“Rượu làm phấn khởi tâm hồn” là
châm ngôn của mọi dân tộc, vì thực sự phải có chút men thì tình nghiã mới nồng
nàn, chuyện trò mới rôm rả, và người ta mới tự nhiên, hồn nhiên trút bầu tâm sự.
Bữa tiệc không rượu thường lạt miệng và kéo theo nhạt lòng.
Không ai chối cãi được sức bốc, độ say của rượu. Nó không chỉ bốc người
uống lên đến trời mà còn kéo luôn cả trời xuống với người uống. Nó không chỉ
làm say người uống mà làm cả trời đất quay cuồng say theo. Rượu có sức mở được
miệng người ít nói, mở được lòng người “nhát gan, hay mắc cở”, vì có rượu vào
là lời ra, có chút men là oang oang làng xóm.
Vấn đề ở đây không phải uống ít
hay uống nhiều, nhưng là uống đến nghiện để rượu không còn công dụng làm phấn
khởi mà phản tác dụng cầy bới “lục phủ ngũ tạng”. Từ uống ít đến uông nhiều, từ
uống nhiều đến nghiện bước chân rất ngắn;
ngắn đến ít ai ngờ, nên mới ra nông nỗi biến thành “ma men” lúc nào không hay
biết.
Nghiện rượu là căn bệnh của thời đại. Có nhiều nguyên nhân đưa đến nghiện.
Có thể do buồn chán vợ con, thất bại trong công ăn việc làm, thất thế, thất
tình nên mượn rượu quên đời, quên người. Nhưng
cũng có thể nghiện vì ham vui, thích tụ tập, gầy xòng: “uống có chiến hữu,
nhậu có bạn hiền”. Cứ nhìn các quán nhậu Sàigòn vào những buổi chiều, bất kể chiều nay hay chiều
cuối tuần, ta sẽ được dịp gặp các chiến hữu nam nữ mặt đỏ gay, tay nâng ly, miệng
hét khẩu hiệu “Dô” inh ỏi. Các bạn ấy đang say xỉn và không lâu sẽ trở thành những
tay nghiện thời đại. Nhìn họ say mèm, hét hò thoải mái, ai bảo họ thất bại, thất
tình?
Như thế, nguyên nhân đưa đến nghiện thì phong phú vì trong thực tế, người
ta muốn nghiện là nghiện, đâu cần phải buồn hay vui, thành công hay thất bại,
giầu hay nghèo, nam hay nữ, già hay trẻ…
Người nghiện rượu cũng như người nghiện những thứ khác chỉ thích thứ
mình nghiện và làm mọi cách để có được thứ mình đam mê. Nghiện rượu là đam mê, nhưng là đam mê xấu, đam mê nguy hại
cho sức khoẻ, gia đình, xã hội. Trước hết là nguy hại cho chính bản thân người
nghiện rượu:
a.
Người nghiện rượu
mất khả năng nhận ra những tương quan một cách bình thường. Thí dụ: say xỉn rồi
thì chẳng còn biết ai vào ai. Gặp ai cũng xớn xác, bi bô, huyên thuyên đủ chuyện
chẳng đầu chẳng đuôi. Thấy ai cũng lăng
xăng niềm nở nhưng chẳng biết họ là ai, tên gì, rồi cứ thao thao “tỏ tình, thề
hứa, thanh minh thanh nga” mà chẳng để ai nói, cũng không cho ai hiểu mình đang
muốn nói gì
b.
Người nghiện rượu
không làm được công việc đến nơi đến chốn. Họ chỉ bắt đầu rồi bỏ dở dang
c.
Họ cho mình quyền
đánh giá mọi người, mọi việc và rất lệch lạc trong phán đoán, định giá.
d.
Họ mất khả năng
tâm giao.
e.
Người nghiện rượu rơi vào hai thái cực, hoặc cực
kỳ trách nhiệm, hoặc hoàn toàn buông thả.
Để giúp họ, cần khơi dậy tuổi thơ và những biến cố
trong quá khứ, vì có thể đây là nguyên nhân sâu xa đã đưa họ đến nghiện rượu.
Giúp họ thoải mái bộc lột tình cảm, nhu cầu, ý kiến và tạo cho họ không gian giải
trí, chơi đuà. Âm nhạc, thể thao, gặp gỡ người thân là những phương cách hữu hiệu
giúp họ lấy lại thăng bằng tâm lý. Cùng với họ thiết lập chương trình sinh hoạt
cụ thể từng ngày. Giúp họ tìm lại lòng tự tin và học biết nhận lãnh chứ không
chỉ cho đi. Đồng hành bằng cách tôn trọng những sáng kiến tốt và lành mạnh của
họ cốt để họ thấy: họ còn nhân cách và
nhiều giá trị; bởi không có gì là tận số và không thể cứu vãn.
Đó là câu chuyện của người nghiện, ở đây ta không đi
sâu hơn vào vấn đề này, bởi mục tiêu của bài viết là những khó khăn của em bé
khi gia đình có người nghiện rượu, nhất là khi người ấy lại là chính cha hay mẹ
của em.
Như đã nói ở trên, người nghiện rượu mất thăng bằng
tâm lý và không nhận ra một cách bình thường những tương quan. Vì thế, khi cha
hoặc mẹ nghiện rượu, em bé sẽ chịu hậu qủa đầu tiên là không được mẹ hay cha nhận
ra đúng như em là; vì khi trong đầu có
men rượu, chưa chắc cha, mẹ đã nhận
ra em là con… Chỉ nguyên một chuyện không nhận ra con mình một cách bình thường
thôi, em bé đã chịu bao nhiêu thiệt thòi rồi,
chưa kể em phải sống trong bầu
khí lúc nào cũng căng thẳng, sợ hãi, xấu hổ, bất ổn, cô đơn với mặc cảm đồng
loã.
Em sẽ luôn sợ hãi
tính khí bất thường, vui buồn bất chợt của cha, mẹ; nhất là khi không có
rượu và cơn nghiền hành hạ. Nhiều gia đình đã là bãi chiến trường “non stop” vì
những mâu thuẫn không thể giải quyết do “ma men” gây ra. Em sẽ mang tình cảm xấu
hổ vì có cha, mẹ say xỉn trước người khác và luôn phải tìm cách ém nhẹm, che dấu
bằng yên lặng. Sự bó buộc yên lặng trở nên nguyên nhân của ức chế sẽ đè nặng
tâm tư em và tạo nên mất quân bình tâm sinh lý. Tình trạng không an toàn khi ở
bên người cha, người mẹ nghiện rượu cũng tạo thêm áp lực trong cuộc sống. Tất cả
dồn em vào một góc riêng nhỏ bé còn lại của nội tâm và em sẽ khép kín, ẩn mình
trong cô đơn, mặc cảm
Người ta dễ nhận ra tình trạng xuống tinh thần và mất
thăng bằng của em khi thấy em thường xuyên mất ngủ, đầu óc khó tập trung, chậm
lớn, lo lắng nôn nao, sợ sệt, dễ nổi nóng, hay tức giận, học hành trễ nải. Những
cơn đau bụng, nhức đầu cũng thường xuyên xẩy ra như phản ứng tất nhiên của sinh
lý khi tâm lý bị giao động mạnh.
Để giúp em bé ra khỏi
khủng hoảng khi có cha, mẹ nghiện ruợu, ta có thể:
a.
Nói chuyện nhiều
với em và khẳng định: em không có lỗi gì trong việc nghiện rượu của cha, mẹ và hoàn toàn không đồng loã tạo nên
tình trạng căng thẳng, mâu thuẫn trong gia đình. Ở vào hoàn cảnh này, em bé dễ
mang mặc cảm tội lỗi là đã góp phần làm cho tình trạng thêm xấu. Sở dĩ em có mặc
cảm này, là vì vô thức đã khẳng định thay em trách nhiệm của con đối với cha mẹ.
Vì thế, việc làm đầu tiên là lấy em ra khỏi mặc cảm đ ồng loã của “vô thức” để có một lương tâm bình an.
b.
Tạo dịp cho em
được nói hết những ý nghĩ còn tồn đọng trong đầu và tình cảm còn ứ nghẹn trong
tim. Nói hết là cách tốt nhất để được nhẹ lòng, nguôi ngoai.
c.
An ủi bằng cách
trấn an: em không phải là trường hợp duy nhất, nhiều em bé khác cũng rơi vào
hoàn cảnh như em.
d.
Củng cố nơi em lòng tự tin.
e.
Giúp em tạo nhiều
liên đới thân thiện, tin tưởng trong gia tộc, làng xóm, trường học.
f.
Bảo đảm an toàn
cho em bằng tạo một nhóm người có uy tín và được em tin tưởng để thường xuyên chia sẻ, thăm nom em.
Làm con của cha hay mẹ nghiện rượu, em bé phải gánh chịu
cả một “gia sản” tai ương. Em không được một tuổi thơ đẹp, có cha mẹ âu yếm,
yêu thương, chăm nom, săn sóc đã đành mà còn phải lấm lét, sợ hãi, trốn tránh
những cơn giận điên khùng của cha, mẹ khi các vị say xỉn, hay cơn nghiền nổi
lên. Em mất hẳn tuổi thơ bình an khi không khí gia đình hoà thuận, yêu thương
đã bị rượu lấy đi, vì sở trường của người nghiện rượu là không để ai yên, nhưng phải quậy phá,
gây sự, kiếm chuyện với mọi người; chưa nói đến
nhiều trường hợp người nghiện xử
dụng bạo lực để xâm phạm, làm tổn thương người khác.
Ước mong các gia đình trẻ ý thức tai hại của nghiện rượu
và nỗi bất hạnh của những đứa con có cha mẹ thường xuyên say xỉn vì nghiện rượu.
Số người Việt Nam bị đau gan vì uống ruợu ngày càng cao như hồi chuông cảnh báo
nguy cơ đang kề cận. Đành rằng nhiều khi
phải uống vì giao tế, nghề nghiệp, nhưng
uống như một đam mê, một nhu cầu, một thói quen không thể bỏ thì qủa thực người
ta đã nhắm mắt liều mạng uống để sớm được
“tiêu diêu miền cực lạc”. Uống như thế còn gì là uống để sống và rượu đâu còn
làm “phấn khởi tâm hồn”, như điều vốn ước mong.