Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

KINH MÂN CÔI


Sắp đến tháng Mân Côi, tôi miên man nhiều tâm tình, ý nghĩ về Đức Mẹ, nhưng không sao tìm được một bố cục để viết về Mẹ cho xứng đáng. Không phải tôi không mến Đức Mẹ, cũng không phải thiếu kiến thức về Thánh Mẫu học, nhưng có lẽ vì bồi hồi cảm xúc trước lòng thương bao la của Đức Mẹ đã ấp ủ, che chở, gìn giữ cuộc đời đầy phong ba bão táp, "năm chìm bẩy nổi, chín lênh đênh" của tôi, đứa con tội lỗi, ngang ngược của Mẹ, mà tôi đã ngập ngừng trước bàn phím. Vì thế, tôi chỉ còn có thể tản mạn về Mẹ tôi, Đức Maria rất thánh Mân Côi.  
Tôi sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh của đất nước. Cuộc chiến kéo theo nhiều đổ vỡ, mất mát tang thương. Nó cũng kéo theo nỗi thất vọng, khi tôi phải từ bỏ lý tưởng cuộc đời, và miễn cưỡng thay thế bằng một chọn lựa khác, không như ý, để rồi từ hoàn cảnh chiến tranh, chạy loạn đến hoàn cảnh tị nạn nơi xứ người, với đủ thứ nghề lúc thì cu li chân tay, khi thì cu li trí thức để tồn tại. Hôm nay nghĩ lại mà rùng mình và ngạc nhiên trước liều lĩnh, chịu đựng và sức phấn đấu.
Trong suy nghĩ và hoài niệm, tôi nhận ra bàn tay của Đức Mẹ trong đời tôi, bàn tay đã dậy những ngón tay tôi lần chuỗi trong mọi thử thách để không mất niềm tin; bàn tay đã cùng tay tôi mân mê tràng hạt khi sa cơ thất thế, để không tuyệt vọng buông xuôi, đầu hàng; bàn tay đã nắm tay tôi trở về với Đức Giêsu là "Đường, Sự Thật, Sự Sống"; bàn tay đã lèo lái đời tôi để đời không vô nghiã, vô dụng, vô phúc ; bàn tay đã mở bàn tay tôi để chia sẻ cuộc sống với mọi người; bàn tay đã bao che cuộc đời nhơ nhớp, nhiều tiền án, tiền sự của tôi, để không ai biết mà khinh khi, xua đuổi, khai trừ.
Tôi yêu Mẹ, nên qúy trọng bàn tay Mẹ, qúy đến nỗi đi đến đâu có tượng Mẹ, tôi đều cố hôn cho được đôi bàn tay của Mẹ, mà ở đâu thì tay Mẹ cũng hoặc mở ra ban ơn phúc, hoặc chắp lại cầu nguyện. Mẹ chắp tay nguyện cầu, vì Mẹ không bao giờ xa được  Đức Giêsu, Con Mẹ, và gắn bó, hiệp thông với Chúa Ba Ngôi; đồng thời Mẹ mở tay cho con Mẹ  được no đầy ơn phúc. Ở Mẹ, chỉ có  đôi bàn tay khép kín cầu nguyện, và mở ra ôm ấp, ban ơn.
Qủa thực, Đức Maria đã luôn gìn giữ đời tôi nhiều sóng gió, tội lụy, và tôi biểu hiện lòng tín thác vào Mẹ qua chuỗi Mân Côi. Có nhiều lúc, tôi lần chuỗi mà chẳng suy ngắm gì về mầu nhiệm được nêu lên, mà chỉ chú tâm đến lời chào kính của thiên sứ Gabriel : "Kính mừng Maria, đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ…" . Với tôi, đây là lời chào vô cùng trân trọng và tuyệt vời trìu mến mà duy một mình Thiên Chúa mới có thể viết lên, và chỉ thiên sứ từ Trời cao xuống thế mới có thể lên tiếng chào, vì là Lời Chào cứu độ, Lời Chào  mở ra một kỷ nguyên mới Cứu Thế, Lời Chào giao hoà Thiên Chúa với con người, Lời Chào trả lại quyền làm con Thiên Chúa mà con người đã đánh mất. Tôi say sưa với Lời Chào ấy, và nhắm mắt hưởng hạnh phúc được kính chào "Mẹ Đức Giêsu, cũng là Mẹ tôi và Mẹ các bạn", với Lời Chào ôm cả Đất Trời của sứ thần Thiên Chúa Gabriel : "Kính Mừng Maria đầy ơn phúc!", ở mọi nơi,  mọi lúc, bất kể ngày đêm, trong mọi hoàn cảnh buồn - vui, thành công - thất bại, đạo hạnh - hoang đàng của tôi.
Bên cạnh hạnh phúc và vinh dự được kính chào Mẹ với Lời Chào của thiên sứ, tôi còn cảm thấy lòng mình an vui, không xao xuyến, lo âu khi biết mình là kẻ có tội và sẽ phải chết, dù chết mãi là một ẩn số nhiều đe dọa : "Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời ! Cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử".
 Đó là tôi chưa kể các bạn nghe rất nhiều điều kỳ diệu của chuỗi Mân Côi, mà Đức Mẹ dành cho những ai siêng năng lần chuỗi. Tôi chỉ chia sẻ một điều kỳ diệu mà tôi gặp trong đời, đó là chưa một chủng sinh nào tôi quen đã siêng năng Lần Chuỗi mà không trở thành Linh Mục; cũng vậy, chưa một Linh Mục nào yêu mến Đức Mẹ và chăm chỉ lần chuỗi đã phải hư đi cách này cách khác. Trái lại, mắt tôi chứng kiến nhiều Linh Mục không yêu mến Đức Mẹ và không mấy mặn mà với  kinh Mân Côi đã chán ngán, cởi bỏ áo dòng, từ giã đời tu.
 Không biết có bạn nào sẽ phản biện : Kinh Tin Kính có bắt phải yêu mến Đức Mẹ và lần chuỗi đâu, và yêu mến Thiên Chúa là đủ rồi!
Đúng vậy, bạn có thể phản biện mạnh mẽ hơn với việc Lần Chuỗi, và xem đó là công việc của người bình dân ít học, già nua, bệnh hoạn, nhàn rỗi, "vô công rỗi nghề". Nhưng dù sao đi nữa, tôi cũng xin được nói lên vai trò bầu cử rất quan trọng của Đức Mẹ cho hạnh phúc của đời chúng ta, như trong tiệc cưới Cana : với mấy lời nhỏ nhẹ của Đức Mẹ : "Họ hết rượu rồi!" (Ga 2,3), Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho nước hoá thành ruợu ngon để niềm vui của đôi tân hôn, hai họ và quan khách có mặt được trọn vẹn trong đám cưới.
Nhạc sĩ Thông Vi Vu, tức Đức cố Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống, nguyên Giám Mục Phan Thiết sẽ chia sẻ với chúng ta ý nghiã và sự cần thiết của Lần Chuỗi Mân Côi trong cuộc đời.  
   
Jorathe Nắng Tím

BÌNH AN VÀ BẤT AN


Sáng nay ngồi trong sân bệnh viện chờ người bạn đến để cùng vào thăm một cô đồng nghiệp đang nằm bệnh, tôi vô tình nghe được hai mẩu đối thoại của hai người phụ nữ nói với người nhà về kết quả khám bệnh của mình. Cả hai đều mắc cùng một thứ bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng thuộc vào loại khó chữa và ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc gia đình sau này. 
Một người không giấu được nỗi thất vọng và buồn bã khóc khi kể cho chồng nghe về việc mình không thể có con; người thứ hai bình thản hơn, cô nói chuyện với chồng về căn bệnh vô sinh của mình và lạc quan đưa ra  ngay một vài đề nghị để giải quyết bế tắc.
Rời bệnh viện, tôi đi đến một nhà thờ gần đó để cầu nguyện cho cô bạn đồng nghiệp. Tại đây tôi lại chứng kiến một cuộc cãi vã chỉ vì một va chạm nhỏ của hai thanh niên vừa đi lễ ra.
Trên đường về, ngang qua một ngôi trường đang giờ tan học tôi lại gặp cảnh một người cha la mắng cậu con vì kết quả học tập kém. 
Thái độ trái ngược nhau của hai người phụ nữ khi đón nhận cùng một tin không vui  sự xích mích của hai chàng trai ở nhà thờ và cơn nóng giận của ông bố nơi cổng trường khiến tôi phải suy nghĩ. Phải chăng sự bình an đích thực không tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cũng không thể có được từ một đấng quyền năng mà hệ tại ở tự nơi tâm của mỗi con người? 
Cùng một hoàn cảnh, chung một số phận không thể thực hiện được thiên chức làm mẹ nhưng một người thì cảm thấy bất an, lo lắng cho tương lai đen tối vì nỗi bất hạnh của mình. Đối nghịch lại với người này, người phụ nữ kia vẫn tự tại an vui hoạch định với chồng một chương trình mang đứa cháu họ nghèo ở quê về nuôi. Do đâu có một sự khác biệt không hề nhỏ như vậy? Đơn giản chỉ vì người phụ nữ thứ hai nhận biết rất rõ những giới hạn của con người. Người phụ nữ này đã hiểu tận tường ý nghĩa của hai chữ “vô thường” trong đời sống. Vì vô thường nên nay khỏe mai đau, sống nay chết mai. Vì vô thường nên mọi rủi ro bất trắc có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Biết rõ, hiểu thấu nên cô vui vẻ chấp nhận thay vì khóc lóc thở than, và vì vui vẻ chấp nhận nên cô đã tự tạo cho mình được một bản lĩnh sống trong mọi hoàn cảnh; từ đó bình an luôn có mặt với cô. Trở lại cuộc cãi vã của hai thanh niên chỉ vì một nguyên nhân không đáng. Cũng may nhờ có sự can thiệp của người chung quanh nên mọi chuyện được dừng lại nếu không có thể sẽ dẫn đến một kết cuộc đáng buồn hơn như những chuyện ấu đả vẫn xảy ra hằng ngày chung quanh ta. Vì sao một va chạm nhỏ nhưng lại mang đến bất an lớn cho cả hai người ? 
Nếu cả hai người đều biết nhận phần lỗi về phía mình thì có lẽ câu chuyện đã khác nhưng ở đây ai cũng cho mình là đúng và người kia mới có lỗi. 
Chúng ta thường có điểm chung là ít nhận ra cái sai của mình mà thường đổ lỗi cho người, đổ thừa cho hoàn cảnh. Và để cho việc đổ lỗi, đổ thừa của mình thêm “cân nặng” chúng ta đi đến một sai lầm thứ hai là thiếu nhẫn nhịn, thiếu bao dung tha thứ. 
Nguồn gốc cuộc cãi vã hôm nay của hai người này là từ nơi tâm của họ đã thiếu sự bình an. Thật vậy, muốn bình an trước hết ta phải nhận ra được cái tật, cái tánh của chính mình để chọn cho mình một thái độ sống vì bình an hay bất an tuỳ thuộc vào thái độ sống của chúng ta. Một thái độ sống nhu hoà, nhẫn nhịn, bao dung, “chuyện to hoá nhỏ, chuyện nhỏ hoá không” chắc chắn bình an sẽ có mặt. Ngược lại nếu “ chuyện nhỏ xé ra to, chuyện to hoá khổng lồ” thì bất an sẽ đến . 
Lại nói về chuyện ông bố la mắng cậu con trai vì điểm kém. Ở đây tôi nhận ra sự bất an nơi ông bố chỉ vì ông đã đặt quá nhiều kỳ vọng nơi cậu con nên thất vọng không ít khi thấy con mình điểm kém. 
Đa phần chúng ta thường thấy bất an vì đã không chịu sống “như là” mà luôn sống “ phải là” , “cho là” . 
Vì sống “phải là” cho nên ông bố muốn cậu con mình phải trở thành bác sỹ, kỹ sư, phải là doanh nhân thành đạt... Ông đã quên một điều quan trọng là nhìn vào khả năng của con mình “như là” chính cậu ấy. 
Vì sống “cho là” nên ông bố cảm thấy bất an khi cho là con mình ngu dốt, bất tài. Cũng như khi chúng ta nhận định về một ai đó; ta nhìn người không như họ là mà luôn luôn nhìn theo định kiến của riêng mình để cho là người này thế này, người nọ thế kia. Bản thân chúng ta không hoàn hảo nhưng chúng ta lại luôn muốn mọi người, môi trường, hoàn cảnh phải hoàn hảo nên ta luôn cảm thấy bất an vì không được như ý . 
Mỗi khi cảm thấy bất an, người ta thường đến chùa lễ Phật cầu an, thường đi nhà thờ cầu nguyện xin bình an của Chúa. Nhưng tôi tự hỏi liệu Phật hay Chúa có thể ban cho chúng ta được sự bình an hay không khi trong chính tự tâm của chúng ta còn đầy dẫy tị hiềm, đố kỵ, hận thù, ích kỷ, nhỏ nhen ... Nên chăng chúng ta hãy cầu xin Chúa, xin Đức Phật cho chúng ta biết thay đổi chính tâm mình để có được một thái độ sống nhu hoà, nhẫn nhịn, bao dung vì cốt lõi của bình an là lòng từ ái và biểu hiện của bình an là nụ cười . 
Có một câu nói “ Giá của một nụ cười rẻ hơn giá điện nhưng một nụ cười có thể tỏa sáng hơn bóng đèn “. 
Ước gì chúng ta có thể trao nhau thật nhiều nụ cười để bình an được tỏa sáng khắp nơi .
Mây Tím