Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

Mùa Chay - Mùa Tang Chế

Để nhớ cha Giuse Nguyễn Ngọc Sinh và bạn Gioan Baotixita Nguyễn Hoàng Quang

Trong vòng năm ngày, tôi nhận hai tin buồn: thầy tôi, cha Giuse Nguyễn Ngọc Sinh, bút hiệu Mỹ Sơn, tác giả bộ lễ Cầu Hồn bất hủ qua đời vào bốn giờ ba mươi sáng ngày mùng bảy, anh Gioan Baotixita Nguyễn Hoàng Quang, nhà văn, tác giả nhiều bài viết nổi tiếng trên các mạng truyền thông công giáo trong và ngoài nước chết lúc bốn giờ ba mươi chiều ngày mười hai tháng Ba, giữa Mùa Chay năm 2012. Một người là thầy, một người là bạn cùng lớp. Tôi gắn bó tình cảm với cả hai nên suốt đêm đã không ngủ, chập chờn trong lời kinh đêm bóng hình hai người vừa ra đi về bên kia thế giới, thế giới của người chết.
Làm người, ai cũng sợ chết và người chết thường làm hoảng sợ. Hoảng sợ vì chết là chia lìa, cách biệt: lìa bỏ sự sống, cách ly người sống, biệt lập khỏi cuộc đời. Người chết phải để riêng một nơi chờ đặt trong quan tài rồi đem chôn trong nghĩa địa hoặc thiêu đốt thành tro rắc trên cỏ hay gửi vào nhà thờ, chùa chiền. Người chết mất hút vào thế giới vô hình và người ta chỉ còn thấy họ qua hình ảnh xưa. Người chết không nói, không ăn, không cử động, không sinh hoạt. Họ bất động vì chỉ còn là một xác chết không hồn. Từ người xuống làm xác chết, ai nghe mà không sợ? Từ người xuống làm thây ma, ai nghe mà không hoảng? Nhìn người chết nằm cứng đơ trong quan tài lạnh, ai thấy mà không rụng rời, ai sờ vào mà không nổi da gà, buốt sương sống? Chết tự nó làm sợ nên mấy ai đã dám huyênh hoang mình không sợ chết?
Chết cũng là một đe doạ, vì chết làm gián đoạn mọi công trình, dang dở mọi dự án, bế tắc mọi ý đồ, triệt tiêu mọi ước mơ. Chết làm hỏng hết tính toán, phá vỡ hết hợp đồng, hủy bỏ hết liên đới nên nghe chết, ai cũng phải chuồn êm, ba chân bốn cẳng lỉnh đi nơi khác. Chết còn đe dọa khủng khiếp khi dẫn người chết vào một thế giới không biết trước, chưa hề có kinh nghiệm.
Chính vì thế, sợ chết là điều rất tự nhiên của con người phải chết và chính nỗi sợ này làm con người khác xa con vật.
Hai người thân của tôi chắc chắn họ cũng không thoát khỏi nỗi sợ này trước giờ chết. Họ đâu có thể hơn được Đức Kitô, bởi Ngài cũng sợ toát môi hôi máu trong vườn cây Dầu khi nghĩ đến giờ chết sắp đến. Nhưng bên cạnh điểm chung “sợ chết” ấy, tôi thấy họ còn giống nhau ở nhiều điểm:

1. Cả hai đã một thời ở với nhau trong chủng viện: một người là thầy, một người là trò. Chủng viện là mái ấm gia đình thiêng liêng đã dệt nên mối tình thiêng liêng Thầy - Trò, cũng như tình bạn Khai Phá mà chúng tôi trân quý suốt cuộc đời. Mấy tháng trước khi về Việt Nam ghé thăm Quang, anh hỏi thăm cha giáo Giuse Sinh và nhờ tôi chuyển lời kính thăm Ngài đang nằm trong bệnh viện vì đủ thứ bệnh. Một tháng trước khi mất, cha Sinh cũng nhắn tôi chuyển lời thăm Quang đang èo uột chờ chết vì ung thư đã phá nát cơ thể. Tôi nhận ra cả hai tuy cùng sắp chết nhưng nhớ đến nhau và quan tâm đến khổ đau, bệnh tật của nhau. Đó là nét đẹp của tình nghĩa Thầy - Trò.

2. Cả hai đã nằm bệnh lâu ngày: Cha Sinh thì hai lá phổi đã thủng nát như hai tấm lưới. Từ ngày qua Pháp sau những năm tháng tù đầy, cha đã mất sức vì bệnh phổi ngày càng trầm trọng. Những ngày cuối đời, cha chỉ thoi thóp thở nhờ bình dưỡng khí. Phần anh Quang, sau cơn tai biến mạch máu não, phải chống gậy lết từng bước đã gánh thêm căn bệnh ung thư ác ôn. Anh đã cố kéo cuộc sống dài thêm được mười tháng nhờ sự giúp đỡ thuốc men của một ân nhân ở xa. Những ngày cuối, anh cũng như cha Sinh thoi thóp chờ Chúa gọi.

3.   Cả hai đã rất sẵn sàng: Cha Sinh thì viết “Tự Thuật” kể lại đời Linh Mục thăng trầm với đủ thứ sóng gió tình cảm, tình đời trong tâm tình cảm tạ hồng ân và những lời trăn trối dễ thương, cảm động; đồng thời dọn sẵn thánh lễ an táng cho mình bằng in lại bộ lễ cầu hồn và thêm một sáng tác mới để hát trước khi hạ huyệt: “Cùng Mẹ con đi gặp Chúa”. Tôi đã lo liệu để bộ lễ cầu hồn do Ngài sáng tác được hát trọn vẹn trong thánh lễ an táng do Đức cha Jean Christophe Lagleize, Giám Mục giáo phận Valence nơi Ngài phục vụ chủ tế. Cả bài hát mới cũng được gấp rút tập cho cộng đoàn và được hát lớn trên đường tiễn Ngài ra mộ phần. Còn anh Quang thì hỏi anh Nhâm, anh Quý, anh Tiếu và bạn bè đến thăm: “Sao lâu quá Chúa chưa gọi mình?” và làm nhiều bài thơ ca tụng tình Chúa bao la, tình bạn Khai Phá, tình nghĩa Long Xuyên, tình yêu đất nước, đồng bào như một trối trăn, gửi gắm.
Qua những chuẩn bị vừa kể, cả hai đã rất sẵn sàng “Xin Vâng” trước Tiếng Gọi và đằm thắm đợi chờ lên đường với niềm tin yêu phó thác tuyệt đối. Cả hai đã đặt mình trước ngưỡng cửa đời sau vì biết “là người, có ai thoát được lưới tử thần” (Tv 88,49) và ký thác chuyến đi đời đời trong tình Chúa xót thương.
Cha giáo Sinh cũng như anh Hoàng Quang đều nói nhiều, viết nhiều về lòng thương xót Chúa. Có lẽ, trước những bất toàn của quá khứ, bất lực của hiện tại và bất ổn của tương lai, cả hai cũng đã run sợ khi nghĩ đến giờ phút phải lên đường, ra đi gặp Chúa. Cuốn phim cuộc đời với thiếu sót, lầm lỗi ít nhiều cũng làm cả hai Thầy - Trò nao núng, phân vân, không biết sẽ phải trả lời thế nào, chống chế làm sao trước toà Chúa. Và chắc chắn cả hai đã không tránh được những giờ sợ hãi, những đêm mất ngủ chong mắt nhìn lại đời mình với những vết xám, chấm đen lem luốc, mờ đục. Chắc chắn cả hai cũng ít nhiều tiếc nuối đã không sống trọn vẹn, sống hết tình, hết mình những tháng ngày còn đi được, còn nói được, còn làm được, còn phục vụ được. Nhưng có một điều chắc nhất, đó là cả hai đã chọn Thiên Chúa làm gia nghiệp, lẽ sống và suốt đời đã yêu mến, phụng thờ Ngài.
Chính vì chọn Chúa làm gia nghiệp, cha Sinh đã đi tu và sống đời Linh Mục đến chết, dù hành trình đời Linh Mục của ngài đã có lúc buốt giá đau thương tưởng như phải bỏ cuộc. Chính vì chọn Chúa làm lẽ sống mà anh Quang đã một đời tận tụy phục vụ cộng đoàn và nỗ lực vun trồng ơn gọi đi tu nơi các học sinh, sinh viên anh dạy dỗ hay quen biết. Cả hai đã sống đời có Chúa Kitô và cuộc sống của hai người đã làm chứng Thiên Chúa là Tình yêu. Chính Thiên Chúa Tình yêu đã ban cho cha Sinh một trái tim quảng đại để tha thứ cho những người đã lên gặp Giám Mục tố cáo, bôi nhọ Ngài và đẩy Ngài vào một tình huống vô cùng phức tạp, khó khăn những năm đầu ở đất Pháp: bị Bề Trên bỏ rơi, bị Bề Ngang lãnh đạm, bị Bề Dưới coi thường. Không có Thiên Chúa Tình yêu nâng đỡ, ủi an, cha Sinh đã không thể vượt qua nỗi cô đơn khủng khiếp và cay đắng bẽ bàng của thân phận một Linh Mục tỵ nạn, đơn độc, ốm đau với đời tư bị té tát. Anh Quang cũng đã từng tơi tả vì trăm nỗi tai ương. Nếu không có Chúa là lẽ sống, chắc anh đã buông xuôi, thả nổi cuộc sống từ rất lâu. Chọn Đức Kitô làm gia nghiệp đời đời, cha Sinh đã đi vào cõi đời đời với Đức Kitô để đời đời được ở với Ngài. Chọn Đức Kitô là lẽ sống, anh Quang đã bước vào sự sống đời đời với Ngài để được sống mãi bên Ngài. Cả hai đã một đời phụng thờ, yêu mến Chúa để bây giờ cả hai được đời đời ca tụng lòng xót thương và trung tín của Ngài.

Vì bám víu vào tình Chúa xót thương, cha Sinh đã nhẹ nhàng trút hơi: bốn giờ sáng, y tá còn kiểm tra ống thở, bốn giờ ba mươi trở lại, cô phát hiện ngài không còn thở nữa. Email của anh Nghiệp ngày 13 viết về phút cuối của Quang: “Theo lời tang quyến, Quang ra đi nhẹ nhàng thanh thản, trút linh hồn chỉ bằng hơi thở nhẹ, mảnh hồn lữ thứ ấy giờ đây đã về nhà Cha vĩnh cửu”. Cả hai đã nhẹ nhàng, thanh thản, an bình ra đi theo Tiếng Gọi. Cả hai đã ngoan ngoãn nắm tay Đức Kitô vào cõi hằng sống. Cả hai đã hiền lành bám gót Đức Mẹ vào Thiên Đàng, vì cả hai đã hết lòng phó thác, tin tưởng vào lòng Chúa xót thương.
Mùa Chay năm nay, tôi tiễn hai người thân về với Chúa. Thoáng nhìn, cả hai đều là những con người bình thường, rất bình thường: một linh mục bình thường với nếp sống giản dị, đơn sơ, một người Thầy khiêm tốn, đôn hậu, cảm thông, một người Việt Nam hiền hoà, vui tính, cởi mở giữa xã hội tây. Bên cạnh một linh mục bình thường là một giáo dân bình thường với tận tụy, âm thầm bên đám học trò nghèo, với ân cần, thân thiện bên bà con, lối xóm, với nồng nàn tình nghĩa cho bạn hữu gần xa. Nhưng nhìn kỹ hơn, tôi khám phá nơi họ những nét phi thường: một trái tim phi thường để có thể tha thứ và quên đi, một tấm lòng phi thường để luôn hiền hậu, khiêm nhường, một tâm hồn phi thường để vui vẻ chấp nhận tất cả những vô thường, tầm thường, bất thường, dị thường của người đời và cuộc đời. Cả hai đã say mê cuộc đời bình thường, gắn bó với phận làm người bình thường như chuẩn bị của trái tim luôn sẵn sàng rộng mở đón rước Đấng sẽ làm những việc phi thường trên những “bình thường, bé nhỏ”. Nếp sống và thái độ đợi chờ sẵn sàng của cả hai Thầy - Trò đã không khác thái độ và nếp sống của cụ già công chính và đạo đức Simêon. Ông được Thánh Thần cho biết: mình sẽ xem thấy Đấng Cứu Thế trước khi chết, nên khi được ẵm Con trẻ Giêsu trong tay, ông đã ngước mắt, xúc động tạ ơn: “Giờ đây, lạy Chúa, xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an như lời Chúa đã hứa, vì mắt tôi đã nhìn thấy Đấng Cứu Độ, Ngài là ánh sáng soi chiếu khắp muôn dân” (Lc 2,26-32).
Xin cho hai tôi tớ Giuse Nguyễn Ngọc Sinh và Gioan Baotixita Nguyễn Hoàng Quang của Chúa cũng được an nghỉ và được ánh sáng Chúa chiếu soi.

Paris 13/3/2012

Mùa Chay - Mùa Cứu Độ

Ít người nghĩ mình cần được cứu độ, vì với những gì mình đang có, với những gì mình đang là, con người có thể tự hào và tự nhủ: chúng tôi chẳng cần ai cứu độ chúng tôi, vì chúng tôi đã có tất cả. Đúng thế, văn minh khoa học cho con người hầu như tất cả mọi phương tiện để sống một cuộc sống tiện nghi, cao cấp. Ngày nay, cần gì có nấy. Người có tiền sẽ mua được tất cả… Người giàu ít nghĩ đến nhu cầu được cứu độ mà người nghèo cũng chẳng đoái hoài, quan tâm. Họ nghĩ: mình quá khổ vì nghèo, nên chỉ mong cuộc đời vô thường chấm dứt càng sớm càng tốt, sống thêm ngày nào khổ ngày ấy vì đời chỉ là con số không và vào đời là một rủi ro khắc nghiệt. Vì thế, ơn cứu độ có đó nhưng nhiều người vô tâm lãng phí… Ơn cứu độ ấy vẫn mãi tràn đầy và đợi chờ tự do của mỗi người đến múc lấy cho hạnh phúc đời đời của mình.
Lịch sử dân Do Thái, là dân riêng Chúa chọn cũng đã quên mình cần ơn cứu độ. Từng chuỗi dài phản bội, từng năm tháng dòng dã bỏ Thiên Chúa đi thờ ngẫu thần: “Dưới thời vua Sêđêxias, tất cả hàng lãnh đạo Giuđa, các tư tế và dân chúng thi nhau thất trung bội nghĩa, bằng cách bắt chước những điều gở lạ nơi dân ngoại. Họ đã làm nhơ uế nhà Chúa… Họ đã nhạo cười, phỉ báng các ngôn sứ của Chúa và khinh khi lời Ngài” (2Sb 36,14-16). Trong cơn say phồn vinh, dân Chúa đã quên khuấy Giao Ước với Giavê cho đến khi “cơn phẫn nộ của Giavê đổ trên dân Ngài, không còn phương chạy chữa” (2Sb 36,16) và tai họa dập vùi không tiếc thương: Năm 588 trước Công Nguyên, “Nabucôđônôxo đã cho lệnh quân Babylon đốt đền thờ, phá hủy tường thành Giêrusalem, phóng hoả thiêu rụi các lâu đài, báu vật. Những ai sống sót không bị đâm chết thì bị bắt lưu đầy sang Babylon làm nô lệ” (1Sb 36,17-20). Ở tình huống bi đát, thảm thương kiếp nô lệ, dân Chúa mới bắt đầu tỉnh ngộ và nhận ra mình cần đến ơn cứu độ của Thiên Chúa Giavê.
Tiên tri Giêrêmia và Isaia đã nhắc dân về lòng xót thương và trung tín của Thiên Chúa. Cho dù con người có bỏ rơi, phạm thượng, phản bội, Ngài vẫn một lòng xót thương và tìm đường cứu chữa. Những tai hoạ kia là do con người đã không dựa vào tình Chúa yêu thương, không chạy đến nguồn ơn cứu độ mà tự lao mình vào hủy diệt khi thờ ngẫu thần và vi phạm Giao Ước đã ký kết với Thiên Chúa. Đền thờ bị đốt cháy, thành lũy bị phá hủy, lâu đài bị san bằng và toàn dân bị giết chết hoặc bị bắt làm nô lệ là hậu quả tất nhiên của phản bội. Chính tự do của con người đã đem lại hậu quả tai ương cho con người khi thay vì chọn nguồn sống, nguồn vui, nguồn yêu thương hạnh phúc, con người đã chọn sự chết, sầu buồn, phản bội, hận thù. Thiên Chúa yêu thương nhưng tôn trọng tự do của con người và trước lựa chọn tự do chối bỏ, phản bội Ngài, Thiên Chúa cũng đành phải ngậm ngùi bó tay.

Tuy phải bó tay ngậm ngùi vì tôn trọng tự do, nhưng tình xót thương của Thiên Chúa lớn hơn tất cả; vì thế Ngài tìm kiếm mọi phương cách để con người cho Ngài một dấu hiệu nhỏ của lòng thống hối trở về. Chỉ một dấu hiệu nhỏ tí teo thôi đã đủ làm Thiên Chúa giàu lòng xót thương động lòng và ra tay cứu chữa: “Người mẹ có thể quên được con mình đã mang nặng đẻ đau không? Chắc chắn là không, nhưng ngay cả người mẹ ấy quên con mình thì Ta đây vẫn không bao giờ quên con” (Is 49,15). Không quên con người đã được dựng nên với hình ảnh mình, Thiên Chúa yêu thương con người bằng một tình yêu vô thủy vô chung, không biên giới. Chính tình yêu mầu nhiệm, cao vời khôn ví ấy đã giải phóng dân Ngài khỏi ách nô lệ Babylon thời vua Cyrus, sau 70 năm lưu đầy khi dân Ngài nhận ra mình cần được ơn cứu độ của Giavê Thiên Chúa.
Nhưng tình yêu xót thương của Thiên Chúa với con người không dừng lại ở dân Do Thái mà lan tỏa cho toàn thể nhân loại, đến mọi chủng tộc, sắc dân, tận hang cùng ngõ hẻm. Tình yêu không biên giới của Thiên Chúa đã vượt biên cương Đất - Trời, xóa bỏ biên giới Thiên Đàng - Trần gian, thu hồi khoảng cách vô cùng giữa Thiên Chúa và Nhân Loại, cất đi lằn ranh giữa thụ tạo và Đấng Chủ Tạo khi gửi chính Con mình là Đức Giêsu xuống ở giữa con người, trong tất cả điều kiện của cuộc sống con người, với trọn vẹn thân phận người. Sáng kiến nhập thể của Đức Giêsu, con Thiên Chúa là sáng kiến vô cùng nhiệm lạ, cao vời của tình yêu Thiên Chúa đối với con người để rồi từ đây ơn cứu độ không xa xôi, nhưng ở giữa con người; ơn cứu độ không mơ hồ nhưng sống động, cụ thể trong con người Đức Kitô; ơn cứu độ không ảo ảnh, chập chờn nhưng thiết thực và kiểm chứng được qua không gian, thời gian lịch sử; ơn cứu độ không đóng khung cho một dân tộc Do Thái, nhưng bao la trải rộng đến tất cả mọi người; sau cùng ơn cứu độ ấy là chính Đức Kitô, con Thiên Chúa, Đấng đã sống như con người, chết cho con người để cứu độ con người. Vì thế, từ đây không có nguồn mạch cứu độ nào ngoài Đức Kitô, không có Đấng Cứu Độ nào khác ngoài Đức Kitô, không có Tình yêu cứu độ nào mãnh liệt và hữu hiệu hơn tình yêu Đức Kitô. Rời xa Đức Kitô là rời xa nguồn cứu độ, bỏ quên Đức Kitô là đánh mất ơn cứu sống, khước từ Đức Kitô là tự chọn tai hoạ đời đời, xoá bỏ hình ảnh cứu độ của Đức Kitô trong đời là tự viết cho mình bản án “mất Chúa, mất Nước Trời”. Đức Kitô phải trở thành trung tâm của mọi hoạt động, mục tiêu của truyền giáo, nguồn phát sinh mọi ơn sủng, điểm gặp gỡ, quy tụ mọi người được lời gọi đến nhận ơn cứu rỗi. Truyền giáo mà không quy chiếu về Đức Kitô là phản giáo. Loan truyền ơn cứu độ mà không loan truyền Đức Kitô chịu đóng đinh, chết và sống lại là kể chuyện cổ tích thần thoại, hoàn toàn vô nghĩa và xa lạ với niềm tin công giáo. Đi Đạo mà quên Đức Kitô là bước trên con đường không bao giờ đến. Sống Đạo mà loại bỏ Đức Kitô là vô phúc sống một cái chết thảm sầu, vô vọng. Đức Kitô là tất cả của đời người có Đạo, là lẽ sống và sức sống cho người tín hữu. Mất Đức Kitô là mất tất cả. Có Đức Kitô là có tất cả, vì Ngài là “Đường, Sự Thật, Sự Sống, Tình yêu”. Tin Mừng Gioan đã quả quyết chân lý này: “Thiên Chúa đã quá yêu con người đến nỗi ban chính Con một mình cho thế gian, để hết những ai tin Ngài sẽ không hư mất và được sự sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã ban Con một là Đức Giêsu đến trong thế gian không phải để luận phạt, nhưng để thế gian được cứu rỗi nhờ Ngài. Ai tin Ngài sẽ không bị luận phạt và ai không muốn tin Ngài họ đã bị luận phạt rồi, bởi vì họ đã không tin Ngài là Con một duy nhất của Thiên Chúa” (Ga 3,16-18). Con người bị luận phạt ngay khi không tin vào Đức Kitô; bởi vì chỉ nơi Ngài con người mới được giao hoà với Thiên Chúa Cha, chỉ qua Ngài tình nghĩa bị đổ vỡ giữa con người với Thiên Chúa mới được nối lại, hàn gắn. Tự ngay việc không tin Đức Kitô là Con Thiên Chúa đã mang lại những hậu quả tai hại, vì con người tự tách mình khỏi sự thật, sự sống và tình yêu là những nhu cầu thiết yếu mang lại hạnh phúc thật cho con người. Chỗ khác, Gioan nhấn mạnh quyền phán xét của Đức Kitô và vinh quang Thiên Chúa của Ngài: “Chúa Cha không xét xử ai, nhưng giao quyền xét xử ấy cho Con Ngài để mọi người tôn vinh Con như tôn vinh Cha và ai không tôn vinh Con cũng không tôn vinh Cha là Đấng đã sai Con” (Ga 5,22-23).
Nhiều người đi theo Đức Kitô mà không biết Đức Kitô là ai. Đó chính là thiếu sót rất lớn. Thiếu sót này làm chao đảo niềm tin khi chúng ta phải đối diện những khó khăn, thử thách. Thiếu sót ấy có thể đánh gục niềm hy vọng khi ta phải đối đầu những gian truân, vất vả. Thiếu sót nguy hiểm đó còn có thể làm trệch đường về Nước Trời, làm hỏng những cố gắng, công trình đời ta. Xác tín Đức Kitô là Thiên Chúa nhập thể và là nguồn ơn cứu độ, Đấng Cứu Độ là căn bản của Đức Tin và là nền tảng vững chắc của niềm Hy Vọng. Đi Đạo là đi theo Đức Kitô, một Đức Kitô sống động đã có mặt trong lịch sử loài người và vẫn hiện diện trong thế giới hôm nay, bên cạnh và trong mỗi tâm hồn. Đi Đạo là bám chặt vào Đức Kitô, Đấng đã chết cho nhân loại được sống, cho mỗi người được nhận lại ơn làm con Thiên Chúa. Đi Đạo là ký thác nơi một mình Đức Kitô, Đấng là chủ chăn nhân lành, biết tên và yêu thương, âu yếm từng con chiên. Đi Đạo là quy chiếu toàn thể đời mình vào Đức Kitô để được sống chính sự sống của Ngài. Sau cùng đi Đạo là đi trên bước chân đã đi của Đức Kitô, những bước chân rong ruổi loan báo Tin Mừng yêu thương; bước chân đến với người cô quả, đau bệnh, tàn phế, neo đơn; bước chân đi tìm những người yếu đuối, lỗi lầm lẩn tránh cái nhìn của mọi người vì mặc cảm tội lỗi; bước chân can đảm vào những nơi nguy hiểm để chia sẻ, cứu chữa; bước chân quảng đại, khiêm nhường tìm phục vụ người khác; bước chân trên đường Thánh Giá nhục nhằn, đau khổ; bước chân lên núi Sọ hiến mình hy sinh vì hạnh phúc của người khác. Và đẹp thay những bước chân người theo Đức Kitô đang lặn lội tận vùng sâu vùng xa, trên buôn làng hẻo lánh để chia sẻ, thăng tiến những người anh em bất hạnh vì thất học, nghèo nàn.
Mùa Chay là mùa cứu độ, Mùa nhận ra mình đang cần ơn cứu độ và nhận diện Đức Kitô là Đấng cứu độ duy nhất. Không nhận diện chính xác Đức Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất, ta sẽ đi lạc đường và tìm kiếm chỗ này chỗ kia, với người này người nọ những đấng cứu độ được triển lãm, rao mời hoặc trên báo chí, trên mạng hoặc trên môi miệng những người nhẹ dạ, mê tín, cả tin. Bổn phận hàng đầu của người tín hữu, người theo Đạo là phải dứt khoát tin nhận và tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất. Thiếu niềm tin và xác quyết này, người tín hữu chưa sống niềm tin Kitô của mình và trước sau niềm tin ấy cũng sẽ bị đánh gục bởi thần dữ và bè lũ.
Mùa Chay là cơ hội củng cố quan hệ mật thiết giữa người đi theo Đức Kitô và Đức Kitô. Đức Kitô đã kêu gọi những người đi theo Ngài là để họ “ở với Ngài”, nên ưu tiên hàng đầu với người tín hữu là ở với, ở gần, ở trong Đức Kitô. Không ở với Ngài, bên Ngài, trong Ngài, niềm tin và tình yêu của ta sẽ mãi hời hợt, hình thức, khô khan, tạm bợ và ta không có hạnh phúc của người môn đệ đích thực như Phaolô: “Ai có thể kéo tôi ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bĩ cực, bắt bớ, đói khát, trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo ư?” Không, không ai có thể làm điều này, vì “tôi thâm tín rằng: dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần, thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng hay núi cao, vực thẳm hay bất cứ một tạo vật nào khác, không gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-38).
Mùa Chay không còn tím ngắt ảm đạm, nhưng tím rực rỡ yêu thương, tím thiết tha ân tình, tím dịu dàng ơn nghĩa, tím ngào ngạt hương lòng. Giữa những sắc tím mầu nhiệm của Mùa Chay, niềm hy vọng được cứu độ đã là sắc tím nổi bật làm sống lên tình yêu Đức Kitô trong trái tim mỗi người, tình yêu của những tâm hồn khiêm tốn nhận mình cần ơn cứu độ đang trao dâng Đức Kitô, Đấng Cứu Độ giàu tình thương.