Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

MÙA CHAY TRUYỀN GIÁO (3)

Suy Niệm 3 : ĐẰM THẮM - ĐIỀM ĐẠM - KÍN ĐÁO, NÉT ĐẸP THIÊNG LIÊNG CỦA NHÀ TRUYỀN GIÁO
Nhà truyền giáo không được sai đi “tham quan, ngao du sơn thủy”, nhưng được sai đi làm việc  như người gieo hạt tận tụy (x. Mt 13,4-8), sai đi rất xa, đến với mọi người, ở khắp mọi nơi để rao giảng “Nước Thiên Chúa đã gần”, và với quyền năng của Thiên Chúa “chữa người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và trừ khử ma qủy” (Mt 10,7-8). Nhà truyền giáo còn được sai vào nơi rất nguy hiểm, đầy chông gai va đe dọa “như chiên đi vào giữa bầy sói” (Mt 10,16), và còn như người đi buôn phải vận dụng mọi khả năng để làm sinh lợi gấp hai, gấp năm, gấp mười vốn liếng được chủ trao (x. Mt 25,14-30).
Như thế, hành trình của nhà truyền giáo không dễ đi, địa chỉ nhà truyền giáo hoạt động không dễ đến, môi trường, hoàn cảnh nhà truyền giáo tiếp cận không luôn thuận lơi, công việc của nhà truyền giáo không dễ thực hiện, và nhất là những con người nhà truyền giáo gặp gỡ, phục vụ, đồng hành không luôn dễ hiểu, dễ sống, dễ nói dễ nghe, dễ thương, dễ cộng tác.
Cũng vì thế mà Đức Giêsu đã chỉ cho các môn đệ hàng loạt những việc phải làm, và những chuyện phải tránh, trước khi sai các ông đi truyền giáo (x. Mt 25,7-14), và ân cần căn dặn như bửu bối : anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu (Mt 25,16).
Khôn đây là khôn ngoan, chứ không phải thói “khôn lỏi, khôn ăn người, khôn lanh, khôn ma le, qủy quái” của thế gian, và đơn sơ đây cũng không phải đơn sơ “ngu ngốc, ngờ nghệch, đờ đẫn, đần độn, hậu đậu, kệch cỡm” để người đời khinh chê, nhạo cười.
Nhưng làm sao để luôn có được khôn ngoan và đơn sơ ? Cư xử thế nào để không đánh mất khôn ngoan và đơn sơ ? Cách sống nào được coi là tốt nhất để bảo đảm khôn ngoan và đơn sơ trong đời truyền giáo ?  
Thiết tưởng, không gì tốt hơn, chính xác hơn cho nhà truyền giáo là nhìn vào chính Đức Giêsu, Đấng sai các vị đi truyền giáo và căn dặn : “phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu”.
1.    Đức Giêsu đã đằm thắm, điềm đạm trong mọi hoàn cảnh và với mọi người :
Chịu ma qủy cám dỗ trong hoang địa, thay vì bối rối, mất tinh thần, Đức Giêsu điềm đạm “dậy” cho ma qủy Lời Thiên Chúa, và chúng phải tháo lui (x. Mt 4,1-11) ; khi bị mấy ông kinh sư hỗn xược chụp mũ “phạm thượng”, thay vì nóng giận “đốp chát”, Đức Giêsu điềm đạm cắt nghiã và đề nghị : “Trong hai điều : một là bảo : Con đã được tha tội rồi”, hai là bảo : “Đứng dậy mà đi, điều nào dễ hơn ?” (Mt 9,5).    
Đức Giêsu còn điềm đạm trước những lời “xóc óc, móc họng”, khiêu khích, miệt thị, cả những xúc phạm, nguyền rủa, đe dọa, xua đuổi, tấn công của nhóm Biệt Phái như khi thấy Ngài ăn uống với người tội lỗi, họ đã khích bác, châm chọc cốt để Ngài “nổi qạua” to tiếng. Trái lại, Đức Giêsu đã điềm đạm giải thích cho họ sứ mệnh của Ngài : “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mt 9,12). Bị trách móc không ăn chay, thay vì “nổi đoá”, Đức Giêsu điềm đạm trả lời : “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ ?” (Mt 9,15). Cả khi bị đám đông qúa khích chửi rủa và lượm đá ném, vì Ngài nói : “Ông Ápraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ” (Ga 8,56), Đức Giêsu cũng vẫn điềm đạm “lánh đi và ra khỏi Đền Thờ” (Ga 8,59), mà không gay go, gây hấn ; và sau cùng, khi các thủ lãnh Do Thái quyết định giết Ngài, sau phép lạ cho Ladarô sống lại sau bốn ngày chôn trong mồ, Đức Giêsu vẫn điềm đạm ứng xử, và “không đi lại công khai giữa người Do Thái nữa” (Ga 11,54). Rồi những ngày chịu nạn : từ khi bị bắt đến lúc chịu đóng đinh, trước không biết bao nhiêu nhục mạ, cực hình, lên án bất công, Đức Giêsu vẫn một thái độ đằm thắm, điềm đạm trước mọi người : không một lời nguyền rủa, không một lần phẫn nộ.
Đặc biệt với các môn đệ, Đức Giêsu luôn đằm thắm, điềm đạm, như khi thấy các ông tranh giành chỗ cao thấp, địa vị lớn nhỏ, Ngài đằm thắm, điềm đạm nói với các ông : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35) ; khi Giuđa phản bội, Ngài cũng vẫn điềm đạm trả lời câu hỏi giả hình của ông (x. Mt 26,25) ; cả khi Phêrô nóng nẩy chém đứt tai tên đầy tớ của thượng tế trong vườn Cây Dầu, nơi Ngài bị bắt, Đức Giêsu cũng điềm đạm nhắc nhở ông : “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm…” (Mt 26,52).   
Qủa thực, có đằm thắm, điềm đạm, nhà truyền giáo mới tránh được những “thái qúa, bất cập”, là nguyên cớ của nhiều thất bại, vì đằm thắm, điềm đạm là thái độ của người biết phân định, trung dung, không qúa khích, qúa đáng, cũng không lười biếng, buông xuôi.               
Đằm thắm, điềm đạm còn là đức tính cần thiết của nhà truyền giáo, vì xuất phát từ tâm hồn “hiền lành và khiêm nhuờng” (Mt 11,29), bài học quan trọng và nền tảng Đức Giêsu dậy, mà bất cứ ai muốn đi theo Ngài đều phải nằm lòng và cố gắng thực thi trong đời sống.
Đằm thắm, điềm đạm còn là chià khóa Đức Giêsu ban cho nhà truyền giáo, để các vị thành công trong sứ vụ thiêng liêng được trao phó, bởi thiếu đằm thắm, điềm đạm, các vị rất khó có thể đến với muôn dân, rất khó đi vào lòng người, rất khó vào được nhà người khác, và vô cùng khó “ở lại bình an” với mọi người, vì thiếu đằm thắm, nhà truyền giáo sẽ ứng xử một cách cứng cỏi, thô kệch, dễ đưa đến trịch thượng, hống hách, kiêu căng, cửa quyền, kẻ cả đối với mọi người ; thiếu điềm đạm, nhà truyền giáo cũng sẽ bốc đồng, nóng nẩy, hiếu chiến, hiếu thắng, trong lới nói và cung cách, dễ đưa đến đôi co, hơn thua, thách thức, bạo lực, là điều cấm kị đối với nhà truyền giáo.
Sở dĩ là điều cấm kị ở nhà truyền giáo, vì thái độ, lời nói, hành động thiếu đằm thắm, điềm đạm sẽ gây nên ấn tượng xấu về một nhà truyền giáo “kiêu căng, áp chế, khuynh đảo, xâm lăng”, không tôn trọng, không yêu thương, không phục vụ, trong khi hình ảnh cần có ở nhà truyền giáo là “hiền lành và khiêm nhường”, đơn sơ và nghèo khó, phục vụ trong niềm vui, yêu thương đến quên mình, như chính Đức Giêsu.
Trong thực tế, không thiếu những nhà truyền giáo đã thất bại ngay vòng đầu, vì thiếu đằm thắm, điềm đạm, mặc dù làm đúng quy trình truyền giáo : Những vị này tuy có “vào nhà người xứng đáng và ở đó” như Đức Giêsu dặn (x. Mt 10,11), nhưng vì ăn nói “linh tinh, lôm côm, huyênh hoang, biết ít nói nhiều”, lại thường háo thắng, giành diễn đàn, chiếm micrô “độc thoại”, nên chủ nhà mệt mỏi, ngao ngán mời đi ; những nhà truyền giáo mà “vào nhà nào cũng chúc bình an cho nhà ấy” (Mt 10,12), đúng như Đức Giêsu dặn, nhưng vì thiếu đằm thắm và điềm đạm, các vị đã làm bình an “hoảng sợ và bỏ chạy mất dép” : không ở lại với nhà ấy, mà cũng không “trở về với các vị”.
Thực vậy, nhà truyền giáo, noi gương Đức Giêsu, càng đằm thắm trong cung cách xư xử, càng điềm đạm khi ăn nói, càng đem lại nhiều kết qủa thiêng liêng trong truyền giáo, bởi đó là máng chuyển dễ thương, dễ tiếp cận, dễ cảm thông, dễ đi vào lòng người, dễ đưa vào nhà người Lời hằng sống, Bánh trường sinh, Ơn cứu độ, đặc biệt là lời chứng sống động, đầy sức thuyết phục của nhà truyền giáo về Đức Giêsu hiền lành, nhân hậu, Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại.
2.   Đức Giêsu yêu thích kín đáo :
Nét đẹp thứ hai mà nhà truyền giáo cần có để giữ được “khôn ngoan và đơn sơ” trong đời truyền giáo chính là biết sống kín đáo, như Đức Giêsu.
Kín đáo ở đây không được hiểu là “thiếu cởi mở, khép kín, đóng chặt cửa tâm hồn, hà tiện lời ăn tiếng nói, và không trao đổi, chia sẻ tâm sự hay công việc với ai”. Trái lại, kín đáo là đức tính cần thiết, đúng hơn rất cần thiết ở nhà truyền giáo, vì chính sứ vụ truyền giáo đòi hỏi.
Nhà truyền giáo cần kín đáo, vì sứ vụ lắng nghe tâm sự thiêng liêng của các tâm hồn, sứ vụ băng bó, chữa lành những vết thương nội tâm, sứ vụ giải thoát linh hồn người khác khỏi xiềng xích, ngục tù của tội lỗi, sứ vụ chia sẻ, đồng hành, hướng dẫn con người trên đường nên thánh, chưa kể những vị mang sứ vụ “tha tội” được Giáo Hội trao phó, và tất cả các sứ vụ đó đều đòi ở các vị sự kín đáo, thận trọng. Nếu không sẽ chẳng còn ai dám tin tưởng, và ký thác tâm sự thầm kín, thiêng liêng ở các vị.  
Sự kín đáo nơi nhà truyền giáo không những phải được triệt để tuân giữ khi thi hành sứ vụ thiêng liêng, mà ngay trong giao tế bình thường trong đời thường, đức tính ấy cũng không thể thiếu, nếu các vị muốn được mọi người kính trọng, bởi khó có thể chấp nhận một nhà truyền giáo thiếu kín đáo, không giữ kín được điều cần phải giữ kín, không bảo đảm được bí mật của những gì liên quan đến danh dự, uy tín, hạnh phúc của người khác, để rồi bất cứ chuyện riêng tư của ai, vấn đề nhậy cảm của gia đình nào chẳng may “bị” các vị biết đều sẽ mau chóng biến thành chuyện công cộng, chuyện công khai, chuyện của công chúng, chuyện của “bàn dân thiên hạ”.
Trong thực tế đã có nhiều phũ phàng đáng tiếc xẩy ra cho nhà truyền giáo, khi các vị không quan tâm đến đòi hỏi phải kín đáo, tế nhi, thận trọng trong giao tế, và hậu qủa là công việc truyền giáo không đem lại kết qủa, khi các vị bị coi là người không đáng tin, thiếu kín đáo, và mọi người rỉ tai nhau coi thường, xa lánh.  
Qủa thực, trong Tin Mừng, Đức Giêsu luôn nhắc nhở các môn đệ phải kín đáo : kín đáo khi cầu nguyện, ăn chay, chia sẻ, làm phúc bố thí  vì “Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo… Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,4.6.18).
Cả ba việc đạo đức quan trọng là cầu nguyện, ăn chay và làm phúc bố thí đều đuợc Đức Giêsu đặt trong tình trạng kín đáo, âm thầm, không khoa trương, ồn ào, nặng phần trình diễn, khoe khoang, cốt để mọi người biết mà tấm tắc khen ngợi, tuyên dương, vì Ngài biết : nhà truyền giáo sẽ không còn “khôn ngoan và đơn sơ” khi được thiên hạ “cho lên mây” với những lời tung hô “có cánh” ; sẽ không “hiền lành và khiêm nhường” như đầy tớ chỉ biết làm việc chủ trao phó ; sẽ không  sống đơn sơ như người môn đệ “hoàn toàn phó thác” vào Thiên Chúa, Cha mình, mà chẳng thu gom, vun vén, cẩn thận chuẩn bị tương lai, tuổi già. Trái lại, nhà truyền giáo được đám đông cuồng tín sùng bái, hâm mộ, vì “thích” tỏ mình giỏi giang, “biết cách” tỏ mình thánh thiện, đạo đức, “chăm chút” tỏ mình vượt trội hơn anh em về mọi mặt trước sau cũng sẽ vấp ngã nặng nề, vì không còn khôn ngoan để phân định, và đơn sơ để được mọi người tin tưởng, yêu mến.
Ngoài những căn dặn phải kín đáo khi cầu nguyện, ăn chay, bố thí, Đức Giêsu còn làm gương kín đáo trong đời sống của Ngài, như khi làm phép lạ, Ngài thường dặn dò người vừa được Ngài chữa lành : “Đừng nói với ai cả” (Mt 8,4), hoặc tự Ngài kín đáo “lánh đi, vì có đám đông ở đấy” (Ga 5,13).
Vâng, Mùa Chay không chỉ là mùa “cá nhân sám hối, bản thân trở về”, nhưng còn là mùa truyền giáo, vì truyền giáo là căn tính của mọi Kitô hữu, nghiã là tất cả chúng ta, khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy đểu trở thành nhà truyền giáo, đều mang sứ vụ truyền giáo, đều được Thiên Chúa sai đi truyền giáo, nên việc sám hối cá nhân, việc trở về của bản thân trong mùa chay cũng là việc truyền giáo của cộng đoàn dân Chúa, việc lên đường cùng toàn thể Giáo Hội đến với  muôn dân, và “Mùa Chay Trở Về” được biến thành “Mùa Chay Chay Ra Đi”, Mùa Chay sám hối trở nên “Mùa Chay Được Đổi Mới” cùng với mọi người nhờ dấn thân truyền giáo, lên đường loan báo Tin Mừng.
Và thành qủa truyền giáo ít hay nhiều sẽ tùy thuộc tấm lòng của người được sai đi, hệ tại ở sự vâng phục, và làm theo những gì Đấng sai đi đã căn dặn : “Anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 25,16).
Jorathe Nắng Tím

CÁM DỖ


     Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 1 – MÙA CHAY, Năm A
         Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ.
Lời cầu xin tha thiết trong Kinh Lậy Cha đã nói lên tình trạng căng thẳng của chúng ta, những con người yếu đuối trước những cám dỗ của Thần Dữ. Đức Giêsu, Thiên Chúa thật và con người thật đã trải qua những giây phút chịu ma qủy cám dỗ, như Tin Mừng đã ghi : “Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu cám dỗ” (Mt 4, 1).
Trước hết, chúng ta cần minh định : Thiên Chúa không là “Tên Cám Dỗ”, nhưng kẻ cám dỗ chúng ta là Satan và bè lũ. Mục đích chúng cám dỗ là ngăn cản chúng ta thực thi giới luật Yêu Thương của Chúa, và tìm cách làm cho chúng ta không còn muốn sống theo đường lối của Ngài. Tuy thế, trong mọi trường hợp, cám dỗ luôn là dịp thử thách niềm tin của chúng ta, là cơ hội chúng ta chứng tỏ lòng trung thành với Thiên Chúa, và là thước đo mức độ gắn bó, kết hiệp của chúng ta với Thiên Chúa.
Như Đức Giêsu, khi chịu ma qủy cám dỗ trong hoang địa, Ngài đã làm chứng lòng trung tín sắt son, và kiên quyết vâng phục Thiên Chúa khi đặt mình dưới ánh sáng Lời Thiên Chúa, ngay trong lúc ma qủy thấy Ngài mệt mỏi, vì đói, như Tin Mừng Mátthêu đã kể lại : “Người ăn chay ròng rã suốt bốn mươi đêm ngày, và sau đó,  Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người…” (Mt 4, 3).
Qủy biết lúc nào thuận tiện để cám dỗ chúng ta, như đã cám dỗ Đức Giêsu khi Ngài mệt vì đói ; qủy biết những lúc chuáng ta khổ đau vì sa cơ thất thế, những lúc thất bại vì bị người thân bỏ rơi, bạn bè phản bội là cơ hội hiếm có để cám dỗ chúng ta ngã lòng trông cậy, tuyệt vọng, khước từ lòng thương xót của Thiên Chúa ; qủy biết thời buổi “ăn nên làm ra”, được “thăng quan tiến chức vùn vụt” là thời cơ dễ làm chúng ta sa chước cám dỗ “kiêu căng, ngạo mạn”, nên huy động lực lượng để cám dỗ chúng ta chống báng Giáo Hội, phạm thượng Thiên Chúa, khinh miệt anh em ; qủy tinh qúai biết rõ càng giầu, càng dễ gian tham, ty tiện, nên cám dỗ chúng ta làm những điều bất công, bất chính tổn thương đến người khác, và lỗi đức công bằng, bác ái, khi chúng ta chỉ còn một ham muốn tiền bạc, của cải.
Trong hoang địa, ma qủy bắt đầu bằng cám dỗ Đức Giêsu về Nhân Tính của Ngài, khi nói với Ngài : “Nếu ông là con Thiên Chúa, thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi !” (Mt 4, 3). Mục đích của ma qủy là thách thức Đức Giêsu từ chối nhân tính của mình, bằng ra tay uy quyền của Thiên Tính mà làm cho những hòn đá trước mặt Ngài  hóa thành bánh, bởi điều làm ma qủy cay cú hơn cả là “Thiên Chúa đã yêu thương con người đến nỗi đã sai Con Một của Người xuống thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1 Ga 4,9). Ma qủy là ganh ghét, hận thù đã không muốn Thiên Chúa yêu thương loài người ; nó còn là bạo lực và sư chết, nên không muốn con người đuợc Thiên Chúa làm người cứu chuộc để ban lại sự sống.
Chính vì thế, ma qủy luôn tìm cách đánh đổ nhân tính của Đức Giêsu, để loài người theo chúng chối bỏ nhân tính của Ngài, như nhiều người, dọc suốt lịch sử Giáo Hội, đã kịch liệt chống đối, phản bác “mầu nhiệm làm người” của Ngôi Lời Thiên Chúa.
Giập tắt cơn cám dỗ về Nhân Tính của qủy, Đức Giêsu đã nhắc cho qủy lời Thiên Chúa : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).
“Sau đó, qủy đem Người đến thành thánh, và đặt Ngưiờ trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người : Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi ! Vì có lời chép rằng : Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ ra tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Mt 4,5-6).
Đây là cơn cám dỗ của kiêu căng và lòng ham muốn quyền lực. Cơn cám dỗ nguy hiểm đối với mọi người, vì quyền bính, uy quyền, quyền lực là điều ai cũng chờ đợi, mong ước cho mình, bởi có quyền là có tất cả, và khi có tất cả thì chẳng còn sợ ai, không phải vâng phục người nào, và thực hiện được mọi sự theo ý mình.
Cũng với Lời Thiên Chúa, Đức Giêsu đã vượt qua cám dỗ của kiêu căng, quyền lực : “Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Đức Chúa của ngươi” (Mt 4,7).
Qủy lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước trên thế gian và vinh hoa, lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng : “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (Mt 4,8-9).
Cơn cám dỗ cuối cùng lại là cơn cám dỗ khủng khiếp nhất : cám dỗ con người chạy theo ma qủy và tôn thờ chúng, khi mặc cả với con người : nếu thờ lậy ta là Satan, ngươi sẽ có mọi vinh hoa, lợi lộc trên thế gian này.
Không ít người đã bùi tai và nghe ma qủy mà bỏ Thiên Chúa để sấp mình bái lậy chúng, hầu được những lợi lộc trần gian ; không thiếu người đã chấp nhận đầu quân cho Satan vì một mối lợi vật chất nào đó được Satan hứa đem lại.
Điều đáng buồn và lo ngại là thế giới hôm nay có nhiều phong trào, giáo phái “tôn thờ Satan”, vì Satan có khả năng làm cho những người bán linh hồn cho nó đạt được danh lợi, nguyện vọng và thực hiện được những mưu đồ, thủ đọan như họ muốn, nhưng những  danh lợi, thành qủa do Satan mang lại ấy đều rất chóng qua, và sẽ đem lại bất hạnh cho người có nó, bởi tất cả những gì thuộc về ma qủy, đến từ ma qủy đều là ganh ghét, dối trá, hận thù, bạo lực, bất hạnh, chết chóc, do bản tính xấu xa, ác độc, gian dối của chúng. Vì thế, đi theo ma qủy và thờ lậy chúng, con người sẽ chuốc vào thân mọi tai ương, vì bản chất của ma qủy, cũng như mục đích duy nhất hoạt động của ma qủy là làm cho con người phải đau khổ, bất hạnh và chết, khi đánh mấtvà xa khỏi Thiên Chúa là Tình Yêu, Ơn Cứu Độ, Sự Sống đời đời, và Hạnh Phúc, Bình An.    
Và cũng như hai lần chịu cám dỗ, Đức Giêsu đã xua đuổi Satan và nói với nó : Có lời chép rằng : “Ngươi phải bái lậy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,10).
Chúng ta có thể nhận ra ý Thiên Chúa qua đọan Tin Mừng “Đức Giêsu chịu cám dỗ trong hoang địa” :
1.   Thiên Chúa muốn chúng ta chân nhận : Ngôi Lời là Thiên Chúa thật và con người thật.
Vì là con người thật, nên Ngôi Lời là Đức Giêsu đã chịu ma qủy cám dỗ như chúng ta, cũng như bất cứ con người nào. Mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người là điểm nóng mà ma qủy và thế gian luôn tìm cách chống phá, lôi kéo người ta phủ nhận bằng mọi chiêu trò. 
Sở dĩ ma qủy và thế gian phải chối bỏ mầu nhiệm “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7), vì nếu chấp nhận “mầu nhiệm nhân tính” này, chúng sẽ phải nhận tất cả chân lý về Thiên Chúa do Đức Giêsu mặc khải, vì Ngài vừa là Thiên Chúa, nên biết rõ Thiên Chúa là ai, và Thiên Chúa muốn gì, đồng thời vừa là con người, nên nói được với con người về Thiên Chúa. 
Ngoài ra, khi phải chấp nhận mầu nhiệm làm người của Đức Giêsu, ma qủy, thế gian không thể chối từ : Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất, bởi chỉ một mình “Thiên Chúa làm người” mới có thể chuộc lại tội lỗi của loài người đã xúc phạm đến Thiên Chúa, do đòi hỏi chính đáng của công bằng. 
Vì thế, bằng mọi giá, ma qủy, thế gian luôn tìm tấn công mầu nhiệm “làm người” của Ngôi Hai Thiên Chúa, chống phá “nhân tính thật” của Đức Giêsu, để hủy bỏ công trình cứu chuộc loài người của Thiên Chúa qua cuộc khổ nạn và chết trên Thánh Giá như thánh Phaolô đã viết cho giáo đoàn Philípphê : “Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái qùy, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng  tuyên xưng rằng : Đức Giêsu Kitô là Chúa…” (Pl 2,9-11).
2.   Thiên Chúa muốn chúng ta tin tưởng : Ơn của Ngài luôn đủ cho chúng ta (x. 2 Cr 12,9), để chúng ta chiến thắng ma qủy, vượt qua mọi cám dỗ : 
Ma qủy không ngang hàng Thiên Chúa. Chúng chỉ là thụ tạo kiêu căng, phản bội đã bị Thiên Chúa xua đuổi khỏi Thiên Đàng và đẩy xuống hoả ngục. Vì thế, chúng không thể vượt quyền Chủ Tạo của Thiên Chúa. Do đó, chúng không thể áp chế ta khi cám dỗ ta. Chúng chỉ có thể lôi cuốn, dụ dỗ, mồi chài, nhưng quyết định nghiêng theo cám dỗ, chấp thuận lao mình vào cám dỗ, và chiều theo đề nghị của chúng hay không là do ta, vì Thiên Chúa ban cho mỗi người ý chí tự do để lựa chọn và quyết định, chưa kể ơn của Ngài luôn tràn đầy nâng đỡ, hỗ trợ, và bên cạnh, chúng ta có Giáo Hội là Mẹ luôn bảo vệ, chở che, cầu bầu.
Vì thế, cám dỗ là việc làm của ma qủy được Thiên Chúa cho phép, để thử thách niềm tin và lòng trung thành của chúng ta đối với Thiên Chúa, như Ngài đã cho phép Rắn Độc cám dỗ Evà, và cho phép Satan thử thách Gióp, tôi trung của Đức Chúa Giavê, nên ngã lòng trông cậy trong khi bị cám dỗ là điều tối kỵ đối với người môn đệ Đức Giêsu, và phải tránh cho kỳ được tâm trạng tuyệt vọng, như Gióp đã luôn vững lòng tín thác ở Thiên Chúa Giavê trong cơn thử thách vô cùng cam go, để  trong mọi cám dỗ, thử thách, lúc nào ông cũng một lời ca ngợi Thiên Chúa :
“Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi : xin chúc tụng danh Đức Chúa !” (G 1,21).
3.   Khí giới tuyệt hảo để chiến thắng ma qủy khi bị cám dỗ là tìm về và dựa vào Lời Thiên Chúa :
Cả ba lần chịu cám dỗ, Đức Giêsu đều lấy Lời Thiên Chúa để chống trả ma qủy, và chúng đã phải thoái lui.
Thực vậy, nguy cơ lớn nhất của con người ngày xưa cũng như ngày nay, và cho đến tận thế là từ chối lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa. Và khi không còn lắng nghe, suy gẫm, người ta sẽ không vâng theo, như Evà đã không nghe Lời Thiên Chúa, nên đã ra nông nỗi : “vì một người  duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập thế gian, và tội lỗi gây nên sự chết” (Rm 5,12) .
Hơn chúng ta, ma qủy biết sức mạnh của Lời Chúa, nên tìm mọi cách để người ta không yêu mến Lời Chúa, không tìm về Lời Chúa, không tôn kính Lời Chúa, không rao giảng Lời Chúa, bằng chứng là hiện nay có nhiều người thích “tấu hài” hơn rao giảng Lời Chúa, thích kể chuyện mình hơn kể cho người khác nghe những kỳ công của Chúa, thích trích văn chương hoa mỹ của loài người khi  truyền giáo hơn gieo rắc Lời Thiên Chúa, thích làm cho người khác nghe lời mình ngon ngọt, lôi cuốn hơn để Lời Chúa đi vào, ở lại và đổi mới tâm hồn họ.
Cũng vì biết Lời Chúa có sức mạnh giải  thoát  chúng ta khỏi cạm bẫy cám dỗ, nên ma qủy ráo riết làm cho con người không quan tâm đến Lời Chúa, không tìm ánh sáng khôn ngoan ở Lời Chúa, không quy chiếu mọi tư tưởng, hành động vào Lời Chúa, không tin Lời Chúa là sức sống đổi mới, không hy vọng Lời Chúa mang lại bình an đích thực, không xác tín Lời Chúa là chính Chúa, nên dần dà Lời Chúa bị thêm bớt, cắt xén, lãng quên, coi thường, diễu cợt, rồi trở nên xa lạ, hão huyền, vô ích với con người.
Vâng, ngay từ buổi đầu tạo dưng, con người đã bị ma qủy cám dỗ, và hậu qủa của tội lỗi khi “sa chước cám dỗ” là bất hạnh và sự chết.
Đức Giêsu, Thiên Chúa thật và con người thật đã chịu cám dỗ, nhưng Ngài đã chiến thắng ma qủy, khi lấy Lời Thiên Chúa giập tắt cơn cám dỗ. Ngài đã chiến đấu với ma qủy, bằng vũ khí Lời Chúa, và đã chiến thắng chúng bằng vâng lời Thiên Chúa, như thánh tông đồ dân ngoại đã qủa quyết : “Vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19).
Xin Chúa cho chúng ta biết yêu mến, lắng nghe, suy gẫm và vâng phục Lời Chúa, là vũ khí của Thiên Chúa đặt vào tay chúng ta để vượt qua cám dỗ, và chiến thắng ma qủy.
Jorathe Nắng Tím

MÙA CHAY TRUYỀN GIÁO (2)


Suy Niệm 2 : Trái Tim biết cảm thương, chạnh lòng
Trên đường theo Đức Giêsu truyền giáo, các tông đồ đã nhiều lần bộc lộ tinh thần còn xa Tin Mừng của các ông, khi dễ dãi chọn những phương án, và cách giải quyết thuần nhân loại trước những vấn đề của con người, không như Đức Giêsu mong muốn. Một trong những điều Ngài không mong muốn đó, chính là trái tim vô cảm, không biết cảm thương, chạnh lòng.
Một vài trường hợp cụ thể, điển hình :
Tin Mừng Matthêu kể câu chuyện người đàn bà xứ Canaan. Bà có đứa con gái bị qủy ám, nên lẽo đẽo đi theo và năn nỉ Đức Giêsu thương cứu chữa. Bà lớn tiếng kể lể, thở than, kêu van đến nỗi làm các tông đồ phát cáu, bực bội, và các ông đã  đề nghị với Đức Giêsu một phương án : “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo chúng ta mà kêu mãi !” (Mt 15, 23).
Kêu mãi, than hoài làm người nghe đầy tai, nên nổi quạu ; kêu hoài, than mãi khiến người chung quanh phải khó chịu, nổi khùng. Các môn đệ của Đức Giêsu đã rơi vào tình trạng nổi quạu, nổi khùng này, và đã chọn giải pháp bảo bà ấy về đi cho mọi người được yên, bớt nhức đầu.
Tin Mừng Máccô kể về đám đông dân chúng say mê nghe Đức Giêsu giảng dậy đã rơi vào tình trạng đói, khi trời đã về chiều và ở nơi hoang vắng. Trước hoàn cảnh này, các môn đệ cũng đã đề nghị một giải pháp mau chóng, giản tiện, thuần nhân loại, đó là giải tán, khi thưa với Đức Giêsu : Xin Thầy cho dân chúng về…” (Mc 6,36).
Tin Mừng Luca thì kể chuyện các em bé được cha mẹ dẫn đến để xin Đức Giêsu đặt tay chúc lành, nhưng các môn đệ của Đức Giêsu thấy thế đã la rầy chúng (Lc 18,15).
Nếu có những người ngày xưa từng bước đi theo Đức Giêsu, nhưng đã không “chạnh lòng” như Ngài khi thấy đám đông “như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6,34) ; nếu có người  chăm chú nghe Đức Giêsu rao giảng trên đất nước Palestin cách đây hơn hai ngàn năm, nhưng đã không “xót xa” như Ngài, khi thấy bà goá  trên đường đi chôn con trai duy nhất ở thành Nain (x. Lc 7,13) ; nếu có những người vất vả chen lấn để sờ được vào gấu áo Đức Giêsu ngày xưa, nhưng đã không  “thương cảm” như Ngài trước đoàn người đông đảo bệnh tật (x. Mt 14,14) ; nếu nhiều người có Đạo cách đây hai mươi mốt thế kỷ đã không “chạnh lòng thương” người anh em bị bọn cướp trấn lột, đánh nhừ tử, rồi bỏ mặc “nửa sống nửa chết” bên đường (x. Lc 10,33), thì hôm nay cũng không thiếu những người có đạo đầy quyền thế đã cho lệnh giải tán đám đông nghèo khó hay đến làm phiền ; không thiếu những tín hữu chẳng biết xót xa, thương cảm là gì trước những thân phận thiếu ăn, thiếu mặc, gầy giơ xương, nghèo kiết xác của đồng đạo, và nhiều lắm những người mang danh Kitô hữu “rất kêu, rất bóng, rất nổi, rất hoành tráng”, nhưng hoàn toàn không mang trên mình một hình ảnh, một dáng dấp, một thái độ, một lời nói, một việc làm “chạnh lòng thương” của Đức Giêsu. Và ngày xưa cũng như ngày nay, hôm nào cũng như hôm nay, thế giới vẫn không thiếu những con người vô cảm, trong Giáo Hội cũng không khó gặp những trái tim chai đá, giữa xứ đạo cũng còn nhan nhản những tấm lòng cứng cỏi, băng giá, vô tình trước đau khổ, khốn nạn của đồng đạo, tha nhân.
Nhưng có một con người không thể vô cảm, có một sứ mệnh không cho phép vô tình, vô tâm, có một ơn gọi không chấp nhận trái tim cạn khô lòng thuơng xót, đó là con người truyền giáo, sứ mệnh truyền giáo, ơn gọi truyền giáo, trái tim nhà truyền giáo.
Bởi truyền giáo là giới thiệu Đức Giêsu, dung mạo của Chúa Cha giầu lòng thương xót, bao dung ; truyền giáo là đồng hành với người khác đi vào trái tim thương cảm của Đức Giêsu, Thiên Chúa luôn chạnh lòng xót thương ; truyền giáo là cộng tác với Thiên Chúa trong công việc biến đổi trái tim kiêu căng, chai cứng, vô cảm của con người thành hiền lành, khiêm nhường, yêu thương, nhẫn nại, hy vọng và hy sinh vì hạnh phúc của tha nhân như trái tim Đức Giêsu ; truyền giáo là mở cõi lòng, mở tâm tư đón nhận tất cả, nên mọi sự cho tất cả trong yêu thương, phục vụ ; truyền giáo là nhân danh Đức Giêsu, Đấng là Tình Yêu cứu độ để “loan báo Tin Mừng cho người nghèo..., công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, và công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19), nên vô cảm, vô tâm, vô tình không thể chung sống với nhà truyền giáo, người rao giảng Tin Mừng, giới thiệu và làm cho mọi người tin yêu, tôn thờ Đức Giêsu, Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng luôn chạnh lòng, trắc ẩn, thương xót, bênh vực, giải thoát, cứu chữa.
Vâng, nhà truyền giáo là người mang Đức Giêsu, Đấng luôn chạnh lòng thương xót ; là người loan báo Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian ; là người chuyển ban ơn Bình An của Đức Giêsu, “Thiên Chúa làm người” đã hiến mạng để cứu chuộc con người tội lỗi sẽ khó có thể sống ơn gọi và sứ mạng truyền giáo của mình, nếu không biết chạnh lòng thương xót, vì thực ra, ơn gọi truyền giáo, sứ mệnh truyền giáo, cũng như con người truyền giáo chính là Thương Xót mọi người như Đức Giêsu đã chạnh lòng thương xót.        
Khi còn ở với các Tông Đồ, Đức Giêsu đặc biệt chú tâm đào tạo con tim của các vị để các vị biết chạnh lòng như Ngài, biết nhìn đoàn chiên như Ngài nhìn, biết chăm nom, săn sóc đoàn chiên như Ngài chăm nom, săn sóc, nhất là biết hy sinh cho đoàn chiên như Ngài đã hy sinh. Vì thế, mỗi lần các vị chọn phương án không bác ái, như xin lửa từ trời xuống đốt một làng xứ Samari để trừng phạt dân làng đã không đón tiếp Đức Giêsu và các ông (x. Lc 9,52-56), hoặc tìm cách giải quyết cho “được việc”, nhưng thiếu từ tâm theo kiểu thế gian như “giải tán, đuổi về, la mắng”, thì đều bị Ngài khiển trách, dậy bảo.
Thực vậy, chỉ với trái tim biết thương cảm, chạnh lòng như Đức Giêsu, nhà truyền giáo mới thực sự truyền giáo khi quy tụ mọi người quanh Lời Chúa và Thánh Thể. Nếu không, nhà truyền giáo sẽ chỉ làm công việc của nhân viên quảng cáo, tiếp thị, khi giới thiệu một mặt hàng, một sản phẩm, mà không giới thiệu “Con Người Thiên Chúa”, không làm chứng Tình Yêu của Thiên Chúa, Đấng từ bi và nhân hậu, và không làm cho Đức Giêsu được có mặt và lớn lên trong trái tim và cuộc đời  mọi người, như điều Chúa muốn ở người được gọi và sai đi truyền giáo.
Jorathe Nắng Tím

LỄ TRO


Thứ Tư LỄ TRO
Hằng năm, vào thứ Tư Lễ Tro, khi cùng cộng đoàn khiêm tốn tiến lên để được chủ tế và các thừa tác viên xức Tro trên trán, tôi lại cảm thấy trong tim dạt dào một niềm xúc động rất đặc biệt của người có tội được Thiên Chúa yêu thương, và niềm vui khôn tả được đồng hành với mọi người trong Giáo Hội lên đường Sám Hối.
Niềm xúc động ấy phong phú đến kỳ diệu, khi duy nhất một lần trong năm phụng vụ, cả nhà thờ từ cụ già đến trẻ thơ, từ linh mục chủ tế đến người còn đang học giáo lý tân tòng, nam nữ, lớn bé bất kể, nghiã là không trừ một người nào, không loại bỏ một ai, nhưng tất cả đều “bình đẳng” nối đuôi nhau tiến lên, để được xức Tro, mở đầu một Mùa Trở Về.
Cả nhà thờ hôm ấy cùng “xé lòng” ăn năn, khóc lóc và thống thiết nài xin ơn thương xót (x.Ge 2,12-13).
Cả cộng đoàn cùng một trái tim hối tiếc vì tội cũ, lỗi xưa và đấm ngực thân thưa : “Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài” (Tv 50,6).
Cả tập thể cùng lên đường trở về, vì “trông cậy vào lòng nhân hậu xót thương và lượng hải hà xoá tội” (Tv 50,3).
Cả đoàn người cùng cúi đầu nhận tội và “xin tha tội chết”, vì “biết tội mình đã phạm, và lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm” (Tv 50,5).
Và toàn dân cùng tha thiết nguyện cầu : “Lậy Chúa, xin dùng cành hương thảo rẩy nước thanh tẩy con, để con được tinh tuyền ; xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết” (Tv 50,9).
Vâng, chỉ ngày Lễ Tro, tôi mới nhận ra mình cùng chung một thân phận với mọi người : thân bụi tro, vì được dựng nên từ tro bụi, và phận “người có tội”, vì “ngay lúc chào đời đã vương lầm lỗi, và mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 50,7) ; chỉ khi trán được xức tro, tôi mới khám phá ra mình đồng cảnh, đồng thuyền với mọi người : đồng cảnh bị xua đuổi, không cho gần Nhan Thánh, đồng thuyền mong manh, dễ vỡ sắp bị Thiên Chúa dìm sâu, nghiền nát vì bất tín, bất trung (x. Tv 50, 10.13).   
Nhưng không chỉ cảm xúc dạt dào trong tim người có tội được tha thứ, tôi còn hớn hở vui mừng trong ngày lễ tro, khi không một người nào có mặt trong thánh đường đã bị “mất quyền” hay bị “tước quyền” được xức tro sám hối, và ai nấy, theo thứ tự bước ra khỏi hàng ghế, nghiêm trang, khiêm nhuờng tiến lên xin được  xức tro trên trán, dấu chỉ của thống hối, ăn năn.
Tôi vui khôn tả khi cả những người bị phạt vạ và “treo quyền” rước lễ từ nhiều năm, hôm nay cũng lên chịu tro cùng mọi người ; tôi hạnh phúc dạt dào khi thấy nhiều đôi bạn trẻ “sống chung” ngoài bí tích, những ngày lễ Chúa Nhật thường lấm lét, lủi thủi kiếm một chỗ kín đáo sau hàng cột để nép mình, hôm nay phấn khởi xếp hàng theo mọi người tiến về Cung Thánh để được xức Tro ; và tôi sung sướng đến bật khóc, khi không một người trong nhà thờ đã ngồi lì tại chỗ, nhưng tất cả  đứng dậy, cất bước cùng Giáo Hội lên đường Sám Hối, Trở Về với Thiên Chúa.
Vâng, với tôi, ý nghiã đẹp và sâu sa của Lễ Tro chính là tất cả chúng ta cùng khiêm tốn nhìn nhận mình là tội nhân trước mặt Thiên Chúa ; cùng chia sẻ thân phận yếu đuối, mỏng dòn, dễ bể, dễ gẫy trước cám dỗ, cạm bẫy của ma qủy, thế gian ; cùng biết mình không có gì cao qúy, cao trọng, cao cả đến độ tự cho phép mình hống hách, kiêu căng “lên mặt, lên lớp, lên giọng, lên gân” trước anh em, bởi tất cả chúng ta là chi thể của cùng một Thân Thể Đức Kitô, mà đã cùng một Thân Thể, thì không có chia rẽ, phân bì, kỳ thị, tranh giành, đấu đá, “trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau, một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cùng vui chung” (1 Cr 12,25 -27), để sẽ không chỉ một ngày Lễ Tro trong năm, nhưng là mọi ngày trong năm, mọi người trong cộng đoàn, mọi thành phần Dân Chúa, cùng toàn thể Hội Thánh chiến thắng, thanh tẩy, lữ hành cùng sốt sắng cất lời cầu xin :
“Lậy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tâm hồn cho con nên thủy chung. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. Xin ban lại cho con nguồn vui vì được Ngài cứu độ, lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con” (Tv 50, 12-14), bởi vì “Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, chậm bất bình và giầu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng họa” (Ge 2,13), để suốt đời “con cất tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 50,17).
Jorathe Nắng Tím 

MÙA CHAY TRUYỀN GIÁO (1)

Suy Niệm 1 : Nhà Truyền Giáo nhận được rất nhiều để quảng đại trao ban, hào sảng phân phát
Tin Mừng Máccô 6,34-43 kể lại phép lạ Đức Giêsu làm cho bánh hóa nhiều lần thứ nhất. Trong trình thuật phép lạ này, Đức Giêsu đem đến cho nhà truyền giáo nhiều ngạc nhiên, bất ngờ :
Ngạc nhiên khi Đức Giêsu trả lời các tông đồ : “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi !” (Mc 6,37).
Như chúng ta, các tông đồ đã không khỏi bất ngờ và ngạc nhiên khi nghe Thầy mình “nói như không nói, trả lời như không trả lời”, vì các ông biết, và tất nhiên Đức Giêsu thừa biết : sức các ông làm sao có thể lo ăn cho “đám người rất đông” như thế (Mc 6,34), khi “ở đây hoang vắng và bấy giờ đã khá muộn” (Mc 6,35).
Các Tông Đồ còn bỡ ngỡ, ngạc nhiên hơn khi Ngài hỏi : “Anh em có mấy chiếc bánh ?” (Mc 6,38), mặc dù các ông đã trình bầy với Ngài : lo cho đám đông ăn lúc này và ở đây là việc làm bất khả thi, vì ngay cả có hai trăm quan tiền, mà thực tế các Tông Đồ không có (x. Mc 6,37), cũng không mua đủ bánh nuôi ăn cả đám đông.
Và khi thấy Đức Giêsu “cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho các ông để các ông dọn ra cho dân chúng” (Mc 6,41), các Tông Đồ lại thêm một phen bất ngờ, kinh ngạc, và lần này thì không còn dám tin vào mắt mình nữa.
Không dám tin vào mắt mình, vì bánh càng bẻ ra càng tăng thêm, cá càng chia ra càng vô số “sinh sôi nẩy nở”. Không dám tin vào mắt mình, vì sự thật lạ lùng đang diễn ra trước mắt : chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá, “mà ai nấy đều ăn và được no nê” (Mc 6,42), chưa kể sau đó thu lại “những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư” (Mc 6,43).
Thực vậy, cũng như các Tông Đồ, đời của nhà truyền giáo là đời của người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ bỡ ngỡ này sang bỡ ngỡ nọ, từ ngạc nhiên này qua ngạc nhiên kia, bởi chân tính của người môn đệ Đức Giêsu là được kêu gọi, và sai đến một địa chỉ hoàn toàn không biết trước như Ápraham khi được gọi “đã rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha, mà đi tới đất” Thiên Chúa sẽ chỉ cho ông (St 12,1). Sẽ chỉ, chứ chưa chỉ, nên ông vẫn không biết  điều gì, việc gì sẽ xẩy đến trên hành trình được sai đi.
Không biết nơi sẽ đến, nhà truyền giáo cũng không biết trước những con người mình sẽ gặp, như Môsê có bao giờ nghĩ đến chuyện gặp Pharaô uy quyền của một đế quốc Ai Cập hùng mạnh. Và ông đã “bật ngửa” sững sờ, và hốt hoảng thưa với Thiên Chúa : “Con là ai mà dám đến với Pharaô… ?” (Xh 3,11), khi Ngài sai ông đi.
Không biết nơi sẽ đến, người sẽ gặp, nhà truyền giáo còn không được biết sẽ làm việc gì, sẽ thực hiện công trình nào, sẽ phụ trách kế hoạch, lãnh vực nào, nhưng chỉ biết : Thiên Chúa sẽ nói phải đi đâu, sẽ cho biết phải làm gì, gặp ai khi giờ Ngài đến, như những gia nhân ở tiệc cưới Cana đã chỉ biết làm những gì Đức Giêsu bảo, như lời căn dặn của Thân Mẫu Ngài (x. Ga 2,5).
Qủa thực, trong trình thuật “phép lạ bánh hoá nhiều”, các tông đồ ngay từ đầu đã ý thức : chỉ một mình Đức Giêsu mới có thể nuôi cả đám đông, vì Ngài được quyền năng Thiên Chúa bao phủ, nên lời nói, cũng như hành động của Ngài đều làm nên những việc lạ lùng, kỳ diệu. Đồng thời các ông hiểu rằng : tự các ông không làm được gì để cho đám đông gồm “năm ngàn người đàn ông, chưa kể đàn bà và trẻ em ăn no nê” (x. Mc 6,44), bởi các ông hoàn toàn bất lực trước đòi hỏi của Thầy : “Anh em hãy cho họ ăn đi !” (Mc 6,37).
Vì thế, chỉ còn giải pháp nhân loại có thể đề ra là xin Đức Giêsu giải tán đám đông, “cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn” (Mc 6,36).
Phải chờ đến khi Đức Giêsu “cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá”, mà các tông đồ đã đem đến cho Ngài, và làm phép lạ cho bánh và cá hoá ra nhiều, thì các ông mới hiểu điều Đức Giêsu muốn dậy các ông : 
Đức Giêsu muốn dậy các tông đồ và tất cả các nhà truyền giáo, cũng như những ai đi theo Ngài : Thiên Chúa không hoạt động một mình, nhưng hoạt động với con người để cứu độ con người ; không làm việc một mình, nhưng làm việc với con người để đem hạnh phúc và sự sống cho con người ; không độc quyền giải quyết vấn đề của con người, nhưng đòi con người cộng tác, đóng góp, dù phần đóng góp ấy bé nhỏ, và khả năng cộng tác ấy không đáng kể dưới mắt con người, bởi đối với Thiên Chúa, không đóng góp nào của con người là vô ích, không thiện chí nào của con người bị coi thường, không cộng tác nào của con người bị đánh giá không cần thiết, vô giá trị.
Cũng thế, con người  không thể một mình giải quyết, một mình xử lý, một mình bao sân, độc diễn, nhưng cần có sự trợ giúp của Thiên Chúa, cần có bàn tay can thiệp của Thiên Chúa, cần có hoạt động yêu thương, quảng đại của Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã làm cho “năm chiếc bánh và hai con cá” ít oi, bé nhỏ, “chẳng thấm thía vào đâu” của các tông đồ mang đến hóa thành những thúng bánh đầy, những mẹt cá ngon nuôi hàng ngàn người ăn no nê.
Đức Giêsu còn dậy các tông đồ và nhà truyền giáo ý thức sứ mệnh căn bản của mình là “nhận lãnh hồng ân từ Thiên Chúa để hào sảng ban phát cho mọi người”.
Hình ảnh các tông đồ, theo lệnh của Đức Giêsu “bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh” (Mc 6,39), và dọn bánh, cá ra cho dân chúng ăn (x. Mc 6,41) đã nói lên sứ mệnh của các tông đồ và nhà truyền giáo là  lãnh nhận nhiều từ Thiên Chúa để qủang đại ban phát cho mọi người được no thỏa, phủ phê ơn sủng.
Tóm lại, để truyền giáo hữu hiệu và để tâm hồn luôn được thanh thản, bình an, nhà truyền giáo cần ý thức sứ vụ “nhận lãnh ơn sủng từ Thiên Chúa, để ban phát cho mọi người”. Ơn sủng ấy nhà truyền giáo không tự mình làm ra được, nhưng Thiên Chúa lại cần phần đóng góp tuy bé nhỏ, nhưng không thể thiếu của nhà truyền giáo để làm nên đại dương ơn phúc, và người kín múc ơn phúc từ đại dương tình yêu ấy để ban phát cho mọi người chính là nhà truyền giáo được Thiên Chúa chọn và sai đi.      
Vâng, càng ý thức phận hèn mọn và hồng ân Thiên Chúa ban, nhà truyền giáo càng xác tín : Thiên Chúa cần sự yếu đuối của người được chọn để làm nên những việc cao cả, phi thường, như đã lấy bụi tro tầm thường mà tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài. Một khi ý thức điều này, nhà truyền giáo sẽ nhủ mình phải khiêm tốn và qủang đại ban phát tất cả những gì nhận được từ Thiên Chúa cho mọi người, vì sứ mệnh của các vị là “nhận lãnh rất nhiều từ Thiên Chúa để quảng đại trao ban, hào sảng phân phát, và không giữ ơn sủng như của riêng mình.
Jorathe Nắng Tím

YÊU NHƯ HỌ LÀ

Càng yêu nhau, ta càng sợ mất nhau. Càng sợ mất nhau, ta càng đặt cho nhau nhiều lần câu hỏi: "Anh có yêu em không, Em có yêu anh không?" Sở dĩ cứ phải hỏi nhau hoài về chuyện có yêu, còn yêu nữa không là vì ta bị ám ảnh bởi những đổi thay. Những đổi thay nơi ta làm ta sợ ngươì ta yêu không yêu ta nữa, những đổi thay nơi người ta yêu có thể làm họ tự tách xa ta hay ta giảm bớt yêu họ. Đổi thay ở ta hay nơi họ cuối cùng đều gây cho ta một nỗi lo, một bâng khuâng, nghi ngại. 
Đức Kitô cũng giống ta, Ngài yêu các môn đệ rất nhiều. Riêng với Phêrô, Đức Kitô yêu ông đặc biệt. Ông là người được tín nhiệm và tuyển chọn thay mặt anh em, rồi thay chính Ngài sau này đứng đầu Hội Thánh. Thuơng Phêrô nhiều, Ngài vẫn hỏi ông: "Con có yêu Thầy không?" Câu hỏi đã làm nặng lòng Phêrô vì nhiều lần ông đã trả lời Ngài: "Lạy Thầy, Thầy biết, con yêu mến Thầy." (Ga 21,15-17).
Như con người, Đức Kitô cũng hay hỏi người Ngài yêu: Con có yêu Thầy không? Nhưng khác con người, câu hỏi ấy không đến từ tâm trạng nghi ngại, lo sợ người mình yêu thay lòng đổi dạ, nhưng do lòng tín nhiệm tuyệt đối của Ngài nơi người Ngài yêu.
Khi hỏi Phêrô có yêu mình không, Đức Kitô biết Phêrô đã chối mình, phản bội mình. Biết rất rõ những bẽ bàng đã xẩy ra, nhưng Đức Kitô vẫn một lòng yêu Phêrô và tiếp tục tín nhiệm trao trọng trách cho ông. Ngài không thay măt đổi lòng khi Phêrô thay lòng đổi mặt. Ngài không ăn miếng trả miếng, không hậm hực, miả mai xa gần, bóng gió. Nhìn vào tình Ngài dành cho Phêrô, ta không tìm ra một khoảnh khắc suy thoái, xuống cấp; trái lại, xem ra Phêrô càng yếu đuối, tình Ngài cho ông càng mặn nồng, dào dạt.
Hỏi Phêrô có yêu mình nhiều không, Đức Kitô giúp ông nhận ra hơn tình Ngài thương ông mỗi lần ông trả lời Ngài. Trả lời yêu Ngài là nhận rõ hơn tình trạng đáng thương của mình, đồng thời thâm tín hơn tình yêu Đức Kitô đang bao phủ, ôm ấp đòi mình.
Với ta, khi hỏi người yêu có yêu ta không, ta tìm ta hơn tìm người ta yêu. Ta tìm thêm tình yêu cho ta, củng cố thêm chỗ đứng của ta trong tim người ta yêu. Cũng có những phần trăm ta nghĩ cho người ta yêu, nhưng nhiều vẫn trăm vẫn nghiêng về phiá ta. Hỏi người yêu có yêu ta không là một đòi hỏi xác nhận tương quan. Nếu tương quan còn tốt, ta tiếp tục yêu hoặc yêu nhiều hơn; nhưng chẳng may, nếu tương quan không còn như ta muốn, như ta đợi chờ, thử hỏi, ta sẽ có thái độ nào? Thái độ có thể thấy trước là thái độ nghi vấn: ta nghi ngờ, tra vấn mọi người, mọi sự, mọi chuyện để tìm ra đâu là nguyên nhân đưa đến câu trả lời tiêu cực nơi người ta yêu. Tiếp đến là thái độ hằn học, trả thù. Hằn học vì mặc cảm bị "cho de.", hận thù vì khinh bỉ đối tượng. Hoạ hiếm lắm mới có thái độ "nhìn lại mình để biết mình." hầu chấn chỉnh, sửa chữa những sai lầm đang tàn phá tình yêu.
Nơi Đức Kitô, sở dĩ không có những thái độ trên, vì Ngài yêu ta như ta là, không yêu những gì ta có hay yêu ta như ta có. Những cái có là những cái trước đó đã không có và sau này có thể sẽ mất đi. Yêu nhau " như nhau có." khác xa "yêu nhau như nhau là.". Tình yêu thứ hai sẽ bền vững, vì tôi yêu anh bao lâu anh là anh và anh sẽ phải mãi mãi là anh, không chỉ trong cuộc đời này mà ngay cả sau khi anh nằm xuống.Yêu anh như vậy, tôi sẽ không lo lắng, băn khoăn gì vì tình ấy luôn có lý do để tồn tại bao lâu anh còn tồn tại. Nó khác tình yêu thứ nhất đặt trên những gì anh có. Yêu anh vì anh có sự nghiệp, tôi sẽ hết yêu anh khi sự nghiệp khánh tận. Yêu anh vì anh giầu, đến khi anh nghèo, tôi sẽ hêt yêu anh. Yêu em vì em đẹp, nhưng về già, sắc đẹp tàn phai, tôi làm sao dám yêu em? Những cái "có." khi được chọn làm nền tảng của tình yêu sẽ giết chết tình yêu một ngày khi "có" biến thành "không". Thảm cảnh của tình yêu là đe doạ dài dài này, đe doạ mất nhau khi những cái "có" của nhau mất đi. Nó làm xáo động, nao núng nhiều trái tim, làm mệt mỏi nhiều nghị lực vì không có gì đảm bảo cho những cái "có" sẽ có mãi.
Yêu ai như họ là chính là chấp nhận không do dự, không sợ sệt toàn thể con người họ. Con người ấy có thể là một con người hoàn hảo, tốt đẹp, nhưng cũng có thể là một con người khiếm khuyết, nhiều bất toàn. Tình yêu thật không màng chi đến nhưng "sở hữu", nhưng đặt tất cả trên giá trị con ngươi ấy như "nguời ấy là".
Yêu Phêrô, Đức Kitô không tìm những cái có của con người hay một con người nhiều cái có: có tài năng, có ảnh hưởng, có đức tính, có sự nghiệp; nhưng tìm chính con người ấy. Phêrô không có nhiều, nhưng Phêrô là Phêrô, một Phêrô không thể thay thế, khấu trừ. Tình yêu Đức Kitô dành cho ông là tình yêu gắn trên ông, trên đời ông, trên con người ông, không hơn không kém, và chỉ có thế và mãi như thế. Tình ấy không đổi dời, vì Phêrô mãi mãi là Phêrô.Tình ấy không thay biến vì nền tảng và lý do có mặt của nó chính là Phêrô như Phêrô là.
Chính vì thế, khi hỏi Phêrô về tình yêu ông dành cho Ngài, Đức Kitô tự xác nhận tình Ngài mãi thủy chung cho ông hơn là đợi ông minh định tình ông cho Ngài.Với Ngài, Phêrô luôn được yêu, dù Phêrô có chối bỏ không yêu Ngài.Bởi chối bỏ Ngài hay không, Phêrô vẫn là Phêrô và Ngài chỉ biết yêu đến cùng Phêrô ấy. Sự có mặt của Phêrô trong đời Ngài là sự có mặt trong thời gian tuyệt đối, không chia thành từng quãng hay từng phần, để rồi có phần trước phần sau, có yêu và có không yêu. Đức Kitô đặt tình cuả Ngài trên chính con người Ngài yêu, không trên bất cứ giá trị, đơn vị ngoại tại nào, vì trong và trên chính con người ấy đã sẵn có tất cả những "đáng yêu, đáng qúy": hình ảnh sống động của Thiên Chúa." Chính hình ảnh sống động của Thiên Chúa trong mỗi người mà mỗi người trở nên đáng yêu mãi mãi. Không chỉ đáng yêu, dễ yêu khi "yêu vô", nhưng đáng yêu, dễ yêu cả những khi "yêu không vô" tý nào.
Cái tình đáng yêu ngàn đời và mãi mãi ấy phải được đóng trụ trên "hình ảnh Thiên Chúa tuyệt đối" này, Thiên Chúa tuyệt đối trong thời gian và trong tất cả. nhờ vậy, ta mới có thể chấp nhận yêu người khác như họ là, không như họ có; vì tin rằng trước hết và muôn thưở, Thiên Chúa đã cho họ chính hình ảnh tuyệt đối đáng yêu của Ngài.
Xác tín và lao mình vào tình yêu của Đức Kitô, ta sẽ an bình, nhẫn nại hơn khi yêu.An bình chia sẻ và nhẫn nại chịu đựng. Đức Kitô đã không nôn nóng, bức xúc, khó chịu klhi biết trước Phêrô sẽ chối mình vì Ngài thương ông như ông là. Ngài cũng không xôn xao, hốt hoảng, la ó, trừng phạt Phêrô bởi tin vào hình ảnh "sống động, có sức phục sinh" của thiên Chúa trong ông. Tin tưởng vào hình ảnh "sáng tạo và cứu rỗi." trong mỗi người là yêu thương họ thật, thương họ trong tận cùng trạng huống "người" của họ, thương tận gốc rễ người của họ, thương trọn vẹn con người họ.Tình yêu thương ấy không thể có nếu không được tình yêu siêu nhiên nâng đỡ. Lý do rất dễ hiểu là nó không còn đặt trên hững gì "có" nơi đối tượng, nhưng trên chính đối tượng như đối tượng "là". Nó đã "chạm." đến hữu thể như một thực thể tuyệt đối.
Sáng mai, thế nào bạn cũng phải ghé thăm người yêu. Với tâm tình của Đức Kitô và qua ánh mắt của Ngài, bạn thử tập chiêm ngưỡng người mình yêu như đang chiêm ngắm hình ảnh tuyệt vời của Thiên Chúa, cha bạn. Sau một vài lần tập yêu như Đức Kitô, bạn sẽ thấy tình của bạn an bình, mặn nồng hơn và người bạn yêu sẽ ngàn lần dễ thương hơn.

TÌNH YÊU KHÔNG ĐIỀU KIỆN


Ta khó có thể yêu một người nếu biết chắc người ấy sẽ không bao giờ đáp trả tình ta. Yêu ai là muốn được người ấy yêu lại; bởi tình yêu đòi như thế và như thế mới gọi là yêu nhau.
Tình của con người dừng chân ở bến bờ này. Nó khó có thể đi xa hơn về chân trời vô vị lợi, không điều kiện. Môi trường sống với những điều kiện, con người sống với những điều kiện đã điều kiện hóa tình yêu. Yêu ai, ta không thể tránh chờ mong một điều gì đó nơi họ. “Điều gì đó” có thể hiểu ngay, thấy liền, nhưng cũng có thể còn ẩn sâu, dấu kín.
Hiểu tình yêu là một cho đi và nhận lại, ta chấp nhận tính tương đối của tình yêu trong ta. Cái tương đối này khép chặt đời ta, bởi tính tương đối của không gian, thời gian, trong đó kiếp người có mặt. Nhưng tình yêu có một năng lực tiềm tàng, mầu nhiệm, gắn với thế giới siêu nhiên, thế giới mà tình yêu gọi là tuyệt đối. Nhờ thế, tình yêu không chỉ tương đối trong thế giới người với những điều kiện tương đối mà còn có thể vươn cao, vươn mãi đến Tuyệt Đối, Vô Cùng. Trong Tuyệt Đối, Vô Cùng này, tình yêu đã làm ngơ ngác thế giới tương đối vì những khó hiểu của nó.
Là tình yêu, Đức Kitô cũng trở nên khó hiểu với nhiều người và với chính ta khi Ngài đem tình yêu vượt khỏi hàng rào tương đối với những điều kiện này nọ. Lên tiếng biện luận cho một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu ngược đời là yêu thương kẻ thù, làm phúc, thi ân cho kẻ ghét bỏ, vu oan mình, chia sẻ cơm bánh cho người hành hạ mình, cầu xin phúc lành cho người giết hại mình, Đức Kitô đã không để tình yêu ẩn núp mãi trong túp lều hạnh phúc, bình thường của nó mà bắt tình yêu phải ra khỏi “tổ ấm” để mang hơi ấm đến những tổ còn hoang vắng, quạnh hiu khác.
Công việc này đòi một từ bỏ anh hùng: bỏ tổ ấm an bình. Rời bỏ tổ ấm an toàn là mất đi tất cả điều kiện cần thiết để tình yêu được bảo đảm. Ra khỏi nhà trong đêm là một liều lĩnh, nhiều nguy hiểm. Rời hạnh phúc đang có là đối diện với bất hạnh. Thế mà tình yêu bỗng chốc phải nhổ rễ, bỏ lều mà ra đi trong đêm, về một chân trời, một địa chỉ không muốn đến, không muốn tìm là kẻ thù.
Kẻ thù là kẻ ta tránh, tránh ta. Tránh vì không yêu, không cần, không đội trời chung. Ấy thế mà Đức Kitô lại muốn và mời gọi những ai muốn theo Ngài, muốn yêu như Ngài, phải học yêu kẻ thù, ở với kẻ thù, gặp gỡ kẻ thù. Cái lý luận của Ngài là: "Nếu các con yêu những người yêu các con, điều đó chẳng có gì lạ; bởi những người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu các con làm phúc, thi ân cho những người giúp đỡ các con, điều này cũng chẳng lạ, vì ai cũng làm được. Ngay việc cho người khác vay mượn, vì biết rằng họ sẽ hoàn trả; việc đó kẻ tội lỗi cũng thường làm” (Lc 6,32-34). Và Ngài nhấn mạnh: “Phần các con hãy yêu kẻ thù, làm ơn cho họ, cho họ vay mượn mà không cần hoàn trả” (Lc 6,35).
Đức Kitô đã đặt phần đầu lý luận của mình trên sự khác biệt giữa người tội lỗi và những người muốn theo Ngài, thuộc về Ngài. Nhấn mạnh sự khác biệt này, xem ra Đức Kitô muốn xác quyết đây chính là dấu chỉ duy nhất cho phép người ta phân biệt ai là người thuộc về Ngài. Dấu chỉ ấy quá đặc biệt vì đòi hỏi quyết liệt một từ bỏ, một dấn thân, một tình yêu lớn. Dấu chỉ ấy không ngập ngừng chờ “đánh lận con đen”, chờ tráo bài; nhưng rõ ràng, phân minh, dứt khoát. Sự phân biệt ở đây là sự phân biệt chính xác, rành mạch, công khai. Không ai nghe mà không hiểu, không ai nghe mà hiểu lầm, hiểu sai. Từng chi tiết, từng luận lý cho từng đòi hỏi, Đức Kitô đã đặt ta trước một chọn lựa duy nhất: Yêu cả kẻ thù nếu muốn theo Ngài.
Tuy thế, Đức Kitô vẫn tôn trọng những tương đối của con người. Ngài không nhấc bổng ta ra khỏi thế giới người với những điều kiện của nó. Ngài biết khi yêu, ta phải đợi chờ một điều gì, nuôi một hy vọng nào đó. Hiểu được những thắc mắc rất người của ta, Đức Kitô trấn an “tình yêu kẻ thù” của ta bằng đứng ra đảm bảo phần mà kẻ thù không làm được cho ta, không trả được cho ta. Nhận trả cho ta phần mà kẻ thù phải trả, Đức Kitô xác quyết rằng từ nay “con nợ tình yêu” của ta chính là Thiên Chúa. Chính Ngài sẽ trả cho ta bội hậu những gì ta đã làm cho những người không yêu, không giúp, không chia sẻ với ta (Lc 6,35).
Có Thiên Chúa là con nợ, ta nắm chắc không bị lừa, bị quỵt bởi Thiên Chúa không lừa dối ai vì Ngài là Sự Thật. Không những trấn an những việc làm của tình yêu ta, Đức Kitô còn nhân loại hơn khi khích lệ những cố gắng yêu thương vô vị lợi của ta bằng cho ta thấy trước Thiên Chúa sẽ nhiều lần quảng đại hơn lòng ta, và Ngài sẽ ban lại cho ta trăm phần hơn những gì ta đã cho đi. Những thúng, những hũ, những gánh tình yêu mà ta đã dành cho tha nhân, nhất là khi ta cho những kẻ ghét ta, sẽ được đong lại trĩu nặng, tràn đầy, chan chứa từ tay Thiên Chúa toàn năng (Lc 6,38).
Đến đây ta hiểu rằng, tình ta cho kẻ thù, ơn phúc ta làm cho kẻ thù, không là công cốc, vô ích; nhưng đặt ta trở thành chủ nợ tình yêu của Thiên Chúa và Ngài là con nợ của ta. Nhận làm con nợ của ta, Thiên Chúa muốn trở thành con người, không chỉ là những người đáng yêu, đáng trọng; mà còn là cả những người dễ ghét, đáng khinh, những kẻ thù của ta; chỉ vì yêu thương họ. Trả nợ thay ai, bán thân cứu ai là vì yêu họ nhiều, yêu nồng nàn, tha thiết. Yêu cả kẻ thù ta, Thiên Chúa trả cho ta tất cả những gì họ không thể trả vì hận thù còn trong họ. Yêu họ như yêu ta, Ngài chấp nhận trở thành con nợ của cả hai: ta và kẻ thù ta. Con nợ Thiên Chúa Tình Yêu ấy đã là nhịp cầu giao hoà, con chiên gánh tội, lễ vật hy sinh cho mùa xuân mới được nở rộ trong ta, trong kẻ thù ta. Và như thế, ta sẽ không còn lý do để tiếp tục oán ghét kẻ thù và kẻ thù cũng phải chấm dứt khiêu khích, chống đối ta khi nhận ra có Đức Kitô hiện diện.
Tình của Đức Kitô nhiệm lạ ở chỗ nó biến kẻ thù thành người thương, biến đối phương thành bè bạn. Giơ má cho kẻ thù vả, cởi áo cho kẻ thù tức là buông vũ khí đầu hàng, xuôi tay thua cuộc, ô nhục rút lui. Nhưng rút lui, đầu hàng, thua cuộc vì yêu họ, vì hạnh phúc của họ, lại chính là chiến thắng, thành công vì đã khai sinh một Tình Yêu mới trong một tâm hồn mới, một cuộc đời mới.
Nhìn lại tình ta, sao còn tương đối quá. Nó chưa chịu vươn cao, chưa khắc khoải với tình Tuyệt Đối. Nó vẫn còn biên cương, ranh giới, vẫn còn bị bao quanh bởi pháo đài kiên cố. Người khác vẫn còn “khác”; kẻ thù vẫn oán thù. Ta nhắm mắt để không thấy Đức Kitô đã thương ta như thương người khác, yêu ta cũng như yêu kẻ thù ta. Ta giả vờ điên để khỏi nặng lòng, khó nghĩ khi Đức Kitô gánh lấy món nợ của kẻ thù, đứng ra bảo lãnh cho kẻ thù, với hy vọng được thấy ta tha thứ và giao hòa với họ.
Lạy Đức Kitô, con cố yêu như Chúa dù tim con rướm máu khi phải yêu kẻ thù, thương người vu oan, làm phúc cho kẻ ghét con. Chúa biết tình con tương đối và cửa lòng con chật hẹp, xin ban cho con tình yêu của Chúa để trái tim con không vô tâm khép kín, viện cớ không còn giờ, còn chỗ trước những đòi hỏi cấp bách của người khác quanh con, trong số họ, không ít đã được con điểm mặt, điểm danh là “kẻ thù” của mình để rồi mất hẳn khả năng "cho không biếu không", một thứ khả năng chỉ có trong tình yêu ở độ đam mê thần thánh. Không còn khả năng "cho".