọi sẽ chỉ là những công chức lạnh lùng, không đồng cảm đồng tình với đám dân họ được sai đến, không giới thiệu đúng Đấng đã gọi và sai họ đi, vì sứ mạng của tất cả mọi người được gọi bởi Thiên Chúa đều quy về một điểm duy nhất là làm cho “danh Chúa được sáng, nước Chúa hiển trị, ý Chúa được thực hiện”; nên một khi không giống Chúa, không thiết thân, gần gũi Chúa, người được gọi ngay cả đã nhanh nhẩu đáp trả tiếng gọi cũng sẽ chỉ giới thiệu một Thiên Chúa kỳ lạ, xa lạ, một Thiên Chúa mang hình ảnh họ hơn là họ mang hình ảnh Thiên Chúa, nói đúng hơn, họ chỉ đủ khả năng và tâm huyết để quảng cáo, giới thiệu chính họ, như một thiên chúa quái lạ.

Được biến đổi trong Thiên Chúa khi đáp trả lời mời gọi của Ngài là công việc đầu tiên phải làm, là ưu tiên một trước cả việc thực hiện sứ mạng. Ápraham, Môsê, Đức Maria, Phaolô.., tất cả đều đã ý thức điều này và đã để hết tâm trí, cuộc đời cho sự gặp gỡ Thiên Chúa và mong được biến đổi nên giống Ngài. Sứ mạng được trao phó sẽ thành tựu mỹ mãn hay thất bại ê chề hệ tại ở tình nghĩa thiết thân với Thiên Chúa và mức độ giống Ngài của ta, vì “có ở trong Ngài, ta mới sinh nhiều hoa trái”.

Tin Mừng chúa nhật thứ hai Mùa Chay nhấn mạnh sự cần thiết được biến đổi trong Chúa khi kể chuyện Đức Kitô dắt theo ba môn đệ Phêrô, Giacôbê, Gioan lên núi và và đó Ngài biến hình sáng láng trước mặt các ông (Mc 9,2-10). Ngài biến hình để nhắc nhở bổn phận đầu tiên sau khi đáp trả lời mời gọi của Ngài là được biến đổi trong Ngài. Môsê lên núi cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa và đã được Thiên Chúa biến đổi, nên khi xuống núi, dân chúng không còn dám nhìn ông, vì mặt ông sáng và uy nghi quá… Ông đã được Thiên Chúa biến đổi vì ở với Ngài. Người đáp trả tiếng gọi của Đức Kitô cũng được biến đổi nên giống Đức Kitô và một khi được giống Ngài, người ấy sẽ không còn tìm kiếm hạnh phúc nào khác, vì giống Ngài là hạnh phúc tuyệt vời của người đi theo Ngài. Theo Ngài, đáp trả lời mời gọi cũng là đi lên núi biến hình sáng láng, vinh quang. Tuy không nói ra, nhưng người đáp trả tiếng gọi sẽ được ở với Ngài trong vinh quang, hạnh phúc ngày phục sinh. Bởi ai yêu mến và đáp trả lời Ngài thì ở với Ngài và Ngài ở với họ mãi mãi. Ở với Thiên Chúa trong thử thách của những ngày tử nạn, tất nhiên cũng sẽ ở với Ngài trong ngày sống lại vinh quang, ngày lên trời vinh hiển. Có đáp trả trong hiện tại của Đức Tin mới có đáp trả vinh phúc ngày về trời, như thánh Phaolô đã quả quyết: “Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ cùng Ngài phục sinh; nếu ta chịu khổ với Ngài, ta sẽ cùng Ngài thống trị”.


Đáp trả tiếng gọi của Đức Kitô trong Mùa Chay là xác tín một lần nữa nhu cầu để Đức Kitô biến đổi cuộc đời, đổi mới tâm hồn, cải thiện đời sống. Sứ mạng trước mọi sứ mạng khi đáp trả lời kêu gọi của Đức Kitô chính là sứ mạng sống với Ngài và xin được biến đổi nên giống Ngài mỗi ngày hơn.

Mùa Chay - Mùa Thương Xót

Làm ăn, buôn bán trong xã hội hôm nay đều cần đến khế ước, giao kèo. Không giao kèo, khế ước và không có con dấu to đùng, đỏ chói của phòng Công Chứng thì coi chừng mất toi sự nghiệp, phá sản, trắng tay. Bao nhiêu cảnh mếu máo khóc như cười, cười như khóc, dở dở điên điên, khùng khùng dại dại xảy ra hằng ngày trên đất nước này khi niềm tin ở nhau không còn, hai chữ tín nhiệm, trung tín chỉ còn là những từ ngữ vô nghĩa. Nhà cửa, ruộng đất, gia tài… tất tất trở thành mồi ngon, cạm bẫy, cớ vấp phạm và người ta rình rập, căn me, lật lọng, giành giật, cắn xé nhau. Khế ước, giao kèo vì thế càng trở nên cần thiết để ngăn chặn những cảnh huynh đệ tương tàn, những màn lừa đảo thần kỳ, những thủ đoạn tuyệt chiêu “phỗng tay trên”.

Không buôn bán, làm ăn như thiên hạ đang biến “thương trường thành chiến trường”, nhưng Đức Kitô cũng rất nhân loại và hợp thời khi dùng ngôn ngữ của thời đại để chuyển tải chân lý siêu nhiên khi Ngài dùng kiểu giao kèo rất đong đưa, khéo léo để nói về lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tin Mừng thánh Luca thuật lại: “Đức Kitô nói với đám đông: “Hãy có lòng xót thương như Cha các con trên trời. Đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét. Đừng lên
án để khỏi bị lên án. Hãy tha thứ để được thứ tha. Hãy cho đi và sẽ nhận về những đấu lớn, chặt đầy, vì các con đong đấu nào thì sẽ được đong lại bằng đấu ấy” (Lc 6,36-39). Khế ước thương xót của Đức Kitô rất rõ ràng và chính xác gồm hai vế cân đối: ai không xét đoán người khác thì sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Ai tha thứ người khác thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Ai rộng lượng với người khác thì sẽ được Thiên Chúa rộng lượng. Nói tóm lại, cư xử với tha nhân thế nào thì sẽ được Thiên Chúa cư xử như vậy. Rộng rãi với tha nhân làm sao thì Thiên Chúa sẽ rộng lượng như thế. Khế ước, giao kèo giữa con người với Thiên Chúa thật minh bạch, công bằng.

Nhưng mục đích của khế ước ấy là gì? Và người hưởng quyền lợi của giao kèo ấy là ai?
Đức Kitô xác định ngay từ đầu: Hãy có lòng xót thương như Cha các con là Đấng giàu lòng thương xót. Đây chính là mục tiêu của khế ước. Mục tiêu này nhằm biến đổi tất cả những ai đi theo Đức Kitô thành những người có lòng xót thương, thay đổi trái tim chai đá thành những trái tim biết chạnh lòng thương, động lòng trắc ẩn, làm cho những cứng cỏi, ngạo nghễ, dữ tợn trong tâm hồn trở nên mềm mỏng, hiền hậu, khiêm nhường để thật lòng xót thương. Mục tiêu Đức Kitô kêu gọi những người theo Ngài là trở nên môn đệ của Thiên Chúa đầy lòng thương xót, môn sinh của sư phụ chỉ biết xót thương và chứng nhân của Cha trên trời là Tình Yêu vô cùng nhân hậu. Đức Kitô nói thế, bởi sự thánh thiện của Thiên Chúa chính là lòng thương xót của Ngài. Ngoài lòng thương xót, Thiên Chúa sẽ không minh chứng được sự thánh thiện của Ngài. Bỏ đi lòng thương xót, Thiên Chúa sẽ không còn là Thiên Chúa của Đức Kitô đã mạc khải. Suốt cuộc đời dương thế, Đức Kitô, Con Thiên Chúa đã chỉ làm chứng một chân lý: Thiên Chúa là tình yêu thương xót và “tình xót thương của Ngài trải từ đời nọ đến đời kia, tràn trề trên những ai kính sợ Ngài”. Cũng chính để làm chứng chân lý “Thiên Chúa xót thương” mà Đức Kitô đã chịu khổ hình và chịu chết để đi đến tận cùng cái logic của lòng thương xót vô cùng ấy. Chính vì sự thánh thiện của Thiên Chúa hệ tại ở lòng Ngài xót thương, nên khi trình bày một Thiên Chúa không xót thương, hay một Thiên Chúa ghen tị, thích “bới lông tìm vết”, một Thiên Chúa với cặp mắt cú vọ rình mò tội lỗi của con cái thì chắc chắn Thiên Chúa ấy rất xa lạ, và hoàn toàn không phải Thiên Chúa của Đức Kitô, “Đấng giàu lòng thương xót, nhân từ, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung”, “Thiên Chúa nhẫn nại đợi chờ, vất vả tìm kiếm, dõi mắt ngóng trông bước chân trở về của đứa con hoang đàng, tội lỗi”, “Thiên Chúa lặn lội ngược xuôi tìm cho được chiên con lạc đàn và hân hoan, âu yếm ẵm trên vai”.

Dưới bút vẽ của một người nghèo nàn tình yêu, rỗng tuyếch tình người, cằn cỗi tình thân thì Thiên Chúa sẽ mang diện mạo cau có, bẳn gắt, khó chịu của một quan toà chỉ hạch tội chứ không quan tâm đến hoàn cảnh, cuộc sống và những đức tính, hành động tốt của can phạm mà khoan hồng, ân xá. Trong đôi mắt chật hẹp, thiển cận của con người có giới hạn, có thể Thiên Chúa sẽ bị “chỉnh hình” thành ông kẹ hung dữ, cai ngục gian hùng. Bằng bàn cân, thước đo rất bủn xỉn, hà tiện của con người,


Thiên Chúa sẽ trở thành ông chủ keo kiệt, bất nhân, hà khắc. Nói tóm lại, ngoài Đức Kitô, con Thiên Chúa từ Trời xuống, không ai trong nhân loại đã có thể nói đúng Thiên Chúa là ai, Ngài làm gì và muốn gì. Chỉ một mình và duy nhất một mình Đức Kitô, Thiên Chúa mới mạc khải chính xác Thiên Chúa là Tình yêu thương xót, Ngài hằng thương xót con người từ đời nọ đến đời kia và muốn tất cả mọi người trở nên giống Ngài trong lòng tình yêu xót thương.

Căn cước, dung mạo, hoạt động, đường lối, kế hoạch của Thiên Chúa thật quá rõ qua giáo huấn và cuộc đời Đức Kitô. Không còn nghi vấn nào về Thiên Chúa mà Đức Kitô đã không công khai trả lời những người đương thời, nhất là các ông Biệt Phái thông thạo giáo lý, lề luật. Vấn đề là họ đã không thể chấp nhận được hình ảnh, dung mạo, căn cước một Thiên Chúa đầy lòng xót thương. Điểm chính yếu trong vụ án giết Đức Kitô chính là những người lãnh đạo tôn giáo thời đó đã không đủ từ tâm, nhân hậu để chấp nhận Thiên Chúa rất từ tâm, nhân hậu. Người hung dữ, kẻ ác tâm, độc địa thường xa lạ và xa tránh những gì là nhân ái, hiền lành, yêu thương. Như bóng tối không thể ở cùng ánh sáng, như rạng đông rực rỡ không thể chung với đêm đen một bầu trời; những trái tim đen ngòm hận thù, tham lam, ích kỷ sẽ không bao giờ chấp nhận Thiên Chúa của mình lại là Thiên Chúa của khiêm nhường, bao dung, độ lượng, thứ tha. Người ác cần sư phụ ác như tín đồ giáo phái giết người cần một Thiên Chúa điên cuồng, khát máu. Những người lãnh đạo tôn giáo và một số người a dua theo họ đã lập mưu bắt, kết án và giết Đức Kitô chỉ vì Thiên Chúa giàu lòng thương xót của Ngài làm chứng đã cản trở đường lối thù hận, hung dữ, ác độc của họ; chỉ vì Thiên Chúa thương người tội lỗi của Đức Kitô làm họ mất mặt, mất uy tín, mất cả đất sống, đất làm ăn khi tình thương xót trước sau sẽ lôi cuốn mọi tâm hồn như họ đã sốt ruột than thở với nhau: “Chúng ta phải làm gì bây giờ?... Nếu cứ để ông ta tiếp tục, mọi người sẽ tin theo ông ta” (Ga 11,47-48).


Tin theo Đức Kitô như thế là tin Thiên Chúa là tình yêu thương xót, đồng thời phải trở nên thương xót như chính Ngài. Nhưng ai là đối tượng của lòng thương xót?

Thưa chính chúng ta. Chúng ta gồm ta và mọi người. Trước hết, đối tượng của lòng thương xót nơi ta chính là ta, vì ta cũng rất cần được xót thương trước khi ta xót thương được mọi người. Xót thương chính mình là đương nhiên nhận mình cần xót thương. Người cần xót thương là người yếu đuối, thiếu thốn, có tội. Nhận mình cần được xót thương là khiêm tốn, chân thành. Lòng khiêm nhường đã trở thành đất tốt, điều kiện thuận lợi cho lòng xót thương và nhận mình cần được thương xót là thái độ đẹp nhất của con cái Thiên Chúa xót thương. Nhờ thái độ và tâm tình khiêm tốn mà ơn thương xót tuôn đổ tràn trề trong tâm hồn người biết xót thương. Khi biết mình cần xót thương, người có lòng thương xót sẽ dễ dàng cảm thông, thương xót người khác. Có kinh nghiệm tội lỗi mới biết nhẹ lời với tội nhân. Có khổ vì tội mới biết người có tội khổ như thế nào và dễ chia sẻ, giúp họ thoát ra mặc cảm tội lỗi. Có day dứt, cay đắng vì tội mới hiểu nỗi cô đơn đày đọa của người phạm tội… Nhờ thế mà xót thương bênh đỡ, xót thương chở che, xót thương tha thứ, xót thương chữa lành, xót thương phục hồi, xót thương thăng tiến. Xót thương mình và xót thương người luôn song hành và hỗ trợ nhau. Người không hề xót thương mình là người mang ảo tưởng thánh thiện, nghĩ mình đạo đức, hoàn thiện. Họ đang ở gần biên giới kiêu căng, tự phụ và bên bờ vực thẳm của sơ cứng, vô cảm trước tha nhân. Trái tim bằng thịt giàu lòng xót thương trước hết là trái tim khiêm tốn, hiền lành nhận mình cũng rất đáng thương và luôn cần được thương xót. Cũng trái tim ấy sẽ thiết tha với tình yêu xót thương mọi mảnh đời, mọi cảnh đời và sẵn sàng ôm lấy hết mọi cuộc đời đáng thương như họ trong cùng một trái tim đầy tình yêu thương xót. Họ đang nên giống Cha trên trời là Đấng làm mưa nắng trên cả kẻ dữ, người lành chỉ vì lòng xót thương của Ngài vô cùng, vô tận, vô thủy vô chung.



Đặt chúng ta trước khế ước, giao kèo Thương Xót, Đức Kitô nhắc nhở lòng thương xót của Thiên Chúa không là một thứ thương xót rẻ tiền, vứt đầy đường để ta tha hồ dẫm lên, đùa cợt, coi thường. Lòng thương xót của Thiên Chúa tuy vô điều kiện vì Ngài chẳng đòi ta điều gì có lợi cho Ngài, tuy đơn phương vì Ngài luôn là người bắt đầu bước thứ nhất, tuy bất cân xứng vì Ngài giàu có nên tuôn đổ không tính toán; nhưng không vì thế mà lòng thương xót ấy cho phép ta thụ động, ỷ lại, lười biếng, vô trách nhiệm. Trái lại, nếu ta ngoan cố không cộng tác, nếu ta chỉ phó mặc buông thả, nếu tâm hồn vô cảm, trơ như đá thì lòng thương xót ấy sẽ không thấm nhập được vào đời ta; bởi những thái độ tiêu cực trên đã khoá kín cửa lòng, không cho tâm hồn tiếp nhận lòng thương xót. Khi mời gọi ta đừng xét đoán, đừng lên án, đừng ích kỷ nhưng biết cho đi, Đức Kitô đặt vào tay ta chìa khoá của chính cửa lòng ta. Nhờ những chìa khoá này mà cánh cửa tâm hồn ta không bị khép kín, đóng chặt để Thiên Chúa ghé vào và ở lại được. Những chìa khoá cho phép ta mở cửa lòng mình để lòng thương xót Chúa vào được cũng chính là chìa khoá để ta mở cửa lòng thương xót Chúa. Cùng một chìa nhưng mở được cả hai tâm hồn: tâm hồn bé nhỏ của ta và tâm hồn vĩ đại, bao la của Thiên Chúa. Cùng một chìa nhưng mở được cả hai lòng: lòng thương xót nghèo nàn của ta và lòng xót thương giàu có của Thiên Chúa. Cùng một chìa nhưng mở được cả hai kho tàng: kho tàng lòng ta bé bỏng, nông cạn và kho tàng tình Chúa bao la, sâu thẳm.

Mùa Chay không những nhắc nhở khế ước thương xót giữa Thiên Chúa và con người mà chỉ một bên có lợi là chúng ta; Mùa Chay còn nhắc khế ước ấy phải được thực hiện theo kiểu của Thiên Chúa, có nghĩa là thứ tha không chỉ một lần nhưng là bảy mươi lần bảy: tha mãi tha hoài, tha cho đến chết, chết rồi vẫn rộng lượng thứ tha (Mt 18,21-22); là xót thương khi quảng đại, vô tư tha nợ như ông chủ đã xót thương gia nhân mà tha hết cho anh món nợ lớn (Mt 18,27); là xót thương như Thiên Chúa, Đấng đã đến thế gian để cứu chữa chứ không để luận phạt (Ga 3,17). Được như thế, Mùa Chay sẽ trở thành Mùa Chay thánh vì có lòng thương xót của Chúa trải kín trên con người và có tình chia sẻ, xót thương của con người phủ che nhau. Chỉ lòng thương xót mới là dấu chỉ sự thánh thiện của Thiên Chúa, cũng như chỉ lòng xót thương mới là chìa khoá để mở kho tàng thánh thiện nơi Thiên Chúa và mở cõi lòng nhỏ bé nhưng luôn cần Chúa thương xót của ta.