Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

TRƯỚC DI ẢNH NGƯỜI QÚA CỐ

                               Lễ cầu nguyện cho các Linh Hồn
Ngày xưa còn trẻ, mỗi lần đi đám tang, tôi chẳng bao giờ nghĩ phận mình cũng sẽ chết như người chết nằm trong quan tài trước mặt, và tỉnh bơ coi như người khác chết, còn ta bất tử… Lớn lên, rồi già theo thời gian lạnh lùng rảo bước, tôi nhận ra ở mình những dấu hiệu gần đất xa trời như đầu óc lẩm cẩm, chân bước liêu xiêu, mắt mũi, ruột gan, tim phổi thường xuyên bất ổn, lúc này tôi mới giật mình hoảng hốt : rồi một ngày không xa cũng sẽ đến phiên khép mình lặng lẽ trong quan tài buồn thảm.
Kinh Thánh  không ngừng nhắc nhở con người phải chết. Ngay từ chương 3 của Sách Sáng Thế, Thiên Chúa đã phán : “Vì từ đất ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19), đến thánh Tông Đồ dân ngoại trong thư gửi giáo đoàn Corinthô cũng nhắc lại chân lý ngàn đời, không thay đổi này : “Mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết” (1 Cr 15,22).
Hôm nay nhìn lên di ảnh của ông bà, cha mẹ, họ hàng thân thuộc, bạn hữu xa gần trong ngày lễ cầu cho các linh hồn, tôi đọc được qua ánh mắt các vị những gì các vị muốn nói:
1.   Các vị cũng đã sợ chết, như chúng ta đang sợ.
Sợ ra đi một mình vào thế giới hoàn toàn xa lạ ; sợ bỏ lại người thân, cuộc đời ; sợ lỗi lầm còn chồng chất, tội khiên còn ngập tràn ; sợ “Chúa im hơi lặng tiếng” “bắt con phải chết cùng quân tội lỗi, với phường ác nhân” (Tv 28,1.3) ; sợ “Chúa chấp tội”  thì làm sao con đứng vững ? (x.Tv 130,3), sợ “bị lãng quên, như kẻ chết không người tưởng nhớ” (Tv 31,13).
2.   Các vị đã hy vọng như chúng ta đang hy vọng :
Hy vọng  trong Đức Giêsu phục sinh, như thánh Phaolô dậy : “vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Kitô cũng đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng nơi Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr 15,17-19).
Hy vọng được sống lại với Đức Giêsu : “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người : đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6,8). “Anh em đã được cùng mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết” (Cl 2,12).
Hy vọng  được Chúa thứ tha mọi lỗi lầm, “vì Người là Đấng từ bi, và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương. Người không xử với ta như ta đáng tội, và không trả cho ta theo lỗi của ta” (Tv 102, 8-10).
Hy vọng Chúa là người cha nhân hậu đã không chấp tội con mình, nhưng tình cha trước sau như một, vẫn “chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ”  người con hoang đàng thống hối khi con còn ở đằng xa trên đường về, lại sai đầy tớ “mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”  (Lc 15,22-24).       
3.   Các vị đã cầu xin  ơn thương xót như chúng ta đang kêu cầu ơn thương xót cho các vị :
Ở giờ lâm chung, khi miệng lưỡi đã tê cứng, thân xác chết dần, các vị chỉ có thể ú ớ, thều thào như người tử tội bị đóng đinh bên phải Đức Giêsu : “Lậy Đức Giêsu, xin nhớ đến con trong Nước của Ngài” (Lc 23,42), và như những người bệnh tật, bị qủy ám ngày xưa đã sấp mặt trên đường đón Chúa đi qua và tha thiết khẩn nài : “Lậy Đức Giêsu, xin thương xót con !” .
Cùng với các vị và cho các vị, cùng toàn thể  Hội Thánh chúng ta dâng lời cầu : “Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng, vui vẻ vô cùng. Amen”.
4.   Các vị đã bình an phó thác linh hồn trong tay  Chúa là Cha toàn năng và  giầu lòng thương xót, trước sự hiện diện từ mẫu của Đức Mẹ :
Vừa lặp lại lời cầu nguyện của Đức Giêsu trên thánh giá, giờ hấp hối : “Lậy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46), các vị vừa nắm chặt tay Đức Mẹ và bình an trút hơi thở cuối cùng, trong lời kinh thuộc lòng từ tấm bé : “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”.
Vâng, ở giờ lâm tử, chỉ còn Đức Mẹ là Đấng ủi an, trạng sư bênh đỡ có thần thế trước mặt Thiên Chúa, và là Đấng duy nhất biết con đường  ngắn nhất, nhanh nhất, dễ nhất đưa kẻ có tội về với Chúa Giêsu, nên vai trò của Đức Mẹ cực kỳ quan trọng ở giờ phút quyết định số phận đời đời của mỗi người. Vì thế, hạnh phúc của những ai yêu mến Đức Mẹ là được chết bình an trong tay Mẹ và được cùng Mẹ đi gặp Chúa Giêsu, Con Mẹ yêu dấu, khi linh hồn ra khỏi xác.
Tháng các Linh Hồn, như Bạn, tôi nhớ lắm và cầu xin ơn tha phần phạt cho những người khi còn sống đã yêu thương, cưu mang, sinh dưỡng, giáo dục, cứu giúp, nâng đỡ, ủi an, bênh vực  tôi trên hành trình cuộc sống của họ ; những người khi sinh thời đã đau khổ, nhục nhã, bị tổn thương, chịu thiệt thòi cách này cách khác vì tôi ; những người lúc sống đã vì tôi mà xa Chúa, do tôi mà mất đức tin ; những người ở dương gian đã không nhận được ở tôi lòng trắc ẩn, tình huynh đệ, việc làm bác ái ; những người khi còn sống đã có lúc kỳ vọng ở tôi rất nhiều, để khi chết mới thấy tôi chẳng có gì, chẳng ra gì, nhưng tội lỗi, tầm thường, và rất bất xứng ; cả những người tôi đã một lần ganh ghét, thù hận, giận dỗi hoặc giận dỗi, thù hận, ganh ghét tôi.
Tôi nhớ tất cả các vị và cúi mình cảm tạ, xin thứ lỗi !
Tôi thành kính tưởng niệm và cùng Hội Thánh thiết tha nguyện cầu cho tất cả các vị ơn Thương Xót và Bình An trong Đức Giêsu, là Thiên Chúa từ bi và nhân hậu  đến “để tìm và cứu những gì đã hư mất” (Lc 19,10) ; là Mục Tử nhân lành “đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10) ; là Đấng đã nói với Mácta, khi gọi Ladarô, em cô ra khỏi mồ : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).   
Trong niềm hy vọng vào Đức Kitô phục sinh, tôi hẹn gặp tất cả các vị trong Nước của “Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung” luôn rộng lòng xót thương kẻ có tội.
 Jorathe Nắng Tím

“TRẺ ĐẸP” MÃI VÌ YÊU THƯƠNG

Mừng Kính Các Thánh Nam Nữ
Là người, ai cũng thích trẻ đẹp, kể cả người luống tuổi cũng níu kéo tuổi trẻ, sắc đẹp của mình bằng chạy đến mỹ viện, cậy nhờ son phấn, trong nuối tiếc thời thanh xuân trẻ đẹp, vì trẻ đẹp là ước mơ khôn nguôi của mọi người.
Trẻ là mơ ước, vì tuổi trẻ hào phóng, quảng đại ; người trẻ dễ gần, dễ thương, dễ cảm thông, chia sẻ ; đời trẻ hăng say, không sợ nguy hiểm, bất chấp thử thách, gian nguy, thế hệ trẻ tràn đầy sức sống, niềm vui, hy vọng. Bên cạnh mơ ước “trẻ” là ước mơ “đẹp”, vì người đẹp được chiêm ngưỡng, yêu thương, ca tụng ; nét đẹp luôn làm phấn khởi lòng người, và sắc đẹp ở đâu và thời nào cũng  là lợi thế không thể chối cãi.
Nhưng thực tế cho thấy mơ ước vẫn mãi là ước mơ, nếu chẳng may không được sinh ra với nhan sắc mặn mà, để một thời được đời gọi là “người đẹp” ; và  một điều không thể tránh, đó là mai ngày tuổi già ập đến, tóc bạc, da nhăn, lưng còng, chân mỏi, và “trẻ đẹp” hờ hững bỏ đi như những giòng sông buồn, cô quạnh.
Chính trong nỗi buồn của những giòng sông cuộc đời không còn trẻ đẹp, Đức Giêsu giới thiệu cho chúng ta những con người không bao giờ hết đẹp, và chẳng bao giờ già nua, những con người đã thực hiện trọn vẹn ước mơ trẻ đẹp của đời mình, vì không chỉ trẻ đẹp mãi dưới ánh mắt, mà còn trong trái tim của Thiên Chúa và loài người. Họ là những con người thánh !
Trước hết, Đức Giêsu giới thiệu những “con người thánh” là những người được Thiên Chúa chúc phúc : họ được chúc phúc vì nghèo khó, hiền lành, công chính, nhân hậu, hay xót thương, trong sạch, yêu mến và xây dựng hoà bình, và bị vu khống, bách hại vì danh Chúa (x. Mt 5, 3-12).
Nhưng có phải họ nghèo khổ, hiền lành, bị bách hại … vì lười biếng, ngu ngốc, khờ dại, hay thiếu khôn ngoan, khéo léo trong cuộc sống không ?
Thưa họ chịu thiệt thòi, thua kém người đời đến nỗi trở nên nghèo khó, bị rơi vào cảnh sầu khổ, bị thiên hạ hàm oan, lên án, chịu mất mát, lép vế, xử tệ vì yêu thương những người anh em của mình. Có người trong số họ nghèo vì quảng đại chia sẻ, sầu buồn vì mang lấy gánh nặng tang thương của người khác, bị hồ đồ tố cáo vì quên mình phục vụ, bị oan uổng kết án vì hết lòng xót thương và hết tình bênh vực, cứu giúp người cô thế, bần cùng, không tiếng nói. Cuộc đời họ trở thành những trang sử bi hùng, không vì “vinh thân phì gia” nhưng vì người khác đang cần trái tim chạnh lòng thương xót và bàn tay chia sẻ của họ ; tiếng tăm, danh dự, chỗ đứng của họ bị đe dọa, bôi nhọ, giật sập vì sự sống và hạnh phúc của những anh chị em “thấp cổ bé miệng” bị đời đàn áp, bóc lột.
Tóm lại, những con người thánh luôn thiệt thòi nhiều, mất mát nhiều, thua lỗ nhiều vì anh em ; họ khổ nhiều nỗi, truân chuyên đủ mặt, vất vả đủ kiểu cho sự sống và tương lai của nhiều người, và dưới con mắt người đời, họ là những người không khôn, không khéo. Và một điều chắc chắn : họ đã không nghèo khổ, nhục nhằn, chịu oan sai, lên án, nếu đã ích kỷ co cụm, lo cho thân mình, mà không xả thân gánh vác việc thiên hạ, hy sinh vì hạnh phúc của tha nhân, chạnh lòng thương xót anh chị em cùng khốn. 
Nhưng phúc cho họ, vì chỉ một mình Thiên Chúa biết họ khôn, vì họ yêu thương và họ được Thiên Chúa ủi an, được nhìn thấy Thiên Chúa, được Nước Trời làm gia nghiệp và phần thưởng lớn lao trên trời. Và vì có Thiên Chúa, có Nước Trời, họ đạt trọn vẹn ước mơ trẻ đẹp trong Thiên Chúa là Tình Yêu .
Qủa thực, trong Tình Yêu, Thiên Chúa là mùa xuân vĩnh cửu mãi mãi làm tươi trẻ tuổi thanh xuân của họ, để họ không bao giờ phải già nua, vì tình yêu luôn làm họ tươi trẻ. Chính tình yêu đã làm tâm hồn một thánh Giáo Hoàng Phaolô II trở thành mùa xuân bất tận của tuổi trẻ thế giới, dù tuổi đời của Ngài cao và sức khoẻ  tiêu hao, tàn tạ những năm cuối đời. Ai có thể nói tâm hồn của vị thánh Giáo Hoàng của thế kỷ XX này già nua, cằn cỗi, lạc hậu, bảo thủ ? Ai có thể tìm ra những tiêu cực của tuổi già ở vị thánh của giới trẻ thời đại, ngay cả trên giường bệnh ? Những phong trào trẻ trên khắp thế giới được khai sinh từ “tinh thần trẻ”  Gioan Phaolô II, những đại hội giới trẻ thế giới hằng năm từ sáng kiến của vị giáo hoàng suốt đời thao thức làm trẻ trung Đức Tin ở giới trẻ lôi cuốn hàng triệu bạn trẻ khắp nơi về gặp gỡ, chia sẻ làm chứng điều này, bởi chỉ có tình yêu Đức Giêsu mới làm tươi trẻ mãi cuộc đời của những con người thánh như ngài.
Một con người thánh khác, cũng cùng thời đại chúng ta, là Mẹ Têrêsa Calcutta. Nhìn vào cuộc đời của Mẹ, ai dám bảo đó là cuộc đời không đẹp ? Trái lại, mọi người đều trầm trồ ca ngợi Mẹ là con người sống đẹp, sống cuộc đời rất đẹp khi yêu thương và hiến thân phục vụ những con người bị xã hội xô đẩy xuống đáy vực thẳm cuộc đời. Thử hỏi hoa hậu nào đẹp hơn Mẹ ? Mỹ nhân nào đáng yêu, đáng mến hơn Mẹ ? Và một lần nữa, chính tình yêu Đức Giêsu đã làm đẹp mãi con người và cuộc đời con người thánh Têrêsa Calcutta.
Mừng kính các Thánh nam nữ, chúng ta chiêm ngưỡng cuộc đời tươi đẹp của các vị, nhưng quan trọng hơn cả là nhận ra đâu là “bí quyết” đã làm các vị trẻ mãi không già, đẹp hoài không phôi pha, tàn tạ. Bí quyết đó là Tình yêu : tình yêu đã cho các vị được trẻ mãi khi hiện diện sống động và hạnh phúc trong Thiên Chúa và trong tâm hồn anh chị em mình ; tình yêu đã làm các vị đẹp mãi đời đời, vì được Thiên Chúa trang điểm bằng Hồng Ân, và nét đẹp kiều diễm, tráng lệ, thánh thiện của các vị không ngừng thôi thúc, lôi cuốn trái tim người khác nôn nao muốn trở nên giống các vị.
Vâng, khi chiêm ngắm các Thánh nam nữ trên trời, chúng ta mới nhận ra : chỉ Tình Yêu mới bảo đảm đời đời nét trẻ đẹp của chúng ta, vì chúng ta chỉ trẻ mãi, đẹp mãi trong trái tim và cuộc đời của những người chúng ta yêu thương, phục vụ với tình yêu, và vì tình yêu ; chúng ta chỉ  tươi trẻ và xinh đẹp trong sự sống và hạnh phúc mà chúng ta đã cưu mang, xây dựng nơi người khác ; chúng ta chỉ hiện diện với niềm vui rạng rỡ của tuổi trẻ, và sức hấp dẫn lạ thường của nhan sắc trong người khác, bên những bó lúa vàng lung linh nước mắt hy sinh, và óng ánh mồ hôi của tháng ngày yêu thương, phục vụ ; và chúng ta, những con người tội lỗi, chưa đạt đến độ “làm người thánh” như các Thánh nam nữ sẽ chỉ thực sự được trẻ mãi không già, đẹp hoài không xấu, khi  tìm đến và ở lại trong Thiên Chúa là Tình Yêu không đổi dời, không lừa dối, không dập dờn lên xuống, nhưng trước sau vẫn một tình Cha thương con, vẫn một lời hứa : “tất cả những gì của Cha là của con” (Lc 15,31), vẫn đời đời  một mực trân qúy và “đi tìm cho kỳ được” những gì đã mất (Lc 15,4), vẫn luôn hào sảng “mở tiệc ăn mừng, vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, 23-24).
Chính ở Tình Yêu đời đời bất diệt, không đổi thay, nhưng trung tín đến cùng và sâu thẳm tận cùng của Thiên Chúa, dù chúng ta yếu đuối, thay đổi không ngừng, phản bội không hổ thẹn, mà cuộc đời chúng ta được bảo đảm luôn trẻ, đẹp, vì chính Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ nhân hậu sẽ làm tươi trẻ, xinh đẹp cuộc đời mau già nua, héo úa của chúng ta, như đã làm cho các Thánh được bất tử trong tuổi trẻ và sắc đẹp thánh thiện của hồng ân “được làm người để sống yêu thương như Thiên Chúa là Tình Yêu”.
Jorathe Nắng Tím