Có nhiều hiện tượng đặt chúng ta trước
vấn nạn: Có ma quỷ không? Khi nghe người này kể chuyện bị ma nhát, người kia
mô tả cảnh bị quỷ nhập rồi hành hạ, dằn vặt, người khác quả quyết đã thấy
bóng ma, dáng quỷ, chúng ta ít nhiều không tránh khỏi tâm trạng hoảng sợ. Sợ ma
quỷ nhiễu hại, hoang mang không biết phải đối phó thế nào, nếu ma quỷ “kiếm
chuyện”, là tình trạng tâm lý phát sinh từ thực trạng “không biết gì về chúng”.
Không biết ma quỷ là ai, chúng làm gì, nên sợ nếu phải đối đầu; không nắm vững
lý lịch, hành tung của ma quỷ, nên hoảng hốt, mất hồn thiết tưởng cũng là
chuyện bình thường, tự nhiên.
Kinh
Thánh giải thoát chúng ta khỏi tình trạng sợ ma quỷ, bằng phơi bày hình dạng,
bản chất, ý đồ, cũng như hoạt động của chúng.
1.
Ma quỷ trong Cựu ước
a. Ma quỷ cám dỗ Nguyên tổ theo sách Sáng thế
Trình
thuật sa ngã của nguyên tổ Ađam và Evà trong sách Sáng thế mặc khải sự có mặt của
Satan, thủ lãnh ma quỷ. Satan xuất hiện dưới hình dạng rắn khi ông bà nguyên tổ
đang hạnh phúc trong địa đàng, ở đó có Thiên Chúa hằng ngày thong thả đi dạo,
trò chuyện với loài người, để cám dỗ ông bà trái lệnh Thiên Chúa:
“Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật
ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: “Có
thật Thiên Chúa bảo: “Các ngươi không được ăn hết trái cây trong vườn không?”.
Người đàn bà trả lời: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái
trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: Các ngươi không được ăn, không được
động tới, kẻo phải chết”. Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu!
Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông
bà sẽ trở nên như những vị thần biết điều thiện điều ác”. Người đàn bà thấy
trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được
tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình;
ông cũng ăn. Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: Họ mới
kết lá vả làm khố che thân” (St 3,1-7).
Rắn là
Satan đã thành công trong công cuộc cám dỗ Evà, và qua Evà, Ađam đã cùng vợ ăn
trái Thiên Chúa cấm. Hậu quả là nguyên tổ bị Thiên Chúa trục xuất khỏi vườn địa
đàng (St 3,23), mất hết tình nghĩa với Thiên Chúa, sống vất vả, đau khổ, phải
chết (St 3,17-19).
Trình
thuật đã vẽ hình dạng của Satan: một loài xảo quyệt, có ý đồ chống phá công
trình tốt đẹp của Thiên Chúa làm cho loài người; khéo miệng, Satan dụ dỗ, tán
tỉnh, mồi chài và lôi kéo Evà nghe lời hắn hái trái cấm đưa cho chồng cùng ăn,
khi khinh mạn và bất tuân huấn lệnh của Thiên Chúa: Trái trên cây ở giữa vườn,
“các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết” (St 3,3).
Như thế, bản chất của ma quỷ là xảo quyệt. Mục tiêu
của ma quỷ là cắt đứt tình nghĩa giữa Thiên Chúa và con người để con người phải
bất hạnh. Hoạt động của ma quỷ là cám dỗ con người phản nghịch, bất tuân lệnh
Thiên Chúa bằng những lời phỉnh gạt ngon ngọt, những lý luận trôi chảy, những
hứa hẹn hấp dẫn.
b. Ma quỷ theo sách Gióp
Sách ông
Gióp nói lên cuộc thử thách con người của ma quỷ, sau khi được phép của Thiên
Chúa: “Xưa ở đất Út có một người tên là Gióp. Ông là một con người vẹn toàn và
ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác. Ông sinh được bảy người con
trai và ba người con gái. Ông có một đàn súc vật gồm bảy ngàn chiên dê, ba ngàn
lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái và một số rất đông tôi tớ. Ông là người
giàu có nhất trong các con cái ở phương Đông” (G 1,1-3). Một ngày kia, Satan
đến trình diện Thiên Chúa. Thiên Chúa phán với Satan: “Ngươi có để ý đến Gióp,
tôi tớ của ta không? Thật chẳng có ai trên cõi đất này giống như nó: một người
vẹn toàn, ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và xa lánh điều ác!”. Nhưng Satan thưa
với Thiên Chúa rằng: “Có phải Gióp kính sợ Thiên Chúa mà không cầu lợi chăng?”
(G 1,6-9). Thâm ý của Satan là muốn phá bỏ lòng trung tín của Gióp đối với
Thiên Chúa khi đề nghị Thiên Chúa cho phép hắn thử thách Gióp bằng cách lấy đi
hết tài sản, của cải, đàn súc vật, tôi tớ, con cái, cháu chắt của ông (G
1,11-19).
Trước những mất mát tang thương cả của cải, lẫn
nhân mạng, Gióp vẫn một lòng trung thành với Thiên Chúa: Ngay trong cơn túng
quẫn, bi thảm của thử thách, Gióp “sấp mình xuống đất, sụp lạy Thiên Chúa và
thân thưa: Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng.
Chúa đã ban, Chúa lại lấy đi. Con đây xin chúc tụng danh Ngài” (G 1,20-21).
Không lung
lạc được lòng trung thành, kính sợ Chúa của Gióp dù đã dùng độc chiêu đốt hết
nhà cửa, chiên bò, và giết hết thân nhân, tôi tớ, Satan lại xin phép Thiên Chúa
“đánh vào xương vào thịt nó xem, chắc chắn là nó sẽ nguyền rủa Ngài thẳng mặt”
(G 2,5). Thiên Chúa cho phép Satan, nhưng cấm không được đụng chạm đến mạng
sống của Gióp (G 2,6). Được phép của Thiên Chúa, “Satan hành hạ ông Gióp, khiến
ông mắc phải chứng nhọt ác tính từ bàn chân cho tới đỉnh đầu. Ông ngồi giữa
đống tro, lấy mảnh sành mà gãi” (G 2,7-8). Vợ ông thĩa bãi và xúi ông đừng
trung thành với Thiên Chúa nữa. Bạn bè thân tín đến thăm, chẳng ai nhận ra ông.
Tất cả đều cảm thương nỗi đau khổ quá lớn của ông. Thế mà ông vẫn một mực trung
tín và ngợi khen Thiên Chúa, đồng thời khuyên nhủ vợ: “Chúng ta đón nhận điều
lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (G 2,10).Sau
cùng thì Thiên Chúa đã khôi phục tài sản cho ông và “cho ông nhiều hơn gấp đôi
những gì ông đã có trước đây” (G 42,10).
Câu chuyện ông Gióp khẳng định:
· Ma quỷ
được phép thử thách con người. Chúng có thể lấy đi vật chất, gây bệnh tật, làm
hoang mang, khủng hoảng với mục đích đẩy con người vào tuyệt vọng, nguyền rủa,
từ chối Thiên Chúa.
● Ma quỷ
rất “quan tâm, để ý” tới những tôi tớ trung thành, những tín hữu đạo đức, những
tâm hồn thánh thiện, những người thuộc về Thiên Chúa cách đặc biệt, và hăng hái
quấy nhiễu, quậy phá những người tốt lành này, vì đánh gục được một người thánh
thiện, chúng sẽ cướp đi gấp bội các linh hồn, vì yếu đuối, sa ngã của người
“đạo đức” gây nhiều ảnh hưởng tai hại cho cộng đoàn hơn những người vốn khô
khan, nguội lạnh khác.
● Ma quỷ
không được phép làm hại hay lấy đi sự sống của con người, vì sự sống hoàn toàn
thuộc quyền Thiên Chúa, chỉ duy một mình Ngài có quyền ban hay lấy đi. Chúng có
thể đụng chạm đến của cải, thân xác, nhưng tuyệt đối không được đụng tới mạng
sống con người, như lệnh truyền của Thiên Chúa: “Ngươi phải tôn trọng mạng sống
của nó” (G 2,6).
● Ma quỷ
được Thiên Chúa dùng để thử thách lòng trung tín của con người đối với Ngài, và
ai trung thành đến cùng, sẽ được Ngài cứu độ và ban dồi dào mọi hồng ân.
c. Ma quỷ trong các sách khác của Cựu ước
· Sách Đệ
Nhị Luật và Lêvi, cũng như Xuất hành đều nói lên sự hiện diện của ma quỷ và
việc làm của chúng. Đó là những việc làm ghê tờm trước mắt Thiên Chúa, vì là sự
chối bỏ Thiên Chúa và quay về với Satan:
● “Giữa anh
em, không được thấy ai làm lễ thiêu con trai hoặc con gái mình, không được thấy
ai làm nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thủy, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi
cốt, chiêu hồn. Thật vậy, hễ ai làm điều ấy thì là điều ghê tởm đối với Đức
Chúa” (Đnl 18,10-12).
● “Các
ngươi không được hướng về tà thần...” (Lv 19,4) “Không được đến với các người
ngồi đồng ngồi bóng, và không được hỏi ý kiến chúng, kẻo vì chúng mà ra ô uế”
(Lv 19,31).
● “Đàn bà
phù thủy, ngươi không được để cho sống” (Xh 20,17)
Tóm lại,
ma quỷ và việc làm của ma quỷ trong Cựu ước là sự chống phá, phạm thượng, ghê
tởm đối với Thiên Chúa, mà bất cứ ai tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa Giavê đều
phải triệt để tránh xa, từ bỏ, bởi ma quỷ làm rối loạn đời sống, làm ô uế tâm
hồn, xúi bẩy con người đi ngược lại Giao ước.
2.
Ma quỷ trong Tân ước
a. Đức Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ
(Mt 4,1-11; Mc 1,12-13; Lc 4,1-13)
Tân ước
quả quyết sự có mặt hoạt động của ma quỷ trong thế giới loài người khi chính
Đức Giêsu để cho ma quỷ cám dỗ Ngài. Cả ba Tin mừng Nhất lãm đều đề cập đến
cuộc cám dỗ, nhưng xúc tích, đầy đủ hơn cả là Tin mừng theo Luca:
“Đức
Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người
được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy,
Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. Bấy giờ quỷ
nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh
đi!”. Nhưng Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta không sống không
chỉ nhờ cơm bánh”. Sau đó, quỷ đem Đức Giêsu lên cao, và trong giây lát, chỉ
cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông
toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy
đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy, nếu ông bái lạy tôi, thì
tất cả sẽ thuộc về ông”. Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải
bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà
thôi”.
Quỷ lại
đem Đức Giêsu đến Giêrusalem, và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người:
“Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng dậy mà gieo mình xuống đi! Vì có lời chép
rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Bấy giờ Đức
Giêsu đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa, là Thiên Chúa của
ngươi”.
Sau khi
đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ” (Lc 4,1-13).
Trong
trình thuật này, ma quỷ đã tỏ ra là một chuyên viên cám dỗ cực giỏi, một sư tổ
mồi chài, xúi giục loài người, và ba mũi nhọn được ma quỷ sử dụng để lôi cuốn
con người đi theo chúng là:
Ham muốn hưởng thụ vật chất
“Nếu ông
là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!” (Mt 4,3).
Là con người, ai cũng có nhu cầu sinh tồn, hiện
hữu. Vì nhu cầu này, mà khuynh hướng ích kỷ muốn chiếm đoạt tất cả cho mình
phát sinh. Khuynh hướng ích kỷ sẽ biến con người thành tham lam, tìm kiếm thú
vui, và hưởng thụ vô độ vật chất.
Ma quỷ
biết rất rõ tham lam là điểm yếu của mỗi người, nên cám dỗ con người chạy theo
vật chất, để không còn quan tâm đến tinh thần, bỏ bê việc tìm kiếm Nước Thiên
Chúa, và những giá trị thực tại thiêng liêng. “Không bao giờ đủ” là yếu đuối cố
hữu của con người, nên lòng tham trở thành không đáy, có bao nhiêu cũng không
vừa, ki cóp, góp nhặt bao nhiêu cũng còn thiếu. Tính tham lam, hà tiện làm con
người trở nên ích kỷ, chỉ nghĩ về mình, cho mình, mà quên mọi người chung
quanh, quên nghĩa vụ bác ái, chia sẻ, quên bổn phận tương trợ, yêu thương.
Khát khao được vinh quang
Là người,
ai cũng khao khát được yêu thương, và được nhận biết. Khẳng định chính mình
trước người khác, trong tình yêu của người khác là hạnh phúc lớn của con người,
bởi “cái tôi” sâu xa là “cái tôi” được nhìn nhận, yêu mến, “cái tôi” có khả
năng sáng tạo các tương quan, liên đới. Nhưng khi ước muốn chính đáng này bị
lệch lạc, nó sẽ biến thành khao khát được mọi người ngưỡng mộ, thần tượng, ca
tụng, vinh danh. “Cái tôi” ích kỷ, tham lam, đi xa hơn đến “cái tôi” khát lời
khen, đói danh vọng. Lòng ham muốn được vinh danh, cơn khát khao được ca tụng
trở thành động lực cho mọi hoạt động, nhưng cùng lúc, nó làm tê liệt mọi khả
năng thăng tiến trên hành trình thánh thiện của chủ thể. Bởi khi tìm vinh quang
cho mình, người ta quên làm vinh danh Thiên Chúa là mục đích của đời sống con
người.
Ma quỷ biết con người háo danh, thích được vinh
quang, ca ngợi, nên dọn sẵn vinh quang, danh lợi để nhử con người tìm danh
mình, thay vì tìm vinh quang Thiên Chúa, tìm tiếng tăm mình, thay vì làm cho
tiếng Chúa được mọi người lắng nghe, tìm uy danh mình, thay vì làm “danh Cha cả
sáng”.
Tham vọng quyền lực
Vì muốn
trao trách nhiệm làm chủ, và làm đẹp trái đất cho con người, Thiên Chúa đã căn
dặn con người: “Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị
mặt đất” (St 1,28), nhưng rất tiếc, khuynh hướng muốn thống trị tất cả bằng
quyền lực, bằng tiền bạc, hay bằng kiến thức lại là một thúc bách tiềm tàng và
mãnh liệt trong con người, để mục đích yêu mến, tôn vinh Thiên Chúa khi làm chủ
mà Thiên Chúa đã căn dặn không còn được con người tuân giữ, khi ai cũng muốn
làm chủ người khác, cũng muốn có quyền trên người khác, và rất khó khăn, vất vả
khi phải phục tùng, vâng lời, chịu đựng người khác.
Quyền lực
là khao khát sôi nổi nhất nơi con người. Nó phát sinh do tính kiêu căng, muốn
vượt trội, bá chủ. Người ta có thể chịu mất của cải, nhưng không để mất quyền
vào tay người khác. Quyền lực là sức mạnh thu hút, lôi cuốn kinh khủng, vũ bão
nhất. Nó có thể biến con người ra điên cuồng vì mê say quyền lực, và làm con
người trở nên tàn ác, dã man hơn tất cả các loài ác thú, khi đi vào trận chiến
tranh giành quyền lực. Nó thể hiện qua ước muốn hoàn toàn độc lập, tự lập, tự
do đối với tất cả mọi mệnh lệnh hoặc từ Thiên Chúa, hoặc từ những người khác.
Thái độ độc tôn, độc tài, độc đoán là hệ quả không thể tránh của tham vọng
quyền lực phát sinh từ tính xấu kiêu căng, tự mãn.
Satan rất rành về mục kiêu căng này, khi dấy lên
cao trào “đòi ngang hàng Thiên Chúa”. Tính kiêu căng, ngạo mạn, khát quyền lực
đã đẩy hắn ra khỏi thiên đàng, để hỏa ngục từ nay là sào huyệt tăm tối của hắn
và bè lũ, ở đó chúng chỉ biết tranh giành, đấu đá vì kiêu căng, ghen tuông, thù
hận.
b. Đức Giêsu trừ khử ma quỷ (Mt 8,28-34; Mc 5,1-20; Lc 8,26-39)
Trừ quỷ
là một trong những sứ mệnh cứu thế của Đức Giêsu. Tin mừng kể lại rất nhiều
những lần Đức Giêsu trừ quỷ, bắt quỷ ra khỏi những người bị chúng ám. Rất nhiểu
trình thuật liên quan đến ma quỷ trong Tin mừng đã cho chúng ta nhiều bằng
chứng rõ ràng, không thể chối cãi về việc Đức Giêsu đã đánh bại vương quốc
Satan nhờ Thánh Giá. Qua sự chết và sống lại, Ngài đã phá tan vương quốc của ma
quỷ và thiết lập Vương Quốc Tình Yêu, Bình An, Hạnh Phúc của Ngài.
Sự việc
hai người bị quỷ ám được Đức Giêsu chữa lành được ghi lại tỉ mỉ trong cả ba Tin
mừng Mátthêu, Máccô và Luca cho chúng ta thấy quyền hành của ma quỷ dần dần bị
phá vỡ. Tuy thế, quyền lực tối tăm của thần dữ Satan và bè lũ ấy vẫn được phép
tiếp tục cho tới khi sự Cứu Độ chúng ta được hoàn tất: “Thiên Chúa chúng ta thờ
giờ đây ban ơn Cứu Độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và ĐứcKitô
của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính, vì kẻ tố cáo anh em của ta ngày
đêm tố cáo họ trước tòa Thiên Chúa nay bị tống ra ngoài” (Kh 12,10).
Chúng ta trở lại câu chuyện
hai người bị quỷ ám được Đức Giêsu cứu chữa: “Khi Đức Giêsu sang bên bờ bên
kia, và đến miền Gađara, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả chạy ra
đón Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy. Chúng la lên
rằng: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa đến lúc mà ông
đã đến đây làm khổ chúng tôi sao?”. Khi ấy từ đàng xa, có một đàn heo rất đông
đang ăn. Bọn quỷ nài xin Người rằng: “Nếu ông đuổi chúng tôi, thì xin sai chúng
tôi nhập vào bầy heo kia. Thế là tất cả bầy heo từ trên sườn núi lao xuống biển
và chết đuối hết” (Mt 8,28-32).
Như thế, Đức Giêsu đã công khai
cho chúng ta biết rõ về ma quỷ:
● Chúng có
mặt, hoạt động trong thế giới loài người và làm khổ con người. Bằng chứng là
chúng nhập vào hai người, làm cho họ trở nên hung dữ, bất hạnh phải sống ở
nghĩa trang, xa cách mọi người.
· Trong bối
cảnh này, chúng ta biết được quyền lực của Satan, mà Đức Giêsu gọi hắn là “Ông
hoàng của thế gian này.” (Ga 12,31; 14,30; 16,11). Thánh Gioan khẳng định:
“Toàn thể thế giới nằm dưới quyền lực của ác thần” (1Ga 5,19). Điều Ngài muốn
nói, đó là sự đối nghịch với Thiên Chúa của Satan. Là tổng lãnh thiên thần phản
nghịch. Hắn đã trở nên thủ lãnh độc ác nhất trong các ma quỷ. Tuy bị đuổi ra
khỏi thiênđàng, ma quỷ vẫn bị ràng buộc chặt chẽ về phẩm trật được ban khi
chúng còn là thiên thần phụng sự Thiên Chúa (Cl 1,16). Chỉ khác một điểm: Trong
khi các thiên thần, với Tổng lãnh Thiên thần Micae làm thủ lãnh được ràng buộc
bởi phẩm trật của tình yêu thì ma quỷ bị ràng buộc bởi phẩm trật của ghen ghét,
hận thù.
●
Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ đến
trong thế gian để cứu chữa con người khỏi ách thống trị của ma quỷ. Ngài là
trung tâm của vũ trụ. “Nhờ Ngài mà muôn vật, muôn loài được tạo thành”. Ngài là
đích điểm của tất cả: Các thiên thần trên trời, mọi người dưới thế, vũ trụ bao
la, tất cả đều phải quy hướng về một mình Ngài.
Vì ghen
tuông với chỗ đứng “trung tâm và đích điểm” của toàn thể vũ trụ, nhân loại,
thiên thần của Đức Giêsu, mà Satan đã dấy loạn, muốn chiếm đoạt chỗ đứng “trung
tâm, đích điểm” ấy.
Satan là
hữu thể rất hoàn hảo được bàn tay Thiên Chúa tạo thành. Vì ưu thế trên các
thiên thần khác, Satan nghĩ mình cũng có quyền thế tương tự như Đức Giêsu trên
tất cả mọi thụ tạo. Satan cố hiểu tất cả kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa,
nhưng không thể được, vì hắn chỉ là thụ tạo, chứ không ngang hàng Đức Giêsu
Thiên Chúa, bởi kế hoạch của Thiên Chúa không thể được hoàn toàn mặc khải ngoài
Đức Giêsu, và mọi sự đều dang dở cho tới khi Ngài đến trên trần gian. Sở dĩ
Satan liên tục cố gắng nắm quyền thống trị trần gian, vì hắn kiêu căng, ngạo
mạn muốn là Tuyệt Đối, muốn là trung tâm của Sáng Tạo. Đó cũng là lý do Satan
luôn tìm cách chống phá công trình cứu độ của Đức Giêsu, đối thủ của hắn.
Satan đã thành công với Ađam, Evà và hy vọng sẽ
thành công với mọi người, nhờ sự trợ giúp của “một phần ba thiên thần đã theo
hắn phản nghịch, chống lại Thiên Chúa”.
● Những tên
quỷ hung dữ đã nhập vào hai người đàn ông ở Gađara đã la lên lớn tiếng: “Lạy
Con Thiên Chúa, chúng tôi có liên quan gì đến Ngài đâu? Sao Ngài lại đến tiêu
diệt chúng tôi trước thời gian của chúng tôi?” (Mt 8,29). Điều này đã nói lên
sự kiện vương quốc của ma quỷ đang dần dần bị tiêu diệt bởi Đức Giêsu, vương
quốc mà Satan đã thiết lập trên trần gian để lôi kéo con người chống lại Thiên
Chúa, sau khi chính chúng bị trục xuất khỏi thiên đàng, và sau khi cám dỗ được
ông bà nguyên tổ để tội lỗi tràn vào thế gian.
● Chân lý
cứu rỗi được mặc khải khi Đức Giêsu đến: Ngài là Đấng Cứu Thế đến trong thế
giới loài người để “phá hủy các mưu đồ của ma quỷ” (1Ga 3,8), giải phóng con
người khỏi kiếp nô lệ cho Satan, và thiết lập vương quốc tình yêu, bình an của
Thiên Chúa. Tuy nhiên trong thời gian giữa hai lần ngự đến của Đức Giêsu, Satan
và bè lũ vẫn quậy phá loài người bằng cách chiêu dụ họ ngả về phe hắn. Đó là
cuộc chiến mà ma quỷ đeo đuổi với nỗi tuyệt vọng của một kẻ biết mình sẽ bị
đánh bại, vì biết rằng thời giờ của chúng còn rất ngắn: “Khốn cho đất và biển,
vì ma quỷ đã xuống với các ngươi, nó giận điên lên, vì biết rằng nó chỉ còn một
ít thời gian nữa thôi” (Kh 12,12).
Khi phàn nàn bị làm phiền bởi Đức Giêsu, ma quỷ
muốn nói với Ngài: Chúng tôi còn được phép hoành hành trong thế giới loài người
một thời gian nữa, cớ sao Ngài lại đến xua đuổi, khử trừ, tiêu diệt chúng tôi
quá sớm?
Sách Khải huyền khẳng định: Nó, tức ma quỷ “được
ban cho một cái mồm ăn nói huyênh hoang và phạm thượng, và được quyền hành động
trong vòng bốn mươi hai tháng. Nó mở miệng nói phạm đến Thiên Chúa, đến danh
Người, đến lều thánh của Người, và những đấng ở trên trời. Nó được phép giao
chiến với dân thánh và thắng họ, và nó được ban quyền trên mọi chi tộc, mọi
nước, mọi ngôn ngữ, và mọi dân. Mọi người sống trên mặt đất sẽ thờ lạy nó, đó
là những người từ thuở tạo thiên lập địa không được ghi tên trong Sổ Trường
Sinh của Con Chiên đã bị giết. Ai có tai thì hãy nghe… Đây là lúc dân thánh
phải có lòng kiên nhẫn và đức tin”. (Kh 13,6-10).
Đó là
toàn thể cảnh tượng cuộc chiến gay go, khốc liệt giữa dân thánh có Đức Giêsu
lãnh đạo và ma quỷ có thủ lãnh là Satan. Ở đó, Đức Giêsu tiêu diệt vương quốc
của Satan trước giờ đã định. Sự việc Ngài đuổi quỷ khỏi hai người bị chúng nhập
đã nói lên quyền năng của Ngài trên ma quỷ, sức mạnh cứu thế của Ngài, và sứ vụ
giải phóng con người khỏi ách thống trị của Satan của Con Thiên Chúa.
Một chi
tiết quan trọng trong các lần trừ quỷ của Đức Giêsu là sự sợ hãi run rẩy của ma
quỷ trước uy nhan Ngài, bởi uy lực từ Ngài chính là uy lực của Thiên Chúa, Đấng
đã trục xuất và bắt nhốt ma quỷ là thụ tạo thiêng liêng phản nghịch vào hỏa
ngục, ở đó chỉ có khóc lóc, nghiến răng để “chịu cực hình muôn kiếp” (Mt
25,46).
c. Ma quỷ trong sách Công vụ Tông
đồ
Đoạn ghi
chép việc “Thiên Chúa dùng tay ông Phaolô mà làm những phép lạ phi thường, đến
nỗi người ta lấy cả khăn cả áo đã chạm đền da thịt ông mà đặt trên người bệnh,
và bệnh tật biến đi, tà thần cũng phải xuất.”
Thấy vậy,
có mấy người Do thái làm nghề phù thủy, như ông Xikêua, cũng nhân danh Đức
Giêsu mà trừ quỷ, chữa những người bị tà thần ám. “Nhưng tà thần đáp: “Đức
Giêsu, tao biết; ông Phaolô, tao cũng biết, còn mày, mày là ai?”. Rồi người bị
tà thần ám xông vào họ, đè cả bọn xuống đánh túi bụi, khiến họ phải bỏ nhà ấy
mà chạy trốn, trần truồng và mình đầy thương tích… Trong số các tín hữu, có
nhiều người đến thú nhận và kể ra những phù phép của mình. Khá đông người làm
nghề phù thủy đem gom sách vở mà đốt sạch trước mặt mọi người” (Cv 19,11-19).
Sự có mặt
của ma quỷ và việc làm có liên quan đến ma quỷ đã là mối quan tâm lớn của các
Tông đồ trên đường truyền giáo, loan báo Tin mừng. Với quyền trừ quỷ nhận được
từ Thiên Chúa, các vị đã nhân danh Đức Giêsu để giải thoát nhiều người khỏi
xiềng xích, gông cùm của ma quỷ.
Nhưng các
Tông đồ cũng bị ma quỷ tấn công quyết liệt, vì các ngài là môn đệ của Đức
Giêsu, Đấng đã đánh bại ma quỷ. Căm thù Đức Giêsu, ma quỷ quay ra gây chiến với
các môn đệ của Ngài. Cuộc chiến đấu sẽ lâu dài, và trong cuộc chiến này, mỗi
người phải tỉnh thức chiến đấu, vì cuộc sống trên trần gian này là cuộc thử
thách lòng trung thành của mỗi người đối với Thiên Chúa, ở đó “ma quỷ sàng
chúng con như sàng gạo”, và tìm mọi cách đánh gục lòng trung thành ấy, như đã
thử thách lòng trung thành của ông Gióp trong Cựu ước.
Sách Công
vụ Tông đồ còn nhiều lần cho chúng ta thấy, sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống,
các Tông đồ tiếp tục trừ quỷ và các tín hữu cũng làm như thế noi gương các vị.
Quyền trừ quỷ nhân danh Đức Giêsu thực là ân huệ của Thiên Chúa ban cho hết mọi
người tin theo Ngài và chịu phép Rửa (Mc 16,17).
d. Ma quỷ trong sách Khải huyền
●
Khải huyền là cuốn sách của Thánh
Gioan Tông đồ ghi lại những thị kiến của ngài, và ma quỷ đặc biệt được ngài
nhận diện, lật tẩy hành tung:
●
Trong thị kiến về Người Phụ Nữ và
Con Mãng Xà, Satan, thủ lãnh ma quỷ bị điểm mặt: “Bấy giờ có giao chiến trên
trời: Thiên thần Micae và các Thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà.
Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến. Nhưng nó không đủ sức
thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên trời nữa. Con Mãng Xà bị tống ra, đó
là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Satan, tên chuyên mê hoặc toàn
thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống
với nó” (Kh 12,7-9)… Khi Con Mãng Xà thấy mình đãbị tống xuống đất, nó liền
đuổi bắt Người Phụ Nữ đã sinh con trai”.. Không hại được Người Phụ Nữ, “Con
Mãng Xà nổi giận với Người Phụ Nữ, và đi giao chiến với những người còn lại
trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ
lời chứng của Đức Giêsu.” (Kh 12,13-17).
Qua thị kiến, sự hiện diện và
hoạt động của Satan và bè lũ tìm trả thù Đức Trinh Nữ Maria là mẹ Đức Giêsu và
dòng dõi của Ngài là một sự thật đức tin. Cuộc giao chiến này tồn tại và kéo
dài đến tận cùng thời gian.
Trong
nhiều chương khác như chương 13, 17, 19, 20, Khải huyền cho chúng ta thấy: Tuy
bị trục xuất khỏi thiên đàng, bị ném xuống đất, nhưng bản án cuối cùng của ma
quỷ vẫn chưa xảy ra, cho dù bản án ấy không thể cứu vãn. Điều này cho phép
chúng vẫn có những quyền hành của bản tính thiên thần do Thiên Chúa ban cho
chúng, dù chỉ trong một thời gian ngắn. Đó là lý do ma quỷ đã than thở với Đức
Giêsu khi Ngài đuổi chúng ra khỏi người đàn ông bị chúng ám: “Sao Ngài lại đến
làm phiền chúng tôi trước thời gian?”. Cũng như chúng đã xin Ngài đừng phạt
chúng xuống vực thẳm, tức hỏa ngục, vì đó là cách chúng giữ lại quyền lực cho
mình. Với ma quỷ, việc lìa bỏ thân xác một người mà chúng đã nhập vào, và phải
trở về hỏa ngục là một bản án tử không thể cứu vãn: “Lũ quỷ nài xin Người đừng
truyền cho chúng phải rút xuống vực thẳm” (Lc 8,31).
Tuy vậy,
hình phạt của chúng vẫn gia tăng cân xứng với đau khổ, tai hoạ mà chúng gieo
rắc. Chính thánh Phêrô cũng đã quả quyết: Ma quỷ chưa bị kết án chung thẩm,
nghĩa là chúng còn đợi chịu kết án một lần chót nữa: “Thiên Chúa không dung thứ
những thiên thần phạm pháp, nhưng tống chúng vào hỏa ngục, và trói chặt chúng
nơi tối tăm để đợi ngày phán xét” (2Pr 2,4).
Trong
giáo huấn, cũng như những Hiến chế của nhiều Công Đồng, nhất là Công đồng
Vaticanô II, Giáo hội đã luôn lên tiếng cảnh báo tình trạng bỏ qua sự hiện hữu
của Satan để làm lu mờ ơn Cứu Độ của Đức Giêsu nơi nhiều người, bởi “lý do Con
Thiên Chúa xuất hiện là để phá hủy các công việc của Satan” (1Ga 3,8). Vì thế,
người nào không tin có ma quỷ, cũng không tin vào Tin mừng giải phóng của Đức
Giêsu.
Qua các
thế kỷ, Giáo hội không ngừng lên án, và trừng trị các hình thức mê tín, dị
đoan, những liên đới, giao lưu, cộng tác, tiếp tay với Satan và ma quỷ. Những
công việc của Satan với con người chỉ nhắm duy nhất mục đích làm con người mất
tình nghĩa với Thiên Chúa, cất khỏi con người ơn phúc, đày đọa con người vào
diệt vong, bất hạnh đời đời.
Khi nhắc
nhở con cái không quên sự có mặt và hoạt động của ma quỷ trong thế giới, Giáo
hội không chủ trương giảm bớt quyền thống trị phổ quát và toàn diện của Đức
Giêsu trên vũ trụ, loài người: Cũng như không biến sứ điệp của Đức Giêsu thành
một sứ điệp đe dọa, sợ hãi, vì “làm nổi bật” ma quỷ và công việc của chúng.
Trái lại, Giáo hội cảnh tỉnh con cái trước những ru ngủ của ma quỷ, đồng thời
xác tín uy quyền của Đức Giêsu và sự có mặt của vương quốc Nước Trời. Vương
quốc ấy đã hiện diện giữa loài người, như Đức Giêsu đã sống giữa nhân loại,
nhưng hành xử như thể lịch sử đã được giải quyết xong xuôi, và sự cứu chuộc
loài người đã đạt mục tiêu viên mãn của nó, để rồi con người không cần phải
tham gia vào cuộc chiến cam go chống lại ma quỷ đã được Đức Giêsu nhiều lần nói
đến trong Tin Mừng sẽ là một sai lầm lớn mang lại tai hoạ khôn lường, vì ma quỷ
vẫn có mặt để quấy nhiễu, phá hoại, và con người vẫn phải tỉnh thức, và kiên
trì chiến đấu bằng gắn bó, bám chặt vào Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ.
Thế giới hôm nay có khuynh hướng phủ nhận sự hiện
hữu của ma quỷ, nghi ngờ những quả quyết của Đức Giêsu về sự có mặt và hoạt
động của ma quỷ trong thế giới loài người. Khuynh hướng ấy cũng cho rằng bất cứ
khẳng định nào về sự hiện hữu của ma quỷ trong Tân ước cũng chỉ là những lời
bàn của truyền thống, mà không phải là những quả quyết chính xác từ miệng Đức
Giêsu, nên không bắt buộc phải tin, và chúng ta được tự do chấp nhận hay phủ
nhận.
Một
khuynh hướng khác nhiều khả năng thuyết phục hơn, dễ chấp nhận, đó là có ma
quỷ, nhưng chúng không quan trọng nữa, và chúng ta không bàn đến ma quỷ, nhưng
để chúng yên, hầu tập trung vào Đức Giêsu là Đấng duy nhất của công trình Cứu
Độ.
Như thế,
Satan và ma quỷ sẽ không là gì khác hơn sự hiện thân của hoang đường, mà mục
đích là cắt nghĩa ảnh hưởng của sự dữ và tội lỗi trên nhân loại. Nói cách khác,
danh xưng Satan, ma quỷ chỉ thuần túy là một lối nói, một cách giải thích các
lực lượng sự dữ trong cuộc đời.
Giáo hội
ý thức nguy hại của các trào lưu “giúp che giấu lý lịch, hành tung của Satan”
này, nên không mệt mỏi vạch trần bộ mặt của Satan và bè lũ bằng cách nhắc lại
lời cảnh giác của Đức Giêsu về ma quỷ và công việc của chúng.
Sự hiện
diện của ma quỷ phải được khẳng định trên nền tảng đức tin vững chắc được xây
dựng bằng Lời Thiên Chúa, và những biến cố trong Tin mừng. Sự việc Đức Giêsu
chịu ma quỷ cám dỗ, lời kinh “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6,13)
trong kinh Lạy Cha được chính Đức Giêsu dạy các Tông đồ, và sách Khải huyền,
hơn mọi cuốn sách khác trong Tân ước đã là bức tranh hoành tráng sáng chói uy
quyền của Đức Giêsu phục sinh chiến thắng Satan, ma quỷ, tội lỗi, sự chết.
Sách Khải huyền công bố cuộc chiến thắng của Con
Chiên, nhưng đồng thời không cho phép chúng ta tự lừa dối mình về bản tính của
chiến thắng này, nếu chúng ta say men chiến thắng khi cho rằng cuộc chiến với
ma quỷ đã hoàn toàn kết thúc.
Khải
Huyền là cuốn sách lột trần ma quỷ, lật mặt nạ Satan, và tố cáo hành tung của
các lực lượng phò Satan của loài người. Đồng thời cho chúng ta nhìn trước viễn
cảnh thiên đàng, nơi cư ngụ vĩnh vễn của những người đã anh dũng chiến thắng ma
quỷ khi “giặt áo mình trong máu Con Chiên”.
Các thánh
Giáo phụ, dọc suốt những thế kỷ đầu của Giáo hội, cũng đã củng cố đường hướng
mục vụ “nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ” (Mc 16,17), khi xác quyết sự có mặt phá
hoại của Satan và bè lũ. Các giáo phụ như Justinô, Tertulianô, và Origênê đều
chung một khẳng định: Mỗi tín hữu là một nhàtrừ quỷ, nghĩa là tất cả mọi Kitô
hữu đều có quyền trừ quỷ, quyền đó được thành lập trên đức tin và “nhân danh
Đức Giêsu”. Chủ trương mục vụ này một lần nữa làm sáng tỏ giáo huấn của Giáo
hội đối với vấn đề ma quỷ.
Riêng
Công đồng Vaticanô II qua các Hiến chế, đặc biệt hai Hiến chế Gaudium et Spes,
Ad Gentes đã mạnh mẽ nhắc nhở chúng ta trận chiến sinh tử chống lại các quyền
lực của bóng tối đang bủa vây, xâm lấn lịch sử loài người ngay từ khởi thủy của
nhân loại. Vì lạm dụng tự do, con người đã tự mình chống lại Thiên Chúa khi
nghe ma quỷ xúi giục. Mặc dù biết Thiên Chúa, nhưng con người không tôn thờ
Ngài, nhưng thờ những thụ tạo như mình. Để giải thoát con người khỏi quyền lực
tối tăm của ma quỷ, Thiên Chúa đã sai Con Ngài mặc lấy xác phàm để cứu chuộc
con người.
Vì thế,
những ai chối bỏ sự hiện hữu và hoạt động của ma quỷ thì không thể hiểu giá trị
của Mầu nhiệm Nhập thể và chiến thắng của Đức Giêsu. Phủ nhận ma quỷ, làm sao
người ta có thể hiểu được rằng: Nhờ cái chết và sự phục sinh, Đức Giêsu đã giải
thoát chúng ta khỏi gông cùm ma quỷ, khi bẻ gãy mọi xiềng xích của ác thần, phá
đổ vương quốc tối tăm của chúng.
Với Đức Giêsu, và các Bí tích của Ngài, nhất là Bí
tích Giáo hội, chúng ta có đủ vũ khí để chiến thắng ma quỷ. Ma quỷ là tên xảo
quyệt, gây hấn, nhưng hắn là người thất bại ê chề trong trận chiến này, vì sẽ
có một trời mới, đất mới khi Thiên Chúa đến ở cùng chúng ta. Ngài sẽ cư ngụ với
chúng ta. Chúng ta sẽ là dân của Ngài, và Ngài sẽ là Thiên Chúa chúng ta.
“Chính Ngài sẽ lau sạch nước mắt... Sẽ không còn sự chết: cũng chẳng còn tang
tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4).
Thay lời
kết của chương này, chúng ta dùng lời của Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II,
trong dịp kính viếng đền Tổng lãnh Thiên Thần Micae, ngày 24.5.1987: “Cuộc
chiến đấu chống lại ma quỷ là sứ vụ của Đức Tổng Lãnh Thiên Thần Micae vẫn còn
đến ngày nay và cho đến tận thế, vì ma quỷ vẫn tồn tại và ráo riết hoạt động
trong thế giới. Ngày nay sự dữ vẫn bao vây chúng ta, sự trâng tráo của Satan
tiếp tục gây tai hoạ cho xã hội. Sự đổ vỡ và mâu thuẫn nơi con người không chỉ
là hậu quả của tội nguyên tổ, nhưng còn là hậu quả của hành vi đen tối của
Satan đang tràn ngập trong thế giới”.
Sau những
trích dẫn Kinh Thánh chứng minh sự hiện diện và hoạt động của ma quỷ trong thế
giới loài người, chúng ta xác tín với đức tin của Giáo hội: Ma quỷ có mặt và
lồng lộn tìm cách phá hoại công trình của Thiên Chúa bằng xúi giục, cám dỗ con
người theo chúng chống lại Thiên Chúa. Xác tín này dựa trên Mặc khải, và Truyền
thống Tông đồ của Giáo hội. Then chốt của vấn đề là ma quỷ hiện diện thực sự để
phá hoại, khống chế loài người trong tội lỗi, bất hạnh. Từ điểm then chốt này,
công trình cứu thế của Đức Giêsu mới được chúng ta thấu hiểu, và chân nhận với
tâm tình tạ ơn, yêu mến.