Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

MỤC LỤC (Từ Thiện Và Người Nghèo - Tác giả : Jorathe Nắng Tím)


MỤC LỤC
Lời Ngỏ
I.           Nhận Định Nghèo
II.        Làm Từ Thiện
III.    Ý Nghiã Phục Vụ Trong Từ Thiện
IV.    Những Đức Tính Cần Thiết Để Làm Từ Thiện
V.        Những Khó Khăn Khi Làm Từ Thiện
VI.    Tuổi Trẻ Việt Nam Hôm Nay và “Làm Từ Thiện”
VII.  Tình Yêu Người Nghèo
Lời Kết

Lời Ngỏ (Từ Thiện Và Người Nghèo - Tác giả : Jorathe Nắng Tím)


Tôi được may mắn theo đoàn từ thiện của nhà thờ Đức Bà Sàigòn dong duổi nhiều ngày trong các trung tâm nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật, người già neo đơn, trại phong cùi thuộc các tỉnh Kontum, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Bù Đăng. Chuyến đi kéo dài 4 ngày, nhưng vô cùng tất bật, vội vã, chạy đua với thời gian vì đường xa và lịch làm việc, thăm viếng đầy kín... Ngày nào cũng về đến chỗ nghỉ đêm  sau hai mươi hai giờ và ngày mới luôn bắt đầu từ sáu giờ. 
Có những trại mồ côi do các sơ; cũng có những mái ấm do tư nhân tự quản nhưng đối tượng đều là những em bé bị bỏ rơi, nghèo, đau bệnh, hoặc người già neo đơn, túng quẫn, không con cái phụng dưỡng, những bệnh nhân phong cùi bị cô lập.
Đến bất cứ nơi nào, đoàn đều nấu ăn phục vụ tại chỗ và tặng những món quà  cần thiết, ích dụng như gạo, nước mắm, mì gói, đường, chăn mền, xà bông, thuốc uống và mỗi người một phong thư tiền tiêu vặt. Để có tiền thực hiện những chuyến đi từ thiện, ít là hai lần một năm, các thành viên tự nguyện thay nhau làm công tác giữ xe suốt năm ở nhà thờ Đức Bà và tự trả chi phí di chuyển, ăn ở của mỗi chuyến đi từ thiện.
Hình ảnh chị Tư Hạnh, chú Luân, chị Dung, Quỳnh, Thiện, Mai, Trinh, Hảo ... đã ở trong tôi như những bông hồng Yêu Thương đang làm đẹp những cuộc đời sấu xố.    
Và cuối cùng thì tôi cũng tìm được thầy Ngọc và lều cỏ của thầy ẩn kín mình  sau những lùm cây tràm. Thầy về Củ Chi đã mười  năm với những người em trai, em gái ở vào thời kỳ cuối của căn bệnh Siđa thời đại. Anh chị em “mang án tử Sida “ về đây với thầy như trở về mái nhà Mẹ những ngày cuối đời khi không còn ai thương xót và không còn hy vọng kéo dài hơn sự sống...
Một người tốt bụng cho thầy xử dụng miếng đất bỏ hoang giữa cánh đồng sình lầy. Thầy đào ao nuôi cá và lấy đất làm nền cho dẫy nhà dựng bằng tre, lợp bằng lá dừa nước. Giữa hai dẫy lều cỏ là nhà nguyện cũng nghèo nàn, đơn sơ; ở đó có Chuá và hài cốt, di ảnh của mấy chục anh chị em trong số hơn 100 đã qua đời tại đây nhưng không có thân nhân.
Ghé thăm lần đầu, Lều Cỏ có hơn hai chục anh chị em ; nhưng chỉ một tuần sau, chỉ còn gặp lại mười sáu, vì bốn người đã ra đi. Thầy Ngọc “sống với và sống như” những người bệnh này, có nghiã là thầy chia sẻ hết mình và hết tình sinh hoạt cũng như điều kiện sống của mọi người: không có gì riêng tư, không đặc quyền đặc lợi; cũng chõng tre, lều cỏ và cùng chế độ ăn uống.
Là người anh, thầy bao bọc, nâng đỡ từng đứa em bệnh tật. Là người cha, thầy yêu thương, săn sóc, chăm nom từng mảnh đời con cái. Nhìn thầy lúi cúi chất củi, thổi bếp đun ấm nước, nồi cơm cho cả nhà, tôi đã không nghĩ là cảnh thực. Tâm hồn thầy quảng đại và sức chịu đựng, hy sinh của thầy lớn quá đã làm tôi bàng hoàng, chóng mặt. Không xin tiền bạc của ai, cũng không ồn ào quảng cáo, thầy âm thầm ủ ấp những mảnh đời rách nát đã : không chỉ nuôi nấng, bảo bọc, chữa trị  mà còn yêu thương, săn sóc, ủi an và chuẩn bị bước đi bình an vào cõi Vĩnh Hằng cho từng người anh em bất hạnh không còn được xã hội chấp nhận, yêu thương.
Hình ảnh thầy Ngọc khoẻ mạnh, yêu đời, yêu người, khiêm tốn, tế nhị đang thay tã cho anh Hải mấy ngày trước khi chết, rồi liền sau đó ôm đàn guitare hát cho mọi người vui đã ở trong tôi như bông hồng thắm đỏ hy sinh để thế giới  hôm nay vẫn còn dám tin vào Tình Người.     
Tôi đã đi thăm nhiều cơ sở của Giáo Hội Phật Giáo ở Đồng Nai, Cao Đài ở miền Đông và Hoà Hảo ở miền Tây; nhiều trung tâm của Nhà Nước thuộc Bộ Thương Binh Xã Hội. Ở đâu cũng  là những hình ảnh đẹp, rất đẹp của Tình Người; ở đâu cũng sáng lên những tấm gương Bác Ái, Yêu Thương, Nhân Đạo. Tôi chiêm ngưỡng và cảm phục những nụ cười hiền hậu, nhân từ, cảm thông của những Ni Cô, Nữ Tu, Y Tá bên những thân phận tật nguyền “sống đời thực vật”.Tôi trân qúy tinh thần phục vụ, tính nhẫn nại, chịu đựng của những người làm từ thiện ở các trung tâm như  Mai Hoà, Thiên Ân, Trảng Bàng, Cần Thơ...  Và chắc chắn hình ảnh của họ cũng đẹp như vườn hồng rực rỡ đang trả lại cho nhân loại niềm vui được yêu thương và cứu sống.
Buổi chiều Sàigòn tháng mười một, trời mưa như trút nước, sau 3 giờ tìm kiếm, Dung,Quỳnh, Lam và tôi cũng  đến được  lớp học “tự phát, từ thiện “ của thầy Cường ở Bình Chánh. Lớp học là một gian nhà rộng của một gia đình khá giả cho mượn. Học trò hơn năm mươi em, gồm sáu lớp từ lớp một đến lớp sáu. Chỉ một mình thầy loay hoay: hết đọc chính tả cho dăm em  lớp Năm, lại kiểm tra bài tập toán cho mấy em lớp Ba,  rồi bất chợt cao giọng đe nẹt đám học trò rảnh rang đang rổn rang “tám”. Và tôi chưa thấy một lớp đọc đa năng, đa dạng, đa trình độ như lớp học của thầy. Đúng là lớp học dành cho những “học sinh không có lớp”.
Bọn trẻ không được đến lớp vì nhiều ký do: có đứa không có khai sinh, có đứa không hộ khẩu, phần đông không tiền đóng học phí. Thương bọn trẻ thất học không vì ngu dốt nhưng vì hoàn cảnh gia đình, cha mẹ ;  thầy gom về  hết và dậy từ mười năm nay. Thầy khoe: “ Học trò của tôi đã có em đã lên đại học rồi đó ” . Nụ cười mãn nguyện, hạnh phúc nở tươi trên khuôn mặt đen sạm mang nét vất vả của thầy. Thú thực tôi rất vui khi thấy thầy đã vui với công việc từ thiện “xóa dốt”, nhưng tôi không thể hiểu thầy sinh sống thế nào khi sáng chiều vật lộn với lũ trẻ “thất học” mà  không nhận được một đồng thù lao từ bất cứ cơ quan, tổ chức nào. Hình ảnh gầy guộc, hom hem nhưng tận tụy của thầy thắp sáng trong tôi ngọn nến hồng trước bóng tối của đêm đen hèn nhát, ỷ lại, chủ hoà, lười biếng.
Và tôi dừng chân ở Mái Ấm Têrêxa của chị Dung. Chị Dung vừa lo cho bệnh nhân ung bướu vừa chăm nom một đám trẻ có khó khăn gia đình trong bốn mái ấm là những căn nhà  riêng của chị. Say mê phục vụ bệnh nhân ung bướu đến độ ngày nào không vào bệnh viện từ bốn giờ sáng để tận tay cho người bệnh một chén cháo lót lòng là ngày đó chị nóng ruột, khó chịu như chưa chu toàn một bổn phận phải làm, một trách nhiệm được trao.
Nấu, phân phát cháo cho bệnh nhân xong là chị xông xáo đi tìm bệnh nhân nghèo để giúp đỡ, nếu cần chị đưa về Mái Ấm cho trú ngụ miễn phí, nếu không có tiền thuê nhà trọ trong thời gian chờ được khám hoặc nhập viện. Hai mái ấm dành cho bệnh nhân lúc nào cũng có người và chị yêu thương, chia sẻ với họ tất cả những gì chị có. Cái lạ là chị không xin ai tiền nhưng khi người nghèo cần giúp đỡ, chị luôn có thể đáp ứng. Buổi chiều của chị là giờ dành cho đám trẻ bụi đời, không có điều kiện học thêm. Là một nhà giáo, chị có kinh nghiệm sư phạm và đám trẻ nhờ thế mà lễ phép và ở lớp có điểm cao hơn.  Hình ảnh của chị Dung không mệt mỏi vì người bệnh và trẻ em đường phố cũng có một chỗ quan trọng trong tôi như nụ hồng rất xinh vừa hé mở đem cho giới trẻ hôm nay một ước mơ phục vụ.    
Sau cùng là chị Đức, chị Hường, chị Hạnh, chị Tuyền, chị Oanh, chị Thảo, anh Tường, anh Tuấn, anh Đại, anh Nhâm, chị Vinh, anh Tiếu, anh Nghiệp, anh Kính, anh Quang, anh Ngọc,  chị Tú,  anh Mạnh, anh Thiện, anh Viên, các cháu Trang, Bi, Thông, Mỹ, Quang, Hạnh, Trâm và nhiều người khác, những bàn tay tiếp sức kín đáo cho các công việc từ thiện. Tiền tuyến mạnh là nhờ hậu phương vững. Chính nhờ những “mạnh thường quân“ quảng đại, âm thầm và trung thành mà nhiều cơ sở, công tác từ thiện được thực hiện tốt đẹp.
Hình ảnh của họ trong tôi là một cánh đồng rực rỡ hoa hồng làm ngây ngất tình yêu và làm tươi trẻ tuổi xuân trong trái tim mọi người.    
 Những hình ảnh trên là những hình ảnh tiêu biểu của vô số những hoạt động từ thiện đang nở rộ ở Việt Nam hôm nay. Từ những hoạt động nhân đạo của các tôn giáo, tư nhân,  những trung tâm Từ thiện, Mái Ấm được chính phủ trợ cấp một phần, phần lớn được các Hội trong nước, ngoài nước tài trợ đến những sáng kiến rất bé nhỏ, âm thầm, đơn sơ, không được tài trợ bởi bất cứ tổ chức đạo, đời nào  của một người bình thường, không giầu có như thầy Ngọc, chị Dung.. đều đang nói lên một hoàn cảnh rất cấp bách ở Việt Nam. Đó là tình trạng nghèo.
Nghèo mang nhiều khuôn mặt: nghèo lương thực, nghèo sức khoẻ, nghèo kiến thức, nghèo tình cảm, nghèo tương lai, nghèo mơ ước, nghèo đạo đức, nghèo lý tưởng. Nhưng nghèo nào cũng là thiếu thốn, túng quẫn. Nghèo nào cũng khổ. Nghèo nào cũng cần được giúp đỡ để thoát nghèo. Làm từ thiện là xoá đói, giảm nghèo, là làm cho người nghèo bớt nghèo hơn... cho dù người nghèo đó nghèo kiểu gì. Dám nhận diện và đối diện với cảnh nghèo của người anh em là bước chân thứ  nhất cho phép hành trình từ thiện được thực hiện. Kế tiếp là bước chân quyết định dấn thân đồng hành để dắt người anh em ra khỏi cảnh nghèo. Thiết tưởng làm từ thiện chính là lên đường cùng đi với ngừơi nghèo để tương lai của người nghèo có một con đường sáng và hạnh phúc hơn. 

I. NHẬN DIỆN NGHÈO


Nghèo là một sự thực không thể chối cãi trong xã hội loài người. Ở đâu có con người, ở đó có tất cả mọi vấn đề nhân loại và một trong những vấn đề nhiêu khê của cộng đồng nhân loại là tình trạng bất bình đẳng giữa con người. Do nhiều nguyên nhân, đặc biệt sự phân phối thiếu công bằng và không hợp lý, xã hội loài người luôn căng thẳng vì mức độ chênh lệch, khác biệt về dinh dưỡng, sức khoẻ, giáo dục. Ba nhu cầu căn bản của con người một khi không được đáp ứng đúng mức, xứng hợp  thường đem lại nhiều hậu qủa xấu làm băng hoại xã hội và bầu khí, ở đó con người sống.
Các nhà xã hội thường nhấn mạnh sự phân phối không công bằng và cho đó là nguyên nhân chính làm phát sinh tình trạng nghèo trong một quốc gia. Theo nghiên cứu mới nhất của Chương Trình phát triển Liên Hiệp Quốc : 20% nhân loại chiếm  82,7% tài nguyên thế giới ; 20% khác  với 11,7%  ; 60% nhân loại còn lại thoi thóp, nghèo nàn với 5,6%. Thống kê cho ta thấy độ chênh lệch vật chất đáng sợ giữa người giầu và người nghèo trên thế giới. Độ chênh lệch càng cao, càng nhiều người nghèo. Đó là cách xếp hạng các quốc gia phát triển hay không phát triển. Bên cạnh sự phân phối lương thực, tài nguyên không công bằng, hợp lý là các cuộc chiến tranh và thiên tài mà  số nạn nhân lên đến hàng triệu người.     
Nghèo là một thực trạng xuất hiện dưới nhiều khuôn mặt, khiá cạnh, bình diện. Nó xâm lấn  và đe doạ an ninh cá nhân và trật tự xã hội. Nó làm đảo lộn kỷ cương, tổn thương luân lý bằng những phản ứng bạo động có tính cá nhân hay tập thể. Nó cũng là mối nguy hiểm cho các nền văn hoá và là thách đố đáng lo ngại đối với tôn giáo. Sở dĩ nghèo đáng ngại và đáng sợ là vì nghèo không cho con người nhận ra căn tính làm người của mình khi những quyền căn bản như được nuôi dưỡng, được chăm sóc khi đau bệnh, được giáo dục, đào tạo và được hành động với tự do bị lấy đi, hay ít ra bị xén bớt, giảm thiểu khi cảnh nghèo ập tới khống chế.
Nghèo là một tội, có khi là tội ác khi nghèo không cho con người được sống mức sống tối thiểu của con người, mức sống tối thiểu để con người không bị đồng hoá với súc vật. Nỗi khổ của con người là không thể làm người  khi mức sống tối thiểu làm người của mình không được đáp ứng. Khác con vật ở điểm này khi con vật không nhận ra mức sống tối thiểu của mình... để không phải khổ đau, khốn nạn như con người. 
Nghèo là một cạm bẫy xô đẩy con người xuống tận bùn đen khi không còn gì bào đảm, bám víu khi rơi vào cảnh túng quẫn, bần cùng : 3,2% trẻ em nghèo Brésil đi làm từ 5 tuổi để giúp gia đình ; 24% các em 10 tuổi phải làm việc 40 giờ một tuần. Tình trạng cướp bóc, trấn lột, giết người xẩy ra nhiều trong những khu phố nghèo, quốc gia nghèo và sĩ số tội phạm ở người nghèo luôn cao so với giới giầu và trung lưu. Gái điếm cũng là hệ quả của nghèo khi không còn biết làm gì để sống đành phải “bán trôn nuôi miệng”.
Như thế, nghèo không phải là một hiện trạng cá nhân, riêng lẻ; nó là vấn đề lớn mang ảnh hưởng lớn đến phần lớn nhân loại. Nghèo trở thành vấn đề, có khi là nan đề cho các nhà chính trị, xã hội, luân lý và tôn giáo; vì nghèo gắn chặt vào thân phận người, bám vào nhiều người, kềm kẹp số đông người, làm khổ hàng triệu người nên tất yếu phải là đối tượng và vấn đề  cần được quan tâm, giải quyết bởi các nhà lãnh đạo dân sự cũng như tôn giáo. Tránh né vấn đề, thu nhỏ vấn đề, phủ nhận vấn đề đều là những thái độ không thể chấp nhận. Bởi tự thân, nghèo không chỉ  “tội nghiệp” cho cá nhân người nghèo mà còn “tội nghiệp “ cho an sinh xã hội, cho sự trường tồn, phát triển của quốc gia, cho sức bật kinh tế cần thiết của cả dân tộc, cho giá trị con người và quyền hưởng hạnh phúc của đời người. Trong ý thức đó, nghèo không còn là một tội đáng “tội nghiệp” mà còn là một “trọng tội “ cần được mọi người tiếp tay, hỗ trợ để mọi người có thể xa tránh.
Cộng đồng nhân loại lo ngại về con số nạn nhân của đói khát, bệnh tật, thất học ngày càng gia tăng khắp nơi trên thế giới và không ngừng thực hiện những nỗ lực nhân đạo: cung cấp lương thực, săn sóc bệnh nhân, tạo cơ hội cho mọi người được đi học. Những nỗ lực quốc tế này được gọi chung là những hoạt động nhân đạo mà mục đích là cứu sống, xoa dịu những đau khổ của nạn nhân, tìm cách ngăn chặn những thảm hoạ và giúp các nạn nhân có một đời sống bình thường, xứng hợp với nhân phẩm. Các tổ chức nhân đạo có tầm vóc quốc tế này đã đóng góp rất nhiều trong công tác cứu trợ khẩn cấp và tìm những giải pháp lâu dài giúp đỡ các nạn nhân. Các tổ chức này được xây dựng trên những nguyên tắc chung như :
a.   Nhân loại : Mục tiêu của hoạt động nhân đạo là con người : cứu người, giúp người, và sự sống con người là trung tâm của mọi sinh hoạt nhân đạo.
b.   Vô tư : Hoạt động nhân đạo nhắm đến lợi ích của con người bất kể họ là ai, thuộc chính kiến, tôn giáo, sắc tộc, giai cấp nào. Không đặt bất cứ một điều kiện nào trong cứu trợ, vì chủ đích duy nhất của mọi hoạt động nhân đạo là cứu sống và trợ giúp nạn nhân là con người.
c.    Trung lập : Vì chỉ nhắm lợi ích của con người trong khó khăn, hoạn nạn, nên các hoạt động nhân đạo không được phép xếp mình vào  một chiến tuyến, một phe nhóm, một đảng phái chính trị nào để được hoàn toàn tự do trong công tác phục vụ nhân đạo, vô vị lợi các nạn nhân.
d.   Độc lập : Hoạt động nhân đạo chỉ nhắm một mục đích duy nhất : cứu người, giúp người, nên phải từ chối giây mình vào bất cứ một mục tiêu chính trị, quân sự, kinh tế hay tôn giáo nào.       
Với những nguyên tắc “vàng”  vừa kể, các tổ chức nhân đạo thế giới phần lớn đã đảm bảo được  tính hữu hiệu và trong sáng trong các hoạt động nhân đạo của mình. Tuy thế, nhiều vấn đề vẫn  được đặt ra với những người làm từ thiện, nhân đạo:
a.   Chỉ như hạt muối bỏ bể ”  
Đó là tâm sự của nhiều người làm công tác nhân đạo khi đứng trước đám đông đói khát, bệnh hoạn, thất học không thể đếm được. Người ta cảm thấy hoàn toàn bất lực trước khổ đau của đồng loại. Những gì cho được lúc này thật qúa nhỏ bé, chẳng thấm tháp gì trước nhu cầu cao như núi, sâu như biển của những thân phận đang cố giành sự sống khỏi tay thần chết. Không mấy người làm từ thiện đã trở về nhà mình với tâm trạng “thoải mái, mãn nguyện”, nhưng thường nặng trĩu một nỗi buồn quay quắt và mặc cảm bất lực trước khổ đau vời vợi của đồng loại. Trước mắt họ còn một đại dương nghèo đói, bệnh tật, thất học trong khi  khả năng trợ giúp chỉ bé nhỏ như một giọt nước trong đại dương.
Nếu chỉ là “hạt muối bỏ bể, hay giọt nước trong đại dương” thì ý nghiã của hoạt động nhân đạo ở đâu ? Đúng thế, nếu chỉ tìm kết qủa đo lường, đong đếm được trong hoạt động nhân đạo thì ý nghiã khó được tìm thấy khi con số được cứu sống, được trợ giúp luôn “chẳng bõ bèn gì”... Và tự nhiên người ta sẽ nản chí buông xuôi và không dấn thân làm từ thiện nữa.  
Không ít người đã rơi vào tâm trạng chán nản, bi quan này. Nhưng vấn đề cần được đặt một cách khác: nếu không ai làm nhân đạo , không còn những tổ chức từ thiện nữa, thì thế giới loài người này sẽ ra sao ?  Người ta có còn nhìn nhau như đồng loại ? Chúng ta sẽ ăn nói gì với con cháu khi dậy chúng tôn trọng phẩm giá con người ? 
Điều quan trọng và căn bản ở đây trong các hoạt động từ thiện, nhân đạo là thái độ cương quyết  từ chối tính vô cảm, dửng dưng trước khổ đau của đồng loại. Tính vô cảm trong xã hội loài người là sự dữ tuyệt đối cần phải tránh. Người ta có thể yếu đuối khi xúc phạm nhau và điều ấy vẫn luôn đáng tha thứ; nhưng vô cảm trước nhu cầu cấp bách của nhau là sự vắng bóng tòan phần của nhân tính mà không tìm được lý do để  thứ tha.
Trong hôn nhân, nếu vô cảm giết chết tình yêu,  thì trong xã hội, vô cảm giết hết mọi người; bởi vô cảm là nguồn cội của mọi thù hận, ghen ghét, kỳ  thị, bạo hành và cuối đường của vô cảm, con người sẽ không còn là người . Trước bất hạnh của người khác, ta có thể lôi ra hàng trăm lý do để thoái thác, trốn chạy; ta có thể viện hàng ngàn cớ để vắng mặt để khỏi phải dấn thân. Tránh mặt ở nơi mà đồng loại khổ đau đang cần đến chính là chối bỏ một trách nhiệm luân lý. Luân lý “làm người “đòi ta phải có mặt tại hiện trường tang thương của đồng loại. Chỉ sự hiện diện đã đủ làm ta xứng đáng là người và đem lại “hạnh phúc”  cho  nạn nhân; bởi  người ta chết nhiều vì sự vô cảm của đồng loại hơn là chết vì bệnh tật, thiếu ăn.
Bên cạnh sự từ chối vô cảm, hoạt động nhân đạo, tuy không giải quyết hết những vấn đề của nạn nhân, không đem lại thiên đàng tại thế cho những thân phận khốn cùng; nhưng  là một tiếng nói, là còi hụ báo động những thiếu sót, tố cáo những lạm dụng, điểm mặt những bất công, vạch trần những tiêu cực gây tai ương cho con người.
b.   Như bao nhiêu tổ chức khác, tổ chức nhân đạo không tránh được những lạm dụng, tiêu cực.  
Có những nhân viên lợi dụng mục đích nhân đạo để thực hiện những mưu đồ trục lợi cá nhân. Có những toan tính thiếu lương thiện trong sinh hoạt nhân đạo vì mục tiêu chính trị, đảng phái... Với ý thức và phương tiện kiểm soát ngày càng hữu hiệu, các tổ chức nhân đạo quốc tế những năm gần đây đã thực sự nắm lại những nguyên tắc căn bản và đường lối hoạt động chính đáng của mình.
Như thế, hoạt động nhân đạo, tuy còn  thiếu sót trong điều hành vẫn là hoạt động không thể thiếu trong xã hội loài người vì tính khẩn thiết và ý nghiã sâu sa của nó. Bao lâu con người còn khổ đau, bao lâu con người còn đối đầu với bất công, bạo lực, chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật; bấy lâu hoạt động nhân đạo còn cần thiết và đáng mọi người cộng tác, tiếp tay xây dựng.   
“Nhìn người lại nghĩ đến ta” để thấy đất nước ta hôm nay cũng còn là một nước nghèo.
Nhận mình nghèo không có gì là tủi nhục hay xúc phạm phẩm giá. Nhận mình nghèo không làm giảm giá trị, vị thế, tự hào của dân tộc, càng không xâm phạm “quốc hồn, quốc túy”. Trái lại, hành động nhận mình nghèo nói lên nét hào hùng, trung trực, lương thiện và nhân bản của mình. Không ai khinh người chân thật, chính trực; người ta chỉ khinh những phường gian dối, điêu ngoa, phét lác.
Đất nước nghèo là một hiện trạng, một hiện trạng được coi như hậu qủa của nhiều nguyên nhân : nhiều năm chiến tranh, tái thiết hậu chiến,  khủng hoảng kinh tế, cộng thêm những tiêu cực chưa khắc phục như tham nhũng, bệnh thành tích, óc cục bộ, trục lợi...
Đất nước nghèo khi tỷ lệ trung lưu và thượng lưu chỉ  chiếm 8% dân số, còn lại  92% dân nghèo. Tỷ lệ quá chênh lệch ít nhiều phải làm chúng ta nhức đầu, băn khoăn, thắc mắc.
Đất nước nghèo là điều đáng buồn, nhưng không đáng phải nản lòng, nhụt chí. Tình trạng nghèo của người dân là thách đố đối với những người có  tấm lòng. Không có gì là quá khó và bất khả thi, nếu có một tấm lòng. Với niềm tin vào tương lai và nỗ lực ở hiện tại, một ngày không xa, đất nước sẽ giầu mạnh và mọi người sẽ thoát khỏi cảnh nghèo. Tôi dám tin như vậy khi viết những giòng này.
Nhiều kiểu nghèo, nhiều cảnh nghèo
1.   Nghèo Tiền Của:
Thường người ta chỉ chú ý đến  cái nghèo vật chất: không của ăn, không nhà ở. Nghèo vật chất, vì dễ thấy, nên dễ  lôi kéo chú ý của đám đông. Nhìn người ăn xin, ta biết họ nghèo, vì nghèo không có gì ăn nên mới nhục nhằn đi ăn xin. Thấy em bé đánh giầy, bán vé số, ta biết em nghèo. Nghèo nên mới lang thang đầu đường xó chợ kiếm sống qua ngày. Nhìn những người co quắp ngủ bên vệ đường, ta biết họ nghèo, vì không ai cho ở, không tiền thuê nhà, mướn khách sạn.
Như đã trình bầy ở những giòng trên: có nhiều thứ nghèo, nhưng tựu trung vào 3 thứ nghèo căn bản : nghèo vì không của ăn, nhà ở, nghèo vì không được săn sóc chữa trị khi đau ốm, nghèo vì không được học hành, đào tạo. Cả ba thứ nghèo dính dáng, ảnh hưởng, có họ hàng với nhau, nên lôi kéo, chằng chéo, đánh đu với nhau rất “kỳ cục”: không có tiền ăn làm sao đi học; không đi học làm sao đi làm có tiền; không đi làm có tiền lấy đâu trả tiền bệnh viện ? Vì thế đã nghèo một là nghèo luôn ba; lỡ nghèo một thứ là dễ nghèo luôn những thứ còn lại, khác gì bệnh ung thư : đã di căn  rồi thì chỗ nào cũng đau,  bộ phận nào cũng tanh bành, nát bấy.
Nhưng nghèo vật chất là cái nghèo thường đi tiên phong và có sức mạnh tàn phá  hơn cả. Nó tàn phá vì của ăn, thức uống, áo mặc là những nhu cầu căn bản, tối thiểu để sinh tồn. Thiếu học có thể sống 50, 70 năm; nhưng thiếu ăn, thiếu uống làm sao sống được nhiều tháng, nhiều tuần ?
Những nạn đói khủng khiếp trên thế giới  như ở Biafra  đã tiêu diệt trong vài tuần lễ hàng triệu người. Nạn đói năm 1945 tại Việt Nam với 1 triệu đồng bào chết đã cực tả sức mạnh tàn phá của cái nghèo “ăn uống”. Chưa đủ, nghèo vật chất, vì dễ thấy, dễ nhận ra khi cảnh đói khát, rách rưới như đập vào mắt mọi người đã thường làm xụp đổ nhanh chóng nhân cách, làm tổn thương trầm trọng danh dự gia đình và kéo đổ không tiếc thương vị thế xã hội của người lâm cảnh nghèo vật chất. Người ta sống nhiều dưới cái nhìn của người khác và tư cách của cá nhân luôn lệ thuộc con mắt của tha nhân, nên khi nghèo, người nghèo bị hạ giá, bị người khác bán rẻ, hay ít nhất chính người nghèo không chịu nổi cái nhìn của người khác vì “ảo tưởng sĩ diện” và mặc cảm sẵn có nơi mình. Cái khổ và nỗi đau của người nghèo là thấy mình không còn được là mình dưới cái nhìn của tha nhân và trong chính phản tỉnh của mình. Sự sụp đổ nhân cách, danh dự gia đình và vị thế xã hội là nguy cơ thường gặp nơi những thân phận nghèo vật chất. Một khi rơi vào tình thế nguy hiểm này rồi thì ý chí vơi cạn, ước mơ tiêu tan, nhường chỗ cho sầu đời, tủi phận.
2.   Nghèo sức khoẻ.
“Sinh, Lão, Bệnh, Tử”. Nhà Phật nêu ra 4 cái khổ của kiếp người, trong đó có Bệnh Tật. Có thời giờ, mời bạn đi thăm các bệnh viện ở thành phố Saìgòn vào sáng sớm để thấy cảnh quá tải của các bệnh viện. Bệnh nhân xếp những hàng dài, thật dài hoặc đứng ngồi la liệt khắp nơi chờ lấy vé, được gọi tên khám bệnh. Có những người bệnh chờ chực từ 3 giờ sáng với hy vọng được khám trong ngày. Có những người bệnh đến từ những tỉnh miền Tây, miền Trung xa xôi. Họ thực sự đang giành giật sự sống với bệnh tật, dù khả năng vật chất vô cùng giới hạn.
Đi thăm các em bé bị ung thư, tôi không thể tưởng tượng các em có thể sống được trong  những căn phòng chật chội, đông đúc, ngột ngạt và thiếu vệ sinh như vậy. Nhưng rồi tôi cũng phải hiểu khi nhận ra đất nước còn nghèo và người nghèo vẫn còn chiếm đa số.
Nghèo sức khoẻ có thể là mối nguy cơ không nhỏ của đất nước hôm nay. Nghèo sức khoẻ là hậu qủa tất yếu của nghèo vật chất. Thiếu ăn thiếu mặc hoặc ăn uống bừa bãi, bữa đói bữa no, chưa kể thực phẩm ngày càng bị ô nhiễm, pha trộn hoá chất độc hại đã là nguyên nhân làm nghèo sức khoẻ của người dân.
Có bao nhiêu người bệnh đã đến được bệnh viện? Và còn bao nhiêu người đã không có phương tiện vật chất để được kiểm tra sức khoẻ một lần trong đời?  Với những người nghèo này, đau bệnh là tận số nên chỉ còn biết đổ lỗi cho số phận và cắn răng ngậm ngùi chờ được cái chết gọi đi.
3.   Nghèo kiến thức.
Con người có nhu cầu biết, vì con người có trí khôn và khả năng làm chủ vận mệnh của mình qua ý thức và hành động làm chủ vũ trụ. Không biết hay không được biết là một cảnh nghèo của kiếp người bên cạnh cảnh nghèo vật chất và nghèo sức khoẻ.
Để biết, con người phải được học. Để có khả năng làm chủ vận mệnh đời mình, con người phải có kiến thức về đời người, người đời và xã hội trong đó con người sống. Để thành công trong đời, con người phải được học những kỹ thuật điều hành sinh hoạt cộng đồng nhân loại, nắm bắt những phát minh khoa học như chià khoá để đi vào thành công. Thiếu học, con người không thể theo kịp trào lưu tiến hoá  và không thể đáp ứng những đòi hỏi của một thế giới ngày càng tiến nhanh với tốc độ chóng mặt.  Học giúp con người lý luận đúng. Học giúp con người nhận định chính xác. Học giúp con người đón nhận chân lý một cách lương thiện. Học giúp con người hành xử  nhân đạo, nhân ái. Học giúp con người sáng suốt chọn lựa. Học giúp con người sống đúng nhân vị, có nhân cách và nhân bản.
Vì thế không được học, không được giáo dục đào tạo, con người sẽ mất dáng đứng “người “ như phải có, vì bên cạnh những nhu cầu thể lý, con người còn nhu cầu trí thức, nhu cầu tinh thần cũng quan trọng và thiết yếu không kém. Cố tình lấy đi quyền được học hành là vi phạm nhân quyền; đồng thời tiếp tay làm cho nhân loại nghèo nàn, khốn khổ, bần cùng hơn.
Và từ nay, danh từ “người nghèo” sẽ được người viết dùng để chỉ chung: người nghèo vật chất, người bệnh không được chăm sóc, người thất học không được đến trường.

II. LÀM TỪ THIỆN


Làm từ thiện thường được hiểu là một hành động nhân đạo, một công tác thiện nguyện, một hành vi đạo đức muốn đem lại cho người khác khốn khổ, bất hạnh, xấu số hơn mình một món quà vật chất, một trợ giúp hữu hiệu, một an ủi, nâng đỡ tinh thần. Từ thiện hiểu như một việc tốt lành, đáng trân trọng và mang lại công phúc, ơn đức cho người thực hiện. Tôn giáo nào cũng đề cao và khuyến khích việc từ thiện. Hồi Giáo đặt việc từ thiện, bố thí là một luật buộc quan trọng. Thiên Chúa giáo đặt việc bác ái, giúp đỡ người khác như một giới răn ngang với giới răn thờ phượng, yêu mến Thiên Chúa. Phật giáo kêu gọi, khuyến khích con Phật làm từ thiện, cứu giúp người. Các tôn giáo khác như Cao Đài, Hoà Hảo cũng không đi ngoài hướng đi nhân ái, vị tha, bác ái này.
Như thế làm từ thiện trước hết là đối diện với người nghèo, là đến với người kém may mắn, là tiếp cận với người xấu số, cực khổ hơn mình với mục đích làm nguôi ngoai nỗi đau, làm giảm nhẹ khốn khổ, cơ cực của họ.  
1.   Đối diện với người nghèo:
Người nghèo ở đây không phải là người nghèo được vẽ trên giấy, người nghèo trong tranh được lồng kính và treo trên tường ; người nghèo ở đây cũng không là một quan niệm, một danh xưng rỗng tuyếch để chỉ một thành phần, một số đông, một tập thể nghèo; người nghèo ở đây càng không là những con số không hồn, lạnh lẽo, vô cảm trên biểu đồ trong phòng làm việc của nhà xã hội hoặc trên máy tính của ủy ban dân số. Người nghèo, đối tượng của từ thiện là người nghèo bằng xương bằng thịt, những người nghèo chỉ còn da bọc xương, gầy gò, lem luốc, tật nguyền, đau bệnh. Người nghèo có thật bằng những vết thương sâu hoắm trên đùi, lở loét ngang bụng cho mùi hôi thối đến nôn mửa. Người nghèo “bụng ỏng da chì”, nhợt nhạt, xanh mướt vì bệnh sốt rét, hoặc  bàn tay không ngón vì phong cùi. Người nghèo có thực: thực trong dáng đứng, thực trong hơi thở yếu đuối, thực trong cơn đói cồn cào, thực trong manh áo tả tơi, thực trong ngơ ngẩn đáng thương vì mất trí, thực trong lơ đãng, kỳ cục phải kiên nhẫn lắm mới chịu đựng được. Ngừơi nghèo ở đây không biết tên mình là người nghèo, cũng không biết tuổi mình đã bao năm làm người nghèo, càng không  biết mình đang ở đâu, chỗ nào trong xã hội. Người nghèo ở đây nghèo đến độ không  cần phân biệt ngày mai - hôm nay, trước - sau, phải - trái ; vì với họ không ai là điểm tựa, không gì là hải đăng,  không đâu là địa bàn. Người nghèo ở đây cũng  chẳng quan tâm đến chính sự sống của mình, vì có hiểu tại sao mình sống đâu.
Đối diện với một người mà ta chưa biết họ là ai và ta cũng chưa nhận ra ta là ai, thì làm sao có được buổi hội ngộ có ý nghiã? Giáp mặt nhau mà không nhận ra nhau, thì còn gì là gặp gỡ, còn gì là thân cận,ncòn gì là thân tình? Vì thế, để cuộc gặp gỡ giữa ta và người nghèo mang một ý nghiã nhân bản, ta phải tìm biết người nghèo là ai:
a.   Trước hết, người nghèo là con người:  
Họ là một con người có hồn và xác, có quyền làm người, có nghiã vụ của con người trong xã hội, có giá trị, khả năng và vị trí con người như tất cả mọi người khác.
b.  Người nghèo là người có lịch sử:
Người nghèo là người nên có lịch sử, gia thế, cũng như  hoàn cảnh và đời riêng cần được mọi người tôn trọng.
c.    Người nghèo được sinh ra là người:
Nghèo chỉ là một tình trạng có thể thay đổi, trong khi bản tính “người” nơi người  nghèo thì bất biến, bất khả nhượng. 
Như thế người nghèo khác người giầu ở tình trạng sống, nhưng giống người giầu ở chất người, chỗ đứng người, tư cách người, giá trị người; nói tắt là nhân vị. Không khác nhau ở căn tính, chỉ khác nhau ở tình trạng nên cùng chung một vị thế, đứng chung một hàng, cùng chia sẻ một thân phận, cùng đồng hành trên một hành trình làm người và gánh chung một định mệnh là  người. Từ điểm then chốt này, ta hình dung cuộc gặp gỡ, đối diện giữa người làm từ thiện, tạm gọi là người không nghèo và người được trợ giúp thường có tên là người nghèo. Đó là cuộc gặp gỡ sẽ không mang tính đối đầu giữa ông chủ và tên nô lệ, cũng không  là cảnh người giầu bố thí  “cơm thừa canh cặn” cho người ăn xin nghèo khổ ; nhưng là gặp gỡ giữa hai con người, hai nhân vị, hai chủ thể bình đẳng có khả năng đồng cảm, đồng thuận, đồng hành. Đó là cuộc gặp gỡ giữa hai tâm hồn, hai cuộc đời cần có nhau, cần đến nhau.
Người cho cần có người nhận ; bởi khi cho đi người ta soi được bóng dáng và diện mạo thật của mình trong người khác ; bởi khi cho đi hiện hữu của người cho được cắm sâu hơn, trải rộng hơn trong người khác ; bởi khi cho đi chất người nơi người cho phong phú, dồi dào hơn và nhất là hạnh phúc được tràn đầy và sâu lắng nhờ có mặt trong trái tim tha nhân.
2.   Đối thoại với người nghèo.
Đối diện với người nghèo là nhận ra họ là người như ta. Đối thoại với họ đòi người làm từ thiện tự lột bỏ ngôn ngữ giai cấp để mang vào một ngôn ngữ mới của một người đang làm bổn phận chia sẻ. Nói đến bổn phận là nói đến việc phải làm, trách nhiệm phải chu toàn, nghiã vụ phải thực thi. Người làm từ thiện không làm từ thiện với tinh thần “thi ân, bố thí”, làm từ thiện như một hobby, một môn giải trí lành mạnh, một hành động thu góp công đức thiêng liêng hay tìm danh thơm để đời.  Làm từ thiện phải mang một lớp áo của nghiã vụ làm người, một ý nghĩa của bổn phận  người với người. Trong nghiã vụ, bổn phận, con người nhận ra tính tương trợ và trách nhiệm của mỗi người trên toàn thể nhân loại và  sự đóng góp cần thiết của toàn thể nhân loại trên mỗi người. Trách nhiệm chung ấy đòi mỗi người có bổn phận làm cho đời người khác tốt hơn, hạnh phúc hơn, giầu có hơn, xứng đáng hơn. Trách nhiệm chung đó cũng lôi kéo mỗi người ra khỏi vỏ ốc ích kỷ của mình vì hạnh phúc của tha nhân. Như thế, ngôn ngữ trong cuộc đối thoại giữa người làm từ thiện và người nghèo sẽ không mang cung giọng trịch thượng, khinh miệt hay diễu cợt, bông đùa. Trái lại, ngôn ngữ sẽ mang lòng nhân ái, chuyển tải tâm tình thông cảm và diễn tả lòng kính trọng, yêu thương.
3.   Đồng hành với ngừơi nghèo.
Đồng hành là cùng đi, không đi cùng người chết, nhưng đi với người sống mặc dù người sống ấy  nghèo. Đi chưa đủ, còn phải đi về một mục đích đã chọn sẵn. Như thế, dấn thân đồng hành với người nghèo, người làm từ thiện phải ý thức mình đang đi với người nghèo, tuy nghèo nhưng vẫn đang sống.
Sở dĩ phải nhấn mạnh điểm này vì khuynh hướng tự nhiên nơi người làm từ thiện là  hay quên người nghèo là người đang sống, cũng ham sống, muốn sống như mình. Khi vực dậy người nghèo đói, bệnh tật, ta hay quên sự sống nơi họ bằng giảm thiểu một cách rất vô tình khả năng sống và quỹ sống của họ, làm như họ không được phép sống khoẻ, sống mạnh, sống sung sức như ta. Cũng có lúc coi nhẹ sự sống nơi những thân phận hẩm hiu, bất hạnh khi đồng hoá họ vào những con số.
Đồng hành với người nghèo hệ tại ở ý thức tôn trọng sự sống, đời sống của họ. Đồng hành với ai là cốt nâng đỡ họ để được cùng họ đi đến cuối đường, đạt được mục tiêu. Đồng hành mà chỉ mong sớm được “đơn thân độc mã” trên đường thì còn gì ý nghiã của đồng hành. Làm từ thiện là cứu sự sống, nâng đỡ sự sống, đấu tranh để giành sự sống cho những người sắp mất sự sống. Khi cho người đói ăn, ta mong họ sống. Khi cho người bệnh thuốc, ta mơ họ được hồi sinh. Khi giúp một người đi học, ta đợi chờ một cuộc sống viên mãn, dồi dào, phong phú nơi họ. Tôn trọng sự sống, trân qúy sự sống, khát khao sự sống, hết mình vì sự sống của người nghèo, đó là điều kiện không thể thiếu để đồng hành với họ. Thiếu điều kiện này, ta sẽ chỉ làm người nghèo tủi thân hơn khi họ phát hiện thái độ coi thường sự sống  của họ nơi ta.
4.   Đóng góp cho kế hoạch phát triển.
Mục đích phải đến của công tác từ thiện là giúp người nghèo thoát khỏi cảnh nghèo. Người nghèo chỉ thoát nghèo khi chính họ tự thoát. Nhưng đã có nhiều trường hợp muốn tự thoát nhưng thoát không xong ... Đó là những trường hợp khả năng chưa đủ còn cần nhiều trợ giúp.
Làm từ thiện đòi một cái nhìn xa, một  tầm phóng lớn để thấy trước những gì cần phải làm. Hời hợt, nóng nẩy, vội vã trong từ thiện sẽ không mang lại kết qủa như ý, vì  bất cứ kế hoạch từ thiện nào cũng đòi hỏi thời gian, mà  thời gian vẫn luôn thích níu kéo lòng kiên trì, tính nhẫn nại.
Vật chất trong từ thiện đôi khi cũng làm nóng ruột người cho, nhưng kết qủa trong công cuộc cứu sống con người thường ẩn khuất, kín đáo, không ồn ào, nên phải có độ nhậy của óc thông minh và tinh tế của tâm hồn nhân ái mới thấy được tất cả giá trị và mầu nhiệm của nó.

III. Ý NGHIÃ PHỤC VỤ TRONG TỪ THIỆN


Có nhiều người quan niệm: làm từ thiện là bố thí của cải dư thừa, cho người nghèo những gì mình không còn dùng, hay khá hơn là làm phúc cho người xấu số một số tiền như chút qùa nhân đạo. Cũng có người cho rằng: làm từ thiện là để chuộc tội riêng, tích lũy ơn phúc cho mình và gia đình hay đền trả những bất công, tai họa mình đã gây nên cho đời. Và quan niệm chung của đại đa số thường xoay  quanh hai trục: làm từ thiện là cho đi một phần của cải và việc làm từ thiện đem lại phúc đức, ơn lộc cho mình, cho người thân của mình.
Nếu chỉ quan niệm làm từ thiện như thế, thì yếu tính của việc làm từ thiện đã bị bỏ quên. Yếu tính đó là tinh thần phục vụ.
Đi làm từ thiện mà không mang theo tinh thần phục vụ thì việc từ thiện chẳng qua chỉ là một đổi chác, một câu chuyện bán buôn, thương mại: người nghèo như món hàng mang lợi nhuận là ơn phúc và tôi bỏ tiền mua lấy món hàng này. Người nghèo là mối lợi tinh thần mà chỉ nơi họ, tôi mới mua được trạng thái an ổn, thoải mái cho lương tâm và sắm sẵn cho mình phần phúc mai hậu. Việc từ thiện lúc đó trở thành chuyện đầu tư mà người thu lời chính là người bỏ vốn như quy trình tự nhiên của kinh doanh.
Qủa thực, nếu không cảnh giác đủ, ta sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng làm từ thiện vì mình, và từ thiện sẽ không còn mang ý nghiã nguyên thủy và phải có của nó.
Các nhà xã hội, luân lý, đạo đức đều đồng ý: yếu tính cuả từ thiện là tinh thần phục vụ. Phục vụ là hành động phát xuất từ tình yêu, nên không yêu không thể phục vụ. Phục vụ  nhắm thẳng đối tượng được phục vụ và chỉ duy nhất đối tượng này. Chệch đường phục vụ, sẽ tiếp ngay một khúc quặt nguy hiểm, đó là ích kỷ, trục lợi.   
Phát xuất từ tình yêu, phục vụ được nuôi dưỡng cũng bằng tình yêu và hướng đến tình yêu như mục đích. Khi làm từ thiện, ta làm vì yêu người cơ nhỡ, thiếu thốn, đau khổ và  giúp đỡ, chia sẻ với họ bằng chính tình yêu dành cho họ. Như thế người được giúp đỡ là nhân vật chính, đối tượng chính, người duy nhất hưởng phúc lợi. Phục vụ cho phép người cho - kẻ nhận bình đẳng, ngang hàng. Phục vụ nối nhịp cầu cảm thông, tin yêu giữa người nhận - kẻ cho. Phục vụ lấp kín hố sâu giai cấp và vô hiệu hoá chủ trương tranh đấu, bóc lột chủ - nô. Phục vụ tạo điều kiện cho một cuộc sống văn minh tình người và một xã hội kinh tế quân bình, hợp lý.
1.    Phục Vụ không dễ
Phục vụ khó như tha thứ, vì tự nó là một thách đố của tình yêu.
a.   Là thách đố của tình yêu:
Phục vụ đòi ta phải đặt mình ở nhịp độ của người ta phục vụ, thay vì bắt họ hoà vào nhịp độ sẵn có của ta. Phục vụ ai  là đáp ứng nhu cầu của họ khi họ cần, chứ không nhằm đáp ứng nhu cầu  của ta, dù nhu cầu ấy có chính đáng đến đâu đi nữa; vì thế  phục vụ không là hoạt động nhắm tìm thoải mái , niềm vui  riêng, nhưng nhắm hạnh phúc, niềm vui của đối tượng.
Khó khăn đầu tiên trong phục vụ là ta dễ dàng hăng say, nhiệt thành  hiến thân cho người  khác, nhưng cùng lúc ta không  chấp nhận họ làm trái  ý  ta, hay làm lệch lạc thời khoá biểu của ta.  Thí dụ : ta chỉ  muốn gặp người nghèo, khi ta khỏe mạnh, thành công, phấn khởi... nhưng ngược đời thay, người khốn khổ lại hay cần ta, tìm ta khi ta mệt mỏi, bận bịu, chao đảo, chênh vênh... Ta chỉ thích làm từ thiện đúng giờ, đúng giấc; nhưng oái oăm thay, người nghèo lại cần ta ở những giờ ta không hoạch định. Chính vì nhịp sống của ta không cùng nhịp sống của người ta giúp, nên để phục vụ họ, ta phải từ chối nhịp sống của mình để hoà vào nhịp sống của  họ; nhờ vậy phục vụ của ta mang giá trị lớn vì ta dám quên mình, bỏ mình vì yêu thương. Nói cách khác, phục vụ mang lại hoa trái của một tình yêu lớn khi tự đặt mình bé nhỏ và luôn sẵn sàng truớc nhu cầu của người khác. Bé nhỏ trước người yếu đuối là để nỗi đau của họ trong trí óc, tận trái tim, trên môi miệng, bên khóe mắt  của ta để có thể mau mắn đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của họ. Sẵn sàng trước nhu cầu của người “thấp cổ bé miệng ” là ra khỏi “cái tôi chật chội, khép kín” để hoà vào nhịp sống của người đang cần ta chia sẻ . Trong bé nhỏ và sẵn sàng, ta đã vào cuộc đời người khác khi phục vụ họ để cùng chung nhịp  bước hạnh phúc của những người  đang cần “yêu và được yêu”.     

b.  Phục vụ khó, vì đòi  trung thành:
Tại sao phải trung thành khi làm từ thiện ?
Có hai nguyên nhân làm ta chóng chán và dễ buông xuôi khi làm từ thiện là yếu đuối trong ta và lỗi lầm nơi người được giúp:
· Trong con người ta luôn có hai yếu đuối làm cản trở bước chân bác ái, từ thiện. Đó là sự sợ hãi và tính lười biếng. Ta có thể thấy người khác đau khổ, nghèo đói, bệnh hoạn và biết họ rất cần ta; nhưng ta không muốn đến gần họ và  tìm giải pháp giúp họ. Thấy, biết và làm là một khoảng cách còn khá xa, một hành trình dài cần nhiều cố gắng, nỗ lực để vượt qua. Yếu đuối trong con người  ta là yếu đuối muôn thưở của quan chức vị vọng, giáo sĩ có  thần thế đã lạnh lùng liếc nhìn người bị bọn cướp đánh nhừ tử,  đang quằn quại “nửa sống nửa chết” bên đường, rồi thản nhiên bỏ đi, không một lời ủi an, một việc làm chia sẻ như  câu chuyện người Samaritanô nhân hậu trong Kinh Thánh (Lc 10, 29-37). Những người này đã bỏ đi, vì lịch làm việc của họ đầy kín, thời giờ của họ qúy báu, ít ỏi và nỗi đau của đồng loại không là ưu tiên trong sinh hoạt.
Câu chuyện người Samaritanô bác ái là hình ảnh người làm từ thiện chân chính, khi sẵn sàng bỏ thời giờ, tiền bạc vì người anh em bị nạn không hề quen biết. Cũng cùng tuyến đường với quan chức và giáo sĩ, ông thấy có người bị thương nặng đang rên rỉ một mình. Với tất cả tình nhân loại, ông đã xuống ngựa để yêu thương,  chia sẻ, cứu giúp với  thái độ tế nhị, ân cần, kín đáo. Ông đã vượt qua  khuynh hướng sợ “dây vào những việc thiên hạ làm gì cho rách việc” và tính lười biếng, “không muốn cái thân phải nhọc mệt vì những chuyện bao đồng” để thực hiện một việc từ thiện anh hùng: cứu sống một nạn nhân không hề quen biết. Vượt qua  sợ hãi và lười biếng là một hành vi anh hùng đã cho ông nhiệt tình dừng chân đến tận nơi, ẵm người bị nạn lên và tận tình đưa đến quán trọ để nạn nhân được băng bó, cấp cứu. Trước khi phải rời nạn nhân để tiếp tục hành trình, ông đã không quên thanh toán chi phí và gửi chủ quán thêm tiền chi phí ăn ở, thuốc men và dặn dò chủ quán chăm sóc cẩn thận.
Câu chuyện  người Samaritanô nhân lành thật cảm động và không lỗi thời, vẫn nhan nhản xẩy ra hôm nay, ở ngay nơi chúng ta đang sống.  
· Đó là về phiá người làm từ thiện. Về phiá  người nhận sự giúp đỡ cũng không thiếu lỗi lầm. Lỗi lầm thường gặp nơi họ là tính bất nhất, mâu thuẫn :  hôm qua họ vừa rối rít yêu cầu ta giúp đỡ chuyện này, sáng nay đã than thở đòi giúp chuyện khác và oái oăm thay, hai chuyện của hai ngày có khi lại hoàn toàn đối chọi, trái ngược nhau. Hơn thế nữa, vì nghèo, thất học nên họ không biết cư xử “ dễ thương, hợp lý” nhưng thường thô kệch, thiếu sót, đôi khi vô duyên, sống sượng  đến lố bịch, côn đồ. Giúp đỡ những con người nhiều thiếu sót, lầm lỗi này không dễ vì ta sẽ bị cám dỗ nói với họ : “Được, anh chị về đi và khi nào sống đàng hoàng, tử tế hơn, tôi sẽ trở lại giúp”.
Thế là từ thiện trở thành “tự biến”  khi cả  bên nhận, bên cho đều không chịu được nhau, nên cả hai cùng tự biến khỏi đời nhau, kết thúc chuyện làm từ thiện.
Trước khó khăn thứ hai này, chỉ có lòng trung thành mới giúp người làm từ thiện vượt rào cản trở.  Chỉ lòng trung thành mới  cho ta sức mạnh để chấp nhận những  thử thách và khó khăn do lỗi lầm của người khác và yếu đuối của chính ta. 
Lòng trung thành được xây trên kiên nhẫn và hy vọng. Cả hai được nuôi dưỡng bởi tình yêu. Khi trái tim rạo rực lửa yêu thương rồi thì bất cứ cơn gió tội lụy, yếu đuối, lầm lỡ nào cũng không dập tắt được.
Như thế, ngoài tình yêu dành cho những người anh em đau khổ, bất hạnh, ta không thể  tìm ra công thức nào khác  tốt hơn giúp ta trung thành mãi với lòng nhân ái qua việc làm từ thiện.
c.                       Phục vụ khó vì cần một thái độ trong sáng khi biết đón nhận những người khác cũng đang phục vụ như mình.  Tại sao có khó khăn này?
Khó khăn phát sinh do ảo tưởng: mình toàn năng và có mặt ở mọi nơi, mọi chỗ. Chính ảo tưởng này gây nên ghen tuông, cạnh tranh, so sánh giữa những người cùng làm từ thiện. Khi làm từ thiện, ta không làm một mình, nhưng chung quanh có những người khác cũng làm từ thiện như ta. Đối diện và cùng làm với những người khác, ta sẽ thấy có khi họ giỏi hơn mình, làm được nhiều chuyện hơn mình, có ảnh hưởng hơn mình, hy sinh hơn mình...Từ đó ta thấy mình hụt hẫng khi khám phá mình không toàn năng và không làm được tất cả mọi sự. Bao lâu  chưa nhận ra căn tính của việc làm từ thiện là cởi mở cõi lòng, trải rộng tình yêu,  bấy lâu người ta dễ rơi vào tình trạng căng thẳng vì so sánh thành - bại của công việc, hơn thua trong ảnh hưởng, nặng nhẹ của số lượng trên bàn cân. Cốt lõi của vấn đề là tấm lòng cởi mở trong sáng cho nhau. Từ cõi lòng tràn đầy tình yêu ấy, mỗi người được mời gọi phục vụ tha nhân theo như khả năng và ơn gọi riêng của mình, nhưng tất cả quy về một mục đích là hạnh phúc của những người anh em đáng thương đang cần được chia sẻ, giúp đỡ.
Phục vụ là một thách đố của tình yêu thật. Nhờ phục vụ, bình an cư ngụ trong lắng đọng của tâm hồn. Qua phục vụ, con người gặp được nhau không chỉ với hình thức xã giao, nhưng với trọn vẹn hiện sinh chân thực của mình và đây chính là hạnh phúc tuyệt vời của đời một người đáng sống.   

IV. NHỮNG ĐỨC TÍNH CẦN THIẾT ĐỂ LÀM TỪ THIỆN


1.   Thương người :
Làm từ thiện phải hiểu là công việc dành cho những tâm hồn biết nghĩ đến người khác. Ích kỷ, tham lam không có chỗ trong khung trời từ thiện. Người làm từ thiện nhìn người khác mà thấy chính mình; nói khác đi : tha nhân là tấm gương phản chiếu hình ảnh của chính mình để rồi phải “thương người như thể thương thân”.
Thương người là muốn cho người bớt khổ, bớt đói, bớt lạnh, bớt đau, bớt dốt. Thương người là mong cho người no ấm, thành công, hạnh phúc. Thương người là mơ một thế giới người đói được ăn no, bệnh nhân được chữa trị, mọi người được học hành, hiểu biết. Thương người hệ tại lấy con người làm đối tượng, chọn con người làm mục đích phục vụ và không xem con người như phương tiện, công cụ cho bất cứ mục tiêu nào. Thương người  đặt con người  làm trung tâm để tất cả hoạt động phải được xoay quanh hạnh phúc của chính con người. Mất con người như trọng tâm, mất con người như cứu cánh, lòng thương người không giữ được căn tính vị tha của mình và không còn được coi là một đức tính nhân bản.  
2.   Khiêm tốn :
 Làm từ thiện mà tự kiêu, tự mãn, tự phụ thì không tránh được thái độ coi thường đối tượng của từ thiện là chính con người. Người kiêu căng không đến với người nghèo khổ, dốt nát bằng tấm lòng và thiện tâm. Họ chỉ đến vì lợi dụng và vì uy tín, danh dự của riêng mình. Người nghèo rốt cuộc chỉ là phương tiện phục vụ ý đồ vụ lợi của những người kiêu căng. Hơn thế nữa, người kiêu căng khó chấp nhận tính bình đẳng, nhân vị và những giá trị của người nghèo khi tự thấy mình giầu sang, quyền lực và ở vị thế kẻ cả, người ban ơn. Từ thiện khi đó sẽ mất hết ý nghiã của chia sẻ, đồng hành giữa con người với con người và chỉ còn lại tương quan “chủ - tớ, kẻ xin - người cho” kệch cỡm.
3.   Hy sinh:
Quên mình là điều kiện để thương được người khác. Thương ai mà không quên một chút “mình” và hy sinh cho hạnh phúc của người mình thương là một điều không thể thực hiện.
Vì thế, thiếu hy sinh trong hoạt động bác ái từ thiện là một điều khó quan niệm được. Làm từ thiện là thực hiện hành động xả thân vì người khác, quên mình vì tha nhân. Hy sinh là máu cho tình yêu sống. Hy sinh là nhịp thở của trái tim yêu thương. Nhìn những người làm từ thiện, ta thấy nét hy sinh rực sáng trên họ. Họ chấp nhận nhiều thiệt thòi, mất mát, kể cả những mất mát rất lớn như danh dự, uy tín khi bị hiểu lầm  vì thương những phận người kém may mắn hơn họ. Họ chịu đựng nhiều gánh nặng vật chất, tinh thần vì hạnh phúc và tương lai của những người cần đến họ. Giá trị của những người này chính là những hy sinh vì tình yêu họ đang trao tặng người khác. Cao qúy của những cuộc đời này chính là những giọt mồ hôi, những trăn trở thầm kín, những nhức nhối câm lặng vì dấn thân phục vụ những mảnh đời  bị ngược đãi, bỏ rơi, không tên tuổi. Hy sinh cho người khác, nhất là khi người khác nghèo khó, bệnh hoạn, không có cơ hội để trả ơn là hành động anh hùng của những  tình yêu vĩ đại; vì chỉ với tình yêu vĩ đại, người ta mới sẵn sàng xuống thật thấp, thật sâu để đến với những con người bị nhận chìm tận đáy sâu bất hạnh.  
4.   Biết hợp tác với mọi người:
Nhiều người có kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động từ thiện đã chia sẻ: “cái khó nhất  là biết nghe nhau”. Tại sao phải biết nghe nhau ? Bởi không chỉ một mình ta làm từ thiện, nhưng còn nhiều người khác cùng làm với ta. Cùng làm nên đòi một tinh thần cộng tác ngay thẳng, cởi mở, chân thành. Nhiều người, nhiều ý, nhất là trong từ thiện : ý ai cũng tốt, nên dễ đi đến chỗ độc tôn, độc đoán, độc tài, độc quyền, có khi độc ác nữa. Vì từ thiện là làm việc tốt, nên tôi khó thay đổi hay từ bỏ những ý kiến, đề nghị hoặc quyết định của tôi, vì tất cả  đều tốt, đều là việc tốt và nếu tốt thì phải được thực hiện.
Đàng khác, những ý kiến, đề nghị, quyết định ấy không nhằm phục vụ tôi, nhưng phục vụ người nghèo nên được coi là những  điều tốt phải được mọi người ủng hộ. Chính vì tốt mà tôi ngoan cố đòi mọi người phải theo tôi, phải nghe tôi  thực hiện cho bằng được những sáng kiến của tôi. Cứ thử tưởng tượng : một nhóm  10 người làm công tác từ thiện và cả 10 người đều cương quyết bảo vệ bằng mọi giá sáng kiến từ thiện của mình.Và đây chính là nguy cơ phá vỡ nhiều công trình cần được mọi người hợp tác.
Thế nên tình thần hợp tác: biết nhún nhường để hợp tác, biết lắng nghe để hợp tác, biết xoá mình để hợp tác, biết nhượng bộ để hợp tác, biết hiền lành để hợp tác, biết quảng đại để hợp tác là điều kiện không thể thiếu khi cùng người khác làm từ thiện. Tinh thần hợp tác cũng nói lên đức tính cao qúy của người làm từ thiện là trân trọng và qúy mến những người cùng làm từ thiện như mình và công việc từ thiện của họ. Trong bầu khí lành mạnh này, ghen tuông, chỉ trích, so đo sẽ không có cơ hội phát sinh. 
5.   Không xét đoán động lực từ thiện của người khác:
Rất nhiều người hay đánh giá việc từ thiện của người khác, nhóm khác dưới cặp kiếng tiêu cực, nghi ngờ. Điều dễ nghi ngờ và dễ chụp mũ nhất, đó là động cơ, động lực của công việc từ thiện.
 Ghét ai, không ưa ai khi thấy họ làm  từ thiện là gán ngay cho nhãn hiệu: làm từ thiện vì muốn nổi tiếng, đi từ thiện để dễ lấy chồng, hăng say làm từ thiện vì cần được người khác tuyên dương công trạng, thành tích. Tính ghen ghét, ganh tỵ dễ làm những người cùng làm từ thiện xa nhau, tránh nhau, đố kỵ, chê bai nhau. Và đó là bi kịch của lòng nhân ái.
Đừng vừa làm từ thiện vừa châm biếm người làm từ thiện; vì như thế là làm giảm giá trị đạo đức trong công việc từ thiện mình đang làm. Cho dù biết rõ người khác làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo chỉ vì muốn nổi danh, hay tìm thanh thế, ảnh hưởng. Cứ bình an nghĩ rằng: thêm một bàn tay từ thiện là thêm được nhiều người bớt đói bớt khổ; vì dù mục đích của họ xấu hay tốt, họ vẫn là người có lòng; vì dám cho cái họ đang có; còn hơn nhiều người chẳng bao giờ dám chia sẻ, dùng tiền của mình giúp đỡ người khác túng bấn, nghèo nàn.