https://www.youtube.com/watch?v=qc93UWA1NSY
“Khi yêu, người ta rất lạ”, nên bước vào tình yêu, ai cũng thấy mình lơ lửng lạc vào một thế giới xa lạ
nhưng kỳ thú, khác với thế giới mình đang sống. Yêu rồi thì xem ra “chân không
còn đạp đất và đầu cũng chẳng đội trời” vì thân xác thì lâng lâng và tâm hồn
thì bay bổng bốn bề ngang dọc. Người ta yêu cái thú thương đau của tình yêu,
yêu cái vị đắng đắng của tình yêu, yêu cái chua chua của tình yêu và tình yêu
càng đắng, càng chua, càng thương đau thì tình cho nhau càng đậm đà, thấm thía.
“Khi yêu, đường đi hay lạc lối”,
nên đời người yêu nhau thường đẹp như mơ, đẹp đến độ không biết mình đang ở cõi
nào: cõi mộng hay cõi tiên, cõi trên hay cõi trần, cõi trời hay cõi đất, cõi
này hay cõi sau, cõi mơ hay cõi thực…
“Khi yêu, tình cho đi rất nhiều”,
nên yêu rồi thì chẳng phải chỉ cởi nón, cởi mũ, cởi áo, mà còn cởi đến cả túi
tiền, danh dự, sự nghiệp, linh hồn, sự sống cho nhau.
“Khi yêu, mình nhận chẳng bao
nhiêu”, nhưng chẳng mấy khi dám than van, tính toán vì Tình cứ bảo “ít nhiều cũng
chẳng bao nhiêu, bao nhiêu ít ấy bấy nhiêu Tình nhiều”, nên đành lấy ít làm nhiều,
lấy không làm có cho Tình được vui.
“Khi
yêu, tình ngu si dễ thương”. Ngu si, khờ dại thì đáng trách, đáng buồn, chứ
“ngu si dễ thương” thì biết trách thế nào và trách vào đâu? Chẳng thế mà mỗi
ngày có hàng tỷ tỷ người ngu trở thành người dễ thương và tỷ tỷ người đang yêu
không biết mình khờ dại.
Đức Kitô đã làm người trong tất cả
điều kiện của con người, với trọn vẹn thân phận người, nên tình yêu nhân loại của
Ngài cũng không khác tình yêu trong tim ta. Tình Ngài cũng đã có lúc thăng hoa
xúc động (Ga 15), có lúc lãng mạn bên bờ giếng (Ga 4,6-7), có lúc sầu tủi một
mình (Mc 14,37)), có khi quặn thắt, hắt hiu (Mc 14,34). Ngài cũng nếm đủ đắng
cay, chua mặn của tình người, tình đời khi bị bỏ rơi, vô ơn, phản bội. Như con
người, Ngài cũng “cho đi rất nhiều, nhận chẳng bao nhiêu” và yêu đến độ điên cuồng,
khờ dại, ngu si. Như con người, tình Ngài cũng bâng khuâng, mơ mộng, cũng tha
thiết, mặn nồng, cũng vất vả thương đau, cũng miệt mài đeo đuổi, cũng nhẫn nại
đợi chờ. Hình ảnh Ngài với người đàn bà ngoại tình hay trong dụ ngôn người cha
nhân hậu, bao dung đã nói lên tình Ngài không khác tình ta, nhưng bao la, dạt
dào, sâu thẳm, tuyệt vời hơn gấp bội.
Trước khi tự hiến mình chịu chết,
Đức Kitô đã làm một bước nhảy vọt trong tình yêu đối với con người, bước nhảy vọt
vượt sức con người, vượt trí con người, vượt tầm ước đoán con người, vượt ngưỡng
tình yêu nhân loại. Ở những ngày cuối đời, Đức Kitô đã vận dụng sự khôn ngoan của
Thiên Chúa nơi Ngài để có những sáng kiến độc đáo trong tình yêu, sáng kiến mà
chỉ Thiên Chúa mới có thể nghĩ ra và thực hiện và bí tích Thánh Thể là một
trong những sáng kiến tuyệt vời nhiệm lạ.
Cả
ba Tin Mừng nhất lãm đều kể lại chi tiết việc Đức Kitô lập bí tích Thánh Thể:
“Đang khi ngồi ăn, Ngài cầm lấy bánh tạ ơn, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ mà
nói: “Hãy nhận lấy mà ăn, vì đây là Mình Ta”. Đoạn Ngài cầm lấy chén rượu, tạ
ơn rồi trao cho các môn đệ mà nói: “Đây là Máu Ta, máu giao ước sẽ đổ ra cho
nhiều người” (Mt 26,26-29; Mc 14,22-24; Lc 22,19-20).
Qua sáng kiến lập Bí Tích Thánh Thể,
Đức Kitô đã mạc khải: Ngài là Tình Yêu đến cùng, Tình yêu ở cùng, Tình yêu
khiêm hạ tận cùng, Tình Yêu đắm đuối đến điên khùng, Tình Yêu vô cùng của một
Thiên Chúa vô cùng yêu thương.
1. Tình yêu đến cùng. Tình con người
cho nhau thường hay bị mắc kẹt, đứt đoạn vì một giới hạn, điều kiện nào đó. Có
thể sức khoẻ, tiền bạc, địa vị, danh phận làm đường tình mất hướng, đổi hướng.
Có thể tương lai bất định làm thuyền tình chao đảo. Có thể yếu đuối, tội lỗi của
người tình biến đường tình thành ngõ cụt, không lối ra. Có thể tham vọng bất
chính, ước mơ hão huyền làm tình yêu hao mòn, mệt mỏi. Và để rồi, đang ở bất cứ
cây số nào trên đường tình, người ta vẫn có khả thể phụ tình bỏ nhau, quên
nhau.
Không như tình yêu với nhiều “khả
thể mang tính đe dọa”, Đức Kitô là Tình Yêu đến cùng, nghĩa là không một giới hạn,
một điều kiện nào có thể làm trệch hướng hay gián đoạn, chặn đứng bước chân
trên đường tình đến với nhân loại của Ngài, vì “Ngài vốn yêu thương những kẻ
thuộc về Ngài và yêu họ đến cùng” (Ga 13,1). Yêu đến cùng đời sống, thân phận,
hạnh phúc, khổ đau, thành công, thất bại, công trạng, hình phạt của đối tượng.
Yêu đến cùng thăng trầm, tội lỗi, vô ơn, phản bội của người tình. Yêu đến cùng
quá khứ bất toàn, hiện tại bất xứng, tương lai bất ổn của người yêu. Và yêu đến
cùng giây phút lâm chung hoàn toàn bất lực của con người mình say mê, “phải
lòng”. Đối tượng của “tình yêu đến cùng” nơi Đức Kitô, vì thế không có lý do để
nghi ngại bị bỏ rơi, nghi ngờ người yêu phản bội hay nghi nan, ngờ vực tính
chung thủy, sắt son. Đức Kitô với trái tim Thiên Chúa chỉ biết yêu thương đến
cùng và không bỏ rơi bất cứ ai trên đường đi đến cùng của Tình yêu.
2. Tình yêu ở cùng. Yêu ai là muốn ở gần người ấy, nên chớm
yêu là nghĩ ngay đến chuyện đi chung, ngồi chung, nằm chung, ở chung, làm
chung, chơi chung, chịu chung, hưởng chung, sống chung, kể cả chết chung nhau nữa.
Tình yêu đòi kết hợp, quấn quít, cuộn tròn trong nhau, nên yêu mà mỗi đứa mỗi
nơi, mỗi người một nước xa cách nghìn trùng thì không gì đau đớn, khổ sở cho bằng.
Yêu mà xa xôi, cách biệt thì tình chẳng bao giờ nguôi và lòng chẳng bao giờ thỏa.
Đức Kitô không muốn xa con người,
vì con người đã chiếm trọn trái tim Ngài. Nghĩ đến giờ phải xa con người mà xót
xa, nên Ngài quyết định ở lại với con người mọi ngày cho đến tận thế (Mt
28,20). Lập bí tích Thánh Thể, Ngài đã thành công vượt mức trong giấc mơ ở cùng
con người, nên một với con người (Ga 17,21) và sáng kiến độc đáo, mầu nhiệm của
bí tích Thánh Thể đã cho Ngài thực hiện hoàn hảo tình Chúa yêu con người cao vời,
sâu thẳm đến độ: “Thiên Chúa ở trong con người và con người được ở trong Thiên
Chúa” (Ga 17,26) như cành nho kết hợp với cây nho và cho dù cành có muốn rời
cây, cây cũng không bao giờ bỏ cành (Ga 15).
3.
Tình
yêu khiêm hạ tận cùng. Thiên Chúa của Đức Kitô nổi bật ở lòng khiêm hạ: khiêm hạ
trong lòng Đức Mẹ, khiêm hạ nơi máng cỏ Bêlem (Lc 2,7), khiêm hạ ẩn dật ở
Nazareth, khiêm hạ khi chịu phép rửa của Gioan (Lc 3,21), khiêm hạ ngồi chung
bàn với người tội lỗi (Mt 9,11), khiêm hạ “đến để phục vụ, chứ không để được phục
vụ” (Mc 10,45), khiêm hạ trên lưng lừa con vào đền thánh (Ga 12,15), khiêm hạ
trước toà án Philatô, khiêm hạ trên đường lên núi Sọ, khiêm hạ trên Thánh Giá,
khiêm hạ vùi chôn trong mồ (Ga 19).
Lòng khiêm hạ của Đức Kitô làm
kinh ngạc nhiều người và cũng nên cớ vấp phạm cho nhiều người. Làm sao có thể
hiểu được một Thiên Chúa chấp nhận ở lại với con người trong tấm bánh rất tầm
thường, không một dấu hiệu thần thiêng, đặc biệt? Làm sao hiểu được “tấm bánh
là Thiên Chúa” chịu để con người “đặt đâu ngồi đó”, cắt vuông cắt tròn, chia
năm xẻ bảy, bẻ lớn bé nhỏ, xé to xé vụn mà không một lần khiếu nại? Và hơn hai
ngàn năm nay, Thiên Chúa ẩn mình trong tấm bánh đã không tức giận phản đối khi
bị xúc phạm, không sừng sổ bất bình khi bị coi thường, không nghiêm khắc trừng
phạt khi bị khinh mạn, sỉ nhục.
Càng
suy, ta càng thắc mắc, tự hỏi: làm sao Thiên Chúa vô cùng cao cả, thánh thiện,
toàn năng lại khép mình khiêm tốn, yếu đuối, thấp hèn trong hình bánh bé mọn, mềm
yếu? Và tấm bánh thì lớn hơn được những gì và làm sợ được ai? Miếng bánh thì
giá trị bao nhiêu và đe doạ được người nào? Mụn bánh cân nặng mấy gam và mang lại
ích lợi bao nhiêu?
Và ta chỉ còn biết “phục bái tôn
thờ” sáng kiến mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa chọn cho mình tấm bánh rất nhỏ,
rất rẻ, rất thường để ở lại với loài người, để bất cứ ai cho dù nghèo hèn đến
đâu, yếu đuối cỡ nào, bé nhỏ làm sao cũng đến được với Ngài và Ngài đến được với
họ vì bánh ăn hằng ngày để sống nên ai cũng cần, cũng gần, cũng thân. Đến với
người mình thân, mình gần, mình cần; tìm cái mình cần, mình gần, mình thân luôn
dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng và không mặc cảm, ngại ngùng. Bánh không là đồ
quý hiếm, mắc tiền, khó mua, nhưng là nhu cầu đời thường: ở đâu cũng có, đến
đâu cũng gặp, tìm đâu cũng thấy, nên bánh thiết thân, thiết thực với thực tế đời
người và không xa lạ với sự sống.
Chọn ẩn mình trong bánh, Đức Kitô
chọn chỗ ở gần con người nhất, chỗ con người ai cũng đến được và ai cũng phải đến
để được sống và sống dồi dào.
Như thế khiêm hạ tận cùng của
Thiên Chúa trong Thánh Thể là biểu hiện sống động của Tình Yêu muốn ban sự sống
cho mọi người: sự sống ấy như nước mưa thấm sâu vào đất, như sương trời bao phủ
từng cọng cỏ dại bé bỏng, mong manh bên đường, như tuyết trắng chen sâu trong kẽ
đá, phủ kín những cành khô, trơ trụi.
Làm
tấm bánh được bẻ ra cho mọi người, Thiên Chúa muốn ở với hết mọi người, nhất là
những người nghèo khó, buồn phiền, tù đầy, đau yếu, những người bị bỏ rơi, lên
án, những người cô quả, chiếc bóng đơn côi, những người tội lỗi bị khai trừ, vì
đó là sứ mệnh Cứu Thế của Ngài (Lc 4,18). Làm tấm bánh được chia cho hết mọi
người, Đức Kitô muốn đến với mọi tâm hồn để yêu thương và san sẻ chính sự sống
của Ngài. Và mãi mãi Thánh Thể là mầu nhiệm của Tình yêu Thiên Chúa, Tình yêu
không thể rời xa con người nên đã “hạ mình thật sâu, nhận lấy phận tôi tớ... mặc
lấy xác thể phàm nhân. Ngài còn tự hạ hơn nữa bằng vâng phục chết và đã chết
trên thập tự” (Pl 2,7-8).
4. Tình yêu điên khùng. Thiên Chúa không điên,
nhưng tình yêu của Ngài không “bình thường” dưới mắt con người khi Ngài làm
gương và dạy phải “yêu kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét mình, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ,
bỏ vạ mình” (Mt 5,44), lại còn lạ đời hơn khi dạy: “giơ tiếp má trái, nếu má phải
vừa bị người ta tát, cho luôn cả áo khoác ngoài, nếu ai đó đòi lấy áo trong, đi
thêm hai dặm đường nữa, nếu họ bắt đi với họ một dặm. Và ai xin thì cho, ai mượn
thì đừng từ chối” (Mt 5,39-42).
Yêu như thế không điên khùng là
gì? Yêu như thế làm sao thích hợp với xã hội hôm nay? Yêu như thế có đến trẻ
con mẫu giáo của thời kinh tế thị trường, thời đại “hip hop” cũng phải nín cười
cho là khùng điên, “người cõi trên mới xả trại”. Chỉ có “Thiên Chúa làm người”
mới dám xâm mình yêu kiểu khùng điên. Chỉ có Đức Kitô - ngôi Lời nhập thể mới
dám yêu theo “mốt” ngược đời, lập dị; bởi thời nay, có ai còn ngây thơ, dại khờ
yêu để thua lỗ, yêu để thiệt thòi, yêu để mất mát?
Chọn
thập giá để minh chứng tình yêu đến cùng và vô cùng, Đức Kitô đã chọn làm người
điên dại, ngu xuẩn vì với con người thập giá là thất bại, sỉ nhục, đần độn, xấu
xa (1Cr 1,21-23).
Ở lại với con người trong tấm bánh
bé nhỏ, Đức Kitô lại thêm một lần làm người tình điên. Người tình điên yêu đắm
đuối, say mê, yêu không “nhìn trước ngó sau”, yêu bất chấp “điều ong tiếng ve”,
yêu ngang ngược, liều lĩnh như tình yêu thúc bách. Say yêu con người, Thiên
Chúa Tình yêu cũng đã trở nên điên khùng dưới mắt loài người. Nhưng “sự điên
khùng của Thiên Chúa thì vượt quá sự khôn ngoan loài người và sự yếu đuối của
Thiên Chúa thì trổi vượt hơn sức mạnh thế gian” (1Cr 1,25) và “con người vật chất
không thể nhận ra những điều thuộc về Thánh Thần, nên cho đó là điên dại” (1Cr
2,14), vì “sự khôn ngoan của thế gian là sự điên dại trước mặt Chúa” (1Cr
3,19).
Thánh Phaolô đã trình bày trong
hai thư gửi giáo đoàn Côrintô “cái điên điên khùng khùng” của Thiên Chúa Tình
yêu khi Ngài yêu nhân loại, đồng thời quả quyết chính “cái khùng khùng điên
điên” ấy mới thực là khôn ngoan, sức mạnh mà chỉ những ai ở trong Thánh Thần mới
nhận ra “Đức Kitô là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24).
Như thế, thập giá dưới mắt người đời
là điên dại và Thánh Thể dưới mắt thế gian là điên khùng để rồi tất cả những
người đi theo Đức Kitô “Thánh Giá, Thánh Thể” cũng sẽ bị xếp vào hạng những người
khùng khùng điên điên. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm điên khùng này, kinh nghiệm
của người tông đồ hết lòng vì Thập Giá Đức Kitô khi ngài viết cho giáo đoàn
Côrintô: “Chớ gì anh chị em chịu đựng một chút cái điên khùng của tôi” (2Cr
11,1).
Tuần
Thánh là tuần của Thánh Thể, tuần của sức mạnh tình yêu biểu lộ trong yếu đuối
(2Cr 12,9), tuần của tình yêu tận cùng và đến cùng, tuần của Thiên Chúa điên cuồng
yêu thương nhân loại.
Quỳ trước Thánh Thể, ta chẳng thấy
gì bằng con mắt thịt nhân loại vì “Tấm Bánh” đơn sơ, bình thường, bé nhỏ quá, mọn
hèn quá!
Bởi tấm bánh Thánh Thể là mầu nhiệm
tình yêu nên chỉ Thánh Thần Tình yêu mới mở được đôi mắt nặng nề trần tục. Xin
Thánh Thần cho đầu gối con khiêm tốn quỳ thờ lạy và mắt con khiêm nhường xin được
Đức Tin bù lại, nếu giác quan mãi mãi không cảm thấy gì.