Không gì khó và cam go bằng ở “trong bùn mà không hôi tanh mùi bùn”, sống với lũ mà không để lũ cuốn đi, ở giữa lửa mà không bị lửa đốt cháy, thiêu rụi.
Kinh nghiệm cuộc sống thường ngày cho chúng ta thấy đây là việc rất khó, như cả đơn vị, công ty, tổ chức từ cấp trên đến cấp dưới, từ ông gác cổng đến lãnh đạo tối cao đều tham nhũng, hối lộ, cửa quyền, mà chỉ riêng ai đó một mình liều lĩnh đi trái chiều, bơi ngược dòng khi chọn lối sống hoà đồng, tận tụy, gần gũi, lại liêm khiết, trong sạch thì làm sao “tập thể gian tham” kia “cho sống, và cho làm cùng”, mà không đưa lên bàn mổ “phân thây xẻ thịt”? Vì sức mạnh của đám đông sẽ nghiền nát cá nhân đi ngược nó; cỗ máy “đa số”, sẽ làm thiểu số quay ngoài qũy đạo phải bắn ra khỏi quy trình sinh hoạt. Do đó, cá nhân cũng như thiểu số không ngoan ngùy cúi đầu nghe theo tập thể, không vâng lời quy phục đa số, tất thẩy đều sẽ phải mang chung số phận bị khai trừ, loại bỏ, triệt tiêu, đốn hạ.
Trong cuộc sống đức tin và trên hành trình đi theo Đức Giêsu, người môn đệ được coi là nhóm thiểu số giữa đám đông không thiện cảm, nếu không muốn nói là đám đông luôn đe dọa và tìm cách tiêu diệt, như lời Đức Giêsu cảnh báo: “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói” (Mt 10,16).
Hình ảnh con chiên ngơ ngác đi giữa bầy sói dữ không khỏi làm chúng ta chạnh lòng thương chú chiên đơn sơ, hiền lành, và lo sợ cho tính mạng của chú, vì lúc nào chú cũng bị bầy sói ghét cay ghét đắng, và rình rập xé xác, như lời căn dặn sau cùng của Đức Giêsu, trước khi đi chịu chết: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì thuộc về nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian, và Thầy đã chọn, đã tách anh em ra khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Ga 15, 18-19).
Vấn đề ở đây không chỉ là thế gian ghen ghét và tìm cách bắt bớ, hãm hại, truy diệt, vì đó là điều tất nhiên, do chúng ta không thuộc về thế gian, nhưng vấn đề là chúng ta không chịu hoàn toàn thuộc về Chúa, không chịu đứng hẳn trong hàng ngũ, chiến tuyến của Chúa, không “toàn tâm, toàn ý, toàn thân” đi theo Chúa, nên thế gian đã lợi dụng những sơ hở, lỏng lẻo, rạn nứt trong tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa để đột nhập “nằm vùng” và lôi cuốn chúng ta mang lấy tinh thần của chúng trên hành trình theo Chúa, mặc lấy áo của thế gian cho dù vẫn đứng trong hàng ngũ môn đệ của Chúa, sống lối sống của thế tục, tuy đang mang danh hiệu người Kitô hữu…
Nhưng thế gian là gì?
Thánh Gioan tóm tắt: “Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian; mà thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi.” (1 Ga 2,15-17).
Như vậy, thế gian là một thực thể hay một tình trạng mà ở đó tinh thần của con người bi bóp nghẹt, “vì những lo lắng cho sự đời, và bả vinh quang phú qúy”, nên đã không đón nhận được Lời Thiên Chúa (x. Mt 13,22). Từ đó, tinh thần thế gian làm lu mờ đôi mắt, làm đục ngầu cuộc đời trong những ham muốn của bản năng và tính ganh ghét, kiêu căng cố hữu luôn tiềm tàng tận đáy sâu tâm hồn. Hơn thế nữa, tinh thần thế gian không cho chúng ta biết “hằng ngày dùng đủ”, nhưng đẩy chúng ta vào những cám dỗ của vật chất, để rơi vào kiêu căng “cậy mình có của”, khinh miệt người nghèo khó (x. 1 Tm 6,9), và tìm vinh quang cho chính mình (x. Ga 7,18). Tinh thần thế gian “còn làm cho tâm trí ra mù quáng, khiến không thấy bừng sáng lên Tin Mừng nói về vinh quang của Đức Kitô, là hình ảnh Thiên Chúa” (2 Cr 4,4).
Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu Rôma: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2).
Như thế, tinh thần thế gian làm cho chúng ta không còn khả năng phân định cái gì tốt, cái gì xấu, cái gì hoàn hảo, cái gì làm đẹp lòng Thiên Chúa, và đó chính là nguyên nhân của mọi hủy diệt, vì không nhận ra “lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển” (1 Cr 2,7), bởi “con người sống theo tính tự nhiên”, tức sống theo tinh thần thế gian, “thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa, vì cho đó là điên rồ; họ không thể biết được, bởi phải nhờ Thần Khí mới có thể xét đoán. Nhưng con người sống theo Thần Khí thì xét đoán được mọi sự, mà chẳng có gì xét đoán được người đó”. Và thánh tông đồ dân ngoại qủa quyết: “Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa, để chỉ vẽ cho Người? Còn chúng tôi, chúng tôi được biết tư tưởng của Đức Giêsu”
(1Cr2,14-16).
Cũng thánh Phaolô, một lần nữa trình bầy rất rõ ràng tinh thần thế gian trong thư gửi giáo đoàn Êphêxô: “Anh em đã chết vì những sa ngã và tội lỗi của anh em. Xưa kia anh em đã sống trong đó, theo trào lưu của thế gian này, theo tên thủ lãnh nắm quyền lực trên không trung, tên ác thần hiện đang hoạt động trên những kẻ không vâng phục. Tất cả chúng tôi xưa kia cũng thuộc hạng người đó, khi chúng tôi buông theo các đam mê của tính xác thịt, thi hành những ước muốn của tính xác thịt và của trí khôn. Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa như những người khác” (Ep 2,1-3).
Thực vậy, tinh thần thế tục có mặt khắp nơi, ngay trong lòng Giáo Hội, bởi nó ở ngay trong tâm hồn con người. Nó làm yếu đi sức mạnh, làm giảm đi nhiệt huyết, làm thối chí, ngã lòng, làm xáo trộn, đổ vỡ, làm phôi phai, tàn lụi những gì tốt đẹp ở người môn đệ, và công trình của Thiên Chúa nơi loài người.
Trước cuồng phong của tinh thần thế gian xem ra đang ở thế thượng phong áp đảo, chúng ta phải làm gì?
1. Hãy là những người con bé nhỏ để được thương xót, tha tội:
Khác biệt giữa người lớn và trẻ em là tính kiêu hãnh, tự mãn, tự phụ, vì người lớn thì dưa vào sức mình, còn trẻ em thì biết mình nhỏ bé, yếu đuối, không tự mình làm được nhiều việc, nên luôn trông cậy, và dựa vào tình yêu, lòng tốt của cha mẹ, và người khác.
Cũng vì biết mình cần cha mẹ, người khác, nên khi làm sai, làm không được, trẻ em không cảm thấy “mất mặt” bị tổn thương, hay ngại ngùng xin lỗi. Trái lại, sự nhỏ bé làm cho em đơn sơ tin tưởng, hồn nhiên phó thác và sẵn sàng nhận lỗi, sửa sai, mà không tự ái, mặc cảm, dỗi hờn, bực tức, nổi giận với chính mình , hoặc đổ lỗi cho người khác.
Thánh Gioan khuyên chúng ta hãy sống bé nhỏ giữa những cạm bẫy của thế gian khi gọi giáo dân của ngài là “những người con bé nhỏ” của ngài, và cũng là “những người con bé nhỏ của Thiên Chúa”: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính. Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi của cả thế gian nữa (1Ga 2, 1-2), và liên tiếp, ngài dùng danh xưng “những người con bé nhỏ » (x. 1 Ga 2,12.14.18.28 ;3,7.18 ;4,4 ; 5,21), như năn nỉ chúng ta hãy trở thành những người con thơ của Chúa và mang lấy tinh thần bé nhỏ của Tin Mừng, vì chúng ta biết chắc rằng: Thiên Chúa gìn giữ chúng ta và Ác Thần không làm gì chúng ta được, bởi “chúng ta thuộc về Thiên Chúa” (1 Ga 5,19); bởi “Đấng ở trong anh em mạnh hơn kẻ ở trong thế gian” (1Ga 4,4); bởi “anh em được tha tội nhờ danh Đức Giêsu Kitô” (1Ga 2,12); bởi “chúng ta được mạnh dạn, chứ không bị xấu hổ, vì phải xa cách Người trong ngày Người quang lâm” (1Ga 2,28).
Tinh thần bé nhỏ của người thuộc về Thiên Chúa đi ngược với tinh thần kiêu căng của thế gian, vì thế gian chỉ tìm quyền thế, vinh quang, và thụ hưởng. Chỉ người có tinh thần bé nhỏ, tinh thần khiêm nhu như chiên con hiền lành mới được Thiên Chúa yêu thương, gìn giữ, thương xót thứ tha mọi yếu đuối, lỗi lầm.
Trong kinh Tán Tụng, Đức Maria đã làm nổi bật tinh thần bé nhỏ của người nữ tỳ Chúa, và tinh thần bé nhỏ, khiêm nhu chính là nền tảng của đời sống người Kitô hữu, mà Đức Maria là gương mẫu lý tưởng (x. Lc 1, 46-56).
2. Hãy là những người con bé nhỏ để được bình an trong đức tin:
Thế gian không bình an, người thế gian không an bình, bởi trong thế gian chỉ có những người muốn làm lớn, làm lãnh tụ, “ăn trên ngồi trước”, cưỡi đầu cưỡi cổ thiên hạ, bắt người khác phục dịch, hầu hạ, làm theo ý mình, mà ít có người chịu làm người bé nhỏ, hiền lành, khiêm nhường , phục vụ người khác. Thế gian tranh gìành, đấu đá, vì tinh thần thế gian là thống trị, sở hữu, nên ai cũng tìm cho mình quyền cao chức trọng không phải để phục vụ nhưng để thu về một mối cho mình, gom về tất cả dưới trướng của mình, để toàn quyền thao túng, sinh sát trên mọi người.
Chính vì phải tranh giành, đấu đá để có quyền, nắm quyền, giữ quyền, cầm quyền, mà chiến tranh bùng nổ từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, từ gần ra xa, từ quê ra tỉnh, từ quốc gia đến toàn cầu, và cuộc chiến tang thương, đẫm máu nhất chính là cuộc chiến ngay trong tâm hồn người mang tinh thần thế tục với những ham muốn bất chính và kiêu căng.
Trái ngược với những người thuộc về thế gian, người con bé nhỏ của Thiên Chúa với tinh thần của Tin Mừng luôn bình an, vì không tìm kiếm danh lợi thú, là những ngòi nổ của chiến tranh, những nguyên nhân đưa đến mất an bình khởi đi từ tâm hồn.
Đức Giêsu đã ban bình an cho các tông đồ, và hết những người Ngài gặp sau khi sống lại, và tất cả những người nhận được ơn bình an phục sinh của Ngài đều là những con người bé nhỏ của Thiên Chúa: họ bé nhỏ trước những đua tranh quyền lực, vinh quang của những người vừa giết Đức Giêsu và tiếp tục truy lùng, làm khó dễ họ; họ bé nhỏ vì là một nhóm rất nhỏ, tay không tấc sắt, không tiền của, không ảnh hưởng, không thế lực tôn giáo, chính trị; họ bé nhỏ vì là thiểu số đi theo Đức Giêsu chỉ vì tin vào Ngài: họ bé nhỏ nên tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, mà không tin vào mình, hay tin vào thế lực của thế gian; họ bé nhỏ nên tin vào những việc Đức Giêsu đã làm, và Lời Đức Giêsu dậy: “Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất, mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu qúy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở thế gian này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ qúy trọng người ấy” (Ga 12,24-26), và tâm hồn họ sẽ được bình an giữa những tấn công dữ dội của thế gian, vì có Lời Hứa của Đức Giêsu bảo đảm: “Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh của thế gian này sắp bị tống ra ngoài! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,31-32).
Cũng vì bé nhỏ, họ tuyệt đối nương dựa vào sức mạnh của Đức Giêsu bênh đỡ, bởi Thủ Lãnh của thế gian “không làm gì được Thầy” (Ga 14,30), vì “Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi” (Ga 16,11), và dù “trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan, khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16). Thực vậy, “Thầy nói với anh em những điều này để trong Thầy, anh em được bình an”
(Ga 16,33).
Do đó, chỉ có những người bé nhỏ, có tinh thần thơ ấu của Tin Mừng mới nhận được ơn bình an của Đức Giêsu phục sinh, dù sống giữa thế gian tràn ngập hỗn loạn những bất công, bất chính, bất nhân, bất nghiã; chỉ tâm hồn đơn sơ, nghèo khó của người bé nhỏ mới có đất cho đức tin nẩy mầm, lớn lên, đơm hoa kết qủa, và mới có chỗ cho Đức Giêsu và Thần Khí của Ngài cư ngụ. Nhờ thế, họ mới “tỉnh thức, đứng vững trong đức tin, sống xứng đáng, ăn ở kiên cường và làm mọi sự vì đức ái” (x. 1 Cr 16,13).
Vâng, thế gian ngày càng đua chen, tranh giành vinh quang, quyền thế và trở nên kiêu căng, ngang ngược, ngạo mạn. Tinh thần thế gian cũng vì thế ngày càng len lỏi sâu hơn vào đời sống của người môn đệ Đức Giêsu và phá hoại công trình cứu thế của Ngài. Khi cảnh giác nguy cơ của tinh thần thế tục, Đức Giêsu muốn chúng ta trở nên những đứa con bé nhỏ của Thiên Chúa để tuyệt đối tin vào Ngài, và kiên trì làm chứng sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng đã thắng thế gian, bằng tinh thần hiền lành, khiêm nhường của trẻ thơ để không quên Lời thì thầm của Đức Giêsu trước khi lên đường chịu chết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy” (Ga 13,33). “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1), vì “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Jorathe Nắng Tím