Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2020

NGƯỜI TRẺ VÀ ĐỨC TIN (10)

                                          SỰ CHẾT VÀ SỐNG LẠI
Không gì vô duyên hơn khi nói chuyện chết với người trẻ đang tràn đầy, sôi sục nhựa sống. Nhưng vì chết không xa lạ và không ở ngoài bản tính con người, nên hạnh phúc “làm người” không ở với những người sống mà quên mình sẽ chết, bởi chỉ biết mình sẽ chết, người ta mới có thể sống đẹp, sống hết mình, sống hết tình, sống hạnh phúc. 
Có một điều mà ai cũng nhận ra, đó là ở thời đại văn minh vật chất và trong xã hội thực dụng, hưởng thụ, sự chết xem ra ngày càng được cẩn thận che đậy, giấu kín: những đám tang không còn là “biến cố” quan trọng kéo chú ý, quan tâm, nghi thức an táng cũng đơn giản, vắn gọn, và người ta tránh né đề cập đến người chết, cái chết, làm như muốn xóa khỏi tim óc con người ý thức về sự chết như kết thúc không thể tránh ở cuối đường đời.
Người ta tránh né bàn về sự chết, vì người ta sợ chết, bởi chết kinh khủng qúa, khi phải từ bỏ tất cả, không chỉ từ bỏ những gì “mình có” như người thân yêu, của cải qúy giá, cuộc sống hấp dẫn, sinh động, mà còn phải từ bỏ cả những gì “mình là”: là người, là con, là cha, là mẹ, là nhân vật này, là siêu sao kia, là thần tượng nọ của bao nhiêu người. Người ta sợ chết vì chết là “dấu chấm hết” to đùng, vĩnh viễn: chấm hết sự sống, chấm hết thời gian có mặt, chấm hết không gian chiếm hữu, chưa kể chết đưa vào “hư vô”, ném vào một “trạng thái, một không gian” hoàn toàn không biết, không tiên liệu, không thể tưởng tượng. Nhưng đáng sợ hơn là phải giã từ, vĩnh biệt thế giới quen thuộc, thân thương với nhiều kỷ niệm, thế giới tuy buồn nhiều hơn vui, khổ nhiều hơn sướng, nhưng không ai muốn rời bỏ, đánh mất.
Thực ra, người ta không sợ chết cho bằng sợ không được sống nữa, bởi mất sự sống mới là đe dọa làm con người sợ chết khi “hiện hữu” hoàn toàn bị hủy diệt, tiêu tan; bởi không còn được sống nữa mới thực là thảm họa lớn và kinh hoàng  đối với con người, khi hữu thể không còn để lại một tàn dư, dấu vết. Vì sợ không còn được sống, nên dù kiếp sau có hoá thân, hoá kiếp thành rắn rít, chim cò, sâu bọ, người ta vẫn vui vẻ chấp nhận, vì còn được sống hơn phải tan biến vào hư vô; vì sợ không còn được sống, nên người ta phải hy vọng vào một “nơi nương tựa,  một chỗ dựa dẫm” khi mường tượng hồn sẽ “nhập” vào ai đó để được ở lại sống với thế gian, dù vất vưởng, lang thang, “ăn nhờ ở đậu”; cũng vì sợ chết, phần đông bám víu vào một tôn giáo, mà đức tin chỉ được coi và có giá trị như giải pháp trị liệu nỗi lo sợ “phải chết”.
1.   Chết và sống lại với người Kitô hữu: 
Đối với người Kitô hữu, Thiên Chúa không là “ý niệm” phát sinh từ sợ chết, và đức tin không phải thần dược lấy đi nỗi sợ này, vì Thiên Chúa của người Kitô hữu “không là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống” (Mt 22,32). Ngài còn “là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25), nên sự chết chỉ là một bước cần thiết dẫn từ sự sống này vào sự sống sắp tới, từ sự sống đời này vào sự sống đời sau, từ sự sống có giới hạn vào sự sống vô hạn, từ sự sống tạm thời vào sự sống vĩnh cửu, đời đời.
Sở dĩ con người sẽ có một đời sống vĩnh cửu, đời đời, vì linh hồn của mỗi con người có tính thiêng liêng, bất tử, là nguyên lý của sự sống, đã làm cho thân xác vốn là vật chất được trở thành “con người sống động”. Linh hồn ấy được ban trực tiếp từ chính Thiên Chúa là nguồn sống, trong khi thân xác được tạo nên từ cha mẹ, do sứ mạng được cộng tác với Thiên Chúa để sinh sản cho đầy mặt đất những con người (x. St 1,28). Bởi linh hồn và thân xác không là hai thực thể đối nghịch, nhưng là một thực thể duy nhất làm nên một bản tính duy nhất, nên lúc chết, tuy thân xác tan biến vì là vật chất, trong khi linh hồn không bị hủy hoại, tiêu tan vì thiêng liêng, bất tử, nhưng cả hai sẽ hiệp nhất với nhau, ở ngày sống lại sau hết, như hình ảnh trong sấm ngôn của ngôn sứ Êdêkien: “Tay Đức Chúa đặt trên tôi. Đức Chúa dùng thần khí đem tôi ra, đặt tôi giữa thung lũng; thung lũng ấy đầy xương cốt…” Bấy giờ, Người bảo tôi: “Ngươi hãy tuyên sấm trên các xương ấy; ngươi hãy bảo chúng: Các xương khô kia ơi, hãy nghe lời Đức Chúa. Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này với các xương ấy: Đây Ta sắp cho thần khí nhập vào các ngươi và các ngươi sẽ được sống. Ta sẽ đặt gân trên các ngươi, sẽ khiến thịt mọc trên các ngươi, sẽ trải da bọc lấy các ngươi. Ta sẽ đặt thần khí vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống. Bấy giờ các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa” (Ed 37,1. 4-6).
Và sau này thánh Phaolô đã nhắc lại: “Đây tôi nói cho anh em biết mầu nhiệm này: không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn vang lên. Vì tiếng kèn sẽ vang lên, và những kẻ chết sẽ trỗi dậy mà không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi. Qủa vậy, cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử” (1 Cr 15,51-53).  
Chúng ta cũng có thể dùng hình ảnh “hoa hướng dương”, một loại hoa chỉ nở rực rỡ khi nhận ánh sáng từ tia nắng mặt trời, và luôn hướng về mặt trời để diễn tả phần nào linh hồn là “hơi thở của Thiên Chúa” trong con người, và con người chỉ hạnh phúc khi hướng về Ngài, bởi con người được Ngài dựng nên và thuộc về Ngài, như thánh Phaolô đã viết: “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,6-7).
Vì thế, không có phút giây nào con người không thuộc về Thiên Chúa, vì vận mạng con người hoàn toàn ở trong tay Thiên Chúa, và sự chết, trước “Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống” sẽ chỉ là một bước vượt qua từ sự sống này vào sự sống đời sau nhờ được Thiên Chúa làm cho sống lại. Chính ở bước Vượt Qua cần thiết này mà người Kitô hữu hiểu được con người là ai và giá trị của sự chết, bởi  nhờ sự chết, chúng ta mới vào được đời sau bất tử.
Ngày nay, nhiều người không muốn tin vào mầu nhiệm sống lại đã được chính Đức Giêsu qủa quyết trong Tin Mừng: “Chính Thầy là là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26), “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54).
Như đã trình bầy ở phần trên, sở dĩ người ta chuộng “hoá kiếp, luân hồi” hơn sống lại, vì luân hồi, hóa kiếp sẽ được trở lại trong thế giới này, thế giới  đã sống trước đó nên quen thuộc, thế giới ở đó sẽ được “sống tiếp” chính nơi mình đã sống, gặp lại những người đã quen. Nhờ quen biết, quen thuộc, quen thân, quen đường quen lối, nên dù có phải hóa kiếp làm “thân gì” đi nữa, con người được hoá kiếp cũng vẫn đỡ lo, bớt sợ hơn “sống lại”,vì được trở lại thế giới đã quen biết, quen thuộc. Chính ý nghĩ chơi vơi không biết “sống lại” thế nào, “sống lại” ở đâu đã là nguyên nhân làm sợ và làm nhiều người tránh đặt vấn đề mầu nhiệm sống lại của Kitô giáo.
Cũng cần minh định: trong đức tin Kitô giáo, ý tưởng linh hồn của thân xác người này nhập vào thân xác của người kia là điều không thể chấp nhận, vì thân xác của chúng ta không là vỏ bọc, lớp áo mà người ta có thể thay đổi, cũng như linh hồn là linh hồn riêng biệt của từng thân xác, nên với người Kitô hữu, con người là một thực thể duy nhất gồm linh hồn và thân xác được hiệp nhất với Đức Giêsu.
2.   Đức Giêsu sống lại:
Tin Mừng Luca thuật lại sự kiện Đức Giêsu sống lại từ cõi chết như sau: “Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả. Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại” (Lc 24,1-7).  
Dựa vào trình thuật của cả bốn Tin Mừng, những người vô thần cho rằng: Biến cố sống lại của Đức Giêsu không thể xẩy ra, vì một đàng là điều không thể quan niệm với trí óc của con người, đàng khác, không ai đã thấy Đức Giêsu sống lại, không một chứng nhân nào đã tận mắt thấy Đức Giêsu bước ra khỏi mồ khi Ngài sống lại. Do đó, họ có lý do cho biến cố sống lại của Đức Giêsu họăc là “xác tín” bệnh hoạn của các môn đệ xuất phát từ khao khát mang tính thần bí, không tưởng, hoặc là kết qủa của ám ảnh về lời hứa “ngày thứ ba Thầy sẽ sống lại” của Đức Giêsu trong đầu các môn đệ, nên khi mấy người phụ nữ nhẹ dạ, mê tín chạy về báo tin: “Thầy đã sống lại”, các môn đệ của Đức Giêsu đã chớp lấy cơ hội để tung tin đánh lừa thiên hạ, và cũng là cách “tự cởi trói, giải phóng mình”.
Qủa thực, không ai đã thấy tận mắt Đức Giêsu khi Ngài bước ra khỏi mồ sau khi hòn đá bịt kín cửa mồ được lăn ra một bên, nhưng Tin Mừng đã ghi lại rất chi tiết: Đức Giêsu sống lại đã hiện ra với Maria Mácđala (x. Ga 20,11-18), với các môn đệ nơi các ông ở, khi cửa đều đóng kín vì sợ người Do Thái (x. Ga 20,19-23), với các tông đồ bên bờ hồ Galilê (x. Ga 21,4-23), với hai môn đệ trên đường từ Giêrusalem về Emmau (x. Lc 24,13-35), và sau này Phaolô không ngừng nhắc nhở các giáo đoàn: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.” (1 Cr 15,3-8).  
Đó là sự kiện có thực, biến cố đã xảy ra trăm phần trăm, chứ không phải “xác tín” đến từ thị kiến hay giấc mơ nào, càng không là âm mưu ngụy tạo hiện trường sống lại để lừa bịp dân chúng như những người Do Thái thuộc phe chống Đức Giêsu đã nghi ngờ, vu khống, và lập mưu đánh lừa dư luận theo kế hoạch mua chuộc lính gác của các thượng tế và kỳ mục: “Các anh hãy nói thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự. Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dậy” (Mt 28,23-15).
Sự kiện sống lại của Đức Giêsu có thực, vì chính các môn đệ của Đức Giêsu khi được mấy phụ nữ chạy từ mộ về báo tin “Thầy đã sống lại” cũng đã nghi ngờ, không tin vì “cho là chuyện vớ vẩn” (Lc 24,11), cũng như đám đông đã sửng sốt, kinh ngạc khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra với họ.
Biến cố phục sinh của Đức Giêsu đã xẩy ra công khai trước mắt nhiều người, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có người đã không tin và Đức Giêsu đã quở trách lòng tin yếu kém của họ, như môn đệ Tôma và cho họ được sờ vào các vết thương trên  thân xác phục sinh của Ngài (x. Ga 20,24-29) để chứng thực không phải ma, nhưng là Ngài, và tất cả đều đã tuyên xưng: “Chúng tôi đã thấy Chúa phục sinh”, và  họ đã như môn đệ Gioan, “đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).
Biến cố, sự kiện ấy không là phép lạ, như Đức Giêsu đã làm phép lạ cho Ladarô, và con trai bà goá thành Nain được sống lại, nhưng chính “thần tính, thiên tính” nơi Đức Giêsu được thể hiện. Nói cách khác, đây chính là lúc Đức Giêsu thực hiện quyền Thiên Chúa của Ngài trên tử thần, tội lỗi “để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (1 Cr 15,54-55). 
Thực vậy, không ai đã tận mắt thấy Đức Giêsu sống lại, nhưng quang cảnh, hiện trường sống lại nhiều người được thấy, như tông đồ Gioan, khi “tới mộ trước, ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó…”. Còn Phêrô thì “vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi” (Ga 20,5-7). Tất cả đều đã thấy ngôi mộ trống, và những gì trong ngôi mộ trống này đều làm chứng Đức Giêsu đã sống lại, ra khỏi cõi chết và đi gặp các anh em Ngài.
3.   Đức Giêsu sống lại là Hy Vọng của toàn thể nhân loại:
Không gì đau khổ hơn là sống mà cạn kiệt niềm  hy vọng, bởi nếu không còn hy vọng làm giầu, hy vọng tìm lại sức khỏe, hy vọng phục hồi danh dự, uy tín, thì ít ra cũng còn hy vọng được người thân thương yêu, bạn hữu thông cảm. Nhưng đau khổ ấy chưa lớn bằng nỗi tuyệt vọng khi biết mình sống để rồi chết; sống rồi vĩnh viễn tiêu tan, không còn được có mặt; sống rồi mất hút vào hư vô, không còn cơ hội được tiếp tục sống, dù là sống đời sống khác, ở nơi khác, trong thế giới khác. 
Bởi linh hồn con người tự bản tính là bất tử, vì thiêng liêng, phi vật chất, nên con người là con vật “không chịu chết”, dù biết mình phải chết. Chính vì “không muốn chết, không chịu chết”, nhưng lại phải chết mà con người vật vã đau khổ, quay quắt lo âu, chơi vơi thất vọng.
Và Đức Giêsu Thiên Chúa đã đến trong thế giới loài người, để đem lại cho toàn thể nhân loại niềm hy vọng không phải chết, nhưng được tiếp tục sống đời đời. Đây là Tin Vui lớn lao, Tin Mừng cả thể Thiên Chúa mặc khải cho con người qua sự chết và sống lại của Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể.
Đức Giêsu đã không chỉ nói về sự phục sinh của Ngài, hay rao giảng về sự sống đời đời cho những ai tin vào Ngài, nhưng Ngài đã chết thật như con người, để sống lại như Thiên Chúa, nghiã là chết với con người, trong bản tính nhân loại như mọi người, và sống lại với quyền năng Thiên Chúa của Ngài, để làm chứng cho mọi người thấy và tin Ngài là Thiên Chúa và con người, đồng thời tin con người phải chết, nhưng Thiên Chúa sẽ cho sống lại với Ngài, nhờ sự chết như con người, và nhờ sự Phục Sinh do bản tính và quyền năng Thiên Chúa  của Ngài.
Vì thế, không có Đức Giêsu Thiên Chúa làm người đã chấp nhận chết như con người, thì con người sẽ mãi mãi kinh hãi, lo sợ, tuyệt vọng trước cái chết, vì chết tàn phá, hủy hoại kinh khủng quá, lại luôn đe dọa và không hé lộ bất cứ một sự gì phiá sau bức tường sự chết; không có Đức Giêsu Thiên Chúa làm người sống lại như Thiên Chúa với thần tính của Ngài, thì ai dám tin phiá sau sự chết là sự sống vĩnh cữu, tiếp nối sự chết là đời sống mới “không bao giờ phải chết nữa”.
Thánh Phaolô khi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại đã mạnh dạn qủa quyết: “Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15,13-14). Thánh nhân còn khẳng định: “Nếu Đức Kitô không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr 15,17-19).  
Qủa thực, không còn lời nào rõ ràng, minh bạch và thuyết phục hơn những lời của thánh tông đồ dân ngoại khi cho chúng ta thấy tầm quan trọng tuyệt đối của biến cố Đức Giêsu phục sinh, bởi tất cả cục diện của nhân loại đều thay đổi khi Đức Giêsu sống lại, vì sự sống lại của Ngài là nền tảng của đức tin, nền tảng của niềm hy vọng, nền tảng của Lời Hứa Nước Trời, nguồn mạch của ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.       
Vâng, nếu không có Đức Giêsu đã chết và sống lại, chúng ta sẽ không dám sống tử tế, sống vì tha nhân, sống cho mọi người, bởi ích lợi gì những hy sinh quên mình, những hy sinh phục vụ, những hy sinh chịu thiệt thòi vì công lý và vì Nước Trời? Nếu không có Đức Giêsu đã chết và sống lại, chúng ta sẽ không tin ai, không tin sự gì, bởi tin để làm gì, khi chết là hết, chết là chấm dứt tất cả, chết là trở về hư vô?  Nếu không có Đức Giêsu đã chết và sống lại, chúng ta sẽ không thể hạnh phúc, vì hạnh phúc nào cũng đòi phải có niềm hy vọng được sống như điều kiện. Nếu không có Đức Giêsu đã chết và sống lại, chúng ta không thể yêu ai bằng tình yêu cao cả là chết cho họ, vì sự hy sinh chết cho người mình yêu không mang lại cho ai hy vọng được sống đời đời.
Nhưng vì có Đức Giêsu đã chết và sống lại, thế giới đã không thiếu những người mẹ xin được chết thay con, những người vợ sẵn sàng chết thay chồng, những cụ ông, cụ bà trong nhà dưỡng lão mong được về với Thiên Chúa là Đấng họ tôn thờ, yêu mến sau cuộc sống trần gian tràn đầy ý nghiã, bởi tất cả đều hạnh phúc trong niềm hy vọng được sống lại, được gặp Thiên Chúa và được gặp lại nhau trong hân hoan, vui mừng của những người từ nay biết mình sẽ không bao giờ phải chết, nhưng trường sinh bất tử trong Đấng đã làm người, đã chết như họ và sống lại với quyền năng Thiên Chúa, để toàn thể nhân loại cùng được sống lại và sống đời đời như Ngài, nhờ được Ngài cứu độ bằng sự chết và phục sinh vinh quang.
Jorathe Nắng Tím