Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2019

CÁI CHẾT VÀ NỖI SỢ HÃI

  
Tháng mười một, mùa thu.
    Mùa của những cơn mưa rả rích với bầu trời giăng đầy mây xám.
    Tháng kính nhớ các linh hồn với đủ sắc màu của hoa cúc tô điểm, xoá tan sự lạnh lẽo các nghĩa trang.
    Nhưng bên cạnh vẻ đẹp quyến rũ của mùa thu với hoa cúc, lãng mạn nên thơ với lá vàng rơi rụng, mùa thu cũng là mùa có nhiều người ra đi hơn so với các mùa khác trong năm.
    Cũng không thoát được vòng xoay khắc nghiệt của thời gian, mùa thu năm nay tôi phải đối diện với sự ra đi của một người bạn chí thân từ thời niên thiếu.
    Bạn tôi mắc căn bệnh ung thư từ hơn bốn năm nay. Bốn năm kiên trì chống chọi với bệnh tật, chịu đựng nhiều đau đớn thể xác, đương đầu với những cơn khủng hoảng tâm lý vì tuyệt vọng. Bốn năm với những đợt hoá trị nóng cháy người, những lần thử máu đến cạn kiệt sức lực. Bốn năm đối đầu với những cơn nôn thốc tháo vì ảnh hưởng của thuốc... Cuối cùng cơ thể bé nhỏ nhưng đầy can đảm và nghị lực của bạn tôi cũng đành bất lực đầu hàng căn bệnh quái ác dường như đang thao túng hoành hành mọi lúc, mọi nơi.
   Vào bệnh viện, nhìn bạn tôi nằm trên giường giăng kín những đường truyền nước biển, dây thở oxy, máy móc chung quanh, cơ thể gần như không còn sức sống... tôi không khỏi chạnh lòng. Thương bạn tôi, thương thân phận người mỏng dòn như cánh hoa sớm nở tối tàn, thương cho kiếp người mong manh trước vô thường của cuộc sống .
    Sau những câu chào thăm, hỏi han, hai chúng tôi chỉ biết yên lặng nhìn nhau. Mọi ngôn từ dường như vô nghĩa, không một lời nào có thể diễn đạt được ý nghĩ của chúng tôi trong lúc này, lúc mà ranh giới của sự sống và cái chết đang rất mơ hồ mong manh, lúc mà chia xa đang đến rất gần chúng tôi.
    Rồi bỗng dưng bạn tôi đưa bàn tay gầy guộc nắm lấy tay tôi và bật khóc. Tiếng khóc không thành lời nhưng đã lột tả được tận cùng của nỗi sợ hãi. Sợ vì biết cái chết đang đến gần mà không sao tránh được. Sợ vì sắp phải xa hết mọi người thân yêu để đi đến một nơi vô định không biết trước. Sợ vì chuyến đi đơn độc không người đồng hành, không biết điểm đến. Sợ vì không biết những gì đang đợi mình ở phía trước. Sợ vì không biết rồi mình sẽ ra sao, về đâu ở thế giới bên kia...
    Thật là khủng khiếp khi phải đối diện với những nỗi sợ hãi trước chuyến đi cuối cùng của cuộc đời. Và tôi thấy thương bạn tôi vô cùng.
    Rời bệnh viện trên đường về tôi lại nhận được tin một người bạn thân khác bên nhà cũng không khỏe. Lại nhớ đến những lời nói của chồng tôi cách đây mấy ngày : “Anh có cảm tưởng mình sắp chết, không còn sống lâu...” Tôi lại giật mình sợ hãi. Một nỗi sợ khác với nỗi sợ của bạn tôi nhưng cũng không kém phần nặng nề, kinh khủng.
    Tôi thật sự sợ hãi khi nghĩ đến ngày phải lần lượt chứng kiến sự ra đi của những người thân yêu. Rồi tôi sẽ phải sống ra sao khi không còn người thân bên cạnh? Tôi sợ nỗi cô đơn hiu quạnh khi vắng bóng người thân. Tôi sợ một mình trước khó khăn bế tắc của cuộc sống mà không người chia sẻ.
Tôi thấy sợ cho viễn cảnh đơn độc một mình trên đời, một mình sau này ra đi.
    Vậy hoá ra cái chết không chỉ mang sợ hãi đến cho người ra đi mà còn là nỗi sợ của cả người ở lại.
    Trước sự sợ hãi mà cái chết mang đến cho cả hai phía người đi kẻ ở, tôi chợt thấy mình cần phải gấp rút thay đổi.
    Thật vậy, thời gian không còn nhiều và vô thường thì luôn hiện hữu nên tôi thấy cần trao yêu thương nhiều hơn cho người thân, cần trân quý hơn những giờ phút bên nhau. Tranh giành, hơn thua, được mất có mang được gì khi đối diện với cái chết? Giận hờn, ganh ghét, trách móc còn có giá trị gì khi phải ra đi ? Khoảng cách của sự sống và cái chết chỉ có thể được nối gần nhau qua yêu thương, được rút ngắn lại qua sự tử tế chân tình trao nhau.
    Ngoài đường lá vàng vẫn tiếp tục rơi rụng như bạn tôi rồi cũng phải ra đi nhưng bầu trời hôm nay điểm chút nắng cho tôi niềm hy vọng với yêu thương đong đầy, để chúng tôi, kẻ ở người đi, sẽ không còn cảm thấy sợ hãi trước sự chia xa của cái chết.
    Cầu mong bạn tôi ra đi bình an, tôi cũng hy vọng mình sẽ an bình ra đi sau khi đã sống trọn vẹn yêu thương với mọi người.
Mây Tím

ĐỨC GIÊSU, VUA NHÂN HẬU

                                      Suy Niệm TIN MỪNG LỄ ĐỨC GIÊSU KITÔ, VUA VŨ TRỤ - CHÚA NHẬT XXXIV, Năm C             
Cao cả hơn mọi người, quyền thế hơn mọi người, giầu sang hơn mọi người thì chỉ có vua. Làm vua thì muốn gì có nấy, muốn bao nhiêu cũng được, đòi bao nhiêu thần dân cũng phải cung phụng dư thừa, nên ai cũng thích làm vua, cũng mơ được làm công chúa, hoàng tử, có thân thế hoàng gia để đời mình được bao phủ bằng tất cả những gì mình muốn.
Nhưng  điều mơ ước thầm kín của con người, cái con người cặm cụi, mầy mò tìm kiếm hơn cả trong giấc mơ làm vua, chính là quyền lực để thống trị người khác và được người khác phục vụ. Nó luôn là khao khát cháy bỏng nơi mỗi người như Đức Giêsu đã có lần khẳng định : Anh em biết : thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy : Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người (Mt 20,25-28).
Qủa thực, Đức Giêsu là Vua toàn thể nhân loại, Vua toàn thể vũ trụ, Vua cả vương quốc Thiên Đàng, vì Ngài là Thiên Chúa, Đấng sẽ ngự đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên thần theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người… như Đức Giêsu đã mặc khải khi nói về Cuộc Phán Xét chung (Mt 25,31), nhưng Ngài không làm vua theo kiểu thế gian, không làm vua như giấc mơ phàm tục của con người, không làm vua để hà hiếp, bóc lột, gian tham, hưởng thụ, nhưng hoàn toàn ngược lại những gì con người háo hức tìm kiếm, khát khao mong đợi.    
Khi khẳng định : Con Người đến để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người (Mt 20,28), Vua Giêsu đã cho chúng ta, là thần dân của Ngài biết rõ Ngài làm vua thế nào, đường lối cai trị và mục tiêu của Ngài ra sao.
1.   Ngài là Vua nhân hậu :
Hoàn toàn khác các vị vua ở thế gian, Đức Giêsu đã đến trong thế gian để trở thành vị vua nhân hậu : nhân hậu với trẻ em, khi bảo các tông đồ : Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng vì Nước Trời là của những ai giống như chúng ( Mt 19,14) ; nhân hậu với những người đau yếu, bệnh tật, khi ân cần an ủi, chữa lành họ, như ngôn sứ Isaia đã tiên báo về Ngài : Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta (Mt 8,16-17) ; nhân hậu với những người bị qủy ám và xua đuổi ma qủy ra khỏi họ (x. Mt 8,28-34) ; nhân hậu với những người tội lỗi bị xã hội tẩy chay, và đến dùng bữa với họ, vì Tôi không  đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi (x. Mt 9,10-13) ; nhân hậu với những người ngoại đạo khi làm phép lạ chữa thân nhân họ và công khai tuyên dương đức tin của họ : Tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế (Mt 8,10) ; nhân hậu với người đàn bà ngoại tình bị bắt qủa tang và cứu sống chị khỏi bị ném đá theo Luật Môsê, mà không một lời trách móc, miệt thị, nguyền rủa, nhưng dễ thương, tế nhị : Tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa ! (Ga 8,11) ; nhân hậu với bà goá đang đau khổ vì con trai duy nhất vừa mất, khi cho con bà sống lại trên đường đem chôn (x. Lc 7,11-16) ; nhân hậu với con người luôn bị cám dỗ, khi chấp nhận vào sa mạc để bị cám dỗ như con người (x. Mt 4, 1-11) ; nhân hậu với những mảnh đời mục đồng nghèo khổ, cơ hàn phải sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật (Lc 2,8) khi chọn hang lừa, máng cỏ Bêlem làm nơi hạ sinh để họ được là những người đầu tiên gặp Emmanuel - Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta ; nhân hậu với đôi tân hôn giữa tiệc cưới chẳng may hết rượu, và làm phép lạ cho sáu chum nước lã biến thành sáu chum rượu ngon (x. Ga 2,1-11) ; nhân hậu với cậu con trai hoang đàng, tội lụy khi chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để khi chợt trông thấy anh ta còn ở đằng xa (Lc 15,20) ; nhân hậu cả với đối phương, kẻ thù khi xin Chúa Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm (Lc 23,34), và dậy bảo các tông đồ : Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em (Mt 5,43) ; nhân hậu với những ai sầu khổ, khóc lóc, bị hàm oan, bách hại, bị đời o ép, xử tệ, bất công, và hứa Nước Trời và phần thưởng vô cùng lớn lao trên thiên đàng cho họ (x. Mt 5,3-12) ; nhân hậu với đám đông đang đói vì khao khát lắng nghe Tin Mừng và làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho họ no nê (x. Mt 15,32-38), nhân hậu với dân chúng Do Thái khi thốt lên : Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp đàn con dưới cánh, mà các ngươi không chịu”. (Mt 23,37).  
Thực vậy, Đức Giêsu đã mặc khải Ngài là Vua khi nhắc lại cho những người Pharisêu lời của vua Đavít nói về Ngài, khi được Thần Khí soi sáng : Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi : bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao thù địch, Cha sẽ đặt dưới chân Con, và Ngài cắt nghiã thêm cho họ : Vậy nếu vua Đavít gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì làm sao Đấng Kitô lại là con vua ấy được ? (x. Mt 22,41-45). Nhưng Ngài không là Vua theo kiểu thế gian, mà là Vua nhân hậu ngồi trên lưng lừa con tiến vào Đền Thờ như lời ngôn sứ đã báo trước : Hãy bảo thiếu nữ Sion ; kià Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi. Người hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ (Mt 21,4).
2.   Đường lối của vua Giêsu là Khiêm Nhường và Thương Xót :
Dù là Thiên Chúa, là Vua, nhưng Ngài đã chọn đường lối trút bỏ hết vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên phàm nhân, sống như người trần thế. Người còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự (Pl 2,7-8) ; Ngài khiêm nhường qùy xuống rửa chân cho con người, dù Ngài là Thiên Chúa (x. Ga 13,1-5) ; Ngài khiêm nhường trước Thượng Hội Đồng Do Thái (x. Lc 22,66-71), trước toà án Philatô và Hêrôđê (x. Lc 23,2-12) ; Ngài khiêm nhường khi bị nhục mạ trên đường Thánh Giá : Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa (Lc 23,35), và suốt đời đã khiêm nhường từ thời khắc nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria cho đến giây phút cuối cùng của đời làm người khi lớn tiếng kêu Lậy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha (Lc 23,46).
Bên cạnh Khiêm Nhường là Lòng Thương Xót, đó là hai chân đi trên đường cai trị của Vua Giêsu. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng (Ga 13,1). Yêu vô cùng và yêu đến cùng là đặc tính của tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa không yêu nửa chừng, yêu thời vụ, yêu nhất thời, yêu mây bay, qua đường, nhưng yêu đến cùng. Tình yêu đến cùng ấy cũng là tình yêu không bao giờ dời đổi, sút giảm, thay biến, nghiã là lúc nào cũng đầy tràn, nồng nàn, bao la, chứa chan, vô cùng, tuyệt đối. Hãy nhìn người cha nhân hậu đã không hề thay đổi tình yêu dành cho cậu con thứ hoang đàng. Trước khi cậu đòi chia của, bỏ nhà đi hoang, cho đến khi cậu trở về với thân tàn ma dại, người cha Thiên Chúa ấy vẫn một tình yêu thương, một lòng thương xót, một mực bao dung, cho dù đã có bao lời dèm pha, thị phi, phê bình ông nhu nhược, và xúi ông từ con, không cho cậu vào nhà.
Thực vậy, Đức Vua Giêsu đã khiêm nhường để có thể thương xót hết mọi người chẳng trừ ai, nên bất cứ ai xin Ngài thương xót đều đã được Ngài xót thương. Tin Mừng là dung mạo khiêm nhường và thương xót của Đức Giêsu, Vua nhân hậu, ở đó, chúng ta nhận ra đường lối cai trị trong vương quốc của Ngài. Dụ ngôn tên đầy tớ mắc nợ không có lòng thương xót đã vẽ lên hình ảnh của Đức Vua nhân hậu, giầu lòng thương xót, đã chạnh lòng  thương và tha luôn cho tên đầy tớ món nợ khổng lồ mười ngàn yến vàng, khi anh ta sấp mình xin Đức Vua thương xót. Và đòi hỏi của Đức Vua với người đầy tớ được thương xót  ấy cũng chỉ là lòng thương xót anh phải có đối với anh em mình (x ; Mt 18,23-35), như Đức Giêsu đã tuyên bố trong Hiến Chương Nước Trời : Phúc cho ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương (Mt 5,7).
3.   Mục tiêu của Vua Giêsu là hiến mạng sống để cứu chuộc nhân loại :
Không đọạn Tin Mừng nào đã làm nổi bật sứ vụ của Đức Giêsu trong thế gian bằng Tin Mừng Gioan, chương 10, với hình ảnh sống động Mục Tử nhân lành :
Tôi là cửa cho chiên ra vào… Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ… Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10,7-10). Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (Ga 10,11).
Là Vua và là Đấng Cứu Độ, Đức Giêsu ngay từ buổi đầu đời mục vụ đã được giới thiệu là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian (Ga 1,29), vì mục tiêu phải đạt của Ngài là cứu chuộc mọi người bằng giá máu và mạng sống của mình, cho dù có lúc Ngài đã phải rùng mình khiếp sợ đến toát mồ hôi máu, trước giờ lên đường chịu khổ hình và chết tức tưởi trên Thánh Giá (x. Lc 22,42-44).
Vâng, Đức Giêsu chính là Vua, nhưng là Vua nhân hậu, cai trị bằng đường lối Khiêm Nhường và Thương Xót để đạt mục tiêu Cứu Chuộc muôn người khỏi chết đời đời, và được làm con Thiên Chúa. Chính vì Vua Giêsu không cao sang, kiêu kỳ, hống hách ; đi đâu không ngưạ xe, cờ quạt, trống kèn hoành tráng ; đến đâu không quân dân rầm rộ phủ phục, bái chào ; ở đâu không cung điện nguy nga, thê thiếp, tùy tùng, kẻ hầu người hạ ; làm gì cũng không ồn ào, inh ỏi, long trời lở đất, nên không mấy người đã nhận ra Ngài là Đức Vua, bằng chứng là ngay giây phút Đức Giêsu nhân hậu, khiêm nhường, và giầu lòng thương xót chiến thắng Thần Chết, chiến thắng ma qủy và hoàn thành công trình Cứu Chuộc toàn thể nhân loại cũng không mấy người nhận ra Ngài là Thiên Chúa, Vua muôn vua, Chúa các Chúa để tôn thờ, cảm tạ, vinh danh, trái lại, đám đông chỉ thấy Đức Vua ấy là tên tử tội bị đóng đinh trần truồng và chết tức tưởi ô nhục như tội nhân trên thập tự, ngoại trừ người gian phi cùng chịu đóng đinh bên phải, đã nhận ra Ngài là Vua và đã tha thiết xin Ngài : Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !. Và  Đức Giêsu, Vua nhân hậu, khiêm nhường, giầu lòng thương xót đã thân tình, âu yếm trả lời anh : Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng (Lc 23,43).       
Lậy Chúa Giêsu, xin cũng thương xót chúng con và cho chúng con được vào Nước Chúa như người gian phi trên thập giá ở giờ chết đã nhận ra Chúa là Vua nhân hậu, giầu lòng xót thương !
Jorathe Nắng Tím

BÊN GIƯỜNG NGƯỜI SẮP QUA ĐỜI

Bên giường người bạn những ngày cuối cùng của đời người, sau hơn bốn năm chống chọi với căn bệnh ung thư, tôi phần nào cảm được nỗi sợ ở người biết mình sắp giã từ cuộc đời, người đời để vĩnh viễn ra đi, không bao giờ trở lại. Trong nỗi sợ của người sắp ra đi ấy, tôi nhận ra nỗi sợ của chính mình…
Tôi nhận ra mình sợ đau trong nhăn nhó, quằn quại của bạn tôi mỗi lần ngưng thuốc giảm đau. Nhìn bạn toát mồ hôi hột, co dúm người, rên xiết van xin y tá tăng liều lượng morphine, mà chân tay tôi bủn rủn vì sợ. Tôi nhận ra mình sợ xa người thân, khi thấy bạn tôi  nghẹn ngào, hai giòng lệ chảy dài, mỗi lần vợ con, bạn hữu ghé thăm, và đau đớn giấu mặt  nức nở khi người thân tạm biệt ra về. Tôi nhận ra mình sợ bị bỏ rơi, quên lãng, khi bạn tôi thèm được người đến thăm nắm chặt bàn tay, hay âu yếm xoa nhẹ đôi bàn chân gầy xơ xác, trắng bệch. Tôi nhận ra mình sợ khoảng không chơi vơi, trống trải không điểm tựa, không trụ bám, khi đôi mắt vô hồn của bạn tôi  bâng quơ  lạc lõng như ở một cõi vô định nào đó vô cùng xa xôi. Tôi nhận ra mình sợ  bị trừng phạt, khi toàn thân bạn tôi  run rẩy sợ hãi và miệng ú ớ hốt hoảng đến thảm thương. Tôi nhận ra mình sợ tan biến vào hư vô, khi đôi mắt  hoắm sâu, vàng vọc, thất thần của bạn tôi  lạnh lùng và cay đắng quét dài trên thân xác tàn tạ, cạn kiệt sức sống của chính mình. Tôi nhận ra mình sợ thần chết nham nhở và tàn nhẫn với lưỡi hái sắc nhọn đã chực sẵn ở đầu giường, khi đôi bàn tay bạn tôi cứ quờ qụang tìm đường trốn chạy.
Vâng, bên giường bạn tôi ở những ngày sau cùng của một  đời người, tôi thực sự biết sợ, khi tận mắt nhìn bạn tôi sợ : sợ đau, sợ bị bỏ rơi, sợ bị trừng phạt, sợ chơi vơi, sợ  bị tan biến,  sợ sẽ vỡ vụn, sợ đi vào hủy diệt, hư vô …
                                                                          ***
Rồi bạn tôi chết… Những ngày bên xác bạn, tôi miên man nghĩ về một ngày đến phiên mình chết. Tuy sợ, rất sợ, nhưng tôi liều một phen đối diện với cái chết, trực diện với thần chết và tự đặt mình vào tình huống của giờ chết, với mục đích tìm cho mình cách thế nào để bớt sợ, bớt hốt hoảng, bớt kinh hoàng, bớt khủng khiếp khi đến phiên mình hấp hối, lâm chung.  
Nhưng dù đã  khó nhọc tìm kiếm trong kho tàng tri thức của nhân loại, tôi cũng không gặp được bí quyết nào để chết mà không sợ, chết mà không lo, chết mà không hoang mang, hãi hùng,  mà chỉ thấy và bị ám ảnh mãi những gì tôi đã thấy ở bạn tôi trước giờ chết : cô đơn và bất lực. Tôi sẽ như bạn tôi cô đơn, vì không ai chịu chia sẻ với tôi cái chết, không ai chịu chết theo tôi cho có bầu có bạn trên đường vào cõi chết chưa một lần khám phá, tham quan ; tôi sẽ như bạn tôi bất lực, vì không còn làm chủ được bất cứ sự gì trong tôi, thuộc về tôi, liên quan đến tôi, nhưng nhắm mắt, xuôi tay, xương cốt rã rời, hơi thở vội vã, sự sống hối hả tàn lụi. Bên cạnh cô đơn và bất lực của chính mình là bất lực toàn phần của toàn thể thế giới loài người trước cái chết của tôi, bởi không ai có thể  kéo dài  thêm  cho tôi một giây sự sống, không người nào có thể thay đổi số phận  phải chết của tôi, và không quyền lực trần gian nào có thể cứu tôi ra khỏi sự chết.
Chính trong bế tắc tuyệt vọng của tư duy về sự chết, tôi nhận ra mình chỉ còn duy nhất một khả thể là bám víu vào Thượng Đế toàn năng với niềm hy vọng không bị trừng phạt, và tiêu diệt.
Niềm tin lúc này với tôi qủa thực không còn là mê tín, thừa thãi, ấu trĩ, hoang đường, vì chỉ còn lại niềm tin mới  cứu tôi ra khỏi hãi hùng, kinh sợ ; chỉ niềm tin mới cho tôi an lòng ; chỉ niềm tin mới ban cho tôi niềm hy vọng, bởi chính mắt tôi đã thấy người sắp chết không bám víu, nương tựa được vào ai, vì không ai còn là bến bờ hy vọng, thành quách an toàn, nơi nương náu chở che bảo đảm , do luật lệ nghiệt ngã của sự chết là mỗi người phải ra đi một mình, không hành trang, không sức vóc, không tài năng, không của cải, không quyền lực, không bạn đường, không người hướng đạo. Niềm tin với tôi  bỗng dưng không còn là đồ trang sức xa xỉ, phụ tùng rẻ tiền, nhưng thiết yếu đến độ nếu không tin, tôi không thể sống nổi vì qúa sợ chết, không còn bình an để làm việc vì cảnh tượng hấp hối bi thương ám ảnh nặng nề, và tôi nhận ra  tôi chỉ còn duy nhất một Đấng Chủ Tạo đã cho tôi vào đời, làm người là nơi tôi phải đặt trọn niềm tin.
Tôi thấy mình có quyền đặt niềm tin ở Ngài, vì chỉ mình Ngài mới có thể cứu tôi, và tôi tin rằng chính Đấng ấy sẽ gọi tôi ra khỏi cuộc đời, đi vào một thế giới khác cũng thuộc về Ngài, qua ngưỡng cửa sự chết, như Ngài đã gọi tôi vào cuộc đời, trong thế giới thuộc về Ngài mà tôi đang sống, qua ngưỡng cửa sự sống. Lý trí tự nhiên và suy luận hợp lý cho phép tôi tin rằng : phải có một Đấng toàn năng đã cho tôi vào đời làm người, và suốt cuộc đời, Đấng ấy đã gìn giữ tôi để tôi được tồn tại, nên tôi cũng có quyền và được thúc bách tin rằng : cũng chính Ngài sẽ dắt tôi đến tận cùng của hành trình dương thế để vào một cuộc sống khác, cũng do Ngài sắp xếp, chuẩn bị, bởi Ngài là Thượng Đế, là Đấng Tạo Dựng mà tôi trực giác thấy : luôn yêu thương mọi loài Ngài đã dựng nên và cho chúng hạnh phúc trọn vẹn và tương lai tốt đẹp, ngời sáng. Cũng lý trí và trực giác, tôi nhận ra Ngài là Thượng Đế của Tình Yêu đã tạo dựng  vũ trụ và con người vì yêu thương, để tất cả mọi loài được sinh ra từ tình Ngài yêu thương sẽ được trở về với Ngài là nguồn yêu thương tuyệt đối.
Một khi đã nhận ra Ngài là Yêu Thương tuyệt đối, Yêu Thương vô cùng, Yêu Thương đời đời trung tín, tôi sẽ nhận ra một chân lý khác là chính Ngài sẽ bảo đảm cho giờ chết của tôi, nói cách khác, tôi tìm thấy nơi Ngài bảo đảm vững chắc cho tôi không sợ khi giờ chết đến, không phải run rẩy khi phải lìa đời, không chút hoang mang, tuyệt vọng khi phải cô đơn, bất lực bỏ mọi sự, mọi người đi vào cõi chết, bởi  có Ngài, tôi sẽ không cô đơn, bất lực ; có Ngài tôi sẽ không đi vào cõi chết chơi vơi, hư vô ;  có Ngài là Tình Yêu, tôi sẽ không bị  xua đuổi, trừng phạt, hủy diệt đời đời.  
Vâng, tôi không thể  được sinh ra bởi một Đấng toàn năng, mà lại cô đơn, bất lực đi vào cõi chết mà không có Ngài ; tôi không thể được sinh ra bởi Đấng là tình yêu, mà phải cô quạnh, lầm lũi đi vào vùng hủy diệt, bởi tình yêu luôn bất tử và sức mạnh của tình yêu là sự sống lại và sự sống miên trường, vĩnh cửu ; tôi cũng không thể bị bỏ rơi, quên lãng, hay bị trừng phạt dễ dàng bởi Đấng dựng nên tôi và yêu thương tôi, bởi tôi tin đời tôi cũng như đời của mọi người không thể là ngẫu nhiên vô nghiã trước một Thượng Đế có tên là Tình Yêu. Và như thế, lý trí tự nó đã cho phép tôi nhận ra cái vô lý của lo sợ, và phi lý của tuyệt vọng ở giờ chết, vì tin rằng Đấng tạo dựng nên tôi toàn năng và yêu thương sẽ không thể bỏ rơi thụ tạo thuộc về mình ở giờ vượt qua sự chết đi vào cõi sống đời đời, như đã cho nó được vượt qua cát bụi hư vô để làm người trong thế giới hôm nay. Lý trí còn khuyến khích tôi chẳng nên qúa lo sợ khi giờ chết đến, bởi chết không là đối thủ ngang cơ, ngang hàng, ngang tầm của Thượng Đế ; chết không phải đối thủ đáng ngại của Thượng Đế, nhưng chết nằm trong tay Thượng Đế, bởi chính Ngài sắp xếp và định đọat thời điểm gọi mỗi người về với Ngài, vì tất cả thuộc về Ngài, và sự sống, sự chết của tất cả  đều nằm trong trái tim và bàn tay yêu thương, quan phòng của Ngài.  
Tuy thế tôi đã chỉ yên lòng, vững dạ, khi nhận ra một chân lý cuối cùng rất quan trọng, đúng hơn là đòi hỏi mang tính định mệnh bảo đảm giờ mình sẽ chết, đó là thái độ và việc làm yêu thương trong cuộc sống.
Sở dĩ, tôi cần phải yêu thương để không phải run rẩy, sợ hãi ở giờ chết, bởi vào giờ sau cùng ấy, ngoài vốn liếng tình yêu đã suốt đời chắt chiu, gom góp , chẳng hành trang nào được xem là đáng giá ; ngoài sự nghiệp yêu thương đã tần tảo suốt đời xây dựng, không kho tàng nào có cửa được gọi tên, định giá ; ngoài yêu thương được tận tụy gieo vãi, vun trồng, tuyệt nhiên không một công trạng, thành qủa nào được ghi nhận ; ngoài tình yêu suốt đời cần mẫn đan dệt, không trang phục nào được xem là xứng đáng để được mời vào đại yến tiệc đời sau ; ngoài Tình Yêu như dấu hiệu duy nhất để được Thượng Đế nhận ra là con cái, không một đồng phục, huy hiệu, huân chương, lon lá nào được chứng thực ; ngoài Tình Yêu như tiếng nói còn lại duy nhất khi miệng lưỡi cứng đơ, thân xác lạnh lẽo khi linh hồn lià khỏi xác, không tuyên ngôn nẩy lửa, hoặc  mỹ từ lộng lẫy, hùng hồn nào có khả năng vang vọng ; ngoài Tình Yêu là thông hành bắt buộc ở  ngưỡng cửa vào vương quốc Thiên Đàng, không một bằng cấp, chứng chỉ, chứng minh thư, giấy giới thiệu nào có giá trị ; ngoài Tình Yêu là cán cân tội phúc, không đơn vị hay phương tiện  đo lường nào được công nhận ở giờ phân xử công minh, bởi không lúc nào đức công minh của Thượng Đế được thể hiện trọn vẹn ở giờ chết, khi tất cả mọi người, bất luận nam nữ, sang hèn, giầu nghèo, đẹp xấu, giỏi giang, ngu si, qúy tộc, thứ dân, ông chủ, đầy tớ đều chung nhau một mẫu số Tình Yêu như quà tặng qúy giá và như bổn phận phải thực hiện.
Như quà tặng qúy giá, vì mỗi người đều nhận như nhau, bằng nhau tình yêu từ Thượng Đế ; như bổn phận phải thực hiện, vì khả năng yêu thương được ban đồng đều cho mọi nguời để yêu thương tha nhân trở thành đòi hỏi duy nhất của Thượng Đế ở mỗi người. Do đó, không ai được miễn trừ vinh dự, quyền lợi và nghiã vụ Yêu Thương, vì yêu thương làm con người nên giống Thượng Đế, để con người nhận ra Thượng Đế là Cha, và Thượng Đế nhận ra con người là con, đồng thời mọi người nhận ra nhau là anh em cùng được sinh ra, cùng được  yêu thương, cùng được gọi về bởi một Cha để chung một nguồn Yêu Thương, chung một mái ấm hạnh phúc , chung một cung lòng yêu thương của Thượng Đế, mà từ đó mỗi người đã được sinh ra, vào đời.
Từ những ngày cuối đời của bạn tôi đến ngày đưa tiễn bạn về với đất, tôi đi từ cảm nhận sợ hãi  trước cái chết đến niềm tin ở Thượng Đế, và nhận ra điều Ngài muốn tôi thực hiện trong cuộc sống để khi phải đến trước ngưỡng cửa của sự chết, như nhịp cầu cần thiết đi vào thế giới của sự sống mới, tôi sẽ không phải lo âu, sợ hãi, hoang mang, tuyệt vọng. Và tôi hiểu : điều tối cần thiết tôi phải làm ngay bây giờ là tập sống yêu thương mỗi ngày, tập ý thức lẽ sống yêu thương từng ngày, vì con  người được sinh vào đời để yêu thương, như lòng mong ước của Thượng Đế, nên nếu kiên trì đồng hành mỗi ngày với yêu thương, cái chết có bất ngờ đến, bước đi tới cũng vẫn là những bước chân yêu thương trên hành trình cuộc sống. Và khi yêu thương có mặt, Thượng Đế sẽ không vắng bóng, bởi đâu có yêu thương, ở đấy có Thượng Đế, và khi có Thượng Đế, tôi tin sẽ chẳng có gì làm con người phải qúa khiếp sợ, kinh hãi ở giờ tử biệt”.
Sở dĩ không phải quá khiếp sợ, vì khi tập sống yêu thương hằng ngày, nghiã là sống yêu thương từng phút giây của hiện tại ; là tập thân thiện đón nhận hết mọi người tôi gặp gỡ mỗi ngày ; là quảng đại chia sẻ những gì tôi có từ tâm tình, thời gian đến khả năng, vật chất ; là bao dung bỏ qua, cho chìm xuống những bất công, mâu thuẫn, đối kháng, và tổn thương tinh thần cũng như vật chất người khác gây ra cho tôi; là thao thức, khắc khoải lo cho tương lai và hạnh phúc của mọi người, bắt đầu từ những người thân yêu tôi có trách nhiệm ; là hết tình, hết mình cộng tác với mọi người trong việc xây dựng một xã hội công bình, nhân ái ; là khiêm tốn dấn thân chung vai sát cánh với những người thiện chí trong công tác phục vụ những anh chị em bất hạnh, kém may mắn ; là hào sảng, hồn nhiên, chân thành và trung tín trong mọi tương quan để tâm hồn luôn trong sáng, lương tâm luôn ngay thẳng hầu trở thành sứ giả Bình An cho mọi người.
Vì thế, sống yêu thương ở giây phút hiện tại là tất cả những gì Thượng Đế mong đợi ở mỗi người, vì trước mặt Ngài, chỉ hiện tại là đáng kể, vì là thời gian duy nhất con người có trong tay để biểu hiện tình yêu đối với Ngài và với anh em đồng loại, vì quá khứ đã qua, và ngày mai chưa tới. Sống yêu thương ngay giây phút hiện tại là việc làm không chỉ bao gồm lòng trân qúy Tình Yêu như qùa tặng của Thượng Đế, nhiệt tình chu toàn bổn phận yêu thương của con người, mà còn là thái độ chân thành  tạ tội, sám hối, ăn năn lầm lỗi. Sống yêu thương ngay lúc này và ở đây còn là bằng chứng của trái tim đầy thiện chí muốn nên tốt hơn, tử tế hơn, đạo hạnh hơn mỗi ngày như đòi hỏi của sự thánh thiện. Sống yêu thương hôm nay, với hết mọi người, kể cả với người không dễ thương, nhưng dễ ghét, với người biết hết mọi sự trừ biết điều, với người không quen hy sinh vì người khác, mà chỉ  sành sỏi hy sinh người khác vì mình, tôi sẽ thấm thiá giá trị cứu chuộc, ý nghiã cứu rỗi, sức mạnh cứu độ của bài học tình yêu mà Đức Giêsu đã dậy nhân loại :
Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? … Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5,44-46.48).
Vâng, nhờ được ở bên cạnh những ngày cuối đời, và chứng kiến sự ra đi của người bạn rất trân qúy, tôi đã hiểu ra : chỉ có tình yêu được sống mỗi ngày, và hiện thực từng ngày, đặc biệt tình yêu bao dung, tha thứ, tôi mới tìm lại được Bình An trong chính Đấng đã cho tôi vào đời và sẽ lấy tôi ra khỏi đời theo chương trình yêu thương của Ngài, mà chương trình yêu thương thì bao giờ cũng mang lại kết qủa an bình, hạnh phúc.
     Với niềm tín thác ở Thượng Đế là Tình Yêu bất diệt và trung tín, cùng với nỗ lực liên lỷ yêu thương  từng ngày, chắc chắn nỗi sợ chết trong tôi sẽ dần dà nguôi ngoai, phai nhạt, vì được thay thế bằng niềm hy vọng được bảo chứng, khi tôi xác tín và năng thầm nhủ : Sống hay chết, mình vẫn cố yêu thương. 
Jorathe Nắng Tím