ĐỨC
MARIA, GƯƠNG MẪU CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU ĐÍCH THỰC
Khuynh
hướng “của người phúc ta” hay “khoán người khác làm thay mình” là khuynh hướng
được phần đông ưa chuộng. Ngay cả trong đời sống thiêng liêng, trên đường “trở
nên hoàn thiện”, người Kitô hữu cũng không tránh khỏi khuynh hướng rất quyến rũ
và tiện ích này.
Khuynh
hướng ấy tàng ẩn trong ý nghĩ: chuyện nên thánh là chuyện của nhà tu, chuyện sống
thánh thiện là chuyện của những con người tận hiến cả đời cho Chúa như các cha,
các sơ, các thầy, các đệ tử, các chủng sinh…, cũng như việc truyền giáo, công
tác loan báo Tin Mừng là sứ mệnh của hàng giáo phẩm, hàng giáo sĩ, tu sĩ, nên chẳng
việc gì đến chúng ta, những người giáo dân tép riu, vô danh tiểu tốt, thấp cổ
bé miệng, chưa kể còn là tội đồ, tội lỗi, tội nhân, chiên hoang, chiên lạc,
chiên “nhiều chuyện rối rắm” trong Giáo Hội.
Khuynh
hướng ấy còn kín đáo ẩn nấp trong ý nghĩ “xin các cha, các sơ cầu thay nguyện
giúp”, để mình khỏi “mất giờ, mất công” cầu nguyện.
Khuynh
hướng ấy cũng bàng bạc, lơ lửng trong những cách hô to, hét lớn trước công
trình mà những người “khiêm nhường im tiếng” khác đã vất vả làm nên để tôn vinh
Chúa, theo đúng kiểu “của người phúc ta”.
Khuynh
hướng ấy đôi khi xuất hiện rất nhanh trong những phản bác, phản biện “nẩy lửa,
vang dội, ấn tượng” giữa cộng đồng, như những “xác quyết, tuyên xưng” đức tin của người khác, chứ không phải đức
tin của mình.
Tắt
một lời, chúng ta, tuy là người có đạo, mang danh Kitô hữu, nhưng sống như một
nhà kinh doanh buôn bán, đầu tư “danh nghiã có đạo”, chứ không tích cực sống đạo
như danh xưng Kitô hữu: người say mê Đức
Kitô, người có Đức Kitô, người thuộc về Đức Kitô, người mang Đức Kitô cho người
khác.
Thực
vậy, không hiểu từ bao giờ, tôi cũng đã nghĩ như vậy và sống lơ mơ kiểu “lưa thưa
tơ liễu buông mành” như người khách “không lạ mà cũng không thân” ra ra vào
vào, đi đi lại lại trong Giáo Hội với bảng tên “Kitô Hữu”, mà không biết rõ
Kitô hữu là ai và phải làm gì để đích thực là Kitô hữu.
Như
các bạn trẻ, tôi cũng khổ sở đi tìm một mẫu gương lý tưởng người Kitô hữu đích
thực ít nhất để biết và chiêm ngắm; tôi cũng băn khoăn, ray rứt khi thấy mình sống
không hết mình với danh hiệu Kitô hữu, nhưng nửa vời, nửa nạc nửa là nguyên
nhân làm vơi dần nhiệt tình, nhiệt huyết “đi đạo” trong tôi.
Cho
đến một ngày của tháng năm, cũng như hôm nay của tháng năm này, tôi khám phá dung
nhan của Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu trong Tin Mừng, và thật rồi, đây chính là
gương mẫu lý tưởng của người Kitô đích thực mà tôi và Bạn, chúng ta cần tìm đến
chiêm ngắm và noi theo.
1. Đức
Maria là người Kitô hữu đích thực khi để Thiên Chúa làm đầy đời mình:
Quyền
sở hữu thân xác và tinh thần là quyền bất khả xâm phạm của mỗi người, nên khi
xâm phạm thân xác hoặc tinh thần người
khác, chúng ta chịu trách nhiệm rất nặng nề trước pháp luật và lương tâm. Vì thế,
khi dâng hiến cho ai thân xác, để ai đi vào tâm hồn, chúng ta thực hiện một chọn
lựa rất quan trọng, vì là chọn lựa dấn thân quyết liệt, chọn lựa tận hiến, chọn
lựa trao dâng tất cả và trọn vẹn.
Khi
được chọn làm người Kitô hữu đầu tiên ở giây phút sứ thần Gabrien báo tin Mẹ thụ
thai Đức Giêsu, do quyền phép Chúa Thánh Thần, Mẹ đã sẵn sàng làm trống trải, trống rỗng đời mình để một
mình Đức Giêsu chiếm hữu, làm đầy đời Mẹ bằng từ bỏ tất cả những gì thuộc về
mình, như ý riêng, chương trình riêng, kế hoạch riêng, mơ ước riêng, thời gian
riêng, hoàn cảnh riêng, công việc riêng… Và kể từ giây phút làm người Kitô hữu đầu tiên và tuyệt vời ấy, Mẹ đã không còn gì
là riêng tư, không còn gì là riêng biệt, không còn gì là của riêng mình cả
ngoài thân xác lẫn trong tâm hồn, ngoài một mình Đức Giêsu mà Mẹ âu yếm cưu
mang.
Thực
vậy, để trả lời Xin Vâng với Thiên Chúa, qua trung gian sứ thần Gabrien (x. Lc
1,26-38), Đức Maria đã để Thiên Chúa chiếm hữu đời mình và làm đầy đời mình bằng
chính Thiên Chúa. Đó là đòi hỏi thứ nhất để trở thành người Kitô đích thực.
2. Đức Maria là người Kitô hữu đích thực, khi
đặt để trọn vẹn đời mình vào công trình
của Thiên Chúa, chứ không áp đặt Thiên Chúa vào công trình của mình:
Trước
khi sứ thần Gabrien đến gặp và báo tin: Thiên Chúa muốn Mẹ làm mẹ của Đức
Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa sẽ nhập thế, nhập thể, Đức Maria đã có chương
trình riêng cho đời mình, đó là giữ mình đồng trinh. Mẹ đã cùng thánh Giuse đồng
ý sống một đời đôi bạn đồng trinh, dù bên ngoài là vợ chồng như đòi hỏi của xã
hội, như lời trình bày của Mẹ cùng sứ thần: “Việc ấy xẩy ra thế nào được, vì
tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34). Điều này chính thánh Giuse cũng
làm chứng qua việc ngài toan tính bỏ đi cách kín đáo, vì “trước khi hai ông bà
về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,19), nhưng
khi Thiên Chúa đề nghị Mẹ cộng tác trong chương trình mới của Ngài, mời gọi Mẹ
hợp tác với Ngài thực hiện công trình Nhập Thể Cứu Chuộc của Con Thiên Chúa, Mẹ
đã sẵn sàng đặt để trọn vẹn đời mình vào công trình của Thiên Chúa, đặt để tất
cả đời mình dưới sự sắp xếp của Thiên Chúa, đặt để toàn thân mình theo kế hoạch
và đường lối của Thiên Chúa, mà không ngần ngại, hay do dự, nhưng dứt khoát tự
nguyện từ bỏ chương trình, kế hoạch riêng của mình.
Khi
đặt để đời mình hoàn toàn dưới sự sắp đặt của Thiên Chúa trong kế hoạch của
Ngài, Đức Maria đã không như chúng ta áp đặt, lèo lái, đẩy đưa Thiên Chúa để
Ngài làm theo ý chúng ta, đi theo đường hướng con người của chúng ta, chiều
theo tính toán nhân loại của chúng ta.
Đó
là thái độ kèo nài của chúng ta khi cầu nguyện, thái độ giận dỗi của chúng ta
khi xin mà Chúa không nhận lời, thái độ “mặc cả” của chúng ta khi phụng sự Chúa,
thái độ so đo, tính toán của chúng ta khi phục vụ anh em.
Thực
vậy, người Kitô hữu đích thực như Đức Maria chính là người đặt Thánh Ý Thiên
Chúa trên tất cả mọi sự, và say mê tìm kiếm thực hiện Thánh Ý mọi nơi, mọi lúc,
trong bất cứ tình huống, hoàn cảnh nào. Bởi thế, không có Kitô hữu đích thực, nếu
Thánh Ý bị xếp xuống hàng thứ yếu, phụ thuộc; không có Kitô hữu như lòng Chúa
mong ước, nếu Thiên Ý chỉ được đón nhận khi phù hợp, đồng hành với ý riêng,
cũng như không có Kitô hữu thánh thiện khi Ý Muốn của Thiên Chúa bị từ chối,
khước từ, tránh né khi trái ý, nghịch chiều, so le với ý mình.
3.
Đức Maria là người Kitô
Hữu đích thực, khi liên lỷ sống ân tình với Thiên Chúa:
Đức
Maria là người Kitô hữu đầy Thiên Chúa, nên không sự gì thuộc về Thiên Chúa mà
Mẹ không giữ trong lòng, như Tin Mừng đã ghi lại biến cố Đức Giêsu ở lại
trong đền thờ Giêrusalem, không theo cha mẹ về sau những ngày hành hương mừng lễ
Vượt Qua làm cha mẹ Ngài hoảng hốt đi tìm. “Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt,
và Mẹ Người nói với Người: Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy
không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại
tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? Nhưng ông
bà không hiểu lời Người nói. Sau đó Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục
các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc
2,48-51).
Hình
ảnh người mẹ cực lòng cùng cha đi tìm con, nhưng khi tìm thấy rồi, thì con lại
cho chuyện cực lòng đi tìm ấy không quan trọng, vì “Con còn có bổn phận ở nhà
Thiên Chúa Cha”, một công việc chiếm vị thế
ưu tiên, hệ trọng hơn nhiều.
Chúng
ta nhận thấy sự thánh thiện của Đức Mẹ qua thái độ khiêm tốn, đằm thắm trước
thánh ý Thiên Chúa được diễn tả qua việc “hằng
ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng”.
Ghi
nhớ, lưu giữ lời nói, kỷ niệm, hình bóng ai trong tâm hồn là muốn người ấy sống
mãi trong lòng mình, giữ mãi ân tình với người ấy trong trái tim; là liên lỷ gắn
bó, có mặt với người ấy trong đời sống, sinh hoạt; là đắm đuối say mê và thiết
tha yêu thương đối tượng tuyệt vời mình tôn thờ. Vì thế, ta sẽ chỉ giữ trong
tim những gì thuộc về người mình thương, chỉ để sống và lớn lên trong tâm hồn
những kỷ niệm với người mình yêu, chỉ làm cho trở nên bất diệt hình ảnh người
mình thần tượng. Trái lại, không yêu thương, không say đắm, ta không chỉ gạt bỏ
đối tượng, mà còn xóa hết dấu tích liên quan đến đối tượng, để khỏi bận tâm, nặng
lòng .
Đức
Maria đã sống từng giây phút đời mình ân tình với Thiên Chúa, để tất cả những
gì liên quan đến Ngài, những người thuộc về Ngài, những công việc Ngài làm đều
được Mẹ ghi nhớ đầy đủ và trọn vẹn, như ân tình đầy tròn, không một phút phôi
pha, không một giây vơi cạn.
Chiêm
ngắm Đức Maria hôm nay giữa tháng năm của Mẹ, chúng ta được cùng Mẹ khám phá căn tính Kitô hữu của mình, một căn tính không như bất cứ căn tính nào,
vì mang Đức Giêsu Thiên Chúa, có Đức Giêsu Đấng Cứu Độ, trở nên Đức Giêsu, Con
Thiên Chúa. Căn tính “Giêsu” ấy cất bổng chúng ta lên cao để chạm đến Thiên
Chúa, nâng chúng ta lên hàng Con Thiên Chúa, đưa chúng ta vào thẳng trái tim,
cung lòng Thiên Chúa, cho chúng ta sống chính sự sống của Thiên Chúa, như thánh
Phaolô đã khẳng định: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống
trong tôi” (Gl 2,20).
“Có
Đức Giêsu, mang Đức Giêsu” là căn tính, người Kitô hữu không “có Đức Giêsu,
mang Đức Giêsu, sống Đức Giêsu” như mang một lớp áo, một khăn quàng, hay có một
phù hiệu, một bảng tên ở ngoài con người, ở ngoài đời sống, ở ngoài thao thức,
ước mơ, nhưng là tất cả con người, trọn vẹn cuộc sống thuộc về Đức Giêsu, dành
cho Đức Giêsu thể hiện qua một tình yêu “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”
(Mt 22,37).
Một
khi đã xác định “Đức Giêsu Kitô” là căn tính của Kitô hữu, chúng ta sẽ không
như người mù đi trên đường, nhưng dưới ánh sáng của Tin Mừng được Giáo Hội hướng
dẫn, giải thích, chúng ta không sống đời Kitô hữu một cách “khơi khơi, tà tà” để
đủ điểm vào Thiên Đàng, không thụ động, bàng quan như khách trong nhà Giáo Hội,
không “xỏ tay túi quần” nghênh ngang, lạnh lùng nhìn đồng đạo trong xứ sinh hoạt
tông đồ, không mê tín xem việc đi đạo như “lá bùa hộ mạng” cất giấu một góc, chờ
khi chết sẽ dùng như chiếu khán vào Nước Trời, không giữ đạo kiểu “người sao ta
vậy” tính toán công phúc cho vừa đủ để khỏi mang tiếng với thiên hạ là người vô
đạo, càng không “lơ mơ, phất phơ, dật dờ” sống đời có đạo mà không có
Chúa, Kitô hữu mà không có Đức Kitô.
Ước
gì trong tháng hoa của Đức Mẹ năm nay, tôi được cùng các bạn chiêm ngắm Mẹ và học
với Mẹ từng ngày đời sống của người Kitô hữu đích thực, để Thiên Chúa được vinh
danh, và chúng ta cũng như mọi người được hạnh phúc trong Bình An của Đức
Giêsu, căn tính của người Kitô hữu.
Jorathe
Nắng Tím