Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Lễ Hiển Linh


THIÊN CHÚA TỎ MÌNH CHO MUÔN DÂN

Đến một nơi chưa một lần đến, gặp một người chưa một lần gặp, ta phải tự giới thiệu, nếu không được ai đó đã quen biết trước giới thiệu ta cho những người xa lạ, lần đầu tiên gặp gỡ.

Ngôi Lời của Thiên Chúa đã tỏ mình cho nhân loại bằng cả hai cách : được người khác giới thiệu và tự giới thiệu :

Được người khác giới thiệu, khi Ngôi Lời được Chúa Cha dùng hẳn một dân tộc được tuyển chọn là  Ítraen để giới thiệu, và  trao cho lịch sử của dân tộc này một sứ vụ rất quan trọng, là chuẩn bị công trình Nhập Thế, Nhập Thể để cứu chuộc của Ngôi Lời Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô.

Thực vậy, bên cạnh sứ vụ làm chứng giữa các dân tộc chân lý Thiên Chúa Giavê là Thiên Chúa duy nhất, dòng dõi của tổ phụ Ápraham còn mang một trọng trách khác nữa là loan báo từ hàng ngàn năm trước, qua các ngôn sứ là những người được Thiên Chúa chọn trong dân để báo trước Đấng Thiên Sai sẽ đến để cứu chuộc loài người, mà hình ảnh về Ngài đã được mô tả như  sau “trong sách ngôn sứ Isaia : Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,17-19).   

Và khi thời gian đã đến, Ngôi Lời được Gioan, người anh họ được Thiên Chúa tuyển chọn làm Tiền Hô giới thiệu  cho mọi người “như  có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng : Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,4-6).

Gioan đã vừa giới thiệu Đức Giêsu, vừa tự giới thiệu mình : “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa : Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” (Ga 1,23), “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,7-8). Ấn tượng hơn cả là một hôm kia, khi ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, thì  liền nói : “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng : Có người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1,29-30).  

Không chỉ được giới thiệu, Ngôi Lời còn tự giới thiệu mình dọc suốt Tin Mừng, đặc biệt trong đêm Giáng Sinh, Ngài tự giới thiệu mình  dưới hình hài “một trẻ thơ sơ sinh bọc tã, nằm rong máng cỏ”, như sứ thần Chúa đã nói với các mục đồng khi hiện ra báo cho họ tin mừng Giáng Sinh : “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12).

Khi tỏ mình cho các mục đồng, Thiên Chúa làm người đã  tự giới thiệu mình là con người nghèo khó, bé nhỏ như trẻ sơ sinh mong manh, yếu đuối. Đồng thời tự giới thiệu mình là lương thực nuôi sống mọi người khi nằm trong máng để cỏ cho chiên lừa ăn, nhất là đã sinh ra ở một làng có  tên Bêlem, nghiã là “Nhà của cơm bánh”, ở đó sẽ chẳng còn ai phải đói khát, thiếu ăn.

Thiên Chúa làm người ấy còn tự giới thiệu mình qua những tặng vật của ba đạo sĩ theo ngôi sao lạ đến từ phương xa (x. Mt 2,11) : với vàng, Ngài tự giới thiệu mình là vua với quyền “xét xử dân Ngài theo công lý, và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn…, bảo toàn quyền lợi dân cùng khổ, ra tay cứu độ kẻ khó nghèo, đập tan lũ cường hào ác bá… Triều đại Người, đua nở hoa công lý, và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn” (Tv 71,2.4.7) ; với “nhũ hương”, Ngôi Lời tỏ mình cho muôn dân Ngài là Đức Chúa, vì chỉ Đức Chúa mới được  xông hương thờ lậy, và được chúc tụng, như “muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen  rằng : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời” trong đêm Giáng Sinh (Lc 2,13-14), “vì vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa” trên “bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân” (Is 60,1-2) ; sau cùng, với “mộc dược”, Ngôi Hai Thiên Chúa tự tỏ mình với muôn dân Ngài là con người thật, vì Ngài cũng chết và được tẩm liệm bằng mộc dược như mọi người.

Tóm lại, Đức Giêsu đã tỏ mình qua mầu nhiệm Giáng Sinh : Ngài là Con Người thật, như thánh Gioan tông đồ đã qủa quyết : “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người” (Ga 1,14), và chân lý ấy được thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại củng cố mạnh mẽ khi viết cho giáo đoàn Philípphê : “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

Cùng một lúc, Ngôi Lời Thiên Chúa cũng tỏ mình là Đức Chúa, Đấng Cứu Tinh, Đấng đến để cứu chuộc nhân loại, như lời trấn an các mục đồng của sứ thần : “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11). Ngài là Thiên Chúa thật, Thiên Chúa  của Vinh Quang trên trời, và Thiên Chúa của Bình An cho hết mọi người thiện tâm dưới thế.

Với mỗi người, Thiên Chúa còn tỏ mình là người Cha nhân hậu, Mục Tử nhân lành, người Bạn Đường nhân ái luôn có mặt, đồng hành để yêu thương, ủi an, bênh đỡ, cứu chữa, làm cho “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), như con cái được thừa hưởng gia nghiệp, như bạn hữu tri âm tri kỷ biết mọi việc của chủ mình, và như đoàn chiên được âu yếm chăm sóc, nâng niu.

Jorathe Nắng Tím   


GIÁNG SINH MỖI NGÀY


Nếu hỏi em bé : Giáng Sinh là gì? Em sẽ trả lời : Giáng Sinh là qùa Noel mà em ước mơ. Cũng thế, với người Kitô hữu, Đức Giêsu là quà tặng tuyệt vời của Chúa Cha ban cho nhân loại, qùa tặng mang lại ơn cứu rỗi, quà tặng đem đến sự sống đời đời, qùa tặng ban lại vinh dự làm con Thiên Chúa.   

Nhưng quà tặng mà Chúa Cha ban cho nhân loại không như món quà vật chất em bé nhận được từ ba mẹ trong đêm Giáng Sinh, mà là quà tặng “một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta” ; quà tặng “Ngôi Lời Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm và ở giữa loài người”, quà tặng “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”, quà tặng “Đường, Sự Thật, Sự Sống”, qùa tặng Tình Yêu và ơn Bình An của Thiên Chúa.

Như thế, quà tặng Giáng Sinh từ Chúa Cha mang một giá trị vô cùng toàn năng, tuyệt đối thánh thiện, nhưng đồng thời gần sát con người yếu đuối, bên cạnh con người tội lụy, cận kề con người cơ cùng, thiếu thốn, vì là chính Thiên Chúa từ trời cao xuống thế chia sẻ thân phận người với con người. Và Thiên Chúa muốn chúng ta đón nhận qùa tặng “Thiên Chúa làm người” trong chính thân phận con người, hoàn cảnh cụ thể của đời người, với tất cả thao thức, ưu tư, khắc khoải, lo âu, hy vọng, suớng vui, sầu khổ, thành công, thất bại, vinh quang, bạc bẽo, cả cái chết là đe dọa hãi hùng, kinh sợ của kiếp làm người.

Quà tặng “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, “Thiên Chúa làm người và cắm lều giữa nhân loại” không là món qùa chỉ mang tính biểu thị một tình cảm, diễn tả một tâm tình, nhưng là môt “con người ở với”, một Thiên Chúa đi cùng, một “con người Thiên Chúa” chia sẻ, gánh vác, đỡ nâng, đổi mới ; một “Thiên Chúa làm người” để xót thương, bao dung, cứu chuộc, thánh hoá, ban sự sống đời đời và hạnh phúc  vĩnh cửu. Tóm lại, qùa tặng là chính  Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa, với thiên tính và nhân tính ; chính Ngôi Lời của Thiên Chúa xuống thế làm người vì thương yêu con người tội lỗi.  

 

Do đó, qùa tặng chỉ có ý nghiã khi con người sống sự sống của Thiên Chúa  từng giây từng  phút của đời mình ; quà tặng chỉ mang giá trị “thần tính”, khi con người để Thiên Chúa thánh hoá “nhân tính” của mình. Và để thực hiện điều này, Hài Nhi Giêsu ở Bêlem đã mời gọi chúng ta sống mầu nhiệm Giáng Sinh của Ngài không chỉ một ngày, một đêm, hay một mùa trong năm, nhưng sống mọi ngày, sống mỗi ngày, sống từng ngày, sống liên lỷ ngày này qua ngày khác trong suốt cuộc đời.

Sống mầu nhiệm Giáng Sinh mỗi ngày là xác tín ơn gọi “tìm kiếm vinh danh Chúa bằng mưu tìm bình an, hạnh phúc cho đồng loại”, khi chọn Đức Giêsu làm Lẽ Sống, Cùng Đích và Gia Nghiệp, khi tin Ngài là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ rất khoan nhân, giầu lòng thương xót, và tuyệt đối tín thác ở Ngài ; là từ bỏ bớt “cái tôi”, xóa bớt “cái mình” để có thể chấp nhận những cái khác của “người khác”; là biết dùng đôi mắt để quan tâm đến người chung quanh trong cơ hàn, túng quẫn ; là  tận dụng đôi bàn tay để lau khô nước mắt trẻ thơ vô tội đang mếu máo nức nở vì mất cha, lạc mẹ ; là nỗ lực xây dựng nền hoà bình thế giới bằng đẩy lùi chiến tranh, giập tắt lửa hận thù, xây dựng một cộng đồng nhân loại công bằng, nhân ái ; là chia sẻ những gì mình có, mình là cho  người anh em sa cơ thất thế ; là cảm thông và giải quyết những vấn đề “khó nói” của người chị em lỡ bước, lầm đuờng ; là qủang đại quên đi những tổn thương, xúc phạm, và mau mắn thắp sáng ngọn nến hy vọng trong những trái tim tan nát, sầu buồn ; là bịt miệng những thị phi, vu khống và lên tiếng, mở lời làm rạng rỡ đức yêu thương, tình huynh đệ ; là ân cần mời người ăn xin vào nhà dùng bữa và mở rộng tấm lòng nhân hậu, bao dung đối với người phản phúc, vô ơn và kẻ thù.     

Có như thế, Giáng Sinh mới có ý nghiã “sinh nhật của Ngôi Lời” giữa thế giới loài người, “ngày sinh của Đấng Cứu Thế” trong lòng mỗi người, và “ngày thiên đàng chớm nở ngay dưới thế” trước mắt chúng ta. Nếu không, lễ Giáng Sinh sẽ chỉ còn là một lễ hội không mang ơn Bình An của Thiên Chúa từ trời cao xuống cho người Chúa thương, vì người được Chúa thương là người biết trân qúy và sống “Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người” là quà tặng vô giá, vì tuyệt đối, vô cùng Chúa Cha đã ban cho nhân loại vì yêu thương.

Jorathe Nắng Tím


Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

MẸ THIÊN CHÚA - NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH

 


Với những người con của Đức Mẹ thì không gì  hạnh phúc và hãnh diện hơn được mừng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và Nữ Vương Hoà Bình trong ngày đầu năm mới, ngày mà toàn thế giới hướng về Hoà Bình là khát vọng cháy bỏng của mọi người, mọi nơi.

Sở dĩ hoà bình là khát vọng cháy bỏng, vì chiến tranh suốt dòng lịch sử nhân loại đã không một phút buông tha con người. Nhiều dân tộc quằn quại trong những  thập niên dài tang thương dưới làn bom đạn, hàng triệu người vô tội chết không toàn thây, vô số người cô qủa, tàn tật, mồ côi, không còn mái ấm náu thân vì tham vọng điên cuồng của một thiểu số cầm quyền.

Hoà bình còn thiếu trầm trọng trong các gia đình, nơi công sở, xí nghiệp, khi cá nhân chủ nghiã và phương châm thực dụng bao trùm và trở thành động lực duy nhất của mọi hoạt động trong xã hội hôm nay.

Nhưng quan trọng và nguy hiểm hơn cả, chính là tâm hồn con người thời đại mất dần cảm thức hoà bình, khi xem mọi thành qủa là kết qủa của đấu tranh, mọi hoạt động kể cả hoạt động tình cảm, văn hóa, tâm linh đều là công cuộc chiến đấu nhằm đạt  thành tích chiến tranh, mang về chiến lợi phẩm  từ chiến trường là cuộc đời, cuộc sống, cuộc tình. Chẳng thế mà khẩu hiệu rôm rả, rộn rã được nhiều người thích thú chọn cho mình chính là thương trường là chiến trường, công trường là chiến trường, cả tình trường cũng là chiến trường.

Thế ra chẳng kẽ hở nào của cuộc sống đã có thể thoát khỏi nanh vuốt của chiến tranh, vì một lý do dễ hiểu : tâm hồn con người chất đầy những tham vọng ích kỷ, những mưu đồ, thủ đọan hại người, những kế hoạch tiêu diệt phi nhân, là nguồn gốc cay đắng, nghiệt ngã của chiến tranh.

Đây chính là lý do Thiên Chúa đã xuống thế làm người, bởi từ khi tội lỗi vào thế gian, lòng người trở nên ích kỷ, gian ác, bạo lực, như Cain đã ganh ghét em mình vì Thiên Chúa đã nhận của lễ của Aben ; đã căm phẫn em, vì thấy em vượt trội hơn mình ; đã âm mưu dụ dỗ em ra đồng vắng và hạ sát em, vì không còn có thể chịu đựng khi thấy em mình được Thiên Chúa sủng ái, ban phúc lộc (x. St 4,1- 16).

Đây cũng là ước mong của Thiên Chúa làm người  được các thiên thần loan báo trong đêm Giáng Sinh : Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương (Lc 2,14)

Như thế, Thánh Ý của Chúa Cha, công cuộc Nhập thể và Cứu Thế của Ngôi Lời chính là tái lập nền Hoà Bình vững bền cho thế giới, đem lại hạnh phúc An  Bình trong các gia đình, và Bình An đích thực trong các tâm hồn, như danh hiệu Vua Hoà Bình của Ngài (Is 9,5), như Ngài đã nói với các môn đệ trước khi lên Giêrusalem chịu khổ hình và đóng đinh : Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi (Ga 14,27), và Bình An cũng là món qùa phục sinh cao qúy nhất, và duy nhất Đức Giêsu đã ban, khi nói với những người được gặp Ngài : Bình An cho anh em (Ga 20,19.21).

Vì Ngôi Lời là Vua Hoà Bình, nguồn Bình An, Đấng ban Bình An của Thiên Chúa cho mọi tâm hồn, cho các gia đình, cho toàn thế giới, mà Ngôi Lời Thiên Chúa được sinh ra làm người từ cung lòng của Đức Maria, nên Đức Maria đích thực là Mẹ Thiên Chúa, với vinh dự Nữ Vương Hoà Bình.   

Chiêm ngắm Mẹ Thiên Chúa, Nữ Vương Hoà Bình trong ngày đầu năm, cũng là ngày Hoà Bình Thế Giới, chúng ta nài xin Mẹ ban hoà bình trong các tâm hồn, cho các quốc gia, và ngước trông lên Mẹ là gương mẫu tuyệt vời của người Kitô hữu, để học với Mẹ từ bỏ cái tôi ích kỷ, ganh ghét, hận thù, bạo lực, hầu xứng đáng đón nhận ơn Bình An của Thiên Chúa Giáng Sinh, và trở thành những người xây dựng Hoà Bình, vì sẽ được gọi là con Thiên Chúa (Mt 5,9), là những người được Chúa thương (Lc 2,14).

Jorathe Nắng Tím   

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

LỄ THÁNH GIA

 


Các bài đọc trong lễ Thánh Gia đều hướng đến đời sống đức tin của hai gia đình thánh thiện, một của Cựu Ước và một của Tân Ước.  

Bài đọc một được chọn từ sách Sáng Thế cho chúng ta gương sống đức tin của gia đình Ápraham và Xara.

Đây là một gia đình hiếm muộn, không con, chịu nhiều cay đắng do những thị phi, đàm tiếu của thiên hạ, kiểu cây độc không trái, gái độc không con.

Ápraham tuy được Thiên Chúa Giavê hứa : Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi (St 12,2), khi Thiên Chúa gọi ông và ông vâng lời rời bỏ xứ sở, họ hàng, nhà cha mẹ mà đi tới đất Thiên Chúa chỉ cho ông (x. St 12,1), nhưng Xara, vợ ông vẫn không có thai, như lời ông than thở với Thiên Chúa : Lậy Chúa là Chúa Thượng, Chúa sẽ ban cho con cái gì? Con ra đi mà không con cái, và người thừa tự gia đình con là Êliede, một người Đamát… Chúa coi, Chúa không ban cho con một dòng dõi, và một gia nhân của con sẽ thừa kế con (St 15,2-3).

Phần Xara, vì không sinh được cho Ápraham một người con nào, nên rất đau khổ, buồn tủi như tâm sự của bà với chồng : Tôi bị xỉ nhục là tại ông đấy! Chính tôi đã đặt nữ tỳ của tôi vào lòng ông. Thế mà từ khi nó thấy mình có thai, nó coi khinh tôi (St 16,5).

Nhưng Ápraham đã tin vào lời hứa của Thiên Chúa, và Đức Chúa đã kể ông là người công chính (St 15,6), khi ban cho ông Ixaác làm con nối dõi. Tuy thế, đức tin của ông còn bị thử thách nặng nề, khi Thiên Chúa gọi ông và bảo ông : Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Ixaác, hãy đi đến xứ Môrigia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho (St 22,2).

Qủa thực, gia đình Ápraham - Xara đã trải qua những năm tháng dài buồn tủi vì không có con. Sở dĩ buồn tủi, vì con cái là hạnh phúc của cha mẹ, con cái là dấu chỉ gia đình được chúc phúc, con cái là niềm hãnh diện của gia tộc, con cái là giây liên kết chặt chẽ tình nghiã vợ chồng. Thế mà ông bà hiếm muộn không con. Nhưng đến khi có con, và con khôn lớn, lại phải đem con đi sát tế làm của lễ, như ý muốn của Thiên Chúa, thì  hỏi có thử thách nào lớn lao, khinh khủng hơn không?

Gia đình thánh thiện thứ hai trong Tân Ước là gia đình của thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu. Gia đình này cũng không thiếu sóng gió, bởi ngay khi hai ông bà chưa về sống chung, thì bà đã có thai bởi phép Chúa Thánh thần, và ông, vì yêu mến, tôn trọng, không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo (Mt 1,19). Rồi những biến cố dồn dập xô đẩy gia đình thánh vào những cảnh huống đau lòng như phải sinh con trong chuồng chiên lừa, đặt con trong máng cỏ (Lc 2,16), phải trốn sang Ai Cập để bảo toàn tính mạng của con (x. Mt 2,13-18), và  Tin Mừng Luca với lời tiên báo như dao sắc cắt lòng của cụ già Simêon về Đức Giêsu ngày ông bà dâng con trong đền thờ: Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng dậy. Cháu còn là dấu hiệu cho nhiều người chống báng ; và như vậy ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà (Lc 2,34-35).

Như thế, sự thánh thiện của gia đình hệ tại ở niềm tin vào Thánh ý tốt lành của Thiên Chúa, như các thành viên của hai gia đình thánh đã tuyệt đối tin vào ý muốn của Thiên Chúa, mặc dù ý muốn thánh thiện, và tốt lành ấy đã nhiều lúc làm tan nát tâm can.

Tin vào Thánh Ý tốt lành của Thiên Chúa là tin Thiên Chúa không muốn gì ngoài hạnh phúc của con người, không chọn điều gì có hại cho con người, ảnh hưởng xấu đến con người, nhưng hạnh phúc của con người đang sống chính là vinh quang của Ngài. Niềm tin ấy làm cho gia đình bình an trước mọi thử thách, tín thác trong mọi hoàn cảnh bi thương, bế tắc, vì tin rằng bất cứ thử thách nào, bất cứ đau thương nào cũng nằm trong Thánh Ý tốt lành của Thiên Chúa.

Gia đình thánh thiện còn là gia đình tin vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa, như Ápraham đã tin và đem con lên núi sát tế làm của lễ như Thiên Chúa dậy, nhưng tình thương quan phòng của Thiên Chúa đã sai sứ thần từ trời gọi ông : Ápraham! Ápraham!… Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa. Ông Ápraham ngước mắt lên nhìn, thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông Ápraham liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn tiêu thay cho con mình (St 22,11-13).

Thực vậy, sự thánh thiện hệ tại ở đức tin, như Aben nhờ đức tin, đã dâng lên Thiên Chúa một hy lễ cao qúy hơn hy lễ của ông Cain ; nhờ đức tin, ông Noê được Thiên Chúa báo cho biết những gì người ta chưa thấy ; nhờ đức tin, lúc chào đời, ông Môsê đã được cha mẹ giấu đi ba tháng, bởi vì ông bà thấy đứa trẻ khôi ngô, và không sợ sắc chỉ nhà vua (Dt 11,4.7.23) ; nhờ đức tin, người phong hủi đã được sạch, anh đầy tớ của viên sĩ quan đại đội trưởng đã khỏi bệnh, nhiều người đau ốm, bị qủy ám đã đuợc chữa lành (x. Mt 8,1-16). Cũng nhờ đức tin của hai chị Mácta và Maria, Ladarô đã được gọi ra khỏi mồ (x. Ga 11,1-44), và con trai bà goá thành Nain đã được Đức Giêsu cho sống lại (x. Lc 7,11-17).

Mừng lễ Thánh Gia, chúng ta xin Chúa ban đức tin cho các gia đình, để nhờ tin vào Thánh Ý tốt lành và Tình Yêu quan phòng của Chúa, các gia đình có Chúa hướng dẫn, đồng hành, như Ítraen trên đường về Đất Hứa, đã có Đức Chúa đi  đằng trước họ : ban ngày thì ở trong cột mây để dẫn đường, ban đêm thì ở trong cột lửa để soi sáng, nên họ có thể đi cả ban ngày lẫn ban đêm (Xh 13,21), để gia đình luôn đi với Chúa và với nhau cả trong vui mừng lẫn sầu thương, trong thành công lẫn thất bại, trong an bình lẫn gian truân.

Jorathe Nắng Tím  

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

TÂM TÌNH ĐÓN CHÚA GIÁNG SINH

 



    Không phải tất cả những ai đến nhà đều là khách, bởi có những khách  không mời cũng đến, những khách đuổi không đi,  bị chủ nhà nguyền rủa, khinh bỉ  cũng vẫn lì lợm lân la, và  không phải người con nào cũng được cha mẹ mong đợi và vui mừng đón tiếp khi vào đời làm người, bởi không thiếu những cha mẹ  đã  run rẩy hoảng hốt, hoặc nổi khùng, nổi điên khi nghe tin con « thành hình » trong bào thai, và ngao ngán, chán nản khi con chào đời.

   Giáng Sinh về, chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu trong chuồng chiên cừu ở Bêlem, chúng ta thấy Ngài vừa là khách được  niềm nở đón tiếp, là người nhà được ân cần mời ở lại,  nhưng đồng thời vừa là gai nhọn, đối thủ, kẻ thù  làm xốn xang, bực bội  và bị  săn lùng, tiêu diệt như một tội phạm  nguy hiểm đối với nhiều người.

    Thánh Gioan Tông Đồ đã khẳng định sự thật Ngôi Lời  bị  từ chối, không được người nhà mình đón nhận khi nói về « mầu nhiệm làm người » của Đức Giêsu : « Người đã đến nhà mình,  nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận » (Ga 1,11), «Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người » (Ga 1, 10).  

    Qủa thực, Đức Giêsu đã đến trong nhà mình, giữa anh em mình, vì yêu thương và để cứu chuộc họ, nhưng « Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người » ấy (Ga 1, 9) đã không được đón nhận, vì người nhà đã  chọn ở lại trong bóng tối, khi từ chối « sự sống là ánh sáng cho nhân loại » (Ga 1,3).

   Có rất nhiều người đã từ chối ánh sáng của Ngôi Lời quanh biến cố Giáng Sinh. Bắt đầu là những chủ nhà trọ ở Bêlem, khi không  ông bà chủ nào đã  chạnh lòng thương cảm, không qúan trọ nào đã dành một chỗ cho  người đàn bà có thai « đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa » (Lc 2,6), không tấm lòng nào đã  trắc ẩn và qủang đại thu xếp  cho  vợ chồng nghèo đến từ  Nazareth xa xôi  một  góc nhỏ để sinh con.

   Tất nhiên, Bêlem những ngày kiểm tra dân số ấy  rất đông đúc, náo nhiệt, nên các chủ nhà trọ  tranh thủ cho thuê phòng, vì chẳng mấy khi  nhu cầu mướn phòng lại lớn như vậy. Cũng vì đông khách thuê phòng, mà chủ nhà trọ tha hồ tuyển chọn những khách ngon lành, béo bở. Và đó chính là lý do tất cả  đã từ chối cha mẹ của Đức Giêsu, vì không ai muốn ôm vào  những phiền lụy, rắc rối khi đón tiếp trong nhà mình người mẹ sắp sinh con.

  Những người chủ nhà trọ đại diện cho những người mải mê làm giầu, chọn vật chất làm lẽ sống, lấy tiền bạc làm cứu cánh cuộc đời. Tâm hồn họ chất đầy của cải, không còn kẽ hở cho tình người, nên trái tim đã quên hẳn nhịp đập của tình yêu, lòng thương xót đối với những người khốn cùng đang cần được họ thương xót,  cứu giúp.  

    Bên cạnh những chủ nhà trò mê làm giầu   là vua Hêrôđê, và những thượng tế, kinh sư ở Giêrusalem. Những người này không chỉ từ chối, mà còn dùng quyền lực truy lùng, sát hại, ngay khi biết thông tin về nơi Hài Nhi Giêsu sinh ra (x. Mt 2, 1-18), như Tin Mừng Mattthêu kể lại : « Bấy giờ vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia : Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc thương rền rĩ: tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa (Mt 2,16-18).

  Họ là những người đói khát quyền lực, danh vọng, nên bảo vệ bằng mọi giá  uy danh và quyền hành đang nắm trong tay, đồng thời ráo riết  thu tóm thế lực, ảnh hưởng  từ những người chung quanh nhiều và rộng lớn bao nhiêu có thể,  để không ai còn khả thể đe dọa  lật đổ, chiếm đoạt  ngai toà của họ.

   Qủa thực, Hài Nhi Giêsu đã không được  toàn thể người nhà mình niềm nở  đón tiếp,  cũng không được tất cả anh em mình mời vào nhà, vì đường vào trái tim họ đã  bị vật chất đóng chốt và chật kín những  nhà đất, vàng bạc, kho báu,  kế họach đầu tư làm giầu, cũng như cửa lòng họ đã bị danh vọng, quyền lực khóa chặt nhiều vòng

   Cả hai nhóm người trên, vì thấy mình không thiếu gì, không cần ai khi vật chất dư thừa, quyền hành bao phủ, danh vọng chói chan, nên biến cố Ngôi Lời làm người không gây bất cứ chấn động nào nơi họ, không ảnh hưởng gì đến họ,  bởi họ  cảm thấy không cần gì ở Hài Nhi Giêsu vừa sinh ra. Trái lại, biến cố xuống thể làm người của Hài Nhi Giêsu có thể  trở thành gai nhọn làm nhức mắt họ, như ánh sáng làm choáng  những người lâu năm sống  trong bóng tối. Biến cố Giáng Sinh ấy còn làm họ khó chịu, bực bội, vì là tiếng nói trái chiều có sức ngăn cản, cảnh cáo, nhắc bảo.

   Ngược lại với những người không vui, và từ chối  Ngôi Lời nhập thể, khi ngần ngại,  dè dặt,  hoảng sợ, giận dữ, và phản ứng bằng bạo lực trước biến cố sinh vào đời của Ngôi Lời Thiên Chúa, là  những người chăn chiên nghèo khó, dốt nát, bé nhỏ, hồn nhiên, đơn sơ. Những con người  cùng đinh, « vô danh tiểu tốt » này đã tìm đến thờ lậy Hài Nhi Giêsu khi sứ thần báo tin vui cho họ, và họ đã phấn khởi đón tiếp Ngôi Lời vào nhà tâm hồn họ, giữ Ngài ở lại trong nhà cuộc đời họ, bởi họ nhận ra Ngài là Đấng yêu thương và  cứu độ họ ; nhận ra ở với Ngài,  họ  sẽ được thoả lòng mong uớc ; nhận ra đi theo Ngài, họ tìm được lẽ sống ; nhận ra phụng sự Ngài, họ không bị ruồng rẫy, đàn áp, bóc lột, nhưng được yêu thương, chăm sóc, nhất là  nhận ra Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến, là Bình An của Thiên Chúa, là Gia Nghiệp đời đời, là « Đường, Sự Thật và Sự Sống », khi họ tin vào Lời Hứa mà Thiên Chúa mặc khải cho họ là  những người bé mọn (x. Mt 11,25-26).

    Đó là Lời Hứa Nước Trời cho những tâm hồn nghèo khó, hiền lành, bị bách hại vì sống công chính và làm chứng vương quốc của Thiên Chúa; Lời Hứa được Thiên Chúa ủi an, thương xót, cho diện kiến và phần thưởng lớn lao trên trời cho những tấm lòng sầu khổ, trong sạch, hay chạnh lòng xót thương anh em và tận tụy xây dựng một thế giới công lý, hoà bình (x. Mt 5, 2-12).

     Cùng đi trên đường tìm gặp để thờ lậy Hài Nhi với các mục đồng nghèo khó, còn những nhà chiêm tinh thông thái luôn thao thức, khắc khoải  và thành tâm thiện chí trước Chân Lý. Vì thế, khi ngôi sao lạ xuất hiện, các vị đã bất chấp mọi  nguy hiểm, mau mắn lên đường đi tìm Hài Nhi, « Vua dân Do Thái vừa mới sinh ra » (Mt 1,1-2), bởi các vị là những người trung chính, và chân thực đã tin vào ánh sao sự thật và lời các ngôn sứ đã viết về sự ra đời của « vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen » (x. Mt 1,2.6).

    Vâng, chúng ta cũng không khác hai nhóm người trên trước mầu nhiệm Giáng Sinh, bởi chúng ta có thể hững hờ, dửng dưng, lanh lùng với Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ Bêlem đêm nay, nếu chúng ta không thấy cần  Ngài, không nhận ra mình thiếu thốn, yếu đuối, tội lụy luôn cần được Ngôi Lời thương xót, tha thứ, cứu chữa, hướng dẫn chở che ; bởi chúng ta có tự do từ chối sự hiện diện của Ngài trong đời sống, nếu thấy  mình làm được tất cả, bảo đảm được tất cả, mà không cần đến ai, kể cả Thiên Chúa, khi tự hào đã  đủ đạo đức, thánh thiện, đủ tài năng, sức mạnh, đủ tiền bac, của cải, đủ uy danh, quyền lực, đủ an toàn, bền vững,  đủ sung sướng đời này, đủ hạnh phúc đời sau.

    Vì thế, lễ Giáng Sinh chỉ thực sự có ý nghiã và là Niềm Vui trọn vẹn, Tin Mừng lớn lao cho chúng ta, nếu chúng ta nhận ra mình đang rất cần Chúa, rất cần lòng thương xót, bao dung, nhân hậu của Ngài, rất cần được Đấng Cứu Độ xóa hết tội lỗi  nặng nề, ghê tởm, gớm ghiếc, tha cho  tội chết và cứu khỏi án phạt đời đời. Chỉ với ý thức và tâm tình của người có tội cần được Chúa thương xót và mọi người thương cảm, như người đàn bà ngoại tình bị bắt qủa tang đang run rẩy sợ hãi trước đám đông phẫn nộ tay cầm đá sẵn sàng ném, hay như người gian phi bị đóng đinh ở giờ hấp hối, và như cả hai không còn biết trông cậy vào ai ngoài Đức Giêsu  ở phút lâm nguy, giờ lâm tử, chúng ta mới vui mừng  đón rước Chúa Hài Đồng đến  cư ngụ giữa chúng ta và  trong  cuộc đời mỗi người, bởi chỉ khi cần Chúa, chúng ta mới khát khao trông đợi và vui mừng đón tiếp Ngài giáng sinh làm người.

     Và như thế, chúng ta sẽ tràn đầy ơn Bình An của Chúa, để vui vẻ  chúc  nhau một lễ Giáng Sinh « biết mình luôn cần Chúa, và mãi mãi được Chúa xót thương ». 

Jorathe Nắng Tím

CHUNG QUANH MÃI LÀ HY VỌNG

 

      Bạn cũng như tôi đã có lúc không còn muốn ước mơ, hay hy vọng, khi chung quanh đầy những con người ích kỷ, xảo trá, tham lam, phản phúc, bất nhân bất nghiã, bất tín bất trung ; cũng chẳng  muốn dấn thân hy sinh, khi ở đâu cũng nhan nhản những bất công, đến đâu cũng lầy lội những bất chính, và cái cảm giác «nôn mửa » trước cuộc đời và người đời ngày càng quen thuộc, không còn xa xôi, lạ lẫm. Cũng  vì đời không vui, do con người không mang lại cho nhau niềm vui, mà nhiều người đã tự nguyện kết thúc đời mình, tự chọn cho mình chuyến tầu định mệnh, để không còn phải sống với những con người « lang sói », giữa cuộc sống « hoả ngục ».

   Ý tưởng trên không vu vơ, huyền hoặc, hay giả định, lý thuyết, nhưng là sự thực rất thực đang đẩy nhiều người, nhất là người trẻ rơi xuống hố sâu tuyệt vọng trước một cuộc sống không lẽ sống, không lý tưởng, không ý nghiã, do phải sống trong những môi trường đặc sệt những phi lý, với những con người « phi nhân tính, phi nhân bản, phi nhân đạo ».

     Hiện tượng phi nhân tính khi người  thân trong gia đình đe dọa,  cưỡng bức, hãm hại nhau  vì một chút danh lợi ; hiện tượng phi nhân bản khi xã hội không còn ý thức về nhân ái, nhân vị, nhân phẩm, và người tử tế bị coi như  những kẻ ngu dốt, đần độn, bất lực, trong khi phường gian ác, đám lưu manh, bọn côn đồ lại được nể nang, trọng dụng và  nắm  trọn quyền quyết định số phận của nhiều người ; hiện tượng phi nhân đạo, khi luân lý  lật nhào, đạo đức bị bứng gốc, và ý thức tội phúc, thiện ác, thưởng phạt mất hẳn chỗ đứng  không chỉ trong tâm thức, mà ngay trong sinh hoạt thường ngày.

  Thực vậy, nếu suốt đời phải  vô phúc sống với toàn  những con người phi nhân tính, những nhóm người phi nhân bản, những băng đảng phi nhân đạo, thì  « chết suớng hơn »  sẽ là chọn lựa không mấy khó lý giải.

     Nhưng rất may, cuộc đời vẫn còn những con người tử tế, chung quanh  ta vẫn còn những con người tuyệt vời, bên cạnh ta vẫn còn những   thánh nhân đang cùng chia sẻ  thân phận người, và từ thân người mỏng dòn, yếu đuối, từ phận người bèo bọt, phù du, giá trị tuyệt vời là người và ơn gọi cao cả làm người đã được nẩy mầm, trổ sinh hoa trái xum xuê đem lại hạnh phúc cho mọi người và cuộc đời.

    Bạn hãy cùng tôi chiêm ngắm  những « hạt nhân ái » đã gan lì nẩy mầm  giữa thời chinh chiến, buổi ly loạn trong cuộc đời của hằng triệu người vợ đang phơi phới hạnh phúc bên chồng bỗng phải trở thành goá phụ, những goá phụ đã thay chồng chăm sóc cha mẹ hai bên, nuôi dậy con cái nên người. Những góa phụ này là  ai, nếu không phải là thành trì  của niềm tin và tình yêu mà  con người dành cho nhau ?

   Hãy cùng tôi  chăm chú nhìn những « hạt nhân đạo » đã đội đất nẩy mầm những ngày giông tố, bão lụt trong tâm hồn những em bé  đã nhịn ăn sáng, lấy tiền tiết kiệm để chia sẻ  với các bạn cùng trang lứa đang thiếu ăn thiếu mặc trong vùng thiên tai, hay trong tiếng hát ngọt ngào tình người  của các nghệ sĩ trên đường đến với đồng bào trong cơn quẫn bách, khốn khổ vì lụt lội. Những  con người này là ai, nếu không phải là những  chứng nhân sống động của niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng của một thế giới  yêu thương, huynh đệ ?  

  Và hãy cùng tôi chiêm ngưỡng  « những hạt nhân phẩm, nhân vị, nhân đức » đang xé tuyết mọc lên giữa những thách đố của thời đại thực dụng, ích kỷ, hưởng thụ trong trái tim đơn sơ, thật thà, qủa cảm, chính trực của người tài xế taxi  nghèo, đông con đã không để lòng tham  chiếm ngự, thống lãnh, nhưng  tìm cho kỳ được, và trao tận tay người khách đã bỏ quên trên xe túi xách với nhiều tỷ đồng, và giấy tờ quan trọng.  Những con người nghèo nhưng liêm khiết này là ai, nếu không phải là niềm tự hào của thế giới tình người, bởi nhờ bàn tay họ, công bằng, bác ái, hạnh phúc, bình an được bảo vệ, xây dựng ?

    Thực vậy, chung quanh ta có vô số những  người đạo đức, tử tế, hiền nhân quân tử. Họ là những người  không hy sinh người khác vì mình, nhưng hy sinh mình vì người khác ; không bán đứng người khác vì danh lợi  cá nhân, nhưng  liều thân quên mình vì hạnh phúc của đồng loại ; không bon chen, đấu đá, tranh giành cách bất công, bất chính để chiếm công, thủ lợi, nhưng nhân hậu, bao dung vì lợi ích chung của mọi người. Bên cạnh ta còn hàng hàng lớp lớp những con người thánh thiện đã chọn lý tưởng « sống vì người khác », chọn lẽ sống « bác ái, vị tha », chọn con đường hiến thân phục vụ. Những người này nếu không được gọi  là « thánh nhân », là người thánh thiện, thì danh xưng, danh hiệu, danh dự nào sẽ được dành cho họ ?

    Vâng, chúng ta không có lý do để bi quan, thất vọng, nản chí, sờn lòng bỏ cuộc trước hiện tượng nhố nhăng, tiêu cực, cũng không đủ căn cớ biện minh cho chọn lựa « bỏ đời, trốn người »,  vì quanh ta người tốt còn rất nhiều, người đạo đức vẫn có mặt sinh hoạt, và người tử tế nhan nhản khắp nơi. Chỉ khổ một nỗi là người tử tế thì khiêm tốn ẩn mình, người tốt thì tế nhị, kín đáo, người đạo đức thì đằm thắm, đơn sơ, nên tất cả họ đều lặng lẽ sống đời tử tế, yên lặng làm việc đạo đức, bình lặng chu toàn bổn phận nhân ái, nhân nghiã, nhân đạo của  người có nhân cách,  mà không  ồn ào tự phô trương,  không inh ỏi  khoe khoang thành tích, không hợm hĩnh  ca tụng, đánh bóng « cái tôi » kiêu căng bố bịch,  nên ta tưởng quanh ta chỉ còn rặt phường bá đạo, chen chúc bọn bất nhân, bất nghiã.

   Vì thế, vấn đề còn lại ở mỗi người là tính bén nhậy của đôi mắt tâm hồn để khám phá,  nhận ra qua dáng vẻ hồn nhiên, đơn sơ,  dung dị và thái độ  lặng lẽ, khiêm nhu, bé nhỏ, kể cả yếu đuối,  những con người vĩ đại đang  đổi mới thế giới, những thánh nhân đáng kính đang thắp sáng niềm tin cho đồng loại, những con người tử tế, nhân hậu đang đem lại cho người cùng sống niềm vui an bình.

    Nhận ra điều này, chúng ta sẽ không bao giờ đánh mất niềm hy vọng ở con người, vì bao lâu thế giới còn  con người, bấy lâu hạt hy vọng còn  nẩy mầm ; cũng như bao lâu con người còn đi với nhau, bấy lâu cuộc đời còn tươi đẹp, dễ thương, bởi niềm tin và tình yêu là  ngọn nến  Hy Vọng không bao giờ tắt  nơi những con người biết sống và  dám chết cho nhau.    

Jorathe Nắng Tím

ĐỨNG YÊN

 

    Tâm tình sau  buổi lễ thăm viếng xác nghệ sĩ Chí Tài tại nhà thờ Thánh Linh, California ngày 18.12.2020



     « Đứng Yên » đây không là khẩu lệnh với ý nghiã : phải đứng yên một chỗ, không được cọ quậy, di động, nhưng là dáng dấp và thái độ ấn tượng và xúc động mà tôi chụp lại được bằng ống kính của trái tim ở chị Phương Loan, người vợ  của nghệ sĩ quá cố Chí Tài đã Đứng Thẳng và Yên Lặng bên quan tài chồng suốt buổi thăm viếng của gia đình, bạn hữu, và  đồng hương ngày 18.12.2020 tại nhà thờ Thánh Linh, Fountain Valley, California.

    Qủa thực, theo dõi  buổi lễ viếng thăm, chia sẻ tâm tình và vĩnh biệt  anh Chí Tài của gia đình, bạn hữu nghệ sĩ, đồng hương hôm nay, tôi không khỏi xúc động trước dáng đứng và thái độ rất  ấn tượng của chị Phương Loan, hiền thê của anh Chí Tài.

    Tôi xúc động vì dáng đứng thẳng của chị sát bên quan tài chồng, dáng đứng của qủa cảm, can trường ; dáng đứng của con tim đau qúa đã không còn có thể  bò lê bò càng, hay co dúm, quằn quại trên sàn nhà; dáng đứng của tận cùng xót xa, của biền biệt thương nhớ, của một lần cuối  nhìn nhau, để rồi không bao giờ được gặp lại  trong cuộc đời.

    Chị đã đứng thẳng, dù khổ đau chất ngất đang tìm cách bẽ gẫy, đánh gục chị ; chị đã đứng thẳng, dù  chung quanh tất cả  đang tàn nhẫn sụp đổ,  và tang thương vỡ vụn. Nước mắt cứ dàn dụa, tiếng nấc cứ nghẹn ngào, trào dâng, nhưng dáng đứng của người vợ qủa cảm, hy sinh đã  không thay đổi, và chị vẫn đứng thẳng, vẫn đứng vững  giữa mịt mờ thương đau, ngay tâm bão của thử thách tưởng chừng  vượt sức người có hạn ngay bên cạnh quan tài phu quân vô vàn yêu dấu.

   Không chỉ đứng thẳng, chị còn yên lặng, cái yên lặng của tâm hồn quay quắt niềm đau nỗi nhớ, bởi khi không còn có thể đau hơn, khổ hơn, người ta chỉ còn có thể yên lặng, và nhờ yên lặng, người ta mới có thể  vượt qua để tiếp tục sống.  

    Chị đã yên lặng hầu như suốt những ngày ngắn ngủi bên xác chồng, từ khi anh một mình  trở về với chị và gia đình từ Việt Nam, đặc biệt hôm nay, giữa rất đông thân nhân, bạn hữu, đồng hương đến viếng xác chồng, chị  đã yên lặng không chỉ trên môi miệng,    toàn thân xác, cũng như  linh hồn chị như chìm sâu trong  đại dương của yên lặng mầu nhiệm. 

    Bên quan tài, một mình đứng thẳng, mắt ngấn lệ âu yếm nhìn chồng yên nghỉ, chị không còn cảm thụ  âm thanh, ngoài « thanh âm »  yên lặng của tình yêu mầu nhiệm, mà chỉ trái tim mới nghe và hiểu được.  Chị đã  để trái tim yên lặng và nuốt từng ngụm tình yêu trong vắt và ngọt lịm ; chị đã yên lặng với trái tim để không bỏ rơi, bỏ sót,  bỏ lỡ một giọt tình nào, dù  giọt tình ấy có đắng đót thế nào đi nữa… bởi  với chị lúc này, chỉ còn yên lặng của tình yêu mới có « phép thiêng »  và « sức mầu »  để hồi sinh, vực dậy.  

   Nhưng đến lúc nắp quan tài được đóng lại, thì tôi không nhìn chị nữa, mà chiêm ngắm chị, khi chị đứng thẳng, yên lặng ngay đầu quan tài,  nước mắt dàn dụa, hai tay ôm chặt cây Thánh Giá.

   Tôi không nhìn chị nữa, nhưng chiêm ngắm chị, vì dáng dứng của chị bây giờ đích thị là dáng đứng của Đức Maria dưới chân Thánh Giá năm xưa trên đồi Canvê, chỉ khác là Đức Mẹ  đứng thẳng qủa cảm bên xác con trai, còn chị đứng thẳng can trường bên xác chồng. Chị giống Đức Mẹ khi đứng thẳng bên Thánh Giá, đứng thẳng giữa khổ đau, thử thách, vì chị học với Đức Mẹ tin vào Thiên Chúa, tin vào  mầu nhiệm Cứu Chuộc, tin vào Lời Hứa Phục Sinh của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ. 

    Chị còn được Đức Mẹ nâng đỡ đặc biệt, nên mới đứng thẳng bên Thánh Giá được như Mẹ, mới đứng thẳng giữa giông bão dữ dội  được như Mẹ , và chị là người con yêu của Đức Mẹ, bằng chứng là Đức Mẹ đích thân đồng hành với anh Chí Tài, người chồng yêu dấu của chị  đi gặp Đức Giêsu, Con của Mẹ, khi ban cho anh cỗ tràng hạt như dấu chỉ của tình Đức Mẹ thương anh, và như ơn phù trợ của Đức Mẹ dành cho chị.

    Tôi cũng không quan sát chị nữa, khi quan tài vừa đóng chặt, nhưng chiêm ngưỡng chị, vì toàn thể « con người yên lặng » của chị làm tôi  sửng sốt nhận ra thái độ yên lặng sâu lắng, mầu nhiệm của Đức Maria suốt con đường  Thánh Giá đầy máu, mồ hôi  và nước mắt của Đức Giêsu, từ khi  bị bắt, bị đánh đòn,  bị đóng đinh cho đến khi được chôn trong mộ phần.

    Yên lặng với Đức Mẹ, chị đã học với Đức Mẹ  hai tiếng « Xin Vâng » trước Thánh Ý Thiên Chúa, và phó thác tuyệt đối vào chương trình của Ngài, dù phải trả một giá rất đắt, phải mất mát, thiệt thòi rất nhiều, phải bỏ mình, xóa mình đến không còn gì.

    Vâng, trong giây phút kinh hoàng của ly biệt khi nắp quan tài đóng kín thân xác anh Chí Tài, dáng đứng thẳng và thái độ yên lặng của chị Phương Loan  đã không chỉ cho riêng tôi, mà cho rất nhiều người tham dự lễ thăm viếng anh Chí Tài sáng nay nhận ra hình ảnh Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu chịu đóng đinh đã « đứng thẳng và yên lặng » dưới chân Thánh Giá treo xác con trai yêu dấu của mình.  

   Cám ơn chị thật nhiều, chị Phương Loan qúy mến, vì chị đã cho tôi biết thế nào là Tin trong thử thách, và Yêu trong đau khổ qua dáng đứng thẳng và thái độ yên lặng của chị. Cùng với chị, tôi cầu nguyện cho linh hồn Giuse, người chồng tuyệt vời của chị, và xin chị cầu nguyện cho tôi được đứng thẳng trong Đức Tin và yên lặng trong Tình Yêu, như chị đã học với Đức Maria, «Người mẹ sầu bi dưới chân Thánh Giá của chúng ta ».  

Jorathe Nắng Tím  

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

CHÍNH THIÊN CHÚA ĐẾN CỨU CHÚNG TA

 

Mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta không mừng một sứ giả, một sứ thần được Thiên Chúa gửi đến để cứu chuộc, hay mừng một tướng quân được tổng tư lệnh quân đội đặc phái ra mặt trận đang sôi bỏng để giải cứu quân và diệt thù, cũng không mừng vị đại diện của  Đấng Toàn Năng đến giải phóng, nhưng mừng chính Thiên Chúa đến cứu độ, mừng Ngôi Lời đến chuộc tội nhân loại, mừng chính Đức Chúa đến giải phóng dân Ngài. 

Ngôn sứ Isaia đã  loan báo Thiên Chúa sẽ đến cứu chuộc dân Ngài khi :

Người đã phán : Thật, chúng là dân của Ta, là những đứa con không biết lừa dối!". Và đối với họ, Người đã là một vị cứu tinh, trong mọi cơn quẫn bách. Không phải là một sứ giả hay một thiên thần đã cứu thoát họ, nhưng là chính tôn nhan Người. Vì yêu mến và thương cảm, chính Người đã chuộc họ về, đã vực họ dậy và mang họ đi suốt thời gian qúa khứ (Is 63,8-9).

Đấng Cứu Độ đến cứu chúng ta không chỉ là Thiên Chúa, mà còn là người như chúng ta, một người bằng xương bằng thịt. Ngài cho chúng ta thấy Ngài sinh ra như trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ (Lc 2,12) và thấy Ngài là Đấng oai hùng…, là vị thẩm phán của chúng ta…, là nhà lập pháp của chúng ta…, là vua của chúng ta, chính Người sẽ cứu độ chúng ta (Is 33,21.22).

Là Thiên Chúa làm người, Ngài không đến giải phóng chúng ta bằng mưu lược, thủ đọan chính trị, hay bằng vũ khí bạo lực, nhưng cứu độ bằng thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta, Ngài chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Ngài ném xuống đáy biển (Mk 7,19), vì Ngài là Thiên Chúa giầu lòng thương xót, Đấng Cứu Độ vô cùng nhân hậu, khoan dung.

Mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta mừng Thiên Chúa làm người, mừng con người được Thiên Chúa chuộc lại, mừng vinh dự làm con Thiên Chúa của con người được Thiên Chúa làm người ban lại nhờ của lễ  đền tội vô giá của Ngài.

Vì thế, chúng ta không mừng lễ Giáng Sinh như một người xa lạ với mầu nhiệm vào đời, làm người của Thiên Chúa, vì mầu nhiệm Thiên Chúa làm người mang lại ơn cứu sống đời đời cho chúng ta ; chúng ta không mừng lễ Giáng Sinh như khách bàng quan, thờ ơ, lãnh đạm, vì ơn Bình An của Thiên Chúa làm người giải thoát chúng ta khỏi mặc cảm tội lỗi của qúa khứ, khỏi thất vọng của hiện tại, khỏi hoang mang, sợ hãi của tương lai ; chúng ta không mừng lễ Giáng Sinh như người ngoài cuộc, bởi cứu chúng ta khỏi ách thống trị của tội lỗi, sự dữ và thần chết là công cuộc của Thiên Chúa muốn thực hiện với con người và cho con người ; chúng ta cũng không mừng lễ Giáng Sinh với nỗi buồn làm người, niềm đau thân phận, tủi sầu số kiếp, vì chính Thiên Chúa đã xuống thế làm người nghèo hèn, mang thân phận người mong manh, chia sẻ kiếp người truân chuyên, vất vả với mọi người.

Trái lại, mừng lễ Chúa Giáng Sinh chính là mừng ngày chúng ta được sinh lại trong Chúa, được mang tên Chúa, được đổi mới trong Chúa, được Chúa đổ đầy tình yêu và mặc cho áo hy vọng của Lời Hứa.

Mừng lễ Chúa Giáng Sinh cũng là mừng ngày chúng ta trở thành anh em với nhau trong Chúa, vì hôm nay, tất cả chúng ta được Thiên Chúa trả lại quyền làm con Ngài.

Sau cùng, mừng lễ Chúa Giáng Sinh, chính là mừng Thiên Chúa đến và cắm lều cư ngụ giữa chúng ta, để từ nay, chúng ta không đơn độc trên đường đời, không lạc đường, mất hướng giữa đêm đen, không hoảng hốt, lo sợ khi phong ba bão tố  điên cuồng nổi giận, không tuyệt vọng khi yếu đuối phản bội, và  không đào ngũ, bỏ cuộc khi khổ đau thử thách sức người có hạn, vì luôn có Ngài, cùng Ngài Vượt Qua.

Trong tĩnh lặng an bình của đêm Giáng Sinh hồng phúc, chúng ta cùng nhau kính cẩn thờ lậy Ngôi Lời Thiên Chúa xuống thế làm người, và xin Bình An của Emmanuen, Thiên Chúa ở cùng chúng tôi cho chúng ta yêu mến, phụng sự  Ngài trong mọi người, và không ngừng chung tiếng hát các thiên thần trong đêm cực thánh : Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương (Lc 2,14).

Jorathe Nắng Tím

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2020

NIỀM VUI GIÁNG SINH

 


Giáng Sinh là Niềm Vui khôn tả cho cả đất trời, vạn vật : vui trên trời, vui dưới thế, thần thánh vui, nhân loại vui, thảo mộc vui, động vật vui, toàn thể vũ trụ vui như  lời thánh vịnh : Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng, biển gầm vang cùng muôn hải vật, ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ Tv 95,11-12).

Vui vì Thiên Chúa đã đóai thương đến viếng thăm cứu chuộc dân Người (Lc 1,68) ; vui vì biết mình được Thiên Chúa đến cứu như lời thiên thần nói với các mục đồng ở cánh đồng Bêlêm đêm Giáng Sinh: Tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa (Lc 2, 10-11).

Tin Mừng được các thiên thần loan báo trong đêm Giáng Sinh đã mặc khải bản tính Thiên Chúa của Đức Giêsu : Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng được sai đến trong thế gian để cứu chuộc nhân loại, Đấng mà các ngôn sứ đã loan báo từ ngàn năm trước : Này đây, một Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghiã là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1,23), Ngài là ơn cứu độ Chúa dành sẵn cho muôn dân (Lc 2,30-31), Đấng sẽ cứu ta khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét…, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta vào đường nẻo bình an (Lc 1,71.79).

Tin Mừng Giáng Sinh ấy cũng là trung tâm, là trái tim của lời rao giảng, như  thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại đã giảng cho người Do Thái : Thiên Chúa đã cho ông Đavít xuất hiện làm vua cai trị. Người đã làm chứng về ông rằng : Ta đã tìm được Đavít, con của Giesê, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta. Từ dòng dõi vua này, theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho Ítraen một Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu (Cv 13,22-23). Và như Phêrô, tông đồ trưởng, vào ngày lễ Hiện Xuống, trước đông đảo dân chúng đã lớn tiếng rao giảng : Toàn thể nhà Ítraen phải biết chắc điều này : Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa, và làm Đấng Kitô (Cv 2,36).

Đặc biệt Tin Mừng Cứu Độ ấy đã đuợc loan báo ngay giây phút đầu của Mầu Nhiệm Nhập Thể, khi Đức Giêsu vừa sinh ra cho những người canh giữ chiên cừu  ở cánh đồng Bêlem.

Những người chăn giữ chiên cừu này trong bối cảnh xã hội Do Thái thời đó bị coi như không trong sạch, bởi nghề nghiệp của họ không cho phép họ được vào  các hội đường để cầu nguyện và nghe cắt nghiã Kinh Thánh. Họ bị xếp đồng hạng với những người thu thuế tội lỗi, những người làm việc cho đế quốc ngọai bang.

Thánh sử Luca, dọc suốt Tin Mừng của Ngài, đặc biệt trong trình thuật Giáng Sinh đã giới thiệu Đức Giêsu như Dung Mạo đích thực của Chúa Cha giầu lòng thương xót, như nhân chứng sống động của Thiên Chúa là Tình Yêu vô bờ bến, như Đấng Cứu Độ nhân hậu, bao dung được sai đến với những người bé mọn, đau khổ, bị đời bạc đãi, khinh bỉ, bỏ rơi, hành hạ, như chính Ngài đã xác nhận lời Kinh Thánh nói về Ngài trong hội đường ở quê hương Nadarét (x. Lc 4,21) : Thần Khí Chúa ngự trên tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa (Lc 4,18-19).

Thực vậy, niềm vui Giáng Sinh được nhân lên gấp bội, vì Ngôi Lời Thiên Chúa đã không chỉ làm người, mà còn làm người nghèo hèn, yếu đuối, bé nhỏ và chọn những người yếu đuối, bé nhỏ, nghèo hèn là những người đầu tiên được loan báo Tin Vui Nhập Thế, Nhập Thể, những người thứ nhất được đón nhận niềm vui của Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta, những người được Thiên Chúa tỏ lòng yêu thương đặc biệt, và dành cho vinh dự vượt xa mọi vinh dự khi được gặp Hài Nhi Giêsu, Con Thiên Chúa làm người bằng xương bằng thịt vừa sinh ra.  

Như những người chăn giữ chiên cừu được Thiên Chúa đặc biệt yêu thương, chúng ta cũng  được chung niềm vui Giáng Sinh với các thiên thần, với Đức Maria và Thánh Giuse trong đêm nay, nếu chúng ta đón nhận mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, khi nghe lời thiên thần cùng nhau sang Bêlem và nhận ra Hài Nhi Giêsu là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ vô cùng nhân hậu, bao dung, qua dấu chỉ rất đơn sơ, yếu đuối, nghèo hèn của một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ (Lc 2,12), và như những mục đồng ngay sau đó trên đường về vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, và kể lại cho mọi người những điều họ đã được mắt thấy tai nghe đúng như thiên thần đã nói với họ (Lc 2,20).

Vâng, niềm vui Giáng Sinh chính là niềm vui được là người có Đức Kitô, tức là người Kitô hữu, vì Thiên Chúa đã đến gặp, ở với, và mời gọi chúng ta đi vào mầu nhiệm Nhập Thể của Ngài, để trở nên môn đệ, nhân chứng, người loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Ngài cho muôn dân và làm cho họ trở thành môn đệ (x. Mt 28,19).

Jorathe Nắng Tím

Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

CÁI CHẾT ĐẸP

Tưởng nhớ Nghệ Sĩ Chí Tài



Làm người thì ai cũng phải chết, bởi đó là sự thật nghiệt ngã của định mệnh, mà không ai tránh khỏi, dù tiền rừng bạc bể, quyền lực thống trị địa cầu, và ảnh hưởng bao trùm thế giới.

Khác với mọi loài thụ tạo, con người là thụ tạo duy nhất biết mình sẽ chết, nên ai cũng sợ, và cái làm sợ hơn cả chính là không biết mình sẽ phải chết thế nào, chết ra sao.

Tôi sẽ chết bệnh hay chết vì tai nạn? Chết bất đắc kỳ tử hay chết dần chết mòn? Chết ở nhà, bệnh viện hay ngoài đường phố, rừng rú, ruộng đồng? Chết ấm áp bên người thân hay một mình lạnh lẽo? Chết thanh thản hay quằn quại, co quắp? Chết toàn thây hay tan tành thân xác? Chết nhẹ nhàng hay vất vả, khó khăn? Chết bình an hay tang thương, tức tưởi?

Những vấn nạn không bao giờ có giải đáp trên đến một lúc sẽ đặt tôi trước một vấn nạn mới, không cùng phạm trù, đó là : Tôi sẽ có một cái cái chết đẹp hay xấu, một cái chết như hạt lúa bị chôn xuống đất, thối rữa đi để sinh ra nhiều bông hạt, hay cái chết hoàn toàn bị hủy hoại, tiêu tan, không để lại dấu vết của một đời có mặt và dấu hiệu của một sự sống mới?

Sở dĩ câu hỏi mới bật ra trong tâm trí, vì khi đã đi hết con dường luận lý của nỗi sợ chết, tôi khám phá ra mình hoàn toàn bất lực, vì không thể biết trước cách thế mình sẽ phải chết, trừ một khả thể trong tầm tay của hiện tại đang sống, đó là được phép chuẩn bị cho mình một cái chết đẹp ở tương lai.

Chuẩn bị một cái chết đẹp như cái chết của mẹ Têrêsa Calcutta, là Bạn của những người nghèo không còn có thể nghèo hơn sống một cái chết được triển hạn bên những đống rác thành phố, trong khu ổ chuột, và là Chị của những người sắp chết bị lây lất bỏ rơi bên vệ đường Ấn Độ ; hoặc như cha Maximilien Kolbe, chứng nhân của chân lý : Không có tình yêu nào cao cả hơn là tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13), khi tình nguyện chết thay cho Franciszek Gajowniczek, người bạn tù còn vợ dại, con thơ trong trại tập trung Đức Quốc Xã ở Auschwitz  ngày 14.08.1941 ; và gần chúng ta nhất là nghệ sĩ tài hoa Chí Tài mà cái chết của anh đang làm thổn thức hàng triệu con tim trong những ngày này.

Mười ba giờ ngày 09.12.2020, người ta phát hiện anh nằm bất động ở cầu thang lầu 7 chung cư, nơi anh ở, và ngay lập tức, tin anh đột qụy đã làm se dạ thắt lòng nhiều người Việt khắp năm châu : Chí Tài đã bỏ dở cuộc chơi, ra đi không một lời trăn trối…

Sáng nay thân xác anh đã về lại Mỹ trong đau đớn, nghẹn ngào của người vợ yêu dấu, và thương tiếc, xót xa của gia đình, bạn hữu nghệ sĩ, và vô số người ái mộ, trong đó, có tôi, người mang ơn, mắc nợ anh, vì anh đã cho tôi những tiếng cười  vui tươi, sảng khoái, nhờ tấm lòng nghệ sĩ vì người khác, và tài năng đem lại niềm vui cho mọi người của anh.

    Tuy anh chết cô đơn, dù người thương anh, qúy anh, say mê, thần tượng anh  thì vô vàn, vô số ; tuy anh chết co quắp, lạnh lẽo ngoài cầu thang, dù ở đâu anh cũng có nhà cao cửa rộng ; tuy anh chết vì không được cấp cứu kịp thời, dù tiền bạc anh không thiếu để được chăm sóc ở bệnh viện hiện đại, và bởi các bác sĩ nổi tiếng, nhiều kinh nghiệm. Tắt một lời, nếu nhìn cách anh chết thì qủa thực anh đã  không thiếu gì khi sống, nhưng giờ chết, anh thiếu mọi sự.

Nhưng dù thiếu nhiều thứ, nhiều sự, nhiều người ở giờ ra đi, nhưng anh sở hữu một kho tàng qúy giá, một vinh dự tuyệt vời và vĩ đại, kho báu mà tất cả những cái anh thiếu cộng lại cũng không thể đánh đổi, vinh dự mà cho dù người quyền thế nhất thiên hạ, giầu có nhất trần gian cũng không thể chiếm hữu. Kho báu ấy là cái chết đẹp, vinh dự ấy là tấm lòng của người nghệ sĩ suốt đời phục vụ tha nhân.

Anh có cái chết đẹp, vì anh đã có cuộc sống đẹp, anh đã chết đẹp, vì anh đã sống đẹp, bởi lẽ tự nhiên, và thường tình là nếu muốn chết đẹp, phải biết sống đẹp.

Cái chết của anh đẹp, không phải vì anh Hoài Linh, chị Việt Hương đã tổ chức đám tang chu đáo, trang nghiêm, hoành tráng, cũng không phải vì anh giầu, anh hát hay, đàn giỏi, diễn hài tinh tế, duyên dáng, nhưng cái chết của anh đẹp, tuyệt đẹp, vì anh được chết trong trái tim của rất nhiều người, được tiếp tục sống trong tình yêu đang thổn thức thương nhớ của nhiều người, và tên anh được không biết bao nhiêu bờ môi đang ngậm ngùi, run rẩy réo gọi, vì bồi hồi luyến tiếc.

Cái chết của anh đẹp, vì con người anh đã được chôn trong tim người khác, mà được chôn trong tim ai, chính là được tiếp tục sống trong cuộc đời với họ, nhờ được ở trong sự sống là trái tim mang tình yêu không bao giờ chết, chẳng bao giờ bị hủy hoạu, tan biến.

Cái chết của anh đẹp, vì anh không chết, nhưng sống mãi trong tình yêu, vì tình yêu làm cho sống và sống mãi, bởi tình yêu thì bất tử, bất diệt, có sức cải tử hoàn sinh.

Vì thế, cái chết đẹp hoàn toàn khác những cái chết không đẹp khi không chỉ thân xác, mà cả cuộc đời đã sống sẽ đơn giản và mau chóng được chôn trong lòng đất, hoặc đốt thành tro để không còn được tiếp tục sống trong tiếc nhớ, ngưỡng mộ, biết ơn của tình yêu trong trái tim phục sinh của người khác.    

Qủa thực, để có được cái chết đẹp hôm nay, anh Chí Tài ơi, anh đã tận tụy, miệt mài xây dựng một đời sống rất đẹp, khi quên mình sống cho bạn hữu ; khi dẹp bỏ cái tôi kiêu căng, tham vọng, háo danh, háo thắng, đấu đá, kèn cựa ; khi ghìm mình, ép mình chịu đựng những thái qúa ,bất cập của đàn em, đàn anh, bạn bè, người cộng tác ; khi dằn lòng, đè nén bản thân để giữ gìn hoà khí, bảo vệ tình thân, tình nghiã.

Đọc và nghe những chia sẻ của bạn hữu và những người quen biết anh, tôi nhận ra ở anh con người dám sống quên mình, xóa mình vì người khác.

Có quên mình sống vì người khác, khi tận tình giúp đỡ những người em mới vào nghề còn ngỡ ngàng, lo lắng, anh mới có được cái chết đẹp từ những tình cảm thương nhớ của các em trong nghề ; có bỏ mình sống cho người khác, khi kín đáo chia sẻ vật chất và nâng đỡ tinh thần những nghệ sĩ đàn anh già nua, bệnh tật, không còn làm ra tiền để nuôi thân, anh mới có được cái chết đẹp từ ân tình sâu sa của các vị tiền bối, đàn  anh đàn chị ; có hết tình hết mình vì tha nhân, anh mới có được cái chết đẹp, khi khắp nơi từ  miền trung bão lụt, nơi anh vừa lặn lội thăm viếng, làm từ thiện, đến những thành phố xa xôi Cali, Paris, Munich và nhiều nơi trên thế giới, ở đó những người đã được anh cho cười thoải mái, cười sảng khoái, cười nặc nẽo, sặc sụa, đã đời đang tỏ lòng biết ơn, tiếc nuối bằng cầu nguyện cho linh hồn anh được trường sinh bất tử trong tình yêu của Thiên Chúa và của mọi người.

Cám ơn anh Chí Tài !

Với tôi, anh là người đẹp, con người rất đẹp, vì anh đã sống đẹp với mọi người, và chết đẹp trong trái tim mọi người, bởi có sống đẹp, anh mới được chết đẹp như những gì rất đẹp đang diễn ra mấy hôm nay quanh đám tang anh, và tôi nghĩ, chị Kỳ Duyên đã có nhận xét chính xác về anh, khi chị chia sẻ : Anh Chí Tài là người nghệ sĩ duy nhất không có anti-fan, vì Anh dễ thương, hiền hoà, lành tính. Anh đa tài : đàn hay, hát giỏi, tấu hài, diễn xuất, sáng tác… cái gì anh cũng làm được và làm rất tốt. Nhưng cái em sẽ nhớ nhất về anh là dù trên sân khấu hay ngoài đời, bao giờ anh cũng sẵn sàng nâng đỡ người bên cạnh… (trích Tuổi Trẻ 9.12.2020).

Cùng với mọi người đang chôn anh trong trái tim, mai táng anh trong tình thân, tình bạn, tôi tạm biệt anh, linh hồn Giuse Nguyễn Chí Tài và hẹn gặp lại anh trên Thiên Đàng, ở đó, anh sẽ còn hát hay, đàn giỏi, tấu hài, diễn xuất tuyệt vời hơn nữa, vì khán giả sẽ là Ba Ngôi Thiên Chúa, cùng triều thần thiên quốc, thần thánh trên trời, và vô số người thân, bạn hữu, fan mến mộ, yêu qúy anh.    

Jorathe Nắng Tím