Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

CHÚNG TÔI CHỈ KỂ LẠI

Sách Công Vụ các Tông Đồ là hoạt động truyền giáo của các thánh tông đồ sau khi Đức Giêsu sống lại và về trời. Thực ra hoạt động truyền giáo này không ra ngoài việc kể lại những gì các vị đã thấy, đã nghe khi ở với Đức Giêsu, từ lúc đi theo Ngài cho đến khi Ngài sống lại, và sai các vị đi loan báo Tin Mừng. Trong khi kể lại những gì đã thấy, đã nghe ở Đức Giêsu, các vị không quên nói cho mọi người biết những trải nghiệm của riêng mình để làm chứng với niềm xác tín : Chúng tôi đã gặp gỡ Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ muôn dân.
     Trước hết, như giao điểm giữa Cựu Ước và Tân Ước, ở vị thế con gái Sionmẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã là người chứng thứ nhất bằng kể lại :
     Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh, chí tôn… Đời nọ đến đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người (Lc 1,49).
     Mẹ kể lại ơn hồng phúc lạ của lòng thương xót Thiên Chúa luôn tuôn đổ trong lịch sử của nhân loại từ đời nọ đến đời kia, nghiã là không lúc nào Thiên Chúa không yêu thương và rời mắt chăm sóc con cái mình.
     Kể lại kỳ công cao vời của tình yêu là tâm tình yêu mến, biết ơn sâu đậm và cao qúy nhất của người được yêu ; nói cho người khác biết những việc làm cao cả của người yêu thực hiện cho mình là hành động đáng yêu nhất của người được yêu, và Đức Maria đã làm công việc kể lại rất đáng yêu của người rất được yêu này.
      Nhưng Đức Maria đã không dừng lại ở những điều cao cả Thiên Chúa làm cho Mẹ và nhân loại, mà còn kể cho mọi người : Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới (Lc 1,48), bởi đó là sự thật cũng đáng yêu, đáng qúy như sự thật Thiên Chúa là Đấng chí thánh, chí tôn.
     Đức Maria đã kể lại chính đời sống của Mẹ : đời nữ tỳ hèn mọn được sống trong tình yêu chăm sóc, che chở của Thiên Chúa toàn năng. Hai sự thật gặp gỡ trong một con người : thân phận tội lụy, yếu đuối cần được thương xót, và Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ giầu lòng xót thương hằng thương xót những ai kính sợ Người (Lc 1,49).  
     Như thế, việc truyền giáo, tức loan báo Đức Giêsu cho thế giới phải được rặp theo khuôn mẫu kể lại của Đức Maria, người Kitô hữu đầu tiên, nhà truyền giáo đầu tiên, người làm chứng đầu tiên rất tuyệt vời, và đẹp lòng Thiên Chúa. Khuôn mẫu ấy gồm:
1.     Kể lại việc Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả :
  Bởi phải kể lại những việc cao cả, kỳ diệu Thiên Chúa làm cho mình, cho gia đình, cho bạn hữu xa gần, cũng như cho Giáo Hội, quê hương, thế giới, chúng ta mới nhớ lại, để chân nhận và xác tín cùng với mọi người : Thiên Chúa thật chí thánh, chí tôn ! (Lc 1,49).
     Thiên Chúa chí thánh, chí tôn, hằng thương xót những ai kính sợ Ngài là mục tiêu của truyền giáo, chủ đích của việc loan báo Tin Mừng, nên việc phải làm đầu tiên của người làm chứng chính là kể lại kỳ công do tay Thiên Chúa làm nên, và những điều cao cả, lạ lùng Ngài đã thực hiện vì lòng thương xót.
2.     Kể lại tình trạng bất toàn, chênh vênh, mong manh, yếu đuối, thấp hèn của mình :
  Công việc thứ hai có mục đích làm nổi chủ đích vinh danh Chúa là nói lên thân phận thực của mình, kể lại sự thật đời mình, sự thật hầu như luôn đối nghịch với sự thánh thiện, toàn năng của Thiên Chúa.
    Đức Maria, tuy là người đầy ơn phúc, tràn ngập ân sủng cũng không dám nhận mình là người thánh thiện, mà chỉ dám kể lại cho bà chị họ Êlisabét và hết mọi đời phận nữ tỳ hèn mọn của mình. Sở dĩ nhận mình là phận nữ tỳ hèn mọn, vì Mẹ biết mình luôn đáng thương, và cần được Thiên Chúa xót thương.
    Qủa thực, kể cho mọi người nghe biết mình là người luôn cần lòng thương xót của Thiên Chúa là việc làm không kém quan trọng trong sứ mệnh được sai đi loan báo Tin Mừng, bởi có nhận mình là phận hèn mọn, ta mới cần được thương xót ; có cần được thương xót, ta mới cần đến Đấng chí thánh, chí tôn… hằng thương xót … (Lc 1, 49-50), và khi được Thiên Chúa thương xót, linh hồn ta mới có thể ngợi khen Thiên Chúa,  và thần trí hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ như  Đức Maria (x. Lc 1,46). 
    Tiến trình khởi sự từ nhận thức mình là người yếu đuối  đến niềm vui trong Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ phải đi qua trải nghiệm của ơn sủng lòng thương xót, vì nếu chỉ biết mình tội lỗi, mà không cảm nghiệm ơn thứ tha, hoà giải từ lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta không thể cảm được niềm vui được tha thứ, và hạnh phúc của người con hoang đàng ngày trở về trong vòng tay yêu thương của cha. Cũng vậy nếu chỉ kể về Thiên Chúa toàn năng, chí tôn, chí thánh, mà bỏ qua tình trạng bi thương, đáng thương của mình và phép lạ của lòng thương xót Chúa thì không ai có thể xác tín và tuyên xưng : Chính Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ tôi.
3.     Kể lại niềm vui, hạnh phúc khi được Thiên Chúa thương xót :   
     Đức Maria đã không ngần ngại bộc lộ niềm vui làm phấn khởi, rạo rực cả tâm hồn Mẹ khi kể lại những điều cao cả Thiên Chúa đã thực hiện, nhất là đã không e dè khi nói về hạnh phúc được Thiên Chúa đoái thương nhìn tới : Vâng, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc (Lc 1,48).
     Đây là niềm vui chính đáng của tội nhân được xóa hết tội ; hạnh phúc đích thực của người tôi tớ hèn mọn được Thiên Chúa nhìn tới và xót thương ; bình an của kẻ cơ cùng, yếu đuối được Thiên Chúa là Đấng toàn năng, chí thánh, chí tôn bênh đỡ, hộ phù. Họ là những người mang cả trời xuân tạo dựng, là tạo vật tuyệt vời hạnh phúc trong tình yêu của Đấng chủ tạo, là chú chiên bé bỏng, ngơ ngác lạc đàn được chủ chăn nhân lành bồng ẵm trên vai.
    Đây cũng là kinh nghiệm của người đã gặp gỡ, sống với và chia sẻ với  Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người họ đang kể về Ngài cho người khác. Thiếu những kinh nghiệm thiêng liêng sống động, mà niềm vui được Thiên Chúa yêu thương, cứu chữa là cảm nghiệm đặc trưng nơi những người nhận được lòng thương xót, người ta sẽ không làm chứng về Thiên Chúa cách hữu hiệu và thuyết phục. Trái lại, với lời kể đơn sơ, chân thực xuất phát từ tâm hồn, và niềm xác tín nhờ kinh nghiệm sống của bản thân mà người nghe sẽ dễ dàng đồng cảm và đón nhận Tin Mừng.
     Tóm lại, Đức Maria đã loan báo Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa bằng kể lại việc cao cả Chúa làm, kể lại thân phận nữ tỳ mọn hèn của mình và kể lại niềm vui được Thiên Chúa yêu thương đoái nhìn tới.
     Noi gương truyền giáo của Đức Mẹ, các tông đồ cũng không làm gì khác hơn là làm chứng Đức Giêsu bằng kể lại những gì đã thấy, đã nghe, đã cảm nghiệm nơi Đức Giêsu, như chính Đức Giêsu đã nói với hai môn đệ của Gioan tẩy giả khi được sai đến gặp và hỏi Ngài : Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ? (Lc 7,19). Đức Giêsu đã trả lời họ : Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy, tai nghe : người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng (Lc 7, 22).
    Trên hành trình truyền giáo được sách Công Vụ các Tông Đồ thuật lại, tông đồ trưởng Phêrô, cũng như các tông đồ khác trong khi làm chứng bằng kể lại cuộc đời Đức Giêsu cho đám đông (Cv 2,22-36) đã làm cho nhiều người đón nhận lời ông, và chịu phép rửa (Cv 2,41).   
       Tuy thế, các tông đồ, trong khi làm chứng bằng kể lại những gì đã thấy, đã nghe ở Đức Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lià bỏ chúng ta và được rước lên trời (Cv 1, 21-22) đều ý thức hai điều quan trọng, đó là:
a.     Người làm chứng luôn có ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần :
   Như Thượng Hội Đồng Do Thái đã làm chứng khi nghe hai ông Phêrô và Gioan kể về Đức Giêsu trước mặt họ :
Họ ngạc nhiên khi thấy ông Phêrô và Gioan mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghiã, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giêsu (Cv 4,13).
Và cộng đoàn tín hữu đầu tiên cũng khẳng định điều này : Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các tông đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho các ông dồi dào ân sủng (Cv 4,33).
b.     Thiên Chúa là Đấng sẽ làm chứng cho chứng nhân :
   Trong Tin Mừng Gioan, chính Đức Giêsu đã xác quyết trước những người Pharisêu: Tôi làm chứng cho chính mình, và Chúa Cha là Đấng đã sai tôi cũng làm chứng cho tôi (Ga 8,18). Vì thế, người được Đức Giêsu sai đi làm chứng về Ngài cũng sẽ được Thiên Chúa làm chứng cho họ.

       Vâng, Đức Giêsu đã sống lại, và tảng đá đóng kín cửa mồ đã bị bật tung, mở ra cho tất cả những ai muốn đi theo Ngài con đường loan báo Tin Mừng trước mặt. Từ nay, tảng đá kếch sù, đen đúa, nặng nề, ám khí tử thần ấy không còn quyền lực ngăn cấm, đe dọa, khống chế, áp đảo, và làm sợ nữa, bằng chứng là Maria Mácđala đã không còn sợ và thôi khóc, nhưng chạy đi báo các môn đệ : Tôi đã thấy Chúa, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà (Ga 20,18), khi thấy tảng đá đã lăn khỏi mồ (Ga 20,1), và thấy Đức Giêsu đứng đó (Ga 20,14).
    Trên con đường loan báo Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận ra anh mù từ thưở mới sinh được Đức Giêsu cho sáng mắt đang kể lại việc kỳ diệu Đức Giêsu đã làm cho anh và qủa quyết trước các người Pharisêu và đám đông : Người tên là Giêsu đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo : Anh hãy đến hồ Siloác mà rửa. Tôi đã đi, đã rửa và tôi đã nhìn thấy (Ga 9,11).
   Trên con đường loan báo Đức Giêsu cho thế giới hôm nay, chúng ta gặp lại người bệnh đã ba mươi tám năm được Đức Giêsu chữa trong ngày Sabát. Anh đang kể lại phép lạ  vừa nhận được : Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi : Anh hãy vác chõng mà đi ! (Ga 5,11).
    Trên con đường loan báo Đức Giêsu sống lại, chúng ta thấy người phụ nữ Samari đang kể cho bà con lối xóm những gì chị đã thấy và nghe ở Đức Giêsu, người đã xin chị chút nước uống (Ga 4,7). Họ đã tin vào lời chị kể, và  sau khi được gặp Ngài, cả dân làng đã nói với chị :  Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Qủa thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian (Ga 4,42). 
      Vâng, trên con đường loan báo Tin Mừng trước mặt, chúng ta được mời gọi noi gương Đức Mẹ, các tông đồ, và mọi người được Thiên Chúa tỏ lòng từ bi, nhân hậu kể lại kỳ công Chúa đã làm cho chúng ta, và bộc lộ niềm vui của thân phận yếu đuối, tội lụy khi được Thiên Chúa  xót thương, đoái nhìn.  
        Vấn đề là chúng ta có nhận ra ơn Chúa, và những điều cao cả, kỳ diệu Ngài làm cho chúng ta hay không, như tâm tình nhắc nhở của Đức Giêsu gửi trao mỗi người chúng ta khi nói với người đàn bà Samari : Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị : Cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống (Ga 4,10).     
 Jorathe Nắng Tím

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

CHÚA NHẬT LÒNG THƯƠNG XÓT

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

Tin Mừng CHÚA NHẬT LÒNG THƯƠNG XÓT kể lại biến cố Đức Giêsu hiện ra với các tông đồ sau khi sống lại, với lời chúc “Bình an cho anh em !”. Và đoạn Tin Mừng từ câu 19 đến 29 chương 20, Gioan đã nhắc đến 3 lần lời chúc bình an này.
Khi chọn đoạn Tin Mừng với lời chúc bình an cho CHÚA NHẬT LÒNG THƯƠNG XÓT, Giáo Hội muốn làm nổi bật bình an của Đức Giêsu Phục Sinh như hoa trái tuyệt vời thơm ngon của Lòng Thương Xót.
1.   Chỉ LÒNG THƯƠNG XÓT mới phát sinh ơn bình an :
Đức Giêsu đã không ban bình an của Ngài trước khi sống lại, và chỉ sau khi sống lại, Ngài mới ban bình an cho hết mọi người được gặp Ngài. Điều này làm chứng rằng ơn bình an chính là kết quả của Lòng Thương Xót đã được thực hiện qua cuộc tử nạn của Ngài. Nói cách khác, lòng thương xót phát sinh ơn bình an, nên ở đâu có Lòng Thương Xót, ở đó có bình an.
2. LÒNG THƯƠNG XÓT là điều kiện của Bình an :
Khi cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn còn hoắm sâu dấu đinh và lưỡi đòng, cũng như bảo Tôma xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn, và cùng lúc nói với các ông : “Bình an cho anh em !” (Ga 20,20-21; 20,26-27), Đức Giêsu muốn dậy các ông chân lý : người môn đệ được sai đi sẽ chỉ có ơn bình an và ban được ơn bình an của Ngài cho người khác, khi các ông có Lòng Thương Xótvà sống Lòng Thương Xót như Thầy mình. Ở ngoài Lòng Thương Xót, hay bỏ quên Lòng Thương Xót, người môn đệ không làm chứng được Đức Giêsu, Thiên Chúa của Lòng Thương Xót, cũng không mang đến cho ai ơn bình an của Ngài, vì tâm hồn thiếu Lòng Thương Xót không nhận được Thánh Thần, là điều kiện tất yếu để được sai đi (Ga 20, 22).
Lòng Thương Xót như thế không chỉ là điều kiện để ban bình an của Đức Giêsu cho người khác, mà còn là đòi hỏi ở người muốn nhận ơn bình an của Ngài. Trái tim thương xót trở nên nhà của Thiên Chúa tình yêu, và nơi trú ngụ của Thiên Chúa, nguồn ơn sủng.
3.   Ơn bình an là bảo chứng của ơn gọi làm môn đệ Đức Giêsu :
Quà tặng của Đức Giêsu sống lại cho các môn đệ, cũng là hạnh phúc đích thực Thiên Chúa làm người ban cho con người chính là bình an của Ngài, bình an mà người đời không ban được. Vì thế, sứ vụ mà các môn đệ nhận được nơi Đức Giêsu khi được sai đi, chính là đem đến cho anh em đồng loại ở mọi nơi, mọi thời ơn bình an, là ơn sủng cao vời, lớn lao phát sinh từ cạnh sườn bị đâm thủng có máu và nước chảy ra của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân loại. 
Do đó, người môn đệ của Đức Giêsu sẽ tin tưởng lên đường, nếu tâm hồn người môn đệ ngập tràn ơn bình an, khi người môn đệ nằm lòng xác tín : bình an chỉ có được trong tâm hồn giầu Lòng Thương Xót.
Quả thực, Lòng Thương Xót là căn cớ, và động cơ của mầu nhiệm cứu độ. Vì xót thương mà Thiên Chúa làm người và cứu chuộc con người, nên ơn cứu độ là Bình An viên mãn của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ có nền tảng là Lòng Thương Xót và nguồn mạch là Lòng Thương Xót.
Xin cho chúng con biết tìm kiếm bình an cho anh em và cho chính mình ở Lòng Thương Xót, và với Lòng Thương Xót.
Ước gì trong Lòng Thương Xót của Đức Giêsu, Thiên Chúa của Lòng Thương Xót, và dung mạo đích thực của Chúa Cha giàu Lòng Thương Xót cho chúng ta được lớn lên mỗi ngày trong ơn Bình An và trở nên khí cụ đắc lực của Bình An giữa lòng thế giới hôm nay đang rực lửa hận thù. 
Jorathe Nắng Tím

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2019

CHIẾN TRANH TÔN GIÁO SẼ CÓ HAY KHÔNG ?


      Lại một lần nữa, dư luận thế giới cực lực lên án hành vi bạo lực sát nhân rất đáng ghê tởm và hèn nhát của một số người Hồi Giáo cuồng tín, qúa khích đã đánh bom vào thứ hai, 22 tháng Tư năm 2019 tại ba nhà thờ Công Giáo, một ngay tại thủ đô Colombo của Sri-Lanka và hai nhà thờ khác ở Dehiwala không xa thủ đô, tất cả đều đang tham dự thánh lễ Phục Sinh, mừng Chúa sống lại. Cùng chung số phận với ba nhà thờ Công Giáo là bốn khách sạn khác. Con số tử vong lên đến 310, và bị thương 500 người theo thống kê cuối cùng của cảnh sát Sri-Lanka sáng thứ Ba, 23 tháng Tư. Tổ chức thực hiện cùng lúc 8 vụ đánh bom khủng bố này là NTJ (National Thowheeth Jama‘ath), một tổ chức Hồi Giáo quốc gia qúa khích.

Tất nhiên cảnh tượng chết chóc đã vô cùng kinh hoàng, khủng khiếp khi hàng trăm tín hữu công giáo chết tại chỗ và gấp đôi số đó đang quằn qụai, rên rỉ, la hét vì đau đớn và hoảng loạn. Đô trưởng của Colombo đã thảng thốt nghẹn lời khi ông bước vào nhà thờ vừa bị đánh bom khủng bố : Thật là một biển máu !.

 Biển máu ấy đã có cùng nguyên nhân, cùng động lực, cùng nạn nhân, cùng phương tiện từ rất nhiều năm qua, và ngày càng nhiều và tang thương, khủng khiếp hơn. Chính vì mức độ leo thang đó mà người ta phải nghĩ đến một cuộc chiến tranh tôn giáo có thể xẩy ra cho thế giới.

Chiến tranh tôn giáo là điều không mới mẻ, bởi dọc lịch sử nhân loại, con người đã nhân danh thiên chúa, thần linh, tôn giáo của mình để dùng bạo lực đàn áp, tiêu diệt tín hữu của các tôn giáo khác, mà họ cho là tà đạo. Những thời tử đạo, những cuộc thánh chiến đẫm máu mang tầm vóc thế giới, những cuộc sát phạt người khác tôn giáo dưới nhiều hình thức và ở những cấp độ khác nhau, cũng như những chủ trương, đường lối hoặc công khai, hoặc bí mật kỳ thị, bài xích các tôn giáo không phải của mình là những trang sử buồn, và tiếp tục đến hôm nay, tuy cách thức có tinh vi, khéo léo hơn đang đem nhân loại  đến gần vực thẳm của chia rẽ, hận thù, tự diệt.

Tại sao hậu qủa tai hại như vậy ?

Thưa vì không có cuộc chiến nào, dù là cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ quốc gia, cuộc chiến dành độc lập, hay cuộc chiến ý thức hệ có thể thôi thúc khí thế con người lên nhanh, lên mạnh với tốc độ cực kỳ khủng khiếp tới đỉnh của cao trào đấu tranh khi dấn thân liều lĩnh, quyết tâm hy sinh, và  qủa cảm không  sợ chết  bằng cuộc chiến  bảo vệ và bành trướng tôn giáo, bởi cuộc chiến tôn giáo không giống các cuộc chiến khác khi có thiên chúa chứng thực, chỉ huy, có thần thánh bênh đỡ, có thượng đế khen thưởng, có thần quyền bảo kê công phúc mai hậu.

Trong cuộc chiến này, người  tín hữu  bất ngờ trở thành người chiến sĩ dũng cảm của tôn giáo, khi ôm bom khủng bố tín đồ tôn giáo khác ; người đi theo tôn giáo cho một niềm tin thuần khiết bỗng biến thành kẻ sát nhân không gớm tay, vì cuồng tín ; người theo đạo để được giác ngộ và giải thoát, nghiã là được thoát khỏi thị phi, đố kị và đạt đến trạng thái bình an đột nhiên biến dạng thành những tay đồ tể khát cả máu trẻ em vô tội, yếu đuối ; người có một tôn giáo dậy ăn ngày ở lành, thương tha nhân và làm phúc cho người bất hạnh, kém may mắn  bất ngờ thay mặt đổi lòng để tay cầm dao, cầm súng lao  vào tàn sát đám đông không cùng tôn giáo với mình.

Những con người bị bạo lực biến thái này chính là những tín đồ  mê muội về giáo lý của tôn giáo mình  đã khoán trắng đời mình trong tay những người lãnh đạo tôn giáo cuồng tín, qúa khích, đầy tham vọng bất chính, để điên cuồng khủng bố, tàn sát người vô tội, trong khi giáo lý chính thống của bất cứ tôn giáo nào đều dậy ăn ngay ở lành, bác ái, vị tha, từ tâm, nhân hậu, qủang đại chia sẻ, giúp đỡ  tha nhân. Những con người biến thái đáng sợ này đã là những tín hữu sốt mến sống niềm tin tôn giáo, hăng say với đạo lành, nay bị  lòng ganh ghét tôn giáo kích động đã buông bỏ con người tôn giáo của mình, để trở thành công cụ bạo lực của những chức sắc lòng đầy tham, sân, si và nuôi mộng thống trị, bá chủ  thế giới bằng xóa bỏ sự sống của những người không theo tôn giáo của mình.

Như thế, điểm yếu thứ nhất ở tín hữu, tín đồ, đó là không nắm vững giáo lý tôn giáo mình theo, nên niềm tin không có nền tảng vững chắc, để bất cứ ai, nhất là những người nắm giữ thần quyền không đủ đức độ trong tôn giáo đều có thể làm lung lạc niềm tin và lôi kéo vào những hành vi đi ngược điều giáo lý dậy, và Đấng sáng lập tôn giáo muốn.

Không có kiến thức về tôn giáo mình theo đồng nghiã với không có niềm tin đúng nghiã, bởi tôn giáo sẽ vô nghiã hoàn toàn, nếu cá nhân không có một tương quan , tâm hồn mỗi người không giao lưu, gặp gỡ với Đấng mình tôn thờ, yêu mến, bởi tin là tín thác với lòng yêu mến vào Đấng mình tôn thờ ; nói cách khác, không ai tin thay ai được, cũng như không ai có thể chết và chịu thưởng, phạt đời sau thay cho người khác, nên tôn giáo không thể và không bao giờ có thể loại bỏ niềm tin cá nhân của từng tín hữu,  lòng tín thác của mỗi tín đồ nơi Đấng mà họ tôn thờ trong tôn giáo đã chọn.

Do đó, tôn giáo nào, hay lãnh đạo tôn giáo nào chủ trương tich biên niềm tin cá nhân của tín hữu, hay xóa bỏ tương quan riêng tư của mỗi tín đồ với Đấng thiêng liêng chắc chắn không thể là một tôn giáo đích thực, và không xứng đáng là ngưòi lãnh đạo tôn giáo đáng tin.

Điểm yếu thứ hai là cuồng tín.
Chúng ta biết, niềm tin chân chính hoàn toàn khác cuồng tín, mặc dù hầu hết người cuồng tín trước đó đã là người có niềm tin. Niềm tin chân chính  ở bất cứ Đấng thiêng liêng nào cũng là một mời gọi đến với Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối, vì chính Đấng thiêng liêng ấy là Chân - Thiện - Mỹ tuyệt đối, nên điểm khác biệt căn bản giữa người có niềm tin chân chính và người cuồng tín là một bên luôn hướng tới và đi tìm sự thật, cũng như những gì tốt đẹp, trong khi bên kia chấp nhận gian dối và nghiêng ngả về những điều không tốt, không đẹp, mà điển hình nơi người cuồng tín là :

- Thái độ nghi kị, khinh bạc, diễu cợt Đấng sáng lập và giáo lý của các tôn giáo khác.

- Chủ trương độc quyền niềm tin, và đường lối bắt mọi người phải gia nhập tôn giáo của mình.

- Bành trướng lòng ganh ghét, tị hiềm, đố kị đối với những người không cùng tôn giáo.

- Thực hành  tiêu chí kỳ thị, tẩy chay, cô lập trong sinh hoạt đời sống bất cứ ai không cùng tôn giáo.

- Sẵn sàng sử dụng bất cứ thủ đọan, phương tiện nào, kể cả sát nhân, phá hoại, khủng bố để bảo vệ và làm nổi bật tôn giáo mình theo. 

Nhìn vào một số tính cách và hoạt động cuồng tín điển hình vừa kể, chúng ta thấy tất cả đều không hướng đến sự thật và những gì Tốt, Đẹp mà đã là người, ai cũng phải chân nhận như lòng kính trọng Đấng thiêng liêng, không được xúc phạm đến thần thánh, phải tôn trọng quyền của con người, quyền tự do tin và không tin ; chưa kể phải có lòng nhân, không được gian dối, ghen ghét, hận thù, đàn áp, khống chế, tiêu diệt người khác, dù họ là ai, thuộc sắc tộc, tiếng nói hay theo tôn giáo, chính kiến nào, nhất là không được dùng bạo lực để làm tổn thương, hãm hại, giết chết người khác. Sự công bình và bác ái, vị tha phải là thước đo giá trị đạo đức, mà bất cứ  giáo lý nào, Đấng sáng lập tôn giáo nào cũng đều khuyên dạy, đồng thời sự bình an trong tâm hồn, bình an trong gia đình, xã hội luôn là niềm ước mong của tất cả các tín hữu, tín đồ bất kể khác biệt tôn giáo. 

Chính vì thế, niềm tin không còn là niềm tin khi tín đồ bịt mặt, ôm bom khủng bố để hàng trăm nạn nhân vô tội  mất mạng sống ; tín hữu không còn là người có đức tin khi trái tim rực lửa hận thù  và tay nhuốm máu các tín đồ tôn giáo khác ; giáo dân không còn là người công chính, người có lòng nhân khi miệng  vừa oang oang nhân danh thiên chúa chí thánh, chí tôn, vừa sặc sụa lời nguyền rủa, thề thốt tru diệt những ai không đi theo đạo mình.

Và qủa thực, đã không gì phi lý, phi nhân hơn khi nhân danh niềm tin để giết chết người không tin như mình, nhân danh thiên chúa nhân hậu để tra tấn, cắt cổ, bắn giết những con người cũng  như mình được dựng nên từ cung lòng Thiên Chúa yêu thương.

Như thế, ta có thể nói : khi niềm tin đi tìm bạo lực là sự xấu trong các sự xấu đáng kinh tởm nhất, xuất phát từ lòng ganh ghét, hận thù và  hoàn toàn trái ngược với lòng nhân,  tinh thần vị tha, đòi hỏi bác ái, và khao khát an bình thì niềm tin không còn tồn tại, nhưng phải lặng lẽ ra đi, nhường chỗ cho tai họa của cuồng tín bạo lực.

Do đó, chiến tranh tôn giáo có  xẩy ra hay không sẽ tùy thuộc mức độ mê muội, cuồng tín đưa đến kỳ thị, đố kỵ, hận thù, bạo lực giữa tín đồ, tín hữu các tôn giáo. Nếu không có những bài giảng, những buổi thuyết pháp sặc mùi đấu tranh tôn giáo, hừng hực hận thù đối với những ai không cùng niềm tin với mình, và đằng đằng sát khí trước cao trào thánh chiến, độc quyền tôn giáo thì cơ hội chiến tranh tôn giáo sẽ không còn. Nếu các chức sắc của các tôn giáo dùng uy tín và ảnh hưởng của mình quyết liệt lên án bạo lực, quyết tâm khước từ phương án bạo động, và kịch liệt đả phá những lời nói, việc làm  mang tính khích bác, mạ lị, tấn công các tôn giáo khác, thì tín đồ, tín hữu của các tôn giáo sẽ chẳng bị đẩy vào vùng lửa máu khủng bố, hoặc đóng vai đồ tể hoặc bị là nạn nhân. Nếu tôn giáo sống đúng sứ mệnh giải thoát chúng sinh, cứu độ con người của mình bằng thực hiện giáo lý công bình, bác ái, hỉ xả, bình an, thì không bao giờ có những cuộc đánh bom khủng bố tín hữu công giáo đang dự lễ trong thánh đường, tàn sát tín đồ phật giáo đang tụng kinh, niệm phật ở chùa, giáo dân Tin Lành không bị khủng bố trong nhà thờ, giáo hữu Do Thái không đổ máu trong hội đường, và hằng trăm tín đồ Hồi Giáo không bi thương giẫy dụa trong vũng máu giữa đền thờ bởi những người cuồng tín, quá khích, độc quyền tôn giáo cách man rợ .

Họ là những người cuồng tín đã nhân danh tôn giáo để giết chết những con người cũng có tôn giáo như họ. Họ là những người cực đoan đã nhân danh niềm tin để hủy hoại những người cũng đang sống niềm tin. Họ là những người mê muội nhưng qúa khích đã nhân danh thiên chúa, Đấng dựng nên con người để hành hạ, giết lát con người. Họ là những đã nhân danh quyền của thiên chúa để tước đọat quyền chính đáng và cao qúy của con người. Họ đã không sống như con người phải sống, tin như niềm tin dậy, thực hành tình yêu thương, tương trợ với đồng loại như đòi hỏi của giáo lý, chỉ vì lòng ganh ghét đã làm họ mất khả năng chấp nhận quyền tự do tin của người khác, và sự phong phú của các giá trị khác biệt trong các tôn giáo.
Tưởng nhớ các nạn nhân vô tội vì nhóm người cuồng tín, người viết xin được gừi đến bạn một ước nguyện : Ước gì mỗi người chúng ta khi tha thiết sống niềm tin của mình cũng biết trân qúy và tôn trọng niềm tin của người khác.

Jorathe Nắng Tím








      

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2019

BÌNH AN CHO NHAU !

Tin Mừng Gioan (20,19-29), và Luca (24,36) ghi lại rất rõ lời chúc Bình An của Đức Giêsu Phục Sinh, khi Ngài hiện ra với các môn đệ sau khi sống lại. 
Như quà tặng quý giá của tình yêu sau khi tự hiến làm của lễ chuộc tội mọi người trên thánh giá, Đức Giêsu âu yếm trao ban Bình An của Ngài cho các môn đệ và những người Ngài gặp: bình an của Thiên Chúa giầu lòng thương xót ban tặng những con người tội lỗi được xót thương.
Khi ban bình an cho con người, Đức Giêsu muốn nói cho con người biết : không gì quý hơn ơn Bình An của Thiên Chúa, không giá trị nào lớn hơn Bình An của Đấng Cứu Độ đã hiến mình làm của lễ giao hoà để Thiên Chúa được vinh danh và nhân loại được an bình. 
Vì thế, tiếng hát của các thiên thần trong đêm Giáng Sinh : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2,14) là lời hứa của Thiên Chúa cho con người được yêu thương và cứu độ đã được thực hiện bởi cuộc tử nạn và sự sống lại của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người.
Vì thế, ơn Bình An phục sinh là ơn vô cùng nhiệm lạ, vô cùng quý giá, vô cùng cao cả mà con người nhận được từ Thiên Chúa, bởi Bình An này thuộc về Thiên Chúa, bình an mà thế gian không ban được, như Đức Giêsu đã khẳng định với các tông đồ (x. Ga 14,27).
Và nếu là ơn Bình An của chính Chúa thì quả thực Thiên Đàng đã “chớm nở ngay dưới thế”, và “tháng năm hoan lạc trôi từ đây”, như lời của bài thánh ca “Giêsu khoan nhân” của linh mục nhạc sĩ Tiến Dũng.
Nhưng một thực tế không “hoan lạc” như thiên đàng vẫn hằng ngày làm thế giới đảo lộn, làm lòng người đảo điên vì đủ thứ làm thế giới bất an, đủ chuyện làm lòng người bất ổn. Chiến tranh lan tràn, đe dọa khắp nơi, bất hoà thống trị từ trong tâm hồn ra ngoài gia đình, xã hội. Đó là cảnh thực của nhân loại hôm nay, và nhiều người nghi ngờ ơn bình an của Thiên Chúa. 
Người ta nghi ngờ tính chân thực của ơn bình an ; nghi ngờ tính hữu hiệu của ơn bình an ; nghi ngờ tính khả tín của Lời Hứa “Thầy để lại Bình An của Thầy cho chúng con” (Ga 14,27).
Đúng vậy, người ta sẽ nghi ngờ khi không biết : Thiên Chúa không hoạt động khi thiếu sự cộng tác của con người ; không cứu độ con người khi con người từ chối ơn cứu độ ; không quyết đoán, quyết định số phận đời đời của một người nào, nếu người ấy không tự nguyện hợp tác.
Người ta sẽ mãi mãi nghi ngờ ơn bình an của Đức Giêsu phục sinh, nếu quên một điều rất quan trọng, đó là Thiên Chúa không ban ơn bình an cách máy móc tự động, nhưng đòi tâm hồn phải được chuẩn bị như thửa ruộng đã được cầy xới để đón nhận hạt giống. Tin Mừng đã kể lại dụ ngôn “Người gieo giống” như sau : “Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều ; nó mọc ngay vì đất không sâu ; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi vào đất tốt, nên sinh hoa kết quả ...” (Mt 13,3-8).
Như thế, điều kiện để nhận ơn Bình An của Đức Giêsu Phục Sinh chính là phải có tâm hồn bình an, như đất tốt cho hạt nẩy mầm, sinh hoa kết trái, nên người không yêu mến và đi tìm bình an sẽ không bao giờ đón nhận được ơn an bình của Thiên Chúa.
Một cách cụ thể để chúng ta dễ nhận ra đòi hỏi của Thiên Chúa, đó là trong thánh lễ, ngay sau khi chủ tế nhân danh Đức Giêsu ban Bình An của Chúa cho cộng đoàn, thì lập tức chính chủ tế hoặc thầy phó tế kêu gọi cộng đoàn : “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”.
“Hãy chúc bình an cho nhau” là hãy có ý nghĩ tốt đẹp về người khác, bởi khi nghĩ xấu về anh chị em mình, nhất thiết chúng ta ở trong tình trạng không bình an và đang gieo mầm ganh ghét, bất hoà.
“Hãy chúc bình an cho nhau” là không nói xấu, thêm bớt vào sự thật khách quan của một người hoặc một sự việc những thành kiến, định kiến mang tính ích kỷ, bất công, bởi chỉ trào ra ngoài sự gian ác qua cửa miệng, khi tâm hồn đã tràn đầy gian ác, mà gian ác luôn là nguyên nhân của hỗn loạn, bất an.
“Hãy chúc bình an cho nhau” là kềm chế với ý chí và ơn Chúa tất cả việc làm gây đau khổ cho người chung quanh, từ cái nhìn hằn học, khinh bỉ, đến thái độ khiêu khích, bạo hành, tấn công, bởi tâm hồn yêu mến và tìm kiếm bình an chính là tâm hồn hiền lành và khiêm nhường.
“Hãy chúc bình an cho nhau” là thực tâm muốn trao ban không chỉ ơn bình an vừa nhận được từ Chúa, mà còn trao tặng anh chị em chính bình an của tâm hồn minh, bình an do mình khao khát tìm kiếm và từng ngày nhọc nhằn, tận tụy gieo trồng, vun xới.
“Hãy chúc bình an cho nhau” là quảng đại cho đi chính bình an mình đang có, quả cảm xoá “cái tôi” đang yên ổn, an nhàn để trở nên của lễ hy sinh hiệp cùng lễ tế Thánh Giá của Đức Giêsu cho tâm hồn người anh em, cho gia đình người quen biết, cho tất cả mọi người được ơn an bình.
Quả thực, ơn bình an của Đức Giêsu chỉ ở lại với ai có tâm hồn khao khát bình an, tìm kiếm bình an như Đức Giêsu đã công bố trong Hiến Chương Nước Trời : “Phúc cho ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 9). Và những tâm hồn yêu chuông hoà bình mà Tin Mừng tuyên dương trong danh sách “những người được Cha Ta chúc phúc” (Mt 25,34) đã phải chiến đấu rất nhiều và gian khổ với chính mình để không rơi vào cạm bẫy của Satan, chuyên viên gây chia rẽ, bất hoà, sành sõi tạo rối loạn, bất an, và tinh khôn trong mưu đồ khơi dậy, châm ngòi lòng ganh ghét, tỵ hiềm, đố kị. 

Những cạm bẫy thường được Satan xử dụng là:
1.            Làm cho có chuyện khi chuyện không có:
Muốn gây bất an cho ai, cho cộng đoàn nào, ma quỷ chỉ cần dựng thành chuyện một câu chuyện không hề có. Thế là mọi người hoang mang, ngờ vực, xét đoán nhau bừa bãi; cả nhà hốt hoảng, lo âu ; nhiều người mất ăn mất ngủ vì thanh danh bị bôi nhọ, sự nghiệp bị lung lay, đời tư bị thô bạo đào bới, hạnh phúc gia đình bị trầm trọng đe dọa. Và không ai được bình an.
2.   Làm cho to chuyện khi chuyện chỉ là chuyên nhỏ cỏn con:
Người làm chuyện lớn biết làm nhỏ lại, hẹp lại, đơn giản lại một chuyện phức tạp, mà càng làm lan rộng càng đem lại hậu quả tiêu cực, bất lợi cho tất cả. Hoàn toàn khác với người làm chuyện lớn là người chỉ thích làm lớn chuyện, dù chuyện chỉ nhỏ như con kiến.
Họ là người luôn cố tình trầm trọng một vấn đề không quan trọng, làm cho rắc rối, nhiêu khê một sự việc vốn rất đơn giản, không có gì phải ầm ĩ. Và khi làm to một chuyện nhỏ, người thích làm lớn chuyện đồng thời cũng làm cho chuyện dễ trở thành khó, đơn sơ biến thành phức tạp, nhẹ nhõm trở nên nặng nề. Những người này làm nhiều người mất bình an, cộng đoàn hoảng loạn, xã hội rối ren, không chỉ vì tâm hồn thiếu bình an do không đủ quảng đại, bao dung, mà còn do tình trạng tâm lý bất ổn, bối rối vì không tự tin và không tín nhiệm người khác vì thiếu bản lãnh của họ. 

3. Phá hoại bình an như phương tiện thống trị, hoặc bất tuân phục :
Các nhà độc tài thường không cho dân được bình an, để dễ thống trị. Theo họ, khi dân được bình an là lúc dân có nhiều điều kiện và cơ hội đòi hỏi, yêu sách, nổi loạn, nên tốt hơn là liên tục tạo tình trạng bất ổn, bấp bênh để dân dồn hết tâm trí, và nỗ lực cho an toàn cá nhân, mà quên hoặc không còn khả thể nghĩ đến những chuyện khác .
Tất nhiên không chỉ các nhà độc tài ở tầm vóc quốc gia, nhưng mỗi người chúng ta cũng bị khuynh hướng thống trị đốc thúc và đôi khi cũng bị đẩy đến bờ ranh của thủ đoạn phá hoại bình an của người khác, của cộng đoàn để thủ lợi. 
Và không chỉ người có quyền biết dùng thủ đoạn phá hoại bình an của thuộc cấp để dễ sai bảo, cai trị, nhưng người dưới quyền cũng bị cám dỗ “quậy cho tanh bành” để phá người trên, khi gây ra tình trạng bất ổn, bất hoà, bất an do tinh thần bất tuân phục thúc đẩy.
Để kết luận, chúng ta có thể khẳng định : điều kiện thứ nhất để ơn bình an của Đức Giêsu phục sinh đến và cư ngụ trong cuộc đời mỗi người là tâm hồn mỗi người phải sẵn sàng đón nhận ơn bình an ấy bằng cố gắng sống an bình.
 Sống an bình khi loại bỏ khỏi tư tưởng, lời bói, việc làm tất cả những gì phá hoại bình an của mình và của người khác.
Tiếp đến là tự nguyện trở thành khí cụ bình an của Thiên Chúa, bằng biến mình thành những cánh tay nối dài của Thiên Chúa để chuyển ban ơn bình an của Đức
Giêsu phục sinh đến mọi người, như trong thánh lễ, chúng ta trao ban bình an của Đức Giêsu phục sinh cho nhau khi thân thiện cúi đầu chào nhau, hay thân ái bắt tay nhau với tâm tình và lời chúc “Bình An” của Đức Giêsu chúng ta vừa đón nhận.
Ước gì bình an của Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn mỗi người để gia đình, cộng đoàn, quê hương, thế giới được thoát cảnh ganh ghét, bạo lực, chết chóc nhưng được bình an trong trái tim của Đấng đã chết và sống lại để mọi người được hạnh phúc trong Bình An của Ngài.
Jorathe Nắng Tím