Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2018

III. VÌ YÊU, THIÊN CHÚA TỰ NGUYỆN TRỞ NÊN CON NGƯỜI YẾU ĐUỐI

Không ai bắt Thiên Chúa phải mang lấy yếu đuối của con người, và vinh quang Thiên Chúa của Ngài cũng chẳng đòi điều kiện phải yếu đuối, nhưng là Thiên Chúa Tình yêu, Ngài muốn yêu con người một cách khác con người yêu, với một tình yêu tuyệt đối, tận cùng, đến cùng ; nghiã là trở nên như người mình yêu. Trở nên như người mình yêu là tột đỉnh  của tình yêu, khi hai người muốn giống nhau trong mọi sự. Kinh nghiệm yêu cho chúng ta biết : yêu ai, chúng ta thần tượng họ và muốn trở nên giống họ từ ý nghĩ, ước mơ, thao thức đến nếp sống, hành động. Yêu ai, ta học ở họ từ dáng đi, dáng đứng đến lời nói, việc làm, vì tình yêu thôi thúc hai người trở nên một.

Thiên Chúa trong Đức Giêsu là Thiên Chúa muốn nên giống con người để không tình nào ở con người vượt được tình Thiên Chúa, không sáng kiến yêu thương nào tuyệt chiêu hơn sáng kiến của trái tim Thiên Chúa, không hành động yêu thương nào ở con người tuyệt vời hơn những dấn thân liều lĩnh vì yêu con người của Thiên Chúa, không mức độ tình yêu nhân loại nào sâu thẳm, cao vời hơn "bao la, vời vợi, khôn ví" của tình Thiên Chúa dành cho con người.

 Nên giống con người vì yêu con người, Thiên Chúa đã chấp nhận trở nên giống con người ngay  trong yếu đuối của con người, để con người được cứu độ từ trong yếu đuối. Đó là lý do Thiên Chúa đã vui lòng mang hết yếu đuối của con người để không còn gì khác với con người, đã tự nguyện ôm trọn yếu đuối của con người để con người không còn có thể "làm mặt lạ" với Thiên Chúa, và Thiên Chúa sẽ không còn xa xôi với con người. Trái lại, trở nên con người yếu đuối như hết mọi con người yếu đuối, Đức Giêsu Thiên Chúa đã tự đồng hoá mình với những con người yếu đuối, yếu nhược, yếu thế, yều hèn  nhất.  Ở trong chính yếu đuối của con người từ sinh ra cho đến chết, Đức Giêsu đã là người yếu đuối nhất trong các con cái yếu đuối của loài người.

Chấp nhận làm con người "yếu đuối" như em bé chẳng tự mình làm được gì, "yếu thế" đến nỗi chẳng bảo vệ được mình trước chiến dịch bôi nhọ  của đám Biệt Phái, Luật Sĩ giả hình, "yếu sức"  nên đành để môn đệ Giuđa đem bán, "yếu cơ" đến độ không giữ nổi mười hai môn đệ thân tín, để tất cả, trừ Gioan hớt hải, sợ hãi trốn chạy, bỏ rơi khi lâm nạn, "yếu kém" kinh tế đến độ "không có chỗ gối đầu" sau những ngày nắng cháy, dong duổi truyền giáo, "yếu xìu" đến độ không một lời biện hộ trước toà án, "yếu gan" nên chẳng dám xuống khỏi thập tự trước thách thức của đám đông "Nếu là Con Thiên Chúa hãy tự cứu mình,  xuống khỏi thập giá đi" (Mc 15,29-30),  "yếu nhược" đến độ chỉ còn đủ sức thều thào "Lậy Cha, sao Cha bỏ con?" ở giờ hấp hối (Mc 15,34).

Như thế, Thiên Chúa của người theo Đức Giêsu không là thiên chúa  của các tôn giáo khác, bởi không thiên chúa nào đã yếu đuối, đã làm người yếu đuối, đã chấp nhận sống cảnh đời yếu đuối, đã chịu nhận thân phận yếu đuối, ngoài Thiên Chúa của Đức Giêsu. Tôn giáo nào cũng có thiên chúa của mình, và các thiên chúa ấy đều giống nhau ở các đặc tính tòan năng, dũng mạnh, nghiêm khắc, oai nghiêm, thưởng phạt. Tôn giáo nào cũng tránh cho thiên chúa của mình những yếu đuối, sai sót, khiếm khuyết của con người bằng cách tách xa con người khỏi thiên chúa. Vì thế, các thiên chúa đó thường ở tít trên cao, rất xa con người, ngự ở một nơi con người không thể biết và không thể đến gần. Các thiên chúa ấy tự tạo một khoảng cách diệu vợi với con người và không chủ trương thiết lập tương quan thân tình, nghiã thiết với con người như Thiên Chúa của Đức Giêsu.  
        
1.       Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa có tấm lòng người mẹ
Yêu con người nên Thiên Chúa không muốn là một Thiên Chúa vô cảm, bất động trong toàn năng lạnh lùng, vô tình của mình ; không muốn là Thiên Chúa tự đủ cho mình, và không cần con người để chia sẻ, trao ban; không muốn là Thiên Chúa đơn độc : không cần ai, không cần gì ; không muốn là một Thiên Chúa ích kỷ, độc ác, cứng cỏi, nhưng là một Thiên Chúa hay chạnh lòng, luôn khắc khoải, chậm bất bình, rất khoan dung với con cái loài người, là thụ tạo tuyệt vời được đựng nên từ tình yêu tuyệt đối, đời đời ; một Thiên Chúa đã đành lòng mất hết quyền toàn trị, quyền thanh tra toàn phần, quyền kiểm soát toàn thể của mình khi dựng nên những con người tự do giống mình, vì yêu thương. Đó là lý do, con người luôn có khả thể trả lời : đồng ý hay không đồng ý, thuận hay nghịch, trung thành hay phản bội, đi theo hay từ bỏ trước lời mời của Thiên Chúa. Chính món quà tự do nhận từ tay Thiên Chúa là biểu trưng của tình Thiên Chúa bao la, cũng như lòng trân trọng của Thiên Chúa dành riêng cho con người. Thiên Chúa đến với con người và chờ đợi con người đón nhận Ngài như người mẹ yêu thương, chứ không là quan toà nghiêm khắc ; một người mẹ hiền, hơn tên phù thủy "toàn năng", và một Thiên Chúa thương con người vô cùng và đến cùng.

2. Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa đã qùy trước mặt con người, là thụ tạo của Ngài.
Người ta chỉ qùy trước mặt người sinh ra mình, hoặc người cứu sống mình, vì qùy trước mặt ai là muốn biểu lộ lòng trân trọng, yêu mến tột cùng sâu thẳm, đầy tràn. Vì thế, khi Đức Giêsu qùy rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,4-9), chúng ta gặp được về phiá con người giá trị cao cả của con người, và về phiá Thiên Chúa là lòng trân trọng, yêu mến của Ngài dành cho con người. Thiên Chúa yêu con người, nên chẳng ngại qùy rửa chân con người. Tình yêu mạnh hơn sự chết, mà Thiên Chúa đã dám chấp nhận chết vì yêu, nên thấm tháp gì chuyện qùy xuống rửa chân, lau chân, hôn chân con người Ngài yêu.
Phêrô bị sốc khi đến lượt ông. Đó là cái sốc của con người trước mầu nhiệm sâu thẳm của tình Thiên Chúa thương con người. Chỉ suy nghĩ một mầu nhiệm  Thiên Chúa qùy rửa chân con người thôi, chúng ta đã đủ run rẩy sấp mình thờ lậy tình yêu vô cùng của Thiên Chúa thương mỗi người chúng ta. 

3. Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa hiến chính mạng sống mình để con người được sống :
Yêu ai là muốn người ấy sống, sống dồi dào, sống hạnh phúc, sống mãi. Không ai nguyền rủa "chết đi cho rồi" người mình đang tha thiết yêu. Chỉ kẻ thù mới nguyền rủa  và tìm cách tiêu diệt. Bạn hữu, người yêu, gia đình, ai cũng mong người thuộc về mình sống lâu, sống mãi.

Con người phải chết, do hậu qủa của tội lỗi. Cái chết thân xác cũng là cái chết linh hồn, nếu Đức Giêsu không chết thay để chuộc cái tội "đời đời phải chết". Nếu Đức Giêsu không chết để xoá cái án chết đời đời của con người tội lỗi, thì không ai sẽ được ơn cứu độ, tức được sự sống đời đời.

Chúng ta nghe nhiều về chuyện "chuộc tội", nhưng không chắc chúng ta hiểu được sự nặng nề của tội lỗi và kinh khủng của án chết đời đời dành cho người có tội. Người có tội, tức tất cả chúng ta, sẽ không được sống hạnh phúc đời đời trong Nước Trời, sau khi chết ; nếu tội của chúng ta không được tẩy sạch trong máu của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Lý do rất dễ hiểu : vì tội chúng ta trực tiếp xúc phạm Thiên Chúa, trực tiếp làm tổn thương Thiên Chúa, trực tiếp chống lại Thiên Chúa, do ý chí bị băng hoại, tự do bị mua chuộc, nên chỉ có máu của Thiên Chúa mới rửa sạch được, nước mắt của Thiên Chúa mời thanh tẩy được, mồ hôi của Thiên Chúa mới tẩy xoá được. Công cuộc cứu độ của Đức Giêsu vì thế cần thiết, do công bình của Thiên Chúa đòi hỏi, bởi tình yêu đời đời của Thiên Chúa thúc bách, và vì con người mãi mãi là thụ tạo được Thiên Chúa đặc biệt dấu yêu. 
           
Qua cái chết của Đức Giêsu Thiên Chúa làm người, loài người được thanh tẩy, tội nhân là con người được cứu sống, ơn cứu độ đổ tràn trề trên toàn thể con cái loài người. Vấn đề còn lại là con người cũng vẫn với tự do của mình có sẵn sàng  đến kín múc, lãnh nhận hồng ân cứu độ hay không ?

4.Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa ngàn đời trung tín :
Trung tín của Thiên Chúa Tình Yêu không chỉ là trung tín với "người yêu" tín trung, nhưng còn trung tín cả với "người yêu" không trung thành, nhưng bội bạc.

Tiên tri Hôsê là hình ảnh sống động của Thiên Chúa yêu thương dân Ngài là Gomer, vợ ông. Gomer bất trung, ngoại tình, phản bội, nhưng  Hôsê vẫn yêu thương, đi tìm  Gomer về nhà theo lệnh của Thiên Chúa : "Thiên Chúa phán với tôi : Một lần nữa, ngươi hãy cứ đi yêu người vợ đang có tình nhân, và đang ngoại tình, cũng như Thiên Chúa yêu thương Ítraen, trong khi chúng quay lưng đi thờ các thần khác..". Thế là tôi đã bỏ ra mười lăm đồng bạc, ba mươi thùng luá mạch để mua nàng về. Tôi bảo nàng : "Trong một thời gian dài, mình cứ ở yên cho tôi, không được đi khách, cũng không được theo người đàn ông nào khác, phần tôi, tôi cũng xử với nàng như vậy" (Hs 3, 1-3).

Thiên Chúa thương con người, dù con người vô tình, hờ hững, ngay cả con người phản bội , bất trung, Ngài vẫn một lòng xót thương và thấp thỏm đợi con người trở về. Tình Thiên Chúa là tình đơn phương, tình mù loà, không tính toán, một thứ tình mầu nhiệm mà loài người không thể hiểu. Vì yêu Gomer, Hôsê đã năn nỉ Gomer trở về, và hứa hẹn sẽ cùng nàng đến một nơi vắng vẻ chỉ có hai người để âu yếm, tâm sự (Hs 2,6). Thiên Chúa cũng sẵn sàng qùy xuống nài xin con người trở về với Ngài là Tình Yêu cứu độ, cũng vì lòng xót thương con người vô bờ bến.

Trước tình yêu vô điều kiện, kiên nhẫn đợi chờ và trung tín đến cùng của Thiên Chúa, nhiều người  trong chúng ta tỏ thái độ bực bội, khó chịu như các môn đệ đã càm ràm khi thấy Đức Giêsu tâm sự lâu giờ với người đàn bà Samaria ngoại giáo bên giếng Giacóp (Ga 4,7-27), hay như những vị khách  cùng bàn với Đức Giêsu tại nhà ông Simon đã nhíu  mày, nhăn mặt khi Đức Giêsu để người phụ nữ mang tiếng lăng loàn rửa chân bằng dầu thơm, lấy tóc lau và tha thiết hôn chân Ngài (Mt 26,6-13).  Như các môn đệ và những khách được mời, chúng ta khó chịu vì tình yêu của Thiên Chúa không hợp với suy nghĩ của ta, không đi theo quy trình luận lý của ta, không đáp ứng điều ta mong đợi, mà điều ta mong đợi, quy trình ta muốn, ý nghĩ ta chuẩn định là yêu thế nào cho dễ coi, yêu vừa vừa thôi,  yêu có giới hạn, yêu dè chừng, yêu thận trọng, yêu người  thương ta, yêu kẻ biết điều, yêu người  ta có thể nhờ cậy được sau này … Chẳng thế mà người con lớn đã giận dỗi không vào nhà để chung vui với cha khi em mình trở về sau nhiều năm tháng bỏ nhà đi hoang. Anh lớn không chấp nhận tình yêu hải hà, không biên giới của cha khi cha tha thứ tất cả lầm lỗi của cậu em hoang đàng, trả lại tất cả vinh dự, quyền lợi làm con cho em. Anh lớn phần vì ghen tương do trái tim ích kỷ, nhỏ hẹp, phần vì không hiểu tình cha bao la, vĩ đại thế nào (Lc 15, 25-32).

Khi trách móc Thiên Chúa qúa dễ dãi, chiều chuộng người tội lỗi trở về, chúng ta  đang tự nhận mình là những người xứng đáng, đạo đức, vượt xa người khác trên đường thánh thiện, nhưng ta nên tự hỏi :  Thiên Chúa có cần những người thánh thiện, đạo đức thiếu lòng quảng đại, bao dung như chúng ta không ? Khi bực bội, cau mày, trợn mắt nhìn người tội lỗi được Chúa xót thương cứu vớt ở giờ chót, chúng ta đang đóng cửa thiên đàng cho chính chúng ta, vì làm sao biết trước được ở giờ phút thử thách kinh hoàng khi sắp lià đời ấy, chúng ta còn đứng vững?  

Tóm lại, sự trung tín đến cùng của Tình Yêu Thiên Chúa không chỉ mang ý  nghiã :  Thiên Chúa ở đó đợi chờ, mà Thiên Chúa còn hối hả lên đường đi tìm kiếm, như người mục tử đầy lòng xót thương bỏ cả đàn chiên chín mươi chín con ở lại để đi tìm một con chiên yếu đuối lạc đàn (Lc 15,4-7).

5. Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa bé nhỏ trong Tình yêu :
Mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa là sự bé nhỏ trong tình yêu. Thiên Chúa có thể yêu con người một cách lớn lao, hoành tráng, huy hoàng, vĩ đại, nhưng không hiểu tại sao Thiên Chúa lại chọn những bé nhỏ để tỏ tình với con người, dùng những hoàn cảnh ẩn dật, nghèo khó để gần con người, chọn những tình huống éo le, khó khăn để cứu con người. Ngài là Thiên Chúa toàn năng, nhưng đã chọn hình hài bé thơ bất lực ; Ngài là Thiên Chúa uy hùng, nhưng đã đơn sơ ngồi bệt xuống đất lấy ngón tay vẽ nguyệch ngoạc  cốt để khỏi phải nhìn, phải nói với người đàn bà ngoại tình đang run rẩy, sợ hãi, tủi nhục, và đang gập mình lẩn tránh cái nhìn, và tiếng nói của đám đông có mặt ; Ngài là Thiên Chúa có quyền xét xử, nhưng đã chỉ tế nhị  nhắn nhủ duy nhất một câu : "Thầy không ném đá con đâu. Thôi  con về bình an, và đừng phạm tội nữa" với tội nhân xứng đáng hình phạt ném đá đến chết (Ga 8, 2-11).

Đức Giêsu Thiên Chúa suốt cuộc đời dương thế đã chỉ mặc khải một Thiên Chúa là tình yêu, rất bé nhỏ trong tình yêu, rất kín đáo, tế nhị trong tình yêu, rất khiêm tốn, nhẹ nhàng, mộc mạc trong tình yêu ; một Thiên Chúa không chút hoành tráng, kiêu sa, ngông nghênh, kiêu hãnh ; một Thiên Chúa với danh hiệu "Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội nhân loại", của lễ chuộc tội đời, máu thịt làm lương thực nuôi dân.

Vì thế, nếu đi tìm ở Đức Giêsu một thiên chúa  oai phong, uy dũng, dữ dằn, nghiêm nghị  thì  chúng ta trăm phần trăm sẽ vỡ mộng, vì không đúng điạ chỉ hộ khẩu của Thiên Chúa mà Đức Giêsu giới thiệu ; nếu tìm một thiên chúa quan toà nóng nẩy, "bắt lầm hơn để sót", xử trước tính sau thì qủa thực, chúng ta sẽ thất vọng vì Đức Giêsu không mặc khải một thiên chúa như vậy.

Thiên Chúa của Đức Giêsu, nói cách khác chính Đức Giêsu là Thiên Chúa rất khiêm nhường, bé nhỏ, "Ngài đến trên lưng lừa con, hiền lành và khiêm nhường"(Mt 21,5) ; "Đức Giêsu Kitô  vốn  dĩ là Thiên Chúa mà không nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự" (Pl 2,6-8).

Thánh Phaolô đã như xuất thần trước mầu nhiệm yếu đuối của Đức Giêsu khi viết những giòng trên cho giáo đòan Philipphê. Ngài đã không sợ làm sốc những tín hữu đầu tiên khi trình bầy một Thiên Chúa tự nguyện trở nên nô lệ, nên tội nhân chịu  đóng đinh trên thập tự.  Nhập Thể trong tiếng Hy Lạp là « ékénôsen », nghiã là tự cởi bỏ, tự hạ thấp, tự làm trống rỗng. Đây chính là  ý nghiã đích thực của mầu nhiệm Thiên Chúa làm người,  mầu nhiệm Thiên Chúa tự  trút bỏ mọi vinh quang của Thiên Chúa, tự tháo cởi mọi hào quang thiên đàng, để được mất hút trong con người là thụ tạo của mình. Là Thiên Chúa, Đức Giêsu đã không giữ riêng cho mình bản thể Thiên Chúa, nhưng chan hoà bản thể đó cho con người, khi chấp nhận làm người "Homo factus est" trong cung lòng một người mẹ. Ngài cũng không giữ cho mình sự gì, nhưng xóa mình triệt để, bỏ mình hoàn toàn đến nỗi nhiều người đã mắc cở, hổ thẹn không dám nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa của mình.

Không dám nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa của mình là tâm trạng "tôn giáo" của số đông hôm nay trong đó có thể có chúng ta đã như Phêrô không chấp nhận Thầy và  Thiên Chúa của mình lên Giêrusalem để đi vào cuộc tử nạn (Mt 16,23), như Giuđa tiếp tay đối phương bắt Thầy (Mt 26,47), vì không thể tin Thiên Chúa mà phải thất bại, như hầu hết các môn đệ đã bỏ chạy khi Thầy bị bắt (Mt 26,56), vì không thể tin Thiên Chúa lại có thể bất lực trước bạo lực của con người, như người tử tội chịu đóng đinh bên trái đã lên tiếng ngạo mạn, khích bác, vì buồn cười trước một Thiên Chúa chịu đóng đinh như mình (Mt 27,43- 44), như những người đồng hương Nadarét đã chỉ nhận Đức Giêsu "là con ông Giuse và bà Maria" chứ không dám nghĩ Ngài là Thiên Chúa, như các luật sĩ, Biệt Phái và đám đông đã nhiệt liệt ủng hộ án tử hình Đức Giêsu, vì không còn thể chịu đựng  "tên phạm thượng Giêsu, con gã thợ mộc Giuse" cứ oang oang xưng mình là Con Thiên Chúa (Lc 4,22-24).

Khi rao giảng Tin Mừng, có mấy ai trong chúng ta dám nhấn mạnh sự yếu đuối của Thiên Chúa, trong khi Đức Giêsu yếu đuối thật ? Có mấy người thực tâm chân nhận sự yếu đuối của Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ loài người, trong khi Đức Giêsu đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội loài người ? 

Thực vậy,  đề cập đến sự yếu đuối của Thiên Chúa đến bây giờ vẫn là một điều cấm kỵ với một số không nhỏ người tín hữu,  vì qủa thực, "Thiên Chúa yếu đuối".  là điều khó chấp nhận đối với con người. Thế mà Đức Giêsu đã là Thiên Chúa yếu đuối đó.
Quý độc giả vui lòng đọc chương kế tiếp!