Trưa
hôm nay 17.03.2020, lệnh phong toả toàn quốc, như biện pháp chiến tranh toàn diện
chống dịch Covid-19, mà tổng thống Emmanuel Macron đã công bố vào 20 giờ hôm
qua 16.03.2020 chính thức có hiệu lực. Hơn một trăm ngàn cảnh sát được huy động
để kiểm soát, và ngăn chặn việc đi lại, tụ tập không lý do cần thiết của tòan
dân trên toàn nước.
Chấp
hành lệnh phong toả, tôi bật khóc nhớ về quê hương tôi, nơi đó dân tôi cũng
đang hoảng loạn, lo lắng không kém gì Âu Châu, nơi tôi định cư.
Tôi
bật khóc không chỉ vì lo lắng cho dân tôi đang bấn loạn trong đại dịch, mà còn
thương nhớ và biết ơn những người thân, bạn hữu đã quên lo cho mình, mà liên tục
nhắn gửi tâm tình với những dặn dò đầy ắp tình yêu chăm sóc, như mẹ hiền lo cho
đứa con tha hương những ngày loạn lạc. Tôi không khóc sao được khi người thân
không lo cho mình, mà lo cho tôi, một người ở nước ngoài có an sinh xã hội trăm
phần trăm bảo đảm, trong khi ở quê nhà, hệ thống bảo hiểm còn nhiều khó khăn,
vì dù sao đất nước tôi cũng còn nhiều hạn chế.
Tôi
cũng đã khóc vì cảm kích trước những tấm lòng hy sinh, qủang đại, nặng tình
nghiã của đồng bào tôi trước đại hoạ Covid-19 và đồng ruộng miền Tây bị xâm mặn, khô hạn, khi rất nhiều người thuộc đủ
thành phần đã thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách” giúp đỡ dân lành gặp nạn,
chia sẻ miếng cơm manh áo với người nghèo khốn khổ.
Và
nước mắt của tôi khô dần trước những tin vui: đất nước tôi khống chế thành công
đại dịch, ngăn chặn hoàn toàn sức bành trướng vũ bão của virút Covid-19, bằng
chứng là con số tử vong, cũng như người bị lây nhiễm ở nước tôi rất thấp so với
các nước, nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý, Iran, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ,
Anh…
Ở
vào thời điểm ngồi viết những dòng này, Việt Nam, quê hương tôi vẫn được nhìn
nhận là quốc gia đang thành công trong công cuộc chống dịch, và tôi hãnh diện với
bạn bè nước ngoài…
Nhưng,
bỗng một nỗi lo chưa thể gọi tên trào dâng trong tôi, làm tôi ứ nghẹn, một nỗi
sợ chưa thể xếp loại làm tim tôi se thắt, và chân tay rụng rời.
Sở
dĩ nỗi lo chưa gọi được thành tên, nỗi sợ chưa xếp được thành loại, vì lo sợ ấy
còn hỗn mang, mông lung, mặc dù đã làm cổ tôi rát khô, mắt tôi mờ, tim tôi lạc
nhịp.
Tôi
lo sợ cho những người bán vé số nghèo, mà bữa cơm dưa mắm cho đàn con dại chỉ
trông vào những tấm vé số được bán trong ngày. Vì nghèo, và vì là lao động duy
nhất của cả nhà, người cha bán vé số rất có thể đã nhiễm virút Corona, nhưng
không dám khai báo, vì biết khai báo sẽ bị đem đi cách ly, và những ngày cách
ly sẽ là những ngày đàn con thơ phải nhịn đói.
Tôi
lo sợ cho những người nghèo “buôn thúng bán bưng”, mà virút dù có đuợc nhận ra
trên thân thể cũng vẫn “tự nguyện” câm nín, thinh lặng, cẩn mật che giấu, vì một
lý do duy nhất: không đi bán, tiền đâu nuôi sống chồng đau, con dại?
Tôi
lo sợ cho những bác phu hồ nghèo luống tuổi, mà từ sáng sớm đã phải lam lũ, quần
quật dưới nắng mưa, nên sức đề kháng rất yếu ớt, dễ trở thành mồi ngon cho
virút đang gây ra đại dịch. Các bác phu hồ nghèo này, cũng như những cô chú, và
các em bé ăn xin có biết mình bị lây nhiễm cũng chẳng dám khai báo để được chữa
trị, chỉ vì sợ cách ly, không có tiền để trang trải từ tiền nhà cuối tháng, đến
tiền ăn hằng ngày, chưa kể tiền hụi chết, hụi sống của đời nghèo rất phức tạp, nhiêu
khê, mà chỉ những ai đã nghèo, đang nghèo mới hiểu nổi.
Tôi
lo sợ cho người dân nghèo vùng sâu vùng xa, và anh chị em người dân tộc trên
cao nguyên hoang vu, hẻo lánh mà đời sống qúa giản dị đến đáng thương, qúa đơn
sơ đến chẳng có gì, qúa nghèo nàn đến không nhìn rõ hiện tại, nói gì tiên liệu tương
lai, nên virút Côrôna, Cô Vi hay Cô gì đi nữa, họ cũng chẳng quan tâm, vì chẳng
có gì được coi là quan trọng, và không còn gì để phải bận tâm, trong khi ngô
khoai cho bữa ăn chiều còn chưa lo được.
Tôi
lo sợ cho rất nhiều người già cám cảnh neo đơn vì nghèo, vì không tài sản, nhà đất,
nên con cháu bỏ rơi, quên lãng đã từ chối vào bệnh viện vì không có tiền, và
cũng không muốn trở thành gánh nặng cho ai, vì mặc cảm và tự ái tuổi già.
Tôi
còn lo sợ cho những em bé đánh giầy, “bị chăn giắt” ăn xin, cả những em bé bị
người lớn lạm dụng tình dục đổi lại bằng chút “tiền còm” ít ỏi chỉ đủ ngày hai
bữa cơm canh. Các em biết gì mà đề phòng lây nhiễm, có gì để mất mà gìn giữ, thận
trọng, nên Covid-19 hay Covid bao nhiêu đi nữa cũng không làm các em nao núng,
sợ sệt, vì đối với các em, cái đói rã họng, cái đói lả người, cái đói tái tê đã
là cái đáng sợ nhất trên đời rồi.
Tôi
cũng lo sợ cho những công nhân ở quê lên tỉnh bỗng rơi vào tình trạng thất nghiệp,
bế tắc kinh tế, đường cùng sinh hoạt vì nhà máy đóng cửa, xí nghiệp thiếu
nguyên liệu do hậu qủa không thể tránh của đại dịch. Họ sẽ làm gì khi lây nhiễm?
Thưa sẽ chịu trận, vì niềm tin cạn kiệt, do gánh đời qúa nặng trên đôi vai gầy
không thể cam, nên đành gục đầu, qụy ngã trong câm lặng.
Vâng,
tôi lo sợ một ngày khi những con người nghèo khổ, vô danh tiểu tốt, bần cùng của
xã hội ở đất nước tôi thình lình đồng loạt bị phát hiện dương tính, bị cơ quan
chức năng khám phá đã lây nhiễm virút Covid-19; tôi lo sợ đám đông nghèo lúc
này còn có thể ẩn mình, tránh né, lẩn trốn, nhưng đến một ngày, ổ virút nổ
tung, Covid-19 vỡ oà như ong vỡ tổ; tôi càng lo sợ đám trẻ ăn không đủ no, mặc
không đủ ấm đã không thể hiểu nguy hiểm của virút đại dịch, để tự bảo vệ,
và không làm lây lan sang người khác.
Vâng,
tôi lo sợ lắm, mặc dù bạn bè vẫn trấn an, chính phủ Việt Nam vẫn khuyến cáo đừng
hoang mang, hoảng loạn, vì đại dịch có thể bành trướng, “tác yêu tác quái” ở
đâu, nhưng Việt Nam thì không có cửa cho virút hoành hành, nhờ tự giác cao độ của
toàn dân, nhờ khả năng của các nhà khoa học, nhờ tinh thần phục vụ tận tụy,
quên mình của các bác sĩ, y tá, nhân viên các bệnh viện, trung tâm cách ly, trạm
xá. Đó là chưa kể biện pháp luôn kịp thời và hữu hiệu của chính phủ, cũng như
khả năng tiên liệu, dự phòng rất khoa học của các cơ quan hữu trách trong công
cuộc phòng chống đại dịch.
Không giấu được nỗi lo sợ nếu chẳng may dịch bùng nổ
dữ dội từ những người nghèo, vì nghèo nên không khai báo “đã bị lây nhiễm” vì sợ
cách ly; lo sợ dịch vỡ oà kinh hoàng từ những người nằm sát đáy xã hội bị lây
nhiễm bất ngờ cùng lúc ồ ạt bị phát hiện; lo sợ dịch Covid-19 bể tung tàn khốc từ những
người già, người thất học, người dân tộc không biết, cũng không quan tâm virút
đại dịch, nên lây nhiễm mà không hay, dương tính mà không hề biết để được chữa
trị.
Không
giấu được nỗi sợ nếu chẳng may ngày tai ương, buổi khốn khó đại dịch xẩy đến
cho quê hương đã gánh lắm thương đau, đã chịu nhiều gian truân, thử thách, nên
lúc này đây, tôi thực sự lo, khi Âu Châu nơi tôi đang sống rơi vào tình trạng
chiến tranh, mà toàn dân phải hy sinh rất nhiều để có thể chiến thắng virút
Covid-19 đang đe doạ nặng nề tính mạng và đời sống an bình của rất nhiều quốc
gia trên thế giới.
Ngước
mắt nhìn trời đêm nay, trăng sao lác đác, như niềm hy vọng ló dần. Cùng với
toàn dân Việt Nam ở quê hương, cũng như hải ngoại, tôi nguyện cầu Ơn Trên ban
bình an cho dân tộc, đất nước tôi, một dân tộc mà lịch sử tuy đậm nét hào hùng,
nhưng vô vàn thương đau, một giang sơn gấm vóc, nhưng đất nước vẫn còn nhiều gập
ghềnh gian khổ.
Ước
mơ của tôi đêm nay khi nhắn gửi các vì sao rải rác trên bầu trời, chính là quê
hương tôi thoát đại dịch, đất nước tôi không bị phong toả toàn diện như Pháp, Ý,
đồng bào tôi không phải mếu máo, “dở khóc dở cười” vì mất việc không
lương, hay tức tưởi “nửa sống nửa chết” vì mất người thân, xa gia đình, thân
quyến.
Và
với niềm tin, xin Thiên Chúa ban bình an cho đất nước con, gìn giữ quê hưng
con, để không người dân Việt nào phải khóc nỗi đau chết chóc, nỗi buồn cách ly,
nỗi lo đại dịch.
Jorathe
Nắng Tím