Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020

NHÀ THỜ

 

Tôn giáo nào cũng có nơi quy tụ tín đồ để cử hành nghi lễ phụng tự. Hội thánh công giáo có nhà thờ. Trước phong trào xây dựng nhà thờ, nhiều người đặt vấn đề: nhà thờ bằng gạch đá bên ngoài có thực sự cần thiết không?

Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta cùng nhau truy tìm nguồn gốc, ý nghiã của nhà thờ:

1.   Nhà Thờ được xây dựng từ Giao Ước Thiên Chúa đã ký kết với dân Ngài:

Nhà Thờ không là sáng kiến của con người, nhưng trước hết Nhà Thờ là hình ảnh Giao Ước, biểu hiện Giao Ước như vua Salômôn đã khẳng định trong lời cầu nguyện trước Thiên Chúa trong Đền Thờ mới được xây dựng: Vua Salômôn đứng trước bàn thờ của Đức Chúa, trước toàn thể cộng đồng Ítraen, giơ hai tay lên trời và thưa: “Lậy Đức Chúa là Thiên Chúa Ítraen, chốn trời cao cũng như nơi đất thấp, chẳng có thần nào giống như Ngài. Ngài vẫn giữ giao ước và tình thương đối với các tôi tớ Ngài, khi họ hết lòng bước đi trước nhan thánh Ngài” (1 V 8,22-23).

Vua Salômôn đã không chỉ cầu nguyện một mình trước Thiên Chúa, nhưng trước cả toàn dân, vì ở đây, trước bàn thờ, trong Đền Thờ của Thiên Chúa có Giao Ước giữa Thiên Chúa và Dân Ngài. Chính Giao Ước là lý do sư có mặt và tồn tại của Đền Thờ; Giao Ước là nền móng của Nhà Thiên Chúa giữa Dân Ngài.

2.   Nhà Thờ là Nhà của Thiên Chúa ở giữa con người:

“Giao Ước và tình thương của Thiên Chúa” cho phép dân Ngài xác tín Thiên Chúa cư ngụ dưới đất với họ, như Salômôn đã cầu nguyện: “trời cao thăm thẳm còn không chứa nổi Ngài, huống chi ngôi nhà con đã xây đây!… Xin Ngài để mắt nhìn đến ngôi nhà này đêm ngày, nhìn đến nơi này; xin Ngài lắng nghe lời nguyện tôi tớ Ngài dâng ở nơi đây” (1 V 8,27.29).  

Là nhà cầu nguyện, vì ở đây có Thiên Chúa ngự, như Đức Giêsu đã khẳng định: “Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện” (Mt 21,13); đồng thời là nơi Thiên Chúa cứu giúp, chữa lành như “có những kẻ mù loà, què quặt đến với Đức Giêsu trong Đền Thờ, và Người đã chữa lành họ” (Mt 21,14).

Là nhà của Thiên Chúa, Nhà thờ còn là mái ấm bình an, bến bờ hạnh phúc mà “cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà  hớn hở reo mừng” (Tv 83,3), vì “cung điện Ngài xiết bao khả ái” (Tv 83,2-3), và “phúc thay người ở trong thánh điện”, vì “một ngày được ở trong khuôn viên nhà Chúa qúy hơn ngàn ngày” (Tv 83,5.11).

Là Nhà của Thiên Chúa giữa con người, Nhà Thờ là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người để ban tình yêu, ơn tha thứ của Ngài, như người thu thuế khiêm hạ lên Đền Thờ nài xin: “Lậy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”, và ông đã được trở nên công chính “khi trở  xuống mà về nhà” (Lc 18,13-14).    

Thực vậy, Nhà Thờ chính là Nhà của Thiên Chúa ở cùng nhân loại, và là thiên đàng như thánh Gioan Tông Đồ đã thị kiến: “Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Rồi  tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại. Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa - ở - cùng - họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,1-4).

3.   Nhà Thờ là nơi quy tụ, quây quần toàn thể gia đình Thiên Chúa:

Dân Chúa là một gia đình và Nhà Thờ là nơi gia đình của Thiên Chúa quây quần, xum họp quanh Thiên Chúa là Cha nhân hậu hằng yêu thương, chăm sóc con cái mình. Gia đình ấy gồm “các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dậy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).  Gia đình ấy hợp nhất, đồng tâm nhất trí với nhau, sống đơn sơ vui vẻ, và tình nghiã trong hạnh phúc được ca ngợi Thiên Chúa (Cv 2,46).

Như thế, Nhà Thờ là nơi có tình huynh đệ, ở đó mọi người yêu thương, phục vụ nhau như anh em có cùng Cha trên trời. Hơn thế nữa, Nhà Thờ còn hướng đến và mong chờ những anh em chưa về nhà trong buổi hội ngộ, chưa có mặt ở buổi đoàn tụ vì một lý do nào đó, bởi “Thiên Chúa hằng cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,47).

Qủa thực, Nhà Thờ không chỉ là nơi Thiên Chúa có mặt với tình yêu thương của Ngài, mà còn mà nơi mọi người thuộc gia đình Thiên Chúa thực thi đức ái, tình huynh đệ, tương trợ giữa nhau, đồng thời là nơi phát xuất mọi hoạt động truyền giáo, mọi công cuộc ra đi loan báo Tin Mừng, mọi chuyến ra ngoài, ra xa, ra xâu đến với muôn dân. Do dó, Nhà Thờ không bao giờ “bế môn toả cảng, nội bất xuất, ngoại bất nhập”, cửa đóng then cài, khép kín, kỳ thị, khai trừ, loại bỏ, nhưng phải trở thành “chuồng chiên” của Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành. Ngài là “cửa cho chiên ra vào”: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10,7.9).

Đức Giêsu đã không là Cửa đóng kín, khoá chặt để chiên bị nhốt như tù vì không “ra vào” được, nhưng là Cửa chuồng chiên để chiên “ra và vào” như những đứa con tự do, những đứa con trưởng thành có trách nhiệm và được trao ban  sứ vụ. Nhà Thờ chính là chuồng chiên của Đức Giêsu, ở đó đoàn chiên thoải mái “ra vào”: vào cầu nguyện, vào gặp gỡ nhau và cùng nhau gặp gỡ Thiên Chúa để rồi ra đi loan báo Tin Mừng, ra xa đến với muôn dân, ra sâu “lưới cá người”, bởi sứ vụ của người tín hữu là cánh tay nối dài của Đức Giêsu để thực hiện ước mơ, sứ mạng cứu thế của Ngài: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16).

Qủa thực, nếu Nhà Thờ không đáp ứng những đòi hỏi vừa kể, như Thánh Ý Chúa Cha được xác quyết qua miệng Đức Giêsu thì việc xây dựng những ngôi Nhà Thờ nguy nga, tráng lệ tốn kém nhiều công sức, tiền bạc sẽ là một gương xấu gây bức xúc, bất mãn ở nhiều người. Rơi vào trường hợp này khi Nhà Thờ không được xây dựng làm nơi Thiên Chúa ngự, nơi hẹn hò của Thiên Chúa và con người, nơi ơn phúc của Thiên Chúa được tuôn đổ trên mọi người, bất kể ai, nhưng bị phong toả, cấm vận bởi một số người ỷ quyền, dựa thế, và dùng Nhà Thờ như  phương tiện làm vinh danh cá nhân, biểu dương thế lực phe nhóm, ghi dấu triều đại cai trị; khi Nhà Thờ  không còn là Nhà của Thiên Chúa giữa con người, và  Thiên Chúa bị biến thành bình phong, lá chắn, thỏi bùa để  ai đó lợi dụng củng cố thanh danh, vị thế của bản thân, và loại trừ anh em, khước  từ  người khác; khi Nhà Thờ  thoái hoá thành nơi làm tiền, cơ sở kinh tài, điểm hẹn kinh doanh,  chốn trao đổi hàng hoá, của cải thế gian, như Đức Giêsu đã nổi nóng khi “đuổi tất cả những người đang mua bán trong Đền Thờ” Giêrusalem, và bảo họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành hang trộm cướp” (Mt 21,13); khi Nhà Thờ trở thành gánh nặng qúa mức trên vai những người tín hữu nghèo khó, túng bấn không có gì nuôi sống mình và con cái, mà vẫn phải nai lưng đóng góp để xây những Nhà Thờ hoành tráng nhất nước, nhất vùng, nhất châu lục, nhất địa cầu ; khi Nhà Thờ qúa  lớn, nhưng chỗ dành cho những người bé mọn, không thế lực, không tiếng nói lại qúa nhỏ, có khi chẳng có ; khi Nhà Thờ biến thành nơi cho người có của, có ảnh hưởng, có thế giá khoe khoang, vung vít; khi Nhà Thờ trở thành “sở hữu” của một số người có chức phận, có “công trạng”, ở đó họ tha hồ thao túng, mượn Nhà Chúa ra oai thần lực, “xưng hùng xưng bá”, miệt thị, tẩy chay người không cùng phe cánh, người thấp cổ bé miệng, vô danh tiểu tốt; khi Nhà Thờ không còn là Chuồng Chiên của Mục Tử nhân lành là Đức Giêsu, nhưng biến thành “trại tập trung” của người chăn thuê, kẻ trộm cướp (x Ga 10,1.12-13); khi Nhà Thờ không ấm áp bầu khí gia đình, nhưng nồng nặc thị phi, giành giật, đấu đá, ganh ghét, hận thù; khi Nhà Thờ lạnh lẽo tình nghiã anh em có cùng một Cha trên trời, vì kiêu căng, đố kỵ, hiềm khích, đấu tranh quyền lực; khi Nhà Thờ rặt những trái tim kiêu hãnh chỉ đến Nhà Thờ  để khoe danh, khoe của, khoe công trạng như người Pharisêu trong Tin Mừng  Luca (x. Lc 18, 9-14).    

Tóm lại, Nhà Thờ phải được mọi người Kitô hữu gìn giữ để mãi là Nhà của Thiên Chúa, người Cha nhân hậu luôn rộng mở trái tim và vòng tay ôm ấp con cái mình, dù con ấy có yếu đuối, gầy gò, tồi tệ đến đâu, như người con hoang đàng được cha già ra đầu ngõ ngóng từng ngày và khi trở về đã được cha tha thứ, yêu thương, cưng chiều (x. Lc 15); Nhà Thờ phải được củng cố, xây dựng để mãi là Mái Ấm Gia Đình, ở đó, tất cả “các tín hữu hợp nhất với nhau… đồng tâm nhất trí”, yêu thương, tương trợ đến nỗi người ngoài nhìn vào phải trầm trồ khen ngợi: “Kià xem họ yêu thương nhau biết bao!”, bởi Nhà Thờ là nhà của Thiên Chúa Tình Yêu, nhà của các con cái được Cha trên trời yêu thương và yêu thương nhau như Cha trên trời; bởi Nhà Thờ là Nhà sinh ra và đào tạo những chứng nhân của Tin Mừng Tình Yêu nhờ các bí tích được ban trong Nhà Thờ; bởi Nhà Thờ là tổng hành dinh của mọi kế hoạch, công trình “được sai đi loan báo Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người để yêu thương, cứu độ nhân loại”; bởi Nhà Thờ là nơi mọi người nhận ơn hoà giải với Thiên Chúa, để được hoà giải với nhau và với chính mình ; bởi Nhà Thờ là Hiệp Thông, Hiệp Nhất của các chi thể trong một Thân Thể duy nhất là Đức Giêsu; bởi Nhà Thờ là Nhà của lòng thương xót, ơn cứu độ cho hết mọi tội nhân có lòng thống hối trở về.   

Chỉ trong tinh thần ấy, chỉ với ý nghiã ấy, chỉ hướng đến mục tiêu ấy, Nhà Thờ mới  thực sự là Nhà thờ phượng Thiên Chúa, vì có Thiên Chúa hiện diện giữa con cái Ngài, có Thiên Chúa được vinh danh, cảm tạ bởi con cái Ngài, khi con cái Ngài tuân giữ lời Ngài dậy: “Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương chúng con” (Ga 13,34). Không có tình yêu, Nhà Thờ chỉ là một công trình của phàm nhân, mà không có ánh sáng cứu độ của Thiên Chúa; thiếu tình yêu, Nhà Thờ chỉ  là một ngôi nhà bằng gạch đá vô cảm, mà không có sức sống của Chúa Thánh Thần là Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con; thiếu tình yêu, Nhà Thờ chỉ còn là thây ma, xác chết, vì không có máu nuôi Thân Thể mầu nhiệm; thiếu tình yêu, Nhà Thờ mất hoàn toàn giá trị và ý nghiã “Nhà của Thiên Chúa ở giữa nhân loại”, “Mái Ấm Gia đình của Thiên Chúa”; không có tình yêu hiệp thông, hiệp nhất giữa các tín hữu, Nhà Thờ không là “hình ảnh của Giêrusalem trên trời” như thánh Phaolô đã viết trong thư gửi giáo đoàn Do Thái, khi qủa quyết: chúng ta đã được ở trong nhà Thiên Chúa ngay từ bây giờ: “Anh em đã đến núi Xion, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội giữa những con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ được ghi tên trên trời. Anh em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện. Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giêsu và được máu Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Aben” (Dt 12,22-24).  

Vâng, chúng ta có Nhà Thờ là Nhà, và “thành đô của Thiên Chúa” ở giữa chúng ta để chúng ta được đến với Ngài, gặp gỡ Ngài, nên bổn phận của mỗi người Kitô hữu là xây dựng, bảo vệ Nhà Thờ, nơi Thiên Chúa ngự, nơi chúng ta tụ họp quây quần bên Thiên Chúa là Cha nhân hậu, và chúng ta là anh em với nhau. Nhưng chỉ có thể thực hiện được mục tiêu trên, nếu tâm hồn mỗi người tín hữu  khao khát được biến đổi để trở thành “Đền Thờ của Thiên Chúa” như thánh Phaolô đã kêu gọi: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cr 3,16).

Khi viết những giòng này thì phong trào đập phá các tượng thánh, và đốt nhà thờ đang bùng lên dữ dội không chỉ ở các nước theo thể chế vô thần, mà ngay tại những nước có nền văn hoá Kitô giáo. Người ta không còn e ngại giấu diếm ý đồ đánh phá, tiêu diệt Kitô giáo, nhưng công khai thực hiện bằng những lời nói,  hành vi chống phá một cách “qúa quắt, điên rồ” như lời  Đức Cha Barron, Giám Mục phụ tá tổng giáo phận Los Angeles, Hoa Kỳ ngày 3 tháng 8/2020 mới đây, sau tuyên bố được coi là thô bỉ, ngu xuẩn và man rợ của bà dân biểu Alexandrai Ocasio - Cortez của đảng Dân Chủ, đơn vị New York, khi bà chỉ trích và đề nghi tháo gỡ bức tượng của thánh Đamien, tông đồ người cùi tại Molokai trong điện Capitol.  Vị thánh của người cùi này tên thật là Joseph de Veusterin, người Bỉ đã bỏ quê hương và suốt cuộc đời hy sinh phục vụ những người anh em cùi ở một nơi xa xôi, hầu như bị cô lập khỏi “thế giới loài người”, mà bà dân biểu này đã không biết gì tiểu sử, cuộc đời bác ái gương mẫu của Ngài, để rồi phát biểu một cách thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm và  bất công, khi lên án ngài là biểu tượng của “chế độ gia trưởng và một nền văn hoá da trắng thượng đẳng”. Thật không còn gì ngược ngạo và phi lý hơn! 

Ước gì mỗi người chúng ta ý thức bổn phận xây dựng, bảo vệ  Nhà Thờ bên ngoài bằng gạch đá là nơi Thiên Chúa ngự và quy tụ con cái Ngài cách “hữu hình” bằng những đóng góp thiết thực với thao thức được là những viên đá sống động góp phần làm đẹp Nhà Thiên Chúa giữa nhân loại, đồng thời tô điểm cho thật đẹp mỗi ngày Nhà Thờ bên trong là “Đền Thờ của Chúa Thánh Thần” trong tâm hồn chúng ta.

Jorathe Nắng Tím