Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2020

CON: NỢ HAY PHÚC?


Viết về con cái ở bất cứ tuổi nào, người ta cũng cảm thấy có một điều gì không ổn: không ổn vì những khẳng quyết không hẳn sẽ là định lý, quy luật; không ổn vì những “vô thường” có thể làm thay đổi mọi dự đoán, phỏng định; không ổn vì xác xuất thành công - thất bại trồi sụt, lên xuống theo từng thời vụ. Vì lý do này mà câu hỏi khó nghe “con là nợ hay phúc?” ít nhiều đã một lần làm cha mẹ chùng lòng suy nghĩ.
Có những đứa con ngoan ngoãn, thông minh mang lại vinh dự cho gia đình và không làm cha mẹ phải qúa lo âu, vất vả. Nhưng cũng không thiếu những cha mẹ phải khốn đốn, ô nhục vì con. Hình ảnh những người mẹ lặn lội thăm nuôi con bị giam trong các  trại giáo huấn trẻ vị thành niên, những người cha  nét mặt chai sạn, sầu buồn, thất vọng nhìn con trước “vành móng ngựa” ở toà án; rồi những cảnh con đâm cha, giết mẹ, con chiếm đất, chiếm nhà… Tất cả đã đặt cha mẹ trước nỗi buồn man mác khi nghĩ đến tương lai của con mình.
Nhiều người mẹ tay ôm con thơ mà lòng dạ đã xa xôi về một ngày con không còn ngoan hiền, vâng lời mẹ. Ẵm bé trên tay mà tâm tư cha đã thoáng buồn khi nghĩ ngày mai khi con lớn không biết có còn diễm phúc chuyện trò với con… Và bất chợt ý nghĩ con sẽ hết là con, nhưng sẽ là nợ cha mẹ phải trả…
Trả cho Trời, cho người, cho con hay cho ai khác thì không biết, nhưng ý tưởng con là nợ đã là ý tưởng thường gặp trong các gia đình. Trước những gánh nặng bổn phận và khả năng có giới hạn, cha mẹ dường như muốn đầu hàng, đảo ngũ khỏi đời làm mẹ cha vì không còn cam nổi những đắng cay do con cái mang lại.Những cuộc đầu hàng sớm là phá thai, bỏ con, bán con. Những cuộc tháo lui trễ là từ con, xa lánh con.
Trước những cha mẹ coi con là nợ, chúng ta chỉ biết cảm thông và tìm cách nâng đỡ, vì có thể tình cảnh đó cũng có thể xẩy đến với ta khi con cái hoang đàng, sa đoạ đến mức không còn chịu nổi. Cảm thông những người cha không còn quyền làm cha trên con mình khi con ngang ngược, bất hiếu. Nâng đỡ những người mẹ không còn được là mẹ trong đời của những đứa con quên cội nguồn.  Ở vào hoàn cảnh đau thương của những cha mẹ bất hạnh, ta mới thấm thiá khổ đau của đời làm cha làm mẹ.
Khi đề cập đến chuyện: con có thể là nợ, món nợ cha mẹ đã vay từ thưở nào, có khi từ nhiều kiếp trước nhưng nay phải trả, chúng ta muốn căn dặn nhau một điều: đó là không nên qúa kỳ vọng ở con, cũng đừng quá trông cậy ở con. Không quá kỳ vọng cũng như không qúa bám víu vào con, cha mẹ sẽ tránh cho mình những thất vọng vô ích làm khổ chính mình. Sinh con, nuôi con, dậy con như bổn phận cũng có thể được hiểu là trả cho  đời một món nợ thiêng liêng. Vấn đề là cha mẹ sẽ trả món “nợ đời” ấy với thái độ nào? Thái độ hằn học, bất đắc dĩ hay thái độ vui vẻ, lương thiện, công bằng ?
Thực ra, coi con cái là món nợ là điều không cha mẹ nào muốn, và khi bất đắc dĩ phải nghĩ điều này, cha mẹ biết mình đã chọn điều “chẳng muốn và cũng chẳng nên chọn”; nhưng vì bị gài vào thế “chẳng đặng đừng” nên đành phải liều nghĩ một cách rất tiêu cực như thế để tâm hồn được phần nào nguôi ngoai trước những căng thẳng, nặng nề tưởng không gì có thể cất nhẹ được. Tư tưởng của nhà Phật về nợ cũng đóng góp làm vơi đi phần nào sầu khổ trong tâm hồn những cha mẹ không còn chút niềm vui và hy vọng ở con cái.
Nhưng chúng ta không dừng ở đây, không đầu hàng định mệnh cách qúa dễ dàng nhưng với niềm tin vào ơn gọi làm người của con cái, tin vào ơn gọi được cộng tác với Trời trong công trình cho loài người sinh sôi nẩy nở, chúng ta  nhìn con cái với đôi mắt của tình yêu tích cực, tình yêu  hy sinh, tình yêu hồi sinh để con cái sẽ không là món nợ, nhưng là ơn phúc.    
Với đôi mắt tình yêu tích cực, con cái sẽ là cây phúc được trồng trên đất lành, đất  tốt của tình yêu cha mẹ. Với đôi mắt của tình yêu hy sinh, con cái sẽ là nguồn phúc chảy trong trái tim và cuộc đời cha mẹ. Với đôi mắt của tình yêu hồi sinh, cha mẹ cho con cái ơn phúc được yêu thương, cứu chữa. Bởi thế nào đi nữa, “duyên phận” giữa cha mẹ và con cái là duyên Trời định, nên vĩnh viễn không thể tách rời.
Cây phúc, nguồn phúc, hạnh phúc ấy không tự nhiên mà có, không bỗng nhiên hiện diện, cũng không sinh sản, lớn lên như cây cỏ trong thiên nhiên; nhưng đòi được tình yêu cưu mang, hy sinh nuôi dưỡng, kiên nhẫn giáo dục. Cây phúc vì thế sẽ chết non, héo tàn khi tình yêu không là nước tưới hằng ngày, không là khí trời cho cây tươi tốt; nguồn phúc ấy cũng sẽ khô cạn nếu hy sinh không như nước từ trái tim cha mẹ  đổ  về; và hạnh phúc được hồi sinh nơi con cái cũng sẽ bất hạnh chết  rũ nếu bóng con không còn được tình mẹ cha dõi bước.  
Tình mẹ cha là tình của biển cả vì chỉ biển cả mới hiểu phần nào cái bao la của tình cha mẹ. Tình ấy bao la vì tình ấy không tính toán, so đo, không kèo nài trả giá. Tình ấy bao la vì tình ấy không bị giới hạn bởi bất cứ một thứ biên giới nào; đến ngay cả sự chết cũng bất lực và phải dừng lại trước tình vĩnh cửu và toàn năng ấy. Cũng vì bao la, vĩ đại mà tình mẹ cha mang hết  tội lụy, yếu đuối, thiếu sót, lỗi lầm, dại dột, ngu ngơ, khờ khạo  của đời con; bởi chỉ có đại dương của tình cha mẹ mới dám đón những rủi ro, xác xuất trồi sụt bất thường của tình yêu nơi con cái mình và cũng chỉ trong liều lĩnh hy sinh, gan lì chịu đựng, tình mẹ cha mới thực là tình tuyệt vời, thiên thu.

CÙNG MẸ RA KHƠI

Mừng Lễ ĐỨC MẸ Hồn Xác Về Trời

Mừng Mẹ hồn xác về trời, cũng là ngày Hãy Ra Khơi tròn 2 tuổi. Hai tuổi chập chững loan báo Tin Mừng trên đường phố, hai năm lẫm chẫm từng bước nắm chặt tay Mẹ cùng Giáo Hội làm chứng Đức Giêsu giữa đời, hai năm theo Mẹ lên thuyền Ra Khơi lưới cá người, hai năm được Mẹ dậy yêu thương, tha thứ, hai năm học với Mẹ tinh thần qủang đại, khiêm hạ dám xóa mình để có thể chung vai sát cánh  cùng anh chị em phục vụ Nước Trời.

Mừng Mẹ hồn xác về trời, chúng con cùng sứ thần Gabrien và Giáo Hội kính chào Mẹ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Mẹ, Mẹ có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu, Con lòng Mẹ đầy phúc lạ.

Mẹ đầy ơn phúc vì Mẹ tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với Mẹ (x. Lc 1,45). Vì tin Mẹ đã  tín thác và can đảm đáp lại đề nghị của thiên sứ bằng lời Xin Vâng khiêm hạ: Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói (Lc 1,38); vì tin, Mẹ đã không mảy may nghi ngờ quyền năng của Thiên Chúa, bởi đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được (Lc 1,37); vì tin, Mẹ đã  chấp hành lệnh kiểm tra dân số của hoàng đế Augúttô, khi rời Nadarét về Bêlem dù  ngày sinh đã cận kề, ở đó Mẹ đã sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt trong máng cỏ, vì không tìm được chỗ trong nhà trọ (Lc 2,7); vì tin, Mẹ đã một mình giữ lấy trong lòng lời tiên tri như lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn của cụ già Simêon về Hài Nhi Giêsu, Con Mẹ (x. Lc 2,34-35).

Mẹ đầy ơn phúc, vì Mẹ đã khiêm nhường, tự hạ, sống trọn ơn gọi nữ tỳ của Thiên Chúa, và suốt đời Mẹ đã là Lời Kinh Tán Tụng  Ngợi Khen trong niềm vui của phận nữ tỳ hèn mọn được Thiên Chúa đoái thương nhìn tới, với hạnh phúc tràn đầy của người được Chúa thương xót, vì kính sợ Ngài (x. Lc 1,46-50).

Mẹ đầy ơn phúc, vì Mẹ đã tuyệt đối tin tưởng ở Thiên Chúa quan phòng, Đấng cho kẻ nghèo đói của ăn đầy dư, và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường (x. Lc 1,52-53), khi nhận ra đời mình là Hồng Ân, và không ngừng dâng lời cảm tạ, vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! (Lc 1,49).

Mẹ đầy ơn phúc, vì Mẹ không rời xa Thiên Chúa dù một giây ngắn ngủi suốt cuộc đời, nhưng toàn tâm, toàn ý, toàn thân thuộc về Thiên Chúa. Từ khi là bào thai trong lòng mẹ thánh Anna đến ngày được Thiên Chúa cho cả hồn xác về trời, Mẹ luôn có Thiên Chúa ở cùng, như lời chào của sứ thần Gabrien ngày truyền tin. Có Chúa ở cùng, khi Mẹ mang thai Đức Giêsu; có Chúa ở cùng suốt ba mươi năm nuôi dưỡng, dậy dỗ Đức Giêsu ở Nadaét; có Chúa ở cùng ba năm dong duổi với Con trên đường truyền giáo; có Chúa ở cùng trên từng bước Đường Khổ Nạn; có Chúa ở cùng dưới chân Thánh Giá trên đồi Canvê chiều tử nạn; có Chúa ở cùng khi ôm xác con loang máu; có Chúa ở cùng ngày Con sống lại từ cõi chết; có Chúa ở cùng khi Thánh Thần hiện xuống; có Chúa ở cùng giữa các tông đồ, môn đệ; có Chúa ở cùng giữa cộng đoàn tín hữu cầu nguyện, bẻ bánh, làm chứng Đức Giêsu chịu đóng đinh đã sống lại; có Chúa ở cùng trong Giáo Hội được sai đi loan báo Tin Mừng; có Chúa ở cùng như Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội, Mẹ các Tín Hữu, Mẹ Nhân Loại; có Chúa ở cùng như Đấng bênh đỡ, bầu chữa, chở che kẻ có tội; có Chúa ở cùng như Mẹ hiền giờ con cái hấp hối lâm chung để bênh đỡ, chuyển cầu, đáp lời van xin: Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử  

Mẹ đầy ơn phúc, vì Mẹ luôn hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ(Lc 1,46), và đời Mẹ là đời vui trong Chúa, vì Thiên Chúa là Nguồn Vui Ơn Cứu Độ. Trong Thiên Chúa, Mẹ hớn hở reo mừng, vì Thiên Chúa hằng trung tín luôn giữ Lời Hứa và nhớ lại lòng thương xót của Ngài dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời (Lc 1,55), bởi chỉ  người tin ở Lời Hứa  của Thiên Chúa giầu lòng xót thương, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung » mới có bình an và niềm vui sâu lắng, đích thực, viên mãn.

Mừng Mẹ hồn xác về trời, chúng con xin mãi được Cùng Mẹ Ra Khơi, như suốt hai năm qua, chúng con đã không bao giờ quên sự hiện diện từ ái của Mẹ trên thuyền Ra Khơi loan báo Tin Mừng, vì Ra Khơi không thế thiếu Mẹ, như Đức Giêsu đã không thể nhập thể, thập thế nếu thiếu cung lòng và trái tim yêu mến, khiêm hạ của Mẹ; các Tông Đồ không thể an tâm, vững chí vượt qua thử thách nếu không có Mẹ ở giữa các ngài; các tín hữu không thể trung thành trước cám dỗ, thách đố, nếu không có Mẹ đồng hành chỉ bảo,nâng đỡ, ủi an.

Mừng Mẹ hồn xác về trời, chúng con khấn xin Mẹ tiếp tục chèo chống cánh thuyền Ra Khơi nhỏ bé của các con Mẹ, và hãy luôn là Ngôi Sao sáng  không chỉ soi lối cho con lúc vượt biển thế gian, mà còn soi đường chỉ lối cho thuyền ra sâu, sa xa đến với anh em chưa nghe Tin Mừng, chưa biết Thiên Chúa yêu thương và cứu độ họ.

Mừng Mẹ hồn xác về trời, chúng con ngước trông và dõi theo bóng Mẹ đang tiến lên như rạng đông, đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời, oai hùng như đạo binh xếp hàng vào trận để xin Mẹ gìn giữ Giáo Hội Việt Nam, cùng hàng Giáo Phẩm, Giáo Sĩ, Tu Sĩ, Giáo Dân giữa bao cạm bẫy hiểm nguy của Hoả Ngục mà chỉ một mình Mẹ biết rõ những gì  Giáo Hội cần, những việc Giáo Hội phải làm  trong từng tình huống, ở từng giai đọan như Mẹ đã cảm thương, thấu hiểu hoàn cảnh bế tắc, và kín đáo xin Đức Giêsu, Con Mẹ can thiệp làm phép lạ hoá nước thành rượu ngon, để niềm vui của đôi tân hôn và gia đình hai họ được trọn vẹn, khi bất ngờ hết rượu giữa tiệc cưới ở làng Cana năm xưa (x. Ga 2,1-11).

Mừng Mẹ hồn xác về trời, xin Mẹ cho chúng con luôn được ở với Mẹ, bám chặt lấy Mẹ như Tông Đồ Gioan xưa để không bao giờ xa Đức Giêsu, Con Mẹ, không dại dột chối Đức Giêsu như Phêrô, bán Đức Giêsu như Giuđa, phỉ báng, hành hạ, lên án, đóng đinh Đức Giêsu như chính chúng con, vì không có Mẹ ở bên khuyên răn, can ngăn, chỉ bảo.

Mừng Mẹ hồn xác về trời, chúng con xác tín và tuyên xưng đức tin tông truyền và lòng trung thành, yêu mến phục vụ Giáo Hội của Đức Giêsu, mà Mẹ hằng gắn bó, có mặt hộ phù, để trái tim chúng con luôn rộng mở không chỉ đối với những anh chị em cùng được sai đi, cùng lên thuyền với Đức Giêsu, Giáo Hội và Mẹ Ra Khơi loan báo Tin Mừng, mà còn đối với tất cả mọi người, bất phân chủng tộc, chính kiến, giai tầng xã hội đang trên đường đi tìm Nước Trời, với tâm hồn qủang đại, thiện chí trướcTin Mừng Cứu Độ.

Và sau hết, lậy Mẹ mến yêu, Nữ Vương các Giáo Hữu Việt Nam, xin cầu bầu cùng Chúa và ban ơn Bình An cho các gia đình, giáo xứ, giáo phận và toàn thể dân tộc, quê hương, đất nước chúng con ngày càng gặp nhiều khó khăn, thử thách đủ loại, đủ phía, vì chỉ có Mẹ mới làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy ở chốn khách đầy, thung lũng nước mắt, biển đời sóng gió hiểm nguy này. 

Jorathe Nắng Tím