Giáng
Sinh là Niềm Vui khôn tả cho cả đất trời, vạn vật : vui trên trời, vui dưới
thế, thần thánh vui, nhân loại vui, thảo mộc vui, động vật vui, toàn thể vũ trụ
vui như lời thánh vịnh : “Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng,
biển gầm vang cùng muôn hải vật, ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ” Tv 95,11-12).
Vui
vì “Thiên Chúa đã đóai
thương đến viếng thăm cứu chuộc dân Người” (Lc 1,68) ; vui vì biết mình được Thiên Chúa đến cứu như
lời thiên thần nói với các mục đồng ở cánh đồng Bêlêm đêm Giáng Sinh: “Tôi báo cho anh em một tin mừng
trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã
sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2, 10-11).
Tin
Mừng được các thiên thần loan báo trong đêm Giáng Sinh đã mặc khải bản tính
Thiên Chúa của Đức Giêsu : Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng được sai đến trong
thế gian để cứu chuộc nhân loại, Đấng mà các ngôn sứ đã loan báo từ ngàn năm
trước : “Này đây, một
Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là “Emmanuen”, nghiã là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23), Ngài là “ơn
cứu độ Chúa dành sẵn cho muôn dân”
(Lc 2,30-31), “Đấng sẽ cứu
ta khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét…, soi sáng những ai ngồi nơi
tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta vào đường nẻo bình an” (Lc 1,71.79).
Tin
Mừng Giáng Sinh ấy cũng là trung tâm, là trái tim của lời rao giảng, như thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại đã giảng cho
người Do Thái : “Thiên
Chúa đã cho ông Đavít xuất hiện làm vua cai trị. Người đã làm chứng về ông rằng :
Ta đã tìm được Đavít, con của Giesê, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý
muốn của Ta. Từ dòng dõi vua này, theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho
Ítraen một Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu”
(Cv 13,22-23). Và như Phêrô, tông đồ trưởng, vào ngày lễ Hiện Xuống, trước đông
đảo dân chúng đã lớn tiếng rao giảng : “Toàn thể nhà Ítraen phải biết chắc điều này : Đức
Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa, và
làm Đấng Kitô” (Cv 2,36).
Đặc
biệt Tin Mừng Cứu Độ ấy đã đuợc loan báo ngay giây phút đầu của Mầu Nhiệm Nhập
Thể, khi Đức Giêsu vừa sinh ra cho những người canh giữ chiên cừu ở cánh đồng Bêlem.
Những
người chăn giữ chiên cừu này trong bối cảnh xã hội Do Thái thời đó bị coi như “không trong sạch”, bởi nghề nghiệp của họ không
cho phép họ được vào các hội đường để cầu
nguyện và nghe cắt nghiã Kinh Thánh. Họ bị xếp đồng hạng với những người thu
thuế tội lỗi, những người làm việc cho đế quốc ngọai bang.
Thánh
sử Luca, dọc suốt Tin Mừng của Ngài, đặc biệt trong trình thuật Giáng Sinh đã
giới thiệu Đức Giêsu như Dung Mạo đích thực của Chúa Cha giầu lòng thương xót,
như nhân chứng sống động của Thiên Chúa là Tình Yêu vô bờ bến, như Đấng Cứu Độ
nhân hậu, bao dung được sai đến với những người bé mọn, đau khổ, bị đời bạc
đãi, khinh bỉ, bỏ rơi, hành hạ, như chính Ngài đã xác nhận lời Kinh Thánh nói về
Ngài trong hội đường ở quê hương Nadarét (x. Lc 4,21) : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, để
tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị
giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do
cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).
Thực
vậy, niềm vui Giáng Sinh được nhân lên gấp bội, vì Ngôi Lời Thiên Chúa đã không
chỉ làm người, mà còn làm người nghèo hèn, yếu đuối, bé nhỏ và chọn những người
yếu đuối, bé nhỏ, nghèo hèn là những người đầu tiên được loan báo Tin Vui Nhập
Thế, Nhập Thể, những người thứ nhất được đón nhận niềm vui của “Thiên Chúa làm người và ở giữa
chúng ta”, những người được
Thiên Chúa tỏ lòng yêu thương đặc biệt, và dành cho vinh dự vượt xa mọi vinh dự
khi được gặp Hài Nhi Giêsu, Con Thiên Chúa làm người bằng xương bằng thịt vừa
sinh ra.
Như
những người chăn giữ chiên cừu được Thiên Chúa đặc biệt yêu thương, chúng ta
cũng được chung niềm vui Giáng Sinh với
các thiên thần, với Đức Maria và Thánh Giuse trong đêm nay, nếu chúng ta đón nhận
mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, khi nghe lời thiên thần “cùng nhau sang Bêlem” và nhận ra Hài Nhi Giêsu là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ
vô cùng nhân hậu, bao dung, qua dấu chỉ rất đơn sơ, yếu đuối, nghèo hèn của “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm
trong máng cỏ” (Lc 2,12), và
như những mục đồng ngay sau đó trên đường về “vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa”, và kể lại cho mọi người “những điều họ đã được mắt thấy
tai nghe” đúng như thiên thần
đã nói với họ (Lc 2,20).
Vâng,
niềm vui Giáng Sinh chính là niềm vui được là người có Đức Kitô, tức là người “Kitô hữu”, vì Thiên Chúa đã đến gặp, ở với, và mời gọi chúng
ta đi vào mầu nhiệm Nhập Thể của Ngài, để trở nên môn đệ, nhân chứng, người loan
báo Tin Mừng Cứu Độ của Ngài cho muôn dân và làm cho họ trở thành môn đệ
(x. Mt 28,19).
Jorathe
Nắng Tím