Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2018

CHA MẸ YÊU THƯƠNG (Lời Ngỏ)

   

Trong các cuộc hội thảo về gia đình, người ta có khuynh hướng đặt con cái làm đối tượng hàng đầu, và hăng say phân tích tâm lý, hành động, đời sống của chúng, đến nỗi nhiều cuộc thảo luận về gia đình đã bỏ quên cha mẹ, làm như gia đình hạnh phúc hay bất hạnh, bình an hay xào xáo đều do con cái. Có nhiều lý do để cha mẹ bị lãng quên không chỉ trong phòng hội nghị, trên đề án thảo luận mà còn trong thực tế : cha mẹ bị lãng quên, vì chính cha mẹ muốn được lãng quên, khi thấy mình có nhiều vấn đề, những vấn đề tiêu cực, tế nhị không tiện phơi bày trước con cái, hay tương quan giữa cha mẹ và con cái đang trong tình trạng bất ổn, bất mãn; cũng có thể cha mẹ bị lãng quên, vì người ta vô tình bỏ sót, hay đánh giá thấp vai trò phụ mẫu trong việc hình thành nhân cách của con cái. 


   Thế nào đi nữa thì cha mẹ cũng ít nhiều bị lãng quên, và đáng tiếc hơn khi chính cha mẹ lãng quên ơn gọi, vai trò, bổn phận, lý tưởng làm cha mẹ của mình: quên mình là cha mẹ của những đứa con đang sống rất thực, rất cụ thể trong những hoàn cảnh rất đặc thù, cá biệt; quên mình phải đáp ứng những nhu cầu và đòi hỏi của những con người gọi mình là cha mẹ; quên giá trị cao quý của người đồng cộng tác với Thượng Đế trong việc sinh ra những con người mới. Tập chia sẻ “Cha Mẹ Yêu Thương” được viết trong mùa Vu lan, mùa nhớ ơn cha mẹ, mùa con cái báo hiếu mẹ cha, người viết muốn được cùng bạn đốt nén hương lòng tạ ơn cha mẹ sinh thành, cảm tạ tình mẹ bao la, tình cha hải hà, bằng tự nhắc nhớ “cha mẹ là yêu thương”: yêu thương cho con vào đời, yêu thương cho con nên người, yêu thương cho con làm người hạnh phúc.
      Quý độc giả vui lòng đọc chương 1 :  http://tinmungduongpho.blogspot.com/search/label/CMYT-chuong1

SỐNG NHƯ NGÀY MAI PHẢI CHẾT!



SỐNG NHƯ NGÀY MAI PHẢI CHẾT!
  Đêm qua tôi trải qua một cơn ác mộng, trong mơ tôi thấy mình bị ung thư giai đoạn cuối (có lẽ tôi đã bị ám ảnh vì mấy ngày qua trên mạng có quá nhiều tin tức về một nữ diễn viên xinh đẹp bị mắc bệnh ung thư phổi ở độ tuổi còn quá trẻ). Cũng trong mơ, tôi đã  lập ngay cho mình một chương trình phải làm gì, đi đâu, gặp ai trong những ngày cuối đời. Giật mình thức giấc, tôi vui mừng vì biết đó chỉ là giấc mơ nhưng cũng không tránh khỏi chút lo âu và suy tư. 
      Mà giả sử như đó không là giấc chiêm bao nhưng là sự thật đến với tôi thì sao nhỉ ? 
      Chắc chắn tôi sẽ bật khóc và rất hoang mang, sợ hãi ngay khi được bác sỹ cho biết mình mắc căn bệnh quái ác khó chữa này. Và sau đó sẽ là những chuỗi ngày “không còn bình thường” nữa. Không bình thường vì lẽ đó là những ngày cuối cùng của một đời người ; không bình thường vì ít ai có thể an vui tự tại, bình tĩnh sống khi đã có trong tay tờ giấy bảo lãnh đi diện “đoàn tụ ông bà”; không bình thường vì phải hối hả làm cho xong nhiều việc với quỹ thời gian hạn hẹp còn sót lại. Quả thật, đa phần những người khi biết mình mang “án tử” đều ít nhiều thay đổi cách sống của mình với cái nhìn khác hơn về cuộc đời, về con người. 
      Và tôi cũng thế, nếu biết mình mang căn bệnh hiểm nghèo khó chữa đó, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là sẽ yêu cuộc sống này nhiều hơn vì thói thường người ta hay xem thường những cái đang có nhưng lại rất trân quý nó khi sắp mất . 
      Từ chỗ yêu cuộc sống tôi cũng sẽ yêu người nhiều hơn. Sẽ không còn trách móc, giận hờn, xét nét người thân mà thay vào đó sẽ là thông cảm, yêu thương và bao dung. Với người chung quanh, những chỉ trích, ganh ghét, oán thù sẽ được nhường chổ cho hiểu biết, rộng lượng và thứ tha. 
      Khi biết mình sắp chết, người ta thường tìm đến với tôn giáo, xem đó là nơi nương tựa cuối cùng cần bám víu và cũng nghĩ đến tội phước nhiều hơn. Người ta sẽ siêng đi lễ nhà thờ cầu nguyện, năng đến chùa nghe kinh, giảng pháp. 
     Và tôi cũng không ngoại lệ vì biết thời gian còn lại của mình không còn nhiều, tôi sẽ tranh thủ làm nhiều việc thiện, tu thân tích đức nhiều hơn với ước mong được sám hối phần nào những tội lỗi trong đời sống của mình .
    Đối diện với cái chết, tôi sẽ không còn tâm trí để toan tính thiệt hơn, ăn thua với người, cũng không thể dùng những lời cay độc làm tổn thương một ai, lại càng không thể vô tâm xử sự ác độc hại người . 
    Nghĩ đến đây, một lần nữa tôi lại giật mình và tự hỏi : “Tại sao mình phải chờ đến khi mắc bệnh, đợi đến lúc sắp chết mới sống thiện lành như vậy?”
    Đúng vậy, tại sao không phải là bây giờ, ngay giờ phút hiện tại mà phải đợi đến khi sắp chết? Mà đã có ai được biết ngày mình chết đâu mà chờ với đợi? Vậy thì nên chăng chúng ta hãy sống như ngày mai phải chết ? 
   Mỗi sớm mai thức dậy ta hãy dành một ngày với trọn vẹn yêu thương cho người thân trong gia đình. Một ánh mắt trìu mến, một nụ cười thân thương, một lời nói dịu dàng ấm áp và trên tất cả là một chân tình rộng lượng, bao dung dành cho nhau.
   Mỗi sớm mai thức dậy ta hãy sống một ngày dễ thương với người chung quanh. Một cái nhìn hiểu biết, một đôi tai biết lắng nghe và một tấm lòng rộng mở để cảm thông, quảng đại và tử tế hơn với người . 
    Mỗi sớm mai thức dậy hãy cám ơn đời bằng một việc làm thiện ích. Trao một nụ cười cho người đang buồn, nói một lời dễ thương với người đang khổ, dành một chút giờ đến thăm người bất hạnh. 
    Mỗi sớm mai thức dậy hãy ý thức thời gian là hạn hẹp để đừng phung phí vào những chuyện thị phi, ganh ghét, hơn thua. 
    Mỗi sớm mai thức dậy hãy tận hưởng cuộc sống tươi đẹp với niềm vui mình được bắt đầu thêm một ngày nữa để yêu thương. 
    Và như thế, nếu ngày mai “vô thường” có đến ta sẽ thanh thản nhẹ nhàng, không có gì hối tiếc vì đã sống trọn vẹn thương yêu.