Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2018

YẾU ĐUỐI CỦA THIÊN CHÚA (X. Thay Lời Kết)

Hành trình bỏ thiên đàng, bỏ Thiên Chúa của tổng lãnh thiên thần Lucifer , đến hành trình bỏ địa đàng, bỏ Thiên Chúa của ông bà nguyên tổ Ađam và Evà, cũng như hành trình bỏ nhà, bỏ cha già của người con  hoang đàng đều có cùng  trình tự : 
1.         Bỏ đi khi đang hạnh phúc.
Cả Luciher, Ađam, Evà và người con thứ đều không thiếu thốn gì vì được thương yêu, chiều chuộng. Thiên Chúa tín nhiệm Lucifer và trao quyền tổng lãnh, Ađam, Evà tròn đầy hạnh phúc trong tình cha con với Thiên Chúa, được mọi thụ tạo khác ngoan ngoãn phục vụ, người con thứ được toàn quyền làm con, nghiã là “của gì cha có là của con”.
2.         Kiêu ngạo, chọn cái tôi làm mục đích:
Lucifer  đã kiêu ngạo “muốn bằng Thiên Chúa”, Ađam và Evà đã kiêu căng  muốn “biết hết mọi sự Thiên Chúa biết”, người con thứ đã kiêu hãnh muốn “làm chủ như cha mình”.
Kiêu ngạo nên Lucifer đã kéo phe, lập đảng nổi loạn chống lại Thiên Chúa; kiêu căng, Ađam  và Evà đã nghe Thần Dữ bất tuân lệnh Thiên Chúa; kiêu hãnh, người con thứ đã đòi chia gia tài ngay khi cha còn khoẻ. Cả ba cùng chọn “cái tôi” làm mục tiêu của hành trình, và mục đích của đời mình.
3.         Dẫn đến cùng hậu qủa Bất Hạnh:
Lucifer đã thất bại khi phản loạn, và hoả ngục là quê hương đời đời của hắn và bè lũ. Ađam, Evà đã xấu hổ vì thấy mình trần truồng, nên lấy lá che thân, sợ hãi, lẩn trốn. Trần truồng tức chẳng còn gì, sợ hãi nói lên bất hạnh tang thương, và lẩn trốn là tình trạng thê thảm, đắng cay, nhục nhã nhất của đời người (St 3, 8-10). Người con thứ cũng không hơn gì, sau khi đã tiêu hết tiền bạc, đã “đói khát, túng thiếu, bần cùng, nhục nhã, vì “cả cám heo cũng không được ăn” (Lc 15,18).               
Như thế, hành trình bỏ Thiên Chúa đi tìm mình, bỏ nhà đi hoang là hành trình tự ý bỏ hạnh phúc đang có, đi tìm bất hạnh. Đó là hành trình không có tình yêu vì động cơ là kiêu căng, và mục đích là “cái tôi” giới hạn nhưng tự mãn, bất toàn, cao ngạo, mỏng dòn, yếu đuối  đưa đến hậu qủa không thể tránh là mất mát,  đau khổ, chết chóc, hủy diệt.    
Nhưng rất may, Ađam, Evà nhận ra tội mình, như người con thứ biết mình cần phải trở về, nếu không sẽ chết đói ngoài đường. Hành trình trở về cũng có tiến trình của nó, nhưng ngược lại với hành trình bỏ nhà đi hoang trước đây:
a.        Hành trình trở về có khởi điểm là người con thứ nhận ra mình sắp chết đói.
Nhờ sắp chết đói, chết rét, chết nhục mà người con thứ nghĩ đế chuyện trở về. Nếu còn tiền tiêu rủng rinh, còn của cải để ăn chơi, còn thề lực để sai phái lính lác, đàn em, chắc anh ta chưa nghĩ đến chuyện về. Vì thế, những hoàn cảnh, biến cố bên ngoải xem như bất lợi có khi lại là cơ hội qúy báu để hồi tâm, thống hối, đứng lên, trở về.
b.       Hồi tâm:
Vì hết tiền bạc, nên hết anh em, bạn bè, hết “tiền hô hậu ủng”, hết ra vào tấp nập, hết chén tạc chén thù, hết người chia sẻ, giúp đỡ, người con hoang đàng mới hồi tâm. Hoàn cảnh cô đơn, bị bỏ rơi đã đưa anh vào thinh lặng của tâm hồn để hồi tâm nhìn lại chính mình, nói với chính mình.
c.             Nhớ lại:
Nhờ thinh lặng, hồi tâm, anh nhớ lại ngày xưa ở với cha, ngày xưa sung túc, đầy đủ, ngày xưa được âu yếm, cưng chiều, ngày xưa có hết mọi sự, ngày xưa ngập tràn hạnh phúc, ngày xưa được đùm bọc, yêu thương. Nhờ hồi tâm trong thinh lặng, anh nhớ  hình bóng cha nhân hậu, nhớ dáng dấp cha tận tụy, nhớ lời cha căn dặn, nhớ ơn cha hải hà. Nhờ nhớ lại, người con hoang đàng đang sa cơ thất thế, đang tàn hơi, kiệt quệ mới dám đứng lên, đi về miền hy vọng lóe sáng.
d.       Hy vọng:
Phép lạ trở về đã được thực hiện ngay khi niềm hy vọng òa vỡ trong anh. Vì hy vọng ở tình cha sẽ không nỡ từ chối, xua đuổi bước chân con hoang trở về, mà anh đã thống hối. Anh đã thống hối khi vẽ ra trong tâm  trí cảnh tượng trở về gặp cha: sẽ qùy xuống nói lời tạ tội, sẽ sụp xuống chân cha xin tha thứ, sẽ chỉ dám xin  làm công trong nhà cha như những người giúp việc khác…Niềm hy vọng ở tình cha nhân hậu chính là thống hối, ăn năn. Nó tích cực hơn nhiều, vui tươi hơn nhiều, phấn khởi, hứa hẹn hơn nhiều.
           
Người con hoang đàng trong niềm hy vọng lên đường trở về, cũng lo lắng,  phân vân không biết cha sẽ đối xử thế nào, và liệu chuyến trở về đã được cẩn thận lập trình có suông sẻ hay không ?
 Nhưng qủa thực anh đã khéo “lo bò trắng răng”, vì cha anh là người cha đầy lòng thương xót, nên đường trở về với cha hôm nay cũng là đường đi tìm anh của cha. Bằng chứng là cha đã thấy anh từ xa, khi anh chưa thấy ngài.
Cũng vậy, hành trình trở về với Thiên Chúa của con người chính là hành trình đi tìm con người của Thiên Chúa. Thiên Chúa và con người cả hai đã gặp nhau ở củng một điểm hẹn “Yếu Đuối”: con người yếu đuối vì tội lỗi xúc phạm Thiên Chúa, Thiên Chúa yếu đuối vì tình yêu con người.
Quan sát người cha trong Tin Mừng, chúng ta thấy người cha thật yếu đuối trong tình yêu dành cho con. Ông yếu đuối khi tuyệt đối tôn trọng tự do của con, dù biết rõ con sẽ phung phí hết tiền bạc, rồi đói khát, bần cùng, khổ sở. Ông yếu đuối khi không nói được lời trách móc nào. Ngay cả một lời dậy dỗ, lên lớp, ông cũng không đủ mạnh để nói với con. Ông yếu đuối trong tình yêu con, nên chỉ luống cuống, rối rít lấy nhẫn sỏ vào ngón tay cậu, mặc áo đẹp cho cậu, đi giầy mới cho cậu. Ông yếu đuối trong tình phụ tử, nên chỉ mải khoe với gia tộc, láng diềng : “Con tôi đã mất nay tìm thấy, đã chết nay sống lại”, và gấp rút tổ chức tiệc linh đình mừng cậu con trở về. Ông yếu đuối, nên quên  hết công lý, công bằng, công tội của cậu con “phá làng phá xóm”, đàng điếm, hư hỏng đến nỗi người con trưởng phải khó chịu, gắt gỏng cho rằng cha chẳng chút công bình, công minh, thưởng phạt công bằng. Tình yêu đã làm ông trở nên hoàn toàn yếu đuối, vì chỉ còn lại trong ông duy nhất niềm khao khát hạnh phúc cho con.
Thiên Chúa được Đức Giêsu mặc khải là người cha nhân hậu, rất yếu đuối trong tình yêu con. Thiên Chúa ấy đã tự nguyện trở nên yếu đuối để con cái yếu đuối không mất niềm hy vọng được yêu thương dù rơi vào bất cứ hoàn cảnh tội lụy tang thương, bi đát nào. Thiên Chúa của lòng xót thương đã yếu đuối vì muốn xót thương, yếu đuối vì luôn xót thương, yếu đuối vì không thể không xót thương. Thiên Chúa của Đức Giêsu đã dám đánh đổi quyền năng để lấy lòng  thương xót, chọn xót thương làm sự thánh thiện của mình: “Thiên Chúa thánh thiện vì Ngài xót thương”. “Ngài là Đấng nhân hậu, từ bi, chậm bất bình, giầu nhân nghiã và thành tín” (Xh 34, 6). Và vinh dự lớn nhất, tuyệt vời nhất, vĩ đại nhất mà Thiên Chúa muốn, chính là được xót thương con người yếu đuối, tội lụy.
Vì thế, điểm hẹn của “con người trở về”, và “Thiên Chúa đi tìm” là điểm hẹnYếu Đuối, ở đó, con người yếu đuối, tội lỗi  được xót thương, và Thiên Chúa tự nguyện trở nên yếu đuối để thể hiện  lòng thương xót vô bờ bến. Thiên Chúa và con người: một bên tự thân yếu đuối, một bên tự nguyện yếu đuối để giao hoà, gặp gỡ nhau. Con người yếu đuối tự thân, Thiên Chúa yếu đuối tự nguyện. Cả hai đã nên một để yếu đuối tự nguyện nơi Thiên Chúa bao bọc yếu đuối tự thân ở con người; để ý muốn tự nguyện làm người yếu đuối của Thiên Chúa nâng thân phận yếu đuối của con người lên; để yếu đuối của Thiên Chúa luôn xót thương trở nên sức mạnh cho con người yếu đuối trong bao la của lòng thương xót.
Và hành trình trở về của con người yếu đuối, cũng như hành trình đi tìm con người của Thiên Chúa yếu đuối đã là gặp gỡ hạnh phúc của Thiên Chúa chủ tạo và con người thụ tạo, đoàn tụ yêu thương của người cha nhân hậu và đứa con hoang đàng.
Và qủa thực, hạnh phúc đã đến từ lòng thương xót, và vỡ oà từ tâm tình đón nhận lòng xót thương.
Giáng Sinh về, Noel đến, mang lại niềm vui và hy vọng cho con người và từng người, những con người yếu đuối, và từng con người tội lụy. Niềm vui được yêu thương và hy vọng được cứu độ được thực hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu -Thiên Chúa làm người. 
Ngài làm người yếu đuối trong máng cỏ Bêlem, và sẽ tiếp tục làm người yếu đuối giữa những con người yếu đuối, cho đến giây phút lià đời khi yếu nhược, tức tưởi, cô đơn trong thân phận tội nhân bị án phạt đóng đinh trên thập tự.
Chính trong mầu nhiệm yếu đuối, Thiên Chúa đã tỏ ra sức mạnh yêu thương của tình Ngài dành cho con người. Nhờ mầu nhiệm yếu đuối, Thiên Chúa đã mặc khải toàn diện quyền năng của lòng thương xót “trải qua từ đời nọ đến đời kia” cho những ai kính sợ Ngài. Và với mầu nhiệm yếu đuối, Thiên Chúa tiếp tục ở với con người trong những người yếu đuối để yêu thương và cứu độ con nguời.
Xin cho ánh sáng mầu nhiệm Giáng Sinh chiếu toả trên chúng con tình yêu tự nguyện trở nên yếu đuối, vì xót thương con người yếu đuối của Đức Giêsu, Đấng đã mặc lấy hết yếu đuối của loài người để cứu độ chúng con.
Viết xong ngày lễ Mông Triệu 2014
Giáo xứ Tân Phú, Sàigòn.
Nắng Tím