Những
ngày cuối tháng 12 năm 2019, người ta tưởng Corona chỉ đăng ký hộ khẩu ở Vũ Hán,
vì virút được coi như có nguồn gốc từ Trung Quốc, và người ở ngoài lãnh thổ của
đất nước gần một tỷ rưỡi người này rất “an tâm”, vì nghĩ virút không bao giờ có
thể “bén mảng” đến gần nhà mình, nên có rất nhiều thời giờ “thương tâm” cho những
nạn nhân ở Vũ Hán.
Nhưng
bất chợt Hàn Quốc, rồi Iran, Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ… chịu chung số
phận nghiệt ngã, sau khi virút Corona đổi tên, đổi họ thành Covid-19 đã đến tận
nhà xin tạm trú và đẩy thế giới vào một thảm cảnh mới, ở đó, nhiều người rơi vào
tâm trạng rất xa lạ, kỳ quặc.
Thảm
cảnh đó là cuộc chiến chống đại dịch đang bành trướng nhanh chóng và tàn sát dã
man: con số lây nhiễm, tử vong tăng vùn vụt, bệnh viện hết chỗ, dụng cụ y tế
thiếu trầm trọng, đội ngũ bác sĩ, y tá không đủ để đáp ứng nhu cầu phục vụ bệnh
nhân, chưa kể tình trạng đổ dốc kinh tế chóng mặt đặt người dân trước nhiều đe
dọa, và viễn cảnh tương lai rất đen tối.
Chính
trong thảm cảnh này, tâm trạng của nhiều người bắt đầu thay đổi: từ mầu xanh hy vọng đổi thành mầu xám thất vọng,
từ “thương tâm” thay bằng “nhẫn tâm”,
khi ý nghĩ truy tìm thủ phạm, hành động truy sát “vật tế thần” ngày càng dồn dập,
sắt máu, bùng nổ thành cao trào “dân tộc cực đoan, qúa khích”, và kỳ thị chủng
tộc qua thái độ loại bỏ, hành vi khai trừ và gọi tên, điểm mặt thủ phạm, nghi
phạm, kẻ thù.
Thưc
vậy, trong bất cứ thất bại, biến cố, sự kiện nào không đem lại thành qủa, người
ta luôn cần, và tìm cho bằng được ít nhất một “con vật tế thần”, thủ phạm, tội đồ
để được tẩy rửa trong sạch, được hoàn hảo tinh khiết, được trút bỏ mọi mặc cảm
có tội, đồng loã, can dự, chung phần. Một thí dụ điển hình:
Trước
thế chiến thứ hai kéo dài từ 01.09.1939 đến 02.09.1945, nước Đức đã rơi vào tình
trạng kinh tế kiệt quệ, vì phải bồi thường hậu qủa của thế chiến thứ nhất kéo dài
từ 28.07.1914 đến 11.11.1918, mà Đức là một trong những tác nhân chính. Hiệp ước
Versailles đè nặng trên nước Đức với món nợ không biết đến bao giờ mới có thể
thanh toán xong, và dân Đức ngao ngán, chán chường chịu lép vế với nỗi nhục khó
gột rửa của kẻ gây chiến nhưng bại trận đang bị thế giới trừng phạt.
Vào
những năm trước 1933, khi Adolf Hitler (sinh 20.4.1889, tự vẫn 30.4.1945) nắm
chính quyền, thiết lập đảng và chế độ Quốc Gia Xã Hội Đức, gọi tắt là Đức Quốc
Xã, người dân Đức đã bị những nhóm Dân Tộc cực đoan nhồi sọ tư tưởng “nước Đức
của người Đức thuần chủng” và đẩy nhiều người vào đường lối bài ngoại, cũng như
chính sách loại trừ, kỳ thị chủng tộc.
Những
người này quy tội người Do Thái đã gây cho nước Đức nhiều tai họa. Họ lên án người
Do Thái đã lộng hành, đầu cơ phá hoại, làm tan hoang nền kinh tế, khiến dân Đức
phải chịu nhiều thiệt thòi, gánh nhiều thiệt hại. Thế là tội đồ được gọi tên, thủ
phạm bị điểm mặt: người Đức nghèo khổ, bất hạnh chính là vì sự có mặt của người
Do Thái trên đất nước họ.
Các
sử gia cũng như các nhà xã hội, tâm lý đều chung một quan điểm: nếu dân chúng Đức
đã không bị đầu độc, dụ dỗ từ nhiều năm trước bởi phong trào bài ngoại, kỳ thị
chủng tộc, thì nhà độc tài Adolf Hitler,
và đảng Đức Quốc Xã của ông không thể cướp chính quyền, cũng như không thể thi
hành chính sách tiêu diệt người Do Thái, và liều lĩnh thực hiện tham vọng bá chủ
thế giới cùng với Ý và Nhật.
Sở
dĩ Adolf Hitler đã thành công khi đưa sáu triệu người Do Thái, bất kể đàn bà,
trẻ em vào những trại tập trung và lò sát sinh bằng hơi ngạt như Auschwitz,
Dachau, Buchenwald, Ravensbrück, Mauthausen, Sachsenhausen, Lichtenburg,
Neuengamme… là do sự ghen tức, thù hằn, phẫn nộ đối với người Do Thái trong lòng
người dân Đức từ lâu đã bị khơi ngòi và bùng cháy dữ dội biến thành phong trào
bài ngoại “long trời lở đất” dẫn đến những hành động kỳ thị, diệt chủng không còn
có thể be bờ, ngăn chặn.
Đó
là lý do phần đông dân Đức đã yên lặng đồng loã, không muốn ngăn cản đường lối
kỳ thị và diệt chủng của Hitler, mà để ông và đảng Đức Quốc Xã của ông thảnh thơi
thao túng quyền hành trong cơn say tiêu diệt nhanh, gọn bao nhiêu có thể người
Do Thái cho đến khi không còn người Do Thái nào hiện diện trên địa cầu, như lời
thề ngạo mạn và phi nhân của Adolf Hitler.
Đọc
lại lịch sử dân Do Thái, chúng ta thấy đây là một dân tộc đặc biệt thông minh, đoàn
kết và cầu tiến. Ngoài ra Do Thái còn là dân riêng được Thiên Chúa Giavê chọn để
tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất giữa các
dân tộc thờ ngẫu thần.
Vì
tính “riêng biệt, khác biệt, đặc biệt”, mà họ luôn bị các nước lân bang dòm ngó,
tìm cách đàn áp, thống trị, xóa tên. Sách Macabê đã ghi lại cuộc bách hại mà
anh em nhà Macabê và dân Do Thái phải chịu đựng trước những tấn công tàn bạo của
thế lực ngoại bang, ngoại giáo như câu chuyện hai tướng Nicanô và Goócghiát: Cả
hai ông được vua sai “đem không dưới hai mươi ngàn quân thuộc mọi sắc dân đi tiêu
diệt toàn thể giống nòi Do Thái… Ông Nicanô trù tính bán tù binh Do Thái lấy sáu
mươi ngàn ký bạc để nhà vua trả nợ triều cống cho người Rôma. Lập tức ông cho
người tới các thành phố miền duyên hải, mời người ta đến mua các nô lệ Do Thái
và dạm bán với giá chín mươi tên là ba mươi ký bạc” (2 Mcb 8,9-11).
Thực
vậy, chủ trương tiêu diệt người Do Thái đã có từ lâu đời, và thời nào người ta
cũng hành xử giống nhau dưới chung một chiêu bài, cùng một khẩu hiệu sặc mùi xương
máu:
“Bao lâu người Do Thái còn sống, bấy lâu đất nước chúng ta vẫn chưa được thái
bình” (x. 2 Mcb 14,10).
Sở
dĩ người viết chia sẻ với Bạn một thoáng suy tư về nạn kỳ thị chủng tộc có thể
nẩy mầm, lớn lên, và lan tràn, bành trướng cũng như đại dịch Covid-19, vì trong
những ngày này, báo chí cũng như nhiều trang mạng không ngại đề cập đến những dấu
hiệu của kỳ thị chủng tộc, của thù hận nòi giống, của quy trách, kết tội rất nông
nổi, hồ đồ và nguy hiểm.
Ở
Đức, nhiều người Trung Quốc bị dân bản xứ qúa khích công khai bầy tỏ thái độ
khinh khi, nguyền rủa, và không ngượng ngùng xỉ vả: “Du bist Virus Corona. Du
sollst von hier verschwinden! Mày là virút Corona, cút khỏi đây!”; ở Mỹ và nhiều quốc gia khác cũng
không tránh khỏi cảnh kỳ thị đáng buồn, khi nhiều người Việt bị oan uổng, vì “thiên
hạ” tưởng lầm, nhìn lầm là người Trung Quốc đã sỗ sàng hoặc lạnh nhạt “tát nước
vào mặt”: “Virus Chinese, get out of here! – Virus Tầu, cút khỏi đây”,
hoặc “Virus Chinese, stay away from me - Virus Tầu, đừng lại gần
tao !”. Tất cả
những xúc phạm trên đều là sự thật đáng buồn và đáng lo ngại đang xẩy ra nhan
nhản quanh chúng ta…
Đúng
vậy, vì cần một tội đồ, một vật tế thần, một thủ phạm, người ta đã lên án Trung
Quốc, miệt thị người Trung Quốc, khinh bỉ dân Trung Quốc, xa lánh cộng đồng
Trung Quốc.
Người
ta cho Trung Quốc đã chế tạo virus Corona với ý đồ làm suy yếu các quốc gia, hầu
thực hiện nhanh chóng mộng bá chủ toàn cầu; người ta chỉ thẳng mặt người Trung
Quốc là thứ dân tồi tệ, dơ dáy, gian tham, thâm độc, luôn tìm cách lấn chiếm, xâm
lăng láng giềng; người ta mạt sát dân Trung Quốc là dân tộc “không chơi được với
ai”, tiểu nhân, hèn hạ, bỉ ổi, phản bội.
Ôi
thôi, khi “cơm đã không ngon, canh không còn ngọt” thì chẳng còn lời lẽ thô tục
nào mà không được dùng để phỉ báng, nguyền rủa, và cứ thế, nồng độ khinh bỉ, lên
án càng dữ dội, thì mức độ kỳ thị chủng tộc càng sôi sục dâng cao.
Đứng
trước cơn sốt truy tìm thủ phạm đại dịch Covid-19, mà nghi phạm lý tưởng số một
được số đông bình bầu, tuyển chọn là Trung Quốc, vì nhiều lý do mang nhiều mầu sắc từ chính trị đến kinh tế, xã hội,
văn hoá, ý thức hệ…, người viết mạo muội chia sẻ với Bạn chọn lựa của riêng mình,
trong cương vị con người và con Chúa:
1. Trên
cương vị con người, và với lương tâm ngay thẳng, tôi phải tách người dân Trung Quốc ra khỏi cơ chế chính trị,
hay chính sách của Trung Quốc:
Là
con người, như bao con người khác, tôi có bổn phận nhân ái đối với đồng loại. Và
bổn phận nhân ái bắt tôi phải tôn trọng nhân phẩm, nhân vị, và quyền sống của
người Trung Quốc. Không một “lý do, lý lẽ, lý luận, lý chứng, lý sự” nào cho phép
tôi khinh khi, miệt thị, nhất là kỳ thị người Trung Quốc, truy diệt, xóa tên dân
Trung Quốc khỏi danh sách “nhân loại” bao lâu tôi còn muốn là người tử tế, người
có “lòng nhân”, chứ không là người với “lòng lang dạ thú”.
Tách
người Trung Quốc khỏi chính trị Trung Quốc được chủ trương và điều hành bởi những
người cầm quyền, tôi giữ được tinh thần của người có lương tâm quân bình và
trong sáng, khi không để chính sách của người lãnh đạo chính trị, đường lối của
một đảng hay một thiểu số ảnh hưởng trên chọn lựa nhân bản và đạo đức làm người
của tôi, khi đồng hoá toàn thể người Trung Quốc với chính sách có thể không phù
hợp, hay trái ngược với đòi hỏi chính đáng của con người, để rơi vào thái độ thù
nghịch, không thân thiện với tất cả người Trung Quốc.
Đối
với chính sách, chế độ chính trị Trung Quốc, tôi có thể không đồng ý, ngay cả
chống lại, nếu chính sách ấy xâm phạm quyền tự quyết, và nền độc lập của nước tôi;
nếu đường lối ấy không tôn trọng con người, bởi là con dân một nước, tôi phải yêu
quê hương, thương nòi giống, và gìn giữ giang sơn; là con người, tôi có quyền bầy
tỏ quan điểm, chính kiến bất đồng, kể cả có hành động chống lại những thể chế
phủ nhận con người, và quyền làm người của đồng loại tôi.
Vì
thế, tôi sẽ bất công với người Trung Quốc, nếu tôi đồng hoá họ với chính sách Trung
Quốc mà tôi không ủng hộ, bởi rất có thể, chính họ cũng đang bất mãn với chính
sách đang làm khổ họ ngay trong nhà họ. Tôi cũng không được phép đồng hoá họ với
những người nắm giữ quyền hành ở Trung Quốc mà tôi không ưa, không thích, bởi rất
có thể chính họ là nạn nhân đang bị những người này đàn áp, bóc lột, ức hiếp ngay
trên đất nước họ. Trong mọi trường hợp, tôi phải thận trọng để không hàm oan và
đối xử bất công với những người dân Trung Quốc vô tội, là nạn nhân đáng thương
và đau khổ, cơ cực hơn tất cả.
2. Là
người Kitô hữu, cùng với Giáo Hội và trong Giáo Hội, chúng tôi không được phép ủng
hộ và thực thi chủ trương bài ngoại, kỳ thị chủng tộc, diệt chủng phi nhân:
Trước
hết, vì Thiên Chúa chúng tôi tôn thờ là Thiên Chúa Tình Yêu, đạo chúng tôi theo
là đạo Bác Ái, giới luật chúng tôi phải tuân giữ là giới luật Yêu Thương, hành
trang chúng tôi phải có trên đường là hành trang Nhân Ái, công nghiệp chúng tôi
phải đệ trình trước Nhan Thánh Thiên Chúa ngày phán xét là lòng tốt chúng tôi đã
sống, việc tốt chúng tôi đã làm cho người khác, nhất là những người anh em, chị
em bé nhỏ nhất đang lâm cảnh đói khát, rách rưới, đau yếu, tù đầy, thất học, bị
bạc đãi, bỏ rơi, bị vu khống, đàn áp, bóc lột, cả những người bị coi là khách lạ,
không nhà, vất vưởng lang thang (x. Mt 25,31-45).
Là
người môn đệ Đức Giêsu, chúng tôi được kêu gọi để “trở nên hoàn thiện như Cha
trên trời là Đấng hoàn thiện”, bằng sống lòng thương xót, bao dung, tha thứ, và
cầu nguyện cho cả kẻ thù, làm ơn cho cả kẻ ngược đãi, bách hại mình (x. Mt
5,43-48), bởi có sống như thế, có cư xử như thế, chúng tôi mới được gọi là con
Thiên Chúa, vì Cha chúng tôi, “Đấng ngự trên trời hằng cho mặt trời mọc lên soi
sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như
kẻ bất chính” (Mt 5,45).
Vì
thế, chủ trương kỳ thị không bao giờ đồng thuận với con đường Bác Ái, và hành
trình Yêu Thương của người Kitô hữu; chính sách diệt chủng mãi mãi đối nghịch với
giới luật của Đức Giêsu, và tinh thần bài ngoại, gây chia rẽ các dân tộc, tạo hố
sâu hận thù giữa các quốc gia là điều Giáo Hội nghiêm cấm và lên án nặng nề, vì
trái với giáo lý đức tin.
Đàng
khác, ơn gọi và sứ mệnh của người Kitô hữu là đến với các dân tộc để loan báo
Tin Mừng, làm chứng Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân hậu, và làm cho muôn dân trở thành
môn đệ Ngài (x. Mt 28,19), nên kỳ thị chủng tộc, hay bài ngoại, diệt chủng là điều
không thể quan niệm trong Kitô giáo.
Chưa
kể chúng tôi luôn mong đợi một ngày trên quê hương đời đời, ở đó, Đức Giêsu được
muôn dân, muôn nước ngợi khen, vì “Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về
cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi
dân” (Kh 5,9).
Vâng,
là người Kitô hữu, chúng tôi phải yêu mến mọi người, và nhất định không để rơi
vào cạm bẫy của chủ nghiã kỳ thị chủng tộc sẽ đưa đến bạo lực phủ nhận con người,
làm tổn thương nhân vị, nhân phẩm, tước đoạt nhân quyền và hủy diệt sự sống của
người khác, dưới những chiêu bài, khẩu hiệu “có cánh”, nghe rất kêu, nhưng nguy
hiểm vì chứa đầy nọc độc.
Thực
vậy, lịch sử nhân loại đã dậy chúng ta nhiều bài học đắt giá, và một trong những
bài học phải mua bằng máu và cái chết tức tưởi của nhiều triệu trẻ em vô tội,
phụ nữ yếu đuối, tuổi trẻ đầy nhựa sống, cả tuổi già khôn ngoan, kinh nghiệm, đạo
đức trong các lò sát sinh của chủ nghiã kỳ thị chủng tộc, diệt chủng tàn ác,
phi nhân dưới thời Đức Quốc Xã của nhà độc tài Adolf Hitler.
Bài
học ấy phải được ôn lại trong những ngày đại dịch, khi mầm kỳ thị chợt lớn
nhanh, bùng phát, lây lan như nhất quyết so tài, đọ sức tàn phá với virút
Corona; bài học ấy phải được dậy cho thế hệ đàn em, ngay trong tâm dịch, khi tinh
thần dân tộc cực đoan, qúa khích đùng đùng nổi lên như bão lửa, đang cố vượt
xa tốc độ hủy diệt của Covid-19; bài học ấy còn phải được nhắc đi nhắc lại cho
mọi người, khi cám dỗ loại trừ một sắc dân, tiêu diệt một chủng tộc bất
thình lình nhen nhúm từ ích kỷ, ganh ghét, thù hận, do lo sợ trước virút đại dịch.
Và
bài học đạo đức nhân bản ấy, cũng là bài học luân lý căn bản sẽ nâng đỡ niềm hy
vọng của chúng ta vào một tương lai xa, sau cuộc sống này, trong hạnh phúc vĩnh
cửu, ở đó, chúng ta được đứng trong hàng ngũ của “một đoàn người thật đông không
tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ…” (Kh
7,9). Đám đông ấy “sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt
trời thiêu đốt và khi nóng hành hạ nữa” (Kh 7,16), cũng không còn đại dịch
Covid-19 đe dọa, làm sợ hãi, vì “Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn
dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt
họ” (Kh 7,17).
Jorathe
Nắng Tím