Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

MẸ DIỄM PHÚC VÌ MẸ HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG !


Khi chiêm ngắm và cầu nguyện với Mẹ, con chỉ thấy Mẹ hiền lành và khiêm nhường : hiền lành mọi nơi, mọi lúc, và khiêm nhường trong từng ý nghĩ, lời nói, việc làm.
Qủa thực, dọc suốt Tin Mừng, Mẹ Maria đã luôn xuất hiện  với tâm tình và cung cách của một con người hiền lành và khiêm nhường : hiền lành khi chào đón  sứ thần Gabrien, và khiêm nhường thân thưa cùng thiên sứ : Việc ấy xẩy ra thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ! (Lc 1,34) ; hiền lành nghe thiên sứ trấn an, và khiêm nhường xin vâng như lời thiên sứ truyền, vì tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa (Lc 1,38). Vượt núi đồi đi thăm chị họ Êlisabét vừa được Thiên Chúa ban cho hồng ân làm mẹ dù tuổi đã cao (x. Lc 1,5-25).  Mẹ đã rất mực hiền lành và khiêm nhường trước lời ca ngợi rất chính đáng của bà chị họ, khi vừa thấy Mẹ :
Em được chúc phúc hơn mọi phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng (Lc 1,42-44), để rồi thay vì tự phụ, kiêu căng nhận hết vinh dự cho mình, Mẹ đã hiền lành và khiêm nhường cất lời ca tụng Thiên Chúa, Đấng đã đoái thương phận nữ tỳ hèn mọn …, và hằng thương xót những ai kính sợ Người (Lc 1, 48.50).  Những ngày trước khi hạ sinh Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ muôn dân, Mẹ hiền lành, khiêm nhường một mực vâng  lời chồng rời Nadarét miền Galilê lên thành vua Đavít tức Bêlem, miền Giuđê, ở đó Mẹ đã sinh con trong thiếu thốn tận cùng, đến nỗi phải đặt con nằm trong máng cỏ, vì không tìm được chỗ trong nhà trọ (Lc 1,2,4.7). Không hiền lành và khiêm nhường, làm sao Mẹ có thể chấp nhận sinh con trong hoàn cảnh rất thiếu thốn, tồi tệ, mà không nổi nóng, tức giận ? Ngày dâng con cho Thiên Chúa qua nghi thức cắt bì như Luật định, Mẹ đã đứt ruột khi nghe lời tiên tri của cụ già Simêon : Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng. .. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà (Lc 2,34-35). Hỏi người mẹ nào nghe những lời xui xẻo về tương lai con mình, mà không bực bội phủ nhận, phản đối, nghi ngờ ? Nhưng Mẹ hiền lành và khiêm nhường, đã không khó chịu với cụ già Simêon, càng không to tiếng biện bác, thanh minh, nhưng đằm thắm, nhẹ nhàng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng (Lc 2,51), như lần Đức Giêsu, Con Mẹ khi tròn  mười hai tuổi đã tự ý tách đoàn hành hương, và gia đình, để một mình ở lại Đền Thờ Giêrusalem, ngồi giữa các thày dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi (Lc 2,46), trong khi Mẹ và thánh Giuse hốt hoảng, lo âu đi tìm khắp nơi suốt ba ngày (x. Lc 2, 41-52).
Đó là những tháng năm của Nadarét ẩn dật. Đến ngày Đức Giêsu thi hành sứ mệnh Cứu Thế, Mẹ vẫn hiền lành, khiêm nhường dong duổi trên đường truyền giáo với Con Mẹ, như khiêm nhường trước lời ca tụng của người phụ nữ giữa đám đông : Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú, và hiền lành không cho là xúc phạm, khi Đức Giêsu, Con Mẹ đỡ lời người phụ nữ : Đúng hơn phải nói rằng : Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa (Lc 11,27-28). Cũng như có lần, người ta nói với Đức Giêsu : Thưa Thầy, có Mẹ và anh em, chị em  Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy !. Nhưng Người đáp lại : Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ? Rồi người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh  và nói : Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em, là mẹ tôi (Mc 3,31-35). Nghe thế, lẽ ra Mẹ phải phản ứng với chút bất bình, nhưng hoàn toàn ngược lại, Mẹ hiền lành, khiêm nhường đón nhận Lời Thiên Chúa từ miệng Con mình với lòng yêu mến, vâng phục. Đặc biệt ở tiệc cưới Cana, dù chính Mẹ đã xin Đức Giêsu làm phép lạ để gỡ cho đôi tân hôn và gia đình hai họ khỏi bàn thua trông thấy, vì hết rượu giữa tiệc cưới linh đình, nhưng Mẹ đã khiêm tốn ẩn mình phía sau, hiền lành, thân thiện chia sẻ công việc phục vụ với gia nhân trong bếp, đến nỗi chỉ  vài người được biết bàn tay Mẹ đã can thiệp xin Chúa cứu giúp làm phép lạ hóa nước thành rượu ngon (x. Ga 2,1-11).
Và trên đường thánh giá, Mẹ cũng vẫn hiền lành và khiêm nhường theo Con từng bước đau đớn, nhục nhằn cho đến đỉnh đồi Canvê, nơi Con Mẹ giang tay chịu đóng đinh tức tưởi chết trần truồng. Ai là mẹ lại có thể hiền lành đến độ lặng lẽ đứng đó nhìn con vô tội chịu chết oan uổng, mà không một lời than trách, lên án, nguyền rủa ? (x. Ga 19,25-27). Ai là mẹ lại có thể khiêm nhường trước yên lặng bỏ rơi đến rùng mình của Thiên Chúa, khi nghe Con mình nức nở, thì thào giờ hấp hối : Lậy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ con ? (Mt 27,46), mà không bất mãn, nổi lọan ?  
Sau cùng, ở giữa và đồng hành với nhóm các Tông Đồ (x. Cv 1,14), và cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, sau khi Chúa Giêsu về trời, Mẹ luôn hiện diện với cung cách của người Mẹ hiền lành và khiêm nhường, để với ơn Chúa Thánh Thần, Tin Mừng của Con Mẹ lan toả khắp nơi, đến với mọi dân tộc ở mọi thời.
Thực vậy, ở Nadarét, Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa đã dậy con trẻ Giêsu sống hiền lành, khiêm nhường là bài học nhân bản nền tảng, vì Mẹ biết người  tốt phải là người hiền lành và khiêm nhường, bởi kẻ hung bạo, kiêu căng, bợm trợn, trâng tráo, huyênh hoang, tự cao tự đại không bao giờ có thể được coi là người tốt trong xã hội, vì họ chỉ sống cho mình, mà không sống cho tha nhân, chỉ tìm mình mà không nghĩ đến hạnh phúc của anh em, chỉ thu quén, vun xới cho mình, mà vô cảm, dửng dưng trước nhu cầu của người khác. Dậy con trẻ Giêsu hiền lành và khiêm nhường, Mẹ không muốn Con mình học theo thói đời nâng mình lên bằng cách đạp người xuống. Đạp người xuống càng sâu, mình càng dễ lên cao, nên người đời ra sức đạp đổ người khác bằng rình mò, soi bói, bới móc, chỉ trích, phê bình, tung tin hạ uy tín, nặc danh gieo tin đồn thất thiệt phá hoại danh dự bản thân, hạnh phúc gia đình, an sinh, sự nghiệp. Mẹ cũng dậy em bé Giêsu đừng tìm chỗ quan trọng nơi công cộng ; đừng lân la đến người có chức có quyền, giầu có, sang trọng để tìm danh lợi, ảnh hưởng ; đừng khoe khoang công đức, tài năng ; đừng sửa giọng sửa tướng để tỏ ra mình là người quan trọng, không thể thay thế ; đừng hống hách, hà khắc, quát tháo long trời lở đất thách thức, đe dọa ; đừng thượng đội hạ đạp, hèn với quan trên, ác với dân lành, thái độ mà ở đâu và thời nào cũng đáng khinh, đáng trách ; đừng ỷ mình có tài, nhiều của, và không coi ai ra gì; nhất là đừng quên ơn Trời, ơn người hằng bao bọc, ấp ủ đời mình. Và con trẻ Giêsu đã thuộc lòng và thực hành bài học nhân bản nền tảng này, và chính Ngài đã dậy bài học đó cho  các môn đệ của Ngài khi tuyển chọn các ông : Anh em hãy học với Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng (x. Mt 11,29).
Mẹ còn là thầy dậy sống nhân đức, khi xác tín qua đời mình : hiền lành và khiêm nhường là nền tảng của tất cả các nhân đức, bởi thiếu hiền lành, người ta sẽ nghiêng chiều theo bạo lực, và  không khiêm nhường, kiêu căng sẽ chiếm đóng tâm hồn, mà Kiêu Căng và Bạo Lực là bản chất của Satan và bè lũ.  
Nhưng hơn tất cả, Mẹ khẳng định qua đời sống của Mẹ : hiền lành, khiêm nhường là chân móng  vững chắc xây đời sống Đức Tin. Chính vì hiền lành và khiêm nhường, Mẹ đã vững tin vào Lời Hứa của Thiên Chúa, mà không một  phút giây  bực dọc, phản ứng tiêu cực hay ngông cuồng nổi loạn, dù Lời Hứa ấy đã có những lúc tưởng như  không  có thực, mà chỉ là những lời ngon ngọt, dối trá, như bà chị họ Êlisabét đã khen ngợi Mẹ : Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em (Lc 1,45). Phúc Mẹ có đây, chính là trái tim hiền lành và tâm hồn khiêm nhường tuyệt vời !
Mẹ nhìn thấy trên hành trình Xin Vâng của Mẹ : hiền lành, khiêm nhường là điều kiện không thể thiếu của Đức Ái, vì không thể nhẫn nhục, nhân hậu, không ghen tương, không nóng giận, không nuôi hận thù, nếu không hiền lành ; không thể không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không mừng khi thấy sự gian ác, nếu không khiêm nhường (x. 1 Cr 13,4-6), bởi kẻ kiêu ngạo thì luôn muốn cưỡi đầu cưỡi cổ người khác ; chiếm đoạt, sở hữu moị sự, mọi người cho danh - lợi - thú riêng mình ; vì suốt đời kẻ kiêu căng, hung dữ chỉ  nuôi một ước mơ duy nhất là khuynh đảo, thống trị, khống chế mọi người  để mọi người phục vụ mình. Và như thế, không hiền lành, khiêm nhường, không ai có thể tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả, như Đức Ái đòi hỏi (1 Cr 13,7).     
Mẹ chứng minh qua chọn lựa tín thác vào Thiên Chúa, Đấng đã hứa cùng cha ông chúng tanhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời của Mẹ (Lc 1 55) : hiền lành, khiêm nhường là ngọn gió của Chúa Thánh Thần cho niềm Hy Vọng bay lên cao, vì không hiền lành, không ai có thể hy vọng Nước Trời là của họ khi chấp nhận nghèo khó vì Nước Trời ; hy vọng được Thiên Chúa ủi an, cho thoả lòng khi vui lòng chịu sầu khổ, và vất vả đi tìm sự công chính ; hy vọng được nhìn thấy Thiên Chúa, và được Thiên Chúa xót thương khi giữ tâm hồn trinh trắng, lương thiện, và thương xót anh em. Không khiêm nhường, ai sẽ có thể nuôi niềm hy vọng là con Thiên Chúa, được Nước Trời làm quê hương vĩnh cửu, và phần thưởng lớn lao trong Vương Quốc thiên đàng, khi chịu đựng mọi vu khống xấu xa, sỉ nhục cay đắng, lăng mạ tủi hổ, đàn áp thương đau, bách hại đẫm máu (x. Mt 5,3-12).
Không những thế, Mẹ còn qủa quyết qua cuộc đời người Kitô hữu thứ nhất và tuyệt vời nhất của Mẹ : hiền lành, khiêm nhường là điều kiện để đón nhận Hồng Ân Chúa ban, vì Chúa chỉ thương người hiền lành, khiêm nhường, và chống lại kẻ hung dữ, kiêu căng ; hạ bệ những ai quyền thế, nâng cao mọi kẻ khiêm nhường (Lc 1,52), vì ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên (Lc 18,14).
Học với Mẹ, Đức Giêsu, Con Mẹ đã tiếp tục dậy các môn đệ và nhân loại bài học quan trọng hiền lành và khiêm nhường mà Ngài đã học ở Mẹ, để Giáo Hội của Ngài trở thành tập thể những người hiền lành và khiêm nhường ở mọi thời, mọi nơi được Chúa Cha yêu thương, như toàn thể các Thánh là những bông hoa hiền lành và khiêm nhường rực rỡ vườn hoa thiên đàng ; như người đàn bà ngoại đạo xứ Ca-na-an đã hiền lành, khiêm tốn thưa với Đức Giêsu : Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống, mặc dù Ngài đã nói với bà : Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con, khi bà đến bái lậy và nài xin Ngài thương xót cứu giúp chữa con gái bà bị quỷ ám rất khổ sở (x. Mt 15,21-28) ; hay như ông đại đội trưởng ngoại giáo đã khiêm tốn thân thưa với Đức Giêsu : Lậy Ngài, tôi chẳng đáng đón rước Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài phán một lời, thì đầy tớ tôi sẽ được lành bệnh (Mt 8,8), và như hàng hàng lớp lớp những giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân, và những người thành tâm đi tìm Chúa đang âm thầm sống Hiền Lành, và Khiêm Nhường như đòi hỏi của Tin Mừng. Các vị là những người đã nhận ra hiền lành và khiêm nhường chính là biết đón nhận ơn sủng với lòng yêu mến, biết ơn ; biết dùng tất cả tài năng Chúa ban để phục vụ mọi người (x. Mt 25,14-30) ; biết làm việc với thái độ và tâm tình của người đầy tớ trung tín nhưng vô dụng, chỉ biết làm công việc được Chủ trao với lòng tín thác (x. Lc 17,10).  
Lậy Đức Maria, Mẹ rất hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu và của mỗi người chúng con !
Xin Mẹ ban cho chúng con trái tim hiền lành và tâm hồn khiêm nhường giống như Mẹ, để đáng được Chúa thương xót cứu độ, vì không trở nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời (Mt 18,3), mà trẻ nhỏ vì bé nhỏ nên hiền lành, khiêm nhường và luôn được Chúa yêu thương.
Jorathe Nắng Tím