Sáng nay ngồi trong
sân bệnh viện chờ người bạn đến để cùng vào thăm một cô đồng nghiệp đang nằm
bệnh, tôi vô tình nghe được hai mẩu đối thoại của hai người phụ nữ nói với
người nhà về kết quả khám bệnh của mình. Cả hai đều mắc cùng một thứ bệnh tuy
không nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng thuộc vào loại khó chữa và ảnh hưởng
không nhỏ đến hạnh phúc gia đình sau này.
Một người không giấu
được nỗi thất vọng và buồn bã khóc khi kể cho chồng nghe về việc mình không thể
có con; người thứ hai bình thản hơn, cô nói chuyện với chồng về căn bệnh vô
sinh của mình và lạc quan đưa ra ngay
một vài đề nghị để giải quyết bế tắc.
Rời bệnh viện, tôi đi
đến một nhà thờ gần đó để cầu nguyện cho cô bạn đồng nghiệp. Tại đây tôi lại
chứng kiến một cuộc cãi vã chỉ vì một va chạm nhỏ của hai thanh niên vừa đi lễ
ra.
Trên đường về, ngang
qua một ngôi trường đang giờ tan học tôi lại gặp cảnh một người cha la mắng cậu
con vì kết quả học tập kém.
Thái độ trái ngược
nhau của hai người phụ nữ khi đón nhận cùng một tin không vui sự xích
mích của hai chàng trai ở nhà thờ và cơn nóng giận của ông bố nơi cổng trường
khiến tôi phải suy nghĩ. Phải chăng sự bình an đích thực không tuỳ thuộc vào
hoàn cảnh cũng không thể có được từ một đấng quyền năng mà hệ tại ở tự nơi tâm của
mỗi con người?
Cùng một hoàn cảnh,
chung một số phận không thể thực hiện được thiên chức làm mẹ nhưng một người
thì cảm thấy bất an, lo lắng cho tương lai đen tối vì nỗi bất hạnh của mình.
Đối nghịch lại với người này, người phụ nữ kia vẫn tự tại an vui hoạch định với
chồng một chương trình mang đứa cháu họ nghèo ở quê về nuôi. Do đâu có một sự
khác biệt không hề nhỏ như vậy? Đơn giản chỉ vì người phụ nữ thứ hai nhận biết
rất rõ những giới hạn của con người. Người phụ nữ này đã hiểu tận tường ý nghĩa
của hai chữ “vô thường” trong đời sống. Vì vô thường nên nay khỏe mai đau, sống
nay chết mai. Vì vô thường nên mọi rủi ro bất trắc có thể xảy đến bất cứ lúc
nào. Biết rõ, hiểu thấu nên cô vui vẻ chấp nhận thay vì khóc lóc thở than, và
vì vui vẻ chấp nhận nên cô đã tự tạo cho mình được một bản lĩnh sống trong mọi
hoàn cảnh; từ đó bình an luôn có mặt với cô. Trở lại cuộc cãi vã
của hai thanh niên chỉ vì một nguyên nhân không đáng. Cũng may nhờ có sự can
thiệp của người chung quanh nên mọi chuyện được dừng lại nếu không có thể sẽ
dẫn đến một kết cuộc đáng buồn hơn như những chuyện ấu đả vẫn xảy ra hằng ngày
chung quanh ta. Vì sao một va chạm nhỏ nhưng lại mang đến bất an lớn cho cả hai
người ?
Nếu cả hai người đều
biết nhận phần lỗi về phía mình thì có lẽ câu chuyện đã khác nhưng ở đây ai
cũng cho mình là đúng và người kia mới có lỗi.
Chúng ta thường có
điểm chung là ít nhận ra cái sai của mình mà thường đổ lỗi cho người, đổ thừa
cho hoàn cảnh. Và để cho việc đổ lỗi, đổ thừa của mình thêm “cân nặng” chúng ta
đi đến một sai lầm thứ hai là thiếu nhẫn nhịn, thiếu bao dung tha thứ.
Nguồn gốc cuộc cãi vã
hôm nay của hai người này là từ nơi tâm của họ đã thiếu sự bình an. Thật vậy,
muốn bình an trước hết ta phải nhận ra được cái tật, cái tánh của chính mình để
chọn cho mình một thái độ sống vì bình an hay bất an tuỳ thuộc vào thái độ sống
của chúng ta. Một thái độ sống nhu hoà, nhẫn nhịn, bao dung, “chuyện to hoá
nhỏ, chuyện nhỏ hoá không” chắc chắn bình an sẽ có mặt. Ngược lại nếu “ chuyện
nhỏ xé ra to, chuyện to hoá khổng lồ” thì bất an sẽ đến .
Lại nói về chuyện ông
bố la mắng cậu con trai vì điểm kém. Ở đây tôi nhận ra sự bất an nơi ông bố chỉ
vì ông đã đặt quá nhiều kỳ vọng nơi cậu con nên thất vọng không ít khi thấy con
mình điểm kém.
Đa phần chúng ta thường
thấy bất an vì đã không chịu sống “như là” mà luôn sống “ phải là” , “cho là”
.
Vì sống “phải là” cho
nên ông bố muốn cậu con mình phải trở thành bác sỹ, kỹ sư, phải là doanh nhân
thành đạt... Ông đã quên một điều quan trọng là nhìn vào khả năng của con mình
“như là” chính cậu ấy.
Vì sống “cho là” nên
ông bố cảm thấy bất an khi cho là con mình ngu dốt, bất tài. Cũng như khi chúng
ta nhận định về một ai đó; ta nhìn người không như họ là mà luôn luôn nhìn theo
định kiến của riêng mình để cho là người này thế này, người nọ thế kia. Bản
thân chúng ta không hoàn hảo nhưng chúng ta lại luôn muốn mọi người, môi
trường, hoàn cảnh phải hoàn hảo nên ta luôn cảm thấy bất an vì không được như ý
.
Mỗi khi cảm thấy bất
an, người ta thường đến chùa lễ Phật cầu an, thường đi nhà thờ cầu nguyện xin
bình an của Chúa. Nhưng tôi tự hỏi liệu Phật hay Chúa có thể ban cho chúng ta
được sự bình an hay không khi trong chính tự tâm của chúng ta còn đầy dẫy tị
hiềm, đố kỵ, hận thù, ích kỷ, nhỏ nhen ... Nên chăng chúng ta hãy cầu xin Chúa,
xin Đức Phật cho chúng ta biết thay đổi chính tâm mình để có được một thái độ
sống nhu hoà, nhẫn nhịn, bao dung vì cốt lõi của bình an là lòng từ ái và biểu
hiện của bình an là nụ cười .
Có một câu nói “ Giá
của một nụ cười rẻ hơn giá điện nhưng một nụ cười có thể tỏa sáng hơn bóng đèn
“.
Ước gì chúng ta có thể
trao nhau thật nhiều nụ cười để bình an được tỏa sáng khắp nơi .
Mây Tím