Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2018

YẾU ĐUỐI CỦA THIÊN CHÚA (X. Thay Lời Kết)

Hành trình bỏ thiên đàng, bỏ Thiên Chúa của tổng lãnh thiên thần Lucifer , đến hành trình bỏ địa đàng, bỏ Thiên Chúa của ông bà nguyên tổ Ađam và Evà, cũng như hành trình bỏ nhà, bỏ cha già của người con  hoang đàng đều có cùng  trình tự : 
1.         Bỏ đi khi đang hạnh phúc.
Cả Luciher, Ađam, Evà và người con thứ đều không thiếu thốn gì vì được thương yêu, chiều chuộng. Thiên Chúa tín nhiệm Lucifer và trao quyền tổng lãnh, Ađam, Evà tròn đầy hạnh phúc trong tình cha con với Thiên Chúa, được mọi thụ tạo khác ngoan ngoãn phục vụ, người con thứ được toàn quyền làm con, nghiã là “của gì cha có là của con”.
2.         Kiêu ngạo, chọn cái tôi làm mục đích:
Lucifer  đã kiêu ngạo “muốn bằng Thiên Chúa”, Ađam và Evà đã kiêu căng  muốn “biết hết mọi sự Thiên Chúa biết”, người con thứ đã kiêu hãnh muốn “làm chủ như cha mình”.
Kiêu ngạo nên Lucifer đã kéo phe, lập đảng nổi loạn chống lại Thiên Chúa; kiêu căng, Ađam  và Evà đã nghe Thần Dữ bất tuân lệnh Thiên Chúa; kiêu hãnh, người con thứ đã đòi chia gia tài ngay khi cha còn khoẻ. Cả ba cùng chọn “cái tôi” làm mục tiêu của hành trình, và mục đích của đời mình.
3.         Dẫn đến cùng hậu qủa Bất Hạnh:
Lucifer đã thất bại khi phản loạn, và hoả ngục là quê hương đời đời của hắn và bè lũ. Ađam, Evà đã xấu hổ vì thấy mình trần truồng, nên lấy lá che thân, sợ hãi, lẩn trốn. Trần truồng tức chẳng còn gì, sợ hãi nói lên bất hạnh tang thương, và lẩn trốn là tình trạng thê thảm, đắng cay, nhục nhã nhất của đời người (St 3, 8-10). Người con thứ cũng không hơn gì, sau khi đã tiêu hết tiền bạc, đã “đói khát, túng thiếu, bần cùng, nhục nhã, vì “cả cám heo cũng không được ăn” (Lc 15,18).               
Như thế, hành trình bỏ Thiên Chúa đi tìm mình, bỏ nhà đi hoang là hành trình tự ý bỏ hạnh phúc đang có, đi tìm bất hạnh. Đó là hành trình không có tình yêu vì động cơ là kiêu căng, và mục đích là “cái tôi” giới hạn nhưng tự mãn, bất toàn, cao ngạo, mỏng dòn, yếu đuối  đưa đến hậu qủa không thể tránh là mất mát,  đau khổ, chết chóc, hủy diệt.    
Nhưng rất may, Ađam, Evà nhận ra tội mình, như người con thứ biết mình cần phải trở về, nếu không sẽ chết đói ngoài đường. Hành trình trở về cũng có tiến trình của nó, nhưng ngược lại với hành trình bỏ nhà đi hoang trước đây:
a.        Hành trình trở về có khởi điểm là người con thứ nhận ra mình sắp chết đói.
Nhờ sắp chết đói, chết rét, chết nhục mà người con thứ nghĩ đế chuyện trở về. Nếu còn tiền tiêu rủng rinh, còn của cải để ăn chơi, còn thề lực để sai phái lính lác, đàn em, chắc anh ta chưa nghĩ đến chuyện về. Vì thế, những hoàn cảnh, biến cố bên ngoải xem như bất lợi có khi lại là cơ hội qúy báu để hồi tâm, thống hối, đứng lên, trở về.
b.       Hồi tâm:
Vì hết tiền bạc, nên hết anh em, bạn bè, hết “tiền hô hậu ủng”, hết ra vào tấp nập, hết chén tạc chén thù, hết người chia sẻ, giúp đỡ, người con hoang đàng mới hồi tâm. Hoàn cảnh cô đơn, bị bỏ rơi đã đưa anh vào thinh lặng của tâm hồn để hồi tâm nhìn lại chính mình, nói với chính mình.
c.             Nhớ lại:
Nhờ thinh lặng, hồi tâm, anh nhớ lại ngày xưa ở với cha, ngày xưa sung túc, đầy đủ, ngày xưa được âu yếm, cưng chiều, ngày xưa có hết mọi sự, ngày xưa ngập tràn hạnh phúc, ngày xưa được đùm bọc, yêu thương. Nhờ hồi tâm trong thinh lặng, anh nhớ  hình bóng cha nhân hậu, nhớ dáng dấp cha tận tụy, nhớ lời cha căn dặn, nhớ ơn cha hải hà. Nhờ nhớ lại, người con hoang đàng đang sa cơ thất thế, đang tàn hơi, kiệt quệ mới dám đứng lên, đi về miền hy vọng lóe sáng.
d.       Hy vọng:
Phép lạ trở về đã được thực hiện ngay khi niềm hy vọng òa vỡ trong anh. Vì hy vọng ở tình cha sẽ không nỡ từ chối, xua đuổi bước chân con hoang trở về, mà anh đã thống hối. Anh đã thống hối khi vẽ ra trong tâm  trí cảnh tượng trở về gặp cha: sẽ qùy xuống nói lời tạ tội, sẽ sụp xuống chân cha xin tha thứ, sẽ chỉ dám xin  làm công trong nhà cha như những người giúp việc khác…Niềm hy vọng ở tình cha nhân hậu chính là thống hối, ăn năn. Nó tích cực hơn nhiều, vui tươi hơn nhiều, phấn khởi, hứa hẹn hơn nhiều.
           
Người con hoang đàng trong niềm hy vọng lên đường trở về, cũng lo lắng,  phân vân không biết cha sẽ đối xử thế nào, và liệu chuyến trở về đã được cẩn thận lập trình có suông sẻ hay không ?
 Nhưng qủa thực anh đã khéo “lo bò trắng răng”, vì cha anh là người cha đầy lòng thương xót, nên đường trở về với cha hôm nay cũng là đường đi tìm anh của cha. Bằng chứng là cha đã thấy anh từ xa, khi anh chưa thấy ngài.
Cũng vậy, hành trình trở về với Thiên Chúa của con người chính là hành trình đi tìm con người của Thiên Chúa. Thiên Chúa và con người cả hai đã gặp nhau ở củng một điểm hẹn “Yếu Đuối”: con người yếu đuối vì tội lỗi xúc phạm Thiên Chúa, Thiên Chúa yếu đuối vì tình yêu con người.
Quan sát người cha trong Tin Mừng, chúng ta thấy người cha thật yếu đuối trong tình yêu dành cho con. Ông yếu đuối khi tuyệt đối tôn trọng tự do của con, dù biết rõ con sẽ phung phí hết tiền bạc, rồi đói khát, bần cùng, khổ sở. Ông yếu đuối khi không nói được lời trách móc nào. Ngay cả một lời dậy dỗ, lên lớp, ông cũng không đủ mạnh để nói với con. Ông yếu đuối trong tình yêu con, nên chỉ luống cuống, rối rít lấy nhẫn sỏ vào ngón tay cậu, mặc áo đẹp cho cậu, đi giầy mới cho cậu. Ông yếu đuối trong tình phụ tử, nên chỉ mải khoe với gia tộc, láng diềng : “Con tôi đã mất nay tìm thấy, đã chết nay sống lại”, và gấp rút tổ chức tiệc linh đình mừng cậu con trở về. Ông yếu đuối, nên quên  hết công lý, công bằng, công tội của cậu con “phá làng phá xóm”, đàng điếm, hư hỏng đến nỗi người con trưởng phải khó chịu, gắt gỏng cho rằng cha chẳng chút công bình, công minh, thưởng phạt công bằng. Tình yêu đã làm ông trở nên hoàn toàn yếu đuối, vì chỉ còn lại trong ông duy nhất niềm khao khát hạnh phúc cho con.
Thiên Chúa được Đức Giêsu mặc khải là người cha nhân hậu, rất yếu đuối trong tình yêu con. Thiên Chúa ấy đã tự nguyện trở nên yếu đuối để con cái yếu đuối không mất niềm hy vọng được yêu thương dù rơi vào bất cứ hoàn cảnh tội lụy tang thương, bi đát nào. Thiên Chúa của lòng xót thương đã yếu đuối vì muốn xót thương, yếu đuối vì luôn xót thương, yếu đuối vì không thể không xót thương. Thiên Chúa của Đức Giêsu đã dám đánh đổi quyền năng để lấy lòng  thương xót, chọn xót thương làm sự thánh thiện của mình: “Thiên Chúa thánh thiện vì Ngài xót thương”. “Ngài là Đấng nhân hậu, từ bi, chậm bất bình, giầu nhân nghiã và thành tín” (Xh 34, 6). Và vinh dự lớn nhất, tuyệt vời nhất, vĩ đại nhất mà Thiên Chúa muốn, chính là được xót thương con người yếu đuối, tội lụy.
Vì thế, điểm hẹn của “con người trở về”, và “Thiên Chúa đi tìm” là điểm hẹnYếu Đuối, ở đó, con người yếu đuối, tội lỗi  được xót thương, và Thiên Chúa tự nguyện trở nên yếu đuối để thể hiện  lòng thương xót vô bờ bến. Thiên Chúa và con người: một bên tự thân yếu đuối, một bên tự nguyện yếu đuối để giao hoà, gặp gỡ nhau. Con người yếu đuối tự thân, Thiên Chúa yếu đuối tự nguyện. Cả hai đã nên một để yếu đuối tự nguyện nơi Thiên Chúa bao bọc yếu đuối tự thân ở con người; để ý muốn tự nguyện làm người yếu đuối của Thiên Chúa nâng thân phận yếu đuối của con người lên; để yếu đuối của Thiên Chúa luôn xót thương trở nên sức mạnh cho con người yếu đuối trong bao la của lòng thương xót.
Và hành trình trở về của con người yếu đuối, cũng như hành trình đi tìm con người của Thiên Chúa yếu đuối đã là gặp gỡ hạnh phúc của Thiên Chúa chủ tạo và con người thụ tạo, đoàn tụ yêu thương của người cha nhân hậu và đứa con hoang đàng.
Và qủa thực, hạnh phúc đã đến từ lòng thương xót, và vỡ oà từ tâm tình đón nhận lòng xót thương.
Giáng Sinh về, Noel đến, mang lại niềm vui và hy vọng cho con người và từng người, những con người yếu đuối, và từng con người tội lụy. Niềm vui được yêu thương và hy vọng được cứu độ được thực hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu -Thiên Chúa làm người. 
Ngài làm người yếu đuối trong máng cỏ Bêlem, và sẽ tiếp tục làm người yếu đuối giữa những con người yếu đuối, cho đến giây phút lià đời khi yếu nhược, tức tưởi, cô đơn trong thân phận tội nhân bị án phạt đóng đinh trên thập tự.
Chính trong mầu nhiệm yếu đuối, Thiên Chúa đã tỏ ra sức mạnh yêu thương của tình Ngài dành cho con người. Nhờ mầu nhiệm yếu đuối, Thiên Chúa đã mặc khải toàn diện quyền năng của lòng thương xót “trải qua từ đời nọ đến đời kia” cho những ai kính sợ Ngài. Và với mầu nhiệm yếu đuối, Thiên Chúa tiếp tục ở với con người trong những người yếu đuối để yêu thương và cứu độ con nguời.
Xin cho ánh sáng mầu nhiệm Giáng Sinh chiếu toả trên chúng con tình yêu tự nguyện trở nên yếu đuối, vì xót thương con người yếu đuối của Đức Giêsu, Đấng đã mặc lấy hết yếu đuối của loài người để cứu độ chúng con.
Viết xong ngày lễ Mông Triệu 2014
Giáo xứ Tân Phú, Sàigòn.
Nắng Tím  

IX. YẾU ĐUỐI VÀ XÓT THƯƠNG


1.      Thiên Chúa yếu đuối với con người để xót thương con người:
Khi nói về sự yếu đuối của Thiên Chúa trong Đức Giêsu, thánh Phaolô đã viết: “Sự gì yếu đuối nhất trong loài người chính là điều Thiên Chúa đã chọn. “(1 Cr 1, 27).
Khi chọn yếu đuối, Thiên Chúa đã chọn làm người yếu đuối nhất: tội nhân, chọn chỗ yếu đuối tận cùng của đời ngưởi: thập giá.
Tội nhân yếu đuối vì có tội, tội nhân còn yếu đuối vì mất hết quyền làm người bình thường, quyền công dân một nước, quyền của người được kính trọng, yêu mến, bảo vệ, quan tâm. Tội nhân tuy vẫn là người, nhưng là người hạng hai, hạng ba, hạng bét, có nghiã là không còn được trân trọng như những  người bình thường. Tội nhân bị khinh miệt, vì bị coi là đồ bỏ, không còn ích lợi cho đời. Tội nhân bị cách ly, cô lập, vì là tai hoạ của xã hội loài người. Tội nhân là người không  có quyền được bảo vệ, quyền được thương yêu, quyền tự do làm đời mình.
Hãy thử so sánh tội nhân với nhiều thứ “nhân” khác: thân nhân  được thương mến, nhưng tội nhân bị đời ghét bỏ, lên án; ân nhân được  biết ơn, tội nhân bị khinh bỉ, dập vùi; bệnh  nhân được chăm sóc, tội nhân bị bỏ rơi; qúy nhân được trân trọng, tội nhân bị xua đuổi, cô lập; vĩ nhân được chúc tụng, tội nhân bị nguyền rủa; yếu nhân được che chở, tội nhân bị khai trừ; tình nhân được âu yếm, cưng chiều, tội nhân bị tra tấn, hành hạ; đại nhân được cung nghinh, thần tượng, tội nhân bị te tua dầy xéo…Ấy thế mà Đức Giêsu lại vui lòng nhận cho mình thân phận  “tội nhân” !   
Nhận làm tội nhân, Đức Giêsu đã nhận chỗ đứng yếu đuối nhất trong loài người, nhận vị thế nguy hiểm nhất trong xã hội, nhận “điạ vị” thấp hèn nhất trong thiên hạ.
Nhận thân phận tội nhân, Đức Giêsu cũng cam chịu hình phạt đi kèm: thập giá, chỗ đứng tận cùng yếu đuối, tận cùng thấp hèn của đời làm người; bởi chẳng có ai vui “vào đời” làm tội nhân, và “lià đời” qua thập giá. Yếu đuối vì thế đã không còn là điều có thể hiểu được đối với con người, khi Thiên Chúa nhận cho mình hết mọi yếu đuối. Yếu đuối không còn ở tầm hiểu biết của con người, khi Thiên Chúa dùng yếu đuối để tự xóa mình, tự bỏ mình, tự đánh mất mình. Mầu nhiệm Thiên Chúa đã trở nên vô cùng vĩ đại, tuyệt đối cao vời trong chính yếu đuối thẳm sâu này.
Sở dĩ yếu đuối là mầu nhiệm vĩ đại, vì trong yếu đuối Thiên Chúa tỏ lòng và thực hiện tình xót thương đối với con người yếu đuối; nghiã là Thiên Chúa đã chọn yếu đuối để thương xót con người yếu đuối, như đã chọn thánh giá để cứu chuộc con người tội lỗi.
Thiên Chúa thánh thiện không phải ở quyền lực, vinh quang, nhưng thánh thiện ở lòng thương xót: Ta là Đấng thánh, nhưng Ta cũng là Thiên Chúa giầu lòng xót thương, chậm bất bình, rất khoan dung. Thiên Chúa thánh thiện, nhưng thánh thiện vì xót thương, thánh thiện vì hay chạnh lòng trước khốn quẫn, yếu đuối của con người.
Làm con người yếu đuối, Đức Giêsu -Thiên Chúa không mơ ước gì hơn là được thương xót con người yếu đuối, được chia sẻ yếu đuối với con người, và từ yếu đuối nâng con người lên cao, cho con người lên hàng nghiã tử, biến yếu đuối của con người thành sức mạnh của Thiên Chúa. Xuống thấp tận cùng với con người, Thiên Chúa đã xuống thấp để nâng lên, xuống tận đáy sâu để vực dậy, xuống tận bùn đen để thanh tẩy, xuống “cùng mình” kiếp thân tàn tro bụi, để ban cho con ngừơi sự sống của Thiên Chúa.
Qủa thực, Thiên Chúa đã yếu đuối vì xót thương, và để xót thương. Để xót thương con người, Thiên Chúa  yếu đuối, bởi không có yếu đuối chạnh lòng , yếu đuối bao dung, yếu đuối tha thứ, yếu đuối quên hết tội xưa, yếu đuối bỏ qua lỗi cũ, yếu đuối chẳng nặng lời trách móc, yếu đuối không đòi đền bù xòng phẳng, yếu đuối xóa sạch  vết nhơ, yếu đuối may cho áo đẹp, yếu đuối đeo cho nhẫn qúy, yếu đuối mở tiệc ăn mừng của Thiên Chúa là Cha nhân hậu thì làm sao có giòng lệ thống hối ăn năn, và nước mắt hạnh phúc của đứa con hoang đàng ngày trở về ? Khi trở nên yếu đuối để đứa con hoang đàng yếu đuối được vực dậy, người cha của Đức Giêsu đã chấp nhận bị coi là yếu đuối, nhu nhược, thiếu cứng rắn; nhưng tinh phụ tử dành cho con mình đã lớn hơn gấp bội những thị phi, đồn đãi, chê bai. Ông biết nhưng chấp hết tiếng đời, vì trong ông chỉ xôn xao, rạo rực một lòng thương xót (Lc 15, 11-24).
Thiên Chúa xót thương con người là nguyên nhân và mục đích của yếu đuối nơi Thiên Chúa. Yếu đuối của Thiên Chúa đã nhắm  hạnh phúc của con người, vì duy chỉ một mình Thiên Chúa của Đức Giêsu mới có sáng kiến kỳ diệu, nhiệm mầu ấy: Yếu đuối để xót thương, yếu đuối để cứu độ.
2.    Con người yếu đuối trước Thiên Chúa để được thương xót:
Về phiá nhân loại, yếu đuối  phải được nhìn trong ánh sáng mầu nhiệm Đức Tin, bởi từ khi yếu đuối của con ngừơi được Thiên Chúa chia sẻ, chung phần, yếu đuối  đã không còn là yếu đuối  tầm thường, yếu đuối tiêu cực, yếu đuối bị bỏ đi, nhưng là yếu đuối có giá trị siêu nhiên mang ơn cứu độ.
Mang ơn cứu độ như Đức Giêsu giữa yếu đuối tột cùng trên thánh giá đã trở nên nguồn ơn cứu độ cho mọi người; như Đức Giêsu  chịu chôn vùi trong yếu đuối tận đáy mồ đã là nguồn  sống Phục Sinh cho nhân loại; như mỗi  con người yếu đuối  được kêu mời trở nên những trái tim đầy lòng thương xót như Thiên Chúa:
a. Để biết mình yếu đuối cần được xót thương:
 Biết mình là bước đầu của hành trình khôn ngoan, cũng là hành trình thánh thiện. Không biết mình như Evà đã lầm tưởng mình sẽ biết hết mọi sự như Thiên Chúa, không biết mình như những cõi lòng kiêu căng không nhận ra mình chỉ là thụ tạo, nhiều giới hạn, bất toàn. Người biết mình yếu đuối mới qúy báu ơn trợ giúp, mới khát khao lòng xót thương, vì biết mình cần, rất cần.
b. Để dám  nhận mình yếu đuối:
Rất nhiều người không dám nhận mình yếu đuối. Không nhận mình yếu đuối, người ta sẽ căng thẳng, bất mãn phải sống trong yếu đuối của mình. Một thí dụ điển hình dễ thấy: cùng bị tai biến và nằm liệt một chỗ, không còn có thể đi đứng, nhưng có người vui lòng chấp nhận tình trạng yếu đuối, bất lực, phải cậy nhờ người khác; có người bực tức, khó chịu, khủng hoảng, xuống tinh thần, buông xuôi, vì không  chấp nhận mình ở vào hoàn cảnh yếu đuối, phải lệ thuộc. Không ít những người đã tự tử vì không chấp nhận mình yếu đuối, không chịu đựng nổi những khiếm khuyết, lầm lỗi của mình. Giuđa đi thắt cổ cũng chỉ vì không chịu được cái yếu đuối “phản bội” của mình.
Không chấp nhận mình yếu đuối là thái độ của người kiêu căng, khi không chịu thua ai, không chịu mang tiếng yếu đuối, thất bại. Cuộc đời của họ phải là chuỗi dài  thành công, uy lực, danh dự trùng trùng tiếp nối. Họ có môi miệng ngạo nghễ, từ vựng  ngạo mạn, cung cách ngạo đời: Tôi chưa thua ai bao giờ, vì chẳng bao giờ tôi yếu đuối …!
Dám chấp nhận mình yếu đuối và vui lòng sống trong hoàn cảnh, điều kiện  yếu đuối của thân phận là chọn lựa anh hùng của người đạo đức, khi ý thức yếu đuối của con người làm Thiên Chúa chạnh lòng, yếu đuối của con người là đường con người tìm gặp Thiên Chúa, bởi trong yếu đuối của con người, có sự hiện diện của Thiên Chúa đã tự nguyện trở nên yếu đuối vì yêu thương.
c. Để sống tình xót thương với mọi người:
Người biết mình yếu đuối, và chấp nhận yếu đuối của mình là người dễ cảm thông, xót thương người khác. Họ xót thương được đồng loại yếu đuối, vì chính họ cũng yếu đuối trăm bề, khốn khổ trăm nỗi. Họ thương xót người anh em yếu đuối, vì biết đời họ cũng ngổn ngang những yếu đuối. Họ chia sẻ nỗi đau yếu đuối với người bên cạnh, vì yếu đuối đã từng hành hạ cuộc đời họ. Họ đồng cảm với những người yếu đuối, vì trải nghiệm sâu sắc gai nhọn rướm máu của yếu đuối nhục nhằn.
Thương xót người khác, chính là xót thương mình, vì Thiên Chúa chỉ xót thương những ai biết xót thương đồng loại. Câu chuyện  người  đầy tớ không biết xót thương trong Tin Mừng Mátthêu  nhắc nhở chúng ta điều kiện để được Thiên Chúa xót thương chính là phải biết xót thương anh em mình : “Hỡi tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ lớn cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ? ” (Mt 18, 33).

VIII. YẾU ĐUỐI VÀ TỰ DO


    Vấn đề được đặt ra là con người yều đuối có còn tự do ?
Câu chuyện tự do của con người trước chọn lựa thiện -ác, tốt-xấu là nan đề làm đau đầu con người từ bao đời. Có người cho rằng: con người không còn khả năng chọn lựa, do áp lực nặng nề của tội lỗi. Người khác chủ trương: Thiên Chúa đã định trước mọi sự, mọi việc, mọi nẻo đường vận mệnh đời đời của mỗi người, nên con người chẳng còn tự do nào khác ngoài tự do trôi theo định mệnh đã được sắp sẵn: ai phải xuống hoả ngục thì cứ thế mà xuống, đến giờ ấn định sẽ tự động rơi, không thể thay đổi được “tiền định”. Một số khác lại cho rằng: vì quá yếu đuối, con người mất hẳn khả năng chọn lựa, và ý chí tự do trở thành vô dụng.
Tóm lại, một số không nhỏ bị ám ảnh bởi tình trạng mất ý chí chọn lựa và con người không còn tự do để trách nhiệm trên đời sống của mình. 
Thực ra, vấn đề tự do thường được đặt ra thành đề tài bàn cãi sôi nổi, vì sự có mặt của sự dữ. Trước sự dữ, con người phân vân lựa chọn, do dự cân nhắc, và yếu đuối căn bản của con người là “điều tôi không muốn tôi lại làm, điều tôi muốn tôi lại không làm” thường chớp cơ hội nhảy vào quấy nhiễu tạo nên khủng hoảng bất lợi. Yếu đuối căn bản này còn được gọi dưới một tên khác: mâu thuẫn nội tại, là hậu qủa của tội nguyên tổ khi con người không còn “toàn tâm toàn ý” hướng về sự thiện, sự lành. Khi ý chí không còn dễ dàng và tự nhiên hướng về chọn lựa sự tốt lành, thì con người cảm thấy bị giằng co, trì kéo, rạn nứt, căng thẳng trong chính mình. Tình trạng này làm ta có cảm tưởng mình không có tự do, nên tìm cách đổ lỗi cho Thiên Chúa, và quy trách Ngài là tác giả của sự dữ, hay ít ra đã làm ngơ, dung dưỡng cho sự dữ thao túng, hoành hành, làm khổ con người.
Thiên Chúa không muốn sự dữ có mặt trong đời con người. Đó là sự thật hiển nhiên, vì Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ, muôn loài để phục vụ hạnh phúc của con người mà Ngài đặc biệt yêu thương. Không cha mẹ nào sinh con ra với mục đích để con mình phải đau khổ, và phải chết. Trái lại, khi người mẹ mới sinh con, hạnh phúc lớn nhất của bà là ước mơ con mình sẽ hạnh phúc. Thiên Chúa cũng chỉ có một ước mơ : con người hạnh phúc. Chính vì ước mơ hạnh phúc cho con người, mà Thiên Chúa đã trở nên con người yếu đuối để lấy con người ra khỏi bất hạnh của yếu đuối do tội mang lại, và ban lại hạnh phúc đích thực và nguyên thủy của con người: được đời đời sống hạnh phúc với Thiên Chúa Tình Yêu.
Sự sa ngã của nguyên tổ làm con người yếu đi nhiều mặt khi tội lỗi uà vào thế giới, và mở đường cho ma qủy đi vào quậy phá, nhiễu nhương. Tuy thế, con người không mất tự do, vì tự do là hình ảnh không bao giờ mai một của Thiên Chúa trong con người.
Nhờ tự do, con người chạm được Thiên Chúa và đi vào cung lòng yêu thương của Ngài, bởi tự do xác nhận tình yêu của họ. Tình yêu luôn đòi tự do, nên yêu mà không có tự do thì chưa được gọi là tình yêu. Thiên Chúa cần tình con người dành cho Ngài, nên trân trọng và gìn giữ tự do của con người, để tình ấy là tình người đích thực, tình người cao qúy, tình người tuyệt vời, tình mà Thiên Chúa luôn khao khát, tìm kiếm.
Vì cùng lúc phải đối đầu sự thiện và sự ác, điều tốt và điều xấu, nên tự do của chúng ta rất vất vả, vì phải chọn lựa. Nhưng đã chọn lựa thì phải bỏ đi một bên, và chỉ có thể giữ lại một bên.Chọn lựa phải từ bỏ, mà từ bỏ thì day dứt, đau lòng; từ bỏ thì quặn thắt, xót xa; từ bỏ thì nghẹn ngào thương tiếc.  Cảm nghiệm chọn lựa là kinh nghiệm sống tình cảm tiếc nuối, nhớ thương, lưu luyến, đau khổ, mà không ai đã không một lần trải qua. Nhưng làm người là làm hành trình lựa chọn liên lỷ, và ngày nào  không còn chọn lựa, ngày đó đời người sẽ không còn lý do và ý nghiã sống.
Trong lựa chọn, tự do có mặt, vì phải có tự do mới có lựa chọn, phải tự do mới chọn bên này, bỏ bên kia, theo người này, xa người kia, làm việc này, không làm việc kia. Và giá trị của mỗi người là chọn điều tốt, việc lành, chọn đúng đường phải đi, chọn đúng vị trí phải có mặt trong cuộc đời; tắt một lời là chọn những gì Thiên Chúa  muốn thực hiện trên cuộc đời mình, bởi duy một mình Thiên Chúa sẽ là Đấng đánh giá, chấm công và ban thưởng cho mỗi người trong lựa chọn tự do của họ.
Bên cạnh tự do là yếu đuối. Yếu đuối nên không chọn điều tốt như mình muốn, mà chọn điều xấu mình không muốn. Yếu đuối như người thiếu nữ biết rõ yêu người đàn ông đã có gia đình là điều không nên, nhưng không sao dừng được trước mời gọi ngon ngọt  của trái cấm tình yêu; như người thanh niên biết gian dâm là điều xấu, nhưng không sao cưỡng lại đòi hỏi của đam mê. Biết bao vị thánh đã  quằn quại sống những yếu đuối  của con người có tội. Nhiều vị đã chia sẻ chân thành và sâu sắc  kinh nghiệm yếu đuối, sa đoạ của mình để tất cả đều khiêm tốn nhận mình là phận người yếu đuối, kiếp người yếu đuối, con người yếu đuối.
Hình ảnh Đức Giêsu  bị cám dỗ trong sa mạc là hình ảnh yếu đuối của mỗi người (Mt 4, 1-11).
Khởi đầu, ma qủy cám dỗ Đức Giêsu như cám dỗ mọi người về của cải vât chất, vì biết con người cần vật chất không chỉ để sống, mà còn để sống sung sướng “trên đầu trên cổ thiên hạ”, bởi có tiền bạc, của cải thì sai phái ai cũng được, nói ai cũng phải nghe.
Ma qủy tiếp tục đem bả quyền lực để cám dỗ Đức Giêsu, như cám dỗ mọi người háo hức tìm quyền lực, thu gom quyền lực, củng cố quyền lực để  trở thành toàn năng, làm được hết mọi sự mình muốn. Quyền lực là cơn cám dỗ mãnh liệt nhất nơi con người, vì có quyền lực là có tất cả, có quyền lực là thực hiện được mọi ước mơ. Bao nhiêu người đã lao vào quyền lực, cắn xé nhau vì tranh giành quyền lực, đốn hạ nhau vì  cưỡng đoạt quyền lực, và không mấy người đã thoát khỏi cám dỗ “tham quyền cố vị”.
Sau cùng là cơn cám dỗ danh vọng, vinh quang, sắc đẹp, lợi lộc, phú qúy, tóm lại là tất cả những hào nhoáng, ăn chơi, xa hoa, trụy lạc làm con người trở thành những ông thần, bà thánh, mà không cần đến một Thiên Chúa nào khác, ngoài con người. Cám dỗ con người tôn thờ con người, thần tượng xác thịt và phụng sự vinh quang thế gian là mánh lới ma qủy dùng để truất phế Thiên Chúa chủ tạo khỏi  các thụ tạo của Ngài. Cám dỗ con người ra khỏi qũy đạo của Thiên Chúa là tôn vương con người, thần thánh con người, suy tôn con người, đồng thời đáp ứng mọi nhu cầu thấp hèn của con người, dưới chiêu bài mưu cầu hạnh phúc cho con người là  kế sách rất tinh vi, hiểm độc, và hữu hiệu của ma qủy.
Như Đức Giêsu, con người không ngừng bị cám dỗ bởi thần dữ. Khi chấp nhận thân phận yếu đuối của con người, Đức Giêsu -Thiên Chúa đã không nề hà chịu ma qủy thử thách, cám dỗ. Sự kiện để bị cám dỗ nói lên sự nhẫn nại của Thiên Chúa, và khẳng định:
1.   Dù cám dỗ mang hình dạng nào, dáng dấp nào, kiểu cách nào, hình thức nào, thì cũng quy về một mục đích:  biến con người trở nên kiêu căng, ngạo mạn trước Thiên Chúa.
Người nghèo khó thì cậy trông, kẻ yếu hèn thì hy vọng, nhưng người giầu, quyền qúy, kẻ có quyền lực mấy ai hy vọng ở Chúa, và cậy trông nơi Ngài ? Chẳng thế mà trong kinh Tạ Ơn - Magnificat, Đức Maria đã thốt lên : “Chúa đã ra tay uy quyền đánh tan người kiêu ngạo, và để  người giầu có trở về tay không . Chúa hạ người quyền thế xuống khỏi vị cao, và nâng người hèn mọn lên” (Lc 1, 51-52).
Lịch sử “sa ngã” của cả thiên thần, và loài người đếu viết bằng những giòng chữ kiêu căng, ngạo mạn. Lucifer, tổng lãnh thiên thần đã kiêu căng “muốn bằng Thiên Chúa”, Ađam, Evà kiêu căng muốn biết mọi sự Thiên Chúa biết.  Lucifer kiêu căng đã sai bè lũ kiêu căng cám dỗ ông bà nguyên tổ kiêu căng, ngạo mạn, chống lại lệnh Thiên Chúa, như y đã kéo vây cánh nổi loạn, chống lại Ngài.
Tất cả mọi tội đều đưa đến kiêu căng chống lại Thiên Chúa. Vì thế, chỉ có khiêm tốn nhận mình yếu đuối, con người mới tránh khỏi cạm bẫy của thần dữ kiêu căng.
2.       Con người luôn bị thử thách, nhưng không bao giờ bị đánh gục.
Thử thách không thiếu, và ma qủy đảo quanh không ngừng, nhưng chúng không có quyền gì trên con người, ngoài quyền cám dỗ, dụ khị, mua chuộc, tán tỉnh, lừa gạt con người. Chúng là chuyên viên của Gian Dối và Hận Thù. Có mặt ở đâu, chúng gieo dối trá, ghen ghét, chia rẽ ở đó. Ở chúng chỉ có gian manh, xảo trá, lừa đảo, thù đọan, oán ghét, căm phẫn, thù hận, xáo trộn, và chết chóc. Sức mạnh của chúng hệ tại khéo léo lừa đảo, ngon ngọt dụ dỗ để con người bỏ Thiên Chúa nhập băng Kiêu Căng  chống lại Thiên Chúa là Tình Yêu, Sự Thật, Sự Sống, Bình An. Tuy thế, chúng bó tay trước tự do của con người và cúi mặt lẩn trốn khi con người chọn Thiên Chúa và khiêm tốn tín thác nơi Ngài.
Hình ảnh gian ác của ma qủy hay ám ảnh và làm chúng ta sợ, nhưng tin vào Lơi Hứa, dựa vào ơn Chúa, chúng ta không sợ gì chúng, bằng cảnh giác mưu thâm chước độc của chúng, và lật tẩy bộ mặt “giả nhân giả nghiã” đáng kinh tởm của chúng. Để làm được việc này, nghiã là để không xập bẫy cám dỗ của ma qủy, chúng ta được Đức Giêsu chỉ dậy phải: Khiêm tốn cậy trông vào sức mạnh của Danh Chúa, và Lời Chúa, như Giáo Hội hằng kêu cầu Danh Chúa, và loan báo, sống Lời Chúa. Đức Giêsu đã lấy Lời Thiên Chúa để xua đuổi ma qủy. Chúng đã phải bỏ đi, khi nghe Ngài nghiêm khắc nhắc chúng Lời của Thiên Chúa :
“Ngươì ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4), “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Mt 4,6),”Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4,7), “Ngươi phải bái lậy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Mt 4,10).        
3. Thử thách, cám dỗ không làm mất tự do lựa chọn thiện - ác, tốt - xấu của con người.
Như con người bị cám dỗ, Đức Giêsu đã tự do quyết định bám víu vào Lời Thiên Chúa bằng tuyên xưng Lời hằng sống, Lời ban sức mạnh, Lời xua đuồi ác thần, Lời đem lại bình an, và tự do của Ngài đã chọn Thiên  Chúa, chọn đường ngay nẻo chính cho Thiên Chúa toàn thắng, và ma qủy ê chề thất bại “phải bỏ Ngài mà đi” (Mt 4,11). Xác tín tự do của con người không suy xuyển trước cám dỗ của qủy dữ, chúng ta cũng chân nhận sức mạnh của Lời Thiên Chúa nâng đỡ ý chí của chúng ta trong mọi chọn lựa, vì ơn Chúa luôn đủ cho ta.   
Tóm lại, tự do và yếu đuối là hai thực tại của con người. Yếu đuối nhưng tự do, yếu đuối nhưng trọn vẹn tự do, tròn đầy tự do, yếu đuối nhưng tự do đến cùng. Nhờ tự do và yếu đuối mà con người cao cả. Nhờ yếu đuối và tự do, mà con người không cùng tầm với bất cứ tạo vật nào khác. Khi nhận mình là thụ tạo yếu đuối, con người sửng sốt thấy mình luôn có tự do, bởi chính trong yếu đuối, tự do của con người bừng sáng, vì đó là lúc nhân vị, và phẩm giá của con người được đặc biệt đề cao, trân trọng. 
Đứa con hoang đàng trong Tin Mừng có nhiều yếu đuối: yếu đuối tiền bạc khi đòi cha chia của cải, gia tài; yếu đuối xác thịt khi tiêu tán tài sản vì gái gú; yếu đuối danh vọng, quyền lực khi tung tiền mua đàn em, kết nạp chiến hữu, quy tụ lính lác. Anh yếu đuối, nhưng không mất tự do, bằng chứng là cha đã tuyệt đối tôn trọng quyền tự do “bỏ nhà đi hoang hay ở nhà phụng dưỡng  cha già” của anh. Nhiều yếu đuối, nhưng anh không mất tự do, vì lúc nào anh cũng  có thể nói “có hay không, đồng ý hay không đồng ý, thuận hay nghịch”. Anh tự do nói “không” với cha và bỏ nhà đi; anh tự do nói “có” với bạn bè, gái gú khi ăn chơi, phung phá tài sản; anh tự do bỏ lại sau lưng đời giang hồ, phóng đãng để trở về mái nhà xưa có cha già trông ngóng. Anh luôn luôn  tự do, dù rất yếu đuối. Anh mang trách nhiệm đời mình, dù cám dỗ theo anh từng bước. Anh mang yếu đuối và tự do. Yếu đuối là người và tự do cũng là người. Yếu đuối thuộc về người, và tự do cũng thuộc về người… Cả hai cùng ghé vai nâng cao con người !
Như đứa con hoang đàng yếu đuối, nhưng tự do, mỗi người đều có những yếu đuối riêng có thể rất khác nhau: người yếu đuối vì tình, người yêu đuối vì tiền, người khác yếu đuối vì quyền, vỉ danh, vì lợi thú; nhưng  mọi người giống nhau ở tự do: cùng có tự do, luôn có tự do, và tự do được Thiên Chúa tuyệt đối tôn trọng.
Tuyệt đối tôn trọng như người cha đã tôn trọng chọn lựa bỏ nhà đi hoang của con trai thứ, dù ông biết: thế nào rồi con ông cũng sẽ khổ khi xa ông. Biết con sẽ khổ, nhưng ông không thể ngăn cản bước chân giang hồ, hoang đàng, phóng đãng của con, bởi con ông là đứa con của tự do, được ông sinh ra làm người tự do, và ông chỉ hạnh phúc khi con ông tự do, hạnh phúc. Biết bỏ nhà đi hoang là lao mình vào một trời rủi ro, một đời giông bão, nhưng vì con ông có tự do, nên ông nuốt lệ, ngậm ngùi nhìn bước chân con lang bạt.
Thiên Chúa là người cha nhân từ, nhưng tuyệt đối tôn trọng tự do của con mình. Dựng nên con người tự do, Ngài không thể làm gì khác hơn là tôn trọng tuyệt đối tự do ấy. Không lệ thuộc thời gian, nên Ngài thấy tất cả quá khứ, tương lai của mỗi người như thấy một hiện tại toàn diện, toàn phần, đầy đủ. Thiên Chúa thấy trước những gì xẩy ra cho  mỗi người, vận mệnh tương lai của mỗi người, nhưng cái biết hoàn toàn và trọn vẹn về đời mỗi người đó không can dự gì đến tự do hành động của mỗi người, và chúng ta không thể quy trách Thiên Chúa  : “Biết con người sẽ sa đọa mà không làm gì”, như người cha biết con trai mình sẽ khánh kiệt, khổ sở, nhục nhằn khi không còn tiền, nhưng vẫn không cấm đoán, tìm cách ngăn cản bước chân con đi hoang. Thái độ tôn trọng tuyệt đối tự do đó đối với ông là cách ông tỏ tình thương con, và trân trọng nhân vị, nhân phẩm, và giá trị cuộc đời của con ông. Có người trách ông yếu đuối, bởi không dám cấm đoán, ngăn cản không cho cậu đi, nhưng riêng ông, ông hiểu: ông không thể yêu con mà lấy đi tự do của cậu, cũng như không thể là cha, nếu sinh ra những đứa  con  “nô lệ”, không tự do.                 

VII. CHIÊM NGƯỠNG YẾU ĐUỐI CỦA THIÊN CHÚA


 Mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Giêsu đặt chúng ta trước một tình yêu điên cuồng, vô bờ bến của một Thiên Chúa si mê con người, một Thiên Chúa cần  hạnh phúc của con người, một Thiên Chúa muốn ở với con người, và nên một với con người. Thiên Chúa ấy đã có những sáng kiến độc đáo trong tình yêu đến nỗi con người khó có thể hiểu được.
Khó hiểu được  mầu nhiệm Thiên Chúa yếu đuối trong tay con người. Khó hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa yếu đuối qùy rửa chân cho con người. Và rất khó hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa yếu đuối ẩn mình dưới tấm bánh nhỏ bé, trong tay con người.
Thiên Chúa yếu đuối trong tay con người khi hoàn toàn lệ thuộc con người. Khi căn dặn “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, Đức Giêsu đã tự nguyện đặt mình trong tay con người. Từ nay, con người có quyền sắp xếp sự hiện diện của Thiên Chúa. Bằng cớ khi Linh Mục đọc lời truyền “Các con hãy cầm lầy mà ăn, vì này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con. Các con hãy cầm lấy mà uống, vì này là chén  Máu Thầy, máu giao ước  sẽ đổ ra cho các con và  nhiều người được tha tội” (Mt 26,26-29), Đức Giêsu chấp thuận có mặt thực sự trong bí tích Thánh Thể.
Lại một lần nữa, Thiên Chúa thực hiện một sáng kiến mới, rất táo bạo của tình yêu, khi thiết lập chức Linh Mục và  bí tích Thánh Thể. Cũng vẫn với “yếu đuối, bé nhỏ”, Thiên Chúa ở lại với con người mọi ngày cho đến tận thế, vì yêu thương con người (Mt 28,20).
Trước mầu nhiệm vô cùng cao qúy của Tình Yêu nhập thể, con người không thể tự mình hiểu được, cũng không tự mình yêu mến, chiêm ngưỡng, mà cần Đức Tin là ơn riêng Thiên Chúa ban để có thể đi vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, bởi tin là chấp nhận điều Ngài nói sẽ được thực hiện, là gắn bó thiết thân, là sống chính đời sống của Thiên Chúa; nói cách khác, tin là để Tình Yêu  Đức Giêsu biến đổi, hoạt động. Tin là đi vào cung lòng Thiên Chúa để được hạnh phúc chiêm ngưỡng dung nhan Ngài.
Như ba đạo sĩ đã gặp Đức Giêsu trong máng cỏ, vì  tin Đấng Cứu Thế sinh ra; như mục đồng được chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, vì tin lời thiên thần loan báo: Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua         Đavít, Nguời là Đức Kitô - Thiên Chúa” (Lc 2,11); như những người què quặt, điếc lác, mù loà, phung hủi đã được chữa lành, vì tin Đức Giêsu là Thiên Chúa; như chị em Mátta, Maria đã được thấy em mình là Ladarô đi ra từ mồ, vì đã tin Đức Gĩêsu là sự sống và sự sống lại; như người lính canh trên Núi Sọ đã nhận ra “Người này thật là Con Thiên Chúa”, vì tâm hồn ông đã sẵn sàng, rộng mở.
Rộng mở trái tim và sẵn sàng là thái độ cần thiết để hồng ân Đức Tin được ban xuống trong tâm hồn. Thái độ này như thửa ruộng phì nhiêu, như đất đã được dọn kỹ, chỉ cần gieo hạt, Đức Tin sẽ nẩy mầm, lớn lên, xum xuê hoa trái.
Rộng mở trái tim và tin Lời Hứa của Thiên Chúa sẽ đươc thực hiện trọn vẹn, vì Thiên Chúa là Đấng trung tín, giữ lời và không hề lừa dối ai là thái độ của người con tín thác vào tình thương của cha mình, là lòng cậy trông son sắt của người môn đệ lúc nào cũng chỉ muốn làm theo ý của Thầy mình.  
Hơn nữa, “yếu đuối của Thiên Chúa” là một mầu nhiệm ĐứcTin, nên phải có Đức Tin mới nhận ra và đi vào mầu nhiệm được, cũng như “khi loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại”, người tín hữu long trọng công bố niềm tin của mình vào Đức Giêsu, Thiên Chúa chịu đóng đinh và chết như con người yếu đuối trên thập giá. Khi tuyên xưng Đức Tin vào Đức Giêsu chịu đóng đinh, chết trên thập giá, và sống lại, chúng ta không thể một mình tuyên xưng, nhưng tuyên xưng với Đức Tin của Giáo Hội, với Đức Tin của Phêrô và các tong đồ, với Đức Tin như hồng ân Thiên Chúa ban để chúng ta chấp nhận được những nghịch lý của mầu nhiệm Thiên Chúa, quảng đại đón nhận thánh ý Thiên Chúa, và trung thành đi theo đường lối thánh thiện của Ngài. 
Đức Tin là qùa tặng của Thiên Chúa cho con người. “Nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính”, và “Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai” (Rm 3, 22). Được như thế, nghiã là được hưởng ân huệ do Lời Hứa của Thiên Chúa, như tổ phụ Ápraham đã tin, và “hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện. Bởi thế, ông được kể là người công chính” (Rm 3, 21-22). Được như thế, nghiã là khi tin, “chúng ta được Đức Giêsu mở lối cho vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa… Chúng ta còn được tự hào về niềm hy vọng sẽ được hưởng vinh quang của Thiên Chúa (Rm 5, 2).
Thế giới với khoa học hiện đại, và xã hội của kinh tế thị trường làm con người cứng lòng tin vì óc thực nghiệm. Người đương thời không còn muốn chấp nhận mầu nhiệm, và ý niệm về mầu nhiệm ngày càng biến mất khỏi đời sống. Người ta chỉ tin những gì thấy được, kiểm chứng được, cân, đo, đong, đếm được, và nhất là ích dụng tức thời. Vì thế, khi nói đến mầu nhiệm, người ta vội cho là mê tín; khi đặt vấn đề Đức Tin, người ta chụp ngay cho cái mũ “mê hoặc, lạc hậu ”.
Thực ra, ai cũng phải tin, vì người không tin gì hết, không tin ai hết sẽ không thể sống, vì có ai sống mà không tin vào lời người khác nói, tin   những điều, những sự mà họ không hề biết, không hề thấy, không hề kiểm nghiệm; bởi ai có khả năng, và điều kiện để biết, để thấy và kiểm chứng mọi chuyện, mọi việc, mọi người liên quan đến mình? Chính vì thế, ai cũng cần niềm tin để tin những điều người khác nói, tin những gì không thể thấy, không thể sờ mó, kinh nghiệm.
Tôn giáo là tương quan giữa con người và Thượng Đế. Công giáo là tương quan giữa Thiên Chúa là Cha và con người là con. Tương quan Thiên Chúa – Nhân Loại đòi niềm tin, vì đây là tương quan giữa con người thụ tạo, tội lụy và Thiên Chúa, Đấng Chủ Tạo toàn năng, vô hình, thiêng liêng. Do đó, tự thân, tôn giáo là mầu nhiệm, vì chân lý tôn giáo là sự thật về Thiên Chúa, Đấng thiêng liêng, mầu nhiệm. Chối bỏ mầu nhiệm, xóa ý thức mầu nhiệm, con người sẽ không còn là con người quân bình, trọn vẹn, vì mất tính tôn giáo là một trong những đặc tính không thể thiếu của con người.
Vì là tương quan mầu nhiệm, nên sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người đòi Đức Tin như đường để con người đến với Thiên Chúa, như ngôn ngữ để con người nghe được tiếng Thiên Chúa, và nói với Ngài, như đôi mắt sáng để con người nhận ra dung mạo Thiên Chúa.
Không có Đức Tin, con người không thể đạt đến Thiên Chúa, không thể chạm vào Thiên Chúa, nói chi  thấy Ngài, yêu mến Ngài, và sống đời sống của Ngài. Đức Tin không thể thiếu trong câu chuyện tình  giữa Thiên Chúa và con người, cũng như không thể thiếu  mầu nhiệm trong tôn giáo; nếu không, tôn giáo không còn là tôn giáo, vì không bao giờ con người và Thiên Chúa có thể giao lưu, liên lạc, gặp gỡ, thông hiệp.
Có thể nói: những người vô thần từ chối tôn giáo, không nhận mầu nhiệm là những người mê tín, dị đoan hơn ai hết, vì chính họ vừa chối bỏ niềm tin, khước từ mầu nhiệm, vừa bám víu vào cuộc đời đầy mầu nhiệm; bởi  cuộc đời mỗi người  tự thân là một mầu nhiệm, vì có ai không thắc mắc “Tôi là ai ?  Cuộc đời là gì? Tại sao tôi sống,? Tại sao tôi phải chết ? Chết rồi đi đâu? Đâu là ý nghiã cuộc đời ? ”.
Những vấn nạn trên nói lên cuộc đời con người thật mầu nhiệm, mà chính con người không thể tự mình trả lời. Chính trong mầu nhiệm nhân loại, con người khám phá mình cần quy chiếu về Đấng đã dựng nên mình, bởi chỉ có Đấng Chủ Tạo mới có câu trả lời đúng nhất cho những vấn nạn của thụ tạo do mình dựng nên. Chối bỏ mầu nhiệm, gạt ra ngoài lề cuộc sống “con người tôn giáo”, thiết tưởng là việc làm  lố bịch nhất của con người trên hành trình khám phá mầu nhiệm sự sống của chính mình.
Người  chối bỏ không tin giống như con sáo luôn miệng hót mà cứ bai bải chối mình không biết nhạc. Họ không khác con sáo không tin vào âm nhạc nó đang có. Bằng chứng nào có thể đưa ra để làm chứng con sáo biết âm nhạc, mặc dù ai cũng biết sáo được sinh ra để hát líu lo. Cũng thế, Đức Tin của con người sẽ chỉ lớn lên, và vững mạnh bằng tin, chứ không bằng những chứng cứ, chứng từ. Chỉ tin  Thiên Chúa và các chân lý mầu nhiệm sau khi đã chứng minh, kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn và  đòi hỏi của khoa học thực nghiệm, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng cực kỳ phi lý của con sáo, khi nó cứ líu lo hát xướng suốt ngày mà lại ngoan cố, trâng tráo chối mình không “ biết” gì âm nhạc.
Như thế, khởi đầu từ mầu nhiệm đời sống, con người đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Chính “mầu nhiệm” cho con người là “người” đích thực, đúng nghiã, như sáo sẽ không được gọi là sáo nếu không mang “máu nhạc” để suốt đời líu lo.
Đi tìm Thiên Chúa, hay đi  tìm chính mình cùng là lên đường đi theo Đức Giêsu Thiên Chúa làm người, vì chỉ một mình Thiên Chuá làm người có tên là Giêsu mới có thể mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa, và mầu nhiệm con người; chỉ duy mình Ngài mới biết Thiên Chúa là ai, vì Ngài là Thiên Chúa, đồng thời biết rõ con người là gì, bởi con người đã được Thiên Chúa là Ngài dựng nên. Ngoài Đức Giêsu, không ai có thể mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa, và con người. Và để nói với con người những chân lý mầu nhiệm, Thiên Chúa đã nhập thể, bằng cách tự vùi mình trong nhân tính, trong máu thịt nhân loại để hiện diện với con người, trong đời người ở vị thế một Thiên Chúa si mê yêu thương con người đến nỗi tự nguyện, tự chọn thân phận người yếu đuối, hèn mọn nhất.
Tin Thiên Chúa yêu thương con ngưòi là xác tìn mầu nhiệm Thiên Chúa mặc lấy tất cả yếu đuối của con người trừ tội lỗi, vì sự gì bé mọn nhất ở con người đã là điều Thiên Chúa chọn lấy cho mình; nói cách khác, nếu không có yếu đuối của con người thì Thiên Chúa đã không đến trong thế giới loài người, và đích thực: yếu đuối đã là đường của Thiên Chúa đến với con người, đồng thời là đường của con người đến với Thiên Chúa.
Giáo Hội noi gương Đức Giêsu ngày ngày từng bước yếu đuối trên những con đường bé nhỏ tiến về Nước Trời. Giáo Hội thánh thiện vì có Đức Giêsu - Thiên Chúa cực thánh là Đầu, nhưng Giáo Hội biết mình yếu đuối, vì gồm những con người yếu đuối  luôn cần được cứu độ, che chở, bảo bọc bởi Tình Yêu của Đức Giêsu, Đấng đã thiết lập Giáo Hội. Thánh Phaolô  cũng như toàn thể Giáo Hội luôn  thâm tín ơn phù trợ, và tin vào Lời Hứa của Thiên Chúa: “Ơn Ta đủ cho con”.
Chiêm ngưỡng Thiên Chúa yếu đuối, cũng là chiêm ngắm Giáo Hội yếu đuối mà đại diện là người tín hữu đầu tiên và lý tưởng có tên  Maria. Chính yếu đuối, bé nhỏ “thánh thiện” của Mẹ đã làm cho Mẹ trở nên gương mẫu của các tín hữu (Lumen Gentium VIII 63): Với đôi mắt Đức Tin, Mẹ đã nhận ra chương trình Nhập thể của Thiên Chúa nơi một thiếu nữ yếu đuối, vô danh, khi khiêm tốn thân thưa: “Này tôi là nữ tớ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời thiên sứ truyền” (Lc 1,38). Với trái tim yếu đuối, Mẹ đã hiểu ra: Thiên Chúa yêu thương những người yếu đuối, hèn mọn: “Người đã thương đến phận thấp hèn nữ tớ của  Người ”, và “trải tình yêu của Người từ đời nọ đến đời kia” . Với đôi tay yếu đuối, Mẹ đã bám víu vào Thiên Chúa, Đấng “đã nâng những người yếu đuối, hèn mọn lên” (Lc 1, 46 -55). Với đôi chân yếu đuối, Mẹ đã bám gót Thiên Chúa trên đường thánh giá, và ở với Thiên Chúa trong giờ tử nạn để trở thành Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, Mẹ Giáo Hội, Mẹ nhân loại (Ga 19,25-27).
Qủa thực, Giáo Hội được Đức Maria đại diện là Giáo Hội yếu đuối, gồm những con người yếu đuối, nhưng đầy ơn phúc, vì có Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người yếu đuối ở cùng.  
Như thế, sẽ chỉ có Đức Tin mới cho ta nhìn ra Thiên Chúa trong yếu đuối của con người, chiêm ngưỡng Thiên Chúa phiá sau hình hài yếu đuối của thân phận người. Đức Tin là ánh sáng của Thiên Chúa xua đi bóng tối dầy đặc bao phủ, Đức tin là nước bọt của Thiên Chúa bôi lên đôi mắt mù loà để ta được thấy Thiên Chúa là tình yêu cứu độ, Đức Tin là Lời Thiên Chúa gọi ra khỏi mồ sâu chết chóc để ta được sống, Đức Tin là Lời tha tội ban bình an của chính Thiên Chúa, Đức Tin là hiện diện tràn đầy niềm vui, hạnh phúc của Thiên Chúa giữa chúng ta, những môn đệ của Đức Giêsu, Đức Tin là buổi ra quân lên đường truyền giáo đầy ơn Thánh Thần, Đức Tin là thái độ đơn sơ, phó thác ở Thiên Chúa quan phòng , Đức Tin là đời sống có Chúa liên lỉ :” Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà Chúa Kitô sống trong tôi”, Đức Tin là hằng ngày thấy tên mình được ghi trên trời, và  khát khao đợi chờ phần thưởng lớn lao, vô giá “được chiêm ngưỡng Thiên Chúa diện đối diện”, và Đức Tin chính là ghìm sâu cuộc sống đầy yếu đuối, tội lụy trong đại dương của lòng Chúa xót thương.  

VI. YẾU ĐUỐI CỦA THIÊN CHÚA LÀ HY VỌNG CỦA CON NGƯỜI YẾU ĐUỐI

 Đã có lúc chúng ta sợ Thiên Chúa  “mất số, mất phiếu, mất cửa, mất thế, mất chiến hữu, mất người hâm mộ”, vì yếu đuối làm người, hay làm người yếu đuối. Khuynh hướng thống trị, chiến thắng, phô trương đôi khi đẩy chúng ta vào tình huống bị Đức Giêsu la mắng: “Satan, hãy cút xa khỏi mặt Ta” (Mt 16,23), như đã lớn tiếng với Phêrô khi ông can gián Ngài đừng lên Giêrusalem, vì ở đó người ta đang rình rập, giăng bẫy, âm mưu giết hại Ngài.
Như Phêrô, chúng ta không hiểu gì, và phụng phịu giận Chúa. Chỉ đến lúc yếu đuối chối Thầy ba lần trước khi gà gáy (Ga 18,27), và bắt gặp ánh mắt nhân hậu của Thầy trong lúc  Thầy bị quan quân nhạo báng, đánh đập trong dinh Caipha, Phêrô mới thấm thiá tình yêu của Thầy khi tự nguyện trở thành con người cực kỳ yếu đuối trong tay ác nhân, để “có mặt” ngay trong cơn lốc xoáy yếu đuối phản bội của môn đệ mình, để có thể nâng đỡ hy vọng đang thoi thóp sắp tàn của Phêrô bằng nhìn ông thương xót hầu cứu ông khỏi tuyệt vọng như Giuđa, và đem lại cho ông ơn thống hối, trở về (Lc 22,61- 62). Nếu không có Đức Giêsu đang yếu đuối, bị dập vùi tơi tả bởi đòn vọt, nếu không có Đức Giêsu rũ liệt yếu đuối vì bị tra tấn, chắc Phêrô sẽ còn bai bải chối nhiều hơn và qủa quyết hơn, để rồi về nhà với trái tim chai lì, phản bội, và số phận của ông chắc sẽ không khá hơn số phận của Giuđa.   
Như Phêrô, mỗi người cần được Đức Giêsu ghé mắt nhìn trong lúc yếu đuối để nhận ra mình thực sự là tội nhân yếu đuối cần lòng thương  xót; cần sự có mặt của Đức Giêsu trong  cơn túng quẫn để biết Thiên Chúa luôn yêu thương người có tội; cần bám víu vào Đức Giêsu trong mọi thử thách để không mất niềm hy vọng ở Thiên Chúa đại lượng, khoan dung.
Không có Đức Giêsu yếu đuối với con người yếu đuối, Thiên Chúa làm người yếu đuối trong cảnh huống ngặt nghèo của kiếp người, làm  sao con người yếu đuối có thể “đứng lên, vác chõng mà về”  ? (Lc 5, 24). Phải có Thiên Chúa làm người yếu đuối, phải có Thiên Chúa ở vào hoàn cảnh yếu đuối, phải có Thiên Chúa ôm trọn phận người yếu đuối, con người mới hy vọng được yêu thương, và tin tưởng được vực dậy từ đáy vực sâu yếu đuối, tội lụy của mình.
Hạnh phúc của con người là có Thiên Chúa chia sẻ kiếp người yếu đuối. Hạnh phúc của người Kitô hữu là có Đức Giêsu -Thiên Chúa chung vai gánh yếu đuối của mình. Hạnh phúc của người có tội là có Thiên Chúa ở trong chính yếu đuối để bảo đảm ơn cứu rỗi.
Đức Giêsu đã nằm trên thập giá là trung tâm của yếu đuối, nhưng từ tâm điểm của yếu đuối cùng cực, Ngài đã chiến thắng sự chết, ma qủy, hoả ngục; từ tổng hành dinh của bạo lực mà biểu tượng là hình phạt đóng đinh thập giá, Thiên Chúa trong Đức Giêsu đã đập nát hận thù, và khai trương một “đất mới, trời mới, thế giới mới, con người mới” trong Tình Yêu đời đời của Ngài. Từ đây, hạnh phúc vươn lên từ bất hạnh, sự sống nẩy mầm từ chết chóc, ơn sủng nở hoa từ sa đoạ, tội lụy, bởi Thiên Chúa  đã làm cho tất cả được thanh tẩy, mọc lên từ yếu đuối, khi chọn yếu đuối của loài người là con đường của Thiên Chúa để không ai yếu đuối mà thất vọng, ngã lòng, cũng không ai đang đứng vững  mạnh mẽ mà kiêu hãnh nghĩ mình sẽ không bao giờ yếu đuối, ngã gục.
Quả thực, yếu đuối của Đức Giêsu làm con người nhỏ bé được lớn lên. Yếu đuối của Đức Giêsu chữa lành người đau bệnh. Yếu đuối của Đức Giêsu cho người vấp té, ngã gục đứng lên. Yếu đuối của Đức Giêsu lau khô nước mắt người đau khổ. Yếu đuối của Đức Giêsu băng bó vết thương người tù bị đòn vọt, tra tấn. Yếu đuối của Đức Giêsu ủi an người bị bạc đãi, cô đơn. Yếu đuối của Đức Giêsu nâng đỡ người sa cơ, thất thế. Yếu đuối của Đức Giêsu  ban hy vọng cho người thất vọng. Yếu đuối của Đức Giêsu ban ơn cứu sống cho con người phải chết. Yếu đuối của Đức Giêsu chính là sức mạnh của hết những ai đi theo Ngài; bởi sức mạnh của chúng ta là Thập Giá  Đức Giêsu, biểu tượng  sự yếu đuối của Thiên Chúa như Ngài  đã qủa quyết: “Ơn Ta đủ cho con, vì sức mạnh của Ta được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”(2 Cr 12,9)
Sau cùng, yếu đuối của Đức Giêsu giải thoát chúng ta khỏi cuộc chiến đấu nội tâm rất cam go, ác liệt do tội lỗi có mặt trong chúng ta, cuộc chiến giữa “sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tội lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.
Bởi đó, tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện, thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác; luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm  tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi” (Rm 7,19-23).
Thấm thiá tình trạng khốn nạn phải chiến đấu giữa sự thiện và sự ác, Thánh Phaolô hốt hoảng kêu lên: “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác hay chết này?” (Rm 7, 24). Thân xác hay chết chính là những yếu đuối của con người, mà chỉ một mình Đức Giêsu -Thiên Chúa làm người mới có thể giải cứu chúng ta ra khỏi. Ngài đã giải thoát con người phải chết ra khỏi sự chết bằng chết với con người, tức là chết đối với tội lỗi và sống lại từ cõi chết, tức sống cho Thiên Chúa, để tất cả được sống sự sống của Thiên Chúa trong Đức Giêsu (x.Rm 6, 8-11).
Và thái độ của người theo Đức Giêsu sẽ như Phaolô: “vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô; bởi khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12, 9-10).