Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

ƠN AN BÌNH

 


Chưa lúc nào Bình An lại cần thiết đến mức cấp bách như những ngày này, khi mà khắp nơi trên thế giới an ninh trật tự không còn được bảo đảm, và hoà bình ngày càng trở thành ưóc mơ khó thực hiện.

Trên quê hương thì bạo lực dưới mọi hình thức, trong mọi lãnh vực, ở mọi thành phần ngày càng gia tăng với tốc độ chóng mặt biến đổi người dân ở làng quê xa xôi hôm nào còn chất phác, hiền hoà thành những con người nham hiểm, thủ đọan, tham lam, tàn ác sẵn sàng chém giết anh em, cháu chắt ruột thịt vì một vài mét đất cha mẹ để lại ; những em học sinh ngày trước còn  chăm chỉ, vâng lời thầy cô nay không ai còn nhận ra các em trước toà vì tội đâm cô, chém bạn ; những địa danh sinh ra anh hùng hào kiệt mà ngày xưa chỉ nghe cũng đủ xúc động, nức lòng nay biến thành hang ổ trộm cướp với những băng đảng hung ác, man rợ như dã thú.

Cũng quê hương ấy được xếp vào một trong những nước bệnh nhân ung thư nhiều hàng đầu trên thế giới, phần vì lương thực hầu như hoàn toàn bị xử lý bằng chất độc trước khi bán, phần vì nỗi lo hiện tại, tương lai ngày càng qúa tải.

Người dân ở đất nước này lo đủ thứ, lo đủ cách, đủ thể loại, vì không có gì không chạm đến nỗi lo, bởi ở đây không thứ gì được bảo đảm an toàn, không ai được bảo vệ đúng mức, không việc gì được bảo hiểm công bằng, minh bạch. Chính vì không có gì an ninh, an toàn, mà người ta lo sợ, khi không còn khả thể để an tâm, an lòng.

Nhìn ra thế giới, bức tranh Hoà Bình cũng không sáng sủa, tươi đẹp hơn, khi bạo loạn xuống đường đe dọa, bạo lực tràn lan như vết dầu loang từ thành phố này qua thành phố nọ, từ quốc gia này đến quốc gia khác biến thế giới thành một chảo dầu sôi sục hận thù, chiến tranh.

Trước thực tại bất an, bất ổn của đất nước và thế giới, nhiều người ngao ngán hỏi : đâu là nguyên nhân chính?

Trả lời câu hỏi, người thì đổ tội cho Trời, người khác quy tội láng diềng chung quanh, thiên hạ xa gần, nhưng không mấy người nhận về mình chút phần lỗi, hay vài gam trách nhiệm, bởi xã hội được làm nên bởi những cá nhân, nên xã hội tốt hay xấu cũng do những cá nhân đã làm nên xã hội ấy tốt hay xấu.

Qủa thực, bình an của đất nước, hay bình an của nhân loại đều xuất phát từ bình an tâm hồn của mỗi người. Nếu mỗi người đều tìm kiếm và xây dựng bình an thì xã hội sẽ có bình an, và ngược lại, ai cũng sắm kiếm đao để đâm chém, trang bị súng ống để bắn giết, tiêu diệt thì chiến tranh, hỗn loạn tất phải xẩy ra, bùng nổ.

Thánh Phanxicô thành Assisi, vị thánh của Hoà Bình với kinh nguyện Hoà Bình bất hủ, mà mỗi lần tiếng kinh ấy được cất lên, ai nghe cũng chạnh lòng khao khát một trời mới bình an, một đất mới an bình, một nhân loại mới an hoà, hạnh phúc.

Ở thánh nhân tâm hồn nghèo khó và xây dựng hoà bình là hai đặc điểm nổi bật đồng hành với nhau.

Thánh nhân đã sống tinh thần nghèo khó của Tin Mừng khi tự cởi bỏ khỏi của cải vật chất, và những giầu có của ích kỷ, tham vọng, bởi chính những giầu có ấy đẩy con người đến những bất công, bất chính trong tương quan với tha nhân, và từ đó phát sinh những ganh ghét, đố kị, hận thù, bạo lực.

Thánh nhân đã sống tinh thần yêu chuộng  hoà bình và nỗ lực xây dựng một cộng đoàn bình an, một thế giới hoà bình, khi làm trống trải trái tim khỏi những ý nghĩ ích kỷ, toan tính hưởng thụ, thủ đọan vinh danh cái tôi, nhưng làm đầy con tim bằng những cảm thương, chạnh lòng, những bao dung, thứ tha, những ủi an, chia sẻ, những bỏ mình, quên mình, những thiệt thòi vì hạnh phúc của người khác, những mất mát vì bình an của tha nhân, những  lần chết đi cho đồng loại được sống.    

Ước gì ngay hôm nay mỗi người chúng ta noi gương thánh nhân để  biết sống nghèo cái tôi hầu làm giầu cái chúng tôi ; biết từ bỏ chính mình để gặp được tha nhân và tìm lại chính mình trong an bình, vì Thiên Chúa chỉ ban ơn Bình An của Ngài cho những người thiện chí biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.

Jorathe Nắng Tím

YẾN TIỆC NƯỚC TRỜI

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 28 Thường Niên, Năm A



Càng gần những ngày cuối của ba năm rao giảng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu càng cảm thấy áp lực nặng nề từ phía giáo quyền Do Thái, khi các thượng tế, ký lục và nhóm Pharisêu ngày càng công khai dồn sức tấn công và tìm mọi cách giăng bẫy Ngài với hy vọng giao nộp Ngài cho chính quyền đế quốc Rôma và ước mơ thấy Ngài lãnh án tử hình đóng đinh, hầu triệt tiêu một khuôn mặt gây nhiều phiền phức, có sức đảo lộn toàn bộ sinh hoạt xã hội, tôn giáo, và làm sụp đổ thành trì “cơ chế” vững chắc bảo đảm an toàn chỗ đứng của họ.

Ở thời điểm căng thẳng này, Đức Giêsu nhiều lần nói với những chức sắc tôn giáo ấy bằng một cung giọng ngày càng cứng rắn, và không ngại lột trần dã tâm đen tối, xấu xa của họ, như dụ ngôn “Tiệc Cưới Nước Trời” được ghi lại trong Tin Mừng Mátthêu.

Dụ ngôn được coi như bản cáo trạng thu gọn lên án thái độ khinh bạc và quyết định khước từ của Ítraen, dân Chúa trước lời mời vào dự tiệc Nước Trời của Thiên Chúa. Qua hình ảnh những khách được mời đã viện đủ lý do để từ chối, đã tìm mọi cách để không đến dự tiệc, dù “cỗ bàn đã dọn xong, bò tơ, thú béo đã hạ rồi, và mọi sự đã sẵn” (Mt 22,4). Không đếm xỉa và coi thường lời mời của Thiên Chúa đã đành, Ítraen còn bắt bớ, hành hạ và giết cả những người của Thiên Chúa sai đến để mời họ, và Đức Giêsu đóng lại bản cáo trạng bằng một kết luận đanh thép : “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng” (Mt 22,8).

Trước lửa hận thù đang sôi sục trong tâm hồn những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái lúc bấy giờ, lời tuyên bố không nể nang, nhân nhượng của Đức Giêsu về một dân riêng không còn xứng đáng với tình thương và lòng trân trọng của Thiên Chúa khác nào đổ thêm dầu để ngọn lửa bùng phát ngàn lần dữ dội, khủng khiếp. Bằng chứng là ngay sau đó “những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy” (Mt 22,15).

Khi nghe Đức Giêsu tố cáo như vậy, chắc chắn một số trong họ đã nghĩ đến ngôn sứ Giêrêmia, người mà cha ông họ đã bạc đãi, đối xử tồi tệ, bất công, đồng thời nhớ lại đội quân hùng mạnh của Nabucodonoso gần 6 thế kỷ trước (năm 587 trước công nguyên) đã tàn phá Đền Thờ và dẵm nát quê hương “Đất Hứa” của họ. Và  nhiều người trong họ đã coi đó là hình phạt của Thiên Chúa Giavê đổ trên dân riêng “bất xứng, ngỗ nghịch”.

Riêng Đức Giêsu, hôm nay Ngài chính thức cho họ biết có một dân mới được mời gọi vào yến tiệc Nước Trời thay thế họ ; có những người khách mới được Thiên Chúa đích thân đón vào dự tiệc cưới ; có những con người mới xứng đáng hơn họ được Thiên Chúa yêu thương, trân trọng cho đồng bàn. Và những khách mới, người mời, dân mới ấy chính là “bất cứ ai gặp được ở các ngã đường”, bởi đã đến lúc Thiên Chúa “gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” trong Vương Quốc của Ngài (Mt 22,9).

Hình ảnh những người khách mới gặp được ở các ngã đường để thay thế những “khách mời bất xứng” chính là Giáo Hội của Đức Giêsu, một dân tộc mới “gồm muôn dân” được mời vào dự tiệc của Chiên Thiên Chúa như ngôn sứ Isaia đã loan báo : “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc : tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25,6), vì Thiên Chúa, Đấng thiết đãi muôn dân yến tiệc Nước Trời là Mục Tử nhân lành, Đấng dẫn đoàn chiên đến đồng cỏ xanh tươi, bên dòng nước trong lành ; Ngài dắt chiên đi trên đường ngay nẻo chính, và dọn sẵn cho chiên “bữa tiệc ngay trước mặt quân thù” (x. Tv 22,1-5). 

Nhưng khi các khách mời đã vào bàn tiệc, thì một biến cố buồn bất chợt xẩy ra : “nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy : Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?”. Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch : “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 22,13).

Biến cố thật bất ngờ và đáng buồn chắc chắn đã làm sững sờ nhiều người, nhất là thực khách bị nhà vua chiếu tướng, điểm mặt và ra lệnh bắt giam, đem đi hành hạ. Ngay cả chúng ta cũng chung một tâm trạng hụt hẫng ấy, bởi cứ sự thường  những vị “khách mới” bất ngờ giờ chót được mời ở các ngã ba, ngã tư đường đã vào bàn tiệc với y phục thường ngày, vì không  ai trong họ đã được biết trước mình sẽ được nhà vua mời dự tiệc cưới trong hoàng cung. Thái độ nổi giận và hình phạt nặng nề của nhà vua trên vị khách không mặc y phục lễ cưới qủa thật làm sốc  không ít và chúng ta cảm thấy có chút gì bất công về phiá nhà vua.

Thực ra, Đức Giêsu đã mượn hình ảnh y phục lễ cưới để nói lên một chân lý quan trọng đó là Nước Trời từ nay được mở ra cho tất cả mọi người, không trừ ai, không phân biệt sắc dân, chủng tộc, trình độ, hoàn cảnh, nhưng điều đó không có nghiã những người được nhận vào Nước Trời không còn phải đáp ứng bất cứ đòi hỏi nào. Trái lại, luật mới của Tin Mừng, luật của Giao Ước Mới, luật mới của Đức Giêsu, tuy khác Luật cũ Môsê, nhưng vẫn đòi hỏi không kém, vẫn có những điều kiện buộc người muốn vào dự tiệc Nước Trời phải tuân giữ, thực hiện. Và Luật đó chính là Luật Yêu Thương, y phục lễ cưới đó chính là Đức Ái, điều kiện để được Thiên Chúa yêu thương cho đồng bàn với Ngài trong Vương Quốc, như thánh Tông Đồ Gioan  đã khẳng định : “Thiên Chúa là Tình yêu : ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”, và “đây là điều răn mà chúng ta đã nhận từ Người : ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4,16.21).

Xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ quên mang sẵn trên mình y phục lễ cưới là Đức Ái, để bất cứ giờ nào, ở đâu Thiên Chúa mời gọi vào dự Tiệc Cưới Nước Trời, chúng ta đều đến với Ngài trong y phục Tình Yêu lộng lẫy, xinh đẹp, để  xứng đáng đồng bàn với chính Thiên Chúa và các thánh của Ngài trên Thiên Đàng.

Jorathe Nắng Tím